19/08/2017

MỘT VÉ ĐI TUỔI THƠ- LỚP 8A TRƯNG VƯƠNG (Kỳ 1)

Dương Phương Vinh



Thầy Nguyễn Bắc Sơn và các trò cũ 8A: Hương, Hoa, Quyên, Vinh.

 Bức ảnh này rất quí, mình không hề nhớ có nó cho đến hôm vừa rồi được người thầy trong ảnh- Nguyễn Bắc Sơn, in tặng bốn đứa trò nhỏ lớp 8A Trưng Vương. Lúc đầu còn không nhận ra mình trong ảnh.
KHÔNG TIỀN KHOÁNG HẬU.
Không tiền khoáng hậu, độc nhất vô nhị chính là khóa học năm ấy ở ngôi trường Trưng Vương nằm trên hai phố Hàng Bài- Lý Thường Kiệt thập kỷ 80. Lần đầu tiên cả nước có một ngôi trường tồn tại ba cấp.
Số là trước đó, cấp1-2 Trưng Vương được chọn làm địa điểm triển lãm thiết bị nhà trường Liên Xô. Cực xịn. Kết thúc đợt triển lãm, Liên Xô tặng lại toàn bộ. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Vỹ muốn chuyển những thứ quí giá này sang trường Cao Bá Quát, một trường tiên tiến xuất sắc bên kia cầu Chương Dương. Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội, sau là Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, bà Nghiêm Chưởng Châu không đồng ý, cho rằng riêng việc vận chuyển đã khó bảo toàn. Bà Châu và Thứ trưởng Bộ Giáo dục Vũ Thuần Nho đề nghị ông Trần Vỹ cho thành lập thêm cấp 3 Trưng Vương để tận dụng số tài sản này, với những trang bị đặc biệt cho cấp 3.
Hiệu trưởng cả ba cấp liền- đặc biệt nhất nước- tên là Vũ Thái Bình. Còn thầy Nguyễn Bắc Sơn vừa chủ nhiệm lớp 8A bọn mình vừa dạy văn 3 lớp, kiêm thư ký hội đồng cấp 3 và thư ký “đại hội đồng” 3 cấp.
Bọn mình dân phố Huế, Hàng Bài, Trần Quốc Toản, Hàm Long, Bà Triệu- nghĩa là toàn “Hà Nội 1” cả, cách Trưng Vương có mấy trăm mét, cách Bờ Hồ 1 cây số đổ lại, thế mà choáng trong ngày nhập học. Trường sở quá đẹp, cổ kính xứng với đại danh. Trang thiết bị thì thôi rồi, độc đáo từ viên phấn, màu trắng ngà ko trắng toát, khối vuông chứ ko tròn. Từ chiếc nệm trong giờ thể dục cũng ra nệm. Giờ học Lý có phòng thí nghiệm Lý, giờ Hóa cũng vậy, trong đó gi gỉ gì gi cái gì cũng lung linh. Thầy cô toàn “hàng tuyển” từ các trường về.
Chị Mai Bích Hạnh lớp trên, lớp có Trịnh Xuân Thanh (Thanh Giới, Thanh Lexus- nhân tài của đất nước), hôm rồi nhớ lại: “Mình dân Hàng Bài, lại đang học Lý Thường Kiệt có phải thường đâu, thế mà vào Trưng Vương lúc ấy thấy như từ nông thôn đi ra nước ngoài, không phải ra thành phố”.
Kết thúc năm học, tan trường! Chết yểu! Mô hình thí điểm bị cho là thất bại, vì cấp 1+2 trực thuộc Phòng Giáo dục quận Hoàn Kiếm còn cấp 3 lại thuộc Sở Giáo dục Hà Nội. Bọn mình phải dạt sang Trần Phú học tiếp cấp 3, gọi là lớp 11.
Trần Phú trường cũng đẹp và cổ nằm trên phố Hai Bà Trưng cũng gần Bờ Hồ. Nhưng không phải đất học. Mình từng tả trong loạt bài “Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam- đêm chong đèn ngồi nhớ lại”: “Trần Phú tức Albert Sarraut cũ toàn dân các Hàng, gọi tắt là dân Hàng Ngang Hàng Đào. Một đội hình hùng hậu nổi bần bật, con gái da trứng gà bóc, đẹp từ gót chân đẹp đi, hồng rực. Con trai nhiều chàng như hoàng tử bé, lồng lộng. Một hôm, bọn tôi lẻn vào phòng hội đồng xem sổ điểm của các chàng lớp bên mà mình hằng ngưỡng mộ. Thấy toàn điểm 2, 3. Tự nhiên thấy bớt lung linh...”
Bi kịch của lớp 8A bắt đầu từ đây. Nhưng lần này sẽ chỉ kể những chuyện lạ 8A, gợi liên tưởng, so sánh với câu chuyện giáo dục bây giờ.Trần Phú để sau.

(còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét