Lời Đức Phật dạy lúc La Hầu La 17 tuổi rằng: “Này La Hầu La, con hãy học cách hành xử của ĐẤT. Dù người ta có đổ hay
rải lên đất những thứ tinh sạch và thơm tho như hoa hương, nước ngọt, sữa
thơm…, hoặc những thứ hôi hám và dơ dáy như máu mủ, nước tiểu, phân rác…, thì
đất cũng tiếp nhận những thứ ấy một cách rất thản nhiên, không vướng mắc, tự
hào, cũng không oán hờn, tủi nhục… Tại sao? Tại vì đất là địa đại có dung tích
rộng lớn, có khả năng tiếp nhận và chuyển hóa.
Nếu tâm con rộng lớn vô lượng như đất, thì con cũng có thể tiếp
nhận và chuyển hóa tất cả mọi bất công, oan ức… và những thứ ấy không thể làm
cho con buồn tủi và khổ đau.
“Này La Hầu La, con hãy học
cách hành xử của NƯỚC. Dù người ta có đổ xuống nước những chất thơm tho, đẹp
đẽ…, hoặc giặt rửa trong nước những thứ dơ bẩn, hôi hám…, thì cũng không vì thế
mà nước bị vướng mắc, tự hào, hoặc cảm thấy oán hờn và tủi nhục… Tại sao? Tại
vì nước là thủy đại có dung tích rộng lớn, có khả năng lưu chuyển, có thể tiếp
nhận và chuyển hóa tất cả những gì đã tiếp nhận.
Nếu tâm con rộng lớn bao la vô lượng như nước thì con cũng có thể
tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi bất công, oan ức… và những thứ ấy sẽ không
thể làm cho con đau khổ và buồn tủi.
“Này La Hầu La, con hãy học
cách hành xử của LỬA. Lửa có thể tiếp nhận và đốt cháy mọi thứ, dù là những cái
xấu dơ bẩn…, lửa cũng không vì thế mà cảm thấy tủi nhục, buồn khổ, chán chường.
Tại sao? Tại vì lửa là hỏa đại có dung tích rộng lớn, có khả năng thiêu đốt và
chuyển hóa tất cả những gì người ta đem tới.
Nếu tâm con không kỳ thị, không vướng mắc, con cũng có thể tiếp
nhận và chuyển hóa tất cả mọi bất công, oan ức … và những thứ ấy sẽ không thể
nào làm xáo trộn được hạnh phúc và bình an trong con.
“Này La Hầu La, con hãy học
cách hành xử của GIÓ. Gió có thể tiếp nhận, thổi đi và chuyển hóa mọi mùi
hương…, dù thơm, dù thối mà không bị vướng mắc, tự hào, buồn khổ, hay tủi nhục…
Tại sao? Tại vì gió là phong đại có dung tích rộng lớn, có khả năng di động phi
thường.
Nếu tâm con có khả năng chuyển hóa và di động, thì con cũng có thể
tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi bất công và oan ức… mà kẻ khác trút lên con
và những thứ ấy không thể nào làm xáo trộn được sự bình an và hạnh phúc trong
con”.
Do
đó người tín đồ Phật Giáo thì quen gọi cái thân của mình là thân tứ đại. Tứ đại bất hòa thì có bệnh duyên. Tứ đại ly tan
thì gọi là chết. Chết cái thân tứ đại thì người đời không nhìn thấy thân của mình nửa nên gọi
là mình đã chết.
Cái
mà người ta gọi là chết là quá đơn giản, vì không có cái thân tứ đại sinh hoạt
nửa thì kể như xong đời.
Những ẩn dụ của đất, nước, gió, lửa được Đức Phật gợi lên thật
mạnh mẽ. Tâm không phân biệt, tâm không kỳ thị, tâm không vướng mắc, tâm rộng
lớn, tâm tiếp nhận và chuyển hóa được mọi thứ một cách tự nhiên.
Nhưng theo đạo Phật
thì cái thân này đâu phải chỉ là tứ đại như đóa hoa, như hòn sỏi, như đám mây.
Nó còn có Không Đại, Kiến Đại và Thức Đại. Đủ bảy đại thì mới trọn vẹn một con người.
Không Đại là cái hư
không trống rỗng, rộng lớn đến vô biên.
Kiến Đại là cái thấy
biết của chúng sinh, cái thấy biết này cũng rộng lớn và chu biến khắp nơi nên gọi
là đại.
Thức Đại là cái nhận
thức phân biệt làm chủ thể của cái sống của chúng sinh nên cũng gọi là đại.
Phải đủ bảy đại thì mới
gọi là một chúng sinh hữu tình. Còn hòn sỏi, đóa hoa chỉ là chúng sinh vô tình.
Với từ ngữ chúng sinh thì chúng ta hiểu rằng do chúng duyên (tức là nhiều yếu tố nên gọi là chúng duyên)
hợp lại với nhau mà sinh khởi nên gọi là chúng sinh.
Đóa hoa là chúng sinh
vô tình vì do tứ đại giả hợp lại mà có cái gọi là Đóa Hoa. Con người là chúng sinh
hữu tình bởi vì do bảy đại giả hợp lại mà có con người.
Tại sao gọi là giả hợp?
Bởi có cái giả danh nên có cái gọi là giả hợp. Tại sao gọi là giả danh? Cái
danh được gọi chỉ là tạm gọi nên gọi là giả danh.
Ví như cái gọi là đóa
hoa thì khi nó đang là hoa thì gọi là hoa, nhưng nó héo héo rồi thì người ta
hái bỏ đi thì người ta gọi nó là rác, khi nó rửa nát ra thì gọi nó là phân bón.
Cái thân người xinh đẹp
thì gọi là người đẹp, nhưng khi vào nghĩa trang thì gọi là xác chết, khi đào mộ
lên cải táng thì gọi là xương trắng…
Khi "Kiến Đại"
và "Thức-Đại" rời cái thân tứ đại thì cái thân này là xác chết.
Những
nhà Duy vật thì cho rằng cái thân này chỉ là vật chất. Cái gọi là lương tâm hay
ý thức thì cũng chỉ là sãn phẩm của bộ óc, mà bộ óc thì chỉ là vật chất, cái
sản phẩm của vật chất này sẽ chấm dứt không còn gì khi bộ não chết.
Vì vậy cái thân này rất quí báu, cần phải ướp
xác để làm kỷ niệm, nếu không ướp xác được thì phải lưu xương cốt lại để phụng
thờ di tích của một con người.
Con
người chết rồi là hết vì vật chất tuy không bị tiêu diệt vì còn luân lưu qua
các biến dịch. Nhưng con người thì không còn gì nữa khi cái ý thức không còn bộ
óc để tư duy nửa. Tôi tư duy tức là tôi sống. Tôi chết thì tư duy chấm dứt, và
chẳng có cái gì để tái sinh. Như vậy cái hạnh phúc và sự hưởng thụ phải được
đòi hỏi và thỏa mãn khi còn sống.
Do
vậy đây là tư tưởng đoạn diệt và tà kiến. Rất ích kỷ và sẳn sàng lừa dối người
và chà đạp người để cung phụng cho mình. Bởi vì cứ hưởng thụ đi rồi chấm hết
bởi cái chết là xong. Người tín đồ Phật giáo thì biết duy vật như vậy là tà
kiến đoạn diệt.
Do
đó biết rằng chết không phải là hết vì vẫn còn Luân hồi. Cũng không phủ nhận
Nhân Quả của Thân, miệng, ý của mình.
Do
đó tin sâu Nhân Quả, luôn tỉnh thức để gieo Nhân và vui lòng trả Quả vì dòng
thời gian là vô tận, Nghiệp Quả phải trả vay chứ không thể nhắm mắt mà làm liều
như những người có tư tưởng duy vật đoan diệt.
Đón Xuân Di Lặc, cầu
cho mình và cho tất cả pháp lữ thể nghiệm được tâm không vướng mắc, tâm không
phân biệt, tâm rộng lớn, tâm tiếp nhận và chuyển hóa được mọi thứ đổ lên mình
giống như cách hành xử tuyệt vời của ĐẤT, NƯỚC, GIÓ, LỬA.