21/01/2015

Những địa điểm khó tin là có thật!


Một số hình ảnh về những nơi kỳ lạ mà nếu không có sự khẳng định từ Therichest, bạn khó có thể tin rằng những địa điểm sau có thật trên Trái đất.

Công viên quốc gia Zhangye Danxia, Trung Quốc.

Những đồi núi này dường như không có thật và khá giống những gì chúng ta thấy trong các bộ phim hoạt hình. Công viên Địa chất Zhangye Danxia có những núi đá nhiều màu sắc, do trải qua hàng triệu năm tích tụ sa thạch đỏ và các trầm tích trở nên khô cằn, oxy hóa. Gió và mưa tiếp tục hoàn thành công việc tạo hình cho các núi đá, khiến chúng có nhiều hình dạng khác nhau như các cột đá, thung lũng, khe núi, thác nước. Nhờ hình thù kỳ lạ và đẹp mắt, khu vực này nhanh chóng trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn.

Địa điểm này được hình thành trong vòng 24 triệu năm và được lựa chọn là địa danh đẹp nhất bởi tờ báo Trung Quốc.
Đỉnh Roraima

Núi Roraima là ngọn núi đỉnh bằng cao (độ cao 1.300 feet) và nổi tiếng nhất xứ Venezuela, cũng được xem là biên giới giữa ba quốc gia Venezuela, Brazil và Guyana nhưng bạn chỉ có thể trèo lên đỉnh núi theo con đường từ khu vực Venezuela. Dulichgo

Ngọn núi này thuộc địa phận Vườn quốc gia Canaima với diện tích toàn khu là 30.000 km2 và có đỉnh cao nhất nằm ở biên giới Guyana và Brazil. Ngọn núi là nơi chứa và tạo ra nhiều địa chất lâu đời nhất thế giới có niên đại vào khoảng 2 tỷ năm trước thời Tiền Cambri. Trên đỉnh núi hầu như ngày nào cũng có mưa, những cơn mưa đã rửa trôi, xói mòn hết tất cả các chất dinh dưỡng trong đất làm cho cây cối kém phát triển hoặc phát triển rất kỳ dị –tạo nên một khung cảnh vô cùng đặc biệt tại nơi đây.
Đường hầm tình yêu, Klevan, Ukraine.

Một "đường hầm" tạo thành từ những bụi cây gần thị trấn Klevan (Ukraine) nổi tiếng gần xa bởi khung cảnh thần tiên chẳng khác gì trong những câu chuyện cổ tích. Con đường dài 2,8 km, vốn chỉ dành cho tàu hỏa dẫn đến một nhà máy gần đó. Chuyến tàu này chạy hàng ngày, mỗi ngày 3 chuyến. Tuy nhiên, chỉ sau khi nó được biết đến là một địa danh lãng mạn thì nơi này mới trở nên thực sự nổi tiếng.

Truyền thuyết kể rằng, nếu đôi lứa nắm tay nhau trên đường ray xe lửa được cây xanh bao phủ này sẽ bên nhau mãi mãi.
Vịnh Bioluminescent (Phát quang), Vieques, Puerto Rico.

Những đêm không trăng, mặt nước phẳng lặng, một thế giới mới như mở ra. Những ai may mắn sẽ nhìn thấy biển sáng lên với những lớp sáng phát quang sinh học rực rỡ. Tại đây, các loài sinh vật có thể tạo thành ánh sáng màu xanh phát quang trên mặt biển. Thật tuyệt vời nếu có thể lênh đênh trên một chiếc thuyền Kayak vào ban đêm.

Black Forest - khu rừng đen huyền bí của nước Đức
Black Forest  hay còn gọi là rừng Đen thuộc địa phận Baden-Wuerttemberg ở miền tây nam nước Đức, giáp với biên giới Thụy Sĩ, là khu rừng nguyên sinh chứa đựng nhiều nét kỳ bí và là điểm du lịch thưởng ngoạn mùa thu tuyệt vời nhất, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.

Đi vào sâu tận trong rừng, cây cối rậm rạp khiến cho những tia nắng yếu ớt khó có thể chiếu vào. Sở dĩ khu rừng có tên Black Forest cũng vì lý do này. Cảnh vật trong khu rừng Đen huyền bí dễ làm người ta liên tưởng tới những câu chuyện cổ tích với những mụ phù thủy hay những con sói ẩn sâu trong khu rừng già rậm rạp. Dulichgo

Công viên bờ biển Hitachi, Nhật Bản.
Công viên Hitachi Seaside là một điểm tham quan buộc phải xem đối với bất cứ ai khi đến Nhật Bản. Công viên Hitachi Seaside, nằm ở Hitachinaka, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản, bên cạnh bãi biển Ajigaura. Đây là một công viên đầy hoa và là một điểm đến du lịch nổi tiếng.Với diện tích hơn 3,5ha, công viên Hitachi luôn đẹp rực rỡ bởi những cánh đồng hoa nở rộ quanh năm. Mỗi một ngọn đồi là mỗi loại hoa khác nhau, vào mỗi mùa chúng lại thay phiên nhau khoe sắc.
Làng Hobbiton, New Zealand
Hobbiton, ngôi làng của người tí hon nằm ở Matamata (New Zealand), được xây dựng để phục vụ cho tác phẩm điện ảnh nổi tiếng Lord Of The Rings (Chúa tể của những chiếc nhẫn).

Sau thành công tuyệt vời của bộ phim, Hobbiton trở thành địa danh thu hút rất nhiều fan hâm mộ “Chúa tể của những chiếc nhẫn” đến với vùng đất này. Du khách đến đây sẽ có cảm giác mình đang được đi dạo xung quanh ngôi làng của những người lùn, được đặt chân đến vùng đất tưởng chừng chỉ có trong phim ảnh, được chiêm ngưỡng những đồng cỏ, những ngôi nhà nhỏ xinh trong lòng đất.
Hồ nước hồng Hillier, Australia.
Không phải màu trắng hay màu xanh thường thấy, màu nước hồ Hillier thu hút khách du lịch bởi sắc hồng hiếm có.
Hồ Hillier là một hồ nước màu hồng nằm trên đảo Middle, là hòn đảo lớn nhất trong số các hòn đảo trên quần đảo Recherche, Tây Australia. Hồ Hillier ở Australia dài 600m và quá trình hình thành của nó hiện tại vẫn là một bí ẩn với các nhà khoa học thế giới

Từ trên nhìn xuống, hồ Hillier trông như một chiếc bong bóng kẹo cao su được thổi phồng lên. Điều đó đã khiến hồ Hillier trở nên vô cùng đặc biệt.
Cây Camel Thorn, công viên Naukluft, Namibia.

Bức ảnh trông như một bức vẽ tay và xử lý đồ họa. Tuy nhiên, đây là một bức ảnh chụp thật của trang web National Geographic về loài cây Camel Thorn.

Trạm tàu điện ngầm Stockholm, Thụy Điển.

Thủ đô Stockholm của Thụy Điển có 3 tuyến tàu điện ngầm với 100 nhà ga khác nhau. Nhiều nhà ga trong số này được trang trí với các họa tiết tươi sáng từ nhiều trường phái nghệ thuật khác nhau. Trong đó, nhà ga Solna Centrum được trang trí trần với một màu đỏ rực trông như hang ổ của quỷ dữ trong một tiểu thuyết của nhà văn JRR Tolkein.
Hồ Flathead, Montana, Mỹ.

Đây là hồ nước sạch lớn nhất ở khu vực sống Mississippi ở vùng Tây Bắc Montana. Khi mặt nước không động, nó sạch đến nỗi bạn có thể nghĩ rằng người phụ nữ trong ảnh đang nằm trên không khí.
Chand Baori, Ấn Độ.

Bạn có thể không tin vào mắt mình khi đến thăm công trình này. Giếng bậc thang ở Ấn Độ còn được gọi là "Bawdi hoặc Baori" và là công trình độc nhất vô nhị chỉ có ở Ấn Độ. Giếng có nhiều bậc thang được xây dựng xung quanh thành cho phép mọi người có thể đi lên hoặc xuống giếng lấy nước một cách dễ dàng.

Được xây dựng vào những năm 800 - 900 sau công nguyên bởi vua Chanda. Tại đây có 3.500 bậc thang và 13 tầng lầu để khách đến đáy của công trình. Dulichgo
Grand Prismatic Spring

Được đánh giá là hồ nước nóng lớn nhất tại Mỹ và lớn thứ ba trên thế giới, Grand Prismatic Spring (thuộc vườn quốc gia Yellowstone) là điểm du lịch hấp dẫn, thú hút hàng trăm nghìn lượt du khách đến tham quan mỗi năm.

Màu sắc của hồ nước này vô cùng đặc biệt và khiến cho nhiều người nghĩ rằng đây là một kỳ quan từ một hành tinh khác. Nhưng không, bạn có thể đến thăm hồ nước tại bang Wyoming, Hoa kỳ.
Đường hầm hoa tử đằng, Kitakyushu, Nhật Bản.

Ở Nhật Bản, loài hoa wisteria hay còn gọi là hoa tử đằng, hoa fuji rất được yêu chuộng. Nếu như ở các nước phương Tây, hoa hồng là biểu tượng của tình yêu thì ở xứ sở Phù Tang này, hoa tử đằng cũng tượng trưng cho tình yêu bất diệt.

Kitakyushu giống như một địa điểm trong truyện cổ tích, đường hầm hoa tử đằng đầy màu sắc này là điểm đến thực sự lý tưởng cho các cặp tình nhân.
'Đường đến địa ngục' - Tukmenistan.

Tọa lạc tại làng Derweze thuộc sa mạc Karakum, tỉnh Ahal, mỏ khí thiên nhiên Derweze là một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn của Turkmenistan, thu hút sự chú ý đặc biệt của du khách bởi nét đẹp kỳ lạ và hiếm có.

Đây là một miệng hố khổng lồ không hình thành do động đất hay núi lửa mà hình thành từ một chương trình nghiên cứu thực địa trữ lượng khí đốt.
Thị trấn Silent Hill.

Bộ phim cùng tên của Mỹ dường như thực sự tồn tại ở vùng Centralia, Pennsylvania. Thảm họa đã xảy đến khi Centralia bị thiêu đốt trong "lửa địa ngục" – chính xác như nghĩa của cụm từ này – một ngọn lửa dữ dằn đến tận bây giờ vẫn đang ngấu nghiến từng vỉa than bên dưới lòng đất. Ngọn lửa không thể dập tắt đã biến Centralia từ chốn phồn vinh thành thị trấn ma ghê rợn với những tòa nhà hoang phế, các con đường nứt toác và đôi lúc mịt mờ khói bụi. Dulichgo

Đến nay người ta vẫn chưa biết chắc bằng cách nào ngọn lửa đã bốc lên và biến Centralia thành một nơi không thể cư ngụ.

Hang động Pha lê, Iceland.
Bạn sẽ như lạc vào một thế giới khác khi tới thăm hang động này. Tuy nhiên, những miếng đá lấp lánh tại đây không phải là pha lê như tên gọi của hang động mà là băng đá.

Đây là hang động nằm trong công viên quốc gia Skaftafell, nổi tiếng với vẻ đẹp kỳ ảo, lộng lẫy và tráng lệ của những khối pha lê bên trong. Phía trên trần hàng động là tập hợp gắn kết của vô số hạt khí bong bóng, khi được nước mưa gột rửa, các tia sáng chiếu trực tiếp xuống mặt đất sẽ tạo nên một loại ánh sáng xanh lung linh, lấp lánh khắp hang động.

Tuy đẹp lộng lẫy nhưng cấu trúc hang băng không được vững chãi, dễ bị sụp đổ. Vì vậy, du khách chỉ được tham quan hang động này vào mùa đông, khi nhiệt độ thấp làm băng đông cứng chắc chắn hơn.
Cánh đồng Hoa Tu-líp, Hà Lan

Thoạt nhìn bức ảnh này, người ta sẽ tưởng nó là một bức tranh được tạo ra bởi những chiếc bút chì màu đủ sắc. Nhưng thực tế, đó là những cánh đồng hoa tulip Hà Lan nổi tiếng.
Những luống hoa màu xanh sống động, màu đỏ, màu vàng, hồng nằm xen kẽ mượt mà như nhung giống như ai đó trải những tấm lụa đủ sắc màu xuống mặt đất để phơi giữa nắng hè ở vùng Lisse, miền Tây Hà Lan, nơi người nông dân chuyên trồng hoa để cung cấp cho hàng ngàn cửa hàng trên khắp thế giới.

Những ai biết tới đất nước Hà Lan có lẽ đều đã từng bị mê hoặc bởi khung cảnh này. Và mỗi năm đến mùa thu hoạch, hàng vạn du khách lại đổ xô tới khu vực này để chiêm ngưỡng. Mùa hoa tulip kéo dài từ tháng 3 tới tháng 8, nhưng thời điểm này được coi là đẹp nhất trong năm. Kết thúc mùa hoa, người dân lại chuyển sang trồng rau thay thế.

Núi Tianzi, Trung Quốc
Từng xuất hiện trên rất nhiều poster, tranh ảnh, tuy nhiên ít người tin rằng dãy núi này có thật cho đến khi tận mắt chứng kiến sự hùng vĩ của nó ngoài đời thật. Núi Tianzi, Trung Quốc là một tác phẩm nghệ thuật kỳ lạ của thiên nhiên. Nơi đây có hàng trăm khe nước và hàng ngàn các đỉnh núi hòa quyện lấy nhau đẹp như tranh vẽ.

20/01/2015

19/01/2015

7 bài thuốc đơn giản chữa đau lưng


   Ðau lưng là một bệnh rất hay gặp ở độ tuổi trung và cao niên. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra và thường được chia làm hai loại: Ðau lưng cấp tính và đau lưng mãn tính.


   Bài viết này xin giới thiệu tới mọi người 7 bài thuốc đơn giản, rẻ tiền , dễ kiếm mà lại hiệu quả , có thể chữa được bệnh đau lưng mãn tính,không gây phản ứng phụ như viêm loét dạ dày như các thuốc giảm đau Tây y .




Bài 1: Lá ngải cứu tươi xào nóng với dấm, bọc trong túi vải đắp, chườm vào thắt lưng hay chỗ đau.



Bài 2: Bã rượu 250g, hâm nóng, bọc trong túi vải, đắp vào chỗ đau trước khi đi ngủ 1-2 giờ.



Bài 3: Hạt mướp tươi 60g, giã nát, đắp vào huyệt mệnh môn (nằm ở giữa 2 gai đốt sống thắt lưng 3 và 4).Nói chung là vào điểm đau Mỗi ngày thay thuốc 1 lần.



Bài 4: Hạt cam sao vàng, xay nhỏ thành bột mịn., chiêu thuốc bằng rượu nhẹ.Ngày uống 10g, chia 2 lần Bài thuốc này chủ trị đau lưng do chấn thương gây ứ huyết bên trong.



Bài 5: Lá ớt cay 50g, rượu vừa đủ. Lá ớt rửa sạch, giã nát, xào nóng rồi cho thêm chút rượu, bọc trong túi vải đắp vào chỗ đau khi thuốc còn nóng. Mỗi ngày thay thuốc 1 lần. Khi thuốc nguội có thể xào lại 1-2 lần.



Bài 6: Rễ hẹ 100g, dấm chua 50ml. Rễ hẹ rửa sạch, giã nát, thêm dấm rồi bọc trong túi vải đắp vào chỗ đau, mỗi ngày thay thuốc 1 lần.



Bài 7: Gừng sống 20g, hành củ 15g, bột mì 30g. Ðem gừng và hành giã nát rồi cho bột mì vào. Xào nóng, sau đó đắp vào chỗ đau, dùng băng vải cố định lại. Mỗi ngày thay thuốc 1 lần

17/01/2015

27 chỉ dẫn dưỡng sinh hữu ích

1, Ăn no không gội đầu, đói không tắm. Rửa mặt nước lạnh, vừa đẹp vừa khỏe. Mồ hôi chưa khô, đừng  tắm nước lạnh.  Đánh răng nước ấm, chống ê chắc răng.
2, Ăn gạo có trấu, thức ăn có chất sơ. Nam không thể thiếu rau hẹ, nữ không thể thiếu ngó sen. Củ cải trắng, sống không tốt nhưng chín thì bổ. Ăn không quá no, no không nên nằm.
3, Dưỡng sinh là động, dưỡng tâm là tĩnh. Tâm không thanh tịnh, ưu tư vọng tưởng dễ nảy sinh. Tâm thần an bình, bệnh sao đến được. Nhắm mắt dưỡng thần, tĩnh tâm ích trí.
4, Dược bổ thực bổ, đừng quên tâm bổ. Coi tiền như cỏ, coi thân như bảo. khói hun cháy lửa, tốt nhất không ăn. Chiên dầu ngâm ướp, ít ăn thì tốt.
5, Cá thối tôm rữa, lấy mạng oan gia. Ăn mặc giữ ấm, nhất thân là xuân. Lạnh chớ chạm răng, nóng chớ chạm môi. Đồ chín mới ăn, nước chín mới uống.
6, Ăn nhiều rau quả, ít ăn đồ thịt. Ăn uống chừng mực, ngủ dậy đúng giờ. Đầu nên để lạnh, chân nên giữ ấm. Vui chơi biết đủ, không cầu an dật.
7, Dưỡng sinh là cần cù, dưỡng tâm là tĩnh tại.
8, Người đến tuổi già, thì phải rèn luyện, đi bộ chạy chậm, luyện công múa kiếm; đừng sợ giá lạnh, quét sạch sân nhà, hội họa thêm vui, tấm lòng rộng mở;
9, Nghe tiếng gà gáy, đừng cố nằm thêm, trồng hoa nuôi chim, đọc sách ngâm thơ; chơi cờ hát kịch, không ham phòng the, việc tư không nhớ, không chiếm lợi riêng.
10, Ẩm thực không tham, bữa tối ăn ít, khi ăn không nói, không nên hút thuốc; ít muối ít đường, không ăn quá mặn, ít ăn chất béo, cơm không quá nhiều;
11, Mỗi ngày ba bữa, thức ăn phù hợp, rau xanh hoa quả, ăn nhiều không sợ; đúng giờ đi ngủ, đến giờ thì dậy, nằm dậy nhẹ nhàng, không gấp không vội;
12, Uống rượu có độ, danh lợi chớ tham, chuyện thường không giận, tấm lòng phải rộng.
13, Tâm không bệnh, nên phòng trước, tâm lý tốt thân thể khỏe mạnh; tâm cân bằng, phải hiểu biết, cảm xúc ổn định bệnh tật ít;
14, Luyện thân thể, động cùng tĩnh, cuộc sống hài hòa tâm khỏe mạnh; phải thực dưỡng, no tám phần, tạng phủ nhẹ nhõm tự khai thông;
15, Người nóng giận, dễ già yếu, thổ lộ thích hợp người người vui; thưởng thức thư họa, bên suối thả câu, lựa chọn sở thích tự do chơi;
16, Dùng đầu óc, không mệt nhọc, bớt lo dưỡng tâm ít náo nhiệt; có quy luật, sức khỏe tốt, cuộc sống thường ngày phải hài hòa;
17, Tay vận động, tốt cho não, phòng ngừa bị lạnh và cảm cúm.
18, Mùa hè không ngủ trên đá, mùa thu không ngủ trên phản. Mùa xuân không hở rốn, mùa đông không che đầu. Ban ngày hoạt động, tối ngủ ít mơ.
19, Tối ngủ rửa chân, hơn uống thuốc bổ. Buổi tối mở cửa, hễ ngủ là say. Tham mát không chăn, không bệnh mới lạ.
20, Ngủ sớm dậy sớm, tinh thần sảng khoái, tham ngủ tham lạc, thêm bệnh giảm thọ. Tranh cãi buổi tối, ruột như sát muối.
21, Một ngày ăn một đầu heo, không bằng nằm ngủ ngáy trên giường.
22, Ba ngày ăn một con dê, không bằng rửa chân rồi mới lên giường.
23, Gối đầu chọn không đúng, càng ngủ người càng mệt. Tâm ngủ trước, người ngủ sau, ngủ vậy sẽ thành mỹ nhân.
24, Đầu hướng gió thổi, ấm áp dễ chịu, chân hướng gió thổi, hãy mời thầy lang.
25, Không ngủ nơi ngõ hẻm, độc nhất khi gió lùa.
26, Đi ngủ không thắp đèn, sáng dậy không chóng mặt.
27, Muốn ngủ để tấm thân nhẹ nhõm, chân không hướng tây đầu không hướng đông

16/01/2015

Sáu hành động tự giải thoát theo quan điểm Phật giáo

   Nếu một người kết hợp cả sáu hoạt động này, từng bước từng bước đưa nó trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của một người, thì sau đó đời sống bắt đầu, bằng chính nó, và sẽ ngày càng trở nên có định hướng hướng về lợi lạc của tất cả chúng sinh.
   Người theo Phật giáo là một người không chỉ muốn sống tốt, mà còn muốn đạt tới giác ngộ và giải thoát. Con đường ngắn nhất để đạt tới đích này là xem tất cả mọi người cũng là những vị Phật và hành động giống như là một vị Phật cho tới khi bản thân thật sự trở thành một vị Phật. Sống trong một xã hội luôn luôn mang tới cho chúng ta những thử thách và yêu cầu mới, những gì xung quanh chúng ta chuyển biến rất nhanh. Những chuyển biến này giúp thiết lập một định hướng cho đời sống hàng ngày của chúng ta.
   Sáu hành động giải thoát (Stk. Paramitas – Ba la mật đa) được Đức Phật dạy, chỉ ra bằng cách nào mà một người với động lực chính đáng có thể hành động một cách khéo léo vì lợi ích của tất cả chúng sinh và biến cuộc sống đời thường thành có ý nghĩa, hướng tới giác ngộ và giải thoát. Một mặt, các Paramitas là một chỉ dẫn cho chúng ta cách chuyển biến những hoàn cảnh đời thường thành có ý nghĩa. Mặt khác, chúng phản chiếu lên chúng ta bằng cách triệt tiêu những khuôn mẫu thói quen và tự coi mình là trung tâm, bởi vì điều cuối cùng đánh bẫy hoặc giải thoát chúng ta là con đường mà chúng ta giải quyết những suy nghĩ và cảm xúc của mình. Nếu mội người cố gắng để duy trì thái độ tò mò và nhớ tự cười bản thân trong khi điều phục tâm mình, người đó sẽ tạo nên những khám phá đầy kinh ngạc: Một người không chỉ càng lúc càng thường nghỉ ngơi một cách hạnh phúc trong cuộc đời mà còn thật sự tận hưởng đời sống đầy ý nghĩa vượt lên trên cả vùng thoải mái của bản thân.
1. LÒNG TỐT
   Nói chung, bố thí là nền tảng căn bản cho tất cả mọi sự phát triển. Nó là sự thừa nhận cao nhất của mối tương quan của chúng ta và là một biểu hiện cho Phật tính của chúng ta. Nó bắt đầu với một nụ cười và một cái ôm mà chúng ta dành cho bạn đời của mình và cũng là rất thật cho sự phát triển của chính chúng ta, khi chúng ta từ bỏ những góc nhìn cũ kỹ. Chúng ta có thói quen nắm chặt lấy tất cả mọi thứ, bao gồm: vật chất, cảm xúc và trải nghiệm của chúng ta hoặc ý tưởng của chúng ta về bản thân, về người khác, và về thế giới. Thật ra, thay vì làm cho chúng ta hoặc người khác trở nên nhỏ bé, chúng ta có thể chỉ cần từ bỏ những khái niệm về chúng ta, về người khác. Chừng nào chúng ta còn đấu tranh chống lại cuộc đời, thay vì khám phá nó theo một cách tò mò và không sợ hãi, thì chúng ta còn không nhận ra rằng tất cả chúng sinh là giống nhau trên con đường tìm kiếm hạnh phúc và rằng mọi thứ, bản thân nó đã rất phong phú và đầy tiềm năng.
   Ngay khi chúng ta nhận ra bản chất căn bản của chúng sinh là tâm từ bi thay vì gây gổ, mối quan hệ của chúng ta với thế giới thay đổi hoàn toàn. Chúng ta nhận nhiều và nhiều hơn nữa niềm tin vào những giá trị tốt bẩm sinh của mỗi người và chúng ta phát triển nhiều và nhiều hơn nữa tâm từ bi thực tế. Từ đó, lòng tốt trở nên tự biểu lộ. Một người sẵn sàng cho đi, chia sẻ và từ bỏ là những người đã bắt đầu trở nên hạnh phúc hơn. Một người cho đi một cách tự tin những vật phẩm, cảm xúc tốt – ví dụ như là: sự thân thiết, bảo vệ và thời gian cho mọi người, hoặc những kiến thức giải thoát. Ở đây, điều quan trọng là không phá hỏng sự cởi mở được tạo lên từ lòng tốt và những mối liên hệ tốt bằng việc thực hiện những hành động xấu và gặt hái những hậu quả khó chịu.
2. THÁI ĐỘ CƯ XỬ VỚI MỌI NGƯỜI
   Để thực hành chống lại những thói quen xấu, một người cần cải thiện thái độ cư xử với mọi người. Không có hy vọng có hạnh phúc và mãn nguyện nếu không từ bỏ những thái độ tiêu cực. Trách nhiệm của chính chúng ta là phải tạo ra nguồn gốc của hạnh phúc. Nếu chúng ta hiểu rằng thái độ chánh niệm, dựa trên tình thương và lòng từ bi là nền tảng cho những ấn tượng và kinh nghiệm tốt đẹp trong tâm chúng ta thì chúng ta bắt đầu hành xử, nói năng và suy nghĩ một cách có ý thức.
   Khi cân nhắc 10 điều răn của Phật về thân – khẩu – ý, chúng ta thích nghĩ tới những giây phút phi thường nhưng chúng ta hoàn toàn bỏ lỡ mất những khả năng nhỏ trong đời sống hàng ngày để thực hành và phát triển. 
   Nếu cần phải (1) bảo vệ người khác, chúng ta thích tưởng tượng ra những hình ảnh anh hùng và quên mất rằng cần phải đảm bảo rằng mọi người đều khỏe mạnh và đã đội nón bảo hiểm khi đi xe máy. Trong thế giới dư thừa vật chất, cần phải có một sự am hiểu sáng suốt về người khác để có thể (2) cho họ cái mà họ thật sự cần. Đồng thời, nếu một người tôn trọng không gian và đồ đạc cá nhân của người khác, người đó đã tiến bộ được rất nhiều. Hành động có ý nghĩa thứ ba là (3) trao tặng yêu thương tại nơi cần điều đó mà không làm hỏng mối quan hệ đối tác. Bốn mặt tích cực của lời nói là: (4)nói sự thật hoặc giữ im lặng; (5) đưa mọi người xích lại gần nhau hoặc hỗ trợ mọi người bên nhau; (6) nói năng một cách có suy nghĩ và có sự tôn trọng dành cho mọi người; và cuối cùng là (7) nói chuyện một cách có ý nghĩa để hỗ trợ người khác khám phá thế giới để từ đó, họ đạt tới những hạnh phúc và ý nghĩa lớn lao hơn. Khi chuyển hóa tâm mình, một người (8) phát triển lòng tự tin và ước mong điều tốt cho tất cả mọi người, hoặc (9) hạnh phúc về những gì mà người khác đã đạt được và bất kỳ điều gì có ý nghĩa mà họ đang làm và một người (10) cố gắng hơn nữa để suy nghĩ một cách lô-gíc, để hiểu nguyên lý của luật nhân quả và để nhận thấy sự phong phú không giới hạn trong vạn vật.
   Một cách căn bản, mười hành động tích cực là những hành động nhìn xa trông rộng và là phổ biến. Chúng thể hiện lòng can đảm, tính linh động, và không cứng nhắc hoặc không sự tự xem mình là đúng. Ở đây, điều quan trọng là thái độ hoặc mục đích xác định phẩm chất của hành động.
3. KIÊN NHẪN
   Để không đánh bạc một cách thiếu suy nghĩ những vật chất và các điều kiện tốt cần thiết cho sự phát triển mà, thay vào đó, có thể nắm chắc chúng trong dài hạn, cần phải có kiên nhẫn. Sự giận dữ và ghen ghét là những cản trở lớn nhất. Một người tràn đầy hận thù và giận dữ sẽ không thể gieo trồng hạnh phúc trong dài hạn vì nếu chúng ta nhân nhượng thì chỉ trong ít phút, nó sẽ phá hỏng những ấn tượng tốt đẹp đã được nỗ lực xây dựng trong một thời gian dài. Chỉ những ai xóa bỏ được giận hờn và đam mê mới có thể luôn luôn hạnh phúc tại giờ phút này và sau này.
   Kiên nhẫn không phải là kéo dài một điều gì đó hoặc chịu đựng một cách lặng lẽ ở góc nhà mà là ngồi một cách can đảm giữa ngọn lửa, hoặc duy trì được sự an lạc trong nội tâm và tạo cho mọi thứ và chúng ta một khoảng không gian và thời gian. Cuối cùng, tùy thuộc vào cách nhìn của chúng ta mà những điều chúng ta trải nghiệm là thiên đường hay địa ngục. Bằng cách không xem hận thù là nghiêm trọng, một người để cho cảm xúc này hòa vào không gian rộng mở và nhận thức rằng mọi thứ mang tới đau khổ ít có ý nghĩa hơn. Khi phải đối mặt với một hoàn cảnh khó khăn và mâu thuẫn, một người nên đợi cho tới khi gặp điều kiện thuận lợi và ngăn chặn một cách tuyệt đối những giận hờn, phẫn nộ, buồn chán trước khi hành động. Để có thể hành động một cách kiên định trong hoàn cảnh khó khăn, và chấp nhận một cách công bằng vô tư các hoàn cảnh không thể thay đổi được là một bằng chứng cụ thể của sức mạnh và sự trưởng thành. Điều này đặc biệt đúng khi chúng ta điều phục tâm mình. Thay đổi thói quen và thái độ ít khi nào có thể xảy ra chỉ sau một đêm và để thói quen hoặc thái độ mới trở thành không thay đổi cần sự bền bỉ và kiên trì. Bởi vì, với tất cả sự tự giác, ở đây, sự thân thiện và hài hước dành cho một người là phần thưởng lớn lao.
4. NHỮNG NỖ LỰC MANG LẠI NIỀM VUI
   Hành động thứ tư mô tả cách mà một người có thể xóa bỏ sự lười nhác, tính tự mãn và cách nhìn sai lầm bằng những phương pháp của “nỗ lực mang lại niềm vui”. Tuy nhiên, trong thời đại của chúng ta, lười biếng đồng nghĩa với việc chúng ta làm hàng ngàn những việc không quan trọng. Thế giới của chúng ta tràn ngập những hoạt động sôi nổi tới mức chúng ta còn quá ít thời gian cho những việc quan trọng. Năng lực và sự kiên định nội tâm không phải là chìa khóa duy nhất dẫn đến thành công do sự phát triển chỉ được nhận thấy thông qua việc vượt lên sức ì của chính chúng ta, sự tự thán và những thói quen xấu. Sự phát triển này xuất hiện tại thời điểm chúng ta ở ngoài vùng thoải mái của mình. Nếu một người không trông đợi sự ngợi ca cho những nỗ lực của mình và nếu một người tự do, không vướng vào những cảm xúc của sự quan trọng hoặc chủ nghĩa hoàn hảo, niềm hạnh phúc sâu sắc và đầy đủ sẽ hiện lên. Con đường có ý nghĩa duy nhất để tận dụng những điều kiện tốt của một người chính là thực hiện những khả năng tốt nhất của người đó một cách hạnh phúc và một cách vững vàng, với tất cả trách nhiệm mà không có hy vọng hoặc mong đợi nào. 
5. THIỀN ĐỊNH
   Bất cứ ai muốn phát triển những khả năng của mình một cách lâu bền và không muốn là một quả bóng cho cảm xúc và ý nghĩ đá lăn lóc cần giữ khoảng cách trong tâm. Thiền định tạo nên khoảng không gian và tự do cho ý thức của chúng ta và bắt đầu với việc làm dịu tâm thức và sự phát triển của nhận thức. Thông qua quá trình này, một người sẽ học cách để trở về với thời điểm hiện tại và quan sát cách mà cảm xúc và ý nghĩ tự trỗi dậy, thay đổi, và biết mất đi. Nếu một người đã hiểu rằng nguyên nhân chính để có hạnh phúc nằm trong tâm của chính mình và các điều kiện ngoại cảnh chỉ là biểu hiện của những điều kiện có hại hay có lợi thì từ đó, người đó sẽ không thấy những những biểu hiện bên ngoài là khổ đau và thay đổi. Tâm trở nên cân bằng, khó bị xáo trộn và sự sáng suốt nội tâm khởi sinh.
   Chúng ta càng thực hành thiền định, chúng ta càng dễ duy trì góc nhìn tối cao và dựa vào đó mà cư xử trong các tình huống hàng ngày. Những điều dễ thương được xem như là niềm hạnh phúc và những điều khó khăn được xem như là một quá trình học tập và thanh lọc các tội lỗi. Nếu một người trải nghiệm điều gì đó tốt, người đó mong rằng tất cả mọi người đều trải nghiệm điều này hoặc điều gì đó tốt hơn và một người truyền đạt kinh nghiệm của những tình huống khó khăn cho người khác. Khi một người càng bỏ qua những vấn đề nhỏ và không lấy bản thân làm trung tâm và làm bạn với bất kỳ điều gì theo một cách cởi mở, không sợ hãi; người đó càng hiểu rằng làm điều tốt là một chuyện rất tự nhiên. Thêm vào đó, thiền định tạo nên những ấn tượng tốt sâu xa hơn trong tâm và do đó, là một điều kiện đặc biệt cho sự phát triển của tuệ giác.
6. TUỆ GIÁC
   Sự phát triển tâm trí được đánh dấu bằng hai bước, đôi khi được mô tả như là sự tạo thành của hai sự tích tụ: sự phát triển của những ấn tượng tốt trong tâm (1 tới 5) và sự phát triển sâu sắc của tuệ giác (6). Những ấn tượng tốt đẹp không giới hạn được lưu chứa trong tâm thông qua những ý nghĩ, lời nói và hành động có ý nghĩa, và tại điểm này, tâm đạt tới một mức độ của bình an. Tại đây, những tư tưởng và cảm xúc bất an có thể được giải tỏa bằng cách ít chú tâm tới chúng ngay khi chúng trở nên rõ rệt, và đồng thời, duy trì một thái độ tốt. Chất lượng của những ấn tượng tốt cho phép một bước nhảy vọt về chất lượng. Khi những khả năng bị kìm hạm bởi những trạng thái nội tại cứng nhắc được giải phóng, một người hiểu được bản chất của sự vật một cách trực giác và rõ ràng. Người đó nhận ra rằng thực tế là chủ thể, vật thể và hành động là những phần của cùng một tổng thể. Từ đó, tuệ giác là sự thể hiện tự phát của tâm. Nếu vượt thoát ra khỏi tất cả mọi giới hạn, thuộc tính không có điều kiện của sự không sợ hãi, an lạc và lòng từ bi sẽ được biểu lộ. Sự hiểu biết này giải thoát tất cả mọi hoạt động từ bất kỳ sự hẹp hòi nào và biến nó thành không thể sử dụng cho sự khuếch đại của các nguyên mẫu lấy bản thân làm trung tâm.
   Nếu một người kết hợp cả sáu hoạt động này, từng bước từng bước đưa nó trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của một người, thì sau đó đời sống bắt đầu, bằng chính nó, và sẽ ngày càng trở nên có định hướng hướng về lợi lạc của tất cả chúng sinh. Đời sống của một người bắt đầu có nhiều ý nghĩa hơn và người đó càng mang lại nhiều lợi ích cho thế giới. Do đó, câu hỏi không phải là liệu một người có liên quan vào sự hối hả của đời sống hàng ngày hay không mà là liên quan như thế nào.

15/01/2015

VÀI NÉT VỀ PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ VÀ HÀNH TRÌ TẠI VIỆT NAM

   

   Sau khi Phật niết bàn, những lời dạy của Ngài đã được các vị thánh đệ tử kết tập lại thành ba tạng kinh điển, trong đó triển khai tám vạn bốn ngàn pháp môn tu tập, khai mở cho chúng sanh con đường dứt trừ vọng tưởng, thê nhập chân như. Một trong vô số pháp môn tu tập, với sự hành trì rất đơn giản nhưng thành tựu nhiệm mầu, đó là pháp môn Tịnh độ.

   Pháp môn Tịnh độ là một trong mười tông phái của Phật giáo Trung Hoa, đây là tông phái siêu việt được các bậc cổ đức liệt vào tông phái Đại thừa viên đốn. Nói Đại thừa bởi tông này lấy tâm bồ đề làm nhân, lấy quả vị cứu cánh Phật làm quả. Nói Viên bởi tông này lý sự vẹn toàn, tóm thâu bốn giáo trước (Tiểu thừa giáo, Đại thừa thỉ giáo, Đại thừa chung giáo, Đại thừa đốn giáo). Nói Đốn bởi tông này không luận bàn về pháp tướng, mà chỉ chuyên ròng về chân tánh, không cần trải qua nhiều thứ lớp, tu tập trong một đời có thể chứng lên quả vị Bất thối chuyển (A bệ bạt trí). Đây quả thật là điểm siêu xuất của tông Tịnh độ.
   Giáo nghĩa Tịnh độ được y cứ trên ba bộ kinh và một bộ luận làm cơ sở nòng cốt để phát huy, đó là Phật thuyết A Di Đà kinh, Vô Lượng Thọ kinh, Quán Vô Lượng Thọ kinh (còn gọi Thập Lục Quán kinh) và một bộ luận là Tịnh độ vãng sanh luận của Bồ tát Thế Thân.
   Nơi Tinh xá Kỳ viên thuộc nước Xá Vệ, Đức Thế Tôn tuyên thuyết kinh A Di Đà. Ngài tóm lược giới thiệu vị giáo chủ và y báo trang nghiêm của thế giới Cực lạc, khuyên chúng sanh phát nguyện sanh về thế giới đó, bằng phương pháp chuyên trì danh hiệu Phật, đồng thời dẫn lời tán dương và ấn chứng của mười phương chư Phật để làm tăng tiến niềm tin cho người niệm Phật. Ở núi Kỳ Xà Quật thuộc thành Vương Xá, Ngài tuyên thuyết kinh Vô lượng thọ, diễn tả quá trình hành Bồ tát đạo của tỳ kheo Pháp Tạng (tiền thân Phật A Di Đà), trong khi tu nhân đã đối trước Đức Thế Tự Tại vương Như Lai phát bốn mươi tám đại nguyện thù thắng cao cả, để trang nghiêm Phật độ, nhiếp hóa quần sanh; kế đó nói về công đức tu hành, trí tuệ thần biến của thánh chúng cõi ấy, khiến chúng sanh sanh tâm khát ngưỡng phát nguyện sanh về.
   Tại vương cung Tần Bà Sa La thuộc thành Vương Xá, do sự thỉnh cầu của hoàng hậu Vi Đề Hy, Ngài tuyên thuyết kinh Quán vô lượng thọ, chỉ bày mười sáu pháp quán làm nhân tố cầu sanh Tịnh độ, đây là những pháp quán rất tinh vi và sâu thẳm. Sau này Bồ tát Thế Thân nương vào kinh Vô lượng thọ tạo bộ Tịnh độ vãng sanh luận, tán dương cảnh giới trang nghiêm thù thắng của Cực lạc và xiển dương pháp tu Ngũ niệm môn (lễ bái, tán thán, phát nguyện, quán tưởng và hồi hướng) làm nhân tố cầu sanh. Ngoài ba kinh và một luận trên, còn có rất nhiều kinh luận Đại thừa khác như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Bảo Tích…, Đại Trí Độ, Đại Tỳ Bà Sa… cung đều tán thán và đề cao tư tưởng cầu sanh Tịnh độ Phật A Di Đà.
   Khi Phật giáo mới truyền sang Trung Hoa, pháp môn Tịnh độ đã sớm hòa nhập vào dòng tư tưởng của người bản xứ. Trung Hoa quả thật là một mảnh đất màu mỡ, để tông Tịnh độ đâm chồi nảy lộc. Sau Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan, kế tiếp có các đại sư từ Ấn Độ sang, phụng sắc chỉ dịch các bộ kinh từ chữ Phạn sang Hán, kinh sách Tịnh độ cũng được theo đó mà truyền vào.
   Thời Đông Tấn (317- 419), Pháp sư Đạo An (312- 385) đã làm sách luận về Tịnh độ, mở trường pháp phái nêu rõ chánh tông, phát huy những điểm đặc sắc của Tịnh độ. Dưới thời Tào Ngụy (220-280), Ngài Khang Tăng Khải (đến Trung Quốc năm 252) dịch kinh Vô Lượng Thọ. Đời Dao Tần (còn gọi Hậu Tần 354-417), bậc dịch kinh nổi tiếng Cưu Ma La Thập (344- 413), phụng dịch Phật thuyết A Di Đà kinh. Thời Lưu Tống (năm 420), Ngài Cương Lương Da Xá (383- 420) dịch Quán Vô Lượng Tho kinh. Từ đó, giáo nghĩa tông Tịnh độ đã hoàn bị. Vào đầu thế kỷ thứ năm, hệ tư tưởng hình thành tông phái tín ngưỡng Di Đà giáo đã chính thức khai nguyên; bậc cao Tăng được đăng quang lên ngôi vị khai tổ là đại sư Huệ Viễn (344- 415) ở chùa Đông Lâm Lô Sơn, lừng danh với hội Bạch Liên Xã mà âm hưởng còn vang vọng đến ngày nay.
   Sau đó vào thời Tuyên Đế – Bắc Ngụy (500- 512), pháp sư Bồ Đề Lưu Chi (sang Trung Hoa vào năm 508) dịch bộ Tịnh độ vãng sanh luân của Bồ tát Thế Thân, là bộ luận căn bản, đến đây hệ thống giáo nghĩa của tông Tịnh độ đã hoàn thành.
   Pháp môn Tịnh độ còn gọi là pháp môn niệm Phật. Ý nghĩa niệm Phật là đem tâm thanh tịnh mà tưởng nhớ đến công đức mầu nhiệm và thân tướng trang nghiêm của Phật. Chữ Niệm ở đây là một tâm sở trong năm biệt cảnh tâm sở, ý nghĩa của nó là nhớ nghĩ vào hiện tại, buộc tâm vào một đối tượng không rong ruổi theo niệm trần, nhưng niệm này không hê lụy vào một cảnh giới nào mà thông suốt ba đời, thường tỉnh thường giác hiện rõ trước mặt. Chữ Phật là chỉ cho bản thể bất sanh bất diệt, cái chân như thật tánh bình đẳng ở nơi chư Phật và chúng sanh. Hành giả niệm Phât là quán tưởng thân tướng hay niệm danh hiệu Phật, danh này bao trùm các công đức, trí tuệ, từ bi… của các Đức Phật.
   Do đức lập, nhờ danh chiêu cảm đức. Lấy danh hiệu làm cảnh sở niệm, tâm thanh tịnh làm đối tượng năng niệm, thường trụ vào bản tánh bất sanh bất diệt ấy tất sẽ đạt đến cảnh giới an vui chân thật. Hành giả thường trụ vào câu Phật hiệu hay quán tưởng thân tướng trang nghiêm của Phật, với tâm thanh tịnh sẽ tạo thành một năng lực tuyệt đối nhiệm mầu, quét sạch mọi vọng tưởng điên đảo, khơi dậy tự tánh Di Đà bên trong của mỗi chúng sanh. Từ đây vọng tưởng quyết dứt trừ, cảnh giới an vui lặng mầu sẽ hiển lộ, như trong Quán vô lượng thọ kinh có dạy: “Chư Phật Như lai là thân pháp giới, vào trong tâm tưởng chúng sanh, cho nên tâm các người tưởng Phật thì tâm ấy là ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp, tâm ấy làm Phật tâm ấy là Phật. Biển chánh biến tri của Phật từ nơi tâm tưởng mà sanh, vì thế các ông phải nhớ nghĩ và quán tưởng kỹ thân của Đức Phật kia”.
   Lập trường căn bản của tông Tịnh độ được kiến lập trên nền tảng của nhân quả, tức có gây nhân mới mong hưởng quả. Điều này xác quyết, hành giả nếu muốn mai hậu làm thánh chúng cảnh giới Cực lạc thì ngày hôm nay phải có tư cách của bậc thánh. Vì vậy, trong cuộc sống hiện tại, hành giả cần phải thường xuyên cải hóa ba nghiệp thân khẩu ý hướng đến chiều hướng thanh tịnh. Ví như học trò trong việc học tập phải có sự tiến bộ, từ lớp nhỏ tiến dần đến lớp lớn, có như vậy mới mong có ngày thành tài đỗ đạt. Người niệm Phật cũng thế, nếu hôm nay cứ sống trong sự buông thả, không chịu nỗ lực tinh tấn tu hành, mà cứ van xin và tin rằng ngày mai Phật sẽ cứu độ; nếu tin như thế thì thật trái với lý nhân quả, chẳng khác nào luận thuyết của ngoại đạo và hoàn toàn không phù hợp với giáo lý nhà Phât.
   Vẫn biết, pháp môn Tịnh độ là pháp phương tiện siêu thắng, cho dù đến bậc Bồ tát Đẳng giác còn chưa thấu triệt rốt ráo, và nguyện lực tối thâm của Phật A Di Đà thật là vô tận, hàm nhiếp tất cả nguyện lực của mười phương ba đời chư Phật. Đối với nghiệp lực của phàm phu, ngay cả đến các bậc Sơ địa Bồ tát, nếu không nương vào oai lực tiếp độ của Phật, chỉ nương vào sức tự lực tu hành của mình cũng không thể vãng sanh. Nhưng tha lực đó chỉ thành tựu trên cơ sở hành giả phải có sức tự lực. Ví như người mẹ luôn nghĩ đến con, nhưng người con không nghĩ đến mẹ, thì dầu mẹ có thương con cũng đành cam chịu không thể cứu được. Tha lực của Đức Phật cũng thế, mặc dầu vô song, nhưng điều quan trọng ở điểm là hành giả có hội đủ tư cách tu trì, có chân thành tiếp nhận sự cứu độ đó hay không. Có rất nhiều người tu Tịnh độ, không nhận ra được lý này, rồi quan niệm Đức Phật như một đấng thân linh luôn ban ân cứu rỗi, và cảnh giới Cực lạc chẳng khác nào thiên quốc của thần giáo. Để rồi từ đó có lắm kẻ thiển cận cho rằng pháp tu Tịnh độ là pháp của ngoại đạo mê tín dị đoan, hoặc là hành môn của hạng hạ căn. Đây quả thật là những ngộ nhận sai lầm đáng tiếc đã xảy ra.
   Tóm lại, người niệm Phật muốn vãng sanh Tịnh độ, ngoài lực hộ trì và tiếp dẫn của Phật, cần phải có sức tự lực tu tập, tức phải có chánh nhân Tịnh độ. Theo kinh Quán Vô lượng thọ, hành giả muốn được vãng sanh Tịnh độ phải hội đủ ba điều kiện: “Một là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, giữ lòng từ không sát hại, tu tập mười nghiệp lành. Hai là thọ trì ba pháp quy y, đầy đủ các giới không phạm oai nghi. Ba là phát Bồ Đề tâm, tin sâu lý nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại thừa, khuyên người khác cùng tu”. Ba điều trên đây gọi là chánh nhân Tịnh độ. Ba điều này có thể tóm thâu vào hai việc, một là phát Bồ Đề tâm, hai là nghiêm trì tịnh giới.
   Việc đầu tiên của người niệm Phật là phát Bồ Đề tâm. Thế nào là phát Bồ Đề tâm? Tức phát tâm trên mong cầu quả vị Phật, dưới mong hóa độ các loài chúng sanh. Người tu Phật nếu không phát Bồ Đề tâm, dẫu có tinh tấn thực hành các hạnh lành cũng chỉ là nhọc công vô ích. Điều này trong kinh Hoa Nghiêm có dạy: “Vong thất Bồ Đề Tâm, tu chư thiện pháp, thị danh ma nghiệp” (Quên mất tâm Bồ Đề, dẫu tu các hạnh lành, cũng đều là nghiệp ma). Vì vậy, hành giả muốn thành tựu ước nguyện vãng sanh, thì trước hết phải phát tâm Bồ Đề mà niệm. Đây là điểm vô cùng quan trọng không thể thiếu đối với người tu Phật nói chung và người tu Tịnh độ nói riêng.
   Điều cần thiết thứ hai của người niệm Phật là nghiêm trì tịnh giới. Tức mỗi người tùy theo giới luật bản thân đã thọ mà hành trì. Bởi vì bất kỳ tông phái nào trong đạo Phật cũng không thể ly khai tinh thần giới luật, vì giới là nền tảng nhập đạo, là thọ mạng của Phật pháp. Nếu không có giới thì định huệ cũng không từ đâu phát sanh. Giới định tuệ đã không phát sanh thì Pháp thân huệ mạng biết nương đâu thành tựu.
   Lại đối với tông Tịnh độ, việc giữ giới lại càng thiết yếu, chúng ta có thể nói Luật tông và Tịnh độ tông là hai tông phái hỗ tương bao trùm và không thể tách rời nhau. Hai tông này tóm thâu toàn bộ tám tông khác của Đại thừa, như đại sư Thái Hư nói: “Luật là nền tảng của tam thừa, Tịnh độ là mái che chung tam thừa”. Hành giả nghiêm trì giới luật, từ đó câu niệm Phật mới hiển lộ hết công năng mầu nhiệm, như trong kinh Quán Vô lượng thọ có dạy: “Một câu niệm Phật, có thể tiêu trừ tám mươi vạn ức kiếp sanh tử trọng tội”.
   Trên nền tảng của việc phát Bồ Đề tâm và nghiêm trì tịnh giới, hành giả phát tâm khát ngưỡng cầu sanh Tịnh độ. Tâm cầu sanh Tịnh độ này phải hội đủ ba đức tính quyết định là tín sâu, nguyện thiết và hạnh chuyên.
   Tín là đức tin, là yếu môn để nhập đạo, là cội nguồn của mọi công đức. Người tu Phật thiếu mất yếu tố này sẽ không thoát ly sanh tử, đạt kết quả an vui giải thoát. Bởi tất cả công đức vô lậu đều nương nơi tín lập và do tín mà thành, như trong Khế kinh có dạy: “Phật pháp như biển cả do tín mà vào”. Hành giả niệm Phật ngoài việc có đức tin trong sạch tuyệt đối với Tam bảo, với sự tìm hiểu bằng kiến chiếu của trí tuệ Bát nhã kiên định không ngờ vực, trên nền tảng đó gia thêm lòng tin kiên cố vào pháp môn niệm Phật. Đức tin này được dựng lập trên ba điểm.
   Thứ nhất hành giả tin tưởng Đức Phật Thích Ca là bậc đã thân chứng cảnh giới Tịnh độ, những lời dạy của Ngài về cảnh giới Cực lạc và khuyên chúng sanh phát nguyện cầu sanh là có thật. Hai là tin Đức Phật A Di Đà với bốn mươi tám đại nguyện vĩ đại tiếp độ chúng sanh, nếu ai có tâm mong về thế giới của Ngài thì người ấy sẽ được Phật tiếp độ. Ba là tin vào tự tánh thanh tịnh, vào khả năng sẵn có của mình, nếu hiện đời phát tâm niệm Phật thì mai hậu quyết định sẽ được vãng sanh Tịnh độ.
   Trên cơ sở của tín, hành giả cầu sanh Tịnh độ cần phải có đủ yếu tố thứ hai là Khẩn thiết phát nguyện. Trong “Phát Bồ Đề tâm văn” của đại sư Tĩnh Am có dạy: “Nhập đạo yếu môn, phát tâm vi thủ, tu hành cấp vụ lập nguyện cư tiên. Nguyện lập tắc chúng sanh khả độ, tâm phát tắc Phật đạo kham thành” (Cửa yếu vào đạo lấy sự phát tâm làm trước, việc cấp thiết tu hành lấy lập nguyện làm đầu, nguyện có lập thì chúng sanh mới độ, tâm co phát thì Phật đạo mới thành). Lời dạy của Tổ sư đã cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của sự phát nguyện đối với việc tu hành như thế nào.
   Tâm nguyện cầu sanh Tây phương theo Thiên Thai Trí Giả đại sư gồm hai điều là yêm ly và hân nguyện. Tâm yểm ly là tâm chán lìa. Hành giả phải luôn ý niệm sắc thân này vốn là hư tưởng, chỉ là sự tổ hợp của năm uẩn luôn nhuốm màu khổ đau và bất tịnh. Thân phận con người so với chư thiên chẳng khác nào bây dòi chen chúc trong hầm phẩn. Mọi phiền não cuộc đời luôn cấu xé tâm can, chúng như những mũi tên độc găm vào da thịt như những trận tra tấn cực hình. Nhờ thường xuyên quán sát như thế, hành giả sanh tâm nhàm chán, đối với thân xác và mọi thú vui dục lạc ở đời sẽ không sanh tâm đắm nhiễm.
   Tâm chán bỏ thế giới Ta bà càng lớn thì chí nguyện cầu sanh càng mạnh. Người niệm Phật trước sau chỉ có một ước nguyện duy nhất là mong cầu sớm thoát khoi lao tù Ta bà hiện tại, nguyện thác sanh về Cực lạc ngày mai. Tâm tha thiết cầu sanh đó ngàn trâu kéo không lại. Chẳng khác nào như kẻ tha phương trông ngóng cố hương, người xa cha mẹ mong ngày đoàn tụ, như trong Di Đà sớ sao có câu: “Trông về Cực lạc như nhớ cố hương, ngưỡng mến đức Từ tôn như cha mẹ”.
Tín nguyện đã đầy đủ nhưng thiếu phần Hạnh, người tu Tịnh độ cũng khó thành tựu, vì vậy cần phải chú trọng vấn đề hành trì. Đại sư Ngẫu Ích tưng dạy: “Được vãng sanh hay không cũng đều do ở tín và nguyện; phẩm vị cao hay thấp là bởi ở chỗ hành trì có cạn hoặc sâu”.
   Tín và Nguyện đã có, tức đã chuẩn bị tư lương, nhưng muốn đạt mục đích, hành giả cần phải thực hiên các sự nghiệp phước đức và trí tuệ. Đây là món tư lương thứ ba của người tu niệm Phật. Ngoài việc tu tạo phước đức trí tuệ và giữ gìn giới luật làm trợ hạnh vãng sanh, hành giả phải thực hành chánh hạnh. Chánh hạnh ơ đây là phát tâm thanh tịnh thường trì thánh hiệu Phật. Theo pháp môn Tịnh độ thì việc niệm Phật bao gồm bốn môn là Thật tướng niệm Phật, Quán tưởng niệm Phật, Quán tượng niệm Phật và Trì danh niệm Phật.
   Thật tướng niệm Phât là thể nhập vào đệ nhất nghĩa đế niệm tánh Phật bản lai của mình. Bản thể xưa nay vốn thanh tịnh vắng lặng không bị phiền não cấu nhiễm. Hành giả trụ tâm vào tánh Phật bản lai đó, khiến tâm không vọng động, không chạy theo niệm trần, tâm lần hồi trong sáng thể nhập vào cảnh giới nhất tâm.
   Quán tưởng niệm Phật là hành giả quán tưởng Chánh báo và Y báo trang nghiêm của Đức Phật A Di Đà và thế giới Cực lạc, cho đến khi mở mắt hay nhắm măt, cũng đều thấy cảnh giới Cực lạc rõ ràng.
   Quán tượng niệm Phật là người tu luôn nhiếp tâm vào hình tượng của Phật A Di Đà, cho đến khi có đối trước hay không đối trước tượng, hình tướng oai nghiêm của Phật A Di Đà vẫn hiện ra trước mắt.
   Sau cùng là trì danh niệm Phật, đó là niệm thầm hay niệm ra tiếng bốn chữ hay sáu chữ “Nam mô A Di Đà Phật”. Hành giả niệm Phật với tâm tha thiết chí thành không xen lẫn tạp niệm, chỉ chú tâm vào danh hiệu Phật lần hồi sẽ thể nhập vào cảnh giới nhất tâm.
   So với ba môn trước thì pháp trì danh niệm Phật có phần giản dị dễ tu và dễ thành tựu. Đây quả thật là phương tiện thù thắng trong các phương tiện, là đường tắt tu hành trong mọi đường tắt, như trong Di Đà sớ sao có câu: “Ví như chim hạc tung mình đâu bằng đại bàng cất cánh, ngựa ký ruỗi vó đâu bằng rồng chúa tung bay”.
   Bởi do căn tánh của chúng sanh có thiên sai vạn biệt, nên pháp trì danh được các bậc cổ đức chia thành nhiều cách, như Ký thập trì danh; Phản văn trì danh; Sổ châu trì danh; Tùy tức trì danh; Truy đảnh trì danh; Giác chiếu trì danh; Lễ bái trì danh; Liên hoa trì danh; Quang trung trì danh và Quán Phật trì danh. Trong đó có thể nói pháp Ký thập trì danh là pháp tu rất dễ thành tựu, dễ đưa hành giả chứng đắc Niệm Phật tam muội.
   Sanh tiền, đại sư Ấn Quang thường khuyên các liên hữu nên ứng dụng cách thức này, đó là cách niệm ký số, cứ mười câu làm một đơn vị, người hơi dài có thể niệm thành hai lượt, một lượt năm câu, người hơi ngắn có thể chia thành ba lượt, hai lượt đầu ba câu và lượt sau bốn câu. Sau khi niệm đủ mười câu, thì đếm một vài lần cho đến khi được một trăm, tức niệm được một ngàn. Cứ như thế lại đếm từ đầu là một lại, từ đó có thể biết một ngày niệm được bao nhiêu vạn. Niệm theo lối này tâm đã niệm Phật lại còn ghi nhớ số. Như vậy dù không chuyên cũng bắt buộc chuyên, nếu không chuyên thì sẽ bị sai lạc số mục. Cho nên pháp này là một phương tiện cưỡng bức giúp cho hành giả chuyên tâm, rất có công hiệu và đưa đến thành tựu cho người niệm Phật một cách nhiệm mầu.
   Ngoai ra, vấn đề quan trọng của pháp niệm Phật là trong khi niệm phải giữ tâm thanh tịnh, bởi tâm thanh tịnh là nhân tố quyết định cho việc thành tựu cảnh giới nhất tâm. Muốn đạt được điều này cũng theo tổ sư Ấn Quang: “Khi hành giả đề khởi câu Phật hiệu, tai phải nghe rõ ràng từng chữ, tâm phải trụ vào câu Phật hiệu, không chạy theo vọng trần và nhiếp tâm liên tục hành giả sẽ tiến sâu vào cảnh giới chánh định”. Theo đại sư Liễu Nhất: “Khi tâm chuyên chú vào câu Phật hiệu, quên cả thân tâm ngoại cảnh, tuyệt cả không gian thời gian, đến lúc sức lực công thuần ngay cả nơi niệm trần mà vọng hoặc tiêu tan, tâm thể bừng sáng, hành giả có thể chứng được niệm Phật tam muội”.
   Qua những điểm trình bày sơ lược về ba yếu tô Tín, Nguyện, Hạnh của pháp môn niệm Phật, chúng ta thấy pháp môn này có phần đơn giản dễ thực hành mà kết quả lại cao tuyệt. Môn này quả thật là pháp môn siêu tuyệt, là thuyên từ ra khỏi Ta bà, là cửa mầu để vào Phật đạo: “Xuất Ta bà chi bảo phiệt, thành Phật đạo chi huyền môn”. Sự dễ tu dễ chứng so với các pháp môn khác được các bậc cổ đức đánh giá: “Tu các pháp môn khác, như con kiến bò dọc theo ống tre, hành trì môn Tịnh độ như con kiến đục thủng ống tre ra ngoài”.
   Phải chăng, pháp môn Tịnh độ là pháp môn duy nhất trong thời mạt pháp, để cho chúng sanh y cứ tu tập thoát ly sanh tử luân hồi; như trong kinh Đại tập nguyệt tạng, Đức Phật có dạy: “Mạt pháp ức ức nhân tu hành, hãn nhất đắc đạo, duy y niệm Phật đắc độ sanh tử” (Thời mạt pháp vạn vạn người tu hành, song ít có người đắc đạo, chỉ nương vào pháp môn niệm Phật mà khỏi thoát luân hồi). Đó có phải là mật ý vi diệu, là tình thương bao la của bậc có trí tuệ bất tận đối với chúng sanh căn cơ hèn kém, như trong kinh Vô lượng thọ nói: “Đương lai chi thế, kinh đạo diệt tận, ngã dữ từ bi ai mẫn, đặc lưu thử kinh chi trụ bách tuế. Kỳ hữu chúng sanh trị tư kinh giả, tùy ý sở nguyện, giai khả đắc độ” (Trong đời tương lai, khi kinh đạo diệt hết, Ta dùng sức từ bi thương xót, riêng lưu trụ kinh này một trăm năm. Chúng sanh nao gặp, tùy theo sở nguyện, đều có thể đắc độ).
   Vì tính cách khế lý khế cơ ấy mà từ trước đến nay không biết bao nhiêu người niệm Phật được kết quả vãng sanh. Sự mầu nhiệm đó như rồng bay phượng múa, ngọc chạm vàng khua mà trong “Tịnh độ thánh hiền lục” đã ghi lại rõ ràng. Pháp môn này lại bao quát cả ba căn, trên từ các bậc Đẳng giác Bồ tát, các bậc Đại đức cao tăng, dưới cho đến những kẻ cùng hung cực ác, nhẫn đến những loài súc sanh như nhồng, sáo, uyên ương, se sẻ… cũng nhờ trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà mà được thoát ly thân cầm thú sanh về cảnh giới Tịnh độ.
   Trải qua bao thế hệ thăng trầm của dòng thời gian biến đổi, các tông phái khác có nguy cơ bị hoại diệt hoặc trở thành một triết lý hỗ tương. Riêng tông Tịnh độ có tính cách thiết thực, đã ngày càng đứng vững và phổ cập, trở thành một trong hai tông phái tu tập căn bản của Phật giáo Đại thừa là Thiền tông và Tịnh độ tông. Có thể nói đây là hai tông phái bao trùm toàn bộ tinh hoa, đường lối tu tập của Phật giáo Đại thừa.
   Với sự tán dương truyền thừa tông Tịnh độ, từ trước đến nay đã có biết bao vị cao tăng thạc đức, các bậc văn nhân chí sĩ… đã làm các sớ giải, các luận văn, làm truyện, làm kệ, làm thi, làm phú… để khen ngợi và xiển dương tông phái này.
   Ngoài ra, các bậc cao đức, chuyên tu tịnh nghiệp, cầu sanh Tây phương số lượng không sao kể xiết, như Ngài Bách Trượng Hoài Hải với bản Bách trượng thanh quy làm quy củ cho Thiền tông, cũng không ngoài ý nghĩa quy túc Tịnh độ. Các Tổ bên Thiền tông như Vĩnh Minh Diên Thọ; Thiên Như Duy Tắc; Thiên Thai Hoài Ngọc… Bên Luật tông như các Ngài Nguyên Chiếu; Hoài Tố… Bên Tam luận tông như các Ngài Cát Tạng; Đạo Lãng… Bên Duy thức tông như các Ngài Khuy Cơ; Hoài Cảm… Bên Mật tông như các Ngài Bất Không; Hồ Đồ Khắc Đồ… Bên Hoa Nghiêm tông như các Ngai Đỗ Thuận; Trừng Quán… Bên Pháp Hoa tông như các Ngài Trí Giả; Quán Đảnh… Các bậc cao tăng xướng lãnh các tông phái trên đây và vô số danh tăng khác, cũng đều phát nguyện cầu sanh cảnh giới Cực lạc.
   Tại nước Việt Nam, pháp môn Tịnh độ đã sớm truyền vào và phát triển mạnh mẽ. Trong thế kỷ XI, có thiền sư Tĩnh Lực (thuộc phái Vô Ngôn Thông) là vị đã chứng niệm Phật tam muội. Cũng trong thế kỷ này, một lang tướng của Lý Thánh Tông đã dựng một tượng Phật A Di Đà cao hai thước rưỡi tây tại núi Lan Kha, huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Thiền sư Không Lộ (mất năm 1141) đã từng dựng tượng Phật A Di Đà ở chùa Quỳnh Lâm. Thảo Đường quốc sư, vị khai tổ dòng thiền thứ ba của Phật giáo Việt Nam (vào thế kỷ XI) đã khuyên đồ chúng nên tu Tịnh độ với bài Pháp ngữ thị chúng tuyệt vời. Tôn giả Huyền Quang tam tổ thiền phái Trúc Lâm cũng đã lập tháp Cửu phẩm liên đài tại chùa Bút Tháp để khích lệ tứ chúng cầu nguyện vãng sanh. Thời cận đại có các bậc cao tăng như HT. Tâm Tịnh, HT. Khánh Anh, HT. Hải Tràng, HT. Trí Thủ, HT. Thiền Tâm… đã tự tu và truyền bá pháp môn này từ Bắc chí Nam, làm cho Phật pháp được hưng thạnh và lan truyền cho đến ngày hôm nay.
   Thiết nghĩ, trên bước đường tu tập người xuất gia lẫn tại gia, ai cũng mong muốn đạt đến kết quả giải thoát giác ngộ, nhưng thành tựu sở nguyện đó là điều không phải dễ dàng. Khi tự thân chúng ta luôn tràn đầy những nghiệp lực chi phối, cộng thêm hoàn cảnh xã hội bên ngoài, luôn có những năng lực tác động đưa con người đi vào trong quỹ đạo của dục vọng đê hèn. Chỉ một tập quán xấu nhỏ nhưng diệt trừ nó không phải đơn giản, hoặc một chút điều lành nhưng thực hiện không phải một sớm một chiều. Để rồi trong âm thầm, cuộc sống của chúng ta cứ trôi lăn trong vòng sanh tử, trong sự chỉ đạo của phiền não, tồn tại với bao ước vọng hão huyền, rồi một mai khi tấm thân tứ đại này tan rã, biết hướng về đâu mà nương tựa.
   Chi bằng, đặt trọn tấm lòng thành hướng về với Tam bảo, mỗi niệm xả ly Ta bà, mỗi niệm cầu về Cực lạc. Quyết chí nương nhờ Phật lực, phát nguyện cầu sanh Tây phương, đến khi thành tựu quả vị Vô thượng Bồ Đề, trở lại Ta bà tiếp độ chúng sanh. Có như vậy mới hợp với bản hoài thị hiện của Đức Phật Thích Ca, đúng với hạnh nguyện tiếp dẫn của Đức Phật A Di Đà và không cô phụ tánh linh của mình.
Thích Nguyên Liên

-------------------------
Nguyện đem tất cả công đức này hối hướng trang nghiêm cảnh Tây phương Cực lạc để sau khi xả báo thân, con và tất thảy chúng sanh đều được vãng sanh vào đất Phật ở Thượng phẩm Thượng sanh.
Nam Mô A Di Đà Phật