Tạp chí Kiến trúc số 11-2017
Giản dị và trang nhã, mộc
mạc song không kém phần tinh tế, đình làng được ấp ủ dưới những bóng cây, không
phô trương, trấn áp mà bình dị, lạc quan… Kiến trúc, mỹ thuật đình làng mang
các yếu tố thuần Việt riêng biệt, thể hiện sự trở về, tiếp nối truyền thống văn
hóa Đông Sơn, là biểu tượng sống động, chân thực, thành quả nghệ thuật kết tinh
hàng ngàn năm của người Việt.
Đình Chu Quyến
Tư duy
văn hóa thần linh ở gần cõi người, truyền thống canh tác nông nghiệp lâu đời
gắn chặt với đất, với trời nên người Việt ngay từ khi hình thành ý tưởng xây
dựng đã luôn có một ý thức sâu sắc về sự hòa hợp với thiên nhiên. Trong môi
trường khí hậu có sự thay đổi lớn và thất thường (bão lụt, hạn hán, nắng nóng,
lạnh giá…) thì sự cân bằng, ổn định là yếu tố được đề cao. Các loại hình kiến
trúc dân gian truyền thống của người Việt đều có xu hướng phát triển theo chiều
ngang, bám chặt xuống đất để tạo thế cân bằng và ổn định. Kiến trúc đình làng cũng
vậy, nó là thành quả tuyệt vời, thể hiện cách ứng xử khéo léo của cha ông ta
đối với môi trường sống, vừa chế ngự, hạn chế sự khắc nghiệt của thiên nhiên,
vừa linh hoạt khôn khéo tận dụng những điều kiện thuận lợi để tồn tại và phát
triển.
Tầm thước
và giản dị, kích thước đình làng thể hiện tỉ lệ tương quan hợp lý với cảnh quan
thiên nhiên, giữa các bộ phận của từng cấu kiện, tạo hiệu quả thẩm mỹ cao. Kỹ
thuật lợp ngói hai lớp làm cho mái đình dầy và nặng, có thể chống được các cơn
gió giật, đồng thời có tác dụng điều hòa nhiệt độ bên trong. Mái đình sà xuống
thấp để tránh mưa hắt, chung quanh không cần tường bao che, thông thoáng tứ bề.
Về sau, mái đình cao lên và nhẹ đi thì phần phía trước thường có cánh cửa theo
kiểu “thượng song hạ bản”, rất thoáng mát. Mô thức nhà sàn và các đầu đao uốn
cong là yếu tố đặc sắc có tính bản địa của kiến trúc đình làng ở đồng bằng Bắc
Bộ. Nó giúp ta phân biệt với các kiến trúc khác ở Việt Nam và khu vực.
Người
Việt tư duy thực tế, đình làng được hình thành như một thiết chế tổng hợp, đa
chức năng, vừa có sự linh thiêng của tín ngưỡng, vừa có uy lực thế tục của
chính thể quân chủ, đồng thời lại hòa đồng gần gũi với đời sống dân dã. Ngôi
đình đặt ở đâu, thì tạo ra trung tâm làng ở đó. Vị trí dựng đình được chọn lựa
rất kỹ theo thuyết phong thủy vì người ta cho rằng nó liên quan đến sinh mệnh
cả làng. Đình to lớn, bề thế, nhưng không gây cảm giác trấn áp, kiến trúc không
nặng nề, rườm rà nhưng vẫn có vẻ oai nghiêm nhất định.
Đình Bảng
Mái là
yếu tố đặc sắc nhất của đình. Khi xây dựng, những người thợ đã làm cho 4 góc
mái đình kéo cong về 4 phía tạo thành các đầu đao duyên dáng làm cho kiến trúc
trở nên nhẹ đi, như bay bổng trong không gian. Nghệ thuật lợp mái và lát sàn
theo chiều ngang hòa nhập vào cảnh quan, các thành phần của kiến trúc được thực
hiện một cách tinh xảo. Những cột, kèo và những chi tiết cấu thành khác luôn
luôn được khéo léo phô ra trong sự đơn giản tự nhiên của nó. Những đường mái
thẳng hơi võng xuống, những bình đồ không cân đối giao hòa bằng nhịp điệu tinh
tế theo độ cao thấp tự nhiên của mặt đất. Dưới bộ mái trùm rộng ra, ngôi đình
thể hiện sức khái quát lớn, khiến ta liên tưởng về một sự che chở, ôm ấp, vỗ
về…
Đình Đồng Ngạc
Hình
thái không gian đình không cố định, thích ứng với địa thế, địa cảnh cụ thể. Mái
đình che gần hết không gian bên trong, ở đây không có tín hiệu thị giác nào
điều khiển tâm thức theo một nghi lễ định sẵn trừ khi làng có việc. Cơ chế tồn
tại của làng phản ánh rõ ở không gian của đình. Nó nặng tính thích ứng hơn
chinh phục, linh hoạt do luôn có “độ lơi” trong cấu trúc, dễ dung hợp bởi đa
năng, tự điều chỉnh hơn phải can thiệp là những giá trị của văn hóa ở mà người
làng tạo ra cho không gian đình.
Trong
tinh thần ấy, đình làng không phải là vật để ngắm nhìn mà là thực thể để thực
hành. Bản thân nó là một không gian văn hóa đa tầng, nhiều ngữ nghĩa. Không
gian đình là không gian “đời” của làng. “Ở đó có nước mắt và lọn tóc của ả làng
bị bắt vạ, có niềm thâm nghiêm và hư hãnh khi rước sắc phong, có vết lằn của
chiếu chèo, chiếu cỗ trên mặt đất nện hay sân gạch. Tiếng to, tiếng nhỏ khi ăn
chia, giọng lễ, giọng vặt khi đón bạn hát ngày xuân, đến đình người ta sống
thật, cởi mở và chân tình với nhau hơn…” – KTS Nguyễn Luận.
Đình Hương Lộc
“Nhà
kiến trúc trước hết là một người thợ mộc” (M.Gonse). Những người thợ của làng quê Việt Nam đã nâng tình yêu đối
với thiên nhiên cây cỏ lên tới đỉnh cao bằng việc đẽo gọt, vuốt ve từng thớ gỗ
trên cấu kiện của đình. Cái đẹp của gỗ còn quý hơn cái vĩnh cửu của công trình
làm nên. Từ tầm thước quy định của cây gỗ, người thợ áp vào đó một kích cỡ vừa
phải, tương ứng với đầu óc chừng mực của họ. Từ bàn tay mềm mại, tạo tác nhanh
chóng của họ, từng chất liệu, kết cấu được hiện ra, thời gian phủ lên lớp rêu
phong khiến đình hiện lên một cách tự nhiên, chân thật và tôn quý.
Mái đình
cong hình thuyền, sống nhà cong, cấu trúc sàn còn lưu lại theo truyền thống văn
hóa Đông Sơn, kỹ thuật ghép mộng, phân lực lên các chân cột làm cho kiến trúc
linh hoạt, động và biến hóa. Trong khuôn khổ có hạn của các khuôn gỗ, các chi
tiết vẫn hiện lên duyên dáng, đầy ấn tượng với cái nhìn từ hai góc. Kiến trúc
đình mở, thông thoáng, thoải mái, dân tự góp, tự làm khuyến khích tùy hứng sáng
tạo, các thủ pháp điêu khắc đa dạng, không phân biệt đẳng cấp, mang hơi thở của
tinh thần dân chủ, khoan dung từ rất sớm (thờ nhiều thần, hỗn dung tôn giáo,
không có cực quyền, cuồng tín…).
Mỹ thuật đình làng chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo mà trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, chưa từng có một di sản văn hóa nào. Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc đình làng có giá trị nghệ thuật độc đáo, không có sự lặp lại ở các nền mỹ thuật khác. Nó là tác phẩm của những nghệ nhân dân gian. Nghệ thuật xuất phát từ đời sống, từ cái nhìn có tính bản năng thuần phác của người nông dân. Khi sáng tạo, người nghệ sĩ – nông dân không bị câu thúc bởi bất cứ quy chuẩn tạo hình nào. Họ tự do bộc lộ cái cảm tự thân về hiện thực, bằng bất kỳ thủ pháp nào mà người nông dân cho là phù hợp với bản năng nguyên phác của họ. Trong họ đồng thời có hai con người: Người nghệ nhân với kỹ thuật chạm khắc điêu luyện và người nghệ sĩ với sự tự do trong tưởng tượng, phản ánh, thể hiện và miêu tả hiện thực. Nhiều thủ pháp tạo hình được sử dụng để sáng tạo ra các bức chạm khắc, thể hiện cái nhìn hồn nhiên, mộc mạc, hóm hỉnh, đầy sức sống như cái nhìn của trẻ thơ.
Điều làm
cho các nhà nghiên cứu nghệ thuật nước ngoài ngạc nhiên, thú vị là các tác phẩm
điêu khắc đình làng có những nét rất hiện đại, có sự gặp gỡ với những tác phẩm
điêu khắc hiện đại phương Tây. Bức đánh cờ ở đình Ngọc Canh có con mắt viễn –
cận ngược chiều, từ trong tỏa ra, từ trên nhìn xuống, mỗi nhân vật được vặn
theo một không gian riêng, như trong hội họa hiện đại. Ta nhận thấy ở đây cái
cảm xúc chân thật, ý muốn giãi bày một hiện thực toàn diện. Con mèo ngoạm cá ở
đình Bình Lục lại được vạc đẽo bằng những nhát đục thô gãy, bẳn gắt, như hội
họa biểu hiện. Một nét độc đáo của mỹ thuật đình làng là sự xử lý rất thông
minh mối quan hệ giữa kiến trúc và điêu khắc trang trí. Các bức phù điêu trang
trí với số lượng lớn được gắn vào khung gỗ chịu lực, lấp các khoảng trống của
kiến trúc. Điêu khắc không lấn át kiến trúc, mà tôn trọng và tô điểm cho kiến
trúc. Ngôi đình trở nên đẹp đẽ và thiêng liêng hơn.
Đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội)
Như một
quy luật, kiến trúc dân gian truyền thống Việt Nam nói chung và kiến trúc đình
làng nói riêng đều tuân theo nguyên tắc tính đăng đối. Tính đăng đối là một
thuộc tính của tự nhiên và nghệ thuật. Thật ra, trong nghệ thuật truyền thống
Việt Nam, với tính dân gian đậm đặc, tính đăng đối không đạt tới sự đối xứng
tuyệt đối của toán học. Bản chất của nó là sự lặp lại có quy luật, tạo nhịp
điệu, làm cho kiến trúc trở nên sinh động, giàu tính trang trí, tác động đến
thị giác tạo ấn tượng thẩm mỹ. Nó cũng tác động đến cảm giác, tạo sự ổn định,
bền vững, thể hiện nhu cầu thường hằng của cư dân nông nghiệp.
Cũng
đăng đối nhưng nếu như kiến trúc truyền thống Trung Hoa nổi bật với màu đỏ rực
rỡ của sơn ở cấu kiện gỗ, màu men vàng, xanh của ngói ống, nét duyên dáng, uyển
nhã, có xu hướng nổi bật, hướng ngoại, cầu kỳ, thì đình làng Việt mang màu sắc
tự nhiên, chân thực của vật liệu, nét rêu phong cổ kính của mái ngói, cái mộc
mạc, nguyên sơ của gỗ. Công trình có xu hướng trầm, hướng nội như bị hút xuống
đất và lẫn vào không gian cảnh quan… Đình chủ yếu là gỗ, gạch, đá tham gia
không đáng kể. Do có sàn, nên thềm và nền đình ít được chú trọng chăm chút,
kiến trúc mở, để thoáng xung quanh, công trình gần gũi với con người, chạm khắc
của đình nhiều và phong phú làm cho các kết cấu gỗ trở nên mềm mại, uyển
chuyển, không gian trở nên sinh động hơn.
Đồng
bằng Bắc Bộ phì nhiêu màu mỡ là cái nôi của nền văn hóa Việt Nam. Kiến trúc và
mỹ thuật đình làng Bắc Bộ (từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 đầu 20) đánh dấu đỉnh cao
trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Việt Nam, chứa đựng những giá trị nhiều
mặt về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật vô cùng quý báu, chứa đựng nhiều yếu tố
thuần Việt, nguyên bản, không thấy lặp lại ở các nền văn hóa khác. Bản sắc văn
hóa dân tộc Việt được bộc lộ qua tư duy thẩm mỹ, thể hiện qua thức kiến trúc,
mối quan hệ giữa kiến trúc và môi trường, qua các thủ pháp nghệ thuật, các
môtíp, họa tiết, hình khối, đường nét, màu sắc…đặc biệt là “hồn cốt” của dân
tộc toát lên từ những mái đình đơn sơ và bình dị.