17/01/2023

Quá trình đi đến âm gian sau khi con người chết đi

Sau khi con người chết rồi sẽ đi đâu, sẽ trải qua những điều gì, và lại đầu thai như thế nào? Dưới đây là kể lại toàn bộ quá trình đi đến âm gian sau khi người ta chết đi.

Bài viết này không phải gieo rắc hoang mang cũng không phải là mê tín, những ai tin thì hoàn toàn có thể lý giải được, còn những ai không tin thì cũng có thể xem đây như là một truyền thuyết vậy. Sau khi chết chúng ta sẽ trải qua điều gì, xin hãy xem tiếp …

Dựa vào các nền văn hóa của tôn giáo phương Đông (Phật giáo và Đạo giáo), tương truyền rằng sau khi thọ mệnh người ta kết thúc, sẽ có quỷ sai của âm gian, cũng chính là Hắc Bạch Vô Thường đến dẫn hồn phách người ta xuống Quỷ Môn quan. Sau đó lại được Tứ đại Sứ giả của âm gian, cũng chính là Đầu Trâu Mặt Ngựa, dẫn vong linh đến Âm Tào Địa Phủ; tiếp đó được thẩm phán của chư vị Đại Phán quan của Thập Điện Diêm La dưới âm gian tiếp nhận. Cuối cùng mới quyết định vong linh là có thể đi vào cõi nào để tiếp tục luân hồi: hoặc là lên trời hưởng phúc lành, hoặc là tiếp tục đầu thai làm người nữa hoặc loại động vật nào đó, hoặc là bị đánh vào mười tám tầng địa ngục như trong truyền thuyết để chịu khổ hình.

Chặng đường đi xuống âm gian sau khi con người chết đi

Tương truyền, trong quá trình đi xuống âm gian sau khi người ta chết đi thì quan ải đầu tiên là qua Quỷ Môn quan rồi, liền phải đi qua một con đường gọi là đường Hoàng Tuyền, hai bên đường nở rộ một loại hoa đẹp, chỉ thấy hoa nở không thấy lá xanh, người cõi Dương gian gọi là hoa Bỉ Ngạn (hoa của cõi bên kia).

Con đường này cần phải đi rất lâu rất lâu, đến tận cuối con đường sẽ có một con sông nhỏ gọi là Vong Xuyên Hà. Trên sông có một chiếc cầu đá gọi là cầu Nại Hà, bờ đối diện bên kia của cây cầu có một gò đất gọi là Vọng Hương đài, bên cạnh Vọng Hương đài có một cái đình nhỏ gọi là đình Mạnh Bà. Ở đó có một người tên là Mạnh Bà trông chừng và đưa cho mỗi người qua đường một chén canh Mạnh Bà. Uống canh Mạnh Bà sẽ khiến người ta quên hết tất cả mọi chuyện.

Bên bờ sông Vong Xuyên còn có một tảng đá, gọi là Tam Sinh thạch (đá ba đời), ghi chép lại đời trước, đời này và đời sau của mỗi một người. Đi qua cầu Nại Hà, đứng trên Vọng Hương đài nhìn nhân gian một lần cuối cùng, sau đó mới đi vào cõi Âm Tào Địa Phủ.

Ải thứ nhất: Quỷ Môn quan


Sau khi con người chết đi, trước hết là do quỷ sai nơi âm gian Hắc Bạch Vô Thường dẫn ba hồn bảy phách đi, rồi giao cho quỷ Đầu Trâu Mặt Ngựa đẫn đến Quỷ Môn quan –  một quan ải cần phải đi vào cõi âm gian.

Ngạn ngữ có câu: “Quỷ Môn quan, mười người đi, chín người trở về”.

Trước Quỷ Môn quan có mười sáu quỷ lớn, truyền thuyết kể rằng Diêm La Vương đã đặc cách chọn ra một nhóm ác quỷ để trấn giữ cửa ải này, họ tra xét vô cùng hà khắc, nghiêm ngặt đối với những vong hồn dã quỷ tội ác đầy mình, bản tính hung ác không đổi; không để cho một ai có thể trà trộn đi qua quan này.

Lúc còn sống bất luận là quan chức quyền quý hay bá tánh bình dân, ai đã đến nơi đây đều cần phải tiếp nhận tra xét, xem xem có mang theo lộ dẫn – giấy thông hành đến quỷ quốc hay không, đây là căn cứ của người sau khi chết đi đến quỷ quốc báo danh.

Lộ dẫn dài 3 thước (90 cm), rộng hai thước (60 cm), được làm bằng giấy mềm màu vàng, mặt trên viết “Lộ dẫn do Phong Đô Thiên Vũ Diêm La Đại Đế phát cho và con người khắp thiên hạ, cần phải đi qua đường này, mới có thể đến Địa phủ chuyển thế thăng thiên”.

Đồng thời, trên mặt lộ dẫn có đóng ba dấu ấn của “thành hoàng Âm ty, phủ huyện Phong Đô”.

Phàm là người sau khi chết đưa vào quan tài hoặc trong lúc hỏa táng đốt bỏ nó, thì sẽ theo linh hồn đến Địa phủ.


Ải thứ hai: Đường Hoàng Tuyền


Qua khỏi Quỷ Môn quan, tiếp đó chính là phải đi qua một con đường Hoàng Tuyền dài đằng đẵng. Hồn phách của người ta đến âm gian báo danh sẽ phải đi một đoạn đường rất dài, qua rất nhiều quan, vì vậy đường Hoàng Tuyền (Suối Vàng) là tên gọi chung đối với những quan và lộ trình này.

Trên đường Hoàng Tuyền có hoa Bỉ Ngạn màu đỏ, từ xa mà nhìn thì giống như là tấm thảm máu trải dài, vì loài hoa này có màu đỏ như lửa nên được ví là “đường lửa chiếu rọi”. Cũng bởi nó là cảnh vật và màu sắc duy nhất trên con đường Hoàng Tuyền dài đằng đẵng này, nên mọi người cứ đi theo hoa này mà thông đến địa ngục của cõi u minh.

Dương thọ của con người đến rồi thì sẽ chết, đây là cái chết bình thường; người chết bình thường trước hết cần phải đi qua Quỷ Môn quan, hồn phách của người ta đi qua quan này rồi liền sẽ biến thành quỷ. Ngoài ra, trên đường Hoàng Tuyền còn có rất nhiều cô hồn dã quỷ, họ là những người dương thọ chưa hết mà chết bất đắc kỳ tử; họ đã không thể lên trời, cũng không thể đầu thai, càng không thể đến âm gian, chỉ có thể lang thang trên đường Hoàng Tuyền, đợi đến dương thọ kết thúc rồi mới có thể đến âm gian báo danh, nghe Diêm La Vương phán xét.

Ải thứ ba: Tam Sinh thạch

Trên đường đến âm gian sau khi con người chết sẽ qua một ải gọi là Tam Sinh thạch 

Bên cạnh cầu Nại Hà có tảng đá xanh tên Tam Sinh thạch (đá ba đời), chữ trên đá đỏ như máu, mặt trên có khắc bốn chữ lớn “Tảo Đăng Bỉ Ngạn” (sớm đến bờ bên kia). Nghe nói rằng, tảng đá này ghi chép lại đời trước, đời này và đời sau của mỗi một người. Nhân của đời trước, quả của kiếp này, duyên khởi duyên diệt, đều chất chồng mà khắc trên tảng đá ba đời.

Trăm nghìn năm nay, nó đã chứng kiến sầu khổ và mừng vui, bi ai và hạnh phúc, nụ cười và nước mắt, cho đến hết thảy những món nợ và những tình cảm phải trả của tầng tầng lớp lớp chúng sinh. Đứng trước tảng đá ba đời này là thấu tỏ hết.

Ải thứ tư: Vọng Hương đài


Vọng Hương đài, cũng chính là Thổ Cao đài, nơi có đình Mạnh Bà, là ở phía trước cây cầu, chứ không phải ở phía sau cây cầu.

Vọng Hương đài lại gọi là “Tư Hương lĩnh” (đồi nhớ quê).

Ở nơi này, có thể lên đài nhìn về ngôi nhà nơi dương thế, vậy nên nơi đây đã trở thành cửa sổ nhìn về Dương gian của quỷ hồn và Thánh địa, là nơi liên lạc tình cảm giữa người sống và người chết.

Truyền thuyết kể rằng, sau khi con người chết rồi, “ngày đầu tiền không ăn cơm nơi cõi người, ngày thứ hai liền qua Âm Dương giới, ngày thứ ba đến Vọng Hương đài, nhìn thấy người thân đang khóc lóc thảm thiết.”

Quỷ hồn đến trước địa phủ báo cáo, rất nhớ mong người thân nơi dương thế. Dù cho quỷ tốt giận dữ quát mắng, vẫn nhất quyết muốn lên Vọng Hương đài nhìn về quê nhà, khóc lớn một trận mới hết hy vọng và đi đến “Âm Tào Địa Phủ”.

Theo truyền thuyết, Vọng Hương đài là nơi mà vong hồn nhìn về dương thế tạm biệt người thân một lần cuối cùng. Lại có truyền thuyết rằng, kiến tạo của Vọng Hương đài nơi âm gian rất kỳ lạ, trên rộng dưới hẹp, mặt như cánh cung, lưng như dây cung ngang nhau, ngoài một con đường đá rất nhỏ ra, còn lại đều là núi đao rừng kiếm, hiểm trở vô cùng. Đứng ở trên đó, năm châu bốn biển đều có thể nhìn thấy.

Ải thứ năm: Vong Xuyên hà


Vong Xuyên hà còn gọi “Tam Đồ hà”, chắn ngang giữa đường Hoàng Tuyền và Âm phủ. Nước sông có màu đỏ như máu, bên trong hết thảy đều là cô hồn dã quỷ không được đầu thai, trùng rắn khắp nơi, những trận gió tanh hôi tạt thẳng vào mặt.

Đương nhiên, sau khi con người chết vì để kiếp sau có thể gặp lại người mình yêu thương nhất trong kiếp này, người ta có thể không uống canh Mạnh Bà, vậy cần phải nhảy vào Vong Xuyên hà, đợi trên nghìn năm mới có thể đầu thai.

Trong nghìn năm đó, hoặc có lẽ sẽ nhìn thấy người mà mình yêu thương nhất trong kiếp này đi trên đầu, nhưng không thể nói chuyện với nhau, bạn thấy họ, nhưng họ lại không thấy bạn. Trong nghìn năm đó, bạn nhìn thấy họ hết lần này lại đến lần khác đi qua cầu Nại Hà, uống canh Mạnh Bà hết chén này lại chén khác, tuy mong họ không uống canh Mạnh Bà nhưng lại sợ rằng họ chịu không nổi cái khổ dày vò nghìn năm trong Vong Xuyên Hà này.

Sau nghìn năm, nếu như lòng nhớ nhung của bạn không hề giảm đi, còn có thể nhớ được chuyện của đời trước, vậy thì có thể trở lại nhân gian, tìm kiếm người mà bạn yêu nhất trong đời trước.

Ải thứ sáu: Canh Mạnh Bà


Canh Mạnh Bà còn gọi là Vong Tình Thủy hoặc Vong Ưu Tán, hễ uống vào liền quên hết mọi chuyện của đời này lẫn đời trước. Mạnh Bà phân phát canh Mạnh Bà ở đầu cầu Nại Hà, chứ không phải ở trên cầu.

Sau khi con người chết mỗi một người đều phải đi qua cầu Nại Hà, Mạnh Bà đều sẽ hỏi có uống canh Mạnh Bà không, nếu muốn qua cầu Nại Hà, thì cần phải uống canh Mạnh Bà. Còn không uống canh Mạnh Bà, thì không qua được cầu Nại Hà, không qua được cầu Nại Hà, thì không được đầu thai chuyển sinh.

Mỗi một người trong Dương gian đều có một cái chén của mình ở tại nơi này, canh Mạnh Bà trong chén, thật ra chính là nước mắt chảy suốt một đời của bản thân người ta khi còn sống. Mỗi một người khi còn sống, đều sẽ chảy nước mắt: hoặc vui, hoặc buồn, hoặc đau khổ, hoặc căm hận, hoặc sầu não, hoặc yêu thương …

Mạnh Bà thu giữ từng giọt từng giọt nước mắt của họ lại, đun nấu thành canh, khi họ rời khỏi nhân gian, đi đến đầu cầu Nại Hà, sẽ cho họ uống vào, quên hết yêu hận tình thù khi còn sống, kiền tịnh sạch sẽ, bắt đầu tiến nhập vào Lục đạo, hoặc là Tiên, hoặc là người, hoặc là súc sinh, v.v…

Không phải mỗi người đều sẽ cam tâm tình nguyện uống canh Mạnh Bà. Bởi vì một đời này, sẽ luôn có người từng yêu không muốn quên đi. Mạnh Bà sẽ nói với họ: “Nước mắt cậu rơi vì người ấy đều đã nấu thành chén canh này, uống nó rồi, chính là uống vào tình yêu cậu dành cho người đó vậy”.  Một ký ức được xóa đi sau cùng trong mắt người ta chính là người mà họ yêu nhất trong đời này, uống canh vào, hình bóng người trong mắt dần dần phai nhạt đi, con mắt trong sáng như đứa trẻ sơ sinh.

Uống canh Mạnh Bà rồi, có thể quên đi hết thảy sầu khổ, buồn vui nơi trần thế, chỉ uống canh thuốc của bà, mối thù trong đời này kiếp này sẽ quên sạch đi, đến thế gian làm một con người hoàn toàn mới.

Những người mong nhớ, những người thống hận, đời sau đều sẽ là người xa lạ; loại canh khiến người ta gặp nhau mà chẳng biết nhau này chính là canh Mạnh Bà.

Ải thứ bảy: Cầu Nại Hà



“Đi qua đầu cầu Nại Hà, một đi không ngoảnh đầu nhìn lại.”

Cây cầu chia thành ba tầng, tầng trên đỏ, tầng giữa màu vàng đen, tầng dưới cùng là màu đen, càng ở tầng thấp thì càng chật, càng hung hiểm vô cùng. Khi sống làm việc thiện thì đi tầng trên, người nửa thiện nửa ác thì đi tầng giữa, những người hành ác thì chính là đi tầng dưới cùng.

Bên dưới cầu là con sông có vô số cô hồn dã quỷ không được đầu thai; những quỷ hồn chết đuối kia đều là ở trên dưới nhịp cầu hoặc trái phải đầu cầu, mong tìm thế thân cho mình, để bản thân có thể đầu thai chuyển thế.

Những người đi tầng dưới sẽ bị quỷ hồn chặn lại, lôi vào trong sóng lớn bẩn thỉu, bị rắn đồng chó sắt cắn xé, chịu đủ thống khổ dày vò không được giải thoát.

Đi qua hết cầu Nại Hà bèn có thể thông đến sáu nơi, tức là đi vào cõi lục đạo luân hồi: cõi người trời, cõi A-tu-la, cõi người, cõi súc sinh (cũng goi là đường bên cạnh), cõi quỷ đói, cõi địa ngục.

Trong đó, người trời, A-tu-la là cõi người thuộc về ba đường trên, còn súc sinh, ác quỷ, địa ngục thì thuộc về ba đường dưới.

Còn về đi về cõi nào, là dựa vào nghiệp thiện ác tích được của vong hồn lúc còn sống mà phân loại. Người thiện nghiệp nhiều luôn luôn sẽ được bố trí ba đường trên, những người ác nghiệp nhiều luôn luôn được bố trí ba đường dưới.

Quá trình đi xuống âm gian của người ta sau khi chết vốn không thông dụng với hết thảy mọi người. Những người tu hành làm thiện nếu như công đức đạt đến viên mãn, sau khi hết mệnh sẽ không phải trải qua quá trình âm gian này mà trực tiếp được Phật tiếp dẫn đến thế giới Tây Phương Cực Lạc; những kẻ đại ác làm nhiều việc gian ác cũng có thể sẽ không trải qua quá trình âm gian này, bởi nghiệp lực dẫn dắt mà sẽ bị đánh thẳng vào địa ngục.

Đây là truyền thuyết lưu truyền hàng ngàn năm nay. Khoa học ít nhiều đã chứng thực qua các công trình nghiên cứu rất nghiêm túc các hiện tượng như nhớ lại kiếp trước, nhớ lại những cảnh tượng mô tả dưới địa phủ sau khi chết đi sống lại, ở nhiều địa phương và quốc gia.

Theo bạn có tồn tại thế giới sau khi chết không?

Bất luận đáp án của bạn là gì, lựa chọn tốt nhất đều nên là hãy sống thật tốt trong hiện tại và nếu được, hãy tu tập tâm tính của bản thân để không phải hối hận về sau này.

14/01/2023

Hà Nội và miền Bắc Việt Nam khoảng năm 1900.

Tạp trí Đáng nhớ - Saigonxua

 

Loạt ảnh tư liệu quý giá mà nhiều người chưa từng được xem về miền Bắc Việt Nam khoảng năm 1900.

Vùng ngoại ô Hà Nội.

Một khu chợ ở ngoại ô Hà Nội.

Phố Hàng Đào ở trung tâm Hà Nội.

Một con đường trong khu phố cổ Hà Nội.

Làng xóm bên sông ở Hà Nội.

Một góc hồ Gươm, Hà Nội.

Một góc hồ Gươm, Hà Nội.

Cảnh sinh hoạt bên bờ sông Hồng, Hà Nội.

Một con đường ở vùng nông thôn Hà Nội.

Bánh xe dẫn nước ở ngoại ô Hà Nội.

Trong vườn Bách Thảo, Hà Nội.

Trẻ em bơi lội dưới mương ở ngoại vi Hà Nội.

Tắm cho trâu ở vùng nông thôn Hà Nội.

Bên giếng nước của một ngôi chùa.

Con đường chính của làng Bưởi, làng nghề làm giấy dó nổi tiếng Hà Nội xưa.

Một khu nhà ở ngoại vi Hà Nội.

Rặng núi đá ở Kỳ Lừa tỉnh Lạng Sơn.

Thành Bắc Ninh.

Khu công thự bên đường xe lửa ở Bắc Ninh.

Ngư dân kéo lưới ở bãi biển Đồ Sơn, Hải Phòng.

Một ngôi đền ở Hài Phòng, gần nơi nhịp quay của cầu xe lửa đang được xây dựng.

Ý nghĩa của việc thắp 3 nén hương, vái 3 vái khi lên chùa lễ Phật



Vào ngày lễ, tết hay kết hôn rất nhiều người thường có tâm niệm muốn đi lễ chùa bái Phật. Họ thắp hương, vái lạy trước tượng Phật cầu xin được khỏe mạnh, tiêu tai, thăng quan phát tài, tình duyên tốt đẹp hay thi cử đỗ đạt…
Đối với nhiều người, việc đưa tay lấy ba nén hương và vái ba vái trước tượng Phật tựa như hành động “tập mãi thành quen” mà không hiểu ý nghĩa đằng sau của hành động này.
Kỳ thực “ba nén hương” và “ba vái” là có nội hàm ý nghĩa sâu xa ở đằng sau. Nếu như có thể hiểu rõ hàm ý này, rất có thể “trời xanh có mắt” chứng kiến tấm lòng thành kính của chúng ta mà có thể phù hộ!
Chúng ta thắp “ba nén hương” trước tượng Phật là có ý nghĩa tương ứng với “giới, định, huệ”. Nén hương thứ nhất được gọi là “giới hương” tức là trước mặt tượng Phật biểu đạt lòng quyết tâm của mình, từ bỏ thói quen xấu và ý nghĩ xằng bậy của mình. Nén hương thứ hai được gọi là “định hương” là có ý hy vọng đối với bất kỳ sự việc nào xảy ra thì bản thân cũng có thể tĩnh được, bình tĩnh mà xử sự. Nén hương thứ ba được gọi là “huệ hương” (hay “tuệ hương”) là có ý khẩn cầu bản thân có được trí tuệ, khai ngộ mà gặp được Phật tâm.
Theo kinh Phật giáo thì “giới, định, huệ” là phương pháp “phá mê khai ngộ” và cũng là một loại quan hệ nhân quả.
Chỉ có từ bó thói quen xấu và ý nghĩ xằng bậy của bản thân thì tâm mới có thể định xuống được. Khi tâm đã định được rồi mới sinh ra kết quả “định sinh huệ”.
Vậy vì sao phải vái ba vái? Vái thứ nhất là thể hiện cho tâm lễ kính Phật. Vái thứ hai là thể hiện nguyện vọng mong muốn được giác ngộ, nguyện lòng hướng Phật. Vái thứ ba là trang nghiêm sám hối lỗi lầm của mình trước Phật.
Như vậy có thể thấy rằng, thắp hương và bái Phật không phải chỉ là hành động “theo thói quen” hay hành động “bề ngoài” mà chính là thể hiện cái tâm của con người. Cho nên, người xưa có câu “không thắp hương không bái lạy mà vẫn được phúc báo” chính là có ý nói rằng cái tâm của con người mới là yếu tố quan trọng nhất và được Thần linh nhìn thấy rõ.

5 trong số nhiều món nem Việt đặc sắc

 

 Các bạn đã đi nhiều, biết lắm hẳn biết và đã nếm nhiều món ngon trên giải đất hình chữ S - Việt Nam ta. Mình nói thêm chút về một số món nem "độc nhất vô nhị" ở các vùng miền của Việt Nam.



Đặc điểm địa lý, văn hóa, dân tộc, khí hậu đã quy định những đặc thù ẩm thực riêng của từng vùng - miền, góp phần làm ẩm thực Việt Nam phong phú và đa dạng hơn.

Nói một cách cảm tính rằng, đặc trưng ẩm thực Việt Nam toát lộ trong sự đối sánh với các nền văn hóa ẩm thực khác trên thế giới: món ăn Trung Hoa bổ, món ăn Nhật nhìn thích mắt... thì món ăn Việt ngon miệng.

Nem tai Hà thành


Nem tai được coi là một món ăn vô cùng độc đáo của Hà Nội, món ăn này được dùng rất phổ biến trong gia đình, trong các bàn tiệc và là món quà rất có ý nghĩa mỗi khi đi xa. Không những vậy, đây còn là món ăn rất nổi tiếng với du khách thập phương.

Có người nói nem tai xuất xứ từ Nam Định, được du nhập vào Hà Nội bởi một người con gái, khi lấy chồng ở Ước Lễ (Hà Tây). Đã kết hợp nem tai gia truyền với chả giò và nem chua, hai món đặc sản nổi tiếng của làng Ước Lễ để trở thành một món ăn thơm ngon và có vị rất lạ.

Do đòi hỏi sự tỷ mỉ và cẩn thận rất lớn, ngay từ khi chọn tai, người làm phải lấy tai của con lợn khỏe mạnh, vì như vậy thịt tai sẽ dày dặn, to bản và ít diềm hơn. Tiếp đó là làm sạch tai, đây là khâu vô cùng quan trọng và cần sự tỷ mỉ; nếu không sạch, sẽ để lại mùi và ảnh hưởng đến thời gian bảo quản. Sau đó là hấp cách thuỷ từng mẻ một để tai không bị mất nước mà vẫn đảm bảo độ giòn, mềm.

Công đoạn thái tai yêu cầu dao phải mài thật sắc để thái cho thật chuẩn, không được dày quá vì ăn sẽ mất ngon và cũng không được mỏng quá vì sẽ không giòn và mất vị. Thế nhưng, khâu cuối cùng quan trọng nhất, quyết định thành công của món nem tai vẫn là thính - được làm từ bột đỗ xanh, đỗ tương, gạo nếp, gạo tẻ và một số gia vị khác. Những nguyên liệu này được rang liu riu trước khi hạ thổ, rồi lại rang vàng, sau đó cho vào cối xay nhuyễn và trộn đều vào tai lợn.

Khi thưởng thức, nem tai được cuộn vào chiếc bánh đa nem kèm với một vài miếng sung muối chua, một ít lá sung, lá đinh lăng, một vài lá kinh giới, cộng với một lát giò lụa hoặc một nửa chiếc nem chua. Chấm vào nước mắm dấm cay nhẹ, sẽ khiến cho bạn hay bất kỳ ai đều phải nhớ mãi món ăn này.

Nem nắm Giao Thủy


Nem nắm Giao Thủy (Nam Định) nổi tiếng từ thời nhà Trần. Tương truyền rằng, khi các vua Trần chọn phủ Thiên Trường làm nơi ngự, các làng nghề đã được hình thành. Món nem nắm Giao Thủy cũng được xem là đặc sản dâng vua thời đó.

Là sản phẩm của nền văn minh lúa nước, nem nắm Giao Thủy được làm từ bì và thịt lợn trộn đều với thính gạo lẫn với các phụ gia khác như tỏi và nước mắm…, rồi nắm trong lá sung và lá đinh lăng. Bì lợn làm nem được lựa chọn kỹ càng từ da của những con lợn khỏe mạnh, không quá già hoặc quá non. Sau khi loại bỏ lông và phần mỡ dính dưới da, bì lợn được đem luộc chín tới (nước sôi khoảng 3- 5 phút) để bì vừa dai lại vừa mềm; nếu luộc kỹ bì sẽ bị keo dính ăn không ngon. Bì phải thái mỏng bằng tay, tuyệt đối không dùng bằng máy thái.

Thịt lợn làm nem được chọn ở phần đầu, phần thịt có lẫn chút mỡ. Vị thơm của món nem phần nhiều là do thính gạo tạo nên. Người Giao Thủy đã dùng thứ gạo thơm ngon nhất vùng chiêm trũng để làm thính, do đó tạo nên hương vị đặc trưng phân biệt với vùng khác.

Để thưởng thức cuốn nem nắm vào chiếc lá sung sần sần, thêm ít rau thơm rồi nhón qua bát nước mắm Sa Châu (xã Giao Châu, huyện Giao Thủy). Thứ nước mắm này cũng rất nổi tiếng, nó được làm theo cách cổ truyền, cá được nấu chín tự nhiên, không qua tẩm ướp, sau chừng 6 tháng mới mang ra vắt lấy nước mắm nguyên chất. Sau đó, mắm lại được phơi nắng nóng rồi cho vào vại sành chôn xuống đất thêm 6 tháng nữa. Vậy là phải mất ngót 1 năm, nước mắm Sa Châu mới được mang ra để ăn với nem nắm.

Nem chua xứ Thanh


Nhắc đến hương vị ẩm thực xứ Thanh không thể không kể đến đặc sản nem chua - có vị lạ rất khác với nem chua Hà Nội hay nem lụi ở Huế, lại càng khác xa với nem rán hay nem tai. Nó vừa chua, vừa cay lại có cả vị mặn mà của gia vị, có vị ngọt của thịt làm ta không thể không ăn tiếp vài cái nữa.

Làm nem là một nghề độc đáo, không khó nhưng phải có những bí quyết nhất định. Nguyên liệu chủ yếu bao gồm thịt nạc xay nhuyễn; bì lợn luộc chín, cạo thật sạch, lạng mỏng bỏ vào máy cán thành sợi, ngắn chừng 3cm; thính là gạo tẻ rang vàng, xay nhỏ mịn. Gia giảm còn có men, tiêu bắc, muối tinh và bột ngọt vừa đủ...

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là khâu pha chế: thứ gì làm trước, thứ gì làm sau, ngào trộn như thế nào…và khâu vệ sinh cũng như kỹ thuật gói nem cũng rất nghiêm ngặt. Do vậy, phải thực sự là con nhà nòi mới làm nên món ăn lạ miệng và lôi cuốn. Lá chuối, lạt buộc là thứ vật liệu làm nem chua. Tước lá chuối khoảng 3 đến 4 cm, xếp gọn lên nia hoặc rổ rá, lạt buộc phải mềm, dẻo, sợi to nhỏ tuỳ theo kích thước của nem (hiện nay thay bằng chun vòng). Đôi tay dẻo dai, mềm mại của người làm nem bắt đầu tỉ mẩn nặn từng viên thịt, thường thì kích cỡ khoảng gấp đôi quân cờ. Lá chuối khi rửa sạch, phơi khô được quấn xung quanh viên thịt có lá đinh lăng tô điểm. Quấn nhiều lá khiến chiếc nem có thể to gấp 10 lần đến 15 lần lúc đầu, thành một hình vuông xinh xắn. Những ngón tay thoăn thoắt gói khoảng 1 phút, sau đó lạt buộc chắc tay làm sao cho lá không rơi ra mà chiếc nem vẫn xanh và đẹp.

Tuỳ theo thời tiết có thể ăn nem, mùa hè thì độ 5 tiếng đã có nem ăn, mùa đông thì 1 đến 2 ngày. Người dân xứ Thanh vào Nam ra Bắc, dù bận trăm công nghìn việc, dù mang vác nặng nề cũng cố đem vài chục chiếc để cho người nhà hoặc biếu người thân. Ngày lễ Tết hoặc cưới xin, nem chua trở thành món ngon không thể thiếu. Kèm với những cặp bánh chưng xanh, những chiếc giò ngày Tết là những xâu nem chua làm từ chất liệu quê hương mời khách đến chơi nhà.

Nem lụi Huế


Nem lụi là món ăn độc đáo của Huế, rất được mọi người yêu thích, đặc biệt là các bạn gái mê ăn vặt và những đồ "cuốn cuốn, chấm chấm".

Nem lụi làm từ thịt lợn nạc còn nóng, quết nhuyễn như quết chả rồi trộn với bì và mỡ làm sạch, thái hạt lựu, nhồi kỹ, ướp với các loại gia vị như tiêu, hành, mắm, đường, thính, muối... Khi khách gọi, chủ quán xiên thành từng xâu nhỏ rồi nướng trên bếp than hoa đỏ rực, thơm nức, tỏa lan khắp đoạn phố như mời gọi, như níu kéo người đi đường.

Nước lèo là thứ quyết định chất lượng nem lụi, là món gia truyền khó bắt chước được. Nước lèo ăn nem lụi được chế biến từ hàng chục loại thực phẩm như dầu thực vật, vừng lạc, bột đao, một số vị thuốc bắc, thuốc nam... Tất cả các nguyên liệu đó được chế biến thành một hỗn hợp sền sệt vừa thơm vừa ngậy, ngọt bùi, ăn một lần là nhớ mãi. Loại nước lèo này tương tự như nước lèo ăn bánh khoái, bún thịt nướng.

Thông thường, người ta ăn kèm nem lụi với bánh tráng, rau thơm, khế chua, chuối xanh, sung, giá sống, vài lát ớt, tỏi, gừng thái chỉ… tùy theo khẩu vị mỗi người. Món ăn là sự kết hợp hài hòa của các hương vị: mùi thơm của miếng thịt đã nướng vàng, chút cay cay của tiêu và ớt, độ ngọt và bùi bùi của nước chấm sền sệt, vị tươi mát từ rau xanh...

Nem nướng Nha Trang


Đặc sản Nha Trang gồm rất nhiều món gắn với hương vị biển, nhưng cũng có những món nghe qua chẳng có gì dính dáng đến biển, trong đó có nem nướng.

Món nem nướng Nha Trang được làm từ nạc đùi loại thật tươi, vừa mới xả thì khi làm nem mới ngon, dẽ và thơm. Thịt vừa xẻ được quết mịn, ướp thêm ít gia vị đậm đà, xiên que rồi nướng trên bếp than hồng cho thịt nem vàng ươm. Sau đó, cuốn với miếng bánh tráng mỏng dai, trong suốt cùng chả ram chiên vàng rộm; ăn kèm với các loại rau sống, rau thơm, khế chua, chuối chát... và chấm với nước tương được chế biến từ hơn 20 loại gia vị theo bí quyết gia truyền.

13/01/2023

Phố đông không thấy mặt người

Lướt web thấy mấy ảnh thú vị về giao thông ở Hà Nội của tác giả Phạm Thành Long nên đăng lên cùng các bạn thưởng lãm. Mình nhặt từ Vietnamnet.

Đây là tập hợp nhiều bức ảnh ghép lại bằng công nghệ số.