16/09/2022

Các đời Zippo

St trên net


Để anh em chơi Zippo có cái tham khảo, mình xin giới thiệu cách nhận biết các đời của dòng bật lửa này - Tránh nhầm lẫn hoặc bị lừa đảo. Trải qua hơn 85 năm và cho đến nay, Zippo đã có 7 thời kỳ, cứ mỗi trung bình từ 10 đến 14 năm Zippo lại thay đổi chu kì các ký hiệu mộc đáy của mình một lần. Và để hiểu rõ hơn cũng như cách xác định năm của chiếc Zippo các bạn hãy xem cụ thể dưới đây nhé!

Tổng quan 7 thời kỳ Zippo được sắp xếp từ cổ nhất tới mới nhất:

1. Zippo đời 3 hàng Chữ (1951-1953)

2. Zippo đời chấm (1958-1965)

3. Zippo đời  gạch thẳng (1966-1973)

4. Zippo đời gạch chéo sắc (1974-1981)

5. Zippo đời gạch chéo huyền (1982-1986)

6. Zippo đời số La Mã (tháng 7/1986-2000)

7. Zippo đời số La Tinh (2000- đến nay)

Trước khi vào đời chiếc Zippo đầu tiên thì để cho anh em dễ hình dung tra cứu thì mình sẽ để bảng tra cứu mộc đáy

 1. Zippo đời 3 hàng chữ (1951-1953)

Và đời Zippo đầu tiên chính là đời cổ nhất có mộc đáy là 3 hàng chữ. Mộc đáy của Zippo này có 3 hàng chữ

  1. ZIPPO MFG. CO. BRADFORD, PA (vị trí nơi Zippo được sinh ra)

  2. ZIPPO (logo)

  3. PAT. 2032695 MADE IN U.S.A (số bằng sáng chế)

 

 Ở dòng 3 hàng chữ này chia ra 2 thời kỳ:

  • Trước năm 1953 thì số PAT. là 2032695

  • Sau năm 1954 thì số PAT. là 2517191

Để mà biết số PAT. 2032695 là năm nào 1947, 1948,1949,.. thì mình viết riêng ở một bài viết khác chi tiết hơn chỉ anh em. Còn trong bài viết này mình sẽ chỉ nhanh cho anh em cách tra năm qua các mộc đáy thôi.

 2. Zippo đời chấm (1958-1965)

Zippo đời chấm bắt đầu từ năm 1958 và đến năm 1965 thì kết thúc chu kì. Đặc điểm của đời chấm này là được phân bố các chấm ở 2 bên logo Zippo

 

 

Zippo của anh em bao nhiêu chấm thì cứ tra vào bảng tra cứu trên thì sẽ ra năm chiếc Zippo của mình nhé

#LƯU Ý: Ở đời chấm này có một số năm khi hãng Zippo đóng mộc sẽ có những chiếc Zippo bị mờ chấm dưới mộc đáy nên anh em lưu ý nhìn kỹ để tra tránh bị nhầm lẫn năm nhé!

3. Zippo đời gạch thẳng (1966-1973)

Zippo đời gạch thẳng bắt đầu từ năm 1996 và kết thúc năm 1973. Đặc điểm dòng gạch thẳng này là được phân bố các đường gạch thẳng ở 2 bên logo Zippo. Anh em củng tra cứu vào trong bảng mộc đáy để biết năm sản xuất Zippo của mình.

 

 

4. Zippo đời gạch chéo sắc (1974-1981)

Zippo đời gạch chéo sắc (giống như dấu sắc) bắt đầu từ năm 1974 và kết thúc năm 1981. Đặc điểm dòng gạch chéo sắc này là được phân bố các đường gạch chéo sắc ở 2 bên logo Zippo. Anh em cứ tra cứu vào trong bảng mộc đáy để biết năm sản xuất Zippo của mình.

 

 

#LƯU Ý: sẽ có những năm ví dụ: năm 1975 trên bảng mộc đáy sẽ là 4 gạch chéo sắc bên trái và 3 gạch chéo sắc bên phải nhưng hãng Zippo lại in ngược trên 1 vài chiếc Zippo là 3 gạch chéo sắc bên trái và 4 gạch chéo sắc bên phải thì cái này cũng như nhau anh em nha không phải hàng giả hay không chính hãng gì đâu nha anh em. Miễn là anh em đếm đủ số gạch chéo sắc là được.

 5. Zippo đời gạch chéo huyền (1982-1986)

Zippo đời gạch chéo huyền (giống như dấu huyền) bắt đầu từ năm 1982 và kết thúc trước tháng 7 năm 1986. Đặc điểm dòng gạch chéo huyền này là được phân bố các đường gạch chéo huyền ở 2 bên logo Zippo. Tương tự như các đời Zippo khác anh em cứ tra cứu vào bảng nha!

 

 

#LƯU Ý: Ở dòng gạch chéo huyền này cũng bị in mờ và in ngược nên anh em hãy xem kỹ rồi tra vào bảng. Và anh em cũng cẩn thận tránh bị nhầm giữa gạch chéo HUYỀN và gạch chéo SẮC.

 6. Zippo đời số La Mã (tháng 7/1986-2000)

Zippo đời số La Mã bắt đầu từ tháng 7 năm 1986 và kết thúc năm 2000. Thời điểm này Zippo sử dụng số La Mã để thay cho các ký hiệu cũ để thể hiện năm sản xuất. Và bắt đầu vào tháng 7 năm 1986 Zippo bắt đầu bổ sung thêm tháng cho Zippo

 

 

Do là bắt đầu thay đổi từ tháng 7 năm 1986 nên mộc đáy đời La Mã sẽ bắt đầu với chữ cái là G ở bên trái và bên phải là II (2 La Mã).

Về cách xác định tháng thì anh em cứ tra thứ tự như dưới đây:

A: tháng 1

B: tháng 2

C: tháng 3

D: tháng 4

E: tháng 5

F: tháng 6

G: tháng 7

H: tháng 8

I: tháng 9

J: tháng 10

K: tháng 11

L: tháng 12

#LƯU Ý: Anh em đừng nhầm lẫn giữa đời số La Mã và gạch thẳng nha. Ví dụ sẽ có đời la mã bên trái là tháng 9 ( chữ cái I) và bên phải là năm 1986 là 2 La Mã (II) thì anh em đừng có nhầm lẫn với đời gạch thẳng nhé. Tốt nhất anh em nên căn cứ vào logo của Zippo dưới mộc đáy, logo đời La Mã sẽ mới hơn hiện đại hơn với logo đời gạch thẳng.

 7. Zippo đời số La Tinh (2000- đến nay)

Cuối cùng là đời Zippo dễ đọc nhất đời số La Tinh, bắt đầu từ 2000 Zippo sử dụng số La Tinh tới hiện nay. Và dưới mộc đáy bên phải ghi số nào thì đó là năm số đó

 

 

VD: 16 tức 2016, 17 tức 2017,..

Và bên trái là tháng cũng tương tự như dòng Zippo La Mã ở trên anh em cứ xác định chữ cái là ra tháng sản xuất của Zippo.

Tổng quan:

Nhìn lại thì cho tới nay có 7 thời kỳ Zippo. Cũng khá là dễ để anh em có thể tra cứu các năm sản xuất chỉ trừ Zippo đời 3 hàng chữ thì mình sẽ làm 1 bài viết riêng và sẽ viết chi tiết để giúp anh em có thể xác định được năm sản xuất chính xác.

Chỉ sau vài phút đọc bài viết mình tin chắc anh em cũng đã có cho 1 mình lượng kiến thức cũng như kỹ năng có thể giúp anh em tra cứu bất kì chiếc Zippo nào.

13/09/2022

Thay bấc zippo

 

Mình chơi zippo, cũng có độ chục cái, đủ loại - Tự hào là hàng xịn cả dù cũng không đắt tiền lắm. Lần này là thứ 2, mua phải xăng rởm nên bật lửa ăn đá không nhạy, lửa xấu - bám muội, chịu gió kém. Các bạn lưu ý nhé, chỉ mua nơi đàng hoàng, có uy tín, chứ mua của mấy hàng bán kèm thuốc lá, hoặc đi rong là không đảm bảo, nhất là đừng ham rẻ. Đành phải thay bấc và bông. Phải seach trên mạng cách thay bông bấc cho đảm bảo, tiện thì phổ biến luôn tới anh em. Đã chơi đành phải chiều thôi cho bõ.

Giá cả phụ kiện thì tùy nơi.





11/09/2022

HIỂU VỀ CHỮ "DẠ"

 

 Nhiều người vẫn lầm tưởng khi dùng chữ ‘dạ’ là tỏ thân phận hèn kém, bề dưới, lép vế, hay hèn mạt. Hoặc thậm chí hiểu sai luôn khi cho rằng chỉ người dưới mới cần dạ với người trên. Nhưng ở ngoài cuộc sống, ta vẫn thường gặp nhiều người dùng chữ Dạ trong giao tiếp, xưng hô, mà đa phần mình thấy là những người có văn hóa, gia đình nền nếp, gia phong. Ta dùng chữ Dạ cũng chả hạ thấp đi nhân phẩm của mình mà trong phần lớn trường hợp sẽ tạo dựng được sự trân trọng ở người đối diện. (TL)


Mai Thị Mùi


Mình đi dạy kèm. Ông nội đứa học trò ngang tuổi ba mình. Vài lần tới sớm nhóc chưa kịp tắm hoặc ăn cơm, hay những khi mưa to phải ngồi chờ cho dứt cơn mới về là bác hay tiếp chuyện mình. Bác cẩn thận hỏi ba mẹ mình nhiêu tuổi. Khi biết ba mình hơn bác một tuổi bác khiêm tốn xưng chú và cười thẹn: “Thật là có lỗi với bác bên nhà quá.”.

Mình cũng chữa thẹn cho bác, nói: “Dạ, con cũng như em út của các anh chị bên đây nên bác là bác cũng phải mà.”.

Điều đặc biệt là mỗi câu trả lời của bác luôn có chữ ‘Dạ’ đệm ở đầu câu: “Dạ, hồi còn thanh niên tui cũng ham chơi lắm cô.”, “Dạ, cháu nó còn dở dang chén cơm cô vui lòng ngồi chờ chút.”, “Dạ, xin lỗi cô, hai bác bên nhà năm nay chắc còn mạnh?”.

Những năm sau này không tiện ghé thăm bác mình gọi điện hỏi thăm. Ngôn ngữ bác dùng trên điện thoại lại càng trang trọng hơn: “Dạ thưa cô cháu nó lớn rồi mà tui cũng còn lo lắm”, “Dạ thưa cô năm nay cũng không đi lại nhiều bị cái chân nó không còn được như xưa”, “Dạ, bà nhà tui kỳ này cũng ít còn may vá”.

Mỗi lần gọi học sinh phát biểu, tụi nhỏ không chịu trả lời ngay mà cứ “Dạ thưa cô”, “Thưa cô con đọc bài” nghe cũng sốt ruột nhưng nghĩ lại đó là nếp lễ nghi cần duy trì nên cũng kềm bớt cái tính nóng nảy lại.

Dạo vài vòng còm-men thấy dân tình đối đáp có chữ dạ, chữ thưa sao mà thấy vui quá. Mình dạy tiếng Anh nên không ác cảm với chữ “OK” như một số người hiểu lầm là lối nói xấc xược. Nhưng thấy mọi người hay chốt câu chuyện bằng chữ “Dạ anh”, “Dạ chị”, “dạ chú”, “Dạ bác” thì vẫn thấy vui hơn chữ “OK” gọn lỏn.


Những gia đình còn cố giữ lễ nghi, phép tắc vẫn dạy con luôn có chữ “Dạ” đầu câu. Cô hỏi con mới đi Đà lạt về hả, trò trả lời “Con mới về á cô.”.
Mẹ quay qua nhắc con: “Con phải nói dạ con mới về”.
“Con 5 tuổi”, con phải nói là “Dạ thưa cô con 5 tuổi”,
“Con ăn rồi.”, con phải nói là “Dạ con ăn cơm rồi”.

Lang thang quán xá, “Chị ơi tính tiền.”, “Dạ, của em 5 chục nha”.
Ra khỏi quán, anh bảo vệ hỏi đi hướng nào để dắt xe giùm, ngại quá bảo anh cứ để em, “Dạ, không sao chị. Chị cứ để tui.”

Xứ Đàng Trong, chữ “Dạ” đệm đầu câu cho câu nói thêm dịu dàng, khiêm tốn, và để thể hiện con nhà có giáo dục, lễ nghi, phép tắc. Nào phải đớn hèn, nhục nhã gì đâu!

09/09/2022

Một vài quy tắc trên bàn ăn đồ Tây

 


Cái sư Ăn cũng lắm công phu, phương Đông đã thấy vô cùng rườm rà, vậy mà mà bên Tây cũng nhiêu khê lắm. Vào những dịp hiếm hoi, được mời ăn tại những bữa tiệc theo kiểu Tây, nhìn dao - thì dĩa - cốc - đĩa... mà hoa cả mắt. Nếu không am hiểu, thật sự các bạn sẽ rất lúng túng khi dùng món, tạo sự căng thẳng không cần thiếtXưa, thời thế kỷ thứ 16 - vua Henry đệ tam của xứ sở Gà trống Gô loa là người khởi xướng cho việc dùng dao nĩa trên bàn ăn. Ngày nay chuyện thanh lịch quanh bàn ăn với dao nĩa, khăn ăn, ly tách… trở thành một tiêu chuẩn để đánh giá trình độ văn hóa ăn uống…

 
Nguyên tắc 1: Khăn ăn
Thường khi trang trí bàn tiệc, phục vụ nhà hàng sẽ quấn khăn ăn lọt lòng chiếc ly, bạn nên lấy đúng khăn ăn của mình ra khỏi ly ngay khi ngồi vào chỗ. Nếu người khách bên cạnh cầm nhầm ly/khăn của bạn thì bạn nên khéo léo yêu cầu bồi bàn  phục vụ cho bạn một bộ khác.
Khăn ăn phải phủ gọn lên lòng bạn, nếu khăn quá lớn bạn có thể gập làm đôi hoặc gập tư để không vướng  víu. Đừng quấn khăn hay nhét khăn quanh cổ áo như yếm, bạn sẽ trông rất tức cười. Nếu dự tiệc tại tư gia, bạn phải chờ cho đến khi chủ tiệc trải xong khăn ăn lên lòng thì mới thực hiện thao tác đó cho mình. Nhưng ở nhà hàng thì ngay khi ngồi xuống ghế, bạn có thể trải khăn ngay lên lòng. Nếu phải rời bàn tiệc giữa chừng, gấp hờ khăn và đặt cạnh đĩa ăn của mình, không nên gấp nguyên nếp như ban đầu hoặc cuộn tròn trên bàn ăn. Tuyệt đối không được đặt khăn ăn lên mặt ghế ngồi của mình.
 
 
 
Nguyên tắc 2: Dao- nĩa- bát- đĩa
Nguyên tắc chung nhất là dùng những món đồ sắp ở phía ngoài dần vào trong gần với đĩa thức ăn.
1. Đĩa ăn: được đặt ngay trung tâm bàn tiệc. Khi bạn dùng xong bữa, đừng đẩy đĩa đi sang chỗ khác, bạn có thể làm dấu hiệu để người phục vụ biết rằng bạn đã dùng xong  bằng cách đặt dao và nĩa ngang qua mặt đĩa, tay cầm của dao và nĩa nằm phía phải. Trong khi nhai thức ăn, đặt dao và nĩa  chéo nhau trong lòng đĩa, dao phía phải, nĩa phía trái. Không được cầm dao và nĩa khi nhai thức ăn, và cũng không để các dụng cụ này chạm lên mặt bàn.
2. Tô ăn súp: có thể đặt chồng lên trên đĩa ăn chính. Trong khi ăn súp, nếu tạm dừng bạn phải đặt muỗng trong bát đựng súp, không đặt muỗng này lên đĩa ăn bên dưới.
3. Đĩa bánh mì: đặt ngay phía trên đầu nĩa một chút. Bạn nên bẻ bánh mì thành miếng vừa miệng chứ không dùng dao để cắt. Nếu bơ không được phục vụ theo từng phần cá nhân thì bạn nên lấy một ít để vào đĩa bánh mì của mình rồi dùng dần.
4. Nĩa ăn salad: Nĩa salad có kích thước nhỏ hơn nĩa ăn món chính và sẽ được đặt ở phía trái của nĩa ăn món chính
5. Nĩa ăn món chính: Đặt bên trái ngay cạnh đĩa ăn chính. Không được đặt quá ba chiếc nĩa bên trái đĩa. Nếu bạn thấy ba chiếc nĩa trên bàn ăn thì có nghĩa là nĩa đặt bên trái ngoài cùng để ăn salad, nĩa thứ hai là nĩa ăn cá và sau cùng là nĩa để ăn thịt. Nếu có một chiếc nĩa thứ tư dùng để ăn các món hải sản như nghêu, hào thì chiếc nĩa này sẽ được đặt bên phải ngoài cùng, cạnh muỗng ăn súp.
6. Dao cắt bơ: Dao này được đặt theo hướng nằm ngang trên đĩa bánh mì
7. Muỗng ăn tráng miệng:  Đặt ngang phía trên đĩa ăn chính
8. Nĩa ăn bánh: Đặt cạnh muỗng ăn tráng miệng
9. Dao ăn chính: Đặt bên phải ngay cạnh đĩa ăn chính. Tương tự như nĩa, trong một bữa ăn bạn có thể phải dùng nhiều loại dao khác nhau thì qui tắc sử dụng cũng áp dụng tương tự, có nghĩa là theo thứ tự từ bên ngoài vào trong
10. Muỗng trà/cà phê: Đặt bên phải của dao ăn chính
11. Muỗng súp: Đặt bên phải của muỗng trà/ cà phê
12. Ly uống nước: Đặt bên phải, phía trên đỉnh của dao ăn
13. Ly uống rượu đỏ: Đặt bên phải của ly uống nước
14. Ly uống rượu trắng: Đặt bên phải của ly rượu đỏ. Khi uống rượu trắng tuyệt đối không được cầm ly ở phần bụng ly mà chỉ được cầm ở chân ly để không ảnh hưởng đến độ lạnh của rượu.
 
Nguyên tắc 3: Thức ăn
- Chuyền thức ăn từ trái sang phải
- Nếu bạn được nhờ chuyền muối hoặc tiêu, nên chuyền cả hai
- Nên nhớ rằng phục vụ bàn sẽ đưa thức ăn vào chỗ của bàn từ phía trái
- Đĩa được dọn ra khỏi bàn từ bên phải
- Bơ, mứt và các thức chấm khác phải được lấy riêng về đĩa của mình rồi dùng dần, không được lấy trực tiếp từ đĩa chung cho mỗi lần ăn
 
Nguyên tắc 4: Những nguyên tắc chung
- Đối với các thức ăn nóng, bạn nên ăn ngay khi được phục vụ, không cần chờ người xung quanh
- Khi ăn súp, đặt nghiêng muỗng vào bát súp, chỉ lấy 3/4 muỗng để tránh đổ ra ngoài. Chỉ húp súp từ cạnh muỗng, tuyệt đối không cho cả muỗng vào bên trong miệng, lúc húp súp, tránh gây ra tiếng động. Nghiêng nhẹ bát súp để lấy hết súp trong bát. Nếu súp quá nóng nên chờ một chút, không được thổi
- Nếu bạn không dùng rượu trong bữa tiệc, đừng úp ly xuống, cũng đừng lên tiếng phản đối. Hãy cứ để phục vụ bàn rót rượu cho bạn nhưng bạn có thể không uống.
- Không hút thuốc tại bàn
- Không yêu cầu được nếm thức ăn của người khác và cũng không đề nghị ai nếm thức ăn của mình.
- Nên nếm thức ăn của mình một chút trước khi thêm muối, tiêu hoặc nước sốt
- Với những thức khó lấy như các loại hạt đậu, hãy dùng dao để gạt vào nĩa, tuyệt đối không dùng tay.
- Không được vừa nhai vừa nói chuyện
- Nên cắt thức ăn thành miếng vừa miệng và khi nhai phải nhai kín môi, không nhồm nhoàm
- Dao và nĩa luôn được đặt trong lòng đĩa, tuyêt đối không đặt trên bàn ăn.
- Muỗng trà/ cà phê phải được đặt lên đĩa lót tách sau khi quấy, không được để trong tách khi uống.
- Nếu dừng ăn, đặt hai tay lên lòng hoặc có thể tựa cườm tay lên cạnh bàn nhưng tuyệt đối không được chống khuỷu tay lên bàn
- Nếu nhỡ ăn phải một miếng quá nóng nên kín đáo nhấp một ngụm nước.
- Nếu đi ăn ở nhà hàng với nhiều người khác chỉ nên gọi những món có thể ăn bằng dao nĩa
- Nếu bạn có mang theo cặp táp hoặc tài liệu công việc thì nên đặt gọn phía dưới ghế
- Quan sát để giữ nhịp độ bữa ăn của mình ngang với người khác, không nên ăn quá nhanh hoặc quá chậm.

05/09/2022

Ý NGHĨA CỦA NHỮNG MÓN ĂN TRONG LỄ CƯỚI TRUYỀN THỐNG

 ST trên net.


 Mỗi món ăn là một lời chúc phúc đến tân lang, tân nương.



1. Xôi gấc: Hạnh phúc viên mãn

Xôi gấc có màu đỏ tươi biểu trưng cho tình yêu và hạnh phúc viên mãn. Màu đỏ của gấc là màu tự nhiên của đất trời, mang đến sự dung hòa, đồng điệu trong đời sống hôn nhân. Món ăn này có vị dẻo thơm của những hạt lúa nếp, vị ngậy từ quả gấc và bùi từ đỗ xanh. Không chỉ góp mặt trên bàn tiệc cưới, xôi gấc còn được dùng trong các dịp lễ tết, mừng thọ, cúng giao thừa...

Trên mâm cỗ cưới hiện đại, xôi gấc có thể được thay thế bằng xôi xéo, xôi dừa, xôi lá dứa.


2. Thịt gà luộc: Trong ấm ngoài êm

Theo quan niệm của người xưa, gà luộc tượng trưng cho sự ấm no, hạnh phúc. Vì thế, món gà luộc thường được chọn làm món ăn không thể thiếu trên bàn tiệc cưới.
 
Để thêm phần sáng tạo, nhiều gia đinh thay thế gà luộc bằng gà quay, gà nướng, gà hầm.


3. Giò chả: Gắn bó keo sơn

Trên mâm cỗ cưới, người đầu bếp sẽ thái khoanh giò bày trên đĩa nhỏ nông lòng, chả sẽ được thái hình thoi xếp thành ngôi sao 8 hoặc 10 cánh để cầu may mắn. Sự sắp xếp đĩa giò, đĩa chả gần nhau là lời nhắc nhở về tình nghĩa vợ chồng thủy chung, keo sơn. Giò được gói trong lá chuối có ý nghĩa sum vầy, vun vén hạnh phúc.


4. Nem: Đồng lòng vượt qua khó khăn

Nem là món ăn quen thuộc và phổ biến ở tất cả các vùng miền trên cả nước. Nguyên liệu chính của nem bao gồm thịt băm, miến, nấm hương, trứng, hành lá, giá đỗ... trộn đều cùng nhau, nêm nếm gia vị rồi đem gói vào từng chiếc bánh tráng tròn trịa và chiên vàng. Tùy vào khẩu vị và sở thích mà các nguyên liệu và gia vị có thể tăng giảm cho vừa miệng.

Sự hòa quện của các nguyên liệu trong món nem gợi đến sự đồng điệu, chia ngọt sẻ bùi trong cuộc sống vợ chồng. Nem được rán ở nhiệt độ cao mà vẫn thơm giòn tượng trưng cho sự đồng lòng cùng vượt qua gian nan, thử thách trong cuộc sống của vợ và chồng.


Hiện nay, món nem rán truyền thống thường được thay bằng nem hải sản, nem nấm,...

5. Thịt đông: Trong trẻo vạn niên, tình duyên tốt đẹp

Món ăn này có phần thịt trong như thạch thể hiện cho sự an lành, trong trẻo của tình yêu. Sự hòa quyện, gắn kết giữa các thành phần của món ăn một cách tự nhiên như một lời chúc phúc gửi đến cặp tân lang và tân nương.


6. Thịt kho tàu: Trên thuận dưới hòa

Thịt kho là món ăn thân quen, gắn bó với các thành viên trong gia đình. Để có món thịt kho đúng kiểu, người đầu bếp sử dụng thịt rọi với tỷ lệ nạc và mỡ bằng nhau. Sự hòa quyện của miếng thịt tượng trung cho sự gắn bó, "trên thuận dưới hòa" của gia đình. Trứng vịt sử dụng trong món ăn này không được cắt ra khi nấu mà để nguyên cả quả với ngụ ý hạnh phúc trọn vẹn.


Trong mâm cỗ cưới thời nay, món thịt kho thường được thay thế bằng thịt quay, chân giò hầm,...

Hiếu ?

 


02/09/2022

Nhà - Là đoạn văn chương cảm động mà ta dùng cả đời cũng không viết hết được

 


 

Nhà là gì? Nhà là nơi trở về của tâm hồn, là khu vui chơi của giấc mơ, là bến đỗ của đời người. Là một đoạn văn chương cảm động mà chúng ta dùng cả đời cũng không viết hết được…

Khi tâm hồn mong manh của bạn bị tổn thương, nhà chính là liều thuốc tốt để chữa lành vết thương; khi bạn đang nằm ở dưới đáy của cuộc đời, nhà chính là cội nguồn để bạn lấy lại sức mạnh; khi bạn cô đơn trải qua phong ba bão táp, nhà chính là bến đỗ ấm áp.

Nhà, là nơi vừa nhắc đến sẽ cảm thấy ấm áp, là từ ngữ mà nghĩ đến nó cũng khiến người khác say mê. Là nơi thân thuộc nhất với chúng ta, nơi đó có những người thân mà chúng ta yêu nhất, những hồi ức đẹp nhất.

Nhà, là xã hội mà mỗi con người đều tiếp xúc sớm nhất, là nơi có hỉ nộ ái ố của chúng ta, cũng có cả cay đắng ngọt bùi

Những ai không có nhà, có thể sẽ thiếu đi một cảm giác thuộc về, giống như một đám mây trôi nổi bất định trên bầu trời. Nhà, không chỉ là một gian phòng với bốn góc tường, mà còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, chứa đựng những tình cảm.

Cuộc đời, là một quá trình chứa đầy sự hoang vu mang theo những đồng cỏ dại. Mà trong quá trình này, thứ chúng ta không thể bỏ qua, chính là nhà.

Nhà có thể là một loại kỳ vọng, là nơi mỗi lần chúng ta tan làm đều buông xuôi tất cả vội vã chạy về, bất luận bạn có đi được bao xa, và sống thoải mái bên ngoài đến nhường nào, bạn sẽ luôn bận lòng về nó, kể cả bạn có ở nơi xa cũng sẽ muốn lập tức chạy về.

Vì có nhà, là có một sự quan tâm sâu sắc, cuộc sống cũng sẽ không vì mất gốc rễ mà khô héo đi; cũng có lẽ vì có nhà, mới có sự quan tâm sâu sắc đến thế, mới trở nên tỏa sáng như thế.

Nhà, yên bình như thế, nhìn thấy nụ cười của người thân yêu, chính là một hạnh phúc

Khi còn là đứa trẻ, nhà chính là tiếng gọi của mẹ. Tuổi thơ đã từng vui vẻ, ồn ào náo nhiệt, vô tư vô lo.

Sau giờ học, sẽ cùng với những đứa trong làng xóm tụ tập với nhau, nô đùa bay nhảy, chơi đến hoàng hôn buông xuống, cho đến khi khói bếp bốc lên, nghe thấy tiếng gọi gấp gáp từ bốn phía của mẹ: “Về nhà thôi, ăn cơm nào!”

Trong ký ức, tiếng gọi của mẹ chính là sự ấm áp, là sự chăm sóc của ngôi nhà. Nó đã cùng trưởng thành với những đứa trẻ thời niên thiếu, và vẫn vang vọng bên tai cho đến hiện tại.

Khi đến tuổi trung niên, nhà lại là một trạm nhiên liệu

Mỗi khi màn đêm buông xuống, bạn bôn ba cả một ngày bên ngoài, trên vai gánh vác áp lực của sự nghiệp, kéo lê cơ thể đã mệt mỏi về nhà, nhìn thấy ánh đèn thắp sáng trong nhà, mong chờ được thấy nụ cười vui vẻ của gia đình, ngửi được mùi thơm của thức ăn, ngay lúc đó sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng.

Nhà không chỉ có thể khiến bạn tận hưởng hạnh phúc của cuộc sống mà còn có thể cho bạn sự can đảm và sức mạnh để tiến về phía trước. Khi ánh mặt trời chiếu sáng, bạn vẫn có thể không ngại ngần mà đi Nam rẽ Bắc, vì sự nghiệp mà bôn ba khắp nơi.

Và khi về già, nhà lại là một viện bảo tàng

Rượu là hương thơm của trần thế, tình là sự nồng đậm của bạn đời, người càng lớn tuổi, thì sẽ càng hoài niệm sâu sắc hơn với nhà.

Một chiếc ghế, một ấm trà, một chiếc mũ trong nhà đều khắc lên một dấu vết, một ký ức thật dài; một cuốn sách, một lá thư và một bức ảnh cũng đều gợi lên từng chút từng chút của quá khứ, bất chợt nước mắt rơi như mưa.

Nhà văn nổi tiếng người Pháp Moroa cho biết: “Không có gia đình, thì ở trong thế giới rộng lớn bao la này, con người sẽ trở nên lạnh lẽo cô đơn”.

Trong thế giới của chúng ta, có rất nhiều người cho rằng, nhà chính là một căn phòng, là một cái sân. Tuy nhiên, một căn phòng trống vắng không người, mất đi tình cảm và sự ấm áp, thì không thể nào trở thành một căn nhà đúng nghĩa.

Nhà là một nơi đong đầy tình yêu thương

Đối với đàn ông, nhà chính là nơi khi gặp phải trắc trở cảm thấy nó ấm áp nhất, là nơi để lánh nạn; đối với phụ nữ, nhà lại là một nơi mà cả đời này dùng để bảo vệ yêu thương.

Nhà, không phải chỉ là một căn phòng hình vuông, cũng không phải bố trí sang trọng đẹp đẽ. Yếu tố quan trọng để tạo thành một ngôi nhà chính là tình yêu, chúng ta phải dùng tâm hồn để vun đắp, chính vì tình yêu thương này mà cảm thấy ấm áp, khiến chúng ta thoải mái. Vì tình yêu này mà ta lo lắng, vì tình yêu này mà ta nhớ nhung.

Nhà, là cội nguồn của chúng ta, dù có đi bao xa, kể cả chân trời góc biển, cũng không thể đi khỏi trái tim của nó, mối quan tâm của nó; Nhà, là giấc mơ là câu chuyện cổ tích đẹp nhất của chúng ta, bất kể bên ngoài có bao nhiêu phức tạp, chỉ cần nghĩ đến nó, chúng ta sẽ không còn sợ hãi!

Vì thế, ta cần phải có nghĩa vụ nâng niu, gìn giữ mà không coi đó là trách nhiệm, phải coi đó là một vinh dự được thực hiện.



31/08/2022

BẠN CÓ BIẾT VỚI TỪNG PHẦN THỊT BÒ, CHẾ BIẾN NHƯ THẾ NÀO MỚI LÀ NGON NHẤT?

 Nhặt được trên net.


Cứ đến những ngày thời tiết Thu như thế này, người ta lại nhớ đến các món beefsteak nóng hổi, nghi ngút khói sực mùi thơm; không thì cũng là những món hầm, ninh nhừ mềm rục, thịt tách khỏi xương dễ dàng.



Thịt bò được xem như là một loại protein rất được ưa chuộng và hầu như có thể chinh phục tất cả các món ăn trong ẩm thực. Mỗi phần thịt lại có một ưu điểm riêng, phù hợp với khẩu vị mỗi cá nhân và đôi khi chỉ thích hợp để chế biến theo một kiểu duy nhất. Chính vì vậy, chọn phần thịt như thế nào để món ăn đạt được vị ngon tuyệt đối mà không cần chế biến quá kì công?

Nạc vai - beef chuck: phần thịt này khá dai, nắm nhiều mối nối vì nằm giữa nách, xương vai và chân phía trên. Vì vậy, để chế biến thịt nạc vai hiệu quả nhất, người ta thường dùng để làm các món hầm để làm mềm thịt. Do nhiều mỡ nên phần này cũng có thể dùng để làm thịt xay, bò viên.

Đối với phần thịt này có thể mang đi nướng hoặc làm bò viên cũng đều rất ổn.
Thịt sườn - beef rib: thịt sườn khá mềm nên luôn được ưu ái sử dụng vào các món nướng hoặc chiên, chế biến đơn giản nhưng vẫn đạt độ ngon tuyệt đối.

Vốn dĩ phần thịt đã mềm sẵn nên không cần phải chế biến cầu kì hoặc tẩm ướp trong thời gian dài. Càng làm theo cách đơn giản, phần thịt lại càng ngon đúng vị.
Ức - beef brisket: phần thịt này có lẫn cả gân, khi ninh nhừ thì hay được gọi là nạm. Phần ức có nhiều mỡ và gân hơn nữa thì gọi là gàu. Ức bò khá dai nên thường được hầm, là phần thịt luôn dễ tìm thấy trong các quán phở truyền thống của người Việt.

Hình ảnh những chiếc biển hiệu đề phở tái-nạm-gàu-gân không hề xa lạ với người Sài Gòn, hầu như quán phở nào cũng phục vụ đầy đủ.
Thịt ba chỉ - beef plate: phần thịt gồm cả nạc lẫn mỡ nhưng mỡ chiếm nhiều hơn nằm ngay dưới xương sườn, gồm các xương sườn cụt và đôi khi kèm theo sụn. Đây là phần thịt được ưa chuộng nhiều nhất và khá dễ chế biến, dù là món lẩu, món nướng hay thịt xay thì đều phù hợp.

Đặc biệt trong hầu hết các nhà hàng bán đồ nướng hoặc lẩu, thực khách luôn thuận miệng gọi một phần thịt ba chỉ vì phần thịt mềm, mọng nước, không khô chút nào.
Thịt chân giò - beef shank: chân giò bò khá dai, được chia ra thành hai phần cho dễ phân biệt đó là thịt bắp chân trước và chân sau. Phần bắp nhỏ nằm ở chân trước gọi là bắp hoa, phần nằm giữa lòi bắp đùi ở chân sau được gọi là bắp rùa, mềm hơn bắp hoa. Được ưa chuộng nhiều nhất vẫn là kiểu hầm hoặc luộc để giữ được độ ngon có sẵn của thịt bắp.

Bắp bò cũng không phải là một phần thịt quá khó để chế biến, thường được kết hợp cùng nguyên liệu gừng, xả hoặc làm gỏi cũng rất ổn.
Thịt thăn vai - beef short loin: phần thịt lưng bò luôn được đánh giá là một trong những phần thịt hảo hạng, thơm ngon nhất. Để chế biến phần thịt này, chỉ cần ướp chút gia vị cơ bản muối, tiêu, đường và nướng lò là đúng vị.

Thịt thăn ngoại - beef sirloin: là phần thịt được cắt từ thăn vai, khá ít mỡ và cơ, vị rất mềm. Phần thăn ngoại được dùng làm bít tết là chủ yếu vì có các phần mỡ nhỏ khiến thịt không bị khô khi chiên hoặc nướng. Bò lúc lắc cũng là một sự lựa chọn thích hợp đối với thịt thăn ngoại.

Chế biến phần thịt này khá nhanh, ít tốn thời gian do bản chất thịt đã mềm sẵn. Dù nướng, hay chiên cũng không sợ món ăn bị khô.
Thịt thăn nội (hay còn gọi là thăn chuột) - beef tenderloin: là phần thịt sáng giá nhất của con bò. Sớ thịt nhỏ, mềm, ít mỡ, ngay cả khi chỉ cần chế biến cơ bản cũng có thể toát ra hương vị ngon đặc biệt. Nổi tiếng nhất trong việc sử dụng phần thịt này phải kể đến món thịt bò Beef Wellington của đầu bếp trứ danh Gordon Ramsay.

Trong giới ẩm thực, không ai là không biết đến món ăn trứ danh này của đầu bếp Gordon Ramsay. Công phu từ khâu chuẩn bị nguyên liệu ban đầu đến quá trình chế biến và bày trí đều rất khéo léo, làm dậy lên toàn bộ vị ngon vốn có của miếng thịt.
Thịt bụng ( hông/thịt bò sườn) - beef flank: là phần thịt khá giống thịt ba rọi, có mỡ và gân xen kẽ. Dùng trong các món ninh hay bò viên là một sự lựa chọn tối ưu. Nếu chế biến theo kiểu nướng thì nên ướp trước để phần thịt không bị dai.

Thịt bụng tuy khá giống thịt ba rọi nhưng không được mềm bằng. Phần thịt này cần phải được ướp trước để miếng thịt không bị dai và khô.
Thịt mông - beef round: là phần thịt ít được sử dụng nhiều do chế biến khá khó, nhiều nạc nhưng lại dai. Tuy nhiên, phần thịt mông sẽ mềm hơn nếu được dùng cho các món hầm.

Phần thịt khá thích hợp với những người ngại ăn mỡ. Cách hầm hoặc ninh vẫn là hai phương án tối ưu nhất để chế biến chúng.
Xương sườn và thịt thăn được biết đến như là phần thịt mềm và dễ cắt nhất của bò, trong khi phần cơ vai và cơ chân là những bộ phận khá dai và kén chọn do thường xuyên vận động. Nhìn chung, các phần thịt cứng ở những bộ phận hoạt động nhiều sẽ ưu tiên chế biến bằng cách hầm hoặc ninh; những phần mềm có thể linh hoạt chế biến theo sở thích cá nhân mỗi người nhưng được ưu ái nhất vẫn là cách nướng hoặc áp chảo nhanh để không bị dai thịt.

Một khi đã hiểu rõ được những ưu - nhược điểm của các phần thịt thì sẽ có cách chế biến phù hợp mà không cần tốn nhiều thời gian và công sức mà món ăn vẫn ngon, đầy đủ hương vị nhất.

30/08/2022

Tốt với người ngoài mà khó với người thân

 rezoman


Ở bên người thân, chúng ta tự cho phép mình sống thực với bản thân nên dễ dàng nổi nóng, to tiếng thậm chí là coi thường. Mà chúng ta thường vô cùng niềm nở, chu đáo và thân thiện với bạn bè, người ngoài.

Có lẽ ai cũng từng nghe những câu như: "Tại sao tốt với người ngoài mà khó với người thân". Cái này xảy ra do 1 số nguyên nhân sau.

Chúng ta nghĩ rằng mối quan hệ của mình đủ mạnh

Chúng ta thường cố gắng thể hiện sự vui vẻ, lịch thiệp, chu đáo để tạo dấu ấn tốt với bạn bè, người ngoài. Nhưng khi ở nhà, chúng ta lập tức thả lỏng bản thân, sẵn sàng bộc lộ bản chất, bao gồm cả tính tốt lẫn tính xấu.

Chúng ta muốn giải phóng sự tức giận một cách vô thức sang người thân vì tin rằng mối quan hệ của mình đủ mạnh để chịu đựng điều đó. Mối quan hệ càng gần gũi, càng tin tưởng thì càng dễ bị đẩy đến giới hạn. Chúng ta nghĩ rằng dù thế nào người kia cũng không rời bỏ mình nên thoải mái trút mọi nỗi bực bội.

Thiếu an toàn khi ở bên người ngoài hoặc bạn bè

Khi người ngoài làm những điều gây khó chịu chúng ta có xu hướng nhẫn nhịn, bỏ qua vì cảm giác thiếu an toàn. Vì không biết họ sẽ phản ứng ra sao nếu được góp ý nên hay chọn cách im lặng hoặc như tán dương.

Ngược lại, gia đình đã quen thuộc nên chúng ta sẵn sàng nêu ra những điểm xấu của họ, đôi khi còn nói quá.

Thiếu khoan dung

Không ai đột nhiên ghét các thói quen của gia đình, người thân. Thực chất, chúng ta đã không thích những thói quen đó ngay từ đầu và càng dành thời gian bên người kia, chúng ta càng khó chịu và ít khoan dung hơn.

Điều này không xảy ra với người ngoài, đơn giản vì bạn không dành đủ thời gian cạnh họ. Kể cả khi khó chịu, bạn cũng nhanh chóng trở lại bình thường.

Thiếu trân trọng những gì mình đang có

Một lý do quan trọng khác là chúng ta thường không trân trọng những gì mình đang có, coi đó là điều đương nhiên và nghĩ rằng nó sẽ kéo dài mãi, cho dù đó là mối quan hệ vợ chồng, con cái cũng giống như những thứ miễn phí thường không được chúng ta trân quý.

Để cải thiện mối quan hệ với gia đình và bạn bè, mỗi người thỉnh thoảng tự cho mình khoảng thời gian riêng. Đôi ngày xa nhau sẽ giúp chúng ta suy ngẫm về mối quan hệ, nhìn lại những điểm tốt đẹp thay vì chỉ tập trung vào cái xấu.

Nếu cảm thấy quá khó để cùng người thân làm hoạt động nào đó, bạn có thể nhờ người lạ tham gia cùng. Sự xuất hiện của người lạ sẽ khiến đôi bên cư xử lịch sự, tử tế hơn và làm dịu những căng thẳng đang có.

Bất cứ mối quan hệ tốt đẹp nào cũng đòi hỏi chúng ta phải tôn trọng, nuôi dưỡng. Trên thực tế, đôi khi chúng ta không những không trân trọng, nâng niu các mối quan hệ thân thiết của mình mà còn lạm dụng chúng một cách vô thức. Chúng ta cần tỉnh táo để không mắc phải sai lầm này, để sống hạnh phúc hơn.

29/08/2022

Rất tốt khi thường xuyên xoa bóp bàn tay



Bàn tay là phần mở rộng của bộ não và tất cả các bộ phận trên cơ thể của bạn.

Vì vậy, hãy thường xuyên xoa bóp tất cả các phần của bàn tay để có một cơ thể khỏe mạnh toàn diện