23/03/2015

THIỀN CỦA PHẬT GIÁO





Trong một pháp hội ở Linh Sơn, Đức Thế Tôn cầm cành hoa đưa lên, mà không nói lời nào. Lúc bấy giờ, đại chúng ngơ ngác không hiểu ý Đức Thế Tôn ra sao, chỉ có Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp (Mahakayapa) ngộ được yếu chỉ, hướng về Đức Phật mĩm cười. Đức Thế Tôn bảo với đại chúng:

“Ta có pháp môn vi diệu, con mắt của chính pháp, tâm diệu của Niết Bàn, là tướng thực không tướng, không lập văn tự, truyền ngoài giáo lý, nay giao phó cho Ma Ha Ca Diếp”.

Từ đó, Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp được xem là Tổ thứ nhất của Thiền Tông Ấn Độ một cách danh chánh ngôn thuận. Về sau, Tôn Giả Ca Diếp truyền y bát (của Phật) lại cho Tôn giả A Nan làm Tổ thứ hai, và cứ như thế tiếp tục truyền đến đời thứ 28 là Tổ Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma).

Vào năm 520, Tổ Bồ Đề Đạt Ma biết được tín chúng Phật tử Trung Quốc đã có đạo tâm thuần thục, liền vượt biển sang Đông, cặp bến vào quảng Châu. Quan Thái Thú địa phương rước Ngài về Kim Lăng, tiến cử với vua Lương Võ Đế (Tiêu Diễn). Nhưng, vì Lương Võ Đế chấp chặt vào phước báo hữu lậu thế gian, không hiểu được công đức chân thật của pháp giải thoát, nên Tổ Đạt Ma thấy không khế hợp, Ngài vượt sông Trường Giang sang nước Ngụy, đầu tiên đến kinh đô Lạc Dương, kế đó đến chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn thuộc tĩnh Hà Nam, ngồi nhìn vách núi 9 năm. Về sau, gặp được Huệ Khả cầu pháp, Tổ biết đó là pháp khí của Thiền tông, nên truyền y bát cho ngài Huệ Khả làm Tổ thứ 2 của Thiền tông Trung Quốc. Tiếp theo Nhị tổ Huệ Khả, y bát được truyền cho Tăng Xán, Đạo Tín rồi Hoằng Nhẫn (602 – 675).

Sau đời Ngủ Tổ Hoằng Nhẫn, xuất hiện một nhân tài kiệt xuất, dù không biết một chữ, đó là Lục Tổ Huệ Năng (638 – 713). Từ đó trở đi, Thiền Tông ngày càng khởi sắc, phát triển thành ra 5 phái Thiền, mà lịch sử Thiền Tông gọi đó là: “Nhất Hoa Khai Ngũ diệp” (Đóa Hoa Nở Năm Cánh).

Nhất hoa chỉ cho Đức Lục Tổ Huệ Năng, còn ngũ diệp là:
1.-Tông phái Lâm Tế, do Thiền sư Nghĩa Huyền (? – 867) sáng lập.
2.-Tông phái Tào Động, do Thiền sư Bổn Tịch (890 – 901) ở Tào Sơn và Thiền sư Lương Giới (807 – 969) ở Động Sơn sáng lập.
3.-Tông phái Vân Môn, do Thiền sư Văn Yễn (tịch 949) sáng lập.
4.-Tông phái Qui Ngưỡng do hai Thiền sư Linh Hựu (771 – 853)  ở Qui Sơn và Thiền sư Huệ Tịch ở Ngưỡng Sơn sáng lập.
5.-Tông phái Pháp Nhãn, do Thiền sư Văn Ích (885 – 958) sáng lập.

Đệ tử của 5 phái thi nhau phát triển ở khắp nơi, trong cũng như ngoài nước Trung Quốc, khiến cho mây lành che phủ, cam lộ rưới chan, mưa pháp đượm nhuần tín chúng. Nhờ đó mà “Thiền Của Phật Giáo” có mặt ở Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên…

Thế mà, thời nay khi nói tới Thiền, đa số Phật tử không biện biệt được thứ Thiền nào là “Thiền Của Phật Giáo” và thứ Thiền nào là “Thiền của ngoại đạo”, cho nên họ nói Thiền cũng chỉ là “một trong tám vạn bốn ngàn pháp môn” để đi đến cứu cánh của Đạo Phật mà thôi. Thật là một sự hiểu biết lầm lẫn tai hại vô cùng, có thể nói không có sự tổn thất nào lớn lao, quan trọng cho bằng.

Sự thật, Thiền là Linh Hồn của Phật Giáo, nó hội tụ tất cả “tinh hoa của Phật Giáo” mà thành. Không có Thiền, Phật Giáo có gì vượt trội hơn các Tôn Giáo lớn khác?. Nhờ có Thiền, cho nên thời nay dù rơi vào thời kỳ Mạt pháp, Phật Giáo vẫn được nhiều người ở khắp nơi trên thế giới đặc biệt quan tâm, chú ý đến.

Là một Phật tử, đâu có ai không biết Thái Tử sĩ Đạt Ta (SHIDDHARTA) vì tìm cầu cái Đạo Giải Thoát mà xuất gia. Suốt 5 năm đầu, Ngài lặn lội khắp nơi, tìm các vị cao nhân để học Đạo. Sau cùng, Ngài nhận thấy pháp tu của những vị Thầy (ngoại đạo) ấy không thể nào giúp cho Ngài được toại nguyện, nên Ngài rời bỏ đi đến vùng núi DUNGSIRI  thuộc vùng URUVELA, ngồi dưới gốc cây Bồ Đề (PIPPALA) tự dụng công, để thân chứng cho đưỢc những áo bí trong tâm. Và  vào một buổi sớm mai nhằm ngày mồng tám tháng chạp năm 544 trước Công nguyên, Ngài được Đại Ngộ khi sao Mai vừa mới mọc ở hướng Đông. Thế là, Thái Tử Sĩ Đạt Ta đã Thành Đạo, thông suốt tất cả bí ẩn của Vũ Trụ, Ngài trịnh trọng tuyên bố:

“Lạ thay! Lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có đầy đủ tướng phước đức, trí tuệ Như Lai, chỉ vì vọng tưởng trói buộc che đậy, nên không thể chứng được. Nếu diệt sạch vọng tưởng, thì Vô Sư Trí, Trí Tự Lai, Các Năng Lực To Lớn sẽ có, tha hồ mà dùng!”.

Như vậy, rõ ràng “Thiền của ngoại đạo” đã có trước “Thiền của Phật Giáo”. Nhưng, “Thiền của ngoại đạo” lại không có đủ khả năng giúp cho người tu vượt ra khỏi “Vũ Trụ Cảm Giác” (Vũ Trụ Tương Đối) hay ra khỏi 3 cõi 6 đường được, nên Đức Phật không cho đó là cứu cánh. Trong khi đó, sáu phái ngoại đạo ở Ấn Độ vẫn áp dụng triệt để pháp tu nầy (Thiền của ngoại đạo) để sau khi chết được sanh về cõi Trời.

Chúng ta nên biết, phương pháp chủ yếu của sáu phái ngoại đạo là Minh Tư (hay Minh Sát) tức là ngồi nhắm hai mắt lại để Tư Duy và Quán Sát.

Để hiểu rõ hơn về giá trị và chỗ khác biệt về pháp tu của họ ra sao đối với “Thiền Của Phật Giáo”, chúng ta hãy dùng tiêu chuẩn Tam Pháp Ấn của nhà Phật, để đối chiếu và so sánh:

1.-Chư Hành Vô Thường (Các hành là vô thường): có nghĩa là tất cả các sự vật ở trên thế giới nầy, mà mắt chúng ta có thể thấy, tay có thể chỉ ra được, đều thoáng qua như khói mây trước mắt, có đó rồi bổng chốc mất đi (Thành, Trụ, Hoại , Không).

Ai cũng biết được điều nầy, nhưng người “thể hội” (biết tận bản chất) được nó, chắc chẳng có bao nhiêu. Huống nữa là người khi xúc duyên chạm cảnh, mà không bị mê muội, không bị cảnh lôi cuốn, thì quả thật chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

Để có được sức định và “thể hội” sâu sắc đạo lý nầy, phái Minh Tư nói trên, có thể đạt được kết quả, đủ sức đối phó với mọi nghịch cảnh xảy ra.

2.- Chư pháp vô ngã (= các pháp không có tự thể): Ngã có nghĩa là tự thể; chư pháp là chỉ cho tất cả sự vật ở trên thế gian nầy, cả thảy đều do đủ Nhân đủ Duyên hợp lại mà thành, bản thân nó không có cái gì gọi là “tự thể được”.

Chúng ta đều biết, núi Côn Lôn cực kỳ hùng vĩ, cao ngất trời xanh, nhưng “tự thể” của nó vẫn là không, bởi lẽ nó có là do đất, đá và cây cối hợp lại mà Có, nếu loại bỏ tất cả những thứ đó ra, thì ngọn núi to lớn nầy không thể tồn tại được. hà huống gì là những thứ nhỏ nhoi, yếu đuối khác.

Biển Thái Bình mênh mông không bờ bến, sóng cả ba đào, che phủ trời trăng, cái vĩ đại ấy, cũng do tất cả nước của những con sông lớn nhỏ khắp nơi trên trái đất, chảy ra thành biển. nếu loại bỏ số nước của những con sông nầy, chắc chắn biển Thái bình sẽ khô cạn, và nó sẽ bị xóa trên bản đồ thế giới ngay.

Hai sự vật to lớn đó, đại biểu cho toàn thể vạn vật trên thế gian nầy, “tự thể” của chúng đã là Không, thì những sự vật hay các pháp khác có thể nào vượt ra khỏi tính chất ấy được chăng?

Tuy nhiên, biết là một việc, còn khi chạm cảnh mà không mê muội, lại là một việc khác.

Cách đây hơn 30 năm, ở Đài Bắc có một sinh viên của một trường Đại Học đi bơi với một người bạn học ở Hồ Bích Đàm, bị chết đuối. khi nghe tin, bà mẹ cậu ngất xỉu, tỉnh lại chạy ra bờ hồ kêu gào than khóc, dù rất đông thân nhân, bạn bè khuyên nhủ, an ủi, cũng không nguôi. Mấy hôm sau, khi vớt được xác cậu con đem về, thì cũng phải đưa bà mẹ vào bệnh viện Hồ Giang để chửa trị!

Bà nầy thuộc thành phần trí thức, đã học hỏi và nghiên cứu rất nhiều về Phật pháp. Thường ngày, bà tỏ ra hết sức trầm tĩnh. Thế mà, khi va chạm với thực tế quá đau lòng nầy, bà không thể nào vận dụng nổi những điều đã học trước đây! (Bốn chúng Phật tử thời nay nên đặc biệt lưu ý điều nầy, để biết mình phải làm gì?).

Đó là lý do tại sao, sáu phái ngoại đạo ở Ấn Độ phải hết sức nỗ lực, hạ thủ công phu tĩnh tọa, để đủ sức đối phó khi hữu sự. điều nầy họ có thể làm được.

3.-Niết Bàn tịch tịnh (=Niết Bàn Vắng Lặng) Niết Bàn (NIRVANA) là tiếng phạn. trung Hoa dịch là: Diệt, Bất Sanh Bất Diệt hay Viên Tịch.

-Diệt là chỉ cho tất cả những thứ Tự Ngôn Tự Ngữ (=vọng tưởng tạp niệm) ở trong tâm linh đã bị tiêu diệt sạch hoàn toàn.

-Bất sinh bất diệt là chỉ cho một thế giới chẳng sinh chẳng diệt (Niết Bàn = Vũ Trụ Tri giác), sau khi áp dụng một phương pháp đặc thù nào đó, để thể nhập vào. Thế giới nầy, khác hẳn với thế giới  còn sinh diệt (sinh ra và mất đi).

Muốn tiến vào thế giới chẳng sinh chẳng diệt, nếu dùng Tư (nghĩ ngợi) hay Lự (suy xét) để mong đạt đến cảnh giới Niết Bàn, thì chẳng khác gì “trèo cây bắt cá”! Tam Tổ Tăng Xán đâu không viết hai câu đầu của bài “Tín Tâm Minh” như sau:
“Chí đạo vô nan, duy hiềm giản trạch”.

Chính vì thế cho nên, chỉ và chỉ có “Thiền Của Phật Giáo” mới có thể giúp cho những ai có ý chí xuất trần “qua được Bờ Bên Kia” thể nhập vào Vũ Trụ Tuyệt Đối hay Ngộ Nhập Phật Tri Kiến mà thôi!

Thế nhưng, vì bởi thời kỳ Mạt pháp, nên tất cả cũng phải chịu ảnh hưởng xấu lây, nên có một số người bám theo ngữ nguyên giải thích “Thiền Của Phật Giáo” là pháp tu “”tĩnh Lự và Tư Duy” chẳng khác với “Thiền Của Ngoại Đạo” là mấy! Tệ hại hơn nữa là nói: “Cốt tủy của Thiền theo lời Phật dạy là cột tâm một chỗ việc gì cũng xong”, nên rồi mạnh ai nấy tu, thành ra loạn tu loạn chứng. Suốt đời cực nhọc vất vả gian nan để tu Thiền, nhưng rốt cuộc rồi lỗ vốn trắng tay.

 Phải biết rằng, nguyên tắc cơ bản của Thiền Tông là “bỏ Lự diệt Tư”, để đi đến chỗ:
“Tà chánh tận đã khước,
Bồ Đề tánh uyễn nhiên”
(Kinh Pháp Bảo Đàn)
(Tà Chánh đều dẹp sạch,
Tính Bồ Đề sáng tỏ).

Bởi vì, Tư và Lự cũng chỉ là vọng niệm. Cho dù chỉ luôn Tư Phật, Tư Pháp, Tư Tăng; chỉ luôn Lự Giới, Lự định, Lự tuệ… đi nữa, thực chất cũng vẫn là thứ “rác rến” trong tâm, che mờ Tánh Giác”. Có thể nói, tâm linh cũng giống như tròng con mắt, không thể chấp nhận bất cứ vật gì trong đó, dù là mạt vàng bụi ngọc cũng làm giảm đi tánh sáng, mất đi sự an lành, cần phải bỏ đi mới được.

Nói tóm lại, từ khi “Thiền Của Phật Giáo” có mặt ở Việt Nam cho đến nay, đã trên 1300 năm rồi. Với khoảng thời gian dài đằng đẳng đó, Thiền Tông Việt Nam đã trải qua những lúc cực thịnh, tỏa sáng và những thời kỳ đen tối suy tàn. Song, Thiền Tông Việt Nam lúc nào cũng vẫn đi theo con đường “Trị Tâm Bệnh” mà Đức Thế Tôn đã đề ra, còn các Tông phái khác, đều là những “ngả rẻ mất dê” mà thôi. Cho dù họ có nói hay, khéo đến nỗi hoa trời rơi đầy đất đi nữa, cũng chỉ là “Hình cái cổng vẽ trên tường” một thứ, trông rất huy hoàng đẹp đẽ, nhưng không có một ai xuyên qua được! (không thể Ngộ Đạo được).

Tu hành theo Phật là để ra khỏi nhà lửa, nếu không “Minh tâm kiến tánh” hay không “thấy Pháp thân”, thì kết quả sẽ ra sao? Do đó, “muốn trị tâm bệnh”, người tu Thiền phải khẳng định một điều là, khi những thứ Tự Ngôn Tự Ngữ (Vọng Tưởng Tạp Niệm) ở trong thâm tâm chúng ta đã dừng bặt hay đã lặng sạch hết rồi, lúc bấy giờ tâm linh ở trong trạng thái Vô niệm, nhà Phật gọi đó là: Ngộ Đạo, Kiến Tánh, Thấy Pháp Thân hoặc nhận ra được cái “bản lai diện mục “ của chính mình…

Cửa ải ngặt nghèo nầy (Ngộ Đạo), nếu vượt qua được, thì cái việc Chứng Đạo và Thành Đạo, chỉ còn tùy thuộc vào thời gian mà thôi. Và để làm cho được cái công việc hết sức quan trọng nầy, hành giả phải có một pháp tu thật tốt như Pháp Giải Thoát, để hạ thủ công phu mới có hy vọng được toại nguyện.

Chú ý: “Diệt vọng tưởng, hiện Chân Như là để Ngộ Nhập Phật Tri Kiến, nếu không có pháp tu tốt, thì chẳng khác gì muốn lên mặt trăng mà không có phi thuyền và hỏa tiễn vậy!

NGHIỆP LỰC

Đức Phật dạy: “Chúng sanh là chủ tạo nghiệp và thừa kế  cái Nghiệp mà mình đã tạo”. Để biết Nghiệp Lực là cái gì và ở đâu, trước tiên chúng ta nên biết chữ Nghiệp được dịch từ chữ Phạn KARMA. Nghiệp có 3 thứ: Nghiệp Thiện, Nghiệp Ác và Nghiệp Vô Ký (không thiện không ác).

Nghiệp Lực là sức mạnh của Nghiệp, các nhà khoa học gọi đó là Năng Lực (Power, Force)… Sức mạnh của Nghiệp chính là động cơ khiến chúng ta dính mắc với sinh tử Luân hồi, khó mà thoát khỏi Tam giới (Dục, Sắc và Vô sắc giới).

Trong kinh thường diễn tả Nghiệp là “cái mà lớn cũng không ngoài, nhỏ cũng không trong”. Nếu nghiệp mà có hình tướng vật chất, một con người từ vô thủy đến nay đã tạo tác ra nghiệp, dầu Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, cũng không đủ chỗ chứa!”. Lời giải thích nầy cũng không có gì cao siêu có hiểu, chỉ cần nghe được ý quên lời.

Thực ra, Nghiệp là Năng Lực có chính, có phụ, nó chi phối chúng ta trong một đời hay nhiều đời về họa phước, thọ yểu, cùng thông, được mất v.v… Để cho dễ hiểu hơn, tôi xin dẫn bài kinh sau đây, để các bạn thấy:

Có người ngoại đạo đến hỏi Phật: 
-Thưa Thế Tôn, cái gì định đặt cho con người, sinh ra kẻ thì nghèo nàn khổ sở, người thì giàu sang sung sướng, kẻ thì sống lâu, người thì chết yểu, kẻ thì yếu đau, người thì khỏe mạnh, kẻ thì ngu tối, người thì thông minh?.
Đức Phật đáp:
-Tất cả sự sai biệt giữa con người và con người là do Nghiệp mà họ đã tạo định đặt ra, nên có kẻ ưu người liệt.
-Do tạo nghiệp gì khiến cho người sống lâu và do tạo nghiệp gì khiến cho người chết yểu?
-Người không tạo nghiệp sát hại chúng sinh, thì được thọ mạng lâu dài. Người tạo nghiệp sát, đoản mạng sống của chúng sinh, nên thọ mạng yểu.
-Do tạo nghiệp gì mà thân người được khỏe mạnh, và do tạo nghiệp gì mà thân hay đau yếu bệnh tật?
-Do nghiệp ác làm cho người đau khổ, nên thọ thân hay bệnh tật đau yếu. Và do tạo nghiệp lành như an ủi giúp đỡ người qua khỏi những tai nạn khốn khó nên được thọ thân khỏe mạnh vui tươi.
-Do tạo nghiệp gì mà sinh trong gia đình giàu sang sung sướng và tạo nghiệp gì mà sinh trong gia đình nghèo đói khốn khổ?
-Do đời trước biết tu làm lành, biết bố thí cúng dường, biết giúp đỡ người nghèo đói bệnh tật, nên đời nay được sinh trong cảnh giàu sang sung sướng. Người ở đời trước vì không biết bố thí cúng dường, không biết giúp đỡ người nghèo khó, lại còn tham lam rút rỉa của những người khác, nên đời nay sinh thân trong cảnh nghèo đói thiếu thốn.
-Do nghiệp gì người sinh ra được thông minh sáng suốt, và do nghiệp gì người sinh ra lại ngu dốt tối tăm?
-Người đời trước do siêng năng học hỏi tìm hiểu chân lý, ưa thích giúp người học hỏi hiểu biết nên đời nầy được thông minh. Còn người ở đời trước do lười biếng học, không chịu tìm hiểu chân lý, cản ngăn sự học hỏi của người, nên đời nầy bị tối tăm mê mờ.

Có thể nói sống ở trên thế gian nầy, nếu không hiểu biết gì về Nghiệp, sẽ có rất nhiều thắc mắc đến độ nan giải. Bởi lẽ, nhân quả nhiều đời nhiều kiếp, chồng chất lên nhau mang tính trùng trùng duyên khởi, nên có nhiều kết quả hết sức đa dạng và phức tạp (do nhân sai biệt giữa hình thức và nội dung tạo các quả sai biệt tương đương). Chẳng hạn như nhiều kẻ diện mạo xinh đẹp mà trong lòng độc ác hơn rắn độc, còn người có tướng mạo xấu xí mà giàu có muôn vàn… Dĩ nhiên thực tế nầy khiến cho đa số người chưa thể hội sâu sắc, đầy đủ về Nhân – Duyên – Quả sẽ rất hoài nghi về giáo lý cao cả nầy.

Nhưng ở đây, vấn đề chúng ta đặt ra là để nghiên cứu thảo luận xem coi làm thế nào để có thể chuyển hóa tất cả những cái xấu xa tệ hại của Thân và Tâm do Nghiệp lực tạo ra, để trở nên tốt đẹp một cách nhanh chóng, chứ không cần phải chờ đợi đến kiếp lai sinh mới thay đổi được.

Để làm cho được cái công việc hết sức quan trọng nầy, trước hết các bạn phải tỉnh giác giữ chính niệm, luyện tập làm chủ cho được chính mình, để cho 3 nghiệp (Thân Khẩu Ý) được thanh tịnh (xem lại bài “Tỉnh giác giữ Chính Niệm”). Kế đó, các bạn phải hiểu biết cho thật rõ Nghiệp Lực hay Năng Lực là cái gì hay ở đâu?.

Ở trên có nói, Nghiệp lực không có hình tướng, nhưng không vì thế mà chúng ta không thể không thấy không biết được nó. Ngay lúc các bạn nhắm hai con mắt thịt lại, quan sát bên trong thân (tâm), liền thấy đủ thứ hết, nào là sơn hà đại địa, mặt trời trăng sao, cười nói, nghĩ bậy tưởng bạ, thì thì thầm thầm, rối rối rít rít, tầng tầng lớp lớp đổi dời biến hóa: đó chính là hoặc, là nghiệp, là khổ, và tất cả là do tạp niệm (vọng tưởng) chuyển hóa, tạo tác ra mà thành.

Hoặc + Nghiệp +Khổ tuy ba mà một, tuy một mà tạo thành ba. Chắc hẳn, các bạn thường nghe những người tụng kinh hay tụng câu: “Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não” (Nguyện diệt ba chướng trừ phiền não) chứ?. Khi hỏi họ ba chướng là gì? Họ đều rập khung theo kinh điển trả lời: Nghiệp chướng, Báo chướng và Phiền não chướng. Thí như, các bạn hỏi tiếp: “Làm sao để tiêu ba chướng?”, thì họ sẽ chẳng trả lời câu hỏi của các bạn đâu. Tại sao thế? Tại vì, họ đau có biết ba chướng chính là những thứ Tạp niệm (vọng tưởng) ở ngay trong tâm của họ.

Chính vì thế cho nên, nếu các bạn trừ sạch những vọng tưởng (tạp niệm) thì mới có thể tiêu được Nghiệp! Nếu Nghiệp không còn thì Hoặc và Khổ cũng theo đó mà tiêu vong.

Nếu như, Nghiệp Lực là động cơ dẫn dắt chúng ta trôi lăn trong 3 cõi 6 đường, nay đã bị tiêu diệt không còn nữa, thì thử hỏi lấy cái gi để ràng buộc chúng ta trong vòng Luân hồi nữa chứ? Thế là chúng ta được Tự tại và Giải thoát lớn, có phải không nào?.

Tuy nhiên, muốn tiêu diệt sạch hết Nghiệp Lực hay những thứ tạp niệm (vọng tưởng) ở trong Tâm linh, quả thật là một việc làm hết sức khó khăn và không đơn giản chút nào. Có thể nói, từ xưa cho đến nay, đã có vô số người cũng vì vấn đề nầy mà mất ăn mất ngủ hoặc kéo cờ trắng đầu hàng!.

Theo chỗ thấy của tôi, nếu như các bạn tìm ra được nguồn gốc chính của muôn vật (Pháp Thân), là cái nút hay cái khâu trọng yếu nhất, là giải quyết được tất cả mọi vấn đề.

-Nguồn gốc chính tức “Điểm xoay” nầy ở đâu?
Có lẽ các bạn muốn nhanh chóng biết, phải không?

Không khó lắm đâu, các bạn chỉ cần lưu ý một chút là thấy nó ngay. Trong Vũ Trụ, chỗ nào mà ngày cũng như đêm đều xuất hiện bóng dáng đổi thay của muôn vật, đó chính là Điểm xoay của muôn vật (=Chỗ mà tạp niệm khởi lên =cửa ra vào vòng luân hồi).

Như vậy, ngoài cái tâm linh của các bạn ra, sẽ không thể nào tìm thấy chỗ khác được, dù tìm tất cả không gian trong và không gian ngoài của Vũ Trụ.

Tóm lại, chúng ta chỉ cần làm sao để công phu ngay tại điểm xuất phát nầy ở trong tâm, và có cách nào đó để làm cho sạch và làm cho đẹp ở chỗ nguồn gốc nầy, chắc chắn là chúng ta sẽ dễ dàng chuyển hóa tất cả những gì xấu xí của Thân Tâm, để trở thành đẹp đẽ đáng ưa hơn. Nhưng để khỏi mất thời giờ quí báu của các bạn, tôi thành thực mà nói với các bạn rằng, ở vào thời buổi hiện nay chỉ và chỉ có Nhiếp Hóa Pháp hay Giải Thoát Pháp mới có thể giúp cho các bạn được toại nguyện mà thôi. Tin hay không tin đó là việc của các bạn.
---------
Ghi chú:
Dùng Giải Thoát Pháp để tu cần phải lưu ý các điểm sau đây:
1.-Phải nắm bắt cho được pháp tu. Đặc biệt là về mặt kỹ thuật dụng công. Đừng thêm hay bớt những gì ở nơi pháp tu. Mà chỉ nên đúng y theo sự hướng dẫn mà hạ thủ công phu.

2.-Kinh nghiệm cho biết, nhiều người tự học tự tu, không có người hướng dẫn cách thức dụng công, nên ít có người đạt được kết quả tốt. Thậm chí có người đạt được mục đích: Tâm Thể Vô Niệm, mà cũng không hay không biết?

3.-Phải thể hội sâu khắc Quan Niệm về thân xác hay Khu xác quan niệm mà trước đây gọi là Thân chính giác cũng như cách thức đặt câu hỏi để phát khởi Kỳ Tình, mới có thể tiêu diệt được Tạp niệm.

4.-Nếu cần đến sự hướng dẫn hay giải nghi cứ liên hệ với người viết ở số 154/34 Nguyễn Biểu P.2, Q.5 TP>HCM. ĐT: 38366226 (Hẹn trước là tốt nhất).

Thiền sư THÍCH THANH PHƯỚC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét