09/09/2022

Một vài quy tắc trên bàn ăn đồ Tây

 


Cái sư Ăn cũng lắm công phu, phương Đông đã thấy vô cùng rườm rà, vậy mà mà bên Tây cũng nhiêu khê lắm. Vào những dịp hiếm hoi, được mời ăn tại những bữa tiệc theo kiểu Tây, nhìn dao - thì dĩa - cốc - đĩa... mà hoa cả mắt. Nếu không am hiểu, thật sự các bạn sẽ rất lúng túng khi dùng món, tạo sự căng thẳng không cần thiếtXưa, thời thế kỷ thứ 16 - vua Henry đệ tam của xứ sở Gà trống Gô loa là người khởi xướng cho việc dùng dao nĩa trên bàn ăn. Ngày nay chuyện thanh lịch quanh bàn ăn với dao nĩa, khăn ăn, ly tách… trở thành một tiêu chuẩn để đánh giá trình độ văn hóa ăn uống…

 
Nguyên tắc 1: Khăn ăn
Thường khi trang trí bàn tiệc, phục vụ nhà hàng sẽ quấn khăn ăn lọt lòng chiếc ly, bạn nên lấy đúng khăn ăn của mình ra khỏi ly ngay khi ngồi vào chỗ. Nếu người khách bên cạnh cầm nhầm ly/khăn của bạn thì bạn nên khéo léo yêu cầu bồi bàn  phục vụ cho bạn một bộ khác.
Khăn ăn phải phủ gọn lên lòng bạn, nếu khăn quá lớn bạn có thể gập làm đôi hoặc gập tư để không vướng  víu. Đừng quấn khăn hay nhét khăn quanh cổ áo như yếm, bạn sẽ trông rất tức cười. Nếu dự tiệc tại tư gia, bạn phải chờ cho đến khi chủ tiệc trải xong khăn ăn lên lòng thì mới thực hiện thao tác đó cho mình. Nhưng ở nhà hàng thì ngay khi ngồi xuống ghế, bạn có thể trải khăn ngay lên lòng. Nếu phải rời bàn tiệc giữa chừng, gấp hờ khăn và đặt cạnh đĩa ăn của mình, không nên gấp nguyên nếp như ban đầu hoặc cuộn tròn trên bàn ăn. Tuyệt đối không được đặt khăn ăn lên mặt ghế ngồi của mình.
 
 
 
Nguyên tắc 2: Dao- nĩa- bát- đĩa
Nguyên tắc chung nhất là dùng những món đồ sắp ở phía ngoài dần vào trong gần với đĩa thức ăn.
1. Đĩa ăn: được đặt ngay trung tâm bàn tiệc. Khi bạn dùng xong bữa, đừng đẩy đĩa đi sang chỗ khác, bạn có thể làm dấu hiệu để người phục vụ biết rằng bạn đã dùng xong  bằng cách đặt dao và nĩa ngang qua mặt đĩa, tay cầm của dao và nĩa nằm phía phải. Trong khi nhai thức ăn, đặt dao và nĩa  chéo nhau trong lòng đĩa, dao phía phải, nĩa phía trái. Không được cầm dao và nĩa khi nhai thức ăn, và cũng không để các dụng cụ này chạm lên mặt bàn.
2. Tô ăn súp: có thể đặt chồng lên trên đĩa ăn chính. Trong khi ăn súp, nếu tạm dừng bạn phải đặt muỗng trong bát đựng súp, không đặt muỗng này lên đĩa ăn bên dưới.
3. Đĩa bánh mì: đặt ngay phía trên đầu nĩa một chút. Bạn nên bẻ bánh mì thành miếng vừa miệng chứ không dùng dao để cắt. Nếu bơ không được phục vụ theo từng phần cá nhân thì bạn nên lấy một ít để vào đĩa bánh mì của mình rồi dùng dần.
4. Nĩa ăn salad: Nĩa salad có kích thước nhỏ hơn nĩa ăn món chính và sẽ được đặt ở phía trái của nĩa ăn món chính
5. Nĩa ăn món chính: Đặt bên trái ngay cạnh đĩa ăn chính. Không được đặt quá ba chiếc nĩa bên trái đĩa. Nếu bạn thấy ba chiếc nĩa trên bàn ăn thì có nghĩa là nĩa đặt bên trái ngoài cùng để ăn salad, nĩa thứ hai là nĩa ăn cá và sau cùng là nĩa để ăn thịt. Nếu có một chiếc nĩa thứ tư dùng để ăn các món hải sản như nghêu, hào thì chiếc nĩa này sẽ được đặt bên phải ngoài cùng, cạnh muỗng ăn súp.
6. Dao cắt bơ: Dao này được đặt theo hướng nằm ngang trên đĩa bánh mì
7. Muỗng ăn tráng miệng:  Đặt ngang phía trên đĩa ăn chính
8. Nĩa ăn bánh: Đặt cạnh muỗng ăn tráng miệng
9. Dao ăn chính: Đặt bên phải ngay cạnh đĩa ăn chính. Tương tự như nĩa, trong một bữa ăn bạn có thể phải dùng nhiều loại dao khác nhau thì qui tắc sử dụng cũng áp dụng tương tự, có nghĩa là theo thứ tự từ bên ngoài vào trong
10. Muỗng trà/cà phê: Đặt bên phải của dao ăn chính
11. Muỗng súp: Đặt bên phải của muỗng trà/ cà phê
12. Ly uống nước: Đặt bên phải, phía trên đỉnh của dao ăn
13. Ly uống rượu đỏ: Đặt bên phải của ly uống nước
14. Ly uống rượu trắng: Đặt bên phải của ly rượu đỏ. Khi uống rượu trắng tuyệt đối không được cầm ly ở phần bụng ly mà chỉ được cầm ở chân ly để không ảnh hưởng đến độ lạnh của rượu.
 
Nguyên tắc 3: Thức ăn
- Chuyền thức ăn từ trái sang phải
- Nếu bạn được nhờ chuyền muối hoặc tiêu, nên chuyền cả hai
- Nên nhớ rằng phục vụ bàn sẽ đưa thức ăn vào chỗ của bàn từ phía trái
- Đĩa được dọn ra khỏi bàn từ bên phải
- Bơ, mứt và các thức chấm khác phải được lấy riêng về đĩa của mình rồi dùng dần, không được lấy trực tiếp từ đĩa chung cho mỗi lần ăn
 
Nguyên tắc 4: Những nguyên tắc chung
- Đối với các thức ăn nóng, bạn nên ăn ngay khi được phục vụ, không cần chờ người xung quanh
- Khi ăn súp, đặt nghiêng muỗng vào bát súp, chỉ lấy 3/4 muỗng để tránh đổ ra ngoài. Chỉ húp súp từ cạnh muỗng, tuyệt đối không cho cả muỗng vào bên trong miệng, lúc húp súp, tránh gây ra tiếng động. Nghiêng nhẹ bát súp để lấy hết súp trong bát. Nếu súp quá nóng nên chờ một chút, không được thổi
- Nếu bạn không dùng rượu trong bữa tiệc, đừng úp ly xuống, cũng đừng lên tiếng phản đối. Hãy cứ để phục vụ bàn rót rượu cho bạn nhưng bạn có thể không uống.
- Không hút thuốc tại bàn
- Không yêu cầu được nếm thức ăn của người khác và cũng không đề nghị ai nếm thức ăn của mình.
- Nên nếm thức ăn của mình một chút trước khi thêm muối, tiêu hoặc nước sốt
- Với những thức khó lấy như các loại hạt đậu, hãy dùng dao để gạt vào nĩa, tuyệt đối không dùng tay.
- Không được vừa nhai vừa nói chuyện
- Nên cắt thức ăn thành miếng vừa miệng và khi nhai phải nhai kín môi, không nhồm nhoàm
- Dao và nĩa luôn được đặt trong lòng đĩa, tuyêt đối không đặt trên bàn ăn.
- Muỗng trà/ cà phê phải được đặt lên đĩa lót tách sau khi quấy, không được để trong tách khi uống.
- Nếu dừng ăn, đặt hai tay lên lòng hoặc có thể tựa cườm tay lên cạnh bàn nhưng tuyệt đối không được chống khuỷu tay lên bàn
- Nếu nhỡ ăn phải một miếng quá nóng nên kín đáo nhấp một ngụm nước.
- Nếu đi ăn ở nhà hàng với nhiều người khác chỉ nên gọi những món có thể ăn bằng dao nĩa
- Nếu bạn có mang theo cặp táp hoặc tài liệu công việc thì nên đặt gọn phía dưới ghế
- Quan sát để giữ nhịp độ bữa ăn của mình ngang với người khác, không nên ăn quá nhanh hoặc quá chậm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét