23/08/2017

NÀO ĐÂU NHỮNG GIỜ VĂN THẦY NGẮC NGỨ TRÒ NGẮC NGỨ (phần 2 của stt MỘT VÉ ĐI TUỔI THƠ- LỚP 8A TRƯNG VƯƠNG)

 Dương Phương Vinh
Thầy Nguyễn Bắc Sơn
“Những cuốn sách Kim Đồng do người lớn hạ cố viết cho trẻ em, những giờ văn thầy ngắc ngứ trò ngắc ngứ” là cách nhà văn Phạm Thị Hoài mai mỉa nền giáo dục một thời.
Còn đây là giai thoại mình từng kể trên báo nhà: Hồi nhà văn Nguyễn Văn Bổng làm Tổng Biên tập báo Văn Nghệ, có lần ông chê Trần Ninh Hồ biên tập dốt. T.N.Hồ đối đáp: Cấp 2 cấp 3 đều học “Con trâu”, vào đại học cũng “Con trâu”, gì mà chả ngu!” Ông Bổng dỗi vài hôm thì xẻn lẻn: Vào đại học chúng nó cũng phải học “Con trâu” thật à? Thế thì ngu thật!” (Chứng tỏ ông chả vinh dự giề khi con trâu của mình được nhai đi nhai lại).
Với lớp 8A Trưng Vương ngày ấy, không hề có “những giờ văn thầy ngắc ngứ trò ngắc ngứ” mà là những giờ học sướng hơn đi chơi. Theo cách nói thời thượng là “tương tác”. Luôn tương tác thầy-trò, ko đần ra thụ động, cắm đầu cắm cổ ghi ghi chép chép.
Bởi vì người thầy này- Nguyễn Bắc Sơn đã quyết vận dụng những sáng kiến, cải cách giáo dục ông tích lũy bao năm vào lớp 8A. 
Tuần trước, 13/8/2017, họp lớp gồm 14 đứa và thầy chủ nhiệm Bắc Sơn sau bao năm đứt liên lạc, cả bọn có vẻ trố mắt khi mình hỏi những câu như: Có nhớ bài học đầu tiên là về gì ko? Thầy từng in những bài báo nào khi đang dạy bọn mình? Tên thật của thầy thật ra là Nguyễn Công Bác nhé, tức là công bằng bác ái. Vân vân.
Ôi làm sao kể hết cái buổi ban đầu lưu luyến ấy. Ví dụ lần đầu tiên mình nghe giải nghĩa từ “bài ca”: những gì đẹp nhất, hay nhất, lý tưởng nhất. “Bài ca giao thông vận tải” nghĩa là những gì hay nhất đẹp nhất lý tưởng nhất về giao thông vận tải. Sau này mỗi khi viết những phóng sự đặt tít kiểu “Bài ca du lịch”, lại nhớ về thuở đầu đời 8A. 
Những cải cách của Nguyễn Bắc Sơn không phải đồng nghiệp nào cũng tâm phục khẩu phục. Ví dụ thay vì gọi sổ LIÊN LẠC thì gọi sổ TU DƯỠNG. Trước mỗi giờ kiểm tra, mỗi đứa để trước mặt tấm biển nhỏ LỜI HỨA DANH DỰ tự tay viết, trong đó thề không quay cóp.
Bọn mình được dạy không ghi “Lời phê của giáo viên” mà “Lời phê của thầy giáo”, mới có lễ nghĩa. Không nói cám ơn, mà cảm ơn. Được dạy về ĐỐ KỴ GIỚI TÍNH ngay những ngày đầu, nghĩa là cùng dấu đẩy nhau, khác dấu hút nhau. Ngay từ đầu, thầy nói: “Thầy cô giáo không phải là khuôn vàng thước ngọc”- điều trước đó chưa từng nghe.
Thầy ghét lối viết sáo. Có lần làm bài về một tác phẩm văn học dân gian, mình lười biếng viết: “Dưới ngòi bút của...” Bị thầy phê bên cạnh: “Bút mực hay bút chì?” (đã dân gian thì truyền miệng, làm gì có bút nào), làm mình ngượng tái. Có đứa viết được một ít đã tịt nên buông dấu ba chấm lửng lơ ra cái điều còn đầy chuyện nhưng không buồn viết. Thầy bèn vẽ cái quan tài vào chỗ có ba chấm. 
Bọn mình được tha hồ phóng bút, bộc lộ cá tính. Đâu biết văn mẫu là gì. Nhưng hay bị để ý tiểu tiết như: Tên họ phải viết ngang hàng với thứ ngày tháng. Nhớ lần viết về truyện ngụ ngôn Edop, mình bị trừ 1 điểm, còn 9, vì can tội “ngông ngạo” ghi họ tên góc bên trái hơi cao một chút.
Trong một năm học, bọn mình lần lượt đi dã ngoại các chùa cách Hà Nội mấy chục cây số bằng xe đạp: Chùa Hương, chùa Thầy, Tây Phương, Trầm, Trăm Gian. Có lần băng qua ruộng mía dừng lại nhổ trộm, bị đuổi, ném gạch và mắng với theo: “Hà Nội có tội với nhà quê!” Thời bao cấp ai chả khổ nhưng bọn Hà Nội vẫn nhung nhăng nhởn nhơ lắm so với “nhà quê”, ghét là phải. 
Thầy cho rằng những chuyến tham quan dã ngoại và lao động dã ngoại là cơ hội tốt nhất để sát hạch năng lực tổ chức, giáo dưỡng của thầy lẫn trò. Nhớ mãi lần lao động công ích xây nhà trẻ Hoa Hồng, Bungari gần hồ Hai Bà, moi đất moi cát trêu nhau trêu cả thầy.
Ngay những ngày đầu, thầy phát cho mỗi đứa một tờ giấy ghi nguyện vọng của mình, kỳ vọng gì ở thầy ở bạn, đề cao những đức tính nào nhất, và phải làm gì để có được tập thể đoàn kết vững mạnh.
Mình là thư ký lớp, được ôm đống phiếu khảo sát và đã sớm lộ tính tò mò báo chí, giở ra đọc xem một số đứa muốn gì. 
Nguyễn Bắc Sơn tự hào, trước khi về Trưng Vương, dạy trường Hoàn Kiếm (Albert Sarraut cũ) một mình thầy tổ chức cho 3 lớp đi lao động một tuần ở nông trường Đồng Giao, Ninh Bình. Thu hoạch dứa và lạc. Một học trò về sau trở thành Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng của Chính phủ đã nói với thầy rằng, chuyến lao động dã ngoại Đồng Giao tuyệt vời đã làm thay đổi cuộc đời anh ấy.
(phần cuối sẽ là: BẠN CÓ NHỚ TRƯỜNG NHỚ LỚP NHỚ TÊN TÔI)

Trong hình ảnh có thể có: 1 người
 Cùng cô bạn Xuan Nguyen
Tác giả là nhóm nhà báo Công giáo và Dân tộc (TPHCM), đã chụp cho mấy đứa nhỏ Hà Nội bọn mình bộ ảnh màu đầu tiên trong đời.


22/08/2017

BẠN CÓ NHỚ TRƯỜNG NHỚ LỚP NHỚ TÊN TÔI. (phần cuối stt MỘT VÉ ĐI TUỔI THƠ- LỚP 8A TRƯNG VƯƠNG)

Dương Phương Vinh
Lớp tôi (ảnh do bạn Xuân Nguyễn cung cấp - ảnh này có lẽ chụp khoảng năm lớp 11E thì phải ở Công viên Thống Nhất
“Em thấy không tất cả đã xa rồi/Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ/Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế/Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say...” (Chiếc lá đầu tiên- Hoàng Nhuận Cầm).
Tuổi thơ ra đi một cách cao ngạo và có những đứa ở tuổi thơ đó, cao ngạo mà lại dễ vỡ cho nên càng thích ai càng lánh xa. Dễ vỡ, cả nghĩ nên mới thổn thức mãi một chuyện thế này: Hồi ấy mình làm thư ký lớp, thường mang cuốn sổ điểm to dài về nhà chép. Run rủi đúng lần bị con ngỗng thì bố lại giở sổ xem, bèn xé toạc! Ngay sau đó ân hận, kỳ công nhờ mua được cuốn sổ hệt thế- của Bộ Giáo dục, xong tự tay ngồi chép từng con điểm. Mình vác cuốn sổ đầy nét chữ của bố đến trần tình với thầy, nói đừng kể cho ai, chỉ em, Tu Quyen Levà thầy biết thôi nhé, hứa đi. Thầy hứa, và không mắng mỏ gì chuyện cuốn sổ điểm bị thay thế.
Vài hôm sau, nghe bọn lớp khác mách: Thầy Bắc Sơn dạy Văn lớp chúng nó, kể chuyện cô thư ký lớp tôi như thế như thế, bị bố xé sổ điểm như thế, chuyện tày trời nhưng qua đó thấy mặt phải của vấn đề, đó là cha mẹ rất quan tâm con cái. Mình sốc nặng. Đi qua mấy lớp kia cảm giác cả lũ đang bàn tán về mình mà nóng hết gáy.
Hồi đó, 14- 15 tuổi không được gia đình giáo dục về giới tính và tình cảm đầu đời nên coi như mù chữ khoản này, cư xử cực vụng về. Nhưng lại sớm su-pơ soi, ôn con mà luôn ngầm phản biện. Chẳng hạn: thầy quí bạn thân của mình- Tú Quyên vì nó học giỏi, ngoan hay còn vì là em họ thầy Bình hiệu trưởng. Thầy chịu khó cải cách vì nhiệt huyết hay còn gì nữa...
13/8/2017 vừa rồi, cả lũ tụ bạ ở nhà Lê Văn Hướng tức Hướng “xoẳn”, một đứa xưa học rất giỏi tự nhiên. Hướng nói lớp 8A và mái trường Trưng Vương làm cậu vơ vẩn mãi kể cả khi sang Nga du học. Khi Trưng Vương tan, thầy Sơn kéo Hướng sang Chu Văn An theo thầy, sướng thế. Một số tản sang Hoàn Kiếm, Lý Thường Kiệt còn lại dạt hết về Trần Phú.
Hôm ấy đến ngôi nhà to vật bên sông Hồng của Hướng để liên hoan mà nhớ ngày xưa, cả bọn có niềm vui là thỉnh thoảng ra Bãi Giữa “pic nic”, bởi một phần của 8A cư trú ở đây- bọn nó đều có vẻ chân thật giản dị so với dân phố.
Ngày đó Hà Nội nhỏ bé, bọn mình nhỏ bé, mỗi cuộc ra bãi “nghe Hồng Hà nước vật mình mà trôi” (thơ Nguyễn Duy), run rẩy lướt thướt dưới mưa, xơi mẩu ngô khoai sắn nóng hổi bên bờ sông hoặc trong nhà Chiến, Diệp... thấy một nhịp đời khác hẳn trong phố.
Không khí của một buổi họp lớp thì đâu cũng thế: Chọc ghẹo nhau, ôn lại những mối tình bất thành... Cả lớp chỉ có một đôi “di căn” là Tuấn- Hoa, lấy nhau mê nhau đến giờ: “Suốt đời chỉ yêu một người/Bệnh ấy còn nặng hơn mười ung thư” (thơ Nguyễn Bảo Sinh). Ôn những chuyện như: Sao hồi đó suốt ngày lê la nhà nhau ko biết chán, ko như bọn nhóc bây giờ chát chít là chính. Suốt ngày ám nhà Hoa lớp trưởng để xì xụp nấu mì, tự nhiên như ruồi, chả e ngại mẹ và anh chị nó gì cả. Chỉ ít mỡ, phi hành xào cà chua, nước sôi cho nắm mì, bắc xuống thêm chút húng Láng và ớt tươi mà sao ngon thế! Có lần đang ăn thì bịch bịch, con mèo nhà nó mới đẻ, ăn mất con, xong quăng đầu con từ gác xép xuống. Hãi.
Nhớ những chuyện như: một dạo cứ chiều chủ nhật là mình lại bươn bả từ đầu phố Huế đến 48 Hàng Bài để mê mẩn xem bộ phim “Trên từng cây số” có anh Đây-a-nốp cằm chẻ đẹp giai ngời ngời, lại còn xem ở nhà hàng xóm của Hương chứ nhà nó chưa có ti vi. Một giai đoạn gian khó và kỳ cục của đất nước mà mình từng tả trong bài “Ăn mặc chơi xem nghe đọc một thời”.
Mình với tư cách đồng nghiệp báo chí của thầy chủ nhiệm, hôm 13/8/2017 đó, thông báo nhưng chưa đầy đủ lắm việc thầy đã trở thành một nhà văn hơn 2 chục đầu sách. Bọn nó chỉ biết, rời Trưng Vương thầy theo thầy Bình về Chu Văn An làm hiệu phó (thầy Bình là hiệu trưởng). Được hai nhiệm kỳ thì về làm Trưởng Phòng Quản lý Báo chí của Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội. Bọn nó cũng không biết, rời Trưng Vương, thầy từng được đề nghị nhưng từ chối làm hiệu trưởng cấp 3 Lý Thường Kiệt, hiệu trưởng cấp 3 Hà Nội- Amsterdam. Quá oách.
Viết stt này vì lẽ đó: Thầy của họ là tấm gương lao động, đến giờ này vẫn viết như điên nhưng 76 tuổi rồi, mà mình thì chưa từng viết bài giới thiệu cuốn sách nào của thầy.
Viết vì trong cuộc họp lớp sau bao năm đứt quãng, cả lũ đều chúng khẩu đồng từ mà rằng: được học năm đầu cấp 3 ở mái trường Trưng Vương trong một khóa học ko tiền khoáng hậu là niềm tự hào cả đời của chúng. Sắp tới kỉ niệm 100 năm Đồng Khánh- Trưng Vương, biết có nên về.
Viết còn vì quan sát trong so sánh với con và bạn bè chúng bây giờ- cũng đang bước những bước loạng choạng đầu đời. Mong nếu có sai lầm thì cái giá mà chúng phải trả giá sẽ ko quá đắt. Và thực sự lớn lên.
“Tôi kính trọng tôi thuở ngơ ngác cổng trường” (thơ Bùi Chí Vinh). Nhưng nếu được trở lại, có thể sẽ sống khác?
Sẽ gắng tận hưởng những ghế những bàn, trở đi. Những giờ học bình thường và bất thường. Những thềm đá hoa, cầu thang gỗ và cửa sổ dày lịch sử- văn hiến, phòng thí nghiệm lung linh, vườn rau nhỏ...trên con phố Tây đẹp đẽ. Bởi biết ra sao ngày sau. Có ai ngờ vừa chân ướt chân ráo vào trường thì 9 tháng sau đã phải rời đi với lành ít dữ nhiều chờ đợi phía trước.
“Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay/Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước/Con ve tiên tri vô tâm báo trước/Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu”. (Hoàng Nhuận Cầm).
Nếu được trở lại, sẽ trân trọng hơn tình cảm người khác dành cho. Ko phũ đến thế, làm tổn thương “trắng trợn” ai đơn phương. Sẽ chân tình tế nhị nói điều mình nghĩ với người ko đơn phương, nói bạn đá cầu thật duyên dáng, thầy chọn bạn chứ ko chọn mình thi học sinh giỏi Văn là phải, cảm ơn đã tặng truyện Tom Shaywer và Bố Già, nhưng... Sẽ nói thật điều chưa bằng lòng nho nhỏ để cùng điều chỉnh. Không khư khư phong kín ý nghĩ trong sự ấm ức để rồi mãi sau này cũng ko định danh nổi một mối quan hệ.
Nếu được trở lại, có thể vẫn khó tính như ma, vẫn phản biện đồng thời càng trân trọng những khoảnh khắc đáng giá. Hay là thả lỏng hơn đồng thời tinh tế hơn. Nhưng chúng mình chỉ mới 14- 15 tuổi đầu, nhỉ!
“Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em/Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ/Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế/Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi”. (Hoàng Nhuận Cầm- Chiếc lá đầu tiên).
Vẫn “Chiếc lá đầu tiên”: “Muốn nói bao nhiêu muốn khóc bao nhiêu/ Bài hát đầu xin hát về trường cũ/Một lớp học bâng khuâng màu xanh rủ/Sân trường đêm rụng xuống trái bàng đêm”. Hoàng Nghĩa Trung và các bạn 8A Trưng Vương ở đâu hãy cùng tụ hội: Lê Nhật Nam, Nguyễn Khắc Hoài Nam, Phùng Ngọc Diệp, Vũ Kim Chung, Lê Duy Linh, Trần Quốc Thắng, Đinh Thị Huệ, Nguyễn Tuấn Anh, Trịnh Việt Dũng, Đoàn Kim Lan, Đỗ Đình Chính, Trương Thanh Sơn, Đặng Thanh Sơn, Lê Văn Hướng, Nguyễn Chí Hướng, Nguyễn Phú Thắng, Phạm Anh Hiệp, Nguyễn Phi Long, Nguyễn Hải Nam, Lê Hồng Phương, Hoàng Dũng Trí, Trần Lê Văn, Dương Thị Hằng, Phạm Thu Nguyệt, Lê Thanh Hằng, Phạm Minh Chính, Phạm Hồng Việt, Trần Lê Anh Tuấn, Tuấn Long, Ho Tung Phuong, Hong Hoa, Hoàng Yến Nguyễn, Tường Vy Phạm, Huong Doan,Trang Cam, Xuan Nguyen, Bui Phuong Mai, Tu Quyen Le, VuAnh Cao. (Thiếu Trần Văn Chiến vì chúng ta mất bạn ấy đã hơn 20 năm).

 Một số ảnh lớp tôi do bạn Xuân Nguyễn cung cấp:









21/08/2017

Chợ Hà Nội ngày xưa


Chợ xưa đơn sơ, mộc mặc gắn liền đời sống của người dân trên mọi miền đất nước. Đó là nơi giao thương hàng hóa và trao đổi những vật dụng quen thuộc, hình thành nên một nét văn hóa sinh hoạt thân quen của người Việt. Chợ Hà Nội xưa cũng vậy…
Hà Nội xưa còn có tên gọi là “Kẻ Chợ” – cách gọi những nơi tập trung buôn bán ở thời kỳ quân chủ. Nói chung thì cả Hà Nội cũng là một cái chợ lớn với năm bảy chục phố “Hàng” khác nào những cầu quán mở ra ngút ngàn hàng hóa.
Nói về chợ Hà Nội, năm 1883, Pôn Buốc-đơ, thông tin viên của tờ Thời báo đã viết:
Hà Nội không có chợ mái che, cũng không có nơi quy định để họp chợ. Cả thành phố biến thành cái chợ mênh mông ở ngoài trời. Vào ngày phiên, lái buôn và thợ thủ công đủ các loại từ các làng mạc xung quanh kéo tới. Những người bán tơ lụa tới phố Hàng Đào, những người làm cuốc xẻng tới phố Hàng Đồng, những người làm nón đến phố Hàng Nón, tóm lại, thợ gì thì tới phố dành cho thợ ấy. Người ta đi lại, dạo chơi, chuyện trò, râm ran tiếng nói của số người gấp đôi ngày thường vốn đã đông như kiến. Việc họp chợ chẳng tốn kém gì, chỉ cần thời tiết tốt. Những người nông dân bày bán sản phẩm của mình trong chiếc túi vải hoặc trong rổ, hoặc ngay trên mặt đất nếu hàng không sợ hư hỏng. Mặt phố tràn ngập người.
Chợ Hà Nội xưa (Ảnh)
Cổng chợ Đồng Xuân ngày tết
Chợ Hà Nội xưa (Ảnh)
Phía trước chợ Đồng Xuân xưa.
Chợ Hà Nội xưa (Ảnh)
Cổng chợ Bưởi xưa
Chợ Hà Nội xưa (Ảnh)
Chợ ở cửa ô Thanh Hà
Chợ Hà Nội xưa (Ảnh)
Chợ ngoại thành Hà Nội
Chợ Hà Nội xưa (Ảnh)
Chợ Cầu Giấy
Chợ Hà Nội xưa (Ảnh)
Chợ bán hàng cho quân Lính
Cảnh buôn bán ở các chợ
Chợ Hà Nội xưa (Ảnh)
Những quán hàng ở ngoại ô.
Chợ Hà Nội xưa (Ảnh)
Hàng bán trứng
Chợ Hà Nội xưa (Ảnh)
Hàng bán than
Chợ Hà Nội xưa (Ảnh)
Hàng bán rổ rá, thúng, mẹt
Chợ Hà Nội xưa (Ảnh)
Hàng bán riệu và bánh ngọt.
Chợ Hà Nội xưa (Ảnh)
Hàng bán ngũ cốc.
Chợ Hà Nội xưa (Ảnh)
Hàng bán mía ở sông Hồng.
Chợ Hà Nội xưa (Ảnh)
Hàng bán hoa ven đường.
Chợ Hà Nội xưa (Ảnh)
Hàng bán hoa Đào ngày tết.
Chợ Hà Nội xưa (Ảnh)
Hàng bán hoa bên hồ Hoàn Kiếm.
Chợ Hà Nội xưa (Ảnh)
Hàng bán giỏ mây và bút lông.
Chợ Hà Nội xưa (Ảnh)
Hàng bán giấy bản.
Chợ Hà Nội xưa (Ảnh)
Hàng bán đèn dầu bằng thiếc.
Chợ Hà Nội xưa (Ảnh)
Hàng bán cau
Chợ Hà Nội xưa (Ảnh)
Hàng bán cá
Chợ Hà Nội xưa (Ảnh)
Chợ ở cửa ô Thanh Hà.
Chợ Hà Nội xưa (Ảnh)
Chợ tự phát bán đồ cũ.
  • Tham khảo từ bài viết “Hàng quán và chợ Hà Nội xưa” tại trang 36HN

19/08/2017

MỘT VÉ ĐI TUỔI THƠ- LỚP 8A TRƯNG VƯƠNG (Kỳ 1)

Dương Phương Vinh



Thầy Nguyễn Bắc Sơn và các trò cũ 8A: Hương, Hoa, Quyên, Vinh.

 Bức ảnh này rất quí, mình không hề nhớ có nó cho đến hôm vừa rồi được người thầy trong ảnh- Nguyễn Bắc Sơn, in tặng bốn đứa trò nhỏ lớp 8A Trưng Vương. Lúc đầu còn không nhận ra mình trong ảnh.
KHÔNG TIỀN KHOÁNG HẬU.
Không tiền khoáng hậu, độc nhất vô nhị chính là khóa học năm ấy ở ngôi trường Trưng Vương nằm trên hai phố Hàng Bài- Lý Thường Kiệt thập kỷ 80. Lần đầu tiên cả nước có một ngôi trường tồn tại ba cấp.
Số là trước đó, cấp1-2 Trưng Vương được chọn làm địa điểm triển lãm thiết bị nhà trường Liên Xô. Cực xịn. Kết thúc đợt triển lãm, Liên Xô tặng lại toàn bộ. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Vỹ muốn chuyển những thứ quí giá này sang trường Cao Bá Quát, một trường tiên tiến xuất sắc bên kia cầu Chương Dương. Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội, sau là Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, bà Nghiêm Chưởng Châu không đồng ý, cho rằng riêng việc vận chuyển đã khó bảo toàn. Bà Châu và Thứ trưởng Bộ Giáo dục Vũ Thuần Nho đề nghị ông Trần Vỹ cho thành lập thêm cấp 3 Trưng Vương để tận dụng số tài sản này, với những trang bị đặc biệt cho cấp 3.
Hiệu trưởng cả ba cấp liền- đặc biệt nhất nước- tên là Vũ Thái Bình. Còn thầy Nguyễn Bắc Sơn vừa chủ nhiệm lớp 8A bọn mình vừa dạy văn 3 lớp, kiêm thư ký hội đồng cấp 3 và thư ký “đại hội đồng” 3 cấp.
Bọn mình dân phố Huế, Hàng Bài, Trần Quốc Toản, Hàm Long, Bà Triệu- nghĩa là toàn “Hà Nội 1” cả, cách Trưng Vương có mấy trăm mét, cách Bờ Hồ 1 cây số đổ lại, thế mà choáng trong ngày nhập học. Trường sở quá đẹp, cổ kính xứng với đại danh. Trang thiết bị thì thôi rồi, độc đáo từ viên phấn, màu trắng ngà ko trắng toát, khối vuông chứ ko tròn. Từ chiếc nệm trong giờ thể dục cũng ra nệm. Giờ học Lý có phòng thí nghiệm Lý, giờ Hóa cũng vậy, trong đó gi gỉ gì gi cái gì cũng lung linh. Thầy cô toàn “hàng tuyển” từ các trường về.
Chị Mai Bích Hạnh lớp trên, lớp có Trịnh Xuân Thanh (Thanh Giới, Thanh Lexus- nhân tài của đất nước), hôm rồi nhớ lại: “Mình dân Hàng Bài, lại đang học Lý Thường Kiệt có phải thường đâu, thế mà vào Trưng Vương lúc ấy thấy như từ nông thôn đi ra nước ngoài, không phải ra thành phố”.
Kết thúc năm học, tan trường! Chết yểu! Mô hình thí điểm bị cho là thất bại, vì cấp 1+2 trực thuộc Phòng Giáo dục quận Hoàn Kiếm còn cấp 3 lại thuộc Sở Giáo dục Hà Nội. Bọn mình phải dạt sang Trần Phú học tiếp cấp 3, gọi là lớp 11.
Trần Phú trường cũng đẹp và cổ nằm trên phố Hai Bà Trưng cũng gần Bờ Hồ. Nhưng không phải đất học. Mình từng tả trong loạt bài “Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam- đêm chong đèn ngồi nhớ lại”: “Trần Phú tức Albert Sarraut cũ toàn dân các Hàng, gọi tắt là dân Hàng Ngang Hàng Đào. Một đội hình hùng hậu nổi bần bật, con gái da trứng gà bóc, đẹp từ gót chân đẹp đi, hồng rực. Con trai nhiều chàng như hoàng tử bé, lồng lộng. Một hôm, bọn tôi lẻn vào phòng hội đồng xem sổ điểm của các chàng lớp bên mà mình hằng ngưỡng mộ. Thấy toàn điểm 2, 3. Tự nhiên thấy bớt lung linh...”
Bi kịch của lớp 8A bắt đầu từ đây. Nhưng lần này sẽ chỉ kể những chuyện lạ 8A, gợi liên tưởng, so sánh với câu chuyện giáo dục bây giờ.Trần Phú để sau.

(còn tiếp)


16/08/2017

10 tiêu chí đánh giá sức khỏe của Đông y


Ngoài các chỉ số xét nghiệm theo Tây y, Đông y đưa ra 10 tiêu chí đánh giá sức khỏe cụ thể như sau. Khi bạn thiếu một trong những tiêu chí đó, hãy ngay lập tức quan tâm đến sức khỏe và cải thiện tình hình trước khi quá muộn.
1. Mắt sáng, có thần
Sức khỏe tốt thể hiện đầu tiên ở đôi mắt. Mắt phải sáng lấp lánh, thần thái sắc nét, không có cảm giác chậm chạp lờ đờ. Khi mắt nhanh nhẹn chứng tỏ cơ thể bên trong đủ tinh lực, khí lực và thần vượng. Chức năng ngũ tạng hoạt động tốt.
Trong sách Hoàng đế nội kinh viết: “Lục phủ ngũ tạng có đủ tinh khí hay không, chỉ cần nhìn vào mắt có sáng hay không là biết”.
Mắt thể hiện tinh lực, phản ánh chất lượng xương khớp, gân khỏe thì mắt sẽ đen. Máu là mạch của tinh, nếu thiếu máu thì mắt sẽ trắng bệch, thiếu thần.
Người xưa nhìn mắt là có thể nhận biết sức khỏe của nội tạng, hốc mắt phản ánh toàn bộ phần tinh lực bên trong của cơ thể. Thận biểu hiện ở con ngươi, gan biểu hiện ở tròng đen. Tim biểu hiện ở các mạch máu chằng chịt li ti trong mắt, phổi biểu hiện ở lòng trắng mắt. Lá lách thể hiện ở toàn bộ con mắt. Vì thế, muốn biết lục phủ ngũ tạng khỏe hay yếu, bạn hãy học quan sát sự biến đổi của đôi mắt.
2. Khuôn mặt hồng hào
Khi sắc mặt ánh lên màu hồng pha chút vàng nhẹ, đó là lúc bạn khỏe. Còn khi nhợt nhạt, xỉn thâm, là khi trong người bạn có bệnh, ốm yếu.
Sách cổ chép rằng, người có 12 kinh mạch, 365 lạc thì khí huyết tốt xấu đều thể hiện trên da mặt. Vì thế, làn da mặt chính là “máy dự báo thời tiết” của cơ thể, cho bạn biết mưa nắng, khỏe yếu.
Khi sức khỏe tốt, khí huyết sung mãn thì da mặt đỏ hồng sáng bóng. Ngược lại, khi khí huyết kém, da mặt sẽ nhợt nhạt xanh xao, không còn độ bóng láng, mịn màng, thậm chí nổi mụn, nám, tàn nhang.
3. Giọng nói to rõ
Phổi chủ khí, khi phổi khí đủ thì giọng nói sẽ to rõ, hào sảng, vang vọng, có trọng lực. Khi phổi khí yếu nhược, giọng nói sẽ yếu ớt, thiếu sức sống, bé nhỏ hoặc ẻo lả. Giọng nói cao hay thấp biểu hiện khí trong phổi có đầy đủ hay không.
Khi biết tiêu chí này, bạn nên dành thời gian để luyện tập các bài thở, thiền, thể dục hỗ trợ phát triển sức khỏe của phổi.
4. Hít thở trơn tru
Sách “Nan kinh” viết, chúng ta thở ra là dành cho tim, phổi; hít vào là danh cho gan, thận. Từ đó có thể thấy, việc hít thở đúng rất quan trọng đối với cơ quan nội tạng. Khi lắng nghe hơi thở của mình, nhận thấy không nhanh không chậm, không có vướng mắc trở ngại, đều và sâu, đó chính là tiêu chí cho thấy sức khỏe của nội tạng đang rất tốt.
Ngược lại, nếu thở khó, thở gấp, thở khò khè, nhanh chậm thất thường, thì bạn nên chú ý quan tâm đến việc chăm sóc hệ hô hấp, dưỡng phổi khẩn trương.
5. Răng xương chắc khỏe
Vòm miệng sạch sẽ không có mùi, răng không bị sâu và không bị các bệnh về răng miệng chính là tiêu chí cho thấy bạn đang sở hữu một hàm răng chắc khỏe.
Đông y cho rằng thận chủ cốt, răng chính là linh hồn hiện hữu của xương, răng cũng là một bộ phận của xương và kết nối với xương. Răng nhận dinh dưỡng và tinh khí từ thận để duy trì và phát triển. Khi thận tinh sung mãn thì răng sẽ chắc khỏe, đầy đủ. Khi tinh thận không đủ, răng sẽ lỏng lẻo, thậm chí gãy rụng.
Muốn răng chắc khỏe lâu dài, ngoài việc chú ý vệ sinh răng miệng tốt, bạn cần chăm sóc thận, chăm sóc xương, bổ sung canxi và các thực phẩm tốt cho thận, bổ dương. Khi muốn biết thận và xương khỏe hay yếu thì chỉ cần nhìn răng là biết.
6. Tóc suôn óng ả
Đông y quan niệm, thận khỏe thì thể hiện ra tóc. Tóc là cội nguồn của huyết. Tóc suôn mượt óng ả hay khô ráp gãy rụng không chỉ phụ thuộc vào sự nuôi dưỡng của tinh khí trong thận, mà còn dựa vào sự nuôi dưỡng của huyết dịch.
Vì thế, người có sức khỏe tốt, tóc sẽ suôn mượt, dày bóng. Còn người có sức khỏe kém, máu xấu, thận yếu thì tóc sẽ dễ bị bạc sớm, xơ yếu và gãy rụng.
Cách tốt nhất là bạn nên chăm sóc thận hàng ngày, ăn thức ăn bổ thận, bổ sung đủ canxi, những thực phẩm bổ máu.
7. Lưng, chân linh hoạt
Lưng là phủ của thận, khi thận yếu thì lưng sẽ đau. Đầu gối là phủ của gân mà gan lại thuộc gân nên khi gan bị thiếu máu, gân và mạch sẽ không được nuôi dưỡng đầy đủ, dẫn đến tứ chi gặp trở ngại, không hoạt động tốt.
Một người có lưng eo và tứ chi linh hoạt, với những vận động uyển chuyển, tức là tinh lực thận sung mãn, khí huyết trong gan tràn đầy.
Kiến nghị mọi người nên thường xuyên vận động, chăm chỉ tập thể dục. Dù bận đến đâu thì mỗi tuần tối thiểu 3 lần, mỗi lần tối thiểu 30 phút để giúp cho cơ và gân, xương cốt, tứ chi linh hoạt, vận động tự nhiên, khỏe mạnh.
8. Thể hình cân đối
Hãy thường xuyên quan tâm đến cân nặng có tỉ lệ phù hợp với chiều cao của bạn. Cơ thể hài hòa cân đối là tiêu chí đánh giá sức khỏe ổn định hay không.
Công thức chuẩn để tính là: Trọng lượng tiêu chuẩn (kg) = Chiều cao (cm) – 100 đối với nam/105 đối với nữ.
Ví dụ, phụ nữ cao 1m60 thì trọng lượng tiêu chuẩn sẽ bằng 160 (cm) – 105 = 55kg.
Nam giới cao 1m70 thì trọng lượng tiêu chuẩn bằng 170 (cm) – 100 = 70kg.
Đây là trọng lượng chuẩn và không nên để chỉ số cân nặng cao/thấp quá xa con số này. Tuổi cao hơn thì cân nặng tăng dần lên nhưng không được quá chênh lệch.
Đông y quan niệm, người béo thì khí sẽ hư yếu, hay bị các bệnh dư ẩm (tích nước) gây ra các bệnh liên quan đến đờm, viêm, mỡ, ung bướu. Người gầy thì mắc bệnh âm hư, nóng trong người, dễ bốc hỏa, mụn nhọt, lở loét, các bệnh do nhiệt cao gây ra.
Người quá gầy hay quá béo đều được xem là một loại bệnh, họ nhạy cảm với sự tấn công của bệnh tật, rất dễ mắc các bệnh như tiểu đường, ho đờm, viêm họng, đột quỵ…
9. Nghĩ nhanh, nhớ tốt
Não là phủ của thần khí con người, não cũng chính là cơ quan đại diện cho tủy, trong khi thận lại dựa vào xương mà sinh ra tủy.
Tất cả những gì liên quan đến não đều có thể ảnh hưởng đến tinh và tủy, thần thái và tâm trí. Trí nhớ của con người tốt hay kém đều phụ thuộc và khả năng làm việc của não. Khi tinh khí trong thận đầy đủ, sẽ nuôi dưỡng và sinh tủy dồi dào, từ đó giúp trí nhớ hoạt động mạnh mẽ, khả năng hiểu biết tăng cao.
Nếu tủy kém, não sẽ kém theo, trí nhớ suy giảm mạnh, mau quên, đãng trí thường xuyên. Cách tốt nhất là bạn nên khẩn trương chăm sóc trí não từ gốc rễ, tức là chăm sóc thận và xương.
10. Cảm xúc ổn định
Con người có 7 trạng thái cảm xúc thay đổi thường xuyên như vui vẻ, buồn bã, giận dữ, lo lắng, suy tư, sợ hãi, ngạc nhiên. Đây cũng là dấu hiệu phản ánh trạng thái tinh thần của cơ thể đang tốt hay xấu, cao hay thấp.
7 trạng thái này đại diện cho từng biểu hiện của tâm trạng và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của các cơ quan nội tạng.
Nếu quá tức giận sẽ gây hại gan, quá vui sẽ hại tim, quá buồn sẽ tổn thương lá lách, quá đau khổ sẽ tổn thương phổi, quá sợ hãi sẽ ảnh hưởng đến thận.
Vì vậy, mỗi ngày phát sinh bất kỳ trạng thái tâm lý nào, cũng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến chức năng của nội tạng. Hãy chăm sóc tâm trạng của mình thật tốt, hài hòa, ổn định, điều tiết kịp thời thì mới mong có sức khỏe tốt.
Nếu bạn rơi vào trạng thái bi quan buồn chán hay đau khổ, tinh thần đi xuống, hãy giải tỏa càng sớm càng tốt. Thời gian tối đa để giận không nên quá 3 phút, không nền buồn đau quá 3 ngày. Có nhiều cách để điều khiển tâm trạng của bạn, đầu tiên là giữ thái độ sống lạc quan tích cực, sau đó là rất nhiều phương pháp đơn giản khác.


14/08/2017

Hãy sống nhẹ nhõm và vui vẻ




Cuộc sống này đẹp, kỳ diệu và tuyệt vời. Nhưng đồng thời duy trì cuộc sống cũng chẳng dễ dàng gì. Không có ai được sống tốt hơn người khác, chỉ là họ biết cách duy trì những suy nghĩ, thói quen tích cực hơn.
Chúng ta đang phớt lờ quá nhiều điều mắt thấy tai nghe chỉ vì lo sợ chúng quá trần trụi và khắc nghiệt, thế nhưng bạn không biết rằng, học cách chấp nhận chúng sẽ giúp bạn nhẹ nhõm và sống vui vẻ hơn nhiều.
1. Mọi người đều sẽ phải đối diện với cái chết
Không ai có thể “trường sinh bất tử”, không ai sống mãi bên bạn để cùng vun đắp một mối quan hệ tình cảm bền lâu. Nhiều người thường quên đi việc đó, quên mất những người thân yêu khi còn sống và rồi chỉ hối tiếc khi họ không còn nữa. Ông bà, ba mẹ, bạn bè – chúng ta không thể biết họ còn bên ta đến khi nào? Vì thế, hãy gọi ngay cho ba mẹ nếu gần đây bạn chưa gọi về nhà. Hãy trân trọng các mối quan hệ với những người thân yêu vì đó là điều ý nghĩa nhất trong cuộc đời, hơn hết thảy mọi thứ.
2. Cuộc sống là của mình, không phải của ai khác
Những người tu hành tin rằng, mỗi người tạo ra thế giới bằng suy nghĩ và hành động của riêng họ. Mỗi người chúng ta có một ý nghĩa tồn tại khác nhau, mà chính chúng ta là người lựa chọn. Bạn không cần phải xông lên, tham gia vào đoàn quân kêu gọi hòa bình hay chấm dứt nạn đói trên thế giới thì mới gọi là sống có ý nghĩa. Một nhân viên thu ngân ở cửa hàng tạp hóa cũng có thể cảm thấy tự hào như một CEO của công ty lớn, vì cô ấy biết mình có gì và mình nên cố gắng vì điều gì.
3. Không bao giờ có người vợ/chồng hoàn hảo
Ai mà chẳng mong có một người bạn đời, một “đối tác” sẽ gắn bó với mình hạnh phúc mãi mãi. Nhưng thực tế thì, có mấy ai tìm được một người như thế. Những kỳ vọng của chúng ta về một người bạn đời hoàn hảo lại vô tình khiến cho mối quan hệ bị rạn nứt vì họ không giống bức tranh mà bạn tự dựng nên. Thay vì thất vọng và chì chiết, hãy coi đó là một mối quan hệ công việc bình đẳng mà trong đó cần sự hợp tác từ cả hai phía. Cả hai bạn sẽ là người cùng vẽ nên bức tranh chứ không phải một bức tranh có sẵn rồi bạn chỉ việc in hình người kia lên.
4. Cuộc sống là một trò chơi
Tại sao bạn luôn phải sống trong e dè và lo sợ đúng sai? Cuộc sống vốn sinh ra là để học hỏi, là để sai lầm và đứng lên từ những chính sai lầm đó. Thay vì mãi ngần ngại, hãy coi cuộc sống này như một cuộc chơi mà trong đó chính bạn quyết định những điều phải làm, những điều cần học hỏi và nâng cấp. Nào có ai thành công đi đến ván cuối cùng mà cứ lo sợ đâu. Bạn đã thấy ai trở thành cầu thủ chuyên nghiệp mà chưa một lần ra sân và tấn công chưa?
5. Không có gì kéo dài mãi mãi
Điều này có vẻ khó nghe nhưng sự thật là vậy, không có gì có thể kéo dài mãi mãi. Chúng ta sẽ chỉ trẻ trung phơi phới ở một độ tuổi nhất định, rồi nhất định sẽ già đi. Chúng ta sẽ say đắm trong tình yêu, sẽ thất tình, rồi sẽ mất đi người mình yêu. Sống rồi sẽ chết. Hãy nhớ rằng, ai cũng sẽ sống, yêu, thành công, thất bại, rồi chết đi. Kể cả bạn cũng không thể ngoại lệ. Bởi thế đừng tuyệt vọng, hãy cảm thấy biết ơn cuộc sống, lạc quan và tận hưởng. Nếu cái gì cũng kéo dài mãi mãi thì đâu còn đặc biệt nữa, đúng không? Mọi thứ chỉ có giá trị khi có hạn định mà thôi.
6. Trân trọng những điều nhỏ nhất
Khi nào bạn nhận thức được tất cả mọi thứ rồi sẽ kết thúc thì tự khắc bạn sẽ biết trân trọng cuộc sống. Nếu cứ nhìn nhận mọi thứ một cách khắc nghiệt thì sẽ chẳng bao giờ bạn thấy vui vẻ, và ngược lại. Thay vì cứ đi theo lối mòn, hãy thử đi một con đường khác mọi ngày. Nhìn ngắm mọi thứ chậm hơn, nhiều hơn, từ những đám cỏ đến từng vì sao. Hãy sống với tâm hồn lãng mạn nguyên thủy, bạn sẽ thấy cuộc sống tươi đẹp biết nhường nào!
7. Hãy thực tế khi làm những việc lớn
Tất nhiên là đừng nên quan trọng hóa hay nặng nề hóa vấn đề, nhưng với những việc lớn thì bạn vẫn cần phải cẩn trọng và thực tế. Thử nghĩ xem, đâu có nhà văn nào chỉ viết xuống đôi chữ mà nổi tiếng. Không! Họ đã phải đi từng bước bài bản, họ viết, chỉnh sửa, quảng bá rồi mới xuất bản cuốn sách. Hãy vận dụng hết thời gian, năng lượng và trí tuệ vào những việc trọng đại trong cuộc đời.
8. Ngừng việc phàn nàn và tìm cách thực hiện
Hầu như chúng ta ai cũng từng gặp một người bạn có tính phàn nàn thái quá, họ luôn tìm ra điều khiến họ chán nản về cuộc sống. Thế nhưng họ lại không chịu thay đổi để mọi thứ tốt hơn lên? Nếu bạn nhìn lại chính mình, bạn cũng sẽ thấy mình chẳng khá hơn họ là bao đâu! Thật sự thì những lời phàn nàn chẳng thay đổi được điều gì cả, tất cả phụ thuộc hết vào chúng ta. Bạn cần phải chủ động và tích cực hơn, phải sống với suy nghĩ: Chắc chắn sẽ có cách nào đó khác! Bằng không, bạn sẽ chỉ quẩn quanh với việc chê bai, miệt thị và chán nản mà thôi.