Dương Phương Vinh
Thầy Nguyễn Bắc Sơn
“Những cuốn
sách Kim Đồng do người lớn hạ cố viết cho trẻ em, những giờ văn thầy ngắc ngứ
trò ngắc ngứ” là cách nhà văn Phạm Thị Hoài mai mỉa nền giáo dục một thời.
Còn
đây là giai thoại mình từng kể trên báo nhà: Hồi nhà văn Nguyễn Văn Bổng làm
Tổng Biên tập báo Văn Nghệ, có lần ông chê Trần Ninh Hồ biên tập dốt. T.N.Hồ
đối đáp: Cấp 2 cấp 3 đều học “Con trâu”, vào đại học cũng “Con trâu”, gì mà chả
ngu!” Ông Bổng dỗi vài hôm thì xẻn lẻn: Vào đại học chúng nó cũng phải học “Con
trâu” thật à? Thế thì ngu thật!” (Chứng tỏ ông chả vinh dự giề khi con trâu của
mình được nhai đi nhai lại).
Với
lớp 8A Trưng Vương ngày ấy, không hề có “những giờ văn thầy ngắc ngứ trò ngắc
ngứ” mà là những giờ học sướng hơn đi chơi. Theo cách nói thời thượng là “tương
tác”. Luôn tương tác thầy-trò, ko đần ra thụ động, cắm đầu cắm cổ ghi ghi chép
chép.
Bởi vì người thầy này- Nguyễn Bắc Sơn đã quyết vận dụng những sáng kiến, cải cách giáo dục ông tích lũy bao năm vào lớp 8A.
Bởi vì người thầy này- Nguyễn Bắc Sơn đã quyết vận dụng những sáng kiến, cải cách giáo dục ông tích lũy bao năm vào lớp 8A.
Tuần
trước, 13/8/2017, họp lớp gồm 14 đứa và thầy chủ nhiệm Bắc Sơn sau bao năm đứt
liên lạc, cả bọn có vẻ trố mắt khi mình hỏi những câu như: Có nhớ bài học đầu
tiên là về gì ko? Thầy từng in những bài báo nào khi đang dạy bọn mình? Tên
thật của thầy thật ra là Nguyễn Công Bác nhé, tức là công bằng bác ái. Vân vân.
Ôi
làm sao kể hết cái buổi ban đầu lưu luyến ấy. Ví dụ lần đầu tiên mình nghe giải
nghĩa từ “bài ca”: những gì đẹp nhất, hay nhất, lý tưởng nhất. “Bài ca giao
thông vận tải” nghĩa là những gì hay nhất đẹp nhất lý tưởng nhất về giao thông
vận tải. Sau này mỗi khi viết những phóng sự đặt tít kiểu “Bài ca du lịch”, lại
nhớ về thuở đầu đời 8A.
Những
cải cách của Nguyễn Bắc Sơn không phải đồng nghiệp nào cũng tâm phục khẩu phục.
Ví dụ thay vì gọi sổ LIÊN LẠC thì gọi sổ TU DƯỠNG. Trước mỗi giờ kiểm tra, mỗi
đứa để trước mặt tấm biển nhỏ LỜI HỨA DANH DỰ tự tay viết, trong đó thề không
quay cóp.
Bọn
mình được dạy không ghi “Lời phê của giáo viên” mà “Lời phê của thầy giáo”, mới
có lễ nghĩa. Không nói cám ơn, mà cảm ơn. Được dạy về ĐỐ KỴ GIỚI TÍNH ngay
những ngày đầu, nghĩa là cùng dấu đẩy nhau, khác dấu hút nhau. Ngay từ đầu,
thầy nói: “Thầy cô giáo không phải là khuôn vàng thước ngọc”- điều trước đó
chưa từng nghe.
Thầy
ghét lối viết sáo. Có lần làm bài về một tác phẩm văn học dân gian, mình lười
biếng viết: “Dưới ngòi bút của...” Bị thầy phê bên cạnh: “Bút mực hay bút chì?”
(đã dân gian thì truyền miệng, làm gì có bút nào), làm mình ngượng tái. Có đứa
viết được một ít đã tịt nên buông dấu ba chấm lửng lơ ra cái điều còn đầy
chuyện nhưng không buồn viết. Thầy bèn vẽ cái quan tài vào chỗ có ba chấm.
Bọn
mình được tha hồ phóng bút, bộc lộ cá tính. Đâu biết văn mẫu là gì. Nhưng hay
bị để ý tiểu tiết như: Tên họ phải viết ngang hàng với thứ ngày tháng. Nhớ lần
viết về truyện ngụ ngôn Edop, mình bị trừ 1 điểm, còn 9, vì can tội “ngông
ngạo” ghi họ tên góc bên trái hơi cao một chút.
Trong
một năm học, bọn mình lần lượt đi dã ngoại các chùa cách Hà Nội mấy chục cây số
bằng xe đạp: Chùa Hương, chùa Thầy, Tây Phương, Trầm, Trăm Gian. Có lần băng
qua ruộng mía dừng lại nhổ trộm, bị đuổi, ném gạch và mắng với theo: “Hà Nội có
tội với nhà quê!” Thời bao cấp ai chả khổ nhưng bọn Hà Nội vẫn nhung nhăng nhởn
nhơ lắm so với “nhà quê”, ghét là phải.
Thầy
cho rằng những chuyến tham quan dã ngoại và lao động dã ngoại là cơ hội tốt nhất
để sát hạch năng lực tổ chức, giáo dưỡng của thầy lẫn trò. Nhớ mãi lần lao động
công ích xây nhà trẻ Hoa Hồng, Bungari gần hồ Hai Bà, moi đất moi cát trêu nhau
trêu cả thầy.
Ngay
những ngày đầu, thầy phát cho mỗi đứa một tờ giấy ghi nguyện vọng của mình, kỳ
vọng gì ở thầy ở bạn, đề cao những đức tính nào nhất, và phải làm gì để có được
tập thể đoàn kết vững mạnh.
Mình
là thư ký lớp, được ôm đống phiếu khảo sát và đã sớm lộ tính tò mò báo chí, giở
ra đọc xem một số đứa muốn gì.
Nguyễn
Bắc Sơn tự hào, trước khi về Trưng Vương, dạy trường Hoàn Kiếm (Albert Sarraut
cũ) một mình thầy tổ chức cho 3 lớp đi lao động một tuần ở nông trường Đồng
Giao, Ninh Bình. Thu hoạch dứa và lạc. Một học trò về sau trở thành Vụ trưởng
Vụ Thi đua Khen thưởng của Chính phủ đã nói với thầy rằng, chuyến lao động dã
ngoại Đồng Giao tuyệt vời đã làm thay đổi cuộc đời anh ấy.
(phần cuối
sẽ là: BẠN CÓ NHỚ TRƯỜNG NHỚ LỚP NHỚ TÊN TÔI)
Cùng cô bạn Xuan Nguyen.
Tác giả là nhóm nhà báo Công giáo và Dân tộc (TPHCM), đã chụp cho mấy đứa nhỏ
Hà Nội bọn mình bộ ảnh màu đầu tiên trong đời.
Xuan Nguyen Hoàng Yến Nguyễn Hong Hoa Huong Doan Trang CamTường Vy Phạm Tuấn Long Hong Hoa Bui Phuong Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét