16/09/2024

Cảnh báo thiên tai, sự chuẩn bị là biện pháp sống còn

Ảnh minh hoạ có tính chất tham khảo


Sau cơn bão số 3 Yagi, hiện trên bin Đông lại xuất hiện áp thấp nhiệt đới có khả năng thành bão đổ bộ vào miền Trung nước ta (16/9/2024)Nhiều người đang rất rất thắc mắc như sau:

- Cảnh báo thiên tai trước để làm gì?

- Có thay đổi được gì không? Đến thì cứ đón nhận chứ nói ra làm gì?

- Toàn gieo tiêu cực, sợ hãi cho người khác? Rồi mọi người hoang mang thêm chứ được gì?

- Vân vân và …

Mình xin chia sẻ một số nội dung mang quan điểm cá nhân:

- Tại sao khi có bão, các chuyên gia khí tượng lại cập nhật và dự báo từng giờ, từng phút một cho người dân biết đường đi của bão, khu vực ảnh hưởng, lượng mưa, không khí, độ ẩm…. Nguy cơ từng vùng, khu vực như thế nào? Và biện pháp ra sao để phòng tránh? Cần chuẩn bị những gì trước thiên tai.

Vậy dự báo hay cảnh báo để làm gì?

- Biết hướng bão, khu vực có bão, người ta sẽ chuẩn bị các công việc như: gia cố nhà cửa và sắp xếp lại toàn bộ: chèn chống, tỉa cây, kê đồ lên cao, chuẩn bị lương thực khô, đề phòng mất điện, nước uống sạch, thuốc và đồ sơ cứu y tế cá nhân, đèn pin, nến thắp, giấy tờ quan trọng cất giữ tránh nước vào, tìm nơi bảo toàn tài sản- đồ giá trị, tìm nơi dự phòng trú ẩn an toàn…

- Có sẵn nhiều số liên lạc khẩn cấp khi gặp nguy cơ; sạc đầy và bảo quản cẩn thận các thiết bị liên lạc.

- Người ở chỗ trũng lo bảo toàn đồ đạc, kê cao, tìm chỗ ở cao và sẵn sàng chạy lũ và quan trọng là chuẩn bị 1 cái balo chứa đựng sẵn các đồ cơ bản cần thiết để sẵn sàng chạy lũ… khi đứng giữa sự lựa chọn mạng sống và vật chất.

- Hậu lũ lụt có dịch bệnh: nên trữ nước sạch để uống, dùng; biết những phương pháp, cách phòng, tránh và chăm sóc khi có dịch bệnh…

- Chuẩn bị phao cứu nạn cá nhân để cứu thân. 

- Khi mất điện có lửa thắp đèn dầu – nến, có đèn pin để soi sáng.

- Khi ở nơi nguy hiểm thì tìm cách di tản nơi khác, giữ được cái mạng, sau đó thì làm lại khi mất hết tài sản.

- Khi đói lương thực khô để dùng mà không cần bếp để nấu nướng, không cần chờ đợi cứu trợ đến (vì họ cũng phải mất thời gian để di chuyển tới địa điểm của mình, đôi khi xa quá còn không tới nơi)

Tất cả là để biết cách mà chuẩn bị, nương theo thời cuộc. Đó là kỹ năng sinh tồn.

Sự chuẩn bị - Trí Tuệ - Năng lượng là chìa khóa để đối mặt với các sự kiện hiện hữu.

Cho nên cũng không tự nhiên mà có câu:

“Phúc cho ai không thấy mà tin”,

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”,

“Mất bò mới lo làm chuồng”

“Nước đến chân mới nhảy”

Kết Luận

Thiên tai không thể tránh được, nhưng chúng ta có thể chuẩn bị tốt để giảm thiểu thiệt hại. Cảnh báo thiên tai giúp đỡ mọi người có thời gian và thông tin để chuẩn bị. Việc lựa chọn cách đối mặt với cảnh báo – hoang mang hay bình tĩnh, tiêu cực hay tích cực – là ở mỗi người. Tuy nhiên, sự chuẩn bị luôn là yếu tố then chốt để đối chọi với những vấn đề khó khăn.

 


15/09/2024

Lời Thời gian



Chả cần dư chỉ xin cầu đủ.

Thời gian trôi,

nhưng ta sẽ rơi lúc nào đó. 

Lá cây đã vàng, ánh hoàng hôn cũng vậy. 

Cuối cùng cũng chỉ là trăng trong nước,

                                            hoa trong gương.

Khi lòng không mong cầu thì tất thảy nhẹ như không.

 

Già, là khi ta thức dậy lúc mờ sáng,

để mong nghe tiếng gà gáy ban mai

rồi đợi ánh bình minh dần sáng sau ô cửa…

 

Đứng dậy - Ngày mới An Khang.


11/09/2024

Nhầm tưởng về thịt bò Kobe

 

Miếng thịt bò Kobe ngon nhất

Nhân vừa rồi, tính cớ đọc bài viết của Larry Olmsted, tác giả của loạt bài viết "Food's biggest scam: The great Kobe beef lie" (Vụ lừa đảo thực phẩm lớn nhất: Lời nói dối vĩ đại về thịt bò Kobe) đăng trên tạp chí Forbes, viết từ 12/4/2012, mình giật mình. Sau khi tìm hiểu, mình nhận ra nhiều điều mà bấy lâu nay ta vẫn nhầm tưởng.

Với người Nhật, từ xưa đến hiện tại đã coi hải sản mới là thực phẩm chính, vì Thần đạo cho rằng ăn thịt động vật nhất là động vật 4 chân sẽ làm cơ thể bị ô uế nên bị cấm.

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi vào năm 1868, khi thành phố Kobe - thủ phủ tỉnh Hyogo (Nhật Bản) - trở thành một hải cảng quốc tế. Nhu cầu thịt bò cung cấp cho thuỷ thủ và khách phương Tây khiến cho chính quyền phải thay đổi, rồi cho phép giết mổ, kinh doanh và góp phần đưa thịt bò dần thành thực phẩm trong bữa ăn của dân địa phương.

Trong thời kỳ chiếm đóng Nhật Bản (1945 - 1952), Mỹ bắt đầu thực hiện chương trình bữa trưa học đường cho trẻ em. Học sinh và người dân Nhật Bản biết đến thịt bò nhiều hơn, điều này dẫn tới tăng trưởng trong ngành công nghiệp thịt của quốc gia này. Thịt bò Kobe từ đây trở nên quen thuộc với người nước ngoài trong nhiều thập niên và danh tiếng của nó thực sự vang xa khi ngành công nghiệp thịt khởi sắc tại Nhật Bản.

Để được công nhận là Kobe, bò phải thuộc giống Tajima-gyu được sinh ra, lớn lên và thậm chí giết mổ tại tỉnh Hyogo, trong đó Kobe là thành phố lớn nhất tại đây. Ngay cả khi đạt những tiêu chuẩn này, thịt bò phải đáp ứng nhiều quy định khác để đảm bảo đạt chất lượng cao cấp nhất trước khi được đóng dấu xác nhận.

Thịt bò Kobe có vân mỡ trắng xen kẽ với những thớ thịt đỏ với tỷ lệ đồng đều, ít béo và đạt đến độ sau chế biến phải mềm như tan ra trong miệng. Bò Kobe giàu chất béo không bão hòa, giúp giảm cholesterol. Thịt bò Kobe cũng rất giàu axit béo omega-3 và omega-6, khiến nó trở thành một trong những loại thịt đỏ tốt nhất cho sức khỏe con người.

Phần đông thực khách có xu hướng nghĩ thịt bò phải ăn kiểu bít tết - một phần thịt dày, ngon ngọt và hơi sém bên ngoài. Nhưng người Nhật ăn thịt bò rất khác. Chỉ có vài cách để đầu bếp chế biến bò Kobe: nướng vài dải thịt mỏng trên vỉ, rán những dải thịt mỏng với trứng sống hoặc nhúng lẩu.

Thường đầu bếp Nhật sẽ cắt thịt bò thành những miếng nhỏ để khách dùng đũa gắp ăn, thịt chỉ được đảo nóng trong khoảng 40 giây - khác với những đĩa bít tết để khách cắt bằng dao dĩa kiểu Âu.

Thịt bò Kobe rất đắt tiền, một cân Anh (0,454 kg) trị giá hơn 300 USD, loại đặc biệt có giá hơn 1.000 USD.

Thịt bò Kobe tuy rất nổi tiếng nhưng thực khách chỉ có thể tìm được bò Kobe chính hãng tại Nhật Bản, Macau và Hồng Kông vì kể từ năm 2011, Macau mới được nhập khẩu loại thịt bò này và bắt đầu nhập khẩu vào Hồng Kông vào tháng 7/2012.

 Theo Hiệp hội Xúc tiến Phân phối & Tiếp thị Thịt bò Kobe Nhật Bảncó khoảng 5.000 đầu gia súc được chứng nhận là bò Kobe mỗi năm. Nguồn cung thậm chí còn khan hiếm hơn trên thị trường thế giới vì hầu hết thịt bò Kobe được tiêu thụ tại Nhật Bản, với 10% hoặc nhỉnh hơn được xuất khẩu.

Điều này đồng nghĩa với việc thịt bò Kobe chính hãng gần như không có mặt trên thị trường quốc tế, bao gồm cả Việt Nam.

Người đứng đầu Cục Thú y Việt Nam khẳng định, việc đưa thịt bò Kobe vào Việt Nam bằng con đường "xách tay" là rất khó. Đây là sản phẩm đông lạnh, khó bảo quản, phải khai báo và phải trải qua kiểm dịch nhưng Cục Thú y chưa từng làm công việc này đối với thịt bò Kobe.

Đuôi thăn thịt bò New Zealand

Bài tham khảo:

https://www.forbes.com/sites/larryolmsted/2012/04/12/foods-biggest-scam-the-great-kobe-beef-lie/

https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BB%8Bt_b%C3%B2_Kobe#cite_note-xinhua-8

...

09/09/2024

Cây cau trong cơn bão



Sáng nay, bầu trời âm u một màu xám xịt, tưởng chừng như sắp sụp đổ. Không khí oi bức, báo hiệu một cơn bão lớn đang tiến về thành phố.

Nhờ có dự báo sớm, đường phố trở nên vắng lặng, chỉ còn vài bóng người lướt qua trong vội vã. Nhà nhà đóng cửa, ngay cả những cửa hàng, công ty cũng nhanh chóng dừng hoạt động.

Tầm trưa, mưa bắt đầu rơi. Ban đầu chỉ là những giọt lác đác, rồi dần trở nên nặng hạt, ào ào trút xuống như thác đổ. Mái nhà, sân vườn, đường phố ngập trong nước mưa, cây cối chìm trong màn mưa dày đặc. Đợt mưa này chưa kịp dứt, đợt khác lại ập tới, lạnh lùng và dữ dội.

Cây cối ngoài trời oằn mình dưới cơn bão. Những cây nhỏ gãy đổ trước tiên, rồi đến cây phượng đỏ trước cổng trường, bị quật ngang thân. Cây sấu già cao lớn cũng từ từ nghiêng ngả, rồi đổ rạp, kéo theo cả đường dây điện và vài cột điện, khiến cả khu phố chìm trong bóng tối.

Gió thổi mạnh, từng cơn cuồn cuộn, rít lên qua từng khe tường, đập vào mái ngói ầm ầm. Tiếng mưa hòa cùng tiếng gió như những lời gào thét, hung bạo và dữ dội.

Mưa rơi nặng hạt, bị gió cuốn đi, đập vào tường rồi tan ra thành đám bọt nước, hất văng theo chiều gió. Tiếng mưa, tiếng gió hòa lẫn vào nhau, tạo nên những âm thanh đe dọa, khiến lòng người không khỏi bất an. Được trú trong nhà lúc này thật yên tâm, nhưng cũng không ngừng lo lắng, cầu mong bình an cho những ai còn đang chống chọi ngoài kia.

Bên kia đường, trong sân căn biệt thự ba tầng, cây cau cao vút vươn mình ngang mái nhà. Dưới cơn bão cuồng nộ, cây cau thanh mảnh như một nét thẳng nổi bật giữa đất trời, dẫu cho gió có thét gào. Thân cau trông mỏng manh nhưng lại kiên cường lạ thường, đứng vững trước sức mạnh của bão tố. Gió ào qua, ngọn cau xoắn lại, những tàu lá rung lên bần bật, xào xạc như thách thức cơn cuồng phong. Đôi lúc, cây cau nghiêng ngả, thân cong theo chiều gió, tưởng chừng như sắp gãy, rồi lại bật thẳng, hiên ngang chống chọi.

Gió bạo ngược, cố vặn mình muốn nhổ bật cây cau khỏi mặt đất. Mặc kệ, cây cau vẫn bám chặt, không hề khuất phục. Thân cây dẻo dai, uốn mình theo gió, nhưng không hề bị bẻ gãy.

Từng lớp vỏ cau sần sùi như chiếc áo giáp vững chắc, bảo vệ cây trước sự tàn phá của thiên nhiên. Dù gió mưa quất mạnh đến đâu, cây cau vẫn kiên định, bám rễ sâu vào lòng đất. Nhìn từ xa, nó hiện lên như một chiến binh đơn độc giữa chiến trường, dẻo dai nhưng không bao giờ khuất phục. Mỗi lần gió ào qua, cây lại nghiêng mình, nhưng khi gió ngừng, nó lại vươn thẳng, ung dung, hiên ngang dưới bầu trời.

Cuối cùng, bão qua đi, gió ngừng thổi, mưa cũng dứt. Cây cau vẫn đứng đó, lặng lẽ vươn cao, thản nhiên như chưa từng trải qua những cơn giông bão.

Cơn bão đã qua, để lại dấu vết trên cây cau. Lá cây rách tả tơi, một vài tàu lá xơ xác, thân cây hơi nghiêng về một phía. Nhưng cây cau vẫn đứng vững. Những giọt mưa đọng trên lá lấp lánh dưới ánh mặt trời mới lên, như những viên ngọc trai lóng lánh. Ánh nắng nhẹ nhàng chiếu xuống, dường như tiếp thêm sinh lực cho cây cau. Những tàu lá còn lại bung ra đón nắng, thân cây dần trở lại thẳng đứng. 

Cây cau vẫn kiên cường đứng vững, vươn cao, trở thành biểu tượng bất diệt của sự sống. Cũng như con người, trước sức mạnh khắc nghiệt của thiên nhiên, không khuất phục hay bỏ cuộc, mà luôn vươn lên, sống lạc quan, yêu đời hơn với tinh thần: "Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo".

06/09/2024

Nhà Văn hoá Hoàng Đạo Thuý bàn về chữ Lễ



Trong bài viết trên báo Thanh Nghị, số 44 ra ngày 1/9/1943nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy đã phân tích rất kỹ lưỡng về giá trị của chữ "Lễ" trong đời sống người Việt xưa và nay. Ông lập luận rằng giáo dục không chỉ là việc học kiến thức, mà còn là việc học Lễ, học cách làm người. Từ quan điểm đó, ông đi sâu vào việc phân tích và giải thích các nghi thức truyền thống trong văn hóa Việt Nam, đồng thời bày tỏ lo ngại về sự phai nhạt dần của những giá trị này trong xã hội hiện đại.

Tôi xin mạo muội tóm lược bài viết của Ngài, đăng ở đây nhân dịp năm học mới.

Các bạn có thể tìm được bài viết đầy đủ này của Ông trên net.

Ý Nghĩa Của Việc Học Lễ

Ông Hoàng Đạo Thúy bắt đầu bài viết bằng việc đặt ra câu hỏi: "Đi học để làm gì?" Câu trả lời của nhiều người thường rất đơn giản: "Đi học để học đọc, học viết và học tính". Tuy nhiên, ông nhận định rằng nếu việc học chỉ gói gọn trong ba yếu tố đó thì chưa đủ. Kiến thức kỹ thuật chỉ là phương tiện, còn mục đích thực sự của việc học là để biết Lễ, tức là để biết cách sống, biết cách ứng xử với chính mình và với xã hội.

Theo quan điểm của ông: "người khác loài vật là ở chỗ biết Lễ". Chính Lễ tạo nên sự khác biệt giữa con người và các loài khác. Lễ không phải chỉ là một loạt các quy tắc nghi thức mà người ta phải tuân theo một cách mù quáng, mà nó là sự thể hiện của phẩm giá, lòng tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác. Khi con người biết Lễ, họ có khả năng nhìn nhận và đánh giá đúng mực mọi việc, biết cư xử đúng đắn với người khác và biết sống sao cho hợp đạo lý.

Lễ Trong Quan Niệm Xưa

Hoàng Đạo Thúy dẫn chứng rằng trong lịch sử, Lễ từng có sức mạnh lớn đến mức có thể ngăn chặn cả chiến tranh. Ông kể lại câu chuyện về một vị vua không dám đánh nước Lỗ vì dân nước này "biết Lễ." Từ đó, ông khẳng định rằng Lễ không chỉ là một giá trị đạo đức cá nhân mà còn là yếu tố quyết định đến sức mạnh của cả một dân tộc. Dân tộc biết Lễ, biết yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn sẽ tạo nên sức mạnh vô địch, không dễ bị khuất phục.

Tuy nhiên, Hoàng Đạo Thúy cũng nhận thấy rằng nhiều người đã hiểu nhầm Lễ nghĩa, biến nó thành những hình thức giả dối. Ông nêu rõ rằng Lễ không phải là sự cầu cạnh, không phải là những hành động Lễ nghĩa hình thức để mưu cầu lợi ích cá nhân. Lễ chính là việc tự trọng, tự giữ gìn phẩm giá của mình và từ đó cư xử đúng đắn với người khác. Một người biết Lễ là người biết điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với đạo lý và đúng mực.

Bốn Lễ Trọng: Quan, Hôn, Tang, Tế

Trong bài viết, Hoàng Đạo Thúy đã giải thích rất chi tiết về bốn Lễ lớn trong đời sống người Việt: quan, hôn, tang, tế. Mỗi Lễ đều có ý nghĩa sâu sắc và được gắn liền với những giá trị nhân văn cao cả.

·  Quan: Lễ đội mũ (quan) là một nghi thức quan trọng, biểu hiện sự trưởng thành của người con trai. Khi một thanh niên được làm Lễ quan, tức là anh ta đã được công nhận là một người đàn ông trưởng thành, có đủ phẩm chất để tham gia vào đời sống xã hội. Lễ này không chỉ đánh dấu sự trưởng thành về thể chất mà còn nhấn mạnh sự trưởng thành về mặt đạo đức. Thật tiếc là ngày nay Lễ quan không còn được giữ gìn, điều này đã khiến cho sự suy thoái trong đạo lý và nhân cách của con người trở nên rõ rệt hơn.

·  Hôn: Lễ cưới (hôn) không chỉ là sự kết hợp giữa hai cá nhân, mà còn là sự liên kết giữa hai gia đình. Đó là một sự tiếp nối về mặt huyết thống, tiếp nối truyền thống gia đình. Hoàng Đạo Thúy nhận xét rằng nhiều nghi Lễ cưới hỏi ngày nay đã mất đi ý nghĩa ban đầu, trở thành những buổi Lễ hình thức, thiếu sự trang trọng và ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà nó từng mang theo.

·  Tang: Lễ tang là lúc con cháu thể hiện lòng hiếu thảo đối với người đã khuất. Tuy nhiên, Hoàng Đạo Thúy lo ngại rằng Lễ tang hiện nay đã biến tướng thành những nghi thức phô trương hình thức, xa rời ý nghĩa nguyên thủy của nó. Tang Lễ truyền thống vốn là lúc con cháu thể hiện sự kính trọng và tưởng nhớ đối với tổ tiên, nhưng giờ đây lại trở thành dịp để nhiều gia đình thể hiện sự giàu có, danh tiếng.

·  Tế: Lễ tế, hay việc thờ cúng tổ tiên, là một nét đẹp văn hóa, gắn kết giữa các thế hệ. Theo quan điểm của Hoàng Đạo Thúy, tế không chỉ đơn giản là việc cúng bái mà còn là biểu hiện của lòng thành kính, sự ghi nhớ công ơn tổ tiên. Khi Lễ tế được thực hiện đúng đắn, nó sẽ giúp gia đình duy trì được sự gắn bó, truyền thụ những giá trị văn hóa và đạo đức qua các thế hệ.

Tầm Quan Trọng Của Lễ Trong Xã Hội Hiện Đại

Hoàng Đạo Thúy nhận định rằng sự phai nhạt của các Lễ nghĩa truyền thống là nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái đạo đức trong xã hội. Ông cảnh báo rằng nếu Lễ nghĩa không được coi trọng, xã hội sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn, mất phương hướng. Các giá trị về lòng trung thành, hiếu thảo và tinh thần cộng đồng sẽ bị lãng quên, thay vào đó là sự ích kỷ, vụ lợi cá nhân.

Bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của Lễ trong đời sống xã hội, Hoàng Đạo Thúy mong muốn khôi phục lại những giá trị tốt đẹp của truyền thống. Ông cho rằng hình thức Lễ có thể thay đổi theo thời gian, nhưng tinh thần của Lễ phải luôn được giữ gìn. Điều này không chỉ giúp cá nhân sống đúng đạo lý mà còn góp phần xây dựng một xã hội hòa bình, thịnh vượng.

Kết Luận

Chữ "Lễ" trong văn hóa Việt Nam không chỉ là một khái niệm về hình thức, mà là một hệ giá trị toàn diện, bao gồm đạo đức, tư tưởng và cách ứng xử của con người. Hoàng Đạo Thúy, thông qua bài viết của mình, đã khẳng định rằng sự suy đồi của Lễ nghĩa không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn là vấn đề của cả xã hội. Ông kêu gọi mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, cần phải ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của Lễ, để từ đó biết cách sống, biết cách hành xử sao cho xứng đáng với các giá trị truyền thống mà cha ông đã truyền lại.

Như vậy, Lễ không phải là thứ chỉ để đọc, học và nói cho biết, mà Lễ là nền tảng để con người hoàn thiện bản thân và đóng góp cho xã hội. Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng như bây giờ, việc giữ gìn và phát huy những giá trị của chữ "Lễ" là điều hết sức cần thiết để giữ cho chúng ta một bản sắc, một giá trị đạo đức bền vững.

TL.

Bảng cấp độ gió bão

 

Cấp gió

Tốc độ gió

Độ cao sóng trung bình

Mức độ nguy hại

Thang sức gió

m/s

Km/h

m

0-0,2

<1

- Gió nhẹ

- Không gây nguy hại

1

0,3-1,5

1-5

0,1

2

1,6-3,3

6-11

0,2

3

3,4-5,4

12-19

0,6

4

5,5-7,9

20-28

1

- Cây nhỏ có lá bắt đầu lay động, ảnh hưởng đến lúa đang phơi màu

- Biển hơi động

- Thuyền đánh cá bị chao nghiêng, phải cuốn bớt buồm

5

8,0-10,7

29-38

2

6

10,8-13,8

39-49

3

- Cây cối rung chuyển

- Khó đi ngược gió

- Biển động, nguy hiểm với tàu, thuyền

7

13,9-17,1

50-61

4

8

17,2-20,7

62-74

5,5

- Gió làm gãy cành cây, tốc mái nhà

- Không thể đi ngược gió

- Biển động rất mạnh, rất nguy hiểm với tàu, thuyền

9

20,8-24,4

75-88

7

10

24,5-28,4

89-102

9

- Làm đổ cây, nhà, cột điện, gây thiệt hại rất nặng

- Biển động dữ dội, làm đắm tàu thuyền

11

28,5-32,6

103-117

11,5

12

32,7-36,9

118-133

14

- Sức phá hoại cực kỳ lớn

- Sóng biển cực kỳ mạnh, đánh đắm tàu thuyền có trọng tải lớn

13

37,0-41,4

134-149

14

41,5-46,1

150-166

15

46,2-50,9

167-183

16

51-56

184-201

17

56,1-61,2

202-220

 

05/09/2024

Văn hoá rượu

 Kẻ nghiện rượu



Người Việt, ngoài truyền thống yêu nước, còn có truyền thống uống rượu. Rượu và trà từ lâu đã trở thành một phần của văn hóa dân tộc. Qua bài viết này, tôi mong giúp các bạn hiểu đúng về rượu và khôi phục lại khái niệm "văn hóa rượu" thay vì coi rượu là "tệ nạn xã hội".

Rượu vốn là thức uống quan trọng trong lễ nghi, "vô tửu bất thành lễ", và không thể thiếu trong đời sống hàng ngày, đặc biệt khi gặp gỡ bạn bè, tri kỷ. Nguyễn Du đã từng ca ngợi rượu trong cuộc sống tao nhã. 

Khi chén rượu, khi cuộc cờ

Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên


(nên mới có chăng “bầu rượu, túi thơ”)

Chén rượu của cổ nhân là chén rượu hòa với đất trời, với văn hóa và với tri kỷ.

Nhưng ngày nay, uống rượu đã biến tướng thành "nhậu rượu", mất đi nét văn hóa thi vị của thưởng thức rượu, biến rượu thành thước đo bản lĩnh đàn ông. Tuy vậy, người ta cũng đã nhắc nhở về việc uống điều độ:

Rượu nhạt uống lắm cũng say,

Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm.

Các cụ ngày xưa mời rượu nhau gọi là “chén tạc, chén thù”: Chủ rót rượu mời khách gọi là “tạc”, khách đáp lễ gọi là “thù”. Chứ chả ai ép ai mà tùy hứng thì nâng chén nhấp môi thôi hoặc sảng khoái cạn ly, tiêu sái.

Mà bây giờ, khi đi uống rượu ta thường thấy những cảnh kiểu “lúc nãy anh mời chú rồi, bây giờ chú mời lại anh đi”. 

Cái gọi là "ép uống" thực ra là do bản thân không tự chủ. Uống rượu là tự mình quyết định, và khi không kiểm soát được thì đừng đổ lỗi cho rượu hay bạn bè. Chỉ cần giữ mức uống vừa phải, không cần say mèm, vẫn có thể duy trì sự giao tiếp vui vẻ và chia sẻ.

Vấn đề chưa bao giờ là “rượu” hay “chuyện uống rượu”, mà là ở “NGƯỜI UỐNG RƯỢU”. Chúng ta hay đổ lỗi cho rượu nhưng thực sự vấn đề là ở ý thức uống rượu ở mỗi người. 

Hãy uống rượu có trách nhiệm và biến nó trở lại thành nét đẹp văn hóa, chứ không phải là tệ nạn xã hội.