31/05/2022

12 ngôi chùa đẹp ở Huế

st trên net.



Huế không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh lung linh huyền ảo. Đây còn là cái nôi của những ngôi chùa cổ kính, mỗi ngôi chùa lại chứa đựng một câu chuyện đầy tính văn hóa – lịch sử.

Tôi điểm danh hộ các bạn 12 ngôi chùa đẹp ở Huế mà các bạn nên ghé thăm khi đến Huế nhé!

1. Chùa Huyền Không Sơn Thượng





      Cách cố đô Huế chừng hơn 10km về hướng Tây, thuộc thôn Đồng Chầm, xã Hương Hồ, huyền Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Để đến được Huyền Không Sơn Thượng , du khách phải đi qua chùa Thiên Mụ, theo con đường dọc sông Hương, qua Văn Thánh, Võ Thánh, qua cầu Xước Dũ, rồi đi khoảng hơn 1km nữa rồi rẽ phải vào thôn Đồng Chầm. 

 Ngôi chùa nằm giữa khu rừng thông, không khí trong lành, quanh năm đều mát mẻ, chim hót híu lo.

Chùa có khuôn viên lung linh huyền ảo. Với khu rừng thông xanh mướt bao quanh. Cắt ngang là con suối nhỏ nở đầy bông súng. Xung quanh chùa có nhiều cây phong lan, cây sứ, và những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

2. Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã





Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã là một trong những ngôi chùa đẹp ở Huế. Cách trung tâm thành phố khoảng 30km về phía Nam. Là thiền viện đầu tiên của miền Trung, nằm trên đỉnh Bạch Mã. Quanh năm khí hậu mát mẻ, có mây phủ trắng, lung linh huyền ảo y hệt như chốn bồng lai tiên cảnh.

Nằm giữa lòng hồ Truồi, xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã Thừa Thiên Huế là danh thắng nổi tiếng. Đây là thiền viện thuộc phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử ở miền Trung. Mỗi năm, vào dịp lễ phật, Trúc Lâm Bạch Mã thu hút rất đông tín đồ phật tử, du khách hành hương về lễ phật.

3. Chùa Từ Đàm 




Chùa Từ Đàm tọa lạc tại số 1 đường Sư Liễu Quán, thuộc địa phận phường Trường An, TP Huế. Cách trung tâm thành phố Huế 2km về phía Nam. Xung quanh  có nhà thờ cụ Phan Bội Châu,  chùa Thiên Minh và chùa Linh Quang.

Lịch sử chùa Từ Đàm đã có từ những năm 1600. Ban đầu, chùa có tên là Ấn Tôn tự, được một thiền sư tên là Minh Hoằng Tử Dung người Trung Quốc - người đầu tiên khai sơn đồi Hoàng Long và đặt tên luôn cho chùa. Sau đó gần 200 năm sau, ngôi chùa lại được đổi sang tên mới là Từ Đàm tự.

Tuy không phải là ngôi chùa cổ nhất xứ Huế, nhưng Chùa Từ Đàm là một ngôi chùa có văn hóa lịch sử lâu đời. Là một ngôi chùa quan trọng trong sự phát triển của Phật giáo Việt Nam từ xưa đến nay. Hiện nay chùa Từ Đàm là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế.

4. Chùa Thiên Mụ




Chùa Thiên Mụ hay còn gọi là Chùa Linh Mụ. Là ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất xứ Huế. Tọa lạc trên con đồi Hà Khê, tả ngạn con sông Hương. Chùa Thiên Mụ cách trung tâm thành phố Huế 5km về phía Tây.

Đây là một trong những ngôi chùa siêu đẹp ở Huế cổ nhất Việt Nam. Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo, cổ kính cùng những câu chuyện tâm linh huyền bí đã khiến ngôi chùa trở thành ngôi chùa biểu tượng của xứ sở sương mù. Mời bạn cùng ngắm nhìn những hình ảnh của ngôi chùa đặc biệt này nhé!

5. Chùa Báo Quốc




Nằm ở đường Báo Quốc, phường Phường Đúc, TP Huế. Chùa Báo Quốc là một trong những ngôi chùa danh tiếng của cố đô Huế từ bao đời nay.

Hơn cả một nơi thờ tự, chùa Báo Quốc còn là một trung tâm tu học lớn của xứ Huế. Từ những năm 1930, trong phong trào chấn hưng và phát triển Phật giáo, chùa Báo Quốc đã có rất nhiều đóng góp to lớn trong việc đào tạo tăng tài cho Phật giáo.

6. Chùa Từ Hiếu




Đến Huế, bạn đừng quên ghé chùa Từ Hiếu – ngôi cổ tự với nét văn hóa vô cùng độc đáo. Ít ai biết rằng, đây chính là duy nhất mà các quan thái giám dưới triều đại nhà Nguyễn an nghỉ.

Với câu chuyện cảm động về lòng hiếu đạo của vị Tổ Sư Nhất Đinh – người sáng lập ra chùa Từ Hiếu với người mẹ của người. Chùa Từ Hiếu đã trở thành ngôi chùa biểu tượng cho tấm lòng hiếu thảo. Đây cũng chính là nơi thiền sư nổi tiếng Thích Nhất Hạnh trụ trì và khai sinh ra tục lễ “bông hồng cài áo” cho người Việt ta. Ngày nay, cứ mỗi dịp Vu Lan, các Phật tử sẽ đến chùa Từ Hiếu để làm lễ và cài lên áo đóa hoa hồng để thể hiện tấm lòng hiếu thảo của mình với cha mẹ.

7. Chùa Thiền Lâm





Chùa Thiền Lâm hay còn có tên thân thuộc hơn là “Chùa Phật đứng – Phật nằm”. Chùa được sư Hộ Nhẫn xây dựng năm 1960. Chùa Thiền Lâm có kiến trúc khá độc đáo, không lẩn với bất kỳ ngôi chùa nào ở cố đô Huế. Ngôi chùa gồm nhiều công trình kiến trúc đặc sắc như tượng Phật, tháp mộ, tháp Phật, nhà tăng chúng…

8. Chùa Thiên Minh


Chùa Thiên Minh cũng là một trong những ngôi chùa đẹp ở Huế mà bạn nhất định phải ghé thăm một lần. Chùa được xây dựng vào khoảng năm 1905, là nơi hội tụ thường niên của giới học giả thiền môn.

9. Chùa Thánh Duyên (Chùa Túy Vân)


Chùa Thánh Duyên được xây dựng từ rất lâu đời, vào khoảng nửa sau thế kỷ XVII dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần. Ngôi chùa tọa lạc trên đỉnh núi Túy Vân nên còn có tên gọi khác là Chùa Túy Vân.

Kiến trúc chùa Thánh Duyên được xây dựng theo phong cách nhà Nguyễn đặc trưng. Với bố cục đặc biệt Chùa – Các – Tháp. Ngôi chùa gồm có: Chùa ba gian hai chái, có la thành. Phía sau là Đại Từ Các. Đỉnh núi là Tháp Điều Ngự. Sau tháp có một ngôi đình nhỏ, trước đình có bình phong long mã, xung quanh có la thành.

10. Chùa Giác Lương


Chùa Giác Lương tọa lạc ở làng Hiền Lương. Một ngôi làng thuộc xã Phong Hiền, huyện Phong Điền. Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 21km. Đây là ngôi chùa tiêu biểu cho kiến trúc các ngôi chùa khu vực Bắc Trung Bộ vào cuối thời nhà Lê, đầu thời nhà Nguyễn. Mời bạn ngắm nhìn kiến trúc của ngôi chùa này nhé!

11. Chùa Diệu Viên


Chùa Diệu Viên được xây dựng năm 1924 do Sư bà Thích Nữ Hướng Đạo khai sơn. Đây là ngôi chùa dành cho sư nữ đầu tiên tại Huế. Bắt đầu từ năm 1958, chùa mở cửa sản xuất nhan, bánh in, lập bệnh xá khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho đồng bào nghèo trong khu vực.

Năm 1962, chùa lập cơ sở may mặc để tạo công ăn việc làm cho các thiếu nữ thất nghiệp ở địa phương. Bên cạnh đó, chùa còn có các hoạt động từ thiện như viện dưỡng lão, trường mẫu giáo hay phòng châm cứu, đã giúp ích rất nhiều cho người dân.

12. Chùa Từ Lâm


Chùa Từ Lâm tọa lạc ở xã Thủy Xuân, thành phố Huế. Ngôi chùa được khai sơn vào thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1649 – 1687). Đây cũng là một trong những ngôi chùa đẹp ở Huế mà bạn nhất định phải ghé thăm một lần. Mời bạn cùng Huehomestay.net ngắm nhìn những bức ảnh của chùa Từ Lâm nhé!

     Với một vài thông tin sơ sài, các bạn tham khảo. 

Một vài món mỳ trứ danh trên thế giới

 theo Insider

Trên thế giới nói chung, ở Việt Nam mình nói riêng, có rất nhiều món mỳ ngon, tiêu biểu. Chắc khó có thể kể ra hết được, mình đành giới thiệu vài món để mọi người tham khảo.

     Mì (hay các món sợi) là một trong những món ăn phổ biến trên thế giới. Mỗi nước lại có một cách chế biến món mì khác nhau. Dưới đây là 11 món mì sợi trứ danh đến từ các quốc gia. Nếu có cơ hội, bạn nên thử ít nhất một lần trong đời để không phải hối tiếc.



Mì udon là một loại mì được làm từ bột lúa mì, sợi khá dày, dày nhất trong các loại mì ở Nhật và rất trơn láng. Món mì Udon truyền thống và cơ bản nhất của người Nhật là món Kake-udon. Nước dùng của mì udon được nấu bằng dashi ăn kèm cùng với hải sản, thịt và rau và tempura (đồ chiên giòn nổi tiếng của Nhật).

 

Pad see ew hay còn gọi là mì xào đậu nành là một món mì xào rất quen thuộc của Thái Lan. Thành phần của món ăn gồm có: mì gạo xào với trứng, rau, tẩm thêm một chút ớt đỏ, bột me, nước mắm và đường thốt nốt.


Mì Ý sốt phô mai (Cacio e Pepe) được làm bằng mì tonnarelli, một loại mì ống giống như mì spaghetti làm từ trứng. Nước sốt của món mì này có ba thành phần chính: phô mai cacio, nước mì ống và hạt tiêu đen thô.


 Chow mein là một món mì xào rất phổ biến trong ẩm thực Trung Quốc. Sợi mì được làm từ bột mì, bột gạo hoặc tinh bột đậu xanh. Món mì này có thể được chế biến với nhiều loại thịt và rau khác nhau hoặc ăn chay.

 

Phở là một món ăn truyền thống, nổi tiếng ở Việt Nam. Thành phần chính của phở là bánh phở và nước dùng cùng với thịt bò hoặc thịt gà cắt lát mỏng. Ngoài ra còn kèm theo các gia vị như: tương, tiêu, chanh, nước mắm, ớt... Phần nước dùng cho nồi phở thường là nước dùng trong được ninh từ xương bò.

 

Japchae là món miến xào nổi tiếng của Hàn Quốc. Nguyên liệu chính để làm món ăn này là miến và các loại rau theo mùa (thường là cà rốt thái lát mỏng, hành tây, rau bina, và nấm) và thịt bò. Người Hàn Quốc dùng dầu mè (dầu vừng) để xào. Gia vị chính là xì dầu và ớt cùng hạt vừng. Japchae có thể ăn nóng hoặc nguội.

 

Laksa là một món mì nước cay của người Peranakan (bộ phận nhỏ người Hoa định cư tại eo biển Malacca). Món ăn này gồm có các nguyên liệu vô cùng đa dạng như mì gạo, tôm, mực, chả cá, sò huyết và giá thái nhỏ. Đây là món mì rất phổ biến ở Malaysia, Singapore và Indonesia.

 

Mì Saimin là món ăn đặc sản của Hawaii, với công thức chế biến pha trộn từ nhiều nền văn hóa trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Bồ Đào Nha và Polynesia. Sợi Saimin dai và dày được nấu trong phần nước dùng trong vắt. Khi thưởng thức mì sẽ được dùng kèm cải thìa, nấm, gừng và đương nhiên là không thể thiếu Spam – món thịt hộp đặc sản Hawaii.

 

Filipino spaghetti là một loại mì spaghetti được chế biến theo kiểu của người Philippines, món ăn này có vị ngọt lạ miệng với nước sốt được làm từ cà chua, chuối hoặc sữa đặc. Đĩa mì còn được cho thêm xúc xích thái lát lên trên trông rất ngon mắt.

 

Kushari được coi là món ăn dân tộc của Ai Cập và cũng là món ăn khởi nguồn của nền văn hoá ăn chay. Nó bao gồm mì ống, gạo, đậu lăng, hành tây caramel, tỏi và đậu chickpeas. Ngày nay, Kushari được biến tấu thêm các nguyên liệu khác như cơm, đậu lăng, đậu xanh, caramel hành và nước sốt cà chua tỏi.

Verdes Tallarines là món mì đặc trưng của Peru. Nó còn được gọi là "mì xanh" bởi phần nước sốt màu xanh đặc biệt ở phía trên. Verder Tallarines sử dụng mì spaghetti, fettuccine, hoặc linguine, rưới lên trên là sốt rau bina cùng với sữa tạo nên độ béo ngậy.

30/05/2022

Nên đánh răng trước hay sau khi ăn sáng?

 nhặt trên net


Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ khuyến nghị mọi người nên đánh răng 2 lần một ngày, mỗi lần đẩy đủ 2 phút và nên sử dụng bàn chải lông mịn. Hầu hết mọi người đều chải răng trước khi ngủ, nhưng buổi sáng thì hơi khác một chút.

Đánh răng là bước đầu tiên và cốt yếu trong việc vệ sinh răng miệng. Việc cần làm là cầm bàn chải lên, bôi một ít kem đánh răng và chải. Nhưng để có một hàm răng chắc khỏe, chúng ta cần quan tâm các yếu tố khác nữa.

Nhiều người cho rằng đánh răng sau bữa sáng có thể làm sạch thức ăn, vừa loại bỏ vi khuẩn, mùi hôi và cho hơi thở thơm mát, sạch sẽ trước khi đi làm.

Tuy nhiên một số chuyên gia cho biết trong một số trường hợp, đánh răng trước khi ăn sáng lại rất có lợi cho men răng và sức khỏe răng miệng tổng thể.

Đánh răng trước hay sau khi ăn sáng sẽ tốt hơn?

Trong khi ngủ, vi khuẩn sinh sôi và tạo các mảng bám trên răng. Đây là lý do hơi thở sau khi thức dậy thường có mùi hôi. Đây là lý do chính khiến chúng ta nên đánh răng ngay sau khi thức dậy.

Một nghiên cứu nhỏ, gồm 21 người lớn tham gia cho thấy đánh răng ngay sau khi thức dậy có thể kích thích tuyến nước bọt. Nước bọt giúp thức ăn phân hủy và tiêu diệt vi khuẩn có hại trong miệng một cách tự nhiên.

Đánh răng sau bữa ăn loại bỏ các mảnh thức ăn bám trên răng và ngăn chúng hình thành mảng bám. Và với một số thực phẩm chứa tinh bột, đánh răng sau bữa ăn là cách tốt nhất để ngăn chặn axit và vi khuẩn tấn công vào men răng.

Nhưng việc này chỉ có tác dụng trước khi axit ảnh hưởng đến răng. Nếu bữa sáng chứa những đồ ăn có tính axit mạnh như trái cây, nước hoa quả, nước ngọt, hay bánh mì (kích thích vi khuẩn hình thành các loại axit), đánh răng sau khi ăn chỉ có thể dẫn đến thảm họa! Axit có thể làm mềm men răng, và men răng cần thời gian để cứng lại. Đánh răng ngay sau khi ăn sẽ làm hỏng men răng.

Men răng là một trong bốn mô lớn (gồm tủy, cementum và ngà) cấu tạo nên răng và có nhiệm vụ bảo vệ răng khỏi ăn mòn và nhiệt độ. Khi men răng bị tổn thương, răng sẽ yếu hơn, dễ bị ố vàng hơn và rất dễ nhạy cảm với đồ ăn nóng hoặc lạnh.

Lưu ý khi đánh răng sau bữa ăn

Nếu cho rằng đánh răng sau bữa sáng hiệu quả hơn, chúng ta nên cân nhắc một số lưu ý.

Chờ 30 phút đến một giờ sau khi ăn để đánh răng là cách tốt nhất để đảm bảo không ảnh hưởng đến men răng, đặc biệt là nếu trong bữa sáng có những món ăn có tính axit. Nên uống nước hay nhai kẹo cao su không đường trước khi đánh răng để loại bỏ axit còn sót lại, và cũng là một bước làm sạch răng sơ bộ.

Không nên chải răng quá mạnh, và sử dụng bàn chải có lông cứng vì dễ gây ra tổn thương nướu lợi. Nên làm sạch lưỡi vì đó cũng là vị trí rất dễ tích tụ các vi khuẩn có hại.

Nếu không có nhiều thời gian vào buổi sáng, đánh răng trước bữa sáng sẽ hợp lý và hiệu quả hơn.

Đánh răng nhiều lần trong ngày có tốt không?

Làm sạch răng miệng là việc có lợi, tuy nhiên nếu quá nhiều thì cũng có hại. Việc nướu răng bị tác động nhiều trong ngày bằng bàn chải có thể gây tổn thương nướu, làm chảy máu chân răng và dễ bị vi khuẩn tấn công. Đánh răng nhiều lần cũng có thể khiến men răng bị mòn, và dễ dẫn đến các vấn đề về răng miệng.



Hậu quả của việc chỉ ăn toàn rau chứ không ăn cơm

 Nhặt trên net.



Để giảm cân, tôi thường ăn nhiều rau, thậm chí từ 15 năm nay, tôi hầu như không ăn cơm. Nhưng tôi vẫn ăn các chất có tinh bột khác như ngô khoai sắn và bánh mỳ. Do đó, một câu hỏi tự nhiên được đặt ra là: "Nếu chỉ ăn toàn rau mà không ăn cơm, thì điều gì sẽ xảy ra với cơ thể sau một năm, nó có hại cho cơ thể của tôi không?". Để trả lời, tôi đã lên mạng và thấy một bài sau.

Do tỷ lệ mắc bệnh tim mạch ngày càng tăng cao, nhiều người đã bắt đầu quan tâm đến việc làm thế nào để phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe, và carbohydrate trở thành yếu tố được nhiều người chú ý.

Carbohydrate là thành phần chính cấu tạo nên tế bào sống và là chất cung cấp năng lượng chính, nhưng nếu tiêu thụ quá nhiều có thể dẫn đến béo phì, rối loạn chuyển hóa carbohydrate, tiết quá nhiều insulin gây ra các bệnh tim mạch.

Để giảm tác hại do carbohydrate gây ra cho cơ thể, nhiều người tự cắt giảm lượng carbohydrate trong chế độ ăn hàng ngày như một cách để giảm cân và kiểm soát bệnh tim mạch.

Vậy điều gì sẽ xảy ra với cơ thể sau một năm chỉ ăn toàn rau mà không ăn cơm?

1. Hệ quả của việc ăn toàn rau mà không ăn cơm

Liên quan đến câu hỏi này, một cư dân mạng có tên tài khoản cho hay: Suốt một năm nay, cô vẫn duy trì thói quen chỉ ăn rau luộc, không bao giờ ăn những thực phẩm giàu carbohydrate như bún, cơm...

Ý định ban đầu là áp dụng chế độ ăn này để giảm cân, nhưng qua thời gian vóc dáng vẫn không gầy đi mấy, trong khi ăn một chút đồ ăn khác thì lại nhanh chóng tăng cân. Không đạt được mục tiêu giảm cân, cô cảm thấy rất bực dọc.

Ngoài ra, chế độ ăn uống quá đơn giản kéo dài làm cơ thể thiếu các loại vitamin, khoáng chất và axit amin, từ đó khiến thể trạng bất ổn.

Các triệu chứng như rụng tóc và rối loạn tiêu hóa xuất hiện, cơ thể gầy rộc. Nếu bản thân có thể quay về mấy năm trước thì cô đã không bao giờ làm như vậy.

Cư dân mạng nói trên đã dùng chính kinh nghiệm của mình để kêu gọi mọi người không nên tùy tiện cắt bỏ carbohydrate khỏi chế độ ăn, bởi nó sẽ đem đến nhiều tác hại hơn so với kỳ vọng.

2. Ba hiểm họa đến từ việc ăn rau chứ không ăn cơm

Carbohydrate là một nguyên tố dinh dưỡng quan trọng đối với cơ thể. Cũng giống như vitamin, protein… một khi cơ thể thiếu hụt carbohydrate thì sẽ gặp nhiều vấn đề, đặc biệt là 3 mối nguy hại dưới đây:

#1. Não bộ chậm chạp, phản ứng ngày càng chậm, có thể bị mất trí nhớ trầm trọng

Carbohydrate còn được gọi là đường, không ăn những thực phẩm thiết yếu (như cơm…) trong thời gian dài sẽ khiến lượng đường huyết trong cơ thể xuống quá thấp, từ đó gây ra các vấn đề như chóng mặt, đánh trống ngực, rối loạn chức năng não, thậm chí hôn mê.

Bởi vì tế bào não cần glucose để cung cấp năng lượng, không cung cấp đủ glucose có thể làm não thiếu năng lượng, khiến khả năng phản ứng suy giảm dần và ngày càng trở nên uể oải hơn.

Nếu cứ tiếp diễn như vậy, chức năng của não bộ sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có thể xảy ra chứng hay quên trầm trọng.

#2. Không có carbohydrate cung cấp năng lượng, hoặc gây nhiễm toan ceton

Cơ thể cần đủ chất đạm và chất béo để có năng lượng hoạt động. Khi cơ thể thiếu carbohydrate, chất béo sẽ bị phân hủy tạo ra thể ceton, rất dễ gây nhiễm toan ceton.

Khi nhiễm toan ceton phát triển đến giai đoạn nặng, nó có thể gây ra các triệu chứng như buồn ngủ, khó chịu, thậm chí gây mất nước, hôn mê và tử vong.

#3. Suy dinh dưỡng và thậm chí tăng nguy cơ loãng xương

Nếu không ăn thực phẩm giàu carbohydrate, một phần lớn protein trong cơ thể sẽ được tiêu thụ dưới dạng calo, khi cơ thể thực sự cần protein nhưng không được cung cấp đủ, nó sẽ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng.

Khi thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng, bạn sẽ gặp hàng loạt vấn đề như da dẻ kém sắc, rụng tóc, suy giảm thể chất. Không đủ chất đạm còn có thể làm tăng quá trình mất khối lượng xương trong cơ thể, từ đó tăng nguy cơ loãng xương.

Vì vậy, cố gắng giảm cân hoặc ngăn ngừa bệnh tim mạch bằng cách cắt giảm carbohydrate là một biện pháp rất kém khoa học.

3. Thói quen ăn uống lành mạnh nhất luôn là chế độ ăn uống hợp lý

Dù giảm cân hay ngăn ngừa bệnh tim mạch thì một chế độ ăn uống hợp lý vẫn là thói quen ăn uống lành mạnh và an toàn nhất.

Vậy, thế nào được gọi là chế độ ăn uống hợp lý?

Một chế độ ăn uống hợp lý cần bao gồm nhiều loại thực phẩm, và một chế độ ăn uống phù hợp có thể đáp ứng nhu cầu của cơ thể về các chất dinh dưỡng khác nhau.

Chế độ ăn uống hàng ngày được khuyến nghị nên bao gồm ngũ cốc, khoai tây, trái cây và rau, thịt gia cầm, cá, trứng, sữa và hạt đậu nành.

Lượng ngũ cốc và khoai tây hàng ngày nên dao động từ 250~400g, trái cây 200~350g, rau 300~500g (rau sẫm màu càng tốt), các sản phẩm từ sữa 300ml mỗi ngày, các loại hạt và đậu 25g mỗi ngày, thịt động vật có thể ăn ở mức 120~200g.

Ngoài việc cần chú ý đến lượng thức ăn, bạn cũng cần kiểm soát lượng gia vị nạp vào cơ thể.

Khuyến cáo lượng muối ăn hàng ngày không quá 6g và dầu ăn không quá 25g, đồng thời phải đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể, tốt nhất là 1.5~1.7L lượng nước mỗi ngày.

ĐONG ĐƯA BỐNG DỪA

 

Bài: Tạ Tri, ảnh: Tấn Tới

 


Với tôi, thịt bống thân quen như hơi thở. Thuở còn bú mớm đã nghe tiếng hát ru: 

Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra. 

Bậu ra bậu lấy ông câu. 

Bậu câu cá bống, chặt đầu kho tiêu.

Kho tiêu, kho ớt, kho hành. 

Kho ba lượng thịt để dành mà ăn...

Bống dừa kho tiêu

Hồi mới tập ăn dặm, đã sớm làm quen với những muỗng cơm nhai nhuyễn thịt bống dừa hay bống cát. Tuổi nhỏ chuyên mê chơi, ưa trốn ngủ trưa, đầu trần dang nắng, để nửa đêm nóng sốt mê man. Chớm khỏi bệnh, vẫn là những muỗng cháo lềnh thịt bống, đong đầy tình mẹ!

Nhớ bống cố hương

“Trọng trọng” một chút, 12 - 15 tuổi, tôi đã háo hức cùng đám bạn cùng xóm nghèo, ven biển Đám Lá Tối Trời (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), lội bộ mấy cây số đặt lọp, thục hang, câu cá bống dừa, bống trứng… phụ lo bữa cơm chiều.

Thời đó, khoảng 30 năm trước, sông rạch Soài Rạp dư giả cá tôm. Mỗi đứa chúng tôi, lặn lội khoảng vài ba tiếng đã nghe nằng nặng giỏ, từ nửa ký đến 1kg cá, dư ăn cả nhà.

 

Ngẩn ngơ, bống dừa kho tộ

Nếu muốn xúc hoặc thụt cá bống trong hang, phải đợi những ngày con nước kém, canh lúc con nước ròng sát. Men theo những ngọn rạch ngoằn ngoèo, um tùm những tán cây giá, mắm, dừa nước… de ra giao ngọn.

Có vũng rộng cỡ cái mâm, ngầu đục, sâu hơn tấc nước, quần tụ ba - bốn “trự” bống dừa đen bóng, có con gần bằng ngón chân cái người lớn. Người bắt chỉ cần khom lưng, khéo léo dùng hai tay nắm chặt miệng rổ, xoay tròn, tạo một lực hút xoáy đủ mạnh để cá bị cuốn vào lòng rổ (còn gọi chao). Cách bắt này, thường đơn lẻ hoặc sánh đôi hai người đi cặp một mương, không vui bằng câu.

Đi câu, thường theo nhóm năm, sáu người, chuyện trò rôm rả hơn. Mồi bén của lũ bống thường là thịt tép (bạc hoặc đất nhỏ) hay mồi trùn. Với mồi tôm, cá ăn nhạy hơn nhưng rất hao mồi. Khi thấy cục phao câu (bằng nhựa hoặc cờ bắp khô) chìm xuống, chạy xa gần một tấc, người câu chỉ cần gặt ngang- mạnh vừa phải, rồi nhanh tay kéo lên.

Nay, lượng cá bống cố hương đã thưa thớt dần. Mặc dù vậy, vẫn còn những người bắt cá bống mưu sinh.

Giai tầng nhà bống

Trước nay “phẩm hạnh” con bống lọ lem luôn được xếp chiếu dưới so với bống cát - thịt luôn chắc, ngọt hơn. Phần do “cơ địa” bống đàn anh ưa vùng vẫy nơi tầng đáy, phần thích khoét hang sâu ở vùng cửa sông, thường có nước xoáy để phục con mồi (cá, tép, cua con…). Kiểu như, con bống thệ, ưa sống nơi hợp lưu Hương Giang vậy.

Thanh thoát, bống dừa “nấp” bụi chuối


Bù lại, hợp tấu món ngon, món mới bống dừa cứ thi nhau nẩy nở trong dân gian. Và để tránh đơn điệu, buộc những thím Ba, chú Bảy phải vắt óc suy nghĩ món mới thật hấp dẫn.

Còn anh lớn bống cát, thường quanh quẩn với các món kho tiêu, nấu cháo, hấp. Cần nói thêm, con bống đen sống được cả nước ngọt và lợ. Ở những vùng nước lợ như Trà Vinh, Cần Giờ (TP.HCM), Gò Công Đông (Tiền Giang), thịt cá thường dẻo chắc và ngọt “bạo” hơn miệt nước ngọt: Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ…

Nói nào ngay, thịt đám bống lọ lem kia vẫn có độ bở nhất định, do chúng thường an phận ở những vùng nước cạn, dòng chảy lờ đờ. Tuy vậy, gặp đầu bếp khéo tay, hiểu rõ ngọn ngành con bống vẫn có những bữa ăn thần tiên.

Mộc mạc tình quê


Hãy bắt đầu với món mộc, già cỗi vẫn chưa lỗi thời: nướng lá chuối. Ướp với ít muối ớt giã cùng tí bột ngọt, tiêu và rất ít nước mỡ heo hoặc dầu ăn. Gói lá chuối, nướng lửa than. Hoa mỹ hơn, còn gọi món “bống dừa spa”.

Nhớ đợi cá thấm gia vị khoảng 15 phút. Gói hai lớp lá chuối. Chọn lá chuối sứ (xiêm) hoặc chuối hột sẽ dễ gói hơn chuối già, do có độ dẻo nhất định. Lớp trong là lá chuối non tơ. Lớp kế, chọn lá dày dày (không già, không non). Muốn lá chuối mềm dẻo như ý, chỉ cần bạn hong nhanh hai mặt lá qua lửa than hoặc bếp ga. Riêng lớp ngoài cùng là giấy bạc.

Nướng đều hai mặt, 18-20 phút thì cá chín. Cẩn thận giở lớp giấy bạc ra. Chịu khó hong lại lửa than từ nóng vừa xuống còn âm ấm.Vẫn trở đều hai mặt, để tinh dầu lá chuối và nước ngọt cá rút ngược trở lại, ám chặt vào thịt da cá.

Nướng điệu nghệ, những sớ thịt cá trắng tươi, mỏng manh sẽ co rút lại, thêm săn chắc.

Ấn tượng nhất là mùi thơm lan tỏa, dìu dịu gợi nhớ đồng quê đến nao lòng, lúc mới giở lá ra. Tinh dầu lá chuối tươi sục sôi cuộn trào với chất béo ngọt của mỡ heo và mỡ cá (chủ yếu từ gan bé tẹo), rồi ám khói than đước rực hồng, hòa quyện thành một làn hương vừa nồng nồng vừa ngai ngái mùi khói đốt đồng trộn lẫn mùi khói rơm cơm chiều nồng cay. Sướng thấu trời, rượu mềm môi mà chẳng thấy say! Nhưng vẫn chưa là gì so với “bống dừa túy quyền”.

Nửa tỉnh nửa say…

Cái thần của món nằm này ở chỗ, đạt đến sự phối kết uyển chuyển giữa men rượu nhẹ (nước cơm rượu hoặc bia) với nhựa trái chuối chát và con bống cong đuôi. Có hai cách để đúc ra dạng bống giả thệ kia.

Cá sau khi làm sạch, để ráo, ướp lạt với muối ớt, cỡ 15 -17 phút. Vớt ra, phơi độ 3 - 6 giờ, tùy nắng. Hễ bóp nhẹ vào mình cá nghe cứng tay là được.

Cách thứ hai, lấy cá đã ướp sơ đem hong trên lửa than, nếu gặp ngày mưa bão.

Tùy môi trường sống, da con bống dừa đen bóng hoặc nâu xám

Phần nước xúp chủ đạo, cỡ một chén nước dừa dâu lửa hoặc dừa xiêm. Thêm 2/3 ly bia, 4-5 trái chuối sứ chát cỡ gần bằng ngón chân cái người lớn + rau răm + lá quế xắt ba sồn + sả bằm, vài củ hành tím + 1 chén nhỏ mè rang giã nhuyễn + 1 muỗng canh dầu ăn/mỡ heo. Lượng: 500g bống dừa. Với ít nước tương ngon, muối, bột ngọt, ớt chim/hiểm. Nêm nếm tùy khẩu vị. Chuối, gọt sọc dưa, bỏ bớt vỏ xanh. Xắt dọc, cắt khúc vừa gắp. Xả mủ bằng nước cốt chanh pha nước muối loãng.

Đốt cách thủy tại bàn, đựng bằng “chiếc xuồng” inox (lập là). Ban đầu, tắm nóng cá bằng bia trước. Năm phút sau, rưới nửa chén nước dừa vào, thả luôn chuối xanh. Bảy phút sau, đã nghe thơm liêu xiêu. Ban đầu là hơi men la đà. Nối đuôi, chuỗi hậu vị hăng đắng, nồng nồng cũng rồng rắn bay theo. Cho mè vào, sôi bùng, nêm nếm lại. Buông rau răm + lá quế sau cùng. Nhớ canh lượng nước tổng thể vừa xâm xấp mình cá. Lửa riu riu... Một khi nhựa chuối, men bia cùng thịt cá… trao gửi hết cho nhau, mùi béo thơm thanh mảnh trỗi dậy tưng bừng!

Thịt cá, ngoài chất ngọt bùi nguyên sơ, còn được bọc lót dư vị đăng đắng nhè nhẹ của bia. Mặt khác, một khi nhựa chuối “hùn hạp” với men bia, kỳ cọ, tẩy trần, da thịt con bống chân quê bỗng vọt lên lên hàng mỹ thực. Cũng có người muốn phá cách, chêm vào vài muỗng tương hột (loại mặn) giã ba sồn. Còn muốn lai hơi hướng bống thệ chen “cơm” dừa cứng cạy (rám) lấn thịt ba rọi kiểu quý tộc Huế, cũng chẳng ai cấm!

Kho chỉ - ngon thần thánh!

Vẫn cốt liệu bống dừa phơi dốt dốt, chọn cỡ đầu ngón tay út đến ngón trỏ người lớn, sẽ dễ uốn nắn và mau thấm gia vị hơn. Cơm dừa rám, thịt ba rọi, rau răm thì không thiếu ở miệt vườn châu thổ.

Cái khó là kiếm được cỡ nửa chén nước cơm gạo lứt, gặp gạo nàng hương càng tuyệt cú mèo. Nêm rỉ rả lượng nước đó vào nồi cá kho, lúc sôi dạo nhì.

Mê mải, bống dừa nướng lá chuối


Thành quả sau cùng là, nồi bống kho “chỉ” óng ánh màu hổ phách. Dùng đầu đũa tre chấm xuống đáy nồi, kéo lên thong thả - bạn sẽ bắt gặp một lằn chỉ nhỏ vàng nâu, toòng teng đánh đu theo. Từng giọt nước cá thơm bùi, sóng sánh tựa những tinh thể mật ong ruồi thiên nhiên. Thử quẹt với dĩa gỏi cây chuối non xắt nhuyễn + đọt me non + rau muống bào + đọt keo… hoặc luộc cả rổ đọt thập cẩm vun ngọn: chùm bao (nhãn lồng/lạc tiên), khoai lang, rau muống, đậu bắp (bắp tây) lún phún lông tơ… Gặp mưa lất phất hay tiết trời se lạnh, kể như tê tái cõi lòng!

Lãng du cũng khá, nếm trải sơn hào hải vị không ít, thế mà thằng tôi vẫn chưa thỏa. Chợt một ngày, cái đuôi con bống dừa tần tảo quẫy khẽ trong vòm miệng như nhắc khéo: muốn ngon phải thuần tự nhiên.

Nếu quả vậy, ông bà ta thuở xưa ăn uống khôn ngoan hơn đám hậu sinh đến mấy bậc!