23/03/2015

PHƯƠNG TIỆN VÀO CỬA THAM THIỀN




Có rất nhiều người học Phật, muốn thông qua phương pháp tham thiền, mở toang cánh cửa phàm Thánh, liểu thoát được sanh tử nhiều đời, chuyển phàm thành Thánh, trở thành vị thấy đạo không ngăn ngại, chứng được giải thoát tự do tự tại. Nhưng đối với sự tham thiền thì phải dụng tâm, thể hội, thực hành thế nào, tham cứu, thọ dụng ra sao… Muốn làm sao ngay trong kinh Phật lời Tổ có thể tìm được đáp án sẳn có là điều rất khó, dù có nói ra cũng là những điều phủ định, thật ra người chạy theo ngôn ngữ thì mất mạng, kẻ đuổi theo câu cú là si mê, thủ thuật hướng thượng không có chỗ cho người cắm mỏ vào, người hỏi liền được ăn ba mươi gậy.


Các vị Thiền sư chủ trương không luận thiền định giải thoát, chỉ cần tự thấy bản tánh, lấy Vô niệm làm Tông, Vô tướng làm Thể, Vô trụ làm Gốc, phàm rơi vào ngôn ngữ nói năng đều là sai lầm, chẳng nghi câu nói rất nguy hiểm, khởi tâm tức trái, động niệm liền sai, nói in tuồng một vật tức chẳng trúng, nói một chữ Phật hổ thẹn đầy mặt, niệm Phật một câu súc miệng ba ngày, giống như người đứng ở ngã tư đường, không phân biệt hướng nào là Đông Tây Nam Bắc, chẳng biết đi hướng nào mới phải.

Thế nên liền hành khước tha phương cầu thầy hỏi đạo, muốn ngay nơi bổn phận chính mình mọi việc rõ ràng, nhưng từ trước phương tiện tiếp dẫn học nhân của các nhà chẳng đồng, có thuyết nói đương thể là Phật, chẳng cần tham đi học lại ắt sẽ giải thoát; có thuyết nói mày ngang mũi dọc vốn là Phật, chỉ cần luôn luôn gìn giữ là phải; có thuyết nói muôn việc vô tâm chỉ hỏi mình là ai, rự nhiên khế hợp; có thuyết nói vô tâm tĩnh tọa ắt sẽ ngộ; có thuyết nói buông bỏ tất cả mặc áo ăn cơm, thể tánh vốn có sẵn; có thuyết nói chẳng nhiễm một vật ắt sẽ thành Phật; có thuyết nói một niệm tịnh tâm chính là tham thiền, cuối cùng là diệu ngộ; có thuyết nói cần được diệu ngộ, ắt phải vượt qua cửa ải; có thuyết nói tham một câu thoại đầu liền được khai ngộ… các thuyết như thế đúng đều là đúng, sai thì hoàn toàn sai, khiến cho người tham thiền biết đâu doán định, giống như kẻ ngu ngốc tìm không được bí quyết.

Thiền tông dùng Phật ngữ tâm làm tông, lấy vô môn làm pháp môn, đã là vô môn như vậy làm sao hiểu. Tổ sư nói: “Người từ cửa mà vào chẳng phải là của báu trong nhà, người từ nhân duyên mà được trước sau cũng hoại”, nói như thế cũng giống quơ gậy  đập mặt trăng, cách lớp giầy mà gãy ngứa, mãi mãi không có ngày ra khỏi sự trói buộc. Thật ra không phải thế, thiền tuy sâu xa nhưng vẫn có cửa để vào.

Trong kinh Hoa Nghiêm phẩm Như Lai xuất hiện ghi: “Chư Phật tử! Trí tuệ Như Lai trùm khắp tất cả, vì cớ sao? Không có một chúng sanh nào mà không có đầy đủ trí tuệ của Như Lai, nhưng vì vọng tưởng điên đảo chấp trước mà không chứng được, nếu lìa vọng tưởng thì Nhất thiết trí, Tự nhiên trí, Vô ngại trí, liền được hiện tiền”. Đây là lời dạy của đức Thích Ca Như Lai lúc mới thành đạo, cũng chính là nguồn gốc và bản chất của thiền. Trong kinh Phật dạy, trí tuệ Như Lai mỗi người đều sẵn đủ, chỉ do vọng tưởng chấp trước mà chẳng chứng được. Như Lai do tu tập Thiền Định mà được klhai ngộ, như vậy chúng ta chỉ cần tận tâm tham cứu thiền định, thì cũng có thể phát sanh trí tuệ căn bản vô lậu và chứng được Nhất thiết trí.

Thiền là gì? Chính là tâm của chúng ta. Tâm là gì? Chính là thể của thiền, cho nên nguồn gốc của thiền ngay ở chỗ Chánh giác của đức Thế Tôn. Chánh giác tức là tâm thiền, thể thiền. Phương pháp dụng tâm tham cứu thấy suốt nguồn gốc của tâm, tức là chứng được yếu chỉ cội nguồn. Nguồn gốc của Thiền tông từ Chánh giác của đức Phật, chứ không ở trong ngôn ngữ văn tự, cần phải lãnh hội ý nghĩa Chánh giác, lấy Tâm làm Tông.

Thiền là tiếng Phạn, nói gọn là Thiền na, tiếng Hán dịch là Tư duy tu, cũng gọi là tĩnh lự, nghĩa là dừng lắng ý niệm loạn động, cũng gọi là định tuệ, biết nguồn gốc và ý nghĩa của thiền, thì cảm thấy cửa thiền là phương tiện có thể vào được.

Truyền đăng lục ghi: “Đức Thế Tôn ở trên hội Linh Sơn đưa cành hoa dạy chúng, lúc ấy đại chúng đều im lặng, chỉ có Tôn giả Ca Diếp nét mặt rạng rỡ mỉm cười. Thế Tôn nói: “Ta có Chánh pháp Nhãn Tạng, Niết bàn Diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, chẳng lập văn tự, có cách truyền khác ngoài giáo, nay truyền trao cho Ma Ha Ca Diếp”.

Ở đây, đức Thế Tôn và Ma Ha Ca Diếp ngay khi đưa cành hoa và mĩm cười, tâm tâm hai người khế hợp nhau, đại pháp được trao và nhận ở khoảng giữa ấy, ngài Ca Diếp trở thành Tổ thứ nhất được truyền thừa, truyền trao như thế là hoàn toàn trao và nhận một cách công khai, tuyệt không có một mảy mai nào thần bí, thì không gì chẳng phải là giáo ngoại biệt truyền, dùng tâm truyền tâm mà thôi.

Từ đó truyền trao cho đến vị Tổ thứ 28 là Bồ Đề Đạt Ma. Tổ từ Ấn Độ sang Trung Hoa đề xướng Thiền pháp không dính dáng chữ nghĩa, không trải qua tu chứng chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật trở thành Sơ tổ Thiền tông Trung Quốc.

Trong Huyết mạch luận, ngài nói: “Nếu cần tìm Phật chỉ cần kiến tánh, tánh tức là Phật, phật là người tự tại, là người vô sự vô tác, nếu chẳng kiến tánh suốt ngày mờ mịt, hướng ngoài rong ruỗi tìm Phật, hóa ra chẳng được” –“Tâm chính là Phật, vô tâm là đạo”. Tôi cho rằng hai câu nói nầy có thể làm phương tiện vào cửa tham thiền. Thiền là Tâm tông, cần phải thể hội tâm Chánh giác, mới có thể ngộ được tâm chính là Phật, chỉ có chứng ngộ mới biết. Tâm chúng sinh đều là vọng tưởng, chỉ có đoạn trừ vọng tưởng là hoàn toàn vô tâm, mới có thể thông suốt tâm chính là Phật, một phen chết sạch sau mới có thể sống lại, vô tâm rồi sau đó chơn tâm mới hiện tiền, tâm và pháp giới cùng đồng một thể, không ngăn ngại, trí cảnh đều quên, hoàn toàn không nương gá. Cái không nương gá nầy cũng chẳng còn mới là đại giải thoát.

Mã Tổ Đạo Nhât dạy chúng rằng: “Các ông đều đã tự tin tâm là Phật, tâm ấy tức là tâm Phật. Đạt Ma đại sư từ Nam Thiên Trúc sang Trung Hoa truyền pháp thượng thừa nhất tâm, khiến các ông khai ngộ. Lại dẫn kinh Lăng Già để ấn chứng tâm địa chúng sanh, sợ các ông điên đảo chẳng tự tin, tâm và pháp ấy mỗi người đều có. Cho nên kinh Lăng Già ghi: “Phật nói tâm làm tông, vô môn làm pháp môn”. Lại ghi: Người cầu pháp nên không cầu gì cả, ngoài tâm không Phật khác, ngoài Phật không tâm khác, chẳng giữ điều thiện, chẳng bỏ điều ác, tịnh và uế đều không nương tựa, thấu suốt tánh tội vốn không, niệm niệm không thể được, đều không tự tánh, cho nên tam giới chỉ là tâm, sum la vạn tượng chỉ là một pháp ấn”.

Lời chỉ dạy của Mã Tổ, đối với ý nghĩa tức tâm tức Phật (tâm chính là Phật) là rất rõ ràng. Lúc ấy có Pháp Thường Đại Mai ban đầu tham kiến Mã Tổ hỏi: 
-Như thế nào là Phật? 
Mã Tổ đáp: 
-Tức tâm tức Phật. 
Pháp Thường liền lãnh ngộ, bèn về núi ở ẩn. Mã Tổ sai một vị Tăng đến hỏi sư: 
-Ông được điều gì mà về trụ núi nầy? 
Sư nói rằng: 
-Mã đại sư nói với tôi tức tâm tức Phật, tôi liền về đây ở. 
Tăng nói: 
-Đại sư gần đây Phật pháp lại khác, ngài nói phi tâm phi Phật.
Pháp Thường nói:
-Mặc cho ông ấy phi tâm phi Phật, tôi vẫn tức tâm tức Phật.
Vị Tăng ấy về thuật lại cho Mã Tổ nghe. Mã Tổ nói:
-Trái mai đã chín.
Ấn chứng sự kiên trì tức tâm tức Phật của Pháp Thường là chính xác, Mã Tổ khen ngợi nhận thức về thiền và công phu tham cứu của sư đã thành thục.

Tức tâm tức Phật (tâm chính là Phật) là quan điểm căn bản của Thiền tông, là chủ trương từ xưa đến nay của các vị Đại Thiền sư. Như Tăng Pháp Hải tham kiến Lục Tổ Huệ Năng hỏi rằng: 
-Tức tâm tức Phật cúi xin ngài chỉ dạy cho. 
Tổ đáp: 
-Niệm trước chẳng sanh tức tâm, niệm sau chẳng diệt tức Phật. Thành nhất thiết tướng tức tâm, ly nhất thiết tướng tức Phật. Tôi nếu nói đầy đủ cùng kiếp cũng không hết. Nghe ta nói kệ:
Tức tâm là huệ.
Tức Phật là định.
Định huệ bình đẳng,
Trong ý thanh tịnh,
Ngộ pháp môn nầy,
Do ông tập tánh.
Dụng vốn vô sanh,
Song tu là chánh.
Pháp Hải ngay lời nói đó đại ngộ, làm kệ tán thán:
Tức tâm vốn là Phật, 
Chẳng ngộ, tự trái lý,
Con biết nhân định huệ, 
Song tu lìa các vật.

Chứng tỏ khi lãnh ngộ được lời tức tâm tức Phật thì có thể đại triệt, đại ngộ, thẳng đến chỗ vô ngại, giải thoát tự tại. Đặc biệt là: “Thành nhất thiết tướng tức tâm, ly nhất thiết tướng tức Phật”, người tham thiền đáng nên cần phải tham cứu và thể nghiệm, không nên bỏ qua.

Ngũ tổ Hoằng Nhẫn đã từng nói với Lục tổ rằng: “Chẳng biết bản tâm, học đạo vô ích. Nếu biết bản tâm, thấy tự bản tánh, gọi là đại trượng phu, Thiên nhân sư, Phật”. Lời dạy nầy hoàn toàn giống với lời nói của Phật trong Kinh Hoa Nghiêm: “Tâm, Phật và chúng sanh, đó là ba thứ không sai biệt”. Cho nên lúc Sơ tổ truyền pháp cho Nhị tổ Huệ Khả nói: “Ngoài dứt các duyên, trong tâm không nghĩ tưởng, tâm như tường vách, mới có thể vào đạo”. Cũng là chỉ thẳng tâm vi diệu hay là  thể tánh nguồn thiền. Tông chỉ nầy được dựng lập từ Tổ Đạt Ma, truyền khắp đến các chư Tổ. Do vì người tham thiền học đạo, kẹt vào ngôn ngữ kinh giáo, trọn không thể nhập tâm vi diệu, ngay đó thành Phật, cho nên Tổ Đạt Ma  đề xướng, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, truyền thẳng diệu tâm, ngộ tâm nầy là Phật, tuy muôn kiếp luân hồi mà Phật tánh thiên chơn, vốn chẳng động và không biến đổi.

Nhị tổ sau khi ngộ được diệu tâm nguồn thiền, bổng nhiên hướng về Sơ tổ thưa rằng: 
-Con đã dứt hết các duyên.
Sơ tổ hỏi:
-Đâu chẳng phải thành đoạn diệt sao?
Nhị tổ đáp:
-Không rơi vào đoạn diệt, rõ ràng thường biết, nói không thể đến.
Sơ tổ ấn chứng:
-Đây là tâm thể mà chư Phật truyền trao.

Bởi vì lìa bỏ các duyên nên tướng ngoại cảnh lặng lẽ, trong tâm không nghĩ tưởng, thì sự suy nghĩ bên trong đều dứt, giống như tường vách thì tâm hành xứ diệt, nói chẳng đến thì ngôn ngữ đạo đoạn, rõ ràng thường biết mà không vọng niệm thì tịch chiếu đồng thời, tâm cảnh không hai, chúng sanh và Phật chẳng khác. Khi ấy tâm cũng chẳng thể được, chẳng thể được cũng chẳng thể chằng được. Chẳng phải tâm chẳng phải chẳng là tâm, chẳng phải diệu chẳng phải chẳng là diệu, đi đứng ngồi nằm, không gì chẳng phải là diệu tâm thể hiện. Đây chính là cảnh giới đi cũng thiền, ngồi cũng thiền, nói nín động tịnh thể an nhiên.

Đại thừa tán của Bảo Chí Công ghi: “Chẳng hiểu “tức tâm tức Phật” (tâm chính là Phật), giống như “cưởi lừa tìm lừa”.
Tâm vương minh của Phó Đại sĩ ghi: “Hiểu được gốc biết được tâm, biết được tâm là thấy Phật, tâm ấy là Phật, Phật ấy là tâm, niệm là niệm cái tâm Phật, đem tâm Phật niệm Phật… tự quán xét tâm mình, biết có Phật ở trong, chẳng hướng bên ngoài tìm, tâm chính là Phật, Phật chính là tâm”.

Chư Phật và Tổ tán thán câu tức tâm tức Phật rất nhiều, chẳng phiền dẫn chứng rộng. Như Mã Tổ từng đáp lời hỏi của Tăng rằng: Phi tâm phi Phật, nhân đây dẫn đến sự tranh luận của các thiền giả đời sau, cho phi tâm phi Phật là chỗ bàn luận cùng tột, từ đó dẫn đến sự phá chấp của Tông cảnh lục.

Chương Mã Tổ trong Truyền đăng lục ghi:
Tăng hỏi: Hòa thượng vì sao nói tức tâm tức Phật?
Sư đáp: Dỗ con nít khóc.
Tăng hỏi: Khi hết khóc thì thế nào?
Sư đáp: Phi tâm phi Phật.

Tông cảnh lục ghi:
Hỏi: Như trên đã nói, tức tâm tức Phật là yếu chỉ Phật, Tổ Tây thiên cõi nầy đồng nói, lý sự rõ ràng đồng thấy như nhau. Vì sao lại nói phi tâm phi Phật?
Đáp: Tức tâm tức Phật là biểu thuyên (biểu thị đầy đủ đức tánh), là bày tỏ thẳng sự việc ấy khiến thân chứng tự tâm, kiến tánh rõ ràng. Nếu phi tâm phi Phật là giá thuyên (ngăn chặn lỗi lầm), là ngăn chặn lỗi lầm sai trái, bỏ nghi phá chấp… Thời gần đây có sự lạm dụng pháp môn tham thiền, khi chẳng được yếu chỉ, chẳng được truyền thừa liền chẳng tin tức tâm tức Phật, phê phán cho là giáo thừa nói ra chưa được u huyền, ta tự có việc hướng thượng của tông môn, chỉ trọng thuyết phi tâm phi Phật. Vì thế mà lầm lẫn cả phải trái, mong ngộ mà gặp mê, chấp bóng cho là chân thật, lấy bệnh làm pháp.
Có thể thấy người chấp phi tâm phi Phật, tất nhiên rơi vào đường tà, chẳng những không khai ngộ được Chánh giác, mà còn bị trầm luân mãi trong ba cõi. Môn hạ Thiền tông, chư Tổ có rất nhiều câu nói đều là đối trị sự vọng chấp ngu mê của học nhân, vì gỡ niêm mở trói mà lập bày, nói ra để nhổ đinh tháo niêm mà kẻ mê chấp đó là phải, há chẳng phải rất lầm to! Vẫn có các vị Tổ sư khác đối với việc nầy cũng có sự quở trách, thế thì chẳng cần dẫn chứng thêm.

Tức tâm tức Phật (tâm chính là Phật), là phương tiện vào cửa tham thiền rất tốt, dùng phương pháp gì để tham cứu mới có thể chơn chánh chứng được tức tâm tức Phật? Cổ đức nói:
“Tức tâm tức Phật chỉ tu chứng mới biết”, không phải để nói suông ngoài miệng mà biết rõ được thật sự, trên thực tế thành Phật là dùng trí căn bản vô phân biệt thân chứng thật tướng. Tướng của tướng là vô tướng. Thân chứng vô tướng thì trong khoảng sát na trí cảnh thầm hợp, năng sở đều quên, hư không nát vụn, mặt đất lún xuống, cảnh giới như thế hoàn toàn chẳng phải có tâm phân biệt năng thông năng chứng. Nhân đây tôi cho rằng điều Cổ đức nói: Vô tâm là đạo, là pháp môn phương tiện đúng đắn. Như Thiền sư Hoàng Bá lúc đáp lời Tăng hỏi cũng bằng câu: “Tức tâm tức Phật, vô tâm là đạo”.

Ngài Đạt Ma lúc truyền tâm cho Tổ Huệ Khả: “Ngoài dứt các duyên, trong tâm không dấy khởi, tâm như tường vách mới có thể vào đạo”. Đây chính là vô tâm triệt để. Điều vô tâm ấy, không phải là không chơn tâm, mà không có tất cả tạp niệm vọng tưởng, chỉ có tâm sáng suốt rõ ràng.

Lục Tổ nói: “Pháp môn nầy của ta, từ trước đến nay, trước lập vô niệm làm tông, vô tướng làm thể, vô trụ làm gốc”. 
Vô niệm là không tất cả niệm, tất cả chỗ vô tâm, đối với tất cả cảnh giới không động không khởi, lúc vô niệm chính là chơn tâm, tất cả chỗ vô tâm thì sáu căn không nhiễm, tự nhiên được vào cái thấy đồng chư Phật, tức gọi là vô niệm. Nhập Phật tri kiến lại từ đâu dựng lập? Từ vô niệm lập. 
 Có chỗ nói: “Vô tướng làm thể”, thật tướng các pháp là tất cả pháp vô tướng, ngay vô tướng không phân biệt là Phật là chúng sanh, nếu khởi phân biệt liền có kiến tướng và thủ tướng (kiến tướng là một trong Khởi Tín luận, cũng gọi là chuyển tướng, do nghiệp tướng thứ nhất chuyển hóa mà thành các thứ có thể nhìn thấy được, cũng tương đương như kiến phần thuộc về A-lại-da-thức”. Thủ tướng là cái vọng hoặc thủ chấp vào cái tướng sự lý) nên chẳng thấy tướng pháp giới bình đẳng. Chơn như Phật tánh vốn là vô tướng. 
Có chỗ nói: “Vô trụ làm gốc”, vô trụ tức là tên khác của thật tướng, thật tướng là tên khác của tánh không. 

Trong kinh Duy Ma ngài Văn Thù Sư Lợi hỏi: “Cái gì là gốc của vọng tưởng điên đảo”. Đại sĩ Duy Ma đáp rằng: “Vô trụ làm gốc” cho nên Lục Tổ nói:
“Vô tướng là đối với tướng mà lìa tướng. Vô niệm là đối với niệm mà lìa niệm. Vô trụ là bản tánh của người… trong mỗi niệm chẳng nhớ cảnh trước. Nếu niệm trước, niệm hiện tại, niệm sau, niệm niệm tiếp nối chẳng dứt, gọi là trói buộc. Đối với các pháp niệm niệm chẳng trụ tức là không trói buộc. Đây là lấy vô trụ làm gốc”.

Lục Tổ lúc mới chỉ dạy Huệ Minh, chính là dùng phương tiện vô tâm là đạo. Ngài dạy Huệ Minh dứt bỏ các duyên, chớ khởi một niệm: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?” Huệ Minh ngay lời nói ấy khai ngộ.

Chứng tỏ vô tâm là đạo, là phương tiện tốt nhất khiến cho học nhân đại triệt đại ngộ. Chính Lục Tổ cũng từng thể nhận vô tâm là đạo. Ngũ Tổ giảng kinh Kim Cang cho ông ta đến đoạn “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, ông ta ngay lời ấy khế ngộ. Tâm chúng sanh vốn là vô trụ, do tiếp xúc với cảnh mà sanh tâm kia. Chẳng biết tánh cảnh là không, chấp pháp thế gian là thật, bèn ở trên cảnh sanh tâm trụ tâm giống như khỉ vượn nắm mặt trăng, mắt bệnh xem hoa tự sanh điên đảo. Tất cả muôn pháp đều từ tâm sanh, nếu ngộ chơn tánh liền vô sở trụ. Vô sở trụ tức là trí tuệ không có các phiền não, giống như hư không, không có ngăn ngại. Tâm có sở trụ tức là vọng niệm, sáu trần đua nhau mà khởi, giống như mây nổi đến đi không cố định.

Truyền tâm pháp yếu ghi: “Chỉ khi ông lìa các pháp có không, tâm như vắng mặt trời thường ở giữa hư không, ánh sáng tự nhiên không chiếu mà chiếu, chẳng phải là việc của sức phản tỉnh. Khi đến đây thì không chỗ nương tựa, tức là làm hạnh của chư Phật, chính là “nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia”. Đây là pháp thân thanh tịnh của ông, gọi là A Nậu Bồ Đề. Từ Đạt Ma “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhơn tâm, kiến tánh thành Phật”, Phật truyền tâm ấn đến nay, đạo nhập môn tham thiền, có thể nói đều là  dùng phương tiện “vô tâm là đạo”.

Nhưng chương thứ chín Thập huyền đàm của Tổ Đồng An Tế lại ghi: “Chớ bảo vô tâm là đạo, vô tâm còn cách một lớp rào”. Thực tế đây là tháo niêm mở trói, cũng là thủ thuật nhổ đinh tháo chốt, sợ học nhân trong lúc dụng công mê chấp pháp chết mà cho là chắc trắng, khiến họ trên đầu sào trăm trượng tiến thêm bước nữa, lúc tham thiền vị tông sư chân chánh quyết không lấy thật pháp cho người nào, mà tùy thời cho học nhân xoay chuyển đầu mê lại, khiến họ chốn chốn vô ngại, sự sự viên thông.

Tướng chân thật của thiền vốn là không vật, nói in tuồng một vật tức chẳng trúng, nói một chữ Phật giống úng sình quến nước, nói một chữ thiền đầy mặt hổ thẹn. “Từ điểm xuất phát nầy tất cả ngôn ngữ, tất cả tâm hành đều là dư thừa, há có thể dừng lại vô tâm là đạo, nên biết vô tâm vẫn là một loại chấp trước. Vì đã phá vô tâm là đạo khiến cho học nhân trong lúc tham thiền mau chóng xông vào thấy tánh thành Phật. Cho nên nói “Vô tâm còn cách một lớp rào”.

Rõ ràng Tổ sư phủ định ý muốn thể hiện vô tâm là đạo, hãy nên vịn vào cây gậy nầy mà đi, nỗ lực dụng công, dốc sức tham cứu. Thiền sư Hoàng Bá nói: “Chẳng ngộ tâm thể nầy liền ở trên tâm sanh tâm, hướng ra ngoài cầu, chấp tướng tu hành đều là ác pháp, chẳng phải đạo Bồ Đề. Hướng ra ngoài cầu Phật, chấp tướng tu hành thế là vĩnh viễn cầu chẳng được Phật, tu chẳng thành tựu hạnh chơn chánh thanh tịnh. Tu hạnh chơn chánh là đối cảnh tâm không sanh, chủ yếu là quên tâm, nếu chẳng quên tâm, đối cảnh liền chấp tướng, thì nhất chân pháp giới vô tướng làm sao có thể hiện tiền được?

Cho nên muốn quên cảnh tốt nhất là quên tâm. Những người dụng công thường thường chẳng dám quên tâm, sợ quên tâm rơi vào không, không biết đâu mà mò. Không biết không vốn không phải là không, lúc vô niệm chính là tâm sáng suốt lặng lẽ, giữ gìn tâm sáng suốt lặng lẽ đó tức là người tu thiền tốt nhất. Đây là phương pháp yêu cầu học nhân, đối với tâm đã sanh khởi chẳng để nó tiếp tục sanh, đối với tâm chưa sanh chẳng để nó sanh khởi, chẳng tiếp niệm trước không theo niệm sau, thì bên trong tự lặng lẽ.

Hoàng Bá nói: “Chỉ tự quên tâm thì đồng với pháp giới, chỉ được tự tại đây mới là chính yếu”. Tất cả thiện ác đều không suy nghĩ, việc quá khứ đã rồi cũng không suy nghĩ thì tâm quá khứ tự dứt, việc vị lai chưa đến không mong cầu thì tâm vị lai tự dứt, việc hiện tại niệm niệm không dừng chẳng cần nắm bắt. Đối với tất cả việc chỉ biết không dính mắc. Không dính mắc là không khởi tâm yêu ghét thì tâm hiện tại tự dứt. Đối với việc ba đời chẳng sanh tâm, thì tâm quên cảnh tự không.

Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng lễ bái Lục tổ, Lục tổ hỏi: 
-Vật gì đến thế?
Hoài Nhượng đáp: 
-Nói in tuồng một vật tức chằng trúng.
Hỏi: Lại có tu chứng chăng?
Đáp: Tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô tức chẳng được.
Tổ nói: Chỉ không nhiễm ô nầy là điều chư Phật hộ niệm. Ông đã như thế, ta cũng như thế.

Mã Tổ dạy chúng cũng nói: “Đạo chẳng cần dụng tu, chỉ không nhiễm ô là được”. Vì sao nhiễm ô? Do có tâm sanh tử, có chiều hướng tạo tác đều là nhiễm ô. Nếu muốn thể hội đạo nầy, thì tâm bình thường là đạo. Thế nào là tâm bình thường? Không tạo tác, không phải trái, không thủ không xả, không đoạn không thường, không phàm không Thánh. Bản tâm rỗng lặng sáng suốt không vật gì có thể so sánh, cho nên nói in tuồng một vật tức chẳng trúng. Bản tâm rỗng lặng sáng suốt không thể nhiễm ô, nếu vọng niệm dấy khởi liền trừ bỏ, nếu không trừ bỏ thì nhiễm ô vậy. Cho nên người tham thiền chẳng cần dụng công tu hành khác, chỉ đối với tâm lặng lẽ sáng suốt rõ ràng ra công giữ gìn bảo nhậm, khiến chăng nhiễm ô được.

Thiền tông thường dùng chăn trâu làm thí dụ, để hiển bày phương pháp vô tâm là đạo. Như Mã Tổ hỏi Thiền sư Huệ Tạng: Làm gì?
Huệ Tạng đáp: Chăn trâu.
Mã Tổ hỏi: Chăn ra sao?
Đáp rằng: Mỗi lần vào lúa mạ liền nắm dây dàm kéo mũi lại.
Mã Tổ nói: Ông đúng thật chăn trâu.

Tham thiền cần giữ gìn vô tâm, cần phải luôn luôn phản tỉnh nội tâm. Chú ý tạp niệm trước mắt, như lúc chăn trâu chẳng để nó phạm vào lúa mạ, lập tức nắm dây vàm kéo lại. Tức là niệm khởi liền giác, giác đó liền không.

Làm thế nào đối cảnh tâm không khởi, cũng không loạn động, xuyên qua tất cả sắc thanh, không có chướng ngại, gọi là đại nhân. Giống như cục lửa chạm vào vật liền cháy. Cổ nhân nói chặt thẳng chỗ trọng yếu, một đao đứt lìa, ngay đó liền thôi.

Vô tâm tức là chiếu soi lại bên trong, một niệm tiếp xúc với cảnh sanh tâm liền là sanh tử, lìa cảnh không sanh diệt chính là giải thoát. Một niệm vô tâm phàm phu bằng Phật, phiền não tức Bồ đề. Lục tổ nói: “Niệm trước mê tức phàm phu, niệm sau ngộ tức Phật; niệm trước chấp cảnh tức phiền não, niệm sau lìa cảnh là Bồ đề”. Đó là tối tôn tối thượng đệ nhất, không trụ không đi cũng không đến, ba đời chư Phật từ đó mà lưu xuất. Cho nên dùng đại trí tuệ phá tan phiền não trần lao năm uẩn. Tu hành như thế nhất định sẽ thành Phật đạo. Ngộ pháp nầy tức là không nghĩ không nhớ không chấp trước, cũng không khởi cuồng vọng, ứng dụng đều từ tánh chơn như dùng trí tuệ quán chiếu. Đối với tất cả pháp không thủ không xả tức là kiến tánh thành Phật.

Tham thiền quí ở thực hành, tức là chơn tham thực ngộ, có nhiều tri giải lại càng bế tắc. Chỉ sạch hết phàm tình thánh giải, hoàn toàn không chỗ nương chấp, tâm như hư không, lìa các pháp có không, đến đây không còn chỗ nương tựa, tức là đi con đường chư Phật, vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm. Cổ nhân nói: “Sao bằng vào cửa vô vi thật tướng, một phen nhảy thẳng vào đất Như Lai”.

Nếu không thể hội điều nầy, thì dù hiểu biết nhiều hay khổ nhọc, mặc áo cỏ ăn lá cây, nhưng không biết tự tâm thì đều là tà hạnh. Nay chỉ học vô tâm, thật tu thật ngộ, chết đi tâm viên, diệt trừ ý mã, một niệm không sanh, tâm điên đảo dứt, vọng dừng tâm không, cái biết chơn thật tự hiện, cây khô nở hoa việc lớn thành tựu. Như kinh Tịnh Danh ghi: “Ngay đó rỗng lặng lại được bản tâm”. Mới biết không phải từ ngoài được, cả đời thư thái.

Nhận thức về tâm, tâm có hai loại: Một loại là chơn tâm, lấy tịch tri tịch chiếu làm tâm, bất không vô trụ làm thể, thật tướng làm tướng. Một loại là vọng tâm, lấy sáu trần duyên theo bóng làm tâm, vô trụ làm thể, phan duyên theo sự suy nghĩ làm tướng. Dụng công tham thiền cần giữ gìn sự sáng suốt lặng lẽ rõ ràng, không tiếp nối niệm trước, không khởi theo niệm sau, thúc đẩy sự sáng suốt lặng lẽ bên trong, đó là cần phải luôn luôn đối trị vọng tâm, khiến cho chơn tâm được hiển hiện. Chơn tâm lấy thật tướng làm tướng, cần phải là vô tâm niệm vô tướng, mới có thể thầm hợp thân chứng. 

Rõ ràng ở đây “tức tâm tức Phật, vô tâm là đạo” là cửa phương tiện tham thiền ban đầu. Lại có gì để hoài nghi ư? Phật nói: “Sa môn xuất gia dứt bỏ ái dục, tự biết nguồn tâm, thấu suốt lý thâm sâu của Phật, ngộ pháp vô vi, trong không có gì chứng đắc, ngoài không có gì để cầu, tâm không vướng bận nơi đạo, cũng không còn nghiệp trói buộc, không còn suy nghĩ không còn tạo tác, không tu không chứng, không trải qua thứ bậc mà tự cao tột, gọi đó là đạo”. Khởi Tín Luận ghi: “Nếu lìa tâm niệm thì không có tất cả tướng cảnh giới. Thế nên, tất cả pháp từ xưa đến nay lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên (khởi tâm bám víu vào ngoại cảnh), hoàn toàn bình đẳng, không có thay đổi”. Một khi đạt đến  cảnh giới tuyệt đối nầy, thì khắp chốn vô ngại, sự sự thông suốt, đại dụng hiện tiền, hoàn toàn sáng suốt. Đây chính là cảnh giới tự tại vô ngại vượt ngoài khuôn phép.

Cuối cùng, mượn lời tụng của Thiền sư Vĩnh Gia để trợ giúp cho người tham thiền luôn luôn kiểm nghiệm cách dụng tâm của mình có đúng đắn hay không, kệ rằng:
Tỉnh tỉnh lặng lặng phải,
Vô ký lặng lặng sai;
Lặng lặng tỉnh tỉnh phải,
Loạn tưởng tỉnh tỉnh sai.

Thiền sư Hoàng Long Từ Tâm nói: “Thân nầy chẳng nhằm đời nầy độ, lại đến đời nào độ thân nầy”. 

Thiền sư  Hoàng Bá Đoạn Tế nói:
Vượt thoát trần lao việc chẳng thường,
Đầu dây nắm chặt giữ lập trường,
Nếu chẳng một phen sương lạnh buốt,
Hoa mai đâu dễ ngát mùi hương.

Thiền quí trọng ở chơn tham thực ngộ, còn những lời tán gẫu lòng vòng trên đây cũng chỉ là lấy pháp chết cho người, tự cảm thấy rất hổ thẹn, đáng bị ăn ba mươi gậy.


***
Hòa thượng THÍCH THANH TỪ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét