12/02/2022

ĐẤT, NƯỚC, GIÓ, LỬA TRONG PHẬP GIÁO

 tập hợp và st trên net.

Lời Đức Phật dạy lúc La Hầu La 17 tuổi rằng: “Này La Hầu La, con hãy học cách hành xử của ĐẤT. Dù người ta có đổ hay rải lên đất những thứ tinh sạch và thơm tho như hoa hương, nước ngọt, sữa thơm…, hoặc những thứ hôi hám và dơ dáy như máu mủ, nước tiểu, phân rác…, thì đất cũng tiếp nhận những thứ ấy một cách rất thản nhiên, không vướng mắc, tự hào, cũng không oán hờn, tủi nhục… Tại sao? Tại vì đất là địa đại có dung tích rộng lớn, có khả năng tiếp nhận và chuyển hóa.

Nếu tâm con rộng lớn vô lượng như đất, thì con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi bất công, oan ức… và những thứ ấy không thể làm cho con buồn tủi và khổ đau.

Này La Hầu La, con hãy học cách hành xử của NƯỚC. Dù người ta có đổ xuống nước những chất thơm tho, đẹp đẽ…, hoặc giặt rửa trong nước những thứ dơ bẩn, hôi hám…, thì cũng không vì thế mà nước bị vướng mắc, tự hào, hoặc cảm thấy oán hờn và tủi nhục… Tại sao? Tại vì nước là thủy đại có dung tích rộng lớn, có khả năng lưu chuyển, có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả những gì đã tiếp nhận.

Nếu tâm con rộng lớn bao la vô lượng như nước thì con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi bất công, oan ức… và những thứ ấy sẽ không thể làm cho con đau khổ và buồn tủi.

Này La Hầu La, con hãy học cách hành xử của LỬA. Lửa có thể tiếp nhận và đốt cháy mọi thứ, dù là những cái xấu dơ bẩn…, lửa cũng không vì thế mà cảm thấy tủi nhục, buồn khổ, chán chường. Tại sao? Tại vì lửa là hỏa đại có dung tích rộng lớn, có khả năng thiêu đốt và chuyển hóa tất cả những gì người ta đem tới.

Nếu tâm con không kỳ thị, không vướng mắc, con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi bất công, oan ức … và những thứ ấy sẽ không thể nào làm xáo trộn được hạnh phúc và bình an trong con.

Này La Hầu La, con hãy học cách hành xử của GIÓ. Gió có thể tiếp nhận, thổi đi và chuyển hóa mọi mùi hương…, dù thơm, dù thối mà không bị vướng mắc, tự hào, buồn khổ, hay tủi nhục… Tại sao? Tại vì gió là phong đại có dung tích rộng lớn, có khả năng di động phi thường.

Nếu tâm con có khả năng chuyển hóa và di động, thì con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi bất công và oan ức… mà kẻ khác trút lên con và những thứ ấy không thể nào làm xáo trộn được sự bình an và hạnh phúc trong con”.

Do đó người tín đồ Phật Giáo thì quen gọi cái thân của mình là thân tứ đại. Tứ đại bất hòa thì có bệnh duyên. Tứ đại ly tan thì gọi là chết. Chết cái thân tứ đại thì người đời không nhìn thấy thân của mình nửa nên gọi là mình đã chết.

Cái mà người ta gọi là chết là quá đơn giản, vì không có cái thân tứ đại sinh hoạt nửa thì kể như xong đời.

Những ẩn dụ của đất, nước, gió, lửa được Đức Phật gợi lên thật mạnh mẽ. Tâm không phân biệt, tâm không kỳ thị, tâm không vướng mắc, tâm rộng lớn, tâm tiếp nhận và chuyển hóa được mọi thứ một cách tự nhiên.

Nhưng theo đạo Phật thì cái thân này đâu phải chỉ là tứ đại như đóa hoa, như hòn sỏi, như đám mây. Nó còn có Không Đại, Kiến ĐạiThức Đại. Đủ bảy đại thì mới trọn vẹn một con người.

Không Đại là cái hư không trống rỗng, rộng lớn đến vô biên.

Kiến Đại là cái thấy biết của chúng sinh, cái thấy biết này cũng rộng lớn và chu biến khắp nơi nên gọi là đại.

Thức Đại là cái nhận thức phân biệt làm chủ thể của cái sống của chúng sinh nên cũng gọi là đại.

Phải đủ bảy đại thì mới gọi là một chúng sinh hữu tình. Còn hòn sỏi, đóa hoa chỉ là chúng sinh vô tình. Với từ ngữ chúng sinh thì chúng ta hiểu rằng do chúng duyên (tức là nhiều yếu tố nên gọi là chúng duyên) hợp lại với nhau mà sinh khởi nên gọi là chúng sinh.

Đóa hoa là chúng sinh vô tình vì do tứ đại giả hợp lại mà có cái gọi là Đóa Hoa. Con người là chúng sinh hữu tình bởi vì do bảy đại giả hợp lại mà có con người.

Tại sao gọi là giả hợp? Bởi có cái giả danh nên có cái gọi là giả hợp. Tại sao gọi là giả danh? Cái danh được gọi chỉ là tạm gọi nên gọi là giả danh.

Ví như cái gọi là đóa hoa thì khi nó đang là hoa thì gọi là hoa, nhưng nó héo héo rồi thì người ta hái bỏ đi thì người ta gọi nó là rác, khi nó rửa nát ra thì gọi nó là phân bón.

Cái thân người xinh đẹp thì gọi là người đẹp, nhưng khi vào nghĩa trang thì gọi là xác chết, khi đào mộ lên cải táng thì gọi là xương trắng…

Khi "Kiến Đại" và "Thức-Đại" rời cái thân tứ đại thì cái thân này là xác chết.

Những nhà Duy vật thì cho rằng cái thân này chỉ là vật chất. Cái gọi là lương tâm hay ý thức thì cũng chỉ là sãn phẩm của bộ óc, mà bộ óc thì chỉ là vật chất, cái sản phẩm của vật chất này sẽ chấm dứt không còn gì khi bộ não chết.

 Vì vậy cái thân này rất quí báu, cần phải ướp xác để làm kỷ niệm, nếu không ướp xác được thì phải lưu xương cốt lại để phụng thờ di tích của một con người.

Con người chết rồi là hết vì vật chất tuy không bị tiêu diệt vì còn luân lưu qua các biến dịch. Nhưng con người thì không còn gì nữa khi cái ý thức không còn bộ óc để tư duy nửa. Tôi tư duy tức là tôi sống. Tôi chết thì tư duy chấm dứt, và chẳng có cái gì để tái sinh. Như vậy cái hạnh phúc và sự hưởng thụ phải được đòi hỏi và thỏa mãn khi còn sống.

Do vậy đây là tư tưởng đoạn diệt và tà kiến. Rất ích kỷ và sẳn sàng lừa dối người và chà đạp người để cung phụng cho mình. Bởi vì cứ hưởng thụ đi rồi chấm hết bởi cái chết là xong. Người tín đồ Phật giáo thì biết duy vật như vậy là tà kiến đoạn diệt.

Do đó biết rằng chết không phải là hết vì vẫn còn Luân hồi. Cũng không phủ nhận Nhân Quả của Thân, miệng, ý của mình.

Do đó tin sâu Nhân Quả, luôn tỉnh thức để gieo Nhân và vui lòng trả Quả vì dòng thời gian là vô tận, Nghiệp Quả phải trả vay chứ không thể nhắm mắt mà làm liều như những người có tư tưởng duy vật đoan diệt.

Đón Xuân Di Lặc, cầu cho mình và cho tất cả pháp lữ thể nghiệm được tâm không vướng mắc, tâm không phân biệt, tâm rộng lớn, tâm tiếp nhận và chuyển hóa được mọi thứ đổ lên mình giống như cách hành xử tuyệt vời của ĐẤT, NƯỚC, GIÓ, LỬA.

11/02/2022

Họa hổ họa bì nan họa cốt - tri nhân tri diện bất tri tâm

 


Đây là một câu thành ngữ trong văn học Trung Quốc cổ.

"Họa hổ họa bì nan họa cốt tri nhân tri diện bất tri tâm"

Họa hổ họa bì nan họa cốt: Nghĩa là khi vẽ con hổ thì vẽ ngoài da (phần ngoại hình) thì được, còn vẽ được xương cốt (cái bên trong) thì rất là khó, thực ra là không thể vẽ được chứ không phải gọi là khó nữa.

Tri nhân tri diện bất tri tâm: Nghĩa là biết người, biết mặt chứ không biết được lòng - lòng người thâm sâu khó dò, nay đây mai đó rất khó có thể biết được, đôi khi bản thân mình còn chưa hiểu nổi mình nữa là.

Nghĩa đen của câu nói khá là rõ ràng, có nghĩa là có những thứ ta có thể nhìn bên ngoài nhưng không thể nào nhìn thấu được bên trong 1 cách dễ dàng được, nên vì thế mà phải cần thận hành sự không nên tin người quá nhiều, dễ dẫn tới niềm tin đặt sai chỗ và đưa ra những quyết định bất lợi đối với bản thân và người xung quanh.

Trong cuộc sống có những việc tin người quá, hoặc không hiểu được người khác có thể bị vạ lây, bị ảnh hưởng tới bản thân mình.

Hiện nay, rất nhiều người chỉ dựa vào khuôn mặt và sự khôn khéo, giả tạo đối nhân xử thế, vậy nên, các bạn đừng chỉ đánh giá con người vội vàng qua bề ngoài, như người Việt ta xưa nay vẫn thường nói: “Dò sông dò biển dễ dò. Đố ai lấy thước mà đo lòng người” hay “Đừng nhìn mặt mà bắt hình dong”.

Bởi vậy học cách nhìn người là cực kỳ quan trọng.

Nói như thế không có nghĩa là ta không thể cứ mãi đa nghi được, phàm đã sống trong cuộc sống nhân sinh này thì vốn dĩ là một vòng kết nỗi giữa người với người, giữa người và tự nhiên, nên ta tốt nhất là thuận theo tự nhiên và có chút tâm cơ trong đó, để cuộc sống chủ động và tốt đẹp theo ý nguyện của chính mình hơn. 

Câu này mang ý nghĩa răn đe, khuyên chúng ta nên dè chừng những thứ chúng ta chưa biết, chưa hiểu rõ để mà đề phòng, chứ không phải khuyên chúng ta tập thói đa nghi, thiếu quyết đoán. Chỉ cần chúng ta trang bị đủ kiến thức là có thể thoải mái họa hổ họa bì và họa cả cốt được đó. Vấn đề là chúng ta phải hiểu được nguyên lý, cách vận hành của nó. Đã đủ kiến thức sống, không phải sợ hãi nhiều.

Bản chất con người rất phức tạp, khó mà nhìn thấu một người. Tuy nhiên thông qua những hành động, cách cư xử cơ bản, ta có thể hiểu hơn về một con người.

Đời người cũng như một chuyến tàu, sẽ đi qua nhiều bến đỗ, người lên người xuống cũng là lẽ thường tình. Ta sẽ gặp rất nhiều người trong đời nhưng không phải ai ta cũng nên kết thân, gắn bó. Lựa chọn đúng người để kết thân, kề vai sát cánh sẽ giúp phần còn lại của cuộc đời bạn trở nên đáng giá hơn.

Cuộc sống vốn ngắn ngủi, đừng lãng phí bất kỳ giây phút nào cho những người thực sự không xứng đáng.

 

 

VÔ MINH


Trong 12 nhân duyên thì Vô Minh (do hai nhân trong quá khứ tạo thành) là cái gốc của sinh tử, vì vậy muốn giải thoát thì phải trừ bỏ được Vô Minh.

Vậy Vô Minh là gì? Vô là không, Minh là sáng; Vô Minh tức là không sáng.

Vô Minh nghĩa là không nhìn thấy cái thật, cái đúng của vạn vật, của sự việc. Như thân ta đây vốn là do tứ đại hợp thành vậy mà cứ tưởng lầm là thật, là quí; đối với tâm theo bóng dáng sáu trần cho đó là tâm thật, vậy là Vô Minh.

Vô Minh có hai phần: Căn bản Vô Minh và Chi mạt Vô Minh. Căn bản là cội gốc, chi mạt là ngọn ngành hay nhánh nhóc.

Căn bản Vô Minh: từ Vô Minh phát ra nghiệp, nghiệp dẫn thần thức đi thọ sinh.... Vậy Vô Minh ban đầu là gốc của sinh tử, nên gọi là căn bản Vô Minh.

Chi mạt Vô Minh: Vô Minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ. Vậy Ái và Thủ chính là chi mạt Vô Minh.

Bây giờ chúng ta tu, không thể tiêu diệt được căn bản Vô Minh vì căn bản Vô Minh là Vô Minh ban đầu, nó thuộc về quá khứ đã qua rồi. Nên hiện tại chúng ta tu là làm sao tiêu diệt được chi mạt Vô Minh, thì sẽ dứt sanh tử

Chi mạt Vô Minh gồm có Ái và Thủ. Vậy Ái và Thủ là gì ?

Ái (hay còn gọi là Yêu): tức là tình cảm của ta đối với sự vật, sự việc thích hay không thích. Nếu thích thì sẽ dẫn đến Thủ.

Thủ ( hay còn gọi là giữ, níu kéo ): tức là khi đã thích sự vật đó thì muốn giữ lấy mà không muốn rời (ví dụ như thấy cuộc sống này tươi đẹp thì không muốn chết, muốn giữ hạnh phúc trên đời hoài; đến khi chết thì cảm thấy sẽ mất hết dẫn đến đau khổ )

Nhưng các bạn đừng hiểu lầm khi thích thì sẽ tạo đau khổ , vậy không thích thì sẽ không còn đau khổ. Không phải vậy đâu; thực chất thì không thích tức là ghét bỏ không muốn giữ. Các bạn hãy xét cho kỹ, vạn vật trên đời này vốn không có thật; vậy nếu ta ghét bỏ cái không thật tức là còn chấp vào cái không thật đó, mà còn chấp nó thì sẽ tạo ra đau khổ dài dài thôi (cũng như cho rằng trên đời này ma là thứ chẳng làm hại được ai nhưng cứ chấp theo các câu chuyện vớ vẩn kinh dị nên đâm ra sợ hãi)

Vậy chúng ta hãy bỏ cái thích và không thích đi (ví dụ như khi ta ăn 1 món ngọt, thì đừng để cái ý nghĩ thích hay không thích nổi lên mà ta chỉ biết rằng nó có vị ngọt).

Đức Phật nói có 8 cái Khổ, 4 phần thuộc vật chất: sinh, lão, bệnh, tử ; 4 phần thuộc tinh thần: ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc, ngũ ấm xí thạnh.

Nói như vậy là đối với người ngu, chưa hiểu đạo; còn người trí thì thấy được cái thân, cái tâm là vô thường, nên sẽ tự hiện ra cái gọi là biết đau khổ chứ chẳng hề có đau khổ nào cả.

Tất cả sự nhìn nhận sai lầm đó đều bắt nguồn từ Vô Minh (ví dụ như cái thân ta đây khi chết thì ai cũng cảm thấy đau khổ; nhưng khi hiểu được chân lí sớm muộn thì ta cũng chết vậy thì tại sao phải đau khổ; chết sớm hay muộn thì cũng đều do nhân duyên của các đời trước thôi)

Vô Minh là các nghiệp ta đã tạo trong các đời trước, nó cứ bám chặt lấy Tâm ta tạo nên những nhìn nhận sai lầm về sự vật, sự việc.

Nói tóm lại "VÔ MINH LÀ NHẬN THỨC SAI LẦM CỦA TA"

Nay muốn phá được VÔ MINH thì phải có nhận thức đúng đắn. Vậy phải làm sao để có được nhận thức đúng ?

Để có được nhận thức đúng thì ta phải cố gắng đừng để sáu căn (*) chạy theo sáu trần (*). Vì nếu cứ để sáu căn chạy theo sáu trần tức là đã nương theo cái không thật, cái sai lầm (hay tà kiến).

Đạo Phật là con đường, là phương pháp đưa chúng ta tới giác ngộ. 

Giác ngộ rồi mới tới giải thoát, không giác ngộ thì không bao giờ giải thoát được.

Trong kinh Viên Giác, Bồ-tát Văn Thù hỏi Phật: “Thế nào là vô minh?” Đức Phật dạy: “Chấp thân tứ đại là thật, chấp tâm sinh diệt duyên theo bóng dáng sáu trần là thật, đó là vô minh”.

Vô minh là gốc của luân hồi sinh tử. Nếu thấy thân tứ đại không thật và tâm hư dối không thật, đó là minh. Như vậy vô minh với minh ở cạnh một bên, không xa xôi gì hết.

Chúng ta tu muốn cầu cái gì? Cầu minh bỏ vô minh, cầu giác bỏ mê. Cầu ở ai? Ở mình, tất cả gốc từ mình mà ra. Thay đổi cái nhìn, từ sai lầm chuyển qua thức tỉnh thì hết mê.

Hết mê là giác, giác một phần là Bồ-tát nhỏ, Bồ-tát con.

(*)Lục là sáu, căn là giác quan. Lục căn là sáu giác quan của con người, gồm có: Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỷ căn, Thiệt căn, Thân căn và Ý căn, tương ứng với Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

Lục trần là sáu trần, gồm có: Sắc trần (Cảnh vật), Thanh trần (Âm thanh), Hương trần (Mùi hương), Vị trần (Mùi vị), Xúc trần (Cảm giác ở thân) và Pháp trần (Cảnh ở trong tâm).

Khi Lục căn tiếp xúc với Lục trần, nghĩa là: Mắt thấy được hình ảnh, mũi ngửi được mùi thơm, lưỡi nếm được chất cay đắng, tai nghe được to nhỏ, thân cảm thấy nóng lạnh và còn ý có suy nghĩ phân biệt. Chính sự phân biệt, thấy biết và phán đoán đúng sai này được gọi là thức.

Do đó Lục thức gồm có: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức và Ý thức.


10/02/2022

Xông sao cho vẫn còn hơi?

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng. 


Một trong các liệu pháp luôn luôn có mặt trong kho tàng kinh nghiệm của y học dân gian, Đông cũng như Tây, chính là phương pháp xông hơi.

Liệu pháp này được ưa chuộng không chỉ vì tác dụng cấp thời mà còn do hình thức áp dụng tương đối đơn giản. Không kể đến phương tiện tốn kém như phòng xông hơi (sauna), hay máy xông mũi, với người bình dân chỉ cần tìm thang thuốc xông, nấu nồi nước nóng rồi trùm mền hít thở đã đủ để giải cảm.

Tuy phổ thông như thế nhưng không phải mọi ai cũng hiểu rõ về cách dùng nồi xông sao cho sau đó thấy khỏe, thay vì tuy gọi là xông hơi nhưng xông rồi cứ như hết… hơi!

Trước hết, nhiều người vẫn tưởng phải nấu nước thật sôi mới có tác dụng. Không đúng! Hơi nước đang sôi nếu may mắn không gây bỏng da cũng kích ứng niêm mạc mũi, mắt, miệng… Đúng là nấu nước cho sôi nhưng để nguội tối thiểu 5 phút rồi hãy trùm chăn hít hơi thuốc.

Kế đến, khi bỏ thuốc xông vào nồi không cho một lượt mà dành các vị có tinh dầu như quế, gừng, sả, húng chanh… vào phút cuối. Trong trường hợp không mua được thang thuốc xông chính hiệu chỉ cần cho nhúm dầu cù là hay muổng canh dầu khuynh diệp vào nồi nước nóng thì cũng có ngay tác dụng tương tự. Nếu tìm được loại dầu nào có tràm trong thành phần càng tốt nhờ thêm tác dụng kháng khuẩn cho đường hô hấp lẫn ngoài da.

Tiếp theo, trong khi xông đừng quên há miệng hít thở cho sâu để hợp chất tinh dầu của bài thuốc có thể cống hiến tối đa tác dụng kháng sinh, kháng viêm, long đờm trong vùng hầu họng. Đừng ngại khi phải đổ nước mắt nước mũi trong lúc xông vì đó là cách giúp đào thải vi khuẩn, nấm mốc, tạp chất… đang bám chặt trên niêm mạc đường hô hấp.

Tham thì thâm. Đừng ngồi lì xông hơi hơn 10 phút! Sau khi xông phải thay ngay quần áo khô, giữ ấm, đặc biệt là hai bàn chân, và nằm nghỉ tối thiểu 30 phút vì hệ tuần hoàn rất nhạy cảm trong lúc và sau khi xông hơi. Nhiều người bị chóng mặt, ngất xỉu do xông hơi quá lâu hay làm việc ngay sau khi xông thuốc.

Có ra cũng phải có vào. Sau khi đổ mồ hôi cần bổ sung ngay cho cơ thể lượng nước và chất điện giải vừa thất thoát.

Uống ngay ly lớn nước khoáng sau khi xông hơi là điều không nên quên.

 

Sau hết, thay vì trùm mền sát đầu, vừa tù túng vừa khó bề xoay trở, có thể sáng tạo một chút bằng cách xông hơi dưới tán của cây dù. Với kiểu này có thể bắt ghế ngồi thoải mái với nồi nước xông đặt trên bàn. Xông hơi với cây dù còn có lợi hơn phương pháp trùm mền ở hai điểm:

–    Về mặt cơ chế vận hành, tùy theo mức độ gay gắt của hơi nước sôi, của hàm lượng tinh dầu mà người xông hơi có thể điều chỉnh cường độ của liệu pháp bằng cách kéo dù xuống sát đầu hay giương dù lên cao một chút.

–    Về mặt vệ sinh, rửa dù dù sao cũng nhẹ nhàng hơn giặt mền.

Mùa covid này chia sẻ cách đơn giản để mọi người An Lành

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng.

 

Bài thơ của Thầy Đường Huyền Trang

      st trên net.

   Thành phố Kushinagar nơi đức Phật nhập niết bàn và đây cũng là nơi mà hơn 13 thế kỳ trước ngài Huyền Trang (Đường Tam Tạng) qua Ấn Độ thỉnh kinh đã thường xuyên đến đây tu hành và học tập. Lúc ấy ngài Huyền Trang cảm khái và có làm một bài thơ: 

"Phật tại thế thời ngã trầm luân

Kim đắc nhân thân Phật diệt độ

Ảo não tự thân đa nghiệp chướng

Bất kiến Như Lai kim sắc thân."



佛在世時我沉淪
今得人身佛滅度
幻惱自身多業障
不見如來金色身


Khi Phật tại thế con trầm luân

Nay được thân người, Phật diệt độ

Buồn thay thân con nhiều nghiệp chướng

Chẳng được diện kiến kim thân Thế Tôn



Dịch ý:

Chúng con từ xưa vô lượng kiếp
Không hay không biết nhiễm bụi trần
Khi Phật ở đời con trầm luân
Nay được thân người Phật diệt độ
Buồn tủi thân con nhiều nghiệp chướng
Không thấy Như Lai thân sắc vàng
Nay con quỳ trước Phật Pháp Tăng
Gội hết bụi trần xin sám hối.


09/02/2022

Kỳ Môn Độn Giáp


Kỳ Môn Độn Giáp chính là một trong ba đại bí thuật chí cao của Đạo môn.

Kỳ chính là Tam Kỳ: Ất, Bính, Đinh.

Môn là Bát môn: hưu, sinh, thương, đỗ, cảnh, tử, kinh, khai.

Độn là che giấu, ẩn đi.

Giáp là chỉ lục giáp: giáp tý, giáp tuất, giáp thân, giáp ngọ, giáp thìn, giáp dần.

“Kỳ Môn” có thể dự đoán tương lai cổ kim, đoạt tạo hóa thiên địa.

“Độn Giáp” có thể dọc theo Lục Nghi, Tam Kỳ, Bả Môn, Cửu Cung.

Nắm giữ “Kỳ Môn Độn Giáp”, liền có thể khống chế hết thảy mọi thứ trong thiên địa.

Cửu Cung Thuật, tức bốn hai vai trên, tám sáu chân dưới, trái ba phải bảy, chín trên một dưới, năm tại trung tâm…


Tác dụng chữa bệnh của cây Thì là

st trên net.

             Thì là là một loại rau gia vị không thể thiếu trong các món canh cá, chả cá… tuy nhiên nó còn có tác dụng chữa rối loạn tiêu hóa, mất ngủ, trầm cảm…

Thì là thuộc họ Hoa tán. Cây thuộc dạng thảo sống hàng năm có thân nhẵn cao 60 – 80cm hay hơn, khía rãnh dọc, rễ trụ. Thì là là một loại rau gia vị không thể thiếu trong các món canh cá, chả cá, chả mực… vừa thơm ngon vừa át được mùi tanh. Ngoài tác dụng làm gia vị trong ẩm thực, thì là còn có tác dụng làm thuốc.

Một số bài thuốc chữa bệnh từ thì là

Chữa rối loạn kinh nguyệt

Thì là có tác dụng kích thích và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, làm giảm đau trong các trường hợp đau bụng kinh ở các thiếu nữ và trong các trường hợp bế kinh gây ra bởi thiếu máu, cảm lạnh. Cách dùng 60g dịch chiết lá thì là trộn chung với 15ml nước ép rau cần tây, chia 3 lần uống trong ngày.

Chữa rối loạn tiêu hóa:

Ăn lá thì là nấu chín mỗi ngày giúp tiêu hóa tốt và chống táo bón. Với trẻ em, 1 – 2 muỗng nước sắc lá thì là trộn vào thức ăn sẽ phòng được chứng rối loạn tiêu hóa và giúp trẻ ngủ ngon giấc. Tinh dầu thì là được dùng trong trường hợp đầy bụng, nấc cụt, ợ chua thừa axit trong dạ dày và chứng tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa.

Chữa chứng mất ngủ: 

Ăn canh rau thì là vào bữa tối hoặc hãm nước hạt thìa là uống thay nước trước giờ ngủ, đêm sẽ ngủ ngon giấc.

Chữa trầm cảm:

 Ngoài những lợi ích về thể chất, hạt thì là cũng là một giải pháp tuyệt vời để khắc phục bệnh trầm cảm, lo âu và rối loạn tâm trí.


Giảm cân

Hạt thì là là thực phẩm lý tưởng trong việc giảm cân. Nó rất hữu ích cho những người đang tìm kiếm giải pháp giải độc cơ thể và giảm béo. Đây được xem là phương thuốc lợi tiểu tự nhiên, giúp cơ thể thải bỏ lượng nước dư thừa, có lợi cho quá trình giảm cân. Tuy nhiên khi sử dụng nó phải được các bác sĩ hướng dẫn cụ thể.

Có lợi cho người cai nghiện: 

Là một tác nhân giải độc tuyệt vời, hạt thì là rất hữu ích cho quá trình cai nghiện. Với nguồn chất xơ dồi dào, nó đem lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Thì là chứa nhiều vitamin B, magie, canxi và kali, nếu đang tìm kiếm các khoáng chất thiết yếu cho chế độ ăn uống, bạn có thể đưa thì là vào trong bữa ăn.

Giảm ho: 

Siro làm từ nước thì là làm giảm bớt những con ho như cuốc kêu. Dầu thì là dễ bay hơi có tính sát trùng nên là một loại thuốc an thần.

Lưu ý: 

Bác sĩ Hoài Hương (Sức khỏe Đời sống) khuyên: thì là có thể ăn được cả hạt, lá và rễ nhưng chất béo chiết xuất từ hạt cây thì là đã được chứng minh nó khá độc hại ngay cả khi sử dụng với số lượng nhỏ – dẫn đến phát ban da, khó thở và buồn nôn.

Những phụ nữ mang thai không nên sử dụng thì là vì trong thì là có chứa số lượng lớn các chất kích thích tử cung.

Tuy nhiên thì là không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào nếu nó được sử dụng trong bữa ăn.

07/02/2022

TÌNH YÊU: CHỈ CẦN VẬY LÀ ĐỦ!

 st trên net.

Trên chuyến tàu về quê ăn Tết, tôi ngồi gần ông bà cụ ấy! Hình như ông cụ còn phải đeo máy trợ thính, thuốc trợ tim và hộp xịt bệnh hen suyễn luôn kè kè bên cạnh. Ông cụ có vẻ mệt hơn bà cụ nhiều vì đường khá xa, nhưng ông không hề kêu ca, chỉ chăm chú để ý bà, thi thoảng hỏi "Bà có mệt không? Có cần nằm không thì tôi xuống đất ngồi để bà nằm ghế".

Bà chỉ lẳng lặng lắc đầu, rồi lại nhìn ra phía cửa. Thi thoảng ông lại nắm tay bà hỏi lại "Bà có mệt không? Có cần nằm không?"

Lúc bà mệt và gục vào ông ngủ, tôi hỏi: “ông bà lấy nhau bao lâu rồi? Ông bảo ông cũng chả rõ. Đã lâu lắm rồi. Giờ bà ấy già lẫn và không nhớ ra ông là ai nhưng bà vẫn ở bên ông vì cảm giác ông quen quen hơn mọi người khác.

Tôi nhớ nhiều lần nằm cạnh nhau, vợ hỏi, "Mình ơi nếu sau này em tầm 60 tuổi mà đã mất trí nhớ ấy, anh có dắt em ra ngoài đường bỏ em ngoài đó không ?". Những lần như thế tôi nổi giận hét : "vợ với con liên thiên à, sao ăn nói ngu thế. Im ngay không tao tống chuối vào mặt bây giờ".

Hôm nay tôi mới hiểu, cuộc đời người đàn bà, ai cũng chỉ mong yêu được, lấy được một người chồng mà cho tới khi già cỗi, chẳng còn phân biệt được ai với ai, vẫn có người ấy thật lòng ở bên chăm sóc, nắm tay nhau cho đến lúc hơi tàn. Giống như ông bà cụ mà tôi gặp hôm nay.

Tình yêu, là thương lấy mọi thứ của nhau, dù là khi còn trẻ, hay là lúc nhăn nheo tuổi già.

Nếu lúc này mụ vợ mất não của tôi, nó mà dụi mặt hỏi tôi liệu có bỏ nó nếu nó già đi và lú lẫn không, tôi sẽ không bao giờ nổi nóng doạ đập chuối vào mặt nó nữa. Vì đi nhiều, gặp nhiều, tôi đã hiểu được trong lòng nó luôn lo sợ điều gì.

Tôi cũng chỉ mong sau này nếu lỡ tôi già trước, tôi quên nó trước, nó vẫn ngồi cạnh tôi, trên chuyến tàu nào đó chẳng hạn, nắm lấy tay và thi thoảng hỏi, "Ông ơi ông có mệt không?"

Chắc tình yêu chỉ như vậy là đủ.

(Theo tôi, câu chuyện trên có tính không thực vì nó diễn ra trên tàu hỏa - nhưng trong thực tế có thể có nhiều câu chuyện tương tự ở các hoàn cảnh khác nhau. Dù sao nó có tính thuyết phục hơn các triết lý)