29/01/2022

"ĐẦU NĂM MUA MUỐI, CUỐI NĂM MUA VÔI" VÀ CÁI TÍCH ÔNG BÌNH VÔI

 

Âu cận Tết, nói chuyện xưa để hòng lưu lại chút văn hóa Việt mong rằng con cháu vẫn cứ tiếp nối truyền thống ông bà xưa vậy.

Dân gian ta có câu “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” để nói về phong tục tập quán của người Việt trong năm mới.

Người xưa quan niệm muối là thứ mặn, chống xú uế, xua đuổi tà ma, và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Mua muối đầu năm cũng có ý nghĩa trong văn hóa ẩm thực, văn hóa tình cảm, nó mang lại sự đậm đà cho các mối quan hệ gia đình, sự hòa thuận giữa vợ chồng, con cái.

Đầu năm mua muối” là mua cái sự mặn mà về nhà cho cả năm. Trong đời sống hàng ngày của đồng bào Bắc Bộ, muối có một vị trí rất quan trọng và chỉ đứng sau gạo. Đầu năm thường mua một bát muối để lấy cái sự mặn mà cho cả năm. Bát muối được mua sẽ được đong đầy tới tận ngọn chứ không gạt ngang miệng bát. Đong đầy được tới đâu, mua bán tới đấy.


Hiện nay, ở vùng nông thôn Bắc Bộ nhiều người vẫn quan niệm đầu năm mua muối thì cả năm sẽ làm ăn tấn tới, tình cảm gia đình trọn vẹn như vị đậm đà của muối.

Có người còn rắc muối ra đường và xung quanh nhà với hy vọng nơi nơi đều bình yên. Sáng mùng một Tết tại các đình chùa, muối được bày bán bên cạnh hoa quả, vàng mã, đèn hương… Sau khi vào lễ Phật, lúc ra về trên tay các bà, các chị là những cành lộc vàng cùng một gói muối; ai cũng đinh ninh trong dạ niềm tin về một năm mới mọi việc tốt đẹp, hanh thông.

Cuối năm mua vôi” là để xây nhà, ăn trầu và dùng để rải 4 góc nhà đuổi tà ma .. Như vậy là vôi có liên quan tới cả 3 việc lớn trong nhà. Người ta thường nói “Bạc như vôi”, do vậy không ai lại đi tôi vôi vào đầu năm cả. Cuối năm mua vôi là mua cái sự bạc bẽo cho xong để đầu năm lại mặn mà, may mắn.


Tránh mua vôi vào đầu năm là tránh những rủi ro trong năm mới, tránh được những mối hiểm nguy, hiềm khích và rạn nứt. Cuối năm mua vôi là để quét lại căn nhà, tường cổng cho sạch sẽ, trắng tinh tươm, chuẩn bị đón năm mới. Vôi quét nhà, cũng là để xóa đi những điều không hay trong năm cũ, thể hiện một sự khởi đầu, bắt đầu lại để sửa chữa những sai lầm, khôi phục lại những thất bát đã qua.

Cũng có một cách giải thích khác cho rằng cuối năm phải mua vôi để tiếp vôi cho ông bình vôi.

Ngày xưa, dân ta thường ăn trầu và có rất nhiều người nghiện trầu. Miếng trầu là đầu câu chuyện, cũng là mở đầu cho những cuộc tình duyên, kết bạn, làm quen, gắn bó… Miếng cau nhai với lá trầu cần phải có một chút vôi trắng muốt quệt vào mới đủ, mới đậm đà, ngon miệng và say.

Và cũng phải có chút vôi trắng ấy mới có được cái màu đỏ làm hồng môi nhau. Cái màu đỏ này tượng trưng cho lòng chung thuỷ, lòng tin yêu nhau của đôi trai gái. Vì thế mà vôi cũng là yếu tố vô cùng quan trọng của miếng trầu. Giá trị của ”vôi” ngày được khẳng định với những ý nghĩa khác nhau cùng sự trường tồn của thời gian.

Ông bình vôi là công cụ để vôi ăn trầu bằng sành xứ, hiện nay chưa thấy hiện vật này ở thời kỳ Đông Sơn. Chiếc bình vôi xưa nhất chưa xác định được, nếu có chỉ ở thời kỳ Bắc thuộc. Ba tiếng “Ông – Bình – Vôi” là từ Hán Việt hóa. Không phải ai cũng đúc được ông bình vôi. Người ta cũng chỉ đúc ông bình vôi vào những tháng nhuận của năm nhuận, nhưng người thợ cả phải sạch sẽ, không tang chế thì mới nặn thành công ông bình vôi.

Khi cho ông bình vôi ăn phải e dè, thận trọng. Khi dùng dao vôi để lấy vôi, nhất thiết không được ngoáy chìa vôi vào lòng ông vì nếu thế sẽ bị bệnh cồn cào ruột gan mà dùng chìa đưa thẳng rồi rút ra. Vì thế, miệng ông cứ mỗi ngày một đầy, thành vành khuyên, hôm trở trời tự lóc ra, người ta dùng dao khứa chân rồi đem xâu vào dây treo trước cửa mạch (cửa phụ nữ và ma quỷ hay ra vào) để trừ tà.

Một khi ông bình vôi đã đặc ruột, người ta rước ông cùng xâu miệng lên chùa để dưới chân cây hương, dưới gốc mít, gốc đa. Lâu ngày lăn lóc, sương đọng vào bụng ông, gặp con sài đẹn, hay bị sơn ăn thì người ta lấy nước đó mà uống, mà bôi. Ai bị sâu răng thì mua ngọc trai tán nhỏ hòa vào nước này uống sẽ khỏi.

Ông bình vôi là vật thiêng trong nhà người xưa, do vậy lúc nào cũng phải cho ông ăn no, ăn đủ. Tuy nhiên do “Bạc như vôi” nên người ta chỉ cho ông ăn vào cuối năm chứ không ai cho ông ăn đầu năm cả.

Hơn nữa ý nghĩa của việc “mua muối đầu năm” là để cha mẹ nhắc nhở con cái “ăn dè, ăn nhịn”, tiết kiệm để dành tiền “cuối năm mua vôi” xây nhà. Ngoài ra còn có giả thuyết cuối năm mua than (để mua cái vận đen vào nhà cho hết năm) hoặc mua dầu (để luôn giữ cho đèn trong nhà tỏa sáng). Tuy vậy, thường thì người ta hay nói nhất là “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi“ mà thôi.

28/01/2022

Tránh lầm Sâm Cau với rễ cây Bồng Bồng

 Thu thập từ nhiều nguồn trên net.

Bản thân mình đã từng bị nhầm nên viết bài này để giúp mọi người có thông tin hữu ích.

Sâm cau được biết đến là loại cây tự nhiên quý giúp tăng cường sức mạnh sinh lý nam.

Sâm cau còn được gọi là tiên mao, có tên khoa học là Curculigo orchioides Gaertn là một thảo dược vô cùng quý hiếm. Sâm cau từ xưa tới nay vẫn được coi như viagra dành cho các quý ông. Sâm cau có tác dụng tăng ham muốn, hỗ trợ nam giới bị liệt dương, yếu sinh lý, tinh trùng yếu, vô sinh bằng các bài thuốc tán bột hoặc rượu ngâm từ rễ Sâm cau.

Chất Curculigin A trong Sâm cau giúp kích thích ham muốn tình dục mạnh, tăng tần suất, thời gian quan hệ, tăng sinh tinh tới 150%. Cao cồn thân rễ Sâm cau có hoạt tính sinh dục nam mạnh nhất, là dược liệu tăng cường bản lĩnh phái mạnh gấp 1,5 lần so với các dược liệu có tác dụng tương tự, là “Viagra” tự nhiên tốt nhất cho nam giới.

Trong thân và rễ Sâm Cau có nhóm chất cycloartan triterpen saponin làm tăng khả năng sản xuất nội tiết tố nam testosterone, chống co thắt, làm thư giãn cơ, tăng cường hoạt động của tế bào Leydig của tinh hoàn – nơi sản xuất ra testosterone trong cơ thể làm tăng nồng độ testosterone một cách tự nhiên đồng thời cũng giúp chống lại những bất thường về tinh trùng như: tinh trùng yếu, chưa hoàn thiện hoặc kém chuyển động...

Củ sâm cau

Để sử dụng Sâm cau đạt hiệu quả cao nhất, việc kết hợp với các dược liệu có tác dụng tương tự sẽ mang lại công năng vượt trội, trong đó phải kể đến Nhung hươu Bắc cực. Sâm Cau cường tinh tráng thận, còn Nhung hươu ích huyết, sinh tủy. Cho nên khi cặp đôi này phối hợp với nhau sẽ đem lại tác dụng “kép” vượt trội: giúp da dẻ hồng hào, khí huyết đầy đủ, cơ thể cường tráng và sinh lý mạnh mẽ trở lại.



Củ sâm cau tươi

Sâm cau mọc ở các tỉnh miền núi từ Lai Châu, Cao Bằng, Tuyên Quang…đến Tây Nguyên. Tuy nhiên, trước những năm 1980, Sơn La và Hòa Bình khai thác quá mức, đến nay đã khan hiếm. Bởi vậy, hiện nay, Sâm cau đang được trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, chính bởi những tác dụng tuyệt vời từ Sâm cau, dược liệu này được không ít người săn lùng. Đáp ứng nhu cầu, thị trường xuất hiện nhiều nguồn cung cấp dược liệu quý này. Tin theo lời quảng cáo của người bán, không ít người đã chi cả triệu đồng để mua “Sâm cau” về ngâm rượu, thế nhưng lại bị nhầm với củ rễ cây bồng bồng mà họ hay gọi là sâm cau đỏ.



Rễ cây Bồng bồng

Rễ cây Bồng bồng có tác dụng lợi tiểu, giải nhiệt, giải độc, hoàn toàn không có tác dụng sinh lý. Việc sử dụng nhầm dược liệu vừa không có tác dụng cải thiện sinh lý nam mà còn có thể gặp nhiều tác hại vì toàn cây bồng bồng bỏ rễ có độc, dùng phải thận trọng.

Để phân biệt cây bồng bồng với sâm cau, theo TS.BS Phạm Hưng Củng, Sâm cau lá hẹp có tên khoa học là Curculigo orchioides Gaertn, là cây thảo, cao 20 – 30cm, lá mọc tụ họp thành túm từ thân rễ, xếp nếp như lá cau, hình mũi mác hẹp. Phần thân rễ chính dạng củ, cắm sâu xuống đất.

Ở dạng nguyên củ, sâm cau thường chia đốt rõ ràng, vỏ màu nâu đen, thân chỉ có 1 rễ chính, không phân nhánh, có các dễ con to bán quanh thân dễ chính.

Trong khi đó, cây Bồng bồng có tên khoa học là Dracaena angustifolia, thuộc họ Huyết giác (Dracaenaceae), là cây nhỏ, cao 1 – 2m. Rễ củ phân nhánh nhiều, màu hồng. Ở dạng nguyên củ, sâm cau thường chia đốt rõ ràng, vỏ màu nâu đen, thân chỉ có 1 rễ chính, không phân nhánh, có các rễ con bám quanh thân rễ chính.

Mong bài viết này cung cấp tới các bạn những thong tin hữu ích.

HOA TÍM

 

XUÂN DIỆU


 

Lâu lắm, em ơi, tháng rưỡi rồi

Sao nhiều xa cách thế em ơi! 

Sớm trông mặt đất thương xanh núi 

Chiều vọng chân mây nhớ tím trời. 

 

Bỗng nhiên trời đất nhớ người yêu

Mây vắng chim bay, nắng vắng chiều 

Nước chảy lơ thơ bờ líu ríu 

Mây chừng ấy đó, gió bao nhiêu. 

 

Hoa tím tương tư đã nở đầy,

Mời em dạo bước tới vườn đây; 

Em xem, yêu mến em gieo hạt, 

Hoa tím tương tư đã nở đầy. 

 

 


27/01/2022

CON GÀ TRỐNG TRÊN MÂM CÚNG DẠY TA ĐẠO LÀM NGƯỜI

 Tập hợp từ nhiều nguồn trên net.


Đồ bày trên mâm cơm cúng ngày giỗ, ngày Tết hóa ra không phải chỉ để thể hiện sự sung túc, no đủ và lòng thành của người cúng, mà còn là lời nhắn nhủ của tiền nhân về đạo làm người.

Một chú gà trống ngậm hoa hồng đỏ từ lâu đã là thứ không thể thiếu trên mâm cúng ngày Tết của mỗi gia đình người Việt.

Không giống như các vật cúng tế có ý nghĩa về hình ảnh hoặc âm thanh qua tên gọi, như xôi gấc đỏ để tượng trưng cho may mắn, chân giò (tiếng Hán Việt là “trư túc” đồng âm với “chư”: mọi thứ và “túc”: sung túc, no đủ) tượng trưng cho sự ấm no đủ đầy, hình ảnh con gà trống còn mang một ý nghĩa sâu sắc về ngũ đức của người quân tử.

Trong Thập nhị chi (12 con giáp), thì gà trống biểu tượng cho sự cương trực, mạnh mẽ.

Sử sách nước Việt ta ghi lại việc Tả quân Lê Văn Duyệt thời Nguyễn từng nói với vua Gia Long về ngũ đức của gà dựa trên lời Điều Nhiêu khi xưa:

Một là, đầu có mào như đội mũ, thân có lông đẹp như quần áo, gọn gàng đó là Văn.

Hai là, chân cứng, có cựa nhọn để làm vũ khí, ấy là Võ.

Ba là, thấy đối thủ là xông vào, ấy là Dũng.

Bốn là, tìm thấy thức ăn liền gọi đồng loại, đó là Nhân.

Năm là, đúng giờ, đúng canh liền cất tiếng gáy, ấy là Tín.

Lê Văn Duyệt tâu với vua rằng, binh thư có câu: “Phàm người làm tướng phải có đủ những đức: Văn, Võ, Dũng, Nhân, Tín mới có thể làm ba quân mến phục. Có vậy mới là tướng tài để đánh thắng cường địch”.

Gà trống có bộ lông vũ rực rỡ nhưng hài hòa, uy vũ, lại đầy đủ cả mũ miện chỉnh tề nên đại diện được cho cái đức Văn.

Cái Võ, Dũng của gà trống uy vũ và hiên ngang. Tương truyền Nguyễn Lữ nhà Tây Sơn sau khi quan sát các thế đá của gà chọi đã sáng tạo ra Hùng kê quyền (bài quyền con gà trống). Ông còn để lại bài thơ miêu tả các thế đánh cương nhu kết hợp, oai võ tựa Thanh Long, Bạch Hổ của gà chọi qua bài “Quyền Thiệu Hùng Kê”.

Bất kể trời đông giá rét, hay trời hạ dông dài, bất kể ngày nắng oi nồng hay ngày mưa gió bão bùng, cứ đúng giờ, đúng canh, gà trống lại cất tiếng gáy báo hiệu cho mọi người thức dậy làm ăn. Ấy cũng là cái đức Tín nổi bật của gà trống.

Gà trống cúng thường có thêm bông hoa hồng đỏ gắn ở mỏ cũng có thể là mô phỏng hình ảnh gà gọi mặt trời, báo hiệu một thời kỳ tươi sáng đang đến.

Bên cạnh đó, là hình ảnh của người quân tử, vốn mục tiêu mà mỗi người khi sống trên đời đều nên hướng tới trong văn hóa truyền thống xưa kia, gà trống không thể thiếu cái đức Nhân vị tha. Nhân Nghĩa khi nghĩ tới người khác trước khi nghĩ đến mình vốn là nền tảng đạo đức làm người cơ bản của Nho gia, cũng thể hiện sự Thiện lương coi người như mình của Phật gia.

Cái Võ, Dũng mà không đi với đức Nhân thì sẽ trở thành Võ Dũng của kẻ thất phu.

Điều mà người có Võ, Dũng cần luyện tập, hóa ra không phải chỉ là tăng cường sức mạnh và kỹ năng, mà cái chính là tu dưỡng cho “đức toàn bị”, lúc đó sẽ không để bị hoàn cảnh và vật ngoài thân tác động được đến mình nữa, không dễ bị kích động và kiêu ngạo về Võ, Dũng của mình.

Đối với vạn sự vạn vật là luôn dùng đức Nhân để đối đãi, không đấu với người, không cầu thắng người mà cầu thắng những dục vọng của bản thân mình. Thế nên Võ Dũng cũng đâu phải ý bề mặt chỉ sức mạnh của người đàn ông, ai ở trên đời muốn chiến thắng mình và những thói hư tật xấu của mình thì đều cần tới Võ Dũng để kiên định, vững vàng vượt qua cám dỗ.


                                                                     Gà trống. (Tranh dân gian Đông Hồ)

Gà trống còn truyền cảm hứng nhân sinh qua hình ảnh thanh cao, không tơ tưởng dục vọng dù bản thân có nhiều thê thiếp của người quân tử xưa kia:

“Chân đạp miền thanh địa,

Đầu đội mũ bình thiên,

Mình mặc áo mã tiên,

Ban ngày đôi ba vợ,

Tối một mình nằm riêng”.

(Ca dao)

Ngũ đức mà gà trống đại diện cho đã trở thành lời dạy của cổ nhân về đạo làm người.

Mâm cúng Tất niên thể hiện tấm lòng thành của con người, vừa tỏ bày ước vọng trong năm mới, nhưng cũng như một lời hứa thành kính và nhắc nhở bản thân về những gì cần làm trong thời khắc thiêng liêng của Đất Trời. Làm người phải có được ngũ đức, sống sao cho không phải hổ thẹn, lại có thể giúp đỡ được người khác, lập thân hiên ngang đĩnh đạc ở trên đời.

Từ đó, việc cúng gà trống có một ý nghĩa thật sâu sắc mà nếu như hiểu rõ, chắc hẳn chúng ta sẽ lắng lại một chút trong giây phút linh thiêng, kính cẩn bên bàn thờ ngày Tết mà tự suy xét mình.



26/01/2022

Bảo tồn lễ tết cổ truyền (1934)

(nhactrinh.vn)

Có người đã viện vì lẽ xa xỉ, mất thì giờ mà bảo nên bỏ cái lễ Tết Nguyên Đán.

Vậy ý kiến ấy nên theo hay không? Nên là vì lẽ gì? Không nên là vì lẽ gì?

Tết Nguyên Đán là một lệ cổ mà nước Việt Nam ta gìn giữ kể đã mấy ngàn năm rồi. Gần đây, có người thấy ngày Tết người ta ăn tiêu xa xỉ quá thì cho là ngày vô ích, bảo nên bỏ đi. Bỏ đi cũng phải, vì ngày Tết cũng như bao nhiêu ngày khác trong năm, mà làm gì cho mọi người nô nức tiệc tùng, rượu chè linh đình, biết bao là tốn công của, đời là đời cạnh tranh, người kiệm của hiếm, nào có dư dụ đâu như đời cổ mà cũng “ăn Tết” cho nghèo dân, nghèo nước.

Giữ Tết cũng không ích gì cho non sông đất nước, mà bỏ Tết nghĩ cũng không hại gì cho non sông đất nước. Giữ lại hay bỏ đi thì non sông đất nước cũng vẫn là non sông đất nước này. Tết nó không đủ làm cho hơn thua được gì đâu, mà bỏ đi thì người ta khỏi phải một lần ăn tiêu quá độ “gánh vàng đem đổ sông Ngô”, chẳng hay là dư?

Nếu Tết nó chỉ có ngần ấy chuyện thì cũng nên bỏ phăng nó đi chớ còn tiếc thương làm gì nữa!

Nhưng nói ra rồi nghĩ lại, Tết chẳng phải chỉ có cái hình thức ấy mà thôi, Tết nó còn là cái tinh thần của nó.

 Không! Tết nào phải là ngày vô nghĩa, ngày Tết nào phải là ngày để ăn tiêu xa xỉ, chơi bời quá độ. Ngày Tết đối với dân tộc Việt Nam là một ngày đầm ấm vui vầy, có hàm một cái ý nghĩa rất là thâm trầm cao thượng.

Dùng sức óc tưởng tượng một chút thì thấy cuộc đời là một cuộc lữ hành, nếu cuộc lữ hành ấy mà vô cùng vô tận “chân trời góc bể, biết đâu là nhà”, mà phải cái tình cảnh “lỡ độ đường” thì tất sinh biết bao nhiêu lòng thất vọng. Ở đời mà đã đến thất vọng thì còn gì là sinh thú nữa. “Đã không biết sống làm vui. Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương!” thì đời cũng không còn gì là đời nữa. Nên cổ nhân mới đặt ra một năm có một lần Tết.

Một lần Tết tức là một “độ đường” để người đi trong cuộc đời, dần dần một độ qua một độ, cho khỏi sinh buồn chán.

Ngày Tết tức là ngày để ghi cho biết rằng cuộc đời người ta đã đi khỏi được một độ trong con đường dài vô hạn vô cùng. Hết một độ đường cũ, qua một độ đường mới, đường dẫu dài mà hy vọng không cùng; khách lữ hành vẫn vui bước, bước lên quãng đường cảnh mới…

Ngày Tết lại là ngày cúng giỗ, phụng sự tổ tiên để kẻ con cháu nhớ lại cái công đức “cây cội nước nguồn”.

Có người vì mưu lấy hạnh phúc cho cuộc đời phải xa cách quê hương, nếu không có ngày Tết, này nặng nghĩa tôn giáo gia tộc khiến cho lòng khắc khoải vì tiếng thiêng liêng của hồn nòi giống gọi về, về cho cha con, anh em, họ hàng sum họp vui vầy để thoả tấm lòng du tử, thì đời người còn gì là thú vị nữa.

Một ngày đã có ý nghĩa hay như thế mà lại nỡ huỷ đi hay sao?

Xét về hình thức thì nên bỏ, bỏ đi là phải, nhưng xét về tinh thần thì lại nên bảo tồn lắm. Tết, nó có điều dở là tự mình làm cho nó dở, chơi bời quá độ, ăn tiêu xa xỉ là tự mình, chứ Tết nào bảo ta như thế!


Bỏ hình thức mà giữ tinh thần, Tết há không phải là một cái tệ hay đáng nên bảo tồn lắm ru? Bỏ Tết là huỷ đi mất một cái phong vị rất hay riêng của nước Việt Nam, trừ nước Việt Nam ta, không có nước nào có cái phong vị ấy, cái phong vị khiến cho quả tim người và quả tim trời đất như đập cùng một nhịp.


Tác giả: T.M Đã đăng trong tập Lời Hoa do Đông Hồ nhuận sắc, Tri Đức học xã xuất bản năm 1934




 

TẤM ẢNH VÀ BÀI THƠ TRONG TÚI ÁO NGỰC

 


Năm 1968, tại trận chiến đấu giữa ta và địch trong một khu rừng đại ngàn của Trường Sơn (thuộc Liên khu 5), nhiều chiến sĩ ngã xuống để giữ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trong số đó có một chiến sĩ không ai biết tên tuổi, quê quán của anh. Chỉ biết trong túi áo ngực anh có một tấm ảnh nhỏ cỡ 6cm x 9cm.

Người trong ảnh là một nữ công nhân, mặc áo trắng, quần yếm xanh, tay cầm chiếc thoi dệt vải. Mặt sau của ảnh có bài thơ chép tay.

“Đợi anh vợi mùa Xuân

Chẳng thấy anh trở lại

Chỉ thấy chim én về

Và hoa đào vẫy mãi

Tay vít một nhành hoa

Níu áo mùa Xuân hỏi:

"Vì người công tác xa

Xuân ơi Xuân có đợi?"

Xin một nụ trên cành

Ủ kín vào thương nhớ

Em để dành mùa Xuân

Đợi anh về mới nở”.

 

Bao nhiêu nhung nhớ, bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu nỗi niềm và hy vọng, người con gái ấy đã gửi gắm cả vào từng câu, từng chữ. Đọc bài thơ lên, ta có cảm giác như đang lắng nghe tiếng lòng sâu lắng, da diết nhưng cũng hết sức mãnh liệt của cô gái gửi cho người chiến sĩ trẻ ngoài chiến trường.

Thương người phương xa, cô gái níu một nhành hoa xin mùa xuân hãy đợi người về rồi hãy nở.

Thời gian có chảy trôi, dù bao khó khăn gian khổ, hy sinh nơi chiến trường, thì niềm tin và tình yêu ấy vẫn mãi mãi rạo rực, đợi ngày khai hoa, kết quả.

Đó chính là động lực để người chiến sĩ vững tay súng, là sức mạnh để cô gái lao động, sản xuất xây dựng hậu phương.

Tình yêu đôi lứa đã được hòa quyện một cách sâu sắc vào tình yêu quê hương đất nước.

Nội dung của của bài thơ khiến bao trái tim người đọc phải rung động, thổn thức và suy ngẫm về tình yêu, khát vọng để mùa Xuân của đất nước mãi xanh tươi./.

Mai HoaMai, sưu tầm

 

25/01/2022

Ngẫm n+3

 


 Người ta thường nói: Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề.

Có lẽ nhiều người thấy có lý, dưng tôi thì Không vì tôi chỉ là người bình thường và tôi thấy:

Khi được sống trong sự đầy đủ, dư thừa của tình yêu, thì cái cảm giác sôi nổi trong tình yêu thường bị khô héo đi, và người ta không còn có thể nhận thức được đâu là tình yêu chân thật và đâu là tình yêu giả dối, giữa cảm giác bình yên và buồn chán (st).


Bỏ qua Quá khứ, hãy sống tốt ở Hiện tại và chờ đón Tương lai.

Dù gì chăng nữa thì Quá khứ cũng đã trôi qua. Ta cần phải chuyển sự tập trung của mình vào những gì đang xảy ra ở ngay tại đây và ngay lúc này. Rất khó để quên đi những gì đã qua, nhưng nếu muốn thành công cho Tương lai, ta cần phải chuyển sự tập trung của mình sang những gì đang xảy đến với bạn ngay lúc này, bởi vì cách tốt nhất để sống là sống trong thực tại.

Bạn không thể làm bất cứ điều gì để giũ bỏ được trách nhiệm. Điều mà bạn có thể làm đó là cố gắng để không đưa ra những quyết định sai lầm thêm một lần nữa. Ta nhận thức được về chỗ mà chúng ta đã gây ra rắc rối và cố gắng hết sức để không lặp lại điều đó.

Nếu quá khứ là những gì tốt hơn đối với bạn và bạn khao khát sẽ lại có được những ngày tháng huy hoàng đó, bạn hãy học cách biết trân trọng những kỉ niệm nhưng ngay bây giờ bạn cần phải tiếp tục tiến lên và cố gắng để có được một khoảng thời gian đẹp đẽ khác. Ta cần phải bỏ lại phía sau những gì là tốt đẹp và tìm kiếm những thử thách mới, những lĩnh vực mới để thôi thúc ta tiến lên.

Hãy thử coi quá khứ của bạn như là một căn phòng tách biệt với căn phòng mà bạn đang ở bây giờ. Bạn có thể đi vào đó nhưng bạn không bao giờ còn sống trong đó nữa. Bạn có thể ghé thăm nó nhưng nó không còn là mái ấm của bạn nữa.

 Mái ấm là ở đây - là căn phòng hiện tại này. Mỗi giây phút của hiện tại đều rất quý giá. Đừng lãng phí bất kỳ khoảnh khắc quý báu nào với việc dành quá nhiều thời gian ở trong căn phòng cũ kỹ đó. Đừng bỏ lỡ bất cứ điều gì đang diễn ra ngay lúc này chỉ vì bạn quá bận bịu với việc nhìn lại những gì đã qua, hay sau này bạn cũng sẽ bận bịu với việc nhìn lại những gì đang xảy ra tại thời điểm này và tự hỏi tại sao bạn lại lãng phí nó.

Bạn hãy sống ở ngay tại đây, ngay bây giờ và ngay giây phút này. 

Tuy cách uy nghĩ này rất Tây dưng nó đúng.

Ngẫm n+2: Ung dung nở nụ cười

 


(đọc, tập hợp rồi suy ngẫm; cop từ anh Lưu Khâm Hưng)


Nhà Phật có giảng, mỗi bông hoa một cõi trời, mỗi ngọn cỏ một thế giới, mỗi thân cây một cõi Bồ Đề, mỗi nụ cười một kiếp trần duyên, mỗi niệm phúc lành một cõi an lạc.

Tâm thái mỗi người tựa như hoa sen khai nở. Trải qua một đời bể dâu, biết bao phen gió táp mưa sa, lên lên xuống xuống, nhìn không thấy quang cảnh trước mặt, cũng không đến được bờ bên kia.

Là thời gian đã dạy chúng ta biết dũng cảm kiên cường, học biết chấp nhận và trưởng thành, khiến cho mọi con đường đã đi qua đều chứa đầy hy vọng.

Cuộc sống mệt mỏi, kiếp người long đong. Trên chặng đường của cuộc đời, luôn có những phiền não khiến ta dính mắc không thôi, xem nhẹ được thì sẽ an nhiên, buông xuống được thì sẽ tự tại. 

Trên đường đời, chúng ta sẽ gặp rất nhiều sự tình khiến mình phiền não, ta sẽ bị phiền não bủa vây không dứt. Nếu cứ mãi vướng mắc những câu hỏi vì sao, như thế nào thì rất nhiều sự tình sẽ nghĩ không được thông.

Chuyện dẫu lớn hơn, ngày mai đều sẽ trở thành chuyện cũ, nếu cứ mãi đắm chìm trong đó cũng chẳng có ích gì.

Thế gian này, có quá nhiều chuyện bất đắc dĩ, có quá nhiều chuyện không biết phải làm sao được. Tuy vậy, bất kể thế nào, những lúc nên cười thì hãy cứ cười. Chuyện đã qua đi, dẫu không như ý, thì hãy cứ để nó qua đi, nghĩ thoáng một chút không có gì là không tốt cả.

Hãy thử tưởng tượng, bạn là một hạt giống, nếu không có bùn và nước, thì dẫu bạn có đặt bạn ở trong núi vàng núi bạc đi chăng nữa cũng không cách nào nảy mầm được. Chỉ có trong bùn đất, bạn mới có thể chứng minh được giá trị vốn có của mình.

Trên đời có muôn vàn phiền não, phần nhiều đều là bởi ta nghĩ không thông. Chỉ cần chúng ta nghĩ được thông, bạn sẽ nhận thấy thì ra trên đời này vốn không có tốt và xấu tuyệt đối, chỉ cần bạn tìm được đúng vị trí của mình, tìm được điều thích hợp với bản thân, thì đó chính là điều tốt nhất.

Học giả Lâm Thanh Huyền có nói:

“Điểm thấp nhất của thung lũng chính là khởi điểm của ngọn núi, rất nhiều người đi vào trong thung lũng sở dĩ không bước ra được, chính là bởi họ dừng chân trong thung lũng, đứng ở đó phiền não khóc lóc. Vậy nên, bất kể thế nào, bất kể gặp phải sự tình gì, đều đừng nhất mực đứng ở trong thung lũng khóc lóc, mà hãy mỉm cười khích lệ bản thân”.

Có người nói, những điều phiền não trong cuộc sống nhiều như những sợi tóc trên đầu, không chỉ ba nghìn sợi.

Cũng có người nói, trần gian ba nghìn việc, dửng dưng một nụ cười.

Đời người vô thường, lòng người thường đổi thay, cớ chi phải tự ràng buộc mình trong những thị phi ân oán đó. Xem nhẹ rồi, mọi thị phi ân oán đều đã nhẹ tênh. Buông xuống rồi, thành bại được mất cũng chỉ như gió thoảng mây trôi. Những gì không vui, hãy cứ để nó trôi theo dòng nước, giữ lại cho bản thân một phần lặng lẽ hồn nhiên.

Hồng trần cuồn cuộn, giữ được tâm thái tĩnh lặng có thể giúp ta thấy được cảnh sắc tươi đẹp. Tấm lòng rộng mở, ta càng bước đi càng thấy đường rộng thênh thang. Tâm thái an nhiên, mỗi một bước chân đều chứa đầy niềm vui. Dứt bỏ phiền não, ung dung nhẹ nhàng bước về phía trước, đến một ngày kia, ta sẽ thấy được cảnh sắc mỹ diệu phía cuối chặng hành trình.

Tự nhắc mình phải cố như vậy. Khà khà.