Ngô Quang Hưng
…
***
Sài Gòn, dù trong thời buổi
khó khăn nhất, vẫn như một cô tiểu thư đài các: đỏng đảnh đôi chút mà dễ thương
thiệt nhiều.
Nhắc đến Sài Gòn người ta hay
nhắc đến mưa, nhưng tôi lại nhớ dai dẳng cái nắng gay gắt của nó.
Nhà tôi ở một con đường nhỏ.
Trưa hè đặt cái “lưng dài vai rộng” xuống nền gạch bông mát lịm, ngắm bầu trời
xanh ngắt, gió nhẹ hiu hiu, thì không có nơi nào trên quả đất này cho cảm giác
thanh bình hơn.
“Một ngõ vắng xôn xao
Nằm trong lòng phố lớn …”
Khác với Hà Nội, không gian
Sài Gòn rất thoáng, chí ít là cách đây hơn 15 năm. Không gian của một buổi trưa
hè hiu gió còn thoáng hơn vạn lần. Tôi luôn có cảm giác mình có thể bay bổng
lên, thò tay với cụm mây bồng bềnh trêu ngươi.
Tuy thoáng, không gian Sài Gòn
không bao giờ làm ta cảm thấy lạc lõng. Những tiếng rao thi thoảng của người
bán dạo nghe nao nao, cuộn cả buổi trưa hè thành một miếng bột bánh bèo trắng
phau với ít đậu xanh, mỡ hành, nước mắm đường ngọt lịm.
Từ ve chai, bánh bao chỉ, chè
đậu xanh bột báng nước dừa, kẹo kéo, tàu hủ, đến mì gõ, … đều có nguời mang đến
tận cửa. Có rất nhiều tiếng rao mà đến bây giờ tôi vẫn không hiểu nghĩa, nhưng
nghe cái cung nhạc ấy thì biết ngay là họ bán cái gì.
Người Sài Gòn cũng thoáng như
không gian Sài Gòn vậy! Không đâu có thể dễ có nhiều bạn, và bạn không tồi, như
ở Sài Gòn. Không chỗ nào trên đất Việt Nam người ta sống năng động và khoáng
đạt hơn ở Sài Gòn.
***
Trước khi bàn chuyện “người
lớn” này, xin mạn phép quay lại chuyện thằng Tí thằng Tèo.
Ðối với một thằng Tèo Sài Gòn
chính gốc con nhà nòi thì Sài Gòn dĩ nhiên là “bự” hơn một buổi trưa hè.
Sài Gòn là những chiều tụ tập
bấm chuông nhà người ta, cho đến khi nghe chửi “D.M. tụi bai con cái nhà ai mất
dại bấm chuông wài dzậy!!!” thì mới chịu vắt giò lên cổ chạy.
Sài Gòn là các hồ bơi Lao
Ðộng, Chi Lăng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, là mấy củ khoai mì nóng hổi với dừa nạo, là
nước mía lạnh, là ốc dích ốc táng, là bắn bi ca-de với những câu đồng dao khó
hiểu như thần chú: “lang cang báng dội ăn tiền”. Nói sai hay nói thiếu một chữ
là đánh nhau chí tử để rồi ngày mai lại càu nhàu chơi tiếp.
Sài Gòn là những buổi tối cúp
điện, tụ họp ca hát hay vừa hồi hộp vừa thích thú nghe và kể chuyện ma như
chính mắt mình thấy hôm qua.
Sài Gòn là những con diều làm
đi làm lại, treo thêm cả vài cái lưỡi lam để cắt dây diều khác; là dế hộp quẹt
thổi phù phù “đá bắt xác”; là chùm ruột chua ngọt, những cùi thơm, cóc ổi ngâm
cắm que cà rem “đa năng” không biết đã được dùng lại bao nhiêu lần.
Lớn lên một tí, Sài Gòn là cô
bé hồi hộp chờ thằng Tèo hái cho cả cành phượng về ép làm bướm; là hàng điệp
trải thảm vàng rực ở trường phổ thông; là quán cà phê từng buổi đón em về.
Xin trích đoạn một bài hát tôi
viết đã lâu, đặt tên (rất tự nhiên) là “Lâu Lâu”:
“Lâu lâu ngồi nhớ hồi xưa
Buổi trưa thường hái trộm
me
Thằng leo, thằng đứng làm
thang
…
Lâu lâu ngồi nhớ hồi xưa
Phượng cao mấy cũng trèo
lên
Chỉ vì cô bé mắt tròn
xoe, … mắt tròn xoe”
Dĩ nhiên, cô bé mắt tròn xoe
của tôi vẫn đang ở … Sài Gòn.
Sài Gòn đáng yêu lắm! Nó đơn
giản và khoáng đạt, không bao giờ cần cái văn vẻ “màu mè ba lá hẹ”, không cần
các suy nghĩ tự tôn ra vẻ triết gia hướng nội, để phải miệt thị kẻ khác quan
điểm.
***
Sài Gòn còn là thành phố của
sự đối lập: giữa những biệt thự kín cổng cao tường và đám nhà ổ chuột trên
những con kênh hôi hám; giữa văn minh đô thị và những tiếng chửi thề; giữa sự
ồn ào bụi bặm và không gian im lắng thanh tao. Nổi bật hơn tất cả là sự đa dạng
vô cùng của con người Sài Gòn. Ðặc biệt là họ không sống “như đã từng được
sống”, mà luôn “sống như chưa được sống bao giờ”.
***
Ân mình sau các hàng bông
giấy, dây thủy tiên chói đỏ, là những ngôi biệt thự lúc nào cũng kín cổng.
Không ai biết những người sống trong đó làm gì, là ai, và cũng chẳng ai thật sự
quan tâm… ngoại trừ bọn thằng Tí thằng Tèo.
Bọn nhóc chúng tôi thường có
rất nhiều các truyền thuyết về những người sống trong mấy ngôi nhà ấy.
Ơ đầu ngõ nhà tôi cách đây
khoảng 20 năm có một ngôi nhà như thế, chỉ hơi khác là hai cánh cửa sắt to đùng
lại thấp lè tè. Mỗi chiều có một anh chàng vác ghế đẩu cao ngồi tì tay lên cửa
trông ra đường. Gã chẳng bao giờ cạo râu cắt tóc. Mặc dù nắng chiều rạng rỡ xóa
bớt phần nào sự ma quái, bọn tôi vẫn chẳng dám đến gần gã. Người ta có rất
nhiều “lý thuyết” khác nhau về gã: nào là người yêu bỏ đi Mỹ, bị chế độ mới lấy
sạch mất gia tài, vân vân và vân vân. Cuối cùng hình như hắn chỉ giả điên để
trốn nghĩa vụ quân sự. Ðến khi hết tuổi người ta thấy hắn cạo râu, cắt tóc ngắn
chờ ngày xuất cảnh.
Dù gì thì gì, những ngôi biệt
thự vẫn là nguồn cảm hứng vô tận cho hàng tỉ câu chuyện mê li rùng rợn bọn tôi
truyền miệng mỗi tối cúp điện.
Chỉ cách những tòa lâu đài ấy
vài trăm mét là một xóm lao động nghèo với những “truyền thuyết” kiểu khác hẳn:
truyền thuyết về các “anh hùng” du đãng như trong tiểu thuyết Duyên Anh.
Ði thêm khoảng trăm mét nữa là
đến con rạch thúi hơn cầu tiêu công cộng ở Ðại Học Bách Khoa tỉ lần. Vậy mà tôi
vẫn từng đi câu cá bống, vớt trùng chỉ với lũ bạn. Câu cả ngày được 2 con cá
nhỏ hơn ngón tay út. Chỉ có trùng chỉ là lần nào cũng vớt được rất nhiều, làm
mấy con cá Tàu nhà tôi ăn sình bụng bơi lặc lè kéo theo dây phân dài cả thước.
“Xóm” tôi có khá nhiều nhà có
piano. Chiều chiều nghe lũ nhỏ tập từ Methode Rose, Hannon đến Classic 3, từ
sòn đô sòn đến Tempest. Lẫn vào trong đó luôn là tiếng chửi thề của bà Tư nhà
bên cạnh. Có lẽ chẳng có món “xí quách” nào… xí quách hơn sự pha tạp của hai loại
âm thanh ấy.
Buổi chiều ở Sài Gòn đối lập
hẳn với buổi trưa yên tĩnh. Dường như cái dìu dịu của nắng ấm làm người ta có
nhiều năng lượng hơn. Chí ít là bà Tư lúc nào cũng có thừa năng lượng vào buổi
chiều. Bà chửi từ ông Tư tới thằng con mất dạy. Ỏng Tư thì chẳng nói lại nhiều
lời trừ khi mới nhậu xong. Chai rượu đế gò đen (chứ hổng phải ổng) vác dao bửa
củi gí vào cổ bà vợ to béo, gã con trai thì vừa can vừa… đục luôn ông già,
trong lúc đó tiếng Tempest vẫn vang vang ngắt quãng.
Ðiểm lạ (!?) nhất là tiếng
Tempest vài năm sau biến mất, còn vợ chồng ông bà Tư vẫn sống “vui vẻ” với nhau
như thế …
***
Tính đối lập của Sài Gòn rõ
nét nhất là vào buổi tối . Người ta đã viết rất nhiều về “Hòn Ngọc Viễn Ðông”
và tính phân chia giai cấp khắc nghiệt của nó. Ðó là trước 75. Sau tháng Tư,
1975, cái danh hiệu “Hòn Ngọc Viễn Ðông” bị Bangkok cướp mất, nhưng tính đối
lập của Sài Gòn chẳng ai cướp nổi.
Sài Gòn không bao giờ ngủ.
Khoảng 9, 10 giờ đêm là các vũ trường bắt đầu hoạt động. Bọn con nhà giàu tí
tởn hẹn hò dream, LA, su 100, quần xẻ, váy cao, phóng vù vù qua các đường
Nguyễn Huệ, Ðồng Khởi, Hàm Nghị… sau đó vọt đi mấy cái Discotheques vang bóng
một thời như Thái Sơn, Cadillac, Queen Bees…
Phong trào đua xe thì Sài Gòn
luôn đi đầu. Thủa chưa có nhiều xe gắn máy thì bọn choai choai đã biểu diễn đi
xe đạp một bánh xoay mòng mòng hàng đêm trước nhà hát lớn. Ðến khi có xe gắn
máy nhiều rồi thì cả đội “Bồ Câu Trắng” cũng chẳng bị ai ngán. Hơn nữa bị giam
xe thì một bữa chân gà rút xương ở Hàm Nghi là lấy xe ra cái rụp.
Khuya hơn nữa thì gái “Ca Ve”
tràn về các quán cơm tấm, mì xe để “đá đèn” (ăn đêm). Bọn “dân quậy” bao gồm lũ
nhóc mới lớn lẫn dân giang hồ thứ thiệt cũng tham gia đá đèn la hét đến 3, 4
giờ sáng.
Cùng khi đó các em nhỏ bán vé
số cũng hoạt động cật lực. May mà vớ phải dân chơi trúng quả nó mua cả cọc thì
ngày mai không phải lo tiền ăn. Cựu chiến binh, thương phế binh thì vác đàn hát
“Phố Ðêm”, cay đắng xin từng đồng của lũ nhỏ mặt búng ra sữa chưa bao giờ hiểu
hai chữ “mất mát” nghĩa là gì.
Ðến 3, 4 giờ sáng, khi lũ dân
chơi đã hoàn toàn mệt lử lũ lượt ra về, thì dân lao động bắt đầu một ngày mới.
Xích lô, ba gác chở rau thịt ra chợ bán. Các lò bánh mì bắt đầu xay bột trét bơ
nướng bánh thơm lừng. Mấy chị bán cà phê vỉa hè cũng bắt đầu đun nước, pha cà
phê vợt cho gã xích lô mới tỉnh ngủ mắt vừa nhắm vừa mở vừa tán tỉnh.
Mùi mồ hôi lẫn với mùi bơ, mùi
men, mùi khói SU-100 dần biến, quyện với mùi không khí ẩm mát tinh sương tạo ra
“mùi Sài Gòn” buổi sáng ở các khu phố chợ rất đặc trưng.
***
Dân Sài Gòn “quái chiêu” lắm,
lúc nào cũng than thiếu tiền, nhưng không sống tằn tiện bao giờ! Họ hào hiệp
với bản thân và bè bạn; và họ luôn tìm được cách kiếm tiền.
Nhiều người bảo tôi rằng dân
Nam Bộ được thiên nhiên ưu đãi, sống hôm nay khỏi lo ngày mai, nên họ sống rộng
rãi hơn dân miền Trung và miền Bắc.
Có lẽ đúng. Nhưng còn cái gì
đó hơn thế nữa! Kiểu ăn xài “xả láng sáng dậy sớm”, dù nghèo rớt mồng tơi,
dường như ăn vào máu của dân Sài Gòn, ăn vào không khí họ thở hàng ngày, ăn cả
vào cái văn hóa hổ lốn cẩu xực của họ. Dĩ nhiên để ăn xài thì đầu tiên phải
kiếm ra tiền.
Kiếm tiền thì có lẽ không đâu
có nhiều cách như Sài Gòn.
Trong thời còn ăn bo bo, gạo
tổ đỏ lòm, thời dân Hà Nội còn ganh nhau từng cái khung Chiến Thắng, lốp Phượng
Hoàng, hộp sữa cân đường tiêu chuẩn, thì dân Sài Gòn đã bắt đầu nuôi heo lậu,
quấn thuốc lá Lạng Sơn pha lá dừa, làm pháo giả, bán thuốc Tây “bột năng” đầy
ngoài chợ… Hiển nhiên một phần là do ưu thế xa “trung ương”, nhưng phần chính
là do dân Sài Gòn sống rất “năng động”.
Những năm 79, 80 mà thấy anh
nào bị cối kẹp nách, mặt mũi lấm lét ở chợ Nguyễn Hữu Cầu thì biết ngay là hắn
buôn thuốc Tâỵ Sau khi chợ thuốc Tây bị dẹp thì đường Nguyễn Hữu Cầu biến thành
cái chợ trời đầu tiên của Sài Gòn sau 75. Ỏi thôi thì quần Jeans áo Pull, đồ Mỹ
lẫn đồ Chợ Lớn, bếp điện Liên Xô dây Gò Vấp,…
Ơ Sài Gòn cái gì bán được là
có người bán. Ðừng hòng mà mua được đồ xịn nếu mà không quen biết hay hiểu
biết. Nhiều người tự thị là “rành” nhất bị lừa mà vẫn còn hí hửng. Ðó là chưa
nói đến giá cả trời ơi. Tôi thường tự hỏi ai cũng bán hết thì lấy ai ra mà mua?
Tiền đâu ra mà mua? Thế mà chợ lúc nào cũng đông. Ðúng là Sài Gòn!
Nếu không thích cảnh chợ búa
“gần mực” thì người ta quấn thuốc lá, nuôi heo với cơm thừa canh cặn pha cám
lậu ở ngay trong nhà. Chuồng heo phải lau rửa ít nhất hai lần một ngày, sợ hôi
thì ít, mà sợ công an phát hiện thì nhiều . Lái heo bốn rưỡi sáng đã mang xe ba
gác đến chở. Bọn lái heo lậu giết heo còn giỏi hơn công nhân chuyên giết-mổ heo
ở xí nghiệp Cầu Tre sau nàỵ Chích điện con heo chỉ kêu cái “éc” là chết ngoẻo
tò te, xẻ làm bốn mất chừng mươi phút, sáng hôm sau bà con có thịt heo tươi bán
ở chợ
Khi xí nghiệp nước đá Sài Gòn
chưa ra đời thì nhà nhà làm đá, người người bán nước đá. “Cho con 2 cục đi dì
ơi!” là câu cửa miệng trưa hè của dân Sài Gòn. Tiền điện thì vừa đắt cứa cổ vừa
phải có tiêu chuẩn. Mua cả cái tủ lạnh chuyên làm đá bỏ mối tháng cho các quán
cà phê vỉa hè cũng chỉ đủ tiền ăn trưa cho gia đình là giỏi.
Người ta còn buôn cả những thứ
tưởng chừng như chẳng có người mua vào thời đó như pho mai Liên Xô thúi hoắc,
bánh kẹo Vinabico, rượu XO pha rượu lúa, nước lã và cồn …
Ðến giữa và cuối thập niên 80
thì cơ hội kiếm tiền còn nhiều gấp bội. Sinh viên học sinh nghèo thì đi dạy
thêm, quen biết hơn tí nữa thì đánh hàng Viễn Dương, hàng Ðông Ảu, buôn thuốc
lá Campuchia, mua bán xe gắn máy kiếm vài chỉ dẫn “ghệ” đi chơi dễ như bỡn. Bọn
Tèo kinh doanh còn buôn cả đất đai, làm xây dựng kiến tiền tỉ khi còn chưa ra
trường. Không nhất thiết phải chúi đầu vào học kiếm suất đi Tây. Sống cái đã,
ngày mai là chuyện của tương lai!
Kể cả các thầy dạy luyện thi
đại học cũng biết làm ăn ra trò: xây thêm nhà mở lớp học, có cả lớp học máy
lạnh cho con nhà giàu học riêng một lớp năm bảy đứa. Các thầy nổi tiếng rất
biết marketing, dạy cả lớp giỏi lấy tiền ít để bọn nó thi thủ khoa mang danh
tiếng cho thầy, chia lớp ra làm cả chục tầng tùy trình độ.
Các chị các cô khéo tay thì
làm bánh, làm hoa giả, pha nước hoa bán đầy đường Ðồng Khởi, làm kem dừa, kem
chuối tăng thu nhập gia đình.
Ðừng tưởng dân Sài Gòn chỉ lo
làm ăn không đọc sách. Sài Gòn có vài trăm tiệm sách cũ mà dân nghiền sách nhẵn
mặt. Từ sách Giải Tích Hàm của Lê Hải Châu, sách Tuổi Hoa trước 30/04/1975,
chưởng Kim Dung, đến hình ảnh sách báo “người lớn” của Mỹ, Hong Kong hay báo
Toán Học Tuổi Trẻ, Kvant, và mọi loại truyện ngắn, dài, tiểu thuyết nội ngoại,
đều có cả.
Nhân chuyện buôn thuốc, tôi có
thằng bạn đi Tây Ninh buôn hai cây thuốc Jet bị bắt tịch thu luôn cả cái xe
Dream. Rõ là ngu! Thằng cu phá phách kinh khủng, nhưng cũng vui tính ra phết.
Có lần ngồi uống cà phê hắn bảo cô bán hàng: “Liên ơi cho anh mượn sợi dây
thung.” – “Chi dzậy anh?”, Liên hỏi. Nó bảo: “để anh thắt ống dẫn tinh”. Cô bé
mặt đỏ lừ không biết có bỏ cái gì vào ly cà phê của nó không.
***
Sài Gòn là thế đấy, muôn người
muôn mặt, đa dạng vô cùng!
Dù phần nào bị cuộc sống sôi
nổi cuốn trôi, Sài Gòn vẫn có nhiều thằng Tèo mộng mơ làm thơ viết truyện dễ
thương khôn tả: làm ăn tay phải, văn nghệ tay trái. Hình ảnh con Thơm cái Thắm
hàng me gốc điệp không bao giờ phai nhạt trong mắt bọn Tèo Sài Gòn.
Tôi vẫn còn nhớ Tèo Nguyễn
Nhật Ánh với “cô gái đến từ hôm qua”, “còn chút gì để nhớ”, “truyện cổ tích
dành cho người lớn”…
“Lòng em như chiếc lá
khoai
Ðổ bao nhiêu nước ra
ngoài bấy nhiêu …”
Hay Tèo Bùi Chí Vinh:
“Cô gái ơi, anh nhớ em,
Như con nít nhớ cà rem
vậy mà.
Như con dế trống đi xa,
Lâu lâu lại nhớ quê nhà
gáy chơi
Con dế thường gáy một
hơi,
Còn anh gáy hết … một
thời con trai, …”
Ðến đây tôi chợt nhận ra rằng
viết về “một thời để nhớ”, về những kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ thì rất dễ, dễ
đến mức cái thằng văn dốt chữ nát như tôi cũng “xổ nho” được vài dòng.
Khi viết cái gì ít vô thưởng
vô phạt hơn một chút thì phải bắt đầu nhìn trước ngó sau, câu chữ trúc trắc, ý
vẫn tràn nhưng sợ hiểu sai hiểu lệch, lại phải tránh chính trị chính em …
Tôi đã định dừng ở đây vì câu
chuyện đã nhạt dần đi, cái hào hứng ban đầu của bạn đọc, nếu có, chắc cũng
không còn nồng nhiệt nữa. Thế nhưng chẳng thể để lại trong lòng bạn đọc ấn
tượng về một Sài Gòn với hai cây thuốc Jet, tôi lại phải tìm cách khác để kết
thúc. Chỉ sợ rằng cũng chẳng khá hơn 2 cây thuốc Jet là mấy.
***
Nếu phải so sánh Sài Gòn với
Hà Nội chẳng hạn, thì ta có thể so sánh ngay hai loại ổi của hai xứ. Ôi đào Hà
Nội thơm lừng, ngọt ngay, ruột đỏ tươi rất đẹp, nhưng cùi mỏng, hột to, vừa khó
nhá vừa chỉ nhắm được tí là hết. Ôi Sài Gòn to hơn nắm tay, cùi dày, không ngọt
và thơm như ổi đào nhưng giòn tan, cắn một miếng là mát lịm, lại có thể chia
cho nhiều người ăn, chấm muối ớt nghe qua là chảy nước miếng.
Con gái Sài Gòn cũng vậy, nghe
qua là… chảy nước miếng.
Con gái Sài Gòn dễ thương lắm!
Họ có cái nhìn trong trẻo về cuộc sống, lại chẳng giận dai vùng vằng vô lý bao
giờ . Ði đón trễ thì: “anh để em chờ nãy giờ đó coi có được hông? Ghét dễ sợ
luôn hà!” Cộng với một cái lườm, hai cái nguýt thì bọn Tèo Sài Gòn hối hận quá
cả 2 tháng sau mới… trễ lần nữa.
Con gái Sài Gòn còn biết ăn
mặc, đi đứng, nhất nước. Tiền có thể thiếu chứ phong cách tiểu thư thì chẳng
thiếu bao giờ. Tiểu thư Sài Gòn không ưỡn ẹo mè nheo, mà phóng xe vèo vèo đứng
tim Tèo.
Giọng gái Sài Gòn thì ngọt hơn
mía lùị Cái câu “hổng chịu đâu!” mà nghe dân xứ khác nói thì ngứa lỗ nhĩ, nghe
con gái Sài Gòn nói thì bọn Tèo Sài Gòn như bong bóng xì hơi, biểu cái gì cũng
nghe ráo trọi. Con gái Sài Gòn lãng mạn chẳng kém ai, nhưng cũng rất thực tế.
“Ðược thì được, hổng được thì thôi, làm chi mà dzữ dzậy!”
Sài Gòn là vậy đó, ít nhất là
từ cái nhìn của Tèo tôi. Sài Gòn dễ thương khôn tả, khoáng đạt và bao dung,
rộng rãi và hào phóng. Người Sài Gòn sống nhanh nhất nước, không sợ cái mới,
ghét cái lỗi thời, rất thực tế.
Còn ti tỉ nhiều đề tài thú vị
về Sài Gòn mà tôi không muốn đề cập vì lười là chính: cuộc sống sinh viên học
sinh Sài Gòn, các trò ma mãnh “cua ghệ” của bọn Tèo Sài Gòn, con trai Sài Gòn,
bạn bè Sài Gòn, …
Tôi đã nghe rất nhiều những
lời nhận xét kiểu vơ đũa cả nắm: con trai Sài Gòn thế này, con gái Sài Gòn thế
kia, dân Sài Gòn thế nọ… Càng nghe càng thấy buồn cười vì đa số những người nói
mấy câu đó không phải là Người Sài Gòn hoặc chưa bao giờ thật sự sống ở Sài
Gòn.
Không hiểu có ai đó đọc bài
này xong thì có thay đổi cái nọ cái kia trong nhận thức của họ không? Hy vọng
nhỏ nhoi của tôi là những thay đổi, nếu có, là theo hướng tốt hơn.
Riêng tôi thì tôi vẫn nhớ ray
rứt cái ngõ nhỏ xôn xao ấy…