23/03/2015

PHÁP PHẬT LÀ THUỐC TRỊ TÂM BỆNH CỦA CHÚNG SANH

 


Trong kinh Phật dạy pháp của Phật là những phương thuốc trị tâm bệnh cho chúng sanh. Chúng sanh có tám muôn bốn ngàn phiền não, thì Phật có tám muôn bốn ngàn pháp môn. Như vậy mỗi pháp của Phật trị mỗi bệnh của chúng sanh. Nếu chúng sanh có bệnh, biết rõ bệnh của mình, lấy pháp của Phật trị thì bệnh sẽ lành, còn người có bệnh mà không biết thì chịu thua, hoặc biết bệnh mà không biết thuốc cũng không dùng được.

Như vậy pháp Phật là pháp trị bệnh cho chúng sanh. Thế nhưng pháp Phật đã có hai ngàn năm trăm mấy chục năm rồi, mà bệnh chúng sanh vẫn không hết, bởi vì chúng sanh nhiều bệnh quá.

Như chúng ta đã biết, khi đức Phật giác ngộ dưới cội Bồ Đề rồi. Ngài tìm đến năm anh em ông Kiều Trần Như để hóa độ. Bài pháp đầu tiên nói là Tứ diệu đế. Tứ diệu đế chia ra hai phần: một phần chỉ ra sự đau khổ, một phần dạy cách diệt đau khổ.

Về phần đau khổ. Phật dạy thân nầy chứa đựng bao nhiêu sự đau khổ, nên có thân là có khổ.. vậy cái khổ đó ai đặt ra, từ đâu đến? Đức Phật bảo cái khổ đó có nguyên nhân. Nguyên nhân đó gọi là gì? Gọi là tập. Như vậy khổ là một lẽ thật, nguyên nhân tạo khổ cũng là một lẽ thật. Vì vậy nên nói khổ đế, tập đế.

Khổ đã không phải ngẫu nhiên đến mà có nguyên nhân. Vậy khi biết nguyên nhân rồi muốn cho hết khổ thì phải tiêu diệt nguyên nhân gây khổ. Tiêu diệt được nguyên nhân gây khổ thì sẽ hết khổ. Nhưng muốn tiêu diệt nguyên nhân đau khổ không thể nói suông, mà phải có phương pháp. Cũng như thầy thuốc biết bệnh đang hành, bệnh nhân đang khổ, thì phải truy nguyên tìm ra vi trùng gây bệnh. Biết chính xác vi trùng rồi thì phải diệt vi trùng, diệt vi trùng xong mới hết bệnh. Nhưng nói diệt vi trùng không thôi thì không được, phải có phương thuốc cụ thể, mới diệt hết vi trùng.

Cũng vậy, Phật dạy tất cả khổ của chúng sanh đều có nguyên nhân. Nên Phật nói khổ đế là quả, tập đế là nhân. Diệt đế là diệt hết nhân khổ. Muốn diệt hết nhân khổ phải có phương pháp, phương pháp đó là đạo đế. Có phương pháp mới dùng phương pháp ấy diệt hết nguyên nhân đau khổ. Do đó diệt đế là quả giải thoát, còn nhân của quả giải thoát là đạo đế, tức phương pháp diệt khổ.

Đức Phật dạy chúng sanh đâu khác gì việc của các thầy thuốc đang làm. Nên đạo Phật rất thực tế, không nói chuyện viễn vông xa vời gì hết. Ai có bệnh chỉ cần dùng thuốc đúng thì trị lành bệnh. Trị lành bệnh là hết khổ, nên nói đạo Phật là đạo cứu khổ cho chúng sanh.

Ở thế gian, thầy thuốc trị về thân bệnh. Trong đạo, Phật trị tâm bệnh. Giữa hai việc điều trị đó, việc nào quan trọng hơn? Điều trị tâm bệnh quan trọng hơn. Bởi vì dù thầy thuốc có hay mấy, biết bệnh nhân đang bị đau tim hay đau phổi. Thầy thuốc có thuốc, nhưng người bệnh cứ rầu, cứ buồn, thì trị nổi không? Không nổi, vì tâm người bệnh không an, không vui thì điều trị khó lành. Vì vậy nên tâm bệnh rất là hệ trọng. Nếu thầy thuốc có được hai phương thuốc, một trị thân bệnh, một trị tâm bệnh thì hay biết mấy. Trị như vậy mới toàn hảo, còn chỉ một phần thì chưa được.

Để trị tâm bệnh, Phật dạy những pháp để tiêu trừ nguyên nhân sanh ra bệnh. Bệnh của chúng sanh có tám muôn bốn ngàn, pháp của Phật cũng có tám muôn bốn ngàn. Nhưng nói về cội gốc của bệnh, thì có sáu món căn bản phiền não. Trước khi nói pháp trị bệnh, chúng ta cần phải biết các thứ bệnh. Bệnh tình đó đang thế nào, muốn giới thiệu thuốc thì phải biết hậu quả hay hiện trạng bệnh đang hoành hành ra sao.

Bây giờ thử nghiệm lại tất cả chúng ta trong hiện đời khổ hay vui? Nếu vui thì không có bệnh, không bệnh thì cần gì thuốc. Nếu có bệnh mới tìm nguyên nhân gây bệnh và trị bằng cách nào. Trong nhà Phật nói con người bị bốn hoặc tám thứ khổ vây hãm, không ai thoát khỏi. Sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, có ai khỏi đâu?

Như vậy, quả thật chúng ta là bệnh nhân rồi. Ngoài ra còn ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ. Nghĩa là thương yêu xa lìa khổ, oán thù mà gặp mặt hoài khổ, mong muốn mà không được khổ, thân nầy đòi hỏi quá mức khổ. Kiểm lại trong tám thứ khổ chúng ta đều có đủ. Rõ ràng xác định được chúng ta là bệnh nhân rồi, thì mới nói tới trị liệu.

Muốn trị bệnh thì phải phăng tìm nguyên nhân. Nguyên nhân nào sanh ra những thứ khổ đó. Phật nói nhiều lắm, nhưng ở đây tôi chỉ kể sáu thứ: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Vì có nhân nầy nên có quả kia. Thí dụ như tham, căn bản là tham sống. Có người nào không tham sống sợ chết đâu? Nhưng rồi cũng phải chết, bởi vậy nên khổ. Bây giờ mình hết tham sống thì không sợ chết. Mà không sợ chết thì đâu còn khổ.

Từ tham sanh ra bao nhiêu thứ khổ. Đức Phật chia ra hai thứ: một là tham về ngũ dục, hai là ngũ trần. Tham ngũ dục là: tài, sắc, danh, thực, thùy. Tài là tiền của, sắc là sắc đẹp, danh là danh vọng, thực là ăn uống, thùy là ngủ nghĩ; năm cái nầy dễ cho mình tham. Từ những tâm tham nầy sanh ra các thứ khổ kia. Vậy chúng ta phải lấy thuốc gì để trị vi trùng tham?

Tham tài phải lấy hai thứ thuốc hòa hợp lại trị. Thuốc thứ nhất là bố thí, thuốc thứ hai là vô thường. Phật dạy tất cả tài sản chúng ta bị năm nhà cướp lấy. Năm nhà là gì? 1.-Nước lụt, 2.-Trộm cướp, 3.-Con bất hiếu, 4.-Lửa cháy, 5.-Vua chúa hay quan quyền tìm cách cưỡng đoạt.

Như chúng ta chứng kiến nạn lụt miền Trung vừa rồi, bao nhiêu năm dành dụm chỉ một cơn lũ là cuốn sạch, không còn gì cả. Như vậy tài sản của chúng ta có bảo đảm đâu, nên Phật nói nó thuộc về năm nhà. Nếu không bị lụt, có khi bị cháy cũng rụi. Không cháy thì bị trộm cướp, không bị trộm cướp thì con bất hiếu phá hết sự nghiệp. Không bị con cái thì gặp những thế lực bên ngoài cưỡng bức cướp lấy.

Tuy nói tiền bạc của cải của mình nhưng không bảo đảm giữ được lâu dài, như vậy tham để làm gì? Nghĩ đến vô thường chúng ta bớt tham. Bớt tham thì bớt khổ. Con người có bệnh hễ tiền của trong tay thì được một đòi hai, được hai đòi bốn, muốn thêm hoài. Ở đây Phật dạy phải xả, phải bố thí. Nên nghĩ chúng ta có bao nhiêu đủ ăn rồi, phần dư bố thí cho người. Như vậy là bớt lòng tham. Nếu người dư dả đem bố thí, vì biết rằng của cải giữ không được, không có tâm gom góp, keo xẻn là trị được bệnh tham tài. Rõ ràng có bệnh thì có thuốc. Biết được nguyên nhân vì tham tài, mà cầu bất đắc khổ. Muốn nhiều của nhưng muốn hoài không được thì khổ. Bây giờ mình đem ra bố thí tức không cần giữ gìn nữa thì đâu còn lòng tham. Mà không tham thì đâu có khổ.

Đối với người tham sắc, phật dạy dùng thuốc quán bất tịnh để trị. Bởi vì khi tham sắc thì thấy người đẹp, tự nhiên chúng ta nghĩ ngợi người đó đẹp thế nầy, người đó quí, sang thế nọ v.v… Ngược lại, nếu chúng ta quán thân mình bẩn thỉu không ra gì, thân mọi người cũng vậy, quán đến khi mình gớm thân mình, thì thân người khác mình cũng gớm luôn. Mà gớm thì hết ham. Đó là cách trị bệnh tham sắc.

Đến tham danh thì phải dùng pháp quán vô thường. Bởi vì mọi thứ trên đời nầy được rồi thì sẽ mất. Thí dụ như người ứng cử Tổng Thống được đắc cử, thì bốn, năm năm cũng hết nhiệm kỳ, có còn mãi đâu. Bởi nó không bền, vì vậy phải quán vô thường, quán nó là khổ. Khi chưa được danh vì lo lắng chạy chọt đủ thứ đã là khổ. Khi được rồi lo nó mất lại khổ nữa. Nếu thật sự nó mất lại càng buồn. Cho nên quán tham danh là khổ đau. Người không hiếu danh dù được mời gọi cũng không muốn. Nếu có làm việc gì thì vì tất cả lợi ích chung chớ không vì danh lợi của mình. Đã vì tất cả lợi ích chung thì được không mừng, mất cũng không lo, như vậy mới không khổ.

Đến việc ăn (thực) cũng là gốc của khổ. Phải dùng hai thứ thuốc vô thường và bất tịnh hòa lại. Thức ăn khi còn ở miệng thì quí, nhưng nuốt qua khỏi cổ rồi thì hết quí. Giả sử nó không chịu vào mà ụa ra thì có gớm không? Rất gớm. Như vậy nó quí khi còn ở ngoài. Nuốt vô rồi nó trở thành dơ, đâu phải là quí. Tại vì chúng ta cứ mê say nên cho là quí. Nếu thấy nhơ nhớp thì đâu có tham.

Lại một điều nữa, thức ăn ngon được bao lâu? Chỉ một hai phút ở trong lưỡi trong miệng thôi, qua khỏi cổ thì hết ngon rồi, nên nó tạm bợ vô thường, tham làm gì. Xét như vậy thì bớt được tham ăn.

Tới bệnh tham ngủ. Nhà Phật  dạy muốn trừ bệnh tham ngủ phải dùng thuốc vô thường, thuốc tinh tấn hòa lại. Nên nghĩ mạng sống nầy không bao lâu, không có gì bảo đảm. Giờ nào còn sống thì mừng giờ đó, qua giờ khác thì không thể biết được. Vì thân nầy rất mỏng manh, rất tạm bợ. Nên chúng ta hiện sống, có những việc nên làm đáng làm, mà không làm, cứ nằm ngủ hoài. Nhà Phật có câu: “Cần tu như lửa cháy đầu”, nếu đóm lửa rơi trên đầu thì chúng ta chần chờ hay phủi ngay? Vô thường đến bất kể lúc nào, chúng ta không thể lường trước được. Vì vậy giờ nào còn sống, còn khỏe thì nên làm tất cả những gì có thể làm, chớ không bỏ trôi ngày giờ lãng phí một cách vô ích.

Như vậy vừa quán vô thường, vừa tinh tấn thì trừ được bệnh tham ngủ. Nên tôi thường nói với Tăng Ni muốn trị bệnh tham ngủ thì phải dùng cây roi tinh tấn mà đánh cho nó thức.

Như vậy là trị năm thứ ngủ dục bằng năm thứ thuốc rồi. Ở đây tôi không nói ngủ trần vì ngủ trần cùng anh em với ngủ dục vậy thôi.

Qua sáu thứ căn bản phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Bệnh tham đã có mấy bài thuốc ở trên rồi, đến đây khỏi phải nhắc lại. Kế bệnh sân, thì trị bằng hai thứ thuốc từ bi và nhẫn nhục. Nhẫn nhục là giải quyết cấp thời, khi người ta làm trái ý, mình nổi sân lên liền phải nhẫn, buông xả đi thì gọi là nhẫn nhục. Buông xả dừng được cơn thịnh nộ rồi, nhưng lâu lâu nhớ lại cũng tức. Nghĩ rằng người ta nói bậy, làm bậy mình mới giận. Nhưng nếu chúng ta biết nghĩ lại, tại vì ngu si nên họ làm quấy thật đáng thương. Nghĩ như vậy mới hết giận luôn, chớ còn đè nén, mai sau nhớ lại giận nữa thì không được.

Cho nên có thuốc nhẫn nhục mà không có thuốc từ bi thì cũng dễ tái phát. Có nhẫn nhục rồi phải có từ bi quán theo sau đó. Bởi vì nếu chúng ta có tình thương thì lỗi nhiều thấy ít, nếu không thương thì lỗi ít thấy nhiều, không thể thứ tha được. Vì vậy phải vừa nhẫn nhục, vừa quán từ bi mới trị hết bệnh nóng giận.

Đến si tức si mê. Si mê có hai tầng bậc. Thứ nhất không biết gì là tội, gì là phước, gì là tà, gì là chánh, không phân biệt rành rẽ. Đó là si mê hạng thấp. Tuy nhiên, quí Phật tử thử xét lại xem thiện, ác chúng ta đã phân biệt rành chưa? Đôi khi chúng ta tưởng như mình đã biết rành về thiện ác nhưng có nhiều cái thiện mà thành ác, ngược lại ác lại thành thiện. Thí dụ cô giáo phạt học trò lười, trốn học hoài thì thấy như ác. Nhưng nhờ phạt nó cố gắng học, như vậy thì ác hay thiện? Còn giả sử như kẻ ghiền á phiện bị ụa mửa, có người thấy vậy mua á phiện đưa cho họ hút, như vậy thiện hay ác?

Mới nhìn như thiện vì kẻ đang khổ, cho hút thì họ đỡ khổ, nhưng sự thật thì ác vì làm cho họ ghiền hoài. Nên nhiều việc mới nhìn thấy thiện, mà hậu quả lại ác, hoặc ngược lại mới nhìn thấy ác nhưng hậu quả lại thiện. Vì vậy phân biệt thiện ác cũng không phải dễ, phải có trí tuệ mới có thể phân biệt được. Phân biệt được thiện ác mới phân biệt được tội phước. Cái gì tội, cái gì phước? Nếu việc làm giúp ích được người lâu dài thì có phước. Còn việc làm trước mắt thấy như thiện mà tạo thành cái khổ cho người lâu dài thì trở thành ác. Như vậy, thiện  ác thật khó xử, khó giải quyết. Nhưng nếu chúng ta phân biệt được thện ác thì tội phước mới không lầm lẫn. Cũng vậy đối với tà chánh, rất khó phân biệt. Có những trường hợp mới nghe như phải, như chánh nhưng mà rốt cuộc lại tà.

Như có người trong đạo Phật, rất cung kính Phật. Bởi quá cung kính Phật nên tin đức Phật có đầy đủ vạn năng, xin cái gì cũng được. Vì vậy, mỗi khi có tai nạn hoặc gạp vui buồn gì đó cứ đến xin Phật cầu Phật. Quan niệm như vậy là đã thành tà. Cung kính Phật tại sao lại tà, đó là vấn đề mà đôi khi Phật tử chúng ta không nhận ra. Đức Phật từng tuyên bố ta không có quyền ban phước giáng họa cho ai. Vậy chúng ta xin Phật cho hết tai họa thì có ngược lại lời ngài nói không?

Phật dạy một đàng, chúng ta làm một ngả, không phải tà là gì? Trong đạo, người mắc kẹt chuyện nầy nhiều lắm. Tu thì không chịu tu mà cứ xin. Phật dạy dùng pháp để trị tâm bệnh mà chúng ta cứ xin là sao? Có nhiều Phật tử nói “tôi theo đạo Phật mười năm rồi” mà động tới thì phiền não đủ thứ hết. Tu mà không hết khổ thì đạo Phật vô hiệu, không giá trị. Như vậy kẻ ấy làm tăng giá trị đạo Phật hay làm giảm giá trị đạo Phật? Việc nầy thật  tế nhị. Nên quí Phật tử phải hiểu tin Phật là nên tin điều gì và không nên tin điều gì. Người ta cứ ỷ lại vào Phật, cầu mong Phật cho cái nầy cái nọ. Được như ý thì nói Phật linh quá  rủ nhau đi chùa. Nếu không được như ý thì sao? Bây giờ Phật không linh, Bà Chúa Xứ linh hơn đi xin Bà Chúa Xứ. Thế là đã lạc vào đường tà.

Phật dạy chúng ta phương pháp tu, nếu có nóng giận nên tu pháp gì, đâu có cầu ai. Ứng dụng pháp Phật để tu thì phiền não giảm, đau khổ bớt. Như vậy, Phật cứu khổ cho mình rồi. Cũng như thầy thuốc khám bệnh cho thuốc nhưng bệnh nhân không chịu uống, vậy làm sao hết bệnh. Kẻ ấy thầy thuốc cũng chịu, không có cách nào khác. 

Phật là thầy thuốc trị tâm cho chúng sanh. Nhưng chúng sanh không chịu dùng thuốc thì làm sao hết bệnh, nên theo đạo Phật mà vẫn tà như thường. 

Hiện nay có rất đông người theo đạo Phật như vậy nhiều huynh đệ than phiền nói tôi tu mà cứ chỉ trích người nầy, chỉ trích người kia. Vì tôi thấy việc tà mà không xây dựng, không chỉ dạy thì đối với Phật pháp tôi đã có tội rồi. Do đó muốn phân biệt tà chánh rất là khó.

 Đó là chưa kể nhiều người tuyên bố mình là Bồ tát tái thế để độ chúng sanh hay họ tuyên bố có câu chú là bùa trị lành tất cả bệnh. Quí Phật tử nghĩ sao, điều đó chánh hay tà? Trong nhà Phật dạy không có vị Bồ tát nào hiện thân ra đời mà vỗ ngực xưng tên ta là Bồ tát cả.

Bồ tát đi lẫn trong quần chúng hành mật hạnh Bồ tát. Nếu nói ta là Bồ tát để được người cung kính lễ lạy thì làm sao hành hạnh Bồ tát? Chỉ như có người bệnh cần phải cõng đi bệnh viện thì Bồ tát làm. Người gặp cảnh nghèo đói cần giúp thì Bồ tát giúp thầm lặng, không hiện tướng khác người. Đôi khi vì thử người, Bồ tát hiện thân thấp kém để thử người mến đạo. Nếu xưng Bồ tát, mọi người đều quí kính hết thì làm được gì. Tự xưng Bồ tát còn không phải hạnh Bồ tát, huống nữa tự xưng Phật thì chúng ta bái, không nên lại gần, vì đó là tà rồi.

Điểm kế nữa, người dạy tu mà bảo phải thề độc, nếu bỏ đạo sẽ bị đọa địa ngục v.v… Như vậy tà hay chánh? Chắc chắn là tà rồi. Bởi tà nên họ sợ mình bỏ. Vì vậy bắt thề độc, lỡ vào rồi phải trung thành. Đó là tà giáo, nhiều Phật tử bị lầm đáng thương lắm.

Đức Phật dạy chúng ta qui y Phật, thề tránh điều dữ nguyện làm việc lành chứ không thề thốt gì hết. Lúc nào không muốn tu nữa thì thôi, không có chuyện hăm dọa bỏ đạo bị đọa địa ngục. Phân biệt tà chánh phải dùng trí tuệ. Muốn trị bệnh si mê thì vận dụng trí tuệ quán chiếu mới trị được. Bởi vì từ si mê người ta tạo đủ thứ nghiệp, chịu đủ thứ khổ. Nay muốn có trí tuệ, chúng ta phải học chánh pháp (hữu sư trí) và tu thiền định (vô sư trí). Lấy trí tuệ dẹp si mê.

Phần thứ nhất tôi nói về si mê cạn, đến phần thứ hai tôi nói về si mê sâu. Si mê sâu là: giả mà tưởng là thật, cái thật lại không biết. Nên thân nầy giả mà chúng ta tưởng thật. Đó là si mê. Si mê sâu nầy rất nguy hiểm vì chấp giả làm thật, nên không bao giờ biết được cái thật. Rồi đến tâm cũng chấp cái giả của tâm cho là thật. Trong kinh Lăng Nghiêm, phần bảy chỗ hỏi tâm, Phật hỏi ngài A Nan: Cái gì là tâm của ông? Ngài A Nan trả lời: Bạch Thế Tôn, cái hay suy nghĩ là tâm của con. Phật quở: Cái đó không phải tâm ông.

Ngài hoảng hốt quá, tưởng mình không có tâm sao? Phật nói: Ông có tâm nhưng cái suy nghĩ không phải là tâm ông. Phật liền dùng thí dụ chàng Diễn Nhã Đạt Đa đứng trước mặt gương soi mặt, thấy đầu mặt rõ ràng trong gương; khi úp gương xuốn đầu mặt mất. Ông ôm đầu chạy nói: “Tôi mất đầu rồi, tôi mất đầu rồi”. Tại sao ông ôm đầu chạy lại la mất đầu? Tại chấp bóng cho là đầu thật, nên mất bóng liền ôm đầu thật chạy la mất đầu.

Chúng ta cũng vậy, suy nghĩ phân biệt mà cho là tâm mình. Thật ra đó là duyên theo bóng, nghĩ về người thì có bóng người, nghĩ về vật thì có bóng vật. Nó lăng xăng  nhưng tìm lại thì mất dạng. Không phải bóng là gì?

Khi không suy nghĩ, không tính toán gì hết, lặng yên, lúc đó có tâm mình không? Tâm là cái biết, mắt thấy biết, tai nghe biết. Vậy mà chúng ta không bao giờ nhận cái đó, cứ nhận bóng dáng cho là mình. Như vậy chúng ta cũng giống Diễn Nhã Đạt Đa, cứ chấp bóng là tâm mình. Chấp bóng là mình tức chấp tâm giả cho là thật, thì không bao giờ thấy được tâm thật.

Nên biết tại sao chúng ta phải tu thiền, là để cái tâm tạm bợ bóng dáng đó lắng xuống, chớ nếu theo nó  liên tục thì làm gì thấy cái thật. Tôi thường ví dụ như cái gương, nhìn vào thấy có bóng người, bóng vật. Lúc đó chúng ta thấy mặt gương rõ không? Bởi mãi lo thấy bóng mà quên gương. Nếu khi không thấy bóng mới nhận ra mặt gương luôn trong sáng. Cũng vậy, tâm chúng ta luôn hiện tiền trong sáng. Nhưng chạy theo vọng tưởng thì quên tâm. Khi dừng được vọng tưởng thì cũng như gương không có bóng, mặt gương hiện rõ ràng. Chúng ta tu thiền chủ yếu là vì thế.

Tâm theo cảnh là tâm tạo nghiệp, buồn thương giận ghét là mầm tạo nghiệp. Nếu không nghĩ ngợi lăng xăng thì có buồn thương giận ghét không? Tâm không buồn thương giận ghét đâu có sanh diệt. Không  sanh diệt mới là cái chân thật của mình.

Đối với si mê cạn thì chúng ta dùng trí tuệ hữu học phân biệt chánh tà. Đối với si mê sâu chấp giả làm thật thì phải có công phu tu. Từ trí do huân tu mới nhận chân được lẽ thật. Đây là nhân giải thoát sanh tử.

Tóm lại, muốn trị bệnh si mê phải dùng thuốc trí tuệ  và thiền định. Trí tuệ là trí hữu học, còn thiền định để tăng trí vô sư. Như chỉ thắp đèn mới phá được bóng tối. Nếu không như thế thì làm sao phá được phiền não. Cho nên người học Phật không có trí tuệ thì không làm sao phá được phiền não. Vì trí tuệ phá si mê, mà si mê sanh ra phiền não. Si mê chấp thân, si mê chấp tâm v.v… Bao nhiêu khổ đau theo đó mà ra.

Đến bệnh mạn, tức ngã mạn. Tại sao chúng ta có bệnh khinh mạn hay ngã mạn nầy.? Vì một là chấp thân, hai là chấp tâm. Thí dụ người đẹp và sang thì thấy ta hơn thiên hạ, hoặc người thông minh học giỏi cũng thấy ta hơn người. Từ hai thứ chấp thân, chấp tâm: thân đẹp thì cho là quí, tâm lanh lợi thì cho là không ngoan, đó là bệnh ngạo mạn.

Bệnh nầy phải dùng phá ngã để trị. Phá ngã có hai: về thân thì do tứ đại hòa hợp, về tâm thì tất cả suy nghĩ đều là vọng tưởng hư dối, có gì thật đâu mà chấp. Ta đã không thật mà trọng mình khinh người là điều vô lý. Nên dùng pháp môn vô ngã, thân tứ đại duyên hợp nên không có ngã thật, tâm cũng là bóng dáng của ngoại trần, nên cũng không thật, có gì là khôn, có gì là hơn. Lấy vô ngã để phá ngã mạn, đó là thuốc trị bệnh mạn.

Đến nghi, thường nghi có hai loại: trong nhà thiền hay nói đa nghi đa ngộ thì cái nghi nầy là nghi quí. Còn nghi bệnh như: một là nghi mình, hai là nghi Tam Bảo, nghi không biết Phật có thật không, pháp Phật dạy có đúng không, các thầy có tu  thật không?

Do nghi như vậy nên đối với Tam bảo mất hết lòng tin. Kế đến nghi mình tu không nổi. Đã nghi mình, nghi Tam bảo thì làm sao tiến được. Cho nên muốn hết nghi phải lấy thuốc chánh tín để trị. Tức là lấy lòng tin. Lòng tin ở đây là từ trí tuệ mà có, chứ không phải tin mù quáng. Bởi tin có hai: tin do trí tuệ gọi là chánh tín. Tin một cách mù quáng gọi là mê tín. Chữ tin nầy cần phải hiểu cho rõ ràng.

Dùng chánh tín tức là lòng tin chân chánh để dẹp cái nghi. Chánh tín là tin thế nào? Một là tin Tam bảo bằng trí tuệ, đức Phật có thật hay không, chúng ta phải tra khảo tìm hiểu cho rõ. Khi nào biết thật có đức Phật là con người tu hành thành đạo thì đó mới gọi là tin Phật.

Thứ hai tin Pháp của Phật, pháp nầy đúng sự thật hay huyền hoặc sai với chân lý. Nếu đúng thì chúng ta mới tin pháp.

Thứ ba là tin Tăng, những vị xuất gia tu theo Phật gồm có Tăng Ni. Các vị nầy có tu chân chánh hay không? Nghiệm xét hoàn toàn chân chánh đúng với chánh pháp của Phật mới tin.

Nhờ biết nhận định từ trí tuệ nên gọi là chánh tín. Vì vậy Phật dạy văn, tư, tu. Xét đủ thì mới đủ lòng tin Tam bảo. Tin Tam bảo là tín tha, kế đến phải tự tín, tức là tin nơi mình. Tin chắc rằng mình có thể tu được. Nhờ tin như vậy nên mới cố gắng tu. Nếu không chúng ta sẽ sợ mình ăn chay không nổi, ngồi thiền không nổi.

Không tin mình thì không thể làm gì được, mặc dù tin Tam bảo. Cho nên tin Tam bảo còn phải tự tin nữa. Những việc Phật làm được chúng ta cũng làm được. Mình sẽ tu được, không thua ai. Lòng tự tin phải mãnh liệt như vậy. Tóm lại, lấy thuốc chánh tín để trị bệnh nghi ngờ.

Cuối cùng là ác kiến. Trong phần ác kiến có: thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, tà kiến. Ở đây, tôi chỉ nhấn mạnh phần tà kiến, bởi vì phần nầy rất tế nhị. Thường người ta nói tà là lệch, là nghiêng. Kiến ở đây không phải thấy mà là nhận định. Tà kiến nghĩa là nhận định một cách sai lầm. Thí dụ như nói chết là hết, hoặc cho rằng chết rồi, linh hồn vẫn còn hoài. A trở lại làm A, muôn kiếp vẫn là A thôi. Đây là tà kiến, một bên chấp thường kiến. Ngoài ra, như chuyện đến núi Sam xin vay tiền Bà Chúa Xứ về làm ăn v.v… là vừa thuộc về mê tín, vừa là tà kiến.

Nếu nói Bà Chúa Xứ linh thiêng, ai vay tiền Bà đều phát đạt hết thì từ Long Xuyên lên Châu Đốc mọi người phải giàu hết vì họ ở gần, dễ chạy lên vay, nhưng thực tế xét kỹ từ Long Xuyên lên Châu Đốc hay lân cận được bao nhiêu người giàu? Lẽ ra từ gần tới xa, nhưng ở gần đã không ra gì thì ở xa làm sao xin được. Tin như vậy là tin nhảm nhí, tin tà kiến. 

Tà kiến ngay con người mình, cứ nghĩ mình có linh hồn, mình chết rồi linh hồn còn nguyên trở lại làm người. Nhà Phật gọi như thế là tà kiến, vì chấp thường kiến. Còn cho rằng chết là hết, không có nhân quả báo ứng gì cả thì thuộc về đoạn kiến, cũng là tà kiến.

Trong đạo Phật không nói còn mãi, cũng không nói chết là hết. Quan trọng là phải làm sao nhận ra nơi con người mình phần nào sanh diệt. Nhận được như vậy rồi phải làm sao cho phần không sanh diệt không bị phủ che. 

Còn trên mặt sanh diệt, nói còn hoài là sai, nói hết cũng sai. Bởi vì lâu nay người ta hay nói cái gì mất rồi là hết, nhưng sự thật không hết. Tất cả đều là một vòng chuyển biến tụ tán, tụ tán. Kể cả hình thức nhỏ nhất như bụi đất, cục đát to đập nát  thành bụi nhỏ, nhìn cục đất thì thấy mất, nhưng nó thành cát bụi chớ không mất, chỉ chuyển biến đổi hình đổi dạng thôi.

Thân nầy cũng vậy, khi hoại đất trả về đất, nước trả về nước, gió trả về gió, lửa trả về lửa chớ không mất, không hết. Vậy mà chúng ta thường nhận định sai lầm, chết là hết. Đó là tà kiến. Nên người Phật tử phải biết từ thể chất đến tinh thần đều tùy duyên. Chúng luân chuyển tụ nơi nầy, tan nơi kia chớ không hết. Tùy duyên luân chuyển tức là luân hồi.

Biết rõ nguyên nhân tạo thành luân hồi như vậy mới có thể chận đứng nó lại. Hiểu thế mới tu giải thoát sanh tử. Nhiều người nói tu giải thoát sanh tử nhưng hỏi giải thoát cái gì, làm sao giải thoát thì không biết. Nếu chấp thân sanh diệt là thân mình, chấp tâm sanh diệt là tâm mình, đó là tiếp tục tạo nghiệp luân hồi, không bao giờ dừng. Còn không chấp hai thứ đó mà sống được với cái chân thật không sanh diệt của mình thì không tạo nghiệp. Đó là giải thoát, không bị lôi cuốn đi trong sanh tử nữa.

Có người hiểu lầm đạo Phật, nói đạo Phật là đạo cứu khổ, nhưng sao quí Thầy ít làm việc từ thiện hơn người tu đạo Thiên Chúa. Thầy chỉ giảng kinh như vậy thì cứu khổ chúng sanh chỗ nào? Bởi vì cái nhìn của đạo Phật khác đạo Thiên Chúa. Thí dụ như thấy đứa bé ra bãi biển vun cát làm núi non chơi, một lát sóng biển ào lên cuốn trôi mất hết, rồi nó tiếp tục làm nữa, cũng bị cuốn trôi mãi, như vậy tội nghiệp nó tốn công vô ích, sao không làm gì khác hay hơn.

Đây cũng vậy, nếu chúng ta còn luân hồi, bỏ thân nầy tụ lại thân khác kiếp kiếp đời đời không ra khỏi. Nên Phật nói không có khổ nào lớn bằng khổ luân hồi. Cuộc sống mấy chục năm ra gì, có thiếu, có đói cũng là tạm thời. Dài chết muộn, ngắn thì chết sớm, tất cả cũng phải chết, không ai thoát được. Như vậy điều đáng lo nhất là làm sao ngay nơi thân nầy đừng tiếp tục làm việc vô ích nữa. Chúng ta xét xem cứ mỗi lần sanh ra chết đi ta làm được nhưng gì cho người, cho mình. Hay sanh ra lớn lên rồi già chết, đời nầy qua đời khác. Cứ như vậy hoài thật là vô lý. Nên Phật nói đi trong luân hồi không có khổ nào bằng. 

Cứu khổ chúng sanh là làm sao cho họ thoát khỏi luân hồi. Đó là gốc của đạo Phật. Điều nầy chỉ có Phật thấy chứ chúng ta đâu thấy. Con người chỉ thấy đói rách và những thứ cần thiết trong cuộc sống. Mà thân nầy tạm bợ thì những thứ phụ thuộc trong cuộc sống càng tạm bợ hơn. Vì vậy, Phật nói khổ từ đời nầy sang đời khác liên tục không biết khi nào dừng.

Trong kinh đức Phật dạy rằng: Cái khổ bị thiêu đốt ở địa ngục chưa phải là khổ, cái khổ làm quỉ đói khát chưa phải là khổ, cái khổ làm trâu ngựa kéo cày, kéo xe chưa phải là khổ, mà chỉ si mê không biết lối đi mới là khổ, cho nên đức Phật nói vô minh mê lầm là khổ nhất. Bởi vì nó dẫn mình đi trong luân hồi vô số kiếp. Phá được nó không còn lầm lẫn nữa, gọi là giải thoát sanh tử. Được vậy mới thực sự hết khổ. Đạo Phật hết sức thâm sâu, chỉ vì người ta không biết nên mới phê phán thế nầy thế nọ.

Vì đạo Phật đưa chúng ta đi quá cái tầm thường của con người nên con người khó tin khó nhận. Đức Phật thấy tột cội nguồn nên ngài thường chỉ dạy cho chúng ta đến chỗ đó mới là cứu cánh. Không phải tu chút ít được phước sanh cõi lành mà cho là đủ.

Sợi dây xích dù bằng vàng nhốt chúng ta trong nhà lầu cũng bằng vàng, nhưng chúng ta vẫn thấy khổ như thường. Bởi vì còn dây xích là còn khổ. Dù xích vàng hay sắt gì  cúng đều khổ hết. Khi nào thoát khỏi dây xích mới hết khổ. Giải thoát là như vậy. Cho nên đạo Phật không khuyên chúng ta tu để đời sau sanh lên cõi trời mà phải giải thoát sanh tử. Đó mới là cội gốc.

Thế nên chúng ta phải biết những gì đức Phật dạy là những phương thuốc trị bệnh cho chúng sanh hết khổ. Từ bệnh tham, bệnh sân, bệnh si v.v… những bệnh đó bớt được là bớt khổ. Nếu được hết sạch thì sẽ đi đến chỗ giải thoát sanh tử. Những phương pháp Phật dạy gọi là đạo đế. Dứt mầm đau khổ là diệu đế, là giải thoát sanh tử.

Như vậy học Phật, tu Phật là ứng dụng phương pháp Phật dạy. Thầy thuốc cũng vậy, chẩn bệnh, cho thuốc, bệnh nhân uống thuốc mới lành bệnh. Nếu cứ xin thầy cho tôi hết bệnh mà không chịu uống thuốc thì có lành bệnh không? Đạo Phật vì thế rất thực tế chớ không phải huyền hoặc như người ta tưởng.

Hiểu được như vậy mới thấy giá trị đạo Phật rất chân thật. Người Phật tử không hiểu, vô tình làm cho đạo Phật trở thành mê hoặc. Lỗi đó tại ai? Cũng tại một phần ở nhà chùa. Giáo lý Phật dạy quá rõ ràng mà người tu không áp dụng, không đem ra dạy, lại dạy những chuyện đâu đâu rốt cuộc nhìn đạo Phật có khác gì ngoại đạo. Những gì ưu, những gì quí của đạo Phật cũng không biết. Cứ nói đạo nào cũng dạy ăn hiền ở lành thôi, mà không biết gốc của đạo Phật là thế nào. 

Vì không thấy được điều đó nên bửa nay theo đạo Phật, mai mốt theo đạo khác, miễn đạo nào cũng ăn hiền ở lành là được. Như vậy là không hiểu đạo Phật. Hôm nay nhân gặp gỡ quí vị thầy thuốc nên tôi nói về thuốc của đạo Phật. Bởi vì bác sĩ, thầy thuốc là thực tế khoa học, thì đạo Phật cũng thực tế khoa học, không có gì huyền bí hết. Chỉ tại người không hiểu và nhận định sai lầm thôi.
Mong quí vị suy gẫm và ứng dụng tu hành cho có kết quả.

***

Hòa thượng. THÍCH THANH TỪ

TÌM TĨNH LẶNG TRONG MÂU THUẪN CỦA CUỘC ĐỜI





“Cuộc đời là những mâu thuẫn”, ở đây tôi không nói những gì cao siêu lắm mà nói về những kinh nghiệm sống của người Phật tử và người tu. Chúng ta sống như thế nào để cho cuộc đời được an lành tự tại, không bị những đau khổ làm ray rứt, đó là chủ yếu. Mới nghe qua rất lạ nhưng xét  kỹ thì đó là sự thật. Bởi vì người Phật tử tại gia cũng như người xuất gia luôn luôn có những thứ buồn phiền. Than sao ở gia đình mình không có ý chí thống nhất với nhau, hoặc ở trong chùa sao không đồng tâm hiệp lực với nhau. Tập thể nào cũng có những chuyện như vậy hết.

Lý do gì mà có những cái buồn phiền, những phàn nàn đó? Bây giờ, chúng ta thử kiểm tra lại nơi bản thân, từ thể xác cho đến tinh thần; và đi xa hơn là các quan niệm, những tổ chức và cuối cùng là làm sao thoát ra khỏi những mâu thuẩn ấy.

Bây giờ chúng ta hãy nhìn lại con người của mình. Ai cũng ngỡ rằng có sự mâu thuẫn là do người nầy đối với người kia hoặc người kia với người nọ, chớ không nghĩ cái mâu thuẫn đó ở sẳn trong bản thân mình. Tôi nói theo Phật học, nhưng trong y học quí vị có thể nghiên cứu để ứng dụng. Trong Phật học Phật dạy thân nầy do tứ đại hòa hợp gồm: đất, nước, gió, lửa.

Như vậy đất với gió không thuận, nước với lửa không thuận. Cho nên những gì có sự chống trả nhau người ta thường nói như nước với lửa. Vậy trong thân mình, gió với đất có thuận không? Quí vị thấy nơi nào có giông lớn thì đất bụi bay tứ tung lên. Như vậy, trong thân con người khi nào lạnh phải uống thức nóng cho ấm lại. Khi nào bị nóng phải uống thức mát cho dịu lại. Vì nóng là lửa nhiều nước ít, còn lạnh là nước nhiều lửa ít, cho nên phải dung hòa nó. Cái gì yếu phải nâng lên, cái gì mạnh phải kéo cuống, đây là chuyện làm của bác sĩ đó.

Như vậy, trong cuộc sống của chúng ta phải làm sao trung hòa các yếu tố có tính chất trái ngược nhau. Nếu quá bên nào cũng đều sanh bệnh hết. Như gió với đất, cụ thể là người nào trúng gió thì phải làm sao? Trúng gió là gió nhập nhiều, triệu chứng nó là đau rêm cả người, nên gió mạnh thì đất rung rinh, vì vậy chúng ta phải đánh gió. Đánh một hồi bớt gió thì người nhẹ, khỏe lại. Còn nếu ở lỗ mũi, cổ họng đất nhiều thì nó mọc nhánh ra, phải đi cắt bỏ, nếu không sẽ bị nghẹt. Rõ ràng đất với gió luôn luôn đối chọi nhau, cái nầy trội thì cái kia bị ngăn trở. Vì vậy, chúng ta phải tìm cách điều hòa làm sao cho nó được quân bình. Như vậy, mang thân nầy chúng ta thấy nó đang mâu thuẫn.

Trong nhà Phật dạy rằng, chúng ta điều hòa thân nầy giống như ông chủ điều hòa bốn con rắn sống chung trong một cái giỏ vậy. Nó luôn luôn thù địch nhau, muốn cho nó yên phải tìm cách điều hòa, đừng để nó cắn mổ nhau. Nhưng điều hòa nó tới mức nào? Kết quả ra sao? Cố gắng điều hòa, điều hòa tối đa, nhưng đến một lúc nào đó cái giỏ lủng bể thì mấy con rắn mạnh con nào con nấy chạy. Điều hòa giỏi như bác sĩ nhưng cũng có ngày cái giỏ sẽ thủng, mấy con rắn cũng chạy.

Nước chạy theo nước, gió theo gió, lửa theo lửa, đất về đất. Không ai có thể điều hòa được suốt năm nầy tháng kia cho tới năm bảy trăm năm được. Chỉ một giới hạn nào thôi. Như vậy phần thân do đất, nước, gió, lửa nên có mâu thuẫn với nhau còn nội tâm có mâu thuẫn không?

Theo Duy thức học của nhà Phật thì nội tâm chia ra các nhóm: nhóm thiện tâm sở và nhóm ác tâm sở. Thiện và ác có lẫn trong tâm ta hết. Có khi sự việc gì xảy ra chúng ta bực tức nên nói, làm quá trớn. Lát sau, thiện tâm sở nó rầy, nó nói mình làm như vậy không đúng cho nên chúng ta bị ray rứt, tự mình thấy khó, tự mình thấy khổ, tức là  chính mình trừng trị mình rồi.

Cái thiện răn cái ác nhưng cũng có khi cái ác thắng cái thiện. Như lẽ ra chúng ta không nói tiếng nặng với ai, không làm cho người đau khổ, đó là tâm niệm của người tu. Vậy mà khi có điều gì làm mình nổi tức lên thì ác tâm sở quá mạnh, nó lấn lướt làm cho thành ra chú thiện trốn đâu mất. Chú ác la lối một hồi chú thiện mới trồi đầu ra thì chuyện đã rồi. Nên nói mình có sẵn cái thiện mà cũng có sẵn cái ác. Nội tâm chúng ta lúc nào cũng có hai thứ đó giằng co với nhau khiến cho chúng ta bất an hoài.

Thân chống đối, tâm chống đối đều là mâu thuẫn cả, mà mâu thuẫn là gì? Thuẫn còn gọi là cây khiên, mâu còn gọi là cây giáo. Cho nên khiên đâm thì giáo đỡ, chỏi lại. Trong tâm chúng ta sẵn sàng mâu thuẫn. Tự mình đã mâu thuẫn thì sống với mọi người có mâu thuẫn không? Đó là điều không ai muốn, nhưng làm sao được! Thân đã mâu thuẫn, tâm đã mâu thuẫn thì người khác cũng vậy. Cho nên có hòa hợp là có chống đối, không bao giờ tránh khỏi điều đó. Như vậy trong thể xác và tâm hồn chúng ta hai thứ đó, luôn có sự mâu thuẫn.

Nói rộng hơn ở thế gian, thế gian nầy có mâu thuẫn không? Trong thế gian người ta thường nói có khí âm, khí dương. Âm với dương có chịu nhường nhau đâu. Dương nhiều thì nắng hạn khô, còn âm nhiều thì mưa dầm dề. Âm dương lúc nào cũng chống chọi nhau, và cái nào tăng nhiều cũng nguy hiểm. Như vậy âm dương ở thế gian cũng luôn luôn chống đối, chớ không phải hoàn toàn hòa hết. Vì khí ở thế gian đối chọi nhau, luôn thay đổi cho nên ảnh hưởng tới con người, ít bửa cảm, sổ mũi nhức đầu v.v… Rõ ràng con người, không gian bên ngoài, sự sống trên mặt đất đều có sự chống đối, mâu thuẫn với nhau, chớ không phải lúc nào cũng hoàn toàn an ổn.

Cuộc sống ngoài thế gian làm cho chúng ta phải đau khổ, khi mưa dầm lúc nắng hạn do âm dương không điều hòa. Rồi tới con người với con người. Ở đây tôi nói người nam với người nữ. Thường người ta bảo nam thì cang, nữ thì nhu. Cang là cang cường, nhu là nhu hòa nên cũng là chỏi. Vì vậy, khi lập gia đình có chồng, có vợ thì cũng là sự chống chỏi; bên cang bên nhu làm sao mà giống. Cho nên vợ chồng thường hay cãi vả nhau cũng tại lý do đó. Những gì người nam đề nghị thì người nữ không chịu, người nữ đề nghị thì người nam không chịu. Như vậy, mới thấy cuộc sống gia đình giữa nam nữ muốn được hạnh phúc dễ hay khó? Đã là hai tính chất không giống nhau thì làm sao dễ được.

 Quí vị mới thấy rằng cuộc sống luôn mâu thuẫn, không có lĩnh vực nào  không có mâu thuẫn. Vì vậy, muốn cho cuộc sống trong gia đình được điều hòa thì phải hết sức khôn khéo. Đó là  tôi nói chuyện cá nhân giữa nam nữ, bây giờ nói tới tập thể.

Tập thể nào cũng có một lập trường riêng, sinh hoạt riêng, chính kiến riêng không giống nhau. Mà không giống nhau tức là có chống nhau. Nên nhìn chung, tất cả từ bản thân tới con người, gia đình, xã hội tất cả đều mâu thuẫn. Như vậy, chúng ta sống làm sao được an vui, làm sao được hạnh phúc mà ta cứ đòi hạnh phúc, đòi giống nhau thôi. Nếu gia đình giống nhau thì phải là nam hết, chớ một bên cang, một bên nhu thì làm sao giống nhau được. Vì vậy, đối với cuộc sống nầy phải khéo léo, khôn ngoan chớ không thể nào tưởng tượng được như ý mình. Ai nghĩ  rằng những gì mình đề nghị ra mọi người đều nghe, đều tuân theo hết đó là ảo tưởng. Chỉ có mình đề nghị ra người ta phản đối nhiều hay ít mà thôi, chớ không bao giờ mọi người chấp thuận hết.

Hiểu như vậy rồi, chúng ta phải làm sao cho cuộc sống được ôn hòa, được vui vẻ? Nói điều nầy tôi nhớ những năm trước có người hỏi tôi: “Thưa thầy, nếu có hai tập thể thù địch nhau thì theo quan niệm của thầy phải làm sao cho hai tập thể đó hòa hợp? Tôi trả lời rằng: “Có nước, có lửa thì có cơm ăn”. Câu trả lời đơn giản vậy thôi. Quí Phật tử thử xét, thật ra người ta cứ sợ mâu thuẩn nhưng không ngờ chính cái mâu thuẫn là điều kiện để cho con người trong vũ trụ nầy có sự sinh hóa. Nam không cũng không sanh được, nữ không cũng không sanh được. 

Muốn sự sanh hóa được liên tục tốt đẹp thì người điều hòa phải khéo. Như chúng ta có nước mà không có lửa, hay ngược có lửa mà không có nước thì có cơm ăn không? Phải có nước, có lửa và người khéo dùng nước, dùng lửa để nấu thì có cơm ăn. Chớ dùng nước để dập tắt lửa hay dùng lửa đốt cho cạn nước thì không có cơm ăn. Cho nên cuộc sống phải khéo điều hòa, nếu nặng bên nào cũng thất bại cả. Vợ chồng trái nhau, không giống nhau, nhưng đừng để bên nào thiệt thòi mà phải có cuộc sống vừa phải, không nên vì được phần mình mà mất lòng người thì gia đình tan nát.

Do đó chúng ta phải có cuộc sống hết sức khéo léo và đừng bao giờ chủ quan. Nhất là bên nam hay chủ quan ta là phái mạnh, cái gì cũng bắt phái yếu tuân theo, đó là điều không tốt, không khéo điều hòa. Đã không khéo điều hòa thì mầm đau khổ sẽ nảy sinh, nên đừng để bên nào bị thiệt thòi thì cuộc sống mới đi tới chỗ tốt đẹp, an vui, hạnh phúc.

Nhưng hạnh phúc trong cuộc đời chỉ là hạnh phúc gượng gạo, chớ không phải hạnh phúc thật. Vì hạnh phúc được kết hợp bởi hai thứ không giống nhau thì làm sao trường cửu được. Chẳng qua gắng gượng điều hòa nên cuộc sống tạm ổn, tạm vui, chớ không có hạnh phúc nào hoàn toàn như ý hết. Kể cả ông vua cũng không như ý nữa, bởi vì vua cũng có người chống, người phản lại chớ đâu phải ai cũng nghe theo. 

Vì vậy, chúng ta phải điều hòa để cho cuộc sống được tốt đẹp. Như vì nồi cơm chúng ta phải điều hòa lửa, nước. Nhờ có điều hòa lửa, nước nên chúng ta có cơm ăn ngon. Cũng vậy, trong cuộc sống khéo điều hòa thì gia đình hạnh phúc, vợ chồng vui, con cái tốt. Đừng bao giờ nghĩ tưởng dùng thế mạnh đàn áp người ta phải theo mình. Bởi khi người ta bị đàn áp họ phải tuân theo, nhưng trong lòng họ không phục, thế nào có lúc họ cũng phản ứng lại thôi. Cho nên khéo điều hòa quân bình thì mới tốt, mới là người sống khôn ngoan. Còn mình giỏi, mình khôn rồi bắt người ta cũng theo mình thì đó là chưa thực khôn ngoan. Đây là chuyện mâu thuẫn và điều hòa giữa con người, gia đình, xã hội. Tôi nói điều hòa, vậy điều hòa bằng cách nào?

Phật dạy, muốn điều hòa phải tập hai đức tánh: NHẪN  NHỤC và HỶ XẢ, tức thế gian nói nhẫn nhịn và tha thứ. Muốn nhẫn nhịn và tha thứ thì trước tiên chúng ta phải có cái nhìn thật đạo lý. Có lần tôi được hỏi rằng: -Thầy làm Phật sự có gặp những trở ngại do người khác tạo ra không?. Tôi nói: -Có. Hỏi: -Như vậy thầy nghĩ sao về người gây trở ngại cho thầy?. Tôi trả lời: -Trước mắt tôi không có kẻ thù, chỉ có những người bạn đã thông cảm và chưa thông cảm thôi.

Nhìn cuộc đời phải như vậy. Những người đã thông cảm thì tốt với mình, còn những người tuy chưa thông cảm nhưng họ cũng là bạn, chớ không có thù. Như vậy, trong gia đình, vợ chồng chẳng lẽ coi nhau như kẻ thù. Nên nếu có việc vui buồn xảy ra thì cũng nghĩ rằng đây là người bạn chưa được thông cảm, rồi sẽ tìm cách thông cảm, chớ đừng bao giờ coi như kẻ thù. Chẳng những trong gia đình mà kể cả mọi người bên ngoài, chúng ta cũng phải có cái nhìn cởi mở, thương yêu. Có thế mới giải quyết được nổi khổ của con người. 

Trên thế gian nầy tràn trề đau khổ bởi vì người mạnh cứ nghĩ mình là hơn, rốt cuộc là gây đau khổ hoài. Hiểu được chúng ta mới thấy rằng: sống để đem lại an  vui cho mình, cho người. Muốn được như vậy thì mình đừng xem ai là kẻ thù hết. Đó là chúng ta biết sống, chúng ta khéo léo.

Quí Phật tử cũng thấy, bao nhiêu năm rồi, người thì phê bình thế nầy, kẻ thì mắng nhiếc thế kia mà thầy cũng cười thôi. Ai làm gì làm, vì họ chưa thông cảm, những người bạn chưa thông cảm; nói gì thì nói, lâu rồi họ cũng thông cảm thôi. 

Chớ nghe liền nổi tức la lối với nhau, rốt cuộc rồi thành một đám cãi lộn, không có đạo đức gì hết.

Làm sao trong cuộc sống ở gia đình vợ chồng biết nhịn nhau như vậy. Vợ chồng là bạn nên cần hòa vui, còn nếu chưa thông cảm thì là người bạn chưa thông cảm, chớ đừng bao giờ nghĩ là kẻ thù. Nếu thấy là kẻ thù thì dễ đi đến đổ vỡ tan nát.

Đó là lẽ thật, cuộc sống từ cá nhân, gia đình cho tới tập thể, không bao giờ hoàn toàn đúng theo ý mình, được chừng 60% - 70% là tốt lắm rồi, chớ đừng đòi hỏi phải như ý hết. Những người đòi hỏi như vậy là hiểu sai lầm, không đúng lẽ thật. 

Bây giờ làm sao để thấy người chung quanh chúng ta là bạn?- Phải tập nhẫn nhịn. Bởi vì con người ai cũng có sẵn “ác tâm sở” là nóng giận, đàn ông, đàn bà ai cũng nóng giận. Khi mình nóng giận nói lời không phải thì người khác cũng nóng giận nói lời không phải. 

Vậy thì làm sao? Cái phải về mình hết hay mỗi bên nhường một chút. Chúng ta có cái tật hay cãi lý. Cãi cho ra lý mà lý nó không có thật, thường thường lẽ phải ở kẻ mạnh chớ không phải ở cái lý (vì ai cũng có cái lý). Cho nên đừng đòi hỏi lẽ thật, chỉ có ai mạnh, ai được nhiều người bênh vực thì người đó phải. Còn ai yếu, ít người bênh vực thì không phải. Ở đời là như vậy thôi.

Thời nay, người ta dùng lá “phiếu”, dù người không hay lắm nhưng được lòng thiên hạ thì cũng được “phiếu”, còn người dù cho hay mà thiên hạ không hiểu cũng không được “phiếu” như thường. Đừng cho rằng những gì hay, những gì phải thì sẽ được. Chỉ khéo được nhiều người mến, được nhiều người ủng hộ hoặc đưa ra những gì đúng với sở nguyện của họ thì hưởng ứng, họ theo mình. Ngược lại, dù có đưa ý kiến đúng mà họ không muốn thì họ cũng không theo như thường. Như vậy, không hẳn nhiều người khen là lẽ phải. Lâu nay chúng ta cứ ngỡ rằng được nhiều người chấp nhận, đó là lẽ phải. Không phải như vậy. Được phần đông quần chúng theo thì trong đó đa số là những người xu hướng thôi.

Chỉ chúng ta tùy thuận với nhau, nhường nhịn nhau để mà sống. Đừng nói việc nầy phải, ai làm khác thì sát phạt họ, nghĩ như vậy là không được. Người chồng thấy mình phải, người vợ cũng thấy mình phải rồi đòi sát phạt nhau. Như vậy là có hai quan tài rồi. Trong cuộc sống, chúng ta phải một phần, người kia phải một phần, thôi thì nhường nhịn nhau cho tốt đẹp, đó là hạnh nhẫn nhục của đạo Phật.

Nhưng nếu nhịn nhau mà không tha thứ, cứ nhớ lỗi người ta hoài thì điều hòa được chưa? Bửa nay nhịn chớ mai mốt gặp việc cũng bùng nổ nữa. Đó là căn bệnh người ta hay chứa trong lòng. Có ai làm phật lòng lần đầu ráng nhịn, mai mốt gặp nữa thì nói tôi nhịn lần thứ hai rồi nghen. Như vậy không phải là điều hòa thật. Chúng ta nhịn thì phải bỏ qua luôn, đừng nhắc tới nhắc lui. Nhịn mà không chịu quên cứ nhắc hoài. Nhắc hoài thì người kia cũng sân lên, rốt cuộc không ai nhịn ai cả.

Vì vậy, mong quí Phật tử khéo nhẫn nhịn với nhau. Qua sự nhẫn nhịn đó chúng ta còn phải hỷ xả, nghĩa là vui mà bỏ chớ không phải gượng bỏ. Bởi vì chẳng qua  đều do khờ dại nên ta mới cãi vã với nhau. Biết rồi thì bỏ hết đừng thèm giận hờn gì nữa. Chớ còn nghĩ mình phải, kia quấy rồi ôm ấp, mai mốt gặp việc cãi lại nữa, rốt cuộc không hết khổ đau.

Phương pháp nhẫn nhịn sẽ đưa chúng ta tới chỗ an ổn. Nhẫn nhịn là khéo léo điều hòa ngọn lửa, đừng để nước dập tắt lửa, cũng đừng để lửa đốt cạn nước. Ở gia đình vì con cái nên vợ chồng nhường nhịn nhau. Ngoài xã hội, vì một lý tưởng nào đó mà người ta phải nhịn nhau. Trong đạo thì vì đạo đức cao thượng nên nhường nhịn nhau, tha thứ nhau. Nhờ thế mà gia đình, tập thể mới thật an ổn, thật có vui tươi. Nếu không như vậy thì chẳng bao giờ có niềm vui được. Chồng với vợ gặp nhau gượng nói chuyện chớ trong bụng không ai ưa ai, thì đó là nỗi khổ lớn nhất trong gia đình. Ngoài xã hội cũng thế.

Do biết cuộc đời là mâu thuẫn nên chúng ta phải điều hòa bằng hai hạnh: hạnh nhẫn nhục và hạnh hỷ xả. Muốn được nhẫn nhục, hỷ xả, trước phải có tâm từ bi, thấy tất cả là bạn, không có ai thù. Ba điều đó từ bi là trước, rồi nhịn sau và tha thứ cho nhau. Không có từ bi thì không thể có nhẫn nhịn và tha thứ được. Cứ cho người làm trái ý mình là kẻ thù thì không bao giờ chúng ta nhường nhịn. Cho nên đừng thấy ai là kẻ thù cả, chỉ có bạn đã thông cảm và chưa thông cảm. Đó là tâm từ bi. Chính do tâm từ bi nên chúng ta mới nhường nhịn, tha thứ nhau được. Chúng ta ứng dụng giáo lý của Phật trong cuộc sống thì mình sống vừa có đạo đức, vừa được an vui trong gia đình.

Đó là ba điều kiện để chúng ta điều hòa sự mâu thuẫn. Tuy khó nhưng chúng ta phải ráng ứng dụng trong cuộc sống, nếu không ắt sẽ chịu khổ thôi. Hiểu được vậy chúng ta mới biết sống và sống có hạnh phúc, chớ đừng tranh phải-quấy-hơn-thua thì không bao giờ hạnh phúc. Đó là lẽ thật.

Tóm lại, muốn cho sự sống tốt đẹp bình yên thì phải đủ ba điều kiện: từ bi, nhẫn nhục và hỷ xả. Nói theo thế gian là tình thương, nhẫn nhịn và tha thứ. Điều cấm kỵ nhất là đừng bao giờ ôm ấp ảo tưởng rằng ai cũng phục tùng ta, chìu theo ý muốn của ta hết. Đó là lầm to.

Kinh nghiệm trong cuộc sống đã cho thấy, tôi sống chung quanh năm sáu trăm Tăng Ni, không bao giờ tôi dám ảo tưởng rằng ai cũng giống hệt tôi và tôi nói ai cũng nghe. Có những điều họ nói không vừa ý tôi, nhưng rồi tôi cũng bỏ qua, không có buồn. Chớ nếu mỗi chút mỗi buồn thì chắc tôi chết sớm lắm. Thôi thì việc gì cũng bỏ qua, miễn họ tu được là tốt.

Vì vậy, quí Phật tử nhớ, vợ chồng có gì trái ý nhau nên bỏ qua, miễn gia đình bình yên, con cái học hành đàng hoàng, khôn lớn nên người là được rồi, những gì riêng tư thì bỏ qua hết. Vì việc chung nên bỏ cái riêng thì sẽ được an ổn. Ở trong gia đình chẳng những vợ chồng không giống nhau mà cha mẹ, con cái cũng không giống nhau. Muốn được bình yên vui vẻ thì trên dưới cũng phải điều hòa. Cái khổ là cha mẹ không bao giờ nhịn con. Con có chịu nhịn hay không chịu nhịn cha mẹ thôi chớ cha mẹ không bao giờ nhịn con; mà chắc gì cha mẹ đã đúng 100%. 

Bởi vì người ta cứ cho rằng cha mẹ sanh ra con cái nên cha mẹ là bề trên, con cái không có quyền cãi. Nhưng thật ra cha mẹ sanh là sanh thân thể thôi, chớ đâu có sanh được tâm hồn. Tâm hồn con cũng có cái hay riêng của con nên cha mẹ cũng phải nhịn. Như tôi là thầy, đâu thể nhịn trò, nhưng có khi thầy cũng bỏ qua. Bỏ qua tức là nhịn rồi. Nhờ vậy tôi điều hòa được mấy trăm người, chứ nếu bắt như mình mà người ta không được như mình, rồi đuổi đi hết thì thôi, chắc tôi cũng sống một mình thôi. Hiểu được như vậy mới thấy nhờ chúng ta khéo điều hòa nên mọi việc được tốt đẹp. Đây là phương pháp thứ nhất, phương pháp tương đối.

Bây giờ tới phương pháp thứ hai là phương pháp tuyệt đối, phương pháp nầy ít người thực hiện được. Bởi vì khi nào ta dẹp được tâm đối đãi của mình; tâm sở thiện, tâm sở ác hết thì chừng đó hoàn toàn khỏi nhẫn nhịn, khỏi tha thứ gì cả. Nên nói tuyệt đối là vậy. Cũng như Lục Tổ Huệ Năng bảo Thượng tọa Huệ Minh: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?”. Ngay câu nói nầy Huệ Minh liền nhận ngay bản lai diện mục của mình. Bản lai diện mục đó không có hai bên, mà không có hai bên thì đâu còn mâu thuẫn. Không còn mâu thuẫn mới là vĩnh viễn an lành. Đây chính là mục đích Phật nhắm đến để dạy chúng ta tu đạt được giải thoát viên mãn.

Cũng như trong Tín Tâm Minh, Tổ Tăng Xán nói: “Tín tâm bất nhị, bất nhị tín tâm”. Tin tâm mình có cái chân thật thì không còn hai. Không còn hai thì mới tin được tâm chân thật của mình, còn thiện tâm sở và ác tâm sở không phải thực tâm của mình. Một nhóm tham lam và một nhóm hiền lành, hai nhóm đó lặng xuống thì mới hiển bày tâm chân thật của mình. Được tâm chân thật rồi thì cười hoài, không cần nhẫn nhịn, không cần tha thứ nữa. Nhưng nếu hai thứ đó còn thì phải từ bi, nhẫn nhịn, hỷ xả cuộc sống mới yên. Chừng nào chúng ta thoát qua hai thứ đó mới được an ổn vĩnh viễn. Quí vị thấy Tổ thứ ba, Tổ thứ sáu đều dạy chúng ta bỏ hai thứ đó. Bây giờ gần nhất là Tổ Trúc Lâm, ngài có bài kệ “Hữu cú vô cú”, tức là “Câu có câu không”. Người còn thấy có, thấy không là còn có hai. Tôi tạm dẫn vài câu trong bài kệ ấy:


Hữu cú, vô cú

Tự cổ, tự kim
Chấp chỉ vọng nguyệt
Bình địa lục trầm v.v…

Nghĩa là thấy có thấy không, từ xưa đến nay, như người chấp ngón tay mà quên mặt trăng. Ngón tay chỉ mặt trăng mà cứ cho là mặt trăng chính tại đầu ngón tay. Đó là kẻ ngu xuẩn. Phải bỏ ngón tay mới thấy mặt trăng ở trên kia. “Bình địa lục trầm”, tức là trên đất bằng mà chết chìm, đây là chỉ cho những kẻ quá ngu xuẩn. Còn hai bên là còn đau khổ, còn ngu xuẩn. Chừng nào hết hai bên mới được tự tại, an lành. 


Nên phải hiểu quí thầy dạy Phật tử tu, ngồi thiền để làm gì? –Để bỏ cái tâm chạy theo hai bên đó. Ngồi thiền thì nghĩ ác, nghĩ lành gì cũng bỏ hết để đi đến chỗ không còn hai, khi đó mới hoàn toàn giải thoát. Còn có hai thì không bao giờ giải thoát được. Do đó chúng ta mới hiểu ý nghĩa tại sao mình phải ngồi thiền, tại sao mình bỏ hết tất cả các vọng tưởng thện, ác. Bởi vì còn thiện tức là còn ác đối đãi, vì vậy phải buông cả hai thì tâm mới yên. Tâm yên đó mới là tâm chân thật, còn tâm nghĩ thiện nghĩ ác v.v… chưa phải là tâm thật. 

Lâu nay chúng ta cứ tưởng nó thật, giống như ngón tay chỉ mặt trăng mà chúng ta cứ cho đầu ngón tay là mặt trăng. Không ngờ bỏ đầu ngón tay, nhìn tận chân trời mới thấy mặt trăng, người tu phải khôn ngoan ở chỗ nầy. Bởi vì tu là siêu thoát. Siêu thoát nghĩa là không kẹt trong đối đãi. Không đối đãi thì qua được các thứ mâu thuẫn khổ đau, hoàn toàn an lành tự tại, cho nên mục đích cuối cùng của người tu Phật là không còn thấy hai. Được vậy thì  tự nhiên hết mâu thuẫn, không còn gì mà chống đối.

Song nếu người chưa qua khỏi hai bên thì phải tập tu từ bi, nhẫn nhục và hỷ xả thì cuộc sống mới yên lành. Bước đầu quí Phật tử nên tập từ bi, nhẫn nhục và hỷ xả trước cho cái mâu thuẫn trong mình được điều hòa, cuộc sống được bình an. Lấy đây làm bài học thì có thể nói kêu một chút là có một triết lý sống. 

Vì lâu nay Phật tử sống mà không biết sống làm sao, cho nên ai cũng nuôi cực đoan trong mình rồi mang lấy đau khổ, kêu trời trách đất hoài. Nếu biết được lẽ sống như vậy thì cuộc sống rất bình an. Nếu vượt qua luôn sự đối đãi thì thành Thánh mất rồi, không nói thánh cũng là thánh.

Bây giờ chúng ta còn thương người làm lành thì ghét người làm ác, cho nên còn có hai tức là còn đối chọi. Chỉ khi nào qua được hai bên mới hết mâu thuẫn. Ý nghĩa của đạo Phật cao siêu là vậy.

Buổi nói chuyện hôm nay nếu Phật tử ứng dụng được trong cuộc sống thì thật là hay, bằng ngược lại thì học Phật bao nhiêu cũng chẳng có ích lợi gì cả. Quí vị hãy nhớ câu nầy: “Trước mặt không có kẻ thù” thì cuộc sống được an lạc nhiều rồi đó. Đạo lý thật hay nhưng đôi khi tôi thấy rất buồn vì kể cả người tu cũng không thực hành nổi, cứ thù người nầy, giận người kia. Người tu mà nói giận người nầy, thù người kia thì chưa phải người tu. Người hiểu thấu đáo cuộc sống rồi thì chỉ cười thôi, không có gì quan trọng hết. Khi đặt vấn đề quan trọng, có người hưởng ứng với mình thì là bạn, không hưởng ứng trở thành thù. Cư mãi như vậy thì phải chịu đau khổ thôi.

Có nhiều người hỏi tôi: “Thầy có thuật gì mà điều hòa mấy trăm Tăng Ni và nhất là bên Ni?”. Tôi nói: “Ai đến thưa kiện người nầy, người kia trái  tôi đâu có xử. Tôi bảo “Thấy người ta quấy thì mình cũng đã quấy rồi”. Nhờ vậy, không ai dám đến thưa kiện nữa. Quí Phật tử có thấy thật tình là như vậy không? Vì chưa bao giờ hai người cãi nhau mà có người chịu mình quấy cả, nhưng làm sao cả hai đều phải được, cho nên thấy người quấy là mình đã quấy trước. Không quấy thì không cãi, mà cãi thì đã quấy. Đây là kinh nghiệm sống cho đến tu tập Phật dạy rất nhiều, nhưng trọng tâm đều nằm ở những điểm đó. Nhiều vị sau nầy giảng một bài pháp dài mênh mông mà chỉ dạy toàn là lý thuyết suông thì không đi tới đâu hết, phải có thuật sống để cho người biết mà noi theo.

Điểm ưu việt của Phật giáo đời Trần chính là chủ trương Tam giáo đồng nguyên, Thiền tông dung hợp chớ không thấy đây khác kia để rồi đi đến chống chọi nhau. Do đó, người trong nước theo đạo Lão, đạo Khổng không chống với đạo Phật. Nhờ ba tôn giáo hòa nhau nên dân mạnh, đó là điểm rất hay.

Tóm lại, mục đích buổi nói chuyện hôm nay hết sức rõ ràng, tôi mong quí Phật tử nghe rồi áp dụng những điều tôi nói vào cuộc sống cho khéo, cho đầy đủ ý nghĩa, mới thấy niềm vui hiện tại – sống là vui.


***
Hòa thượng THÍCH THANH TỪ

PHƯƠNG TIỆN VÀO CỬA THAM THIỀN




Có rất nhiều người học Phật, muốn thông qua phương pháp tham thiền, mở toang cánh cửa phàm Thánh, liểu thoát được sanh tử nhiều đời, chuyển phàm thành Thánh, trở thành vị thấy đạo không ngăn ngại, chứng được giải thoát tự do tự tại. Nhưng đối với sự tham thiền thì phải dụng tâm, thể hội, thực hành thế nào, tham cứu, thọ dụng ra sao… Muốn làm sao ngay trong kinh Phật lời Tổ có thể tìm được đáp án sẳn có là điều rất khó, dù có nói ra cũng là những điều phủ định, thật ra người chạy theo ngôn ngữ thì mất mạng, kẻ đuổi theo câu cú là si mê, thủ thuật hướng thượng không có chỗ cho người cắm mỏ vào, người hỏi liền được ăn ba mươi gậy.


Các vị Thiền sư chủ trương không luận thiền định giải thoát, chỉ cần tự thấy bản tánh, lấy Vô niệm làm Tông, Vô tướng làm Thể, Vô trụ làm Gốc, phàm rơi vào ngôn ngữ nói năng đều là sai lầm, chẳng nghi câu nói rất nguy hiểm, khởi tâm tức trái, động niệm liền sai, nói in tuồng một vật tức chẳng trúng, nói một chữ Phật hổ thẹn đầy mặt, niệm Phật một câu súc miệng ba ngày, giống như người đứng ở ngã tư đường, không phân biệt hướng nào là Đông Tây Nam Bắc, chẳng biết đi hướng nào mới phải.

Thế nên liền hành khước tha phương cầu thầy hỏi đạo, muốn ngay nơi bổn phận chính mình mọi việc rõ ràng, nhưng từ trước phương tiện tiếp dẫn học nhân của các nhà chẳng đồng, có thuyết nói đương thể là Phật, chẳng cần tham đi học lại ắt sẽ giải thoát; có thuyết nói mày ngang mũi dọc vốn là Phật, chỉ cần luôn luôn gìn giữ là phải; có thuyết nói muôn việc vô tâm chỉ hỏi mình là ai, rự nhiên khế hợp; có thuyết nói vô tâm tĩnh tọa ắt sẽ ngộ; có thuyết nói buông bỏ tất cả mặc áo ăn cơm, thể tánh vốn có sẵn; có thuyết nói chẳng nhiễm một vật ắt sẽ thành Phật; có thuyết nói một niệm tịnh tâm chính là tham thiền, cuối cùng là diệu ngộ; có thuyết nói cần được diệu ngộ, ắt phải vượt qua cửa ải; có thuyết nói tham một câu thoại đầu liền được khai ngộ… các thuyết như thế đúng đều là đúng, sai thì hoàn toàn sai, khiến cho người tham thiền biết đâu doán định, giống như kẻ ngu ngốc tìm không được bí quyết.

Thiền tông dùng Phật ngữ tâm làm tông, lấy vô môn làm pháp môn, đã là vô môn như vậy làm sao hiểu. Tổ sư nói: “Người từ cửa mà vào chẳng phải là của báu trong nhà, người từ nhân duyên mà được trước sau cũng hoại”, nói như thế cũng giống quơ gậy  đập mặt trăng, cách lớp giầy mà gãy ngứa, mãi mãi không có ngày ra khỏi sự trói buộc. Thật ra không phải thế, thiền tuy sâu xa nhưng vẫn có cửa để vào.

Trong kinh Hoa Nghiêm phẩm Như Lai xuất hiện ghi: “Chư Phật tử! Trí tuệ Như Lai trùm khắp tất cả, vì cớ sao? Không có một chúng sanh nào mà không có đầy đủ trí tuệ của Như Lai, nhưng vì vọng tưởng điên đảo chấp trước mà không chứng được, nếu lìa vọng tưởng thì Nhất thiết trí, Tự nhiên trí, Vô ngại trí, liền được hiện tiền”. Đây là lời dạy của đức Thích Ca Như Lai lúc mới thành đạo, cũng chính là nguồn gốc và bản chất của thiền. Trong kinh Phật dạy, trí tuệ Như Lai mỗi người đều sẵn đủ, chỉ do vọng tưởng chấp trước mà chẳng chứng được. Như Lai do tu tập Thiền Định mà được klhai ngộ, như vậy chúng ta chỉ cần tận tâm tham cứu thiền định, thì cũng có thể phát sanh trí tuệ căn bản vô lậu và chứng được Nhất thiết trí.

Thiền là gì? Chính là tâm của chúng ta. Tâm là gì? Chính là thể của thiền, cho nên nguồn gốc của thiền ngay ở chỗ Chánh giác của đức Thế Tôn. Chánh giác tức là tâm thiền, thể thiền. Phương pháp dụng tâm tham cứu thấy suốt nguồn gốc của tâm, tức là chứng được yếu chỉ cội nguồn. Nguồn gốc của Thiền tông từ Chánh giác của đức Phật, chứ không ở trong ngôn ngữ văn tự, cần phải lãnh hội ý nghĩa Chánh giác, lấy Tâm làm Tông.

Thiền là tiếng Phạn, nói gọn là Thiền na, tiếng Hán dịch là Tư duy tu, cũng gọi là tĩnh lự, nghĩa là dừng lắng ý niệm loạn động, cũng gọi là định tuệ, biết nguồn gốc và ý nghĩa của thiền, thì cảm thấy cửa thiền là phương tiện có thể vào được.

Truyền đăng lục ghi: “Đức Thế Tôn ở trên hội Linh Sơn đưa cành hoa dạy chúng, lúc ấy đại chúng đều im lặng, chỉ có Tôn giả Ca Diếp nét mặt rạng rỡ mỉm cười. Thế Tôn nói: “Ta có Chánh pháp Nhãn Tạng, Niết bàn Diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, chẳng lập văn tự, có cách truyền khác ngoài giáo, nay truyền trao cho Ma Ha Ca Diếp”.

Ở đây, đức Thế Tôn và Ma Ha Ca Diếp ngay khi đưa cành hoa và mĩm cười, tâm tâm hai người khế hợp nhau, đại pháp được trao và nhận ở khoảng giữa ấy, ngài Ca Diếp trở thành Tổ thứ nhất được truyền thừa, truyền trao như thế là hoàn toàn trao và nhận một cách công khai, tuyệt không có một mảy mai nào thần bí, thì không gì chẳng phải là giáo ngoại biệt truyền, dùng tâm truyền tâm mà thôi.

Từ đó truyền trao cho đến vị Tổ thứ 28 là Bồ Đề Đạt Ma. Tổ từ Ấn Độ sang Trung Hoa đề xướng Thiền pháp không dính dáng chữ nghĩa, không trải qua tu chứng chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật trở thành Sơ tổ Thiền tông Trung Quốc.

Trong Huyết mạch luận, ngài nói: “Nếu cần tìm Phật chỉ cần kiến tánh, tánh tức là Phật, phật là người tự tại, là người vô sự vô tác, nếu chẳng kiến tánh suốt ngày mờ mịt, hướng ngoài rong ruỗi tìm Phật, hóa ra chẳng được” –“Tâm chính là Phật, vô tâm là đạo”. Tôi cho rằng hai câu nói nầy có thể làm phương tiện vào cửa tham thiền. Thiền là Tâm tông, cần phải thể hội tâm Chánh giác, mới có thể ngộ được tâm chính là Phật, chỉ có chứng ngộ mới biết. Tâm chúng sinh đều là vọng tưởng, chỉ có đoạn trừ vọng tưởng là hoàn toàn vô tâm, mới có thể thông suốt tâm chính là Phật, một phen chết sạch sau mới có thể sống lại, vô tâm rồi sau đó chơn tâm mới hiện tiền, tâm và pháp giới cùng đồng một thể, không ngăn ngại, trí cảnh đều quên, hoàn toàn không nương gá. Cái không nương gá nầy cũng chẳng còn mới là đại giải thoát.

Mã Tổ Đạo Nhât dạy chúng rằng: “Các ông đều đã tự tin tâm là Phật, tâm ấy tức là tâm Phật. Đạt Ma đại sư từ Nam Thiên Trúc sang Trung Hoa truyền pháp thượng thừa nhất tâm, khiến các ông khai ngộ. Lại dẫn kinh Lăng Già để ấn chứng tâm địa chúng sanh, sợ các ông điên đảo chẳng tự tin, tâm và pháp ấy mỗi người đều có. Cho nên kinh Lăng Già ghi: “Phật nói tâm làm tông, vô môn làm pháp môn”. Lại ghi: Người cầu pháp nên không cầu gì cả, ngoài tâm không Phật khác, ngoài Phật không tâm khác, chẳng giữ điều thiện, chẳng bỏ điều ác, tịnh và uế đều không nương tựa, thấu suốt tánh tội vốn không, niệm niệm không thể được, đều không tự tánh, cho nên tam giới chỉ là tâm, sum la vạn tượng chỉ là một pháp ấn”.

Lời chỉ dạy của Mã Tổ, đối với ý nghĩa tức tâm tức Phật (tâm chính là Phật) là rất rõ ràng. Lúc ấy có Pháp Thường Đại Mai ban đầu tham kiến Mã Tổ hỏi: 
-Như thế nào là Phật? 
Mã Tổ đáp: 
-Tức tâm tức Phật. 
Pháp Thường liền lãnh ngộ, bèn về núi ở ẩn. Mã Tổ sai một vị Tăng đến hỏi sư: 
-Ông được điều gì mà về trụ núi nầy? 
Sư nói rằng: 
-Mã đại sư nói với tôi tức tâm tức Phật, tôi liền về đây ở. 
Tăng nói: 
-Đại sư gần đây Phật pháp lại khác, ngài nói phi tâm phi Phật.
Pháp Thường nói:
-Mặc cho ông ấy phi tâm phi Phật, tôi vẫn tức tâm tức Phật.
Vị Tăng ấy về thuật lại cho Mã Tổ nghe. Mã Tổ nói:
-Trái mai đã chín.
Ấn chứng sự kiên trì tức tâm tức Phật của Pháp Thường là chính xác, Mã Tổ khen ngợi nhận thức về thiền và công phu tham cứu của sư đã thành thục.

Tức tâm tức Phật (tâm chính là Phật) là quan điểm căn bản của Thiền tông, là chủ trương từ xưa đến nay của các vị Đại Thiền sư. Như Tăng Pháp Hải tham kiến Lục Tổ Huệ Năng hỏi rằng: 
-Tức tâm tức Phật cúi xin ngài chỉ dạy cho. 
Tổ đáp: 
-Niệm trước chẳng sanh tức tâm, niệm sau chẳng diệt tức Phật. Thành nhất thiết tướng tức tâm, ly nhất thiết tướng tức Phật. Tôi nếu nói đầy đủ cùng kiếp cũng không hết. Nghe ta nói kệ:
Tức tâm là huệ.
Tức Phật là định.
Định huệ bình đẳng,
Trong ý thanh tịnh,
Ngộ pháp môn nầy,
Do ông tập tánh.
Dụng vốn vô sanh,
Song tu là chánh.
Pháp Hải ngay lời nói đó đại ngộ, làm kệ tán thán:
Tức tâm vốn là Phật, 
Chẳng ngộ, tự trái lý,
Con biết nhân định huệ, 
Song tu lìa các vật.

Chứng tỏ khi lãnh ngộ được lời tức tâm tức Phật thì có thể đại triệt, đại ngộ, thẳng đến chỗ vô ngại, giải thoát tự tại. Đặc biệt là: “Thành nhất thiết tướng tức tâm, ly nhất thiết tướng tức Phật”, người tham thiền đáng nên cần phải tham cứu và thể nghiệm, không nên bỏ qua.

Ngũ tổ Hoằng Nhẫn đã từng nói với Lục tổ rằng: “Chẳng biết bản tâm, học đạo vô ích. Nếu biết bản tâm, thấy tự bản tánh, gọi là đại trượng phu, Thiên nhân sư, Phật”. Lời dạy nầy hoàn toàn giống với lời nói của Phật trong Kinh Hoa Nghiêm: “Tâm, Phật và chúng sanh, đó là ba thứ không sai biệt”. Cho nên lúc Sơ tổ truyền pháp cho Nhị tổ Huệ Khả nói: “Ngoài dứt các duyên, trong tâm không nghĩ tưởng, tâm như tường vách, mới có thể vào đạo”. Cũng là chỉ thẳng tâm vi diệu hay là  thể tánh nguồn thiền. Tông chỉ nầy được dựng lập từ Tổ Đạt Ma, truyền khắp đến các chư Tổ. Do vì người tham thiền học đạo, kẹt vào ngôn ngữ kinh giáo, trọn không thể nhập tâm vi diệu, ngay đó thành Phật, cho nên Tổ Đạt Ma  đề xướng, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, truyền thẳng diệu tâm, ngộ tâm nầy là Phật, tuy muôn kiếp luân hồi mà Phật tánh thiên chơn, vốn chẳng động và không biến đổi.

Nhị tổ sau khi ngộ được diệu tâm nguồn thiền, bổng nhiên hướng về Sơ tổ thưa rằng: 
-Con đã dứt hết các duyên.
Sơ tổ hỏi:
-Đâu chẳng phải thành đoạn diệt sao?
Nhị tổ đáp:
-Không rơi vào đoạn diệt, rõ ràng thường biết, nói không thể đến.
Sơ tổ ấn chứng:
-Đây là tâm thể mà chư Phật truyền trao.

Bởi vì lìa bỏ các duyên nên tướng ngoại cảnh lặng lẽ, trong tâm không nghĩ tưởng, thì sự suy nghĩ bên trong đều dứt, giống như tường vách thì tâm hành xứ diệt, nói chẳng đến thì ngôn ngữ đạo đoạn, rõ ràng thường biết mà không vọng niệm thì tịch chiếu đồng thời, tâm cảnh không hai, chúng sanh và Phật chẳng khác. Khi ấy tâm cũng chẳng thể được, chẳng thể được cũng chẳng thể chằng được. Chẳng phải tâm chẳng phải chẳng là tâm, chẳng phải diệu chẳng phải chẳng là diệu, đi đứng ngồi nằm, không gì chẳng phải là diệu tâm thể hiện. Đây chính là cảnh giới đi cũng thiền, ngồi cũng thiền, nói nín động tịnh thể an nhiên.

Đại thừa tán của Bảo Chí Công ghi: “Chẳng hiểu “tức tâm tức Phật” (tâm chính là Phật), giống như “cưởi lừa tìm lừa”.
Tâm vương minh của Phó Đại sĩ ghi: “Hiểu được gốc biết được tâm, biết được tâm là thấy Phật, tâm ấy là Phật, Phật ấy là tâm, niệm là niệm cái tâm Phật, đem tâm Phật niệm Phật… tự quán xét tâm mình, biết có Phật ở trong, chẳng hướng bên ngoài tìm, tâm chính là Phật, Phật chính là tâm”.

Chư Phật và Tổ tán thán câu tức tâm tức Phật rất nhiều, chẳng phiền dẫn chứng rộng. Như Mã Tổ từng đáp lời hỏi của Tăng rằng: Phi tâm phi Phật, nhân đây dẫn đến sự tranh luận của các thiền giả đời sau, cho phi tâm phi Phật là chỗ bàn luận cùng tột, từ đó dẫn đến sự phá chấp của Tông cảnh lục.

Chương Mã Tổ trong Truyền đăng lục ghi:
Tăng hỏi: Hòa thượng vì sao nói tức tâm tức Phật?
Sư đáp: Dỗ con nít khóc.
Tăng hỏi: Khi hết khóc thì thế nào?
Sư đáp: Phi tâm phi Phật.

Tông cảnh lục ghi:
Hỏi: Như trên đã nói, tức tâm tức Phật là yếu chỉ Phật, Tổ Tây thiên cõi nầy đồng nói, lý sự rõ ràng đồng thấy như nhau. Vì sao lại nói phi tâm phi Phật?
Đáp: Tức tâm tức Phật là biểu thuyên (biểu thị đầy đủ đức tánh), là bày tỏ thẳng sự việc ấy khiến thân chứng tự tâm, kiến tánh rõ ràng. Nếu phi tâm phi Phật là giá thuyên (ngăn chặn lỗi lầm), là ngăn chặn lỗi lầm sai trái, bỏ nghi phá chấp… Thời gần đây có sự lạm dụng pháp môn tham thiền, khi chẳng được yếu chỉ, chẳng được truyền thừa liền chẳng tin tức tâm tức Phật, phê phán cho là giáo thừa nói ra chưa được u huyền, ta tự có việc hướng thượng của tông môn, chỉ trọng thuyết phi tâm phi Phật. Vì thế mà lầm lẫn cả phải trái, mong ngộ mà gặp mê, chấp bóng cho là chân thật, lấy bệnh làm pháp.
Có thể thấy người chấp phi tâm phi Phật, tất nhiên rơi vào đường tà, chẳng những không khai ngộ được Chánh giác, mà còn bị trầm luân mãi trong ba cõi. Môn hạ Thiền tông, chư Tổ có rất nhiều câu nói đều là đối trị sự vọng chấp ngu mê của học nhân, vì gỡ niêm mở trói mà lập bày, nói ra để nhổ đinh tháo niêm mà kẻ mê chấp đó là phải, há chẳng phải rất lầm to! Vẫn có các vị Tổ sư khác đối với việc nầy cũng có sự quở trách, thế thì chẳng cần dẫn chứng thêm.

Tức tâm tức Phật (tâm chính là Phật), là phương tiện vào cửa tham thiền rất tốt, dùng phương pháp gì để tham cứu mới có thể chơn chánh chứng được tức tâm tức Phật? Cổ đức nói:
“Tức tâm tức Phật chỉ tu chứng mới biết”, không phải để nói suông ngoài miệng mà biết rõ được thật sự, trên thực tế thành Phật là dùng trí căn bản vô phân biệt thân chứng thật tướng. Tướng của tướng là vô tướng. Thân chứng vô tướng thì trong khoảng sát na trí cảnh thầm hợp, năng sở đều quên, hư không nát vụn, mặt đất lún xuống, cảnh giới như thế hoàn toàn chẳng phải có tâm phân biệt năng thông năng chứng. Nhân đây tôi cho rằng điều Cổ đức nói: Vô tâm là đạo, là pháp môn phương tiện đúng đắn. Như Thiền sư Hoàng Bá lúc đáp lời Tăng hỏi cũng bằng câu: “Tức tâm tức Phật, vô tâm là đạo”.

Ngài Đạt Ma lúc truyền tâm cho Tổ Huệ Khả: “Ngoài dứt các duyên, trong tâm không dấy khởi, tâm như tường vách mới có thể vào đạo”. Đây chính là vô tâm triệt để. Điều vô tâm ấy, không phải là không chơn tâm, mà không có tất cả tạp niệm vọng tưởng, chỉ có tâm sáng suốt rõ ràng.

Lục Tổ nói: “Pháp môn nầy của ta, từ trước đến nay, trước lập vô niệm làm tông, vô tướng làm thể, vô trụ làm gốc”. 
Vô niệm là không tất cả niệm, tất cả chỗ vô tâm, đối với tất cả cảnh giới không động không khởi, lúc vô niệm chính là chơn tâm, tất cả chỗ vô tâm thì sáu căn không nhiễm, tự nhiên được vào cái thấy đồng chư Phật, tức gọi là vô niệm. Nhập Phật tri kiến lại từ đâu dựng lập? Từ vô niệm lập. 
 Có chỗ nói: “Vô tướng làm thể”, thật tướng các pháp là tất cả pháp vô tướng, ngay vô tướng không phân biệt là Phật là chúng sanh, nếu khởi phân biệt liền có kiến tướng và thủ tướng (kiến tướng là một trong Khởi Tín luận, cũng gọi là chuyển tướng, do nghiệp tướng thứ nhất chuyển hóa mà thành các thứ có thể nhìn thấy được, cũng tương đương như kiến phần thuộc về A-lại-da-thức”. Thủ tướng là cái vọng hoặc thủ chấp vào cái tướng sự lý) nên chẳng thấy tướng pháp giới bình đẳng. Chơn như Phật tánh vốn là vô tướng. 
Có chỗ nói: “Vô trụ làm gốc”, vô trụ tức là tên khác của thật tướng, thật tướng là tên khác của tánh không. 

Trong kinh Duy Ma ngài Văn Thù Sư Lợi hỏi: “Cái gì là gốc của vọng tưởng điên đảo”. Đại sĩ Duy Ma đáp rằng: “Vô trụ làm gốc” cho nên Lục Tổ nói:
“Vô tướng là đối với tướng mà lìa tướng. Vô niệm là đối với niệm mà lìa niệm. Vô trụ là bản tánh của người… trong mỗi niệm chẳng nhớ cảnh trước. Nếu niệm trước, niệm hiện tại, niệm sau, niệm niệm tiếp nối chẳng dứt, gọi là trói buộc. Đối với các pháp niệm niệm chẳng trụ tức là không trói buộc. Đây là lấy vô trụ làm gốc”.

Lục Tổ lúc mới chỉ dạy Huệ Minh, chính là dùng phương tiện vô tâm là đạo. Ngài dạy Huệ Minh dứt bỏ các duyên, chớ khởi một niệm: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?” Huệ Minh ngay lời nói ấy khai ngộ.

Chứng tỏ vô tâm là đạo, là phương tiện tốt nhất khiến cho học nhân đại triệt đại ngộ. Chính Lục Tổ cũng từng thể nhận vô tâm là đạo. Ngũ Tổ giảng kinh Kim Cang cho ông ta đến đoạn “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, ông ta ngay lời ấy khế ngộ. Tâm chúng sanh vốn là vô trụ, do tiếp xúc với cảnh mà sanh tâm kia. Chẳng biết tánh cảnh là không, chấp pháp thế gian là thật, bèn ở trên cảnh sanh tâm trụ tâm giống như khỉ vượn nắm mặt trăng, mắt bệnh xem hoa tự sanh điên đảo. Tất cả muôn pháp đều từ tâm sanh, nếu ngộ chơn tánh liền vô sở trụ. Vô sở trụ tức là trí tuệ không có các phiền não, giống như hư không, không có ngăn ngại. Tâm có sở trụ tức là vọng niệm, sáu trần đua nhau mà khởi, giống như mây nổi đến đi không cố định.

Truyền tâm pháp yếu ghi: “Chỉ khi ông lìa các pháp có không, tâm như vắng mặt trời thường ở giữa hư không, ánh sáng tự nhiên không chiếu mà chiếu, chẳng phải là việc của sức phản tỉnh. Khi đến đây thì không chỗ nương tựa, tức là làm hạnh của chư Phật, chính là “nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia”. Đây là pháp thân thanh tịnh của ông, gọi là A Nậu Bồ Đề. Từ Đạt Ma “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhơn tâm, kiến tánh thành Phật”, Phật truyền tâm ấn đến nay, đạo nhập môn tham thiền, có thể nói đều là  dùng phương tiện “vô tâm là đạo”.

Nhưng chương thứ chín Thập huyền đàm của Tổ Đồng An Tế lại ghi: “Chớ bảo vô tâm là đạo, vô tâm còn cách một lớp rào”. Thực tế đây là tháo niêm mở trói, cũng là thủ thuật nhổ đinh tháo chốt, sợ học nhân trong lúc dụng công mê chấp pháp chết mà cho là chắc trắng, khiến họ trên đầu sào trăm trượng tiến thêm bước nữa, lúc tham thiền vị tông sư chân chánh quyết không lấy thật pháp cho người nào, mà tùy thời cho học nhân xoay chuyển đầu mê lại, khiến họ chốn chốn vô ngại, sự sự viên thông.

Tướng chân thật của thiền vốn là không vật, nói in tuồng một vật tức chẳng trúng, nói một chữ Phật giống úng sình quến nước, nói một chữ thiền đầy mặt hổ thẹn. “Từ điểm xuất phát nầy tất cả ngôn ngữ, tất cả tâm hành đều là dư thừa, há có thể dừng lại vô tâm là đạo, nên biết vô tâm vẫn là một loại chấp trước. Vì đã phá vô tâm là đạo khiến cho học nhân trong lúc tham thiền mau chóng xông vào thấy tánh thành Phật. Cho nên nói “Vô tâm còn cách một lớp rào”.

Rõ ràng Tổ sư phủ định ý muốn thể hiện vô tâm là đạo, hãy nên vịn vào cây gậy nầy mà đi, nỗ lực dụng công, dốc sức tham cứu. Thiền sư Hoàng Bá nói: “Chẳng ngộ tâm thể nầy liền ở trên tâm sanh tâm, hướng ra ngoài cầu, chấp tướng tu hành đều là ác pháp, chẳng phải đạo Bồ Đề. Hướng ra ngoài cầu Phật, chấp tướng tu hành thế là vĩnh viễn cầu chẳng được Phật, tu chẳng thành tựu hạnh chơn chánh thanh tịnh. Tu hạnh chơn chánh là đối cảnh tâm không sanh, chủ yếu là quên tâm, nếu chẳng quên tâm, đối cảnh liền chấp tướng, thì nhất chân pháp giới vô tướng làm sao có thể hiện tiền được?

Cho nên muốn quên cảnh tốt nhất là quên tâm. Những người dụng công thường thường chẳng dám quên tâm, sợ quên tâm rơi vào không, không biết đâu mà mò. Không biết không vốn không phải là không, lúc vô niệm chính là tâm sáng suốt lặng lẽ, giữ gìn tâm sáng suốt lặng lẽ đó tức là người tu thiền tốt nhất. Đây là phương pháp yêu cầu học nhân, đối với tâm đã sanh khởi chẳng để nó tiếp tục sanh, đối với tâm chưa sanh chẳng để nó sanh khởi, chẳng tiếp niệm trước không theo niệm sau, thì bên trong tự lặng lẽ.

Hoàng Bá nói: “Chỉ tự quên tâm thì đồng với pháp giới, chỉ được tự tại đây mới là chính yếu”. Tất cả thiện ác đều không suy nghĩ, việc quá khứ đã rồi cũng không suy nghĩ thì tâm quá khứ tự dứt, việc vị lai chưa đến không mong cầu thì tâm vị lai tự dứt, việc hiện tại niệm niệm không dừng chẳng cần nắm bắt. Đối với tất cả việc chỉ biết không dính mắc. Không dính mắc là không khởi tâm yêu ghét thì tâm hiện tại tự dứt. Đối với việc ba đời chẳng sanh tâm, thì tâm quên cảnh tự không.

Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng lễ bái Lục tổ, Lục tổ hỏi: 
-Vật gì đến thế?
Hoài Nhượng đáp: 
-Nói in tuồng một vật tức chằng trúng.
Hỏi: Lại có tu chứng chăng?
Đáp: Tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô tức chẳng được.
Tổ nói: Chỉ không nhiễm ô nầy là điều chư Phật hộ niệm. Ông đã như thế, ta cũng như thế.

Mã Tổ dạy chúng cũng nói: “Đạo chẳng cần dụng tu, chỉ không nhiễm ô là được”. Vì sao nhiễm ô? Do có tâm sanh tử, có chiều hướng tạo tác đều là nhiễm ô. Nếu muốn thể hội đạo nầy, thì tâm bình thường là đạo. Thế nào là tâm bình thường? Không tạo tác, không phải trái, không thủ không xả, không đoạn không thường, không phàm không Thánh. Bản tâm rỗng lặng sáng suốt không vật gì có thể so sánh, cho nên nói in tuồng một vật tức chẳng trúng. Bản tâm rỗng lặng sáng suốt không thể nhiễm ô, nếu vọng niệm dấy khởi liền trừ bỏ, nếu không trừ bỏ thì nhiễm ô vậy. Cho nên người tham thiền chẳng cần dụng công tu hành khác, chỉ đối với tâm lặng lẽ sáng suốt rõ ràng ra công giữ gìn bảo nhậm, khiến chăng nhiễm ô được.

Thiền tông thường dùng chăn trâu làm thí dụ, để hiển bày phương pháp vô tâm là đạo. Như Mã Tổ hỏi Thiền sư Huệ Tạng: Làm gì?
Huệ Tạng đáp: Chăn trâu.
Mã Tổ hỏi: Chăn ra sao?
Đáp rằng: Mỗi lần vào lúa mạ liền nắm dây dàm kéo mũi lại.
Mã Tổ nói: Ông đúng thật chăn trâu.

Tham thiền cần giữ gìn vô tâm, cần phải luôn luôn phản tỉnh nội tâm. Chú ý tạp niệm trước mắt, như lúc chăn trâu chẳng để nó phạm vào lúa mạ, lập tức nắm dây vàm kéo lại. Tức là niệm khởi liền giác, giác đó liền không.

Làm thế nào đối cảnh tâm không khởi, cũng không loạn động, xuyên qua tất cả sắc thanh, không có chướng ngại, gọi là đại nhân. Giống như cục lửa chạm vào vật liền cháy. Cổ nhân nói chặt thẳng chỗ trọng yếu, một đao đứt lìa, ngay đó liền thôi.

Vô tâm tức là chiếu soi lại bên trong, một niệm tiếp xúc với cảnh sanh tâm liền là sanh tử, lìa cảnh không sanh diệt chính là giải thoát. Một niệm vô tâm phàm phu bằng Phật, phiền não tức Bồ đề. Lục tổ nói: “Niệm trước mê tức phàm phu, niệm sau ngộ tức Phật; niệm trước chấp cảnh tức phiền não, niệm sau lìa cảnh là Bồ đề”. Đó là tối tôn tối thượng đệ nhất, không trụ không đi cũng không đến, ba đời chư Phật từ đó mà lưu xuất. Cho nên dùng đại trí tuệ phá tan phiền não trần lao năm uẩn. Tu hành như thế nhất định sẽ thành Phật đạo. Ngộ pháp nầy tức là không nghĩ không nhớ không chấp trước, cũng không khởi cuồng vọng, ứng dụng đều từ tánh chơn như dùng trí tuệ quán chiếu. Đối với tất cả pháp không thủ không xả tức là kiến tánh thành Phật.

Tham thiền quí ở thực hành, tức là chơn tham thực ngộ, có nhiều tri giải lại càng bế tắc. Chỉ sạch hết phàm tình thánh giải, hoàn toàn không chỗ nương chấp, tâm như hư không, lìa các pháp có không, đến đây không còn chỗ nương tựa, tức là đi con đường chư Phật, vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm. Cổ nhân nói: “Sao bằng vào cửa vô vi thật tướng, một phen nhảy thẳng vào đất Như Lai”.

Nếu không thể hội điều nầy, thì dù hiểu biết nhiều hay khổ nhọc, mặc áo cỏ ăn lá cây, nhưng không biết tự tâm thì đều là tà hạnh. Nay chỉ học vô tâm, thật tu thật ngộ, chết đi tâm viên, diệt trừ ý mã, một niệm không sanh, tâm điên đảo dứt, vọng dừng tâm không, cái biết chơn thật tự hiện, cây khô nở hoa việc lớn thành tựu. Như kinh Tịnh Danh ghi: “Ngay đó rỗng lặng lại được bản tâm”. Mới biết không phải từ ngoài được, cả đời thư thái.

Nhận thức về tâm, tâm có hai loại: Một loại là chơn tâm, lấy tịch tri tịch chiếu làm tâm, bất không vô trụ làm thể, thật tướng làm tướng. Một loại là vọng tâm, lấy sáu trần duyên theo bóng làm tâm, vô trụ làm thể, phan duyên theo sự suy nghĩ làm tướng. Dụng công tham thiền cần giữ gìn sự sáng suốt lặng lẽ rõ ràng, không tiếp nối niệm trước, không khởi theo niệm sau, thúc đẩy sự sáng suốt lặng lẽ bên trong, đó là cần phải luôn luôn đối trị vọng tâm, khiến cho chơn tâm được hiển hiện. Chơn tâm lấy thật tướng làm tướng, cần phải là vô tâm niệm vô tướng, mới có thể thầm hợp thân chứng. 

Rõ ràng ở đây “tức tâm tức Phật, vô tâm là đạo” là cửa phương tiện tham thiền ban đầu. Lại có gì để hoài nghi ư? Phật nói: “Sa môn xuất gia dứt bỏ ái dục, tự biết nguồn tâm, thấu suốt lý thâm sâu của Phật, ngộ pháp vô vi, trong không có gì chứng đắc, ngoài không có gì để cầu, tâm không vướng bận nơi đạo, cũng không còn nghiệp trói buộc, không còn suy nghĩ không còn tạo tác, không tu không chứng, không trải qua thứ bậc mà tự cao tột, gọi đó là đạo”. Khởi Tín Luận ghi: “Nếu lìa tâm niệm thì không có tất cả tướng cảnh giới. Thế nên, tất cả pháp từ xưa đến nay lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên (khởi tâm bám víu vào ngoại cảnh), hoàn toàn bình đẳng, không có thay đổi”. Một khi đạt đến  cảnh giới tuyệt đối nầy, thì khắp chốn vô ngại, sự sự thông suốt, đại dụng hiện tiền, hoàn toàn sáng suốt. Đây chính là cảnh giới tự tại vô ngại vượt ngoài khuôn phép.

Cuối cùng, mượn lời tụng của Thiền sư Vĩnh Gia để trợ giúp cho người tham thiền luôn luôn kiểm nghiệm cách dụng tâm của mình có đúng đắn hay không, kệ rằng:
Tỉnh tỉnh lặng lặng phải,
Vô ký lặng lặng sai;
Lặng lặng tỉnh tỉnh phải,
Loạn tưởng tỉnh tỉnh sai.

Thiền sư Hoàng Long Từ Tâm nói: “Thân nầy chẳng nhằm đời nầy độ, lại đến đời nào độ thân nầy”. 

Thiền sư  Hoàng Bá Đoạn Tế nói:
Vượt thoát trần lao việc chẳng thường,
Đầu dây nắm chặt giữ lập trường,
Nếu chẳng một phen sương lạnh buốt,
Hoa mai đâu dễ ngát mùi hương.

Thiền quí trọng ở chơn tham thực ngộ, còn những lời tán gẫu lòng vòng trên đây cũng chỉ là lấy pháp chết cho người, tự cảm thấy rất hổ thẹn, đáng bị ăn ba mươi gậy.


***
Hòa thượng THÍCH THANH TỪ