Dương Phương Vinh
Lớp tôi (ảnh do bạn Xuân Nguyễn cung cấp - ảnh này có lẽ chụp khoảng năm lớp 11E thì phải ở Công viên Thống Nhất)
“Em
thấy không tất cả đã xa rồi/Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ/Tuổi thơ kia
ra đi cao ngạo thế/Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say...” (Chiếc lá đầu
tiên- Hoàng Nhuận Cầm).
Tuổi
thơ ra đi một cách cao ngạo và có những đứa ở tuổi thơ đó, cao ngạo mà lại dễ
vỡ cho nên càng thích ai càng lánh xa. Dễ vỡ, cả nghĩ nên mới thổn thức mãi một
chuyện thế này: Hồi ấy mình làm thư ký lớp, thường mang cuốn sổ điểm to dài về
nhà chép. Run rủi đúng lần bị con ngỗng thì bố lại giở sổ xem, bèn xé toạc!
Ngay sau đó ân hận, kỳ công nhờ mua được cuốn sổ hệt thế- của Bộ Giáo dục, xong
tự tay ngồi chép từng con điểm. Mình vác cuốn sổ đầy nét chữ của bố đến trần
tình với thầy, nói đừng kể cho ai, chỉ em, Tu Quyen Levà
thầy biết thôi nhé, hứa đi. Thầy hứa, và không mắng mỏ gì chuyện cuốn sổ điểm
bị thay thế.
Vài
hôm sau, nghe bọn lớp khác mách: Thầy Bắc Sơn dạy Văn lớp chúng nó, kể chuyện
cô thư ký lớp tôi như thế như thế, bị bố xé sổ điểm như thế, chuyện tày trời
nhưng qua đó thấy mặt phải của vấn đề, đó là cha mẹ rất quan tâm con cái. Mình
sốc nặng. Đi qua mấy lớp kia cảm giác cả lũ đang bàn tán về mình mà nóng hết
gáy.
Hồi
đó, 14- 15 tuổi không được gia đình giáo dục về giới tính và tình cảm đầu đời
nên coi như mù chữ khoản này, cư xử cực vụng về. Nhưng lại sớm su-pơ soi, ôn
con mà luôn ngầm phản biện. Chẳng hạn: thầy quí bạn thân của mình- Tú Quyên vì
nó học giỏi, ngoan hay còn vì là em họ thầy Bình hiệu trưởng. Thầy chịu khó cải
cách vì nhiệt huyết hay còn gì nữa...
13/8/2017
vừa rồi, cả lũ tụ bạ ở nhà Lê Văn Hướng tức Hướng “xoẳn”, một đứa xưa học rất
giỏi tự nhiên. Hướng nói lớp 8A và mái trường Trưng Vương làm cậu vơ vẩn mãi kể
cả khi sang Nga du học. Khi Trưng Vương tan, thầy Sơn kéo Hướng sang Chu Văn An
theo thầy, sướng thế. Một số tản sang Hoàn Kiếm, Lý Thường Kiệt còn lại dạt hết
về Trần Phú.
Hôm
ấy đến ngôi nhà to vật bên sông Hồng của Hướng để liên hoan mà nhớ ngày xưa, cả
bọn có niềm vui là thỉnh thoảng ra Bãi Giữa “pic nic”, bởi một phần của 8A cư
trú ở đây- bọn nó đều có vẻ chân thật giản dị so với dân phố.
Ngày
đó Hà Nội nhỏ bé, bọn mình nhỏ bé, mỗi cuộc ra bãi “nghe Hồng Hà nước vật mình
mà trôi” (thơ Nguyễn Duy), run rẩy lướt thướt dưới mưa, xơi mẩu ngô khoai sắn
nóng hổi bên bờ sông hoặc trong nhà Chiến, Diệp... thấy một nhịp đời khác hẳn
trong phố.
Không
khí của một buổi họp lớp thì đâu cũng thế: Chọc ghẹo nhau, ôn lại những mối
tình bất thành... Cả lớp chỉ có một đôi “di căn” là Tuấn- Hoa, lấy nhau mê nhau
đến giờ: “Suốt đời chỉ yêu một người/Bệnh ấy còn nặng hơn mười ung thư” (thơ
Nguyễn Bảo Sinh). Ôn những chuyện như: Sao hồi đó suốt ngày lê la nhà nhau ko
biết chán, ko như bọn nhóc bây giờ chát chít là chính. Suốt ngày ám nhà Hoa lớp
trưởng để xì xụp nấu mì, tự nhiên như ruồi, chả e ngại mẹ và anh chị nó gì cả.
Chỉ ít mỡ, phi hành xào cà chua, nước sôi cho nắm mì, bắc xuống thêm chút húng
Láng và ớt tươi mà sao ngon thế! Có lần đang ăn thì bịch bịch, con mèo nhà nó
mới đẻ, ăn mất con, xong quăng đầu con từ gác xép xuống. Hãi.
Nhớ
những chuyện như: một dạo cứ chiều chủ nhật là mình lại bươn bả từ đầu phố Huế
đến 48 Hàng Bài để mê mẩn xem bộ phim “Trên từng cây số” có anh Đây-a-nốp cằm
chẻ đẹp giai ngời ngời, lại còn xem ở nhà hàng xóm của Hương chứ nhà nó chưa có
ti vi. Một giai đoạn gian khó và kỳ cục của đất nước mà mình từng tả trong bài
“Ăn mặc chơi xem nghe đọc một thời”.
Mình
với tư cách đồng nghiệp báo chí của thầy chủ nhiệm, hôm 13/8/2017 đó, thông báo
nhưng chưa đầy đủ lắm việc thầy đã trở thành một nhà văn hơn 2 chục đầu sách.
Bọn nó chỉ biết, rời Trưng Vương thầy theo thầy Bình về Chu Văn An làm hiệu phó
(thầy Bình là hiệu trưởng). Được hai nhiệm kỳ thì về làm Trưởng Phòng Quản lý
Báo chí của Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội. Bọn nó cũng không biết, rời Trưng
Vương, thầy từng được đề nghị nhưng từ chối làm hiệu trưởng cấp 3 Lý Thường
Kiệt, hiệu trưởng cấp 3 Hà Nội- Amsterdam. Quá oách.
Viết
stt này vì lẽ đó: Thầy của họ là tấm gương lao động, đến giờ này vẫn viết như
điên nhưng 76 tuổi rồi, mà mình thì chưa từng viết bài giới thiệu cuốn sách nào
của thầy.
Viết
vì trong cuộc họp lớp sau bao năm đứt quãng, cả lũ đều chúng khẩu đồng từ mà
rằng: được học năm đầu cấp 3 ở mái trường Trưng Vương trong một khóa học ko
tiền khoáng hậu là niềm tự hào cả đời của chúng. Sắp tới kỉ niệm 100 năm Đồng
Khánh- Trưng Vương, biết có nên về.
Viết
còn vì quan sát trong so sánh với con và bạn bè chúng bây giờ- cũng đang bước
những bước loạng choạng đầu đời. Mong nếu có sai lầm thì cái giá mà chúng phải
trả giá sẽ ko quá đắt. Và thực sự lớn lên.
“Tôi
kính trọng tôi thuở ngơ ngác cổng trường” (thơ Bùi Chí Vinh). Nhưng nếu được
trở lại, có thể sẽ sống khác?
Sẽ
gắng tận hưởng những ghế những bàn, trở đi. Những giờ học bình thường và bất
thường. Những thềm đá hoa, cầu thang gỗ và cửa sổ dày lịch sử- văn hiến, phòng
thí nghiệm lung linh, vườn rau nhỏ...trên con phố Tây đẹp đẽ. Bởi biết ra sao
ngày sau. Có ai ngờ vừa chân ướt chân ráo vào trường thì 9 tháng sau đã phải
rời đi với lành ít dữ nhiều chờ đợi phía trước.
“Chùm
phượng hồng yêu dấu ấy rời tay/Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước/Con ve tiên
tri vô tâm báo trước/Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu”. (Hoàng Nhuận Cầm).
Nếu
được trở lại, sẽ trân trọng hơn tình cảm người khác dành cho. Ko phũ đến thế,
làm tổn thương “trắng trợn” ai đơn phương. Sẽ chân tình tế nhị nói điều mình
nghĩ với người ko đơn phương, nói bạn đá cầu thật duyên dáng, thầy chọn bạn chứ
ko chọn mình thi học sinh giỏi Văn là phải, cảm ơn đã tặng truyện Tom Shaywer
và Bố Già, nhưng... Sẽ nói thật điều chưa bằng lòng nho nhỏ để cùng điều chỉnh.
Không khư khư phong kín ý nghĩ trong sự ấm ức để rồi mãi sau này cũng ko định
danh nổi một mối quan hệ.
Nếu
được trở lại, có thể vẫn khó tính như ma, vẫn phản biện đồng thời càng trân
trọng những khoảnh khắc đáng giá. Hay là thả lỏng hơn đồng thời tinh tế hơn.
Nhưng chúng mình chỉ mới 14- 15 tuổi đầu, nhỉ!
“Nỗi
nhớ đầu anh nhớ về em/Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ/Nỗi nhớ chẳng bao giờ
nhớ thế/Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi”. (Hoàng Nhuận Cầm- Chiếc lá
đầu tiên).
Vẫn
“Chiếc lá đầu tiên”: “Muốn nói bao nhiêu muốn khóc bao nhiêu/ Bài hát đầu xin
hát về trường cũ/Một lớp học bâng khuâng màu xanh rủ/Sân trường đêm rụng xuống
trái bàng đêm”. Hoàng Nghĩa Trung và các bạn 8A Trưng Vương ở đâu hãy cùng tụ
hội: Lê Nhật Nam, Nguyễn Khắc Hoài Nam, Phùng Ngọc Diệp, Vũ Kim Chung, Lê Duy
Linh, Trần Quốc Thắng, Đinh Thị Huệ, Nguyễn Tuấn Anh, Trịnh Việt Dũng, Đoàn Kim
Lan, Đỗ Đình Chính, Trương Thanh Sơn, Đặng Thanh Sơn, Lê Văn Hướng, Nguyễn Chí
Hướng, Nguyễn Phú Thắng, Phạm Anh Hiệp, Nguyễn Phi Long, Nguyễn Hải Nam, Lê Hồng
Phương, Hoàng Dũng Trí, Trần Lê Văn, Dương Thị Hằng, Phạm Thu Nguyệt, Lê Thanh
Hằng, Phạm Minh Chính, Phạm Hồng Việt, Trần Lê Anh Tuấn, Tuấn Long, Ho Tung Phuong, Hong Hoa, Hoàng Yến Nguyễn, Tường Vy Phạm, Huong Doan,Trang Cam, Xuan Nguyen, Bui Phuong Mai, Tu Quyen Le, VuAnh Cao.
(Thiếu Trần Văn Chiến vì chúng ta mất bạn ấy đã hơn 20 năm).
Một số ảnh lớp tôi do bạn Xuân Nguyễn cung cấp:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét