02/10/2014

Lược Sử Ðức Phật A Di Ðà và 48 Ðại Nguyện


A.Mở Ðề:
Cây có cội, nước có nguồn. Phật tử chúng ta phần nhiều tu pháp môn niệm Phật để cầu sanh về Tịnh độ (Cực lạc), thì phải hiểu biết lịch sử của đức Phật A Di Ðà thế nào, và 48 lời nguyện ra sao.
Ðức Phật A Di Ðà có công đức rất lớn và hãnh nguyện rất quảng đại. Ngài có nhân duyên hóa độ chúng sanh ở thế giới Ta-Bà này rất nhiều.
 Muốn cho chúng sanh cõi nầy vượt khỏi kiếp lầm than của những cái khổ, sanh, già, bệnh, chết, nên đức Phật Thích Ca nói rõ nhân địa hạnh nguyện của Phật A Di Ðà và khai thị pháp môn Tịnh độ tu hành rất dễ dàng. Từ thượng lưu trí thức đến hạng dân thường, nếu ai chuyên tu, cũng đều được vãng sanh cả.
B. Chánh Ðề:
I. Giải Nghĩa Danh Hiệu ” A DI ÐÀ”
A Di Ðà là dịch âm chữ Amita. Hán dịch nghĩa là Vô lượng Thọ và Vô lượng Quang. Vô lượng Thọ nghĩa là tuổi sống lâu không có số lượng; Vô lượng Quang, là Ngài có hào quang sáng suốt không lường.
II.  Lược Sử Tu Nhân Và Chứng Quả Của Ðức Phật A Di Ðà
Chỗ nhân địa của đức Phật A Di Ðà ở kiếp trước rất nhiều, không thể kể xiết, nay lược nói 4 kiếp như sau:
1. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa ở phẩm Thí dụ, hóa thành có chép:
“Ðức Phật A Di Ðà, kiếp trước là con của đức Ðại Thông Trí Thắng Như Lai. Ngài nhờ công đức thường giảng kinh Pháp Hoa cho chúng sanh nghe, nên thành Phật hiệu là A Di Ðà, ở cõi Tây phương Cực lạc”.
2. Kinh Quán Phật Tam -Muội -Hải, chép:
“Ðời quá khứ Ngài làm Tỳ kheo, chăm lòng kính lễ quán tưởng tướng lông mày trắng của đức Phật Không Vương, nên được thọ ký là Phật hiệu là A Di Ðà”.
3. Kinh Bi Hoa, chép:
Ðời quá khứ hằng hà sa kiếp trước, Ngài là vua Chuyển Luân tên là Vô Tránh Niệm. Ngài có một quan Ðại Thần tên là Bảo Hải, rất giàu lòng tín ngưỡng. Một hôm vua nghe Đức Phật Bảo Tạng đến thuyết pháp tại vườn Diêm Phù ở gần bên thành, Ngài với quan Ðại thần Bảo Hải liền đến nghe và rất hài lòng. Vua pháp tâm thỉnh Phật và đại chúng vào vương cung cúng dường trọn ba tháng để cầu phúc báu.
Ðức Phật khuyên vua nên phát Bồ đề tâm cầu đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Khi đó đức Phật Bảo Tạng liền phóng hào quang sáng ngời, soi khắp cả thế giới của như Phật mười phương, cho chúng hội đồng thấy. Bảo Hải đại thần liền tâu với vua Vô Tránh Niêm: “Nay Bệ hạ nhờ oai thần của Phật, được thấy các thế giới, vậy Bệ hạ muốn cầu lấy thế giới nào?”.
Vua đảnh lễ Phật, quỳ gối chắp tay phát lời đại nguyện, cầu xin sau khi tu hành thành Phật, quốc độ và nhân dân của Ngài, đều được trang nghiêm thanh tịnh. Do nhơn duyên ấy, sau Ngài thành Phật hiệu là A Di Ðà ở cõi Tây phương Cực lạc.
4. Phật Thích Ca nói:
“Ðời quá khứ lâu xa, cách hơn 10 kiếp, có một nước tên là Diệu Hỷ, vua cha là Nguyệt Thượng Luân vương, mẹ là Thù Thắng Diệu Nhan. Vương hậu sanh ra ba người con: người con trưởng là Nhựt Nguyệt Minh, người con thứ hai là Kiều Thi Ca, người con thứ ba là Nhật Ðế Chúng. Khi ấy có đức Phật ra đời hiệu là Thế Tự Tại Vương Như Lai. Kiều Thi Ca bỏ ngôi vinh quí theo Phật Thế Tự Tại xuất gia, thọ Kỳ kheo giới, Phật cho hiệu là Pháp Tạng Tỳ kheo. Ngài Pháp Tạng đối trước Phật, pháp 48 lời nguyện rộng lớn, độ khắp tất cả mười phương chúng sanh; nếu có một nguyện nào chẳng viên mãn, thì Ngài thề chẳng thành Phật. Khi ấy chư thiên rải hoa, tán thán, quả đất rúng động, giữa không trung có tiếng khen rằng:
“Pháp Tạng quyết định sẽ thành Phật hiệu là A Di Ðà”.
Như thế, chúng ta biết rằng, đức Phật A Di Ðà tiền thân là Thái Tử Kiều Thi Ca, bỏ ngôi sang, xuất gia tu chứng thành quả Phật là A Di Ðà.
III. 48 Ðại Nguyện Của Ðức Phật A Di Ðà
Nguyện thứ 1: Lúc tôi thành Phật, nếu trong cõi nước tôi, có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 2: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi, sau khi thọ chung, còn trở lại sa vào ba ác đạo, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 3: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi, thân chẳng màu vàng tất cả, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 4: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi, thân hình có kẻ tốt người xấu chẳng đồng nhau, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 5: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi chẳng có Túc mạng thông, ít nhất là biết rõ những việc trăm nghìn ức na-do-tha kiếp (vô số kiếp) thời tôi không ở ngôi Chách giác.
Nguyện thứ 6: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi, chẳng đặng Thiên nhãn thông, ít nhất là thấy rõ trăm nghìn ức na-do-tha thế giới của chư Phật, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 7: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi, chẳng đặng Thiên nhĩ thông, ít nhất là nghe và thọ trì tất cả lời thuyết pháp của trăm nghìn ức na-do-tha Đức Phật, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 8: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi chẳng được Tha tâm thông, ít nhất là biết rõ những tâm niệm của tất cả chúng sanh, trong trăm nghìn ức na-do-tha thế giới, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 9: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi, chẳng đặng Thần túc thông, khoảng một niệm, ít nhất là đi qua khỏi trăm nghìn ức na-do-tha thế giới, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 10: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi, còn có quan niệm tham chấp lấy thân, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 11: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi, chẳng trụ định tu, nhẫn đến trọn diệt độ, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 12: Lúc tôi thành Phật, nếu quang minh còn hữu hạn, ít nhất cũng chiếu thấu trăm nghìn na-do-tha thế giới, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 13: Lúc tôi thành Phật, nếu thọ mạng còn hữu hạn, ít nhất cũng đến trăm nghìn ức na-do-tha kiếp, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 14: Lúc tôi thành Phật, chúng Thanh Văn trong cõi nước tôi, nếu có ai tính đếm biết được số bao nhiêu, dầu đó là vô lượng Bích Chi Phật đồng tính đếm trong trăm nghìn kiếp, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 15: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi, thọ mạng còn hữu hạn, trừ người có bổn nguyện riêng, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 16: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi, còn có người nghe danh từ bất thiện thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 17: Lúc tôi thành Phật, nếu vô lượng chư Phật thập phương thế giới, chẳng đều ngợi khen xưng danh hiệu tôi, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 18: Lúc tôi thành Phật, thập phương chúng sanh, chí tâm tín mộ, muốn sanh về cõi nước tôi, nhẫn đến 10 niệm, nếu không được sanh, thời tôi không ở ngôi Chánh giác; trừ kẻ tạo tội ngũ nghịch, cùng hủy báng Chánh pháp.
Nguyện thứ 19: Lúc tôi thành Phật, thập phương chúng sanh pháp Bồ đề tâm, tu các công đức, nguyện sanh về cõi nước tôi, đến lúc lâm chung, nếu tôi chẳng cùng đại chúng hiện thân trước người đó, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 20: Lúc tôi thành Phật, thập phương chúng sanh nghe danh hiệu tôi, chuyên nhớ cõi nước tôi; và tu các công đức, chí tâm hồi hướng, muốn sanh về cõi nước tôi, nếu chẳng được toại nguyện, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 21: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi, tất cả chẳng đủ ba mươi hai tướng đại nhơn, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 22: Lúc tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở cõi khác sanh về nước tôi, cứu cánh đều quyết đến bực Nhứt sanh bổ xứ, trừ người có bổn nguyện riêng, tự tại hóa hiện, vì chúng sanh mà phát hoằng thệ nguyện, tu các công đức, độ thoát mọi loài, đi khắp thế giới, tu Bồ Tát hạnh, cúng dường thập phương chư Phật, khai hóa vô lượng chúng sinh, làm cho tất cả đều đứng vững nơi đạo vô thượng chánh giác, siêu xuất công hạnh của các bậc thông thường, hiện tiền tu tập Ðại nguyện của Phổ Hiền, nếu chẳng như thế, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 23: Lúc tôi thành Phật, các Bồ Tát trong cõi nước tôi, thừa thần lực của Phật, mà đi cúng dường thập phương chư Phật, trong khoảng thời gian một bữa ăn, nếu không đến khắp vô lượng vô số ức na-do-tha thế giới, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 24: Lúc tôi thành Phật, các Bồ Tát trong cõi nước tôi, khi ở trước thập phương chư Phật, hiện công đức của mình, muốn có những vật cúng dường, nếu không được đúng như ý muốn, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 25: Lúc tôi thành Phật, nếu chúng Bồ Tát trong cõi nước tôi, không được Nhứt thế trí, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 26: Lúc tôi thành Phật, nếu chúng Bồ Tát trong cõi nước tôi, chẳng đều được thân kim cương Na-la-diên, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 27: Lúc tôi thành Phật, thì trong cõi nước tôi, tất cả đồ dùng của nhơn thiên, hình sắc đều sáng đẹp sạch sẽ, rất tột vi diệu, không có thể tính biết, dầu là người được thiên nhãn. Nếu có người biết danh số các đồ vật ấy được rõ ràng, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 28: Lúc tôi thành Phật, nếu Bồ Tát trong cõi nước tôi, dầu là người ít công đức nhứt, chẳng thấy biết được cội cây đạo tràng cao bốn trăm muôn do-tuần, vô lượng quang sắc, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 29: Lúc tôi thành Phật, chúng Bồ Tát trong cõi nước tôi, nếu thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết kinh pháp mà chẳng được trí huệ biện tài, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 30: Lúc tôi thành Phật, nếu có ai hạn lượng được trí tuệ biện tài của Bồ Tát trong cõi nước tôi, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 31: Lúc tôi thành Phật, cõi nước tôi thanh tịnh, các nơi đều soi thấy tất cả vô lượng vô số bất tư nghị thế giới ở mười phương, như là thấy mặt mình trong gương sáng. Nếu chẳng được như thế, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 32: Lúc tôi thành Phật, trong cõi nước tôi từ mặt đất tràn lên đến hư không, lầu nhà cung điện ao nước hoa cây, tất cả vạn vật đều là vô lượng chất báu và trăm nghìn thứ hương, hiệp chung lại mà thành; vạn vật đều xinh đẹp kỳ diệu, mùi thơm xông khắp thập phương thế giới. Bồ Tát các nơi ngửi đến mùi thơm ấy, thời đều tu hạnh của Phật. Nếu chẳng như thế, tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 33: Lúc tôi thành Phật, các loài chúng sanh trong vô lượng bất tư nghị thế giới ở mười phương, được quang minh của tôi chiếu đến thân tâm họ, thời thân tâm họ mềm dịu nhẹ nhàng hơn thiên nhơn, nếu chẳng như vậy, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 34: Lúc tôi thành Phật, các loài chúng sanh trong vô lượng bất tư nghị thế giới ở mười phương, nghe danh hiệu của tôi mà không được vô sanh pháp nhẫn, cùng các môn thâm-tổng-trì, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 35: Lúc tôi thành Phật, các người nữ trong vô lượng bất tư nghị thế giới ở mười phương, vui mừng tin mến phát Bồ đề tâm, nhàm ghét thân gái. Nếu sau khi mạng chung mà còn làm thân người nữ nữa, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 36: Lúc tôi thành Phật, chúng Bồ Tát trong vô lượng bất tư nghị thế giới ở mười phương, nghe danh hiệu tôi, vẫn thường tu phạm hạnh, mãi đến thành Phật. Nếu chẳng được như thế, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 37: Lúc tôi thành Phật, hàng nhơn thiên trong vô lượng bất tư nghị thế giới ở mười phương, nghe danh hiệu tôi, cuối đầu đảnh lễ, năm vóc gieo xuống đất, vui mừng tin mến tu Bồ Tát hạnh, thời chư Thiên và người đời đều kính trọng người đó. Nếu chẳng như thế, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 38: Lúc tôi thành Phật, hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi muốn có y phục, thời y phục tốt đúng pháp liền theo tâm niệm của người đó mà đến trên thân. Nếu còn phải cắt may nhuộm giặt, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 39: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi, hưởng thọ sự vui sướng không như vị Lậu tận Tỳ-kheo, thời tôi không ở ngôi Chánh-giác
Nguyện thứ 40: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi, tùy ý muốn thấy vô lượng thế giới nghiêm tịnh của chư Phật ở mười phương, thời liền được thấy rõ cả nơi trong cây báu, đúng theo ý muốn, như thấy mặt mình trong gương sáng. Nếu chẳng như thế, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 41: Lúc tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở thế giới phương khác nghe danh hiệu tôi, từ đó nhẫn đến lúc thành Phật, mà các căn còn thiếu xấu, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 42: Lúc tôi thành Phật, chúng Bồ Tát, ở thế giới phương khác nghe danh hiệu tôi, thảy đều được giải thoát tam muội. Trụ tam muội đó, trong khoảng thời gian một niệm, cúng dường vô lượng bất tư nghị chư Phật Thế Tôn, mà vẫn không mất chánh niệm. Nếu chẳng như thế, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 43: Lúc tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở phương khác nghe danh hiệu tôi, sau khi mạng chung thác sanh nhà Tôn quí, nếu chẳng như thế, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 44: Lúc tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở phương khác nghe danh hiệu tôi vui mừng hơn hở, tu Bồ Tát hạnh, trọn đủ công đức, nếu chẳng như thế, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 45: Lúc tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở phương khác nghe danh hiệu tôi, đều đặng Phổ đẳng tam muội, trụ tam muội này mãi đến lúc thành Phật, thường được thấy vô lượng bất tư nghị tất cả chư Phật. Nếu chẳng như thế thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 46: Lúc tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở trong cõi nước tôi, muốn nghe pháp gì, thời liền tự nhiên đặng nghe pháp ấy. Nếu chẳng như thế thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 47: Lúc tôi thành Phật, nếu chúng Bồ Tát ở thế giới phương khác, nghe danh hiệu tôi mà chẳng được đến bậc bất thối chuyển, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 48: Lúc tôi thành Phật, nếu chúng Bồ Tát ở thế giới phương khác nghe danh hiệu tôi, mà chẳng liền được Ðệ nhất âm hưởng nhẫn, ở nơi Phật pháp chẳng liền được bậc bất thối chuyển, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
C. Kết Luận
Nói tóm lại, lịch sử đức Phật A Di Ðà, với 48 đại nguyện. Công đức của Phật A Di Ðà rất rộng lớn, là do lòng đại bi đại nguyện lợi tha. Ngài đành bỏ tất cả ngôi sang cao quí, nguyện tu hành khi thành Phật, ở trên một cảnh giới huy hoàng trang nghiêm, để tiếp độ chúng sanh. Trải qua một thời gian được kết quả, y báo, chánh báo xuất hiện rực rỡ như lời Ngài đã thệ nguyện.
Phật tử chúng ta, từ hồi nào đến bây giờ, biết niệm danh hiệu Phật A Di Ðà, biết được pháp môn niệm Phật cầu sanh Cực lạc (Tịnh độ) là nhờ đức Phật Thích Ca ta chỉ dạy.
Vậy xin khuyên tất cả Phật tử, noi theo gương đại nguyện của Phật A Di Ðà, nên phát tâm thệ nguyện rộng lớn, cầu khi lâm chung sanh về Cực lạc, hóa sanh từ hóa sen, tu chứng lên bậc Bất thối, rồi trở lại cõi Ta Bà hóa độ bà con quyến thuộc và tất cả chúng sanh tu hành, đồng thành Phật đạo.

HT. Thích Thiện Hoa

    01/10/2014

    Chữ Xả trong Đạo Phật


    Vấn đề tôi nói hôm nay là một chữ XẢ. Quý vị biết ngược với xả là gì không? Là cố chấp, nắm chặt. Cố là chặt, chấp là nắm; cố chấp là nắm chặt. Khác với nắm chặt là buông bỏ.

    Mới nghe đơn giản quá nhưng xét kỹ, quý Phật tử sẽ thấy tất cả chúng ta sống trên thế gian này, ai cũng than buồn than khổ, gốc tại cố chấp thôi, chớ không có gì khác. Bây giờ muốn hết buồn, hết khổ thì chúng ta phải làm sao? Phải xả, phải buông bỏ. Buông bỏ thì hết khổ. Như vậy quá giản đơn, quá tầm thường. Chỉ cần quý Phật tử thực hiện được điều chúng tôi nhắc thì sẽ bớt khổ ngay trong cuộc sống hiện tại này.
    Lâu nay chúng ta cố chấp những gì mà bây giờ phải buông xả? Trước hết là chúng ta cố chấp những điều phải, quấy. Thường thường ở thếù gian ai cũng nghĩ điều mình nói, mình làm là phải nhưng người khác nói ngược lại, làm ngược lại thì cho là người khác quấy. Mình phải họ quấy mà họ không chịu nghe, không chịu làm theo mình, nên mình giận. Nhất là trong gia đình, cha mẹ thấy điều đó phải mà bảo con cháu không chịu làm theo thì nhất định là giận. Mà giận là vui hay buồn? Giận là buồn, buồn rồi khổ. Có một Phật tử nói với tôi thế này:
    - Con cháu của con bây giờ khó dạy quá!
    Tôi hỏi :
    - Sao đạo hữu nói khó dạy?
    - Thưa thầy, mình là cha nó, mình hớt tóc ngắn. Mình thấy hớt tóc ngắn dễ chịu, mát mẻ. Bây giờ nó để tóc tới cổ mà rầy nó không chịu nghe. Nó còn nói: “Bây giờ thanh niên ai cũng để tóc dài mà ba biểu hớt ngắn, giống ông già quá, sao con làm được”. Chúng nó còn nhỏ mười chín, hai mươi tuổi mà đeo kính trắng, mình rầy nó: “Bộ mầy mù sao đeo kính?” Nó nói: “Ba không thấy sao, người trí thức họ đeo kính trắng. Con lớp mười hai rồi, con trí thức rồi, con đeo kính trắng có sao đâu”
    Đó, ông than con cháu ngày nay dạy không được. Quý vị thấy thế nào ? Bởi vì thường lúc nào chúng ta cũng có cái nhìn theo quan niệm của mình. Quan niệm của mình như vậy là phải, con cháu không chịu nghe theo thì mình giận, cho nó là quấy, là con ngỗ nghịch, con bất hiếu … và khi đã như vậy rồi thì gia đình còn đầm ấm không, còn vui không ? 
    Tôi mới giải thích cho Phật tử đó nghe:
    - Đạo hữu nhớ như ở lứa tuổi của tôi, ông thân tôi hồi xưa để tóc bới có một củ tỏi phía sau. Tới chừng lớp của tôi lớn lên thì hớt tóc, ông thân tôi không vui. Ông nói bọn nhỏ văn minh quá, không có theo ông bà, và dẫn sách Nho nói: “Thân thể phát phu thọ ư phụ mẫu, bất thương cảm hiếu chi thỉ giả”. Nghĩa là râu tóc da thịt này là nhận nơi cha mẹ, gìn giữ nó đừng cho thương tổn là cái hiếu đầu. Bây giờ mình cạo nó là bất hiếu rồi. Như vậy ông già nhìn lại mình hớt tóc thì ông già buồn, còn mình nhìn lại ông già thì thấy ông già lạc hậu phải không? Thế thì ai đúng? Để tóc bới đúng hay hớt ngắn đúng? Nếu hai bên cứ cố chấp, ông già nghĩ ông già đúng, người con nghĩ người con đúng thì gia đình có bình an không? Chắc là bất an.
    Chúng ta phải hiểu thời xưa học theo Nho giáo thì để râu để tóc là phải. Nhưng thời sau này khác hơn vì nước mình lệ thuộc Pháp, người Pháp đi làm việc hớt tóc ngắn cho sạch sẽ mà mình cứ bảo như ông già để tóc, vậy thì lạc hậu mất rồi. Ở lứa tuổi của mình ai chấp nhận như thế? Cho nên người cha phải thông cảm hoàn cảnh của con, người con phải hiểu hoàn cảnh của cha. Hai bên thông cảm nhau đừng cố chấp thì bớt khổ. Nếu cố chấp là nhất định khổ. Cha bất bình con, con bất mãn cha, cứ như vậy sanh ra chuyện rối rắm trong gia đình.
    Rồi đến thời này mấy đứa nhỏ để tóc dài, có khi tới cổ thì mình không chấp nhận? Mình để tóc ngắn mát mẻ, còn nó để dài lù xù nhưng nó lại thấy đẹp. Nếu đem cái nhìn của người cha mà trách đứa con thì đứa con cũng nhìn lại người cha bằng cặp mắt lạc hậu. Bây giờ phải xử làm sao? Thôi, ba muốn mát mẻ ba hớt ngắn, con thích để dài cho đẹp thì con cứ để dài. Chuyện tóc tai, mỗi người mỗi sở thích riêng, bắt nó giống mình sao được?
    Quý Phật tử nhớ, một lứa tuổi là qua một thế hệ khác nhau, không giống nhau được. Không giống mà mình đem ý của mình, cái phải của mình áp đặt cho nó thì nó không chịu. Mà không chịu thì sanh ra giận hờn, buồn trách, khổ sở. Vậy thì muốn cho hết khổ, mình đừng cố chấp, phải buông bỏ. Buông nghĩa là xả. Quan niệm của con thì con làm, quan niệm của ba thì ba giữ. Phần ai nấy giữ, người này đừng áp đặt người kia. Như thế chúng ta sống rất là thoải mái, nhẹ nhàng. Còn nếu mình cố chấp thì sống bực hoài, lúc nào cũng bất như ý. Như nó thích mang kính trắng thì để nó mang, mình không thích thì thôi. Chứ mình không thích mà bắt nó theo mình sao được? Đó là quan niệm của mỗi người, miễn làm sao con biết kính trọng, thương cha, cha thương con là đủ. Tình thương mới là quan trọng, còn những cái bên ngoài đâu có quan trọng.
    Vậy mà nhiều người vì cố chấp hình thức bên ngoài làm cho mất hết tình nghĩa trong gia đình, khiến cha con phiền muộn, vợ chồng không vui với nhau. Đó là tại cố chấp. Quý Phật tử nghĩ mình xả bỏ, đừng cố chấp có bớt khổ không? Còn cố chấp như câu chuyện tôi vừa kể khổ không?.Lúc nào cũng buồn bực. Vì vậy cha mẹ nên thông cảm với con, con thông cảm với cha mẹ. Mà muốn được thông cảm thì hai bên đều xả, xả cái phải của mình thì thông cảm. Ngược lại, nếu không chịu xả, tự nhiên là khổ.
    Đó là nói về lứa tuổi giữa người lớn và người trẻ. Còn nếu vợ chồng mà cố chấp thì sao, có khổ không? Như bên phái nữ lâu nay quen rồi, nào là lọ tương, hũ tiêu, hũ ớt v.v… Những cái nhỏ họ coi chừng từng chút để nấu nướng. Còn người đàn ông đâu có để ý đến những thứ đó, mà họ nghĩ chuyện xã giao bên ngoài người này người nọ. Cho nên người chồng vì xã giao bạn bè nhiều, thành ra chi phí hơi rộng. Người phụ nữ chỉ lo chi tiết nhỏ trong nhà nên tiết kiệm, thấy chồng xài lớn một chút thì càm ràm. Còn chồng thấy vợ keo kiệt, nhỏ nhít quá cũng không bằng lòng. Như vậy vợ trách chồng lãng phí, chồng chê vợ keo kiệt. Đã thế thì gia đình có vui không? Không bên nào bằng lòng bên nào hết! Vì ai cũng nghĩ mình đúng.
    Như vậy, nếu người vợ bắt người chồng phải theo ý của mình, ngược lại người chồng bắt vợ phải theo ý của mình thì gia đình đó nhất định cãi lộn hoài. Nếu hai bên chồng và vợ cảm thông nhau, người chồng nghĩ rằng cô ấy lo chuyện bếp núc cho nên quen cái nhỏ nhặt, hũ tương, hũ ớt v.v… thành ra xài lớn cô không đồng ý cũng phải. Còn vợ thông cảm cho chồng, bởi vì anh ấy làm bên ngoài, giao thiệp kẻ này người nọ thì phải rộng rãi một chút người ta mới vui. Nếu bắt chồng hẹp hòi quá thì bạn bè khi, không chơi với mình, như vậy tội nghiệp. Hai bên thông cảm thì gia đình sống sẽ vui, không chống chọi nhau. Đó là tôi nói những việc nhỏ thôi, còn những việc lớn khác nữa, quý vị nghiệm xét rồi thông cảm, hiểu biết nhau đừng cố chấp, cố chấp thì khổ.
    Như vậy xả bỏ là tu, còn cố chấp là chưa biết tu. Thế gian do cố chấp nên người nào cũng thấy sống trong gia đình không có hạnh phúc. Đã cố chấp thì làm sao hạnh phúc được? Chồng chấp theo chồng, vợ chấp theo vợ, cha chấp theo cha, con chấp theo con, thành ra không ai thông cảm ai. Mà không thông cảm thì tự nhiên là phải buồn, phải khổ. Bây giờ mỗi người tự xả bỏ cố chấp của mình để thông cảm với những người thân thì tự nhiên gia đình an vui hạnh phúc. Đó là bước thứ nhất xả chấp phải, chấp quấy theo quan niệm của mình.
    Đến thứ hai nữa là xã oán hờn. Người thế gian luôn luôn nghĩ ai làm trái ý mình thì mình buồn, mình giận. Buồn giận nên bỏ liền hay nên giữ mãi? Có người thường hay nói: “Con giận người đó hai, ba chục năm không quên”. Giận hai, ba chục năm không quên thì nghe như khẳng khái lắm nhưng thật ra là dại, là khổ, chứ có hay gì đâu.
    Quý Phật tử nghĩ trên thế gian này chung quanh mình nào xóm giềng, thân tộc v.v… có bao giờ hoàn toàn không đụng chạm nhau đâu? Người ta nói vợ chồng như chén trong sống thế nào cũng có khua, huống là xóm giềng, thân tộc làm sao vừa ý mình hết, mà trái ý thì mình giận. Giận rồi chứa trong tâm. Chứa là cố chấp. Giận một người chứ trong lòng, giận hai người cũng chứa trong lòng. Nếu giận một trăm người thì sao? Chứa cả một trăm cái giận trong lòng, làm sao chịu nổi.
    Quý vị xét khi mình đang vui vẻ mà bỗng nhớ tới người mình giận thì lúc đó gương mặt quạu xuống liền. Sở dĩ chúng ta ngủ không ngon là cũng tại giận đó. Khi nào nằm nhớ lại hôm qua, hôm kia ai làm trái ý mình liền nổi giận lên, thì hết ngủ. Đó là chứa chấp oán hờn. Chứa chấp là khổ. Ta đang vui vẻ tươi mát mà chứa một cái giận, cũng như đem cục than bỏ trong tay hay trong da, trong thịt mình vậy. Nếu cục than bỏ trong tay, trong da, trong thịt thì sao? Nóng, khó chịu. Vậy mà lòng mình chứa một trăm cục than thì người này khổ nhiều ít? Khổ thứ nhất là khô héo vì ngủ không ngon, ăn không ngon. Giận quá làm sao ăn ngon, ngủ ngon được. Khổ thứ hai là giận làm cho mình dễ xấu. Quý vị thấy mỗi lần nổi giận lên gương mặt mình thế nào? Nổi giận lên thì con mắt đỏ ngầu, mặt đổi màu đổi sắc, không còn tốt đẹp nữa. Cả trăm cái giận ở trong lòng thì nó đốt riết mình khô héo, xấu xa. Như vậy ôm ấp cái giận mấy chục năm là khôn ngoan hay thiếu khôn ngoan?
    Bởi vậy nên người biết tu, ai nói gì trái ý, mình giận một chút rồi bỏ đi, xả đi. Giận làm chi, ngu! Ôm cái giận là ngu chớ không phải khôn, tội gì ôm cho khổ. Trong nhà Phật có câu: “Tăng hận bất cách túc” nghĩa là Tăng (người tu) giận không quá một đêm. Chúng ta là phàm tăng nên tham sân si cũng còn, vì vậy gặp việc trái ý cũng giận. Nhưng giận chút thôi rồi bỏ, chớ không nên chấp chứa.
    Người thế gian thường thích chứa, chứa năm này qua năm nọ. Họ tưởng như vậy là hay, là khôn mà không ngờ đó là tự chuốc họa vào mình, tự đeo khổ cho mình chứ không có lợi gì hết. Vì vậy nên Phật dạy phải xả hết những giận hờn.
    Chứa chấp vừa bị khổ trong hiện tại, mà còn khổ cả vị lai nữa.
    Trong kinh Phật dạy, người khi sắp bỏ thân này qua đời khác thì nghiệp thương và nghiệp ghét sẽ đi theo. Bởi vì thương ai thì ta nhớ người đó, ghét ai cũng nhớ kẻ đó. Như chúng ta ngồi ôn lại trong lòng, thì nhớ những người mình thương và những người mình ghét nhiều nhất phải không? Ghét không mất, thương cũng không mất. Vì vậy càng chứa sâu thì khi nhắm mắt, các nghiệp đó dẫn mình đi đến chỗ thương hoặc chỗ ghét.
    Do đó, khi chúng ta thọ thân sau, nếu ôm ấp nghiệp ghét nhiều quá thì đến những gia đình gặp toàn chuyện buồn phiền, hờn giận, không vui. Có bao giờ chúng ta muốn gặp những người mình ghét không? Không muốn. Ai cũng muốn gặp người mình thương. Nhưng trong lòng thù oán nhiều quá thì nó sẽ dẫn mình gặp lại những người thù oán. Nên hiện tại khổ mà vị lai cũng khổ luôn. Điều này rất thiết yếu.
    Chúng ta phải khéo đừng nuôi dưỡng oán thù trong lòng, nên buông bỏ hết. Cái gì qua rồi không chứa chấp nữa. Hơn thua, phải quấy, chuyện đó không có gì quan trọng. Quan trọng ở chỗ làm sao cuộc sống mình bình an, thanh thản, tươi vui. Đó mới là điều đáng lưu tâm. Chúng ta sống muốn hạnh phúc, muốn được an lạc thì nên giữ hay nên xả? Nên xả. Vì vậy tôi nói tu muốn cho hết khổ thì phải xả, đừng chứa chấp. Đó là điều thứ hai.
    Điều thứ ba, chúng ta đừng cố chấp ý kiến mình là đúng, ý kiến người khác là sai. Bởi vì ở thế gian này không có gì là đúng cố định mà cũng không có gì là sai cố định. Chúng ta mở miệng nói với ai cũng “Tôi nghĩ thế này là đúng”. Nếu nói tôi nghĩ như vậy là đúng, người thứ hai nói tôi nghĩ thế khác mới đúng, thì hai cái đúng nó đụng nhau. Mình đúng theo cái nghĩ của mình, người khác đúng theo cái nghĩ của họ. Ai cũng đúng hết thì cãi lộn hay hều? Thế gian không ai chịu thua ai, mình đúng thì người khác sai, mà người khác đúng thì mình sai. Cho nên khi người ta nghĩ khác với mình, mà họ cho rằng họ đúng thì mình bực lên liền, và người kia cũng nổi tức vậy. Hai cái nổi tức sẽ đi đến khẩu chiến. Khẩu chiến không xong thì tới thân chiến.
    Quý vị thấy những người cãi nhau, đánh nhau khi được hỏi: “Tại sao quý vị đánh nhau?”, họ nói: “Tôi nói cái này đúng mà nó cứ cãi hoài”. Có khi nào hai người cãi lộn mà chúng ta hỏi “tại sao”, họ nói “tại tôi sai” đâu. Nhất định là đúng. Hai cái đúng không giống nhau thì nhất định cãi lộn, cãi lộn không xong thì tới đánh lộn. Như vậy thì khổ hay vui? Không bao giờ vui được. Những điều này xảy ra rất nhiều.
    Gia đình vợ chồng, mỗi người thấy một lối, ai cũng cho là đúng thì gia đình đó cãi lộn hoài. Trong xã hội, nhóm này thấy thế này là đúng, nhóm kia thấy thế khác là đúng thì cũng gây ra cuộc đấu chiến. Cả trên thế gian đều như vậy. Nếu cố chấp cái nghĩ của mình đúng, cái nghĩ của người khác sai là gốc của đấu tranh, của tiêu diệt nhau. Cho nên chúng ta đừng có cố chấp. Cái đúng này là đúng của tôi, cái đúng kia là đúng của anh. Mỗi người giữ phần của mình, cãi nhau làm chi. Vậy là yên.
    Xả hết cố chấp, đừng bắt người khác phải nghĩ, phải thấy như mình mới đúng. Đó là điểm đặc biệt của đạo Phật. Trong đạo Phật có câu: “Phật hóa hữu duyên nhân”, Đức Phật giáo hóa người có duyên với Ngài mà thôi. Ai có duyên thì đến với Phật, chớ Phật không nói đạo Phật là đúng, đạo khác là sai. Theo đạo nào cũng tốt. Mình thích đạo Phật vì đạo Phật thích hợp với tâm tư nguyện vọng của mình nên mình theo, người khác không thích thì thôi. Chúng ta không nên nói theo đạo Phật chết được về Cực lạc, còn theo đạo khác chết nhất định đọa địa ngục. Không nên như vậy.
    Trong kinh Phật, nhất là các bộ A Hàm, Phật thường nói: “Người tu theo đạo Phật làm lành, tu thập thiện được phước sanh cõi trời. Người không tu theo đạo Phật mà làm mười điều lành cũng được sanh cõi trời”. Không phải cõi trời chỉ dành cho người tu theo đạo Phật. Bởi vậy người không tu theo đạo Phật mà làm lành, làm tốt họ vẫn có phước. Mình tu theo đạo Phật mà mình làm xấu làm ác thì mình cũng bị tội như thường. Chúng ta mới thấy rằng chủ trương của Đức Phật rất rõ ràng, rất thấu đáo. Phật không bắt ai phải theo mình dù biết rằng làm như vậy là tốt, là có lợi. Nếu người ta không thích thì thôi, không ép buộc.
    Chúng ta học Phật phải tập tâm cỏi mở, xả bỏ những cố chấp riêng tư, dù chắp tôn giáo mình cũng là bệnh nữa. Những gì chúng ta thấy đều do Phật dạy, mình biết mình tu. Ai thấy hợp thì tu theo, còn thấy không hợp thì thôi, ta chỉ cười chớ đừng giận. Đạo mình kính trọng mà nghe ai nói ngược lại, mình nổi sùng lên thì chưa gọi là hiểu đạo. Không cố chấp thì cuộc đời an vui, hạnh phúc, sống với mọi người rất hòa nhã.
    Điều thứ tư là Phật dạy xả đừng chấp thân của mình nữa. Quý vị thấy dễ hay khó? Xả mấy điểm kia thì còn khả dĩ, xả chấp thân mình thì hơi khó. Tôi hỏi quý vị trong tất cả cái sợ của mình hiện giờ, cái sợ nào là số một. Sợ chết là số một. Tại sao mình sợ chết? Vì cố giữ thân, cố chấp thân, nên nghe nói mất đi thì hoảng sợ. Do đó khi cái chết đến, mình khổ vô cùng.
    Chúng ta xét kỹ thân của mình, ai cũng muốn cho nó được tròn một trăm năm. Hồi xưa còn tham hơn nữa, hàng quần thần chúc vua chúa đến vạn tuế, tức là muôn năm. Chúc muôn năm, mà có ông vua nào sống được muôn năm đâu. Mấy ông còn chết sớm hơn ai hết. Như vậy để thấy lòng tham sống của con người quá lớn. Bởi tham sống cho nên chết là cái khổ nhất.
    Nếu người không tham sống thì chết có khổ không? Đâu có khổ vì họ đâu có sợ. Nên quý vị cố chấp thân, muốn giữ cho nó lâu dài, mà lỡ nó bại hoại thì đau khổ vô cùng. Thân mình đâu có nguyên vẹn từ thỉ chí chung, mà nó đổi thay từng tháng, từng ngày. Như vậy muốn nó còn hoài, chẳng khác nào mình nắm một cục nước đá trong tay mà muốn nó đừng tan. Thân này cũng vậy, luôn biến chuyển từng phút giây. Đó là nói bình thường, còn nói theo khoa học là nó sinh diệt từng tế bào. Lúc nào, phút nào cũng sinh sinh diệt diệt, không dừng. Sinh diệt luôn luôn mà bảo nó còn hoài làm sao được. Chấp như vậy có phải là ảo tưởng không? Ảo tưởng sai lầm mà chúng ta cứ chấp giữ, cho nên khổ vô cùng.
    Vậy mà trăm người như một, ai cũng muốn giữ thân lâu dài. Nhiều khi bảy, tám mươi tuổi vẫn muốn sống hoài, không muốn chết. Muốn giữ hoài mà có giữ được đâu. Giữ không được thì khổ hay vui? Người lớn tuổi nào cũng thở dài than vắn, khổ quá! Già yếu bệnh hoạn, khổ quá!
    Thật ra già yếu, bệnh hoạn có khổ không? Có gì đâu mà khổ, nó là như vậy. Hết thời ấu niên đến thời tráng niên, hết thời tráng niên đến thời trung niên, hết thời trung niên đến thời lão niên. Cứ thế mà đổi dời. Nên khi trẻ mình vui với tuổi trẻ, lúc già mình vui với tuổi già. Mai mốt chết thì cười với cái chết, sướng không? Chứ ngồi đó mà than, ai cứu mình được. Không ai cứu được thì than hoài làm chi cho khổ vậy? Cứ cười vui. Ờ! Già tốt. Nếu đi hai chân không vững thì thêm chân thứ ba nữa. Cứ như vậy mà chống gậy, có gì đâu phải buồn. Xả được cố chấp thì vui, còn nếu giữ thì khổ. Lẽ thực là như vậy.
    Con người sợ chết nhưng có giữ cho khỏi chết được không? Nếu giữ được thì cũng nên sợ. Giữ không được thì cứ cười vui cho rồi. Quý vị nghĩ nếu lát nữa chết, chúng ta sẽ có cái gì vui? Hiện tại mình biết hết các việc trên thế gian rồi, biết sự sống này rồi. Người ta nói đi du lịch vui chơi đó đây là tới những chỗ mình chưa biết, còn những chỗ nào biết rồi, đi chán lắm. Chúng ta đã ở trên thế gian mấy chục năm, chán quá rồi. Bây giờ đi tới chỗ khác chơi cho vui thì sợ gì. Khi sắp chết, mình tự nghĩ ta sẽ biết thêm một chỗ mới nữa. Vậy là vui chớ không sợ. Chúng ta sống vui với cái sống, chết cũng vui với cái chết, như vậy là an vui, tự tại.
    Người không sợ chết thì chết không phải là khổ. Sở dĩ khổ là vì người ta chấp chặt phải sống, sống chừng nào cũng được, sống hoài. Chấp chặt vậy cho nên lỡ ai coi tuổi hoặc bắt mạch nói bệnh sắp chết liền quên ăn, quên ngủ. Nếu hiểu được lẽ thật thì chết là vui thôi. Ờ, tôi ở đây mấy chục năm chán rồi, đi chỗ khác chơi cho vui. Đó, nghĩ vậy thì cứ cười mà đi, có tự tại không? Rõ ràng nếu buông xả cố chấp thì chúng ta an vui. Còn bám chặt giữ mãi thì chúng ta đau khổ.
    Cuộc đời là một dòng biến chuyển từ ngoại vật cho tới con người. Nó biến chuyển mà chúng ta cố giữ thì có phải là si mê không? Cho nên Phật nói người trí biết được vô thường biến chuyển nên không khổ. Còn người ngu, đối với vô thường biến chuyển mà muốn còn nguyên vẹn nên khổ. Bản thân mình nó phải biến hoại, phải mất; chúng ta biết rõ rồi cười với nó, không sợ, là chúng ta khéo tu.
    Tu là như vậy, chớ không phải vừa mới bệnh liền chạy tới cầu Phật cho con sống được năm năm, mười năm. Phật tử bệnh tới chùa nhờ quý thầy cầu an. Quý thầy cầu cho Phật tử an, còn quý thầy không an thì cầu ai? Nếu tất cả người bệnh cầu đều được an thì không ai chết hết. Nhưng thật ra đâu có chuyện đó. Kỳ này cầu an là tại họ chưa chết, kỳ sau tới lúc chết thì cầu gì cũng chết thôi, cầu an cũng không khỏi.
    Như vậy để thấy chúng ta tu là phải nhận ra lẽ thật của cuộc đời, thấy rõ được lẽ thật của bản thân mình. Đừng lầm lẫn mới an vui, khỏi phải nhờ ai cầu gì hết, cũng khỏi cần coi tướng coi số làm chi. Cuộc đời là như vậy, không có gì phải lo. Năm mươi tuổi chết cũng tốt, bảy mươi tuổi chết cũng tốt, tám mươi tuổi chết cũng tốt, không sao hết. Tôi thường hay nói ai rồi cũng chết một lần, chớ có ai chết hoài đâu phải không? Thì thôi lúc nào tới thì đi một lần, chớ đâu có đi hoài mà sợ.
    Phật dạy khi bỏ thân này, muốn có thân khác đẹp hơn thì phải tạo duyên tốt. Như giữ được năm giới trọn vẹn thì đời sau trở lại làm người đủ năm điều kiện tốt: Không sát sanh thì tuổi thọ dài. Không trộm cướp thì có nhiều của. Không tà dâm thì đẹp đẽ trang nghiêm. Không nói dối thì ngôn ngữ được lưu loát. Không uống rượu, xì ke ma túy thì trí tuệ thông minh. Nếu thiếu một trong năm giới thì đời sau bất hạnh một phần. Ai muốn đời sau được thân tốt đẹp hơn thân người thì tu Thập thiện.
    Như vậy chết không đáng sợ mà chỉ sợ mình không chuẩn bị được khi mất thân này. Đến lúc ngã ra chết không làm điều lành, không tạo phước đức thì chừng đó khổ hơn nữa. Cho nên biết tu thì trong cuộc sống hiện tại chúng ta được an vui tự tại, khi nhắm mắt chúng ta đã chuẩn bị cho đời sau được tốt đẹp hơn nên chúng ta càng vui, không có gì phải buồn sợ.
    Cũng như mình đi chiếc xe cũ, lâu quá nó hư mòn, cứ đẩy hoài rất chán. Bây giờ mình dành dụm tiền, bỏ xe cũ mua xe mới đẹp hơn. Như vậy buồn hay vui? Nhưng muốn mua xe khác đẹp hơn thì phải chuẩn bị tiền. Chuẩn bị trước rồi mới bỏ xe cũ mua xe mới được. Chứ không chuẩn bị thì xe cũ bỏ rồi, không biết làm sao mua xe mới. Cho nên người biết tu là người biết lo xa, biết chuẩn bị sẵn; bỏ thân này qua thân khác khỏe hơn. Đó là bước tiến của người tu.
    Như vậy chỉ một chữ xả mà chúng ta được an ổn vui tươi. Cần gì phải nhiều. Một chữ mà biết tu là cả cuộc đời sống thoải mái, an vui. Ngược lại, quý vị sẽ thấy mặt mày nhăn nhó hoài, bất mãn cái này, bất mãn cái nọ, bất mãn con cái, bất mãn vợ chồng, bất mãn xã hội. Mấy chục năm cứ nhăn nhó hoài, uổng một cuộc đời. Cho nên mình phải vui tươi xả bỏ, có mấy mươi năm ngắn ngủi, sống làm sao cho thảnh thơi, tạo phước lành để khi nhắm mắt được đến cõi lành, ở đó mà buồn giận làm chi cho khổ.
    Vậy, mong quý Phật tử nghe hiểu, ứng dụng tu để tất cả chúng ta sống trên thế gian này lúc nào cũng tươi cười, không còn buồn bực. Đến lúc nhắm mắt ra đi, chúng ta cũng vui luôn. Đó là kết quả tốt đẹp của người Phật tử khéo tu.

    HT. Thích Thanh Từ.


    26/09/2014

    Thước Lỗ Ban

     Trong xây dựng và thiết kế nội thất, chúng ta thường nghe đến cụm từ “thước Lỗ Ban”. Vậy thước Lỗ Ban là gì và được dùng để làm gì?

       Trong địa lý cổ Phương Đông thực hành, thước Lỗ Ban là một yếu tố không thể tách rời. Qua thực tế thiết kế và thi công vẫn có nhiều người tin tưởng vào cây thước cổ truyền này. Thước Lỗ Ban là một cây thước kinh nghiệm, nó không thuộc bất kỳ hệ thống đo đạc nào trên thế giới, và được đúc kết kèm thử nghiệm cả ngàn đời nay chỉ để phân định hai chữ tốt và xấu. Dĩ nhiên chỉ bằng một cây thước làm sao cải đổi được vận mạng, nhưng có lẽ qua chính sự sử dụng của gia chủ qua nhiều đời mà nghiệm được rằng khi tai hoạ có đến thì cũng nhẹ đi một chút, lộc phúccó tìm thì may mắn được nhiều hơn. 
       Có nhiều truyền thuyết về cuộc đời của Lỗ Ban như khi ông sinh ra từng đàn sếu tụ tập lại và ngôi nhà toả hương thơm kỳ lạ, hay về những con chim gỗ dẫn đường cho ông chế tác ra những người gỗ bất tử … Tuy nhiên, lịch sử ghi lại Lỗ Ban họ Công Thâu tên gọi là Ban, người nước Lỗ đời Xuân Thu (hiện tại thuộc tình Sơn Đông - Trung Quốc), cùng thời với Mặc Tử (một triết gia nổi tiếng). Vì ông là người nước Lỗ, cho nên mọi người gọi ông là Lỗ Ban. Ông là một người thợ nổi tiếng thời cổ đại và cũng là một nhà phát minh xuất sắc. Từ ngàn năm nay, thợ mộc và thợ xây dựng Trung Quốc đều tôn thờ ông như một vị tổ sư. 
        Khi kéo cây thước này ra thì chúng ta sẽ thấy có 2 hàng chữ Hán nằm trong các ô, một hàng chữ lớn và một hàng chữ nhỏ. Các bạn cứ lần theo hàng chữ lớn cho đến ô có 1 số nhỏ, đối chiếu ta được 42,9 cm hoặc gần 17 inches, đó chính là chiều dài của một cây thước Lỗ Ban. Tương truyền, chiều dài này được Lỗ Ban tính từ chiều dài trung bình từ cùi chỏ đến đầu ngón tay út duỗi thẳng của loài người.  Như vậy, suốt chiều dài cây thước kéo, loại 5 mét chẳng hạn, chỉ là một sự lập đi lập lại hơn 11 cây thước Lỗ Ban. 
       Thước Lỗ Ban có thước trên và thước dưới, dùng để đo Mộc và đo Thổ. Mặt Thổ dùng để đo đất, trong khi mặt Mộc dùng để đo cửa, bếp, bàn, tủ … Chú ý là khi đo cửa thì phải đo khoảng trống của cửa (lọt lòng), chứ không phải đo phủ bì. 
       Một cây thước Lỗ Ban có 8 cung (hàng chữ lớn, nằm trong ô vuông), là biến thể của đồ hình Bát Quái, thay vì sắp theo hình tròn người ta trải phẳng theo hàng ngang. Trong 8 cung đó có 4 cung tốt (màu đỏ) và 4 cung xấu (màu đen), đi từ trái sang phải sắp xếp theo thứ tự sau:

    Tài - Bệnh - Li - Nghĩa - Quan - Kiếp - Hại - Bản

    Trong mỗi cung đó lại chia thành 4 cung nhỏ.

       Thước Lỗ Ban được sử dụng đo đạc trong xây dựng dương trạch (nhà cửa) và âm cơ (mộ phần). Ở đây chỉ bàn về xây dựng nhà cửa. 
       Trong nhà, cái quan trọng nhất là cửa nẻo, chỗ chúng ta thường xuyên ra vào. Khi đo cửa, cần nhớ chỉ đo khoảng thông thủy (lọt lòng), tính từ mép trong của cửa. Điều này rất quan trọng, vì nhiều khi các bạn chừa lỗ cửa đúng kích thước Lỗ Ban nhưng khi lắp cửa vào do có thêm các gờ cửa mà làm sai chệch cung tốt - xấu.
       Cách thức đo là bạn kéo thước từ mép cửa này sang mép cửa kia, nếu rơi vào cung đỏ là ta được kích thước tốt, rơi vào cung đen là kích thước xấu, đo cả chiều rộng lẫn chiều cao cửa. Nhưng có một điều cần lưu ý, do thước Lỗ Ban chúng ta sử dụng có thêm phần thước kết hợp, tức là phần thước hàng chữ nhỏ, nên có khi cửa đã lọt vào cung tốt ở hàng trên, hàng dưới lại là cung xấu và ngược lại. Đó chính là quy luật bù trừ trong vũ trụ, được mặt này lại mất mặt kia. Như vậy để được một kích thước tốt, cần phải trên đỏ, dưới đỏ. 
     
       Ví dụ, cửa phòng bạn có kích thước 85cm, nghĩa là lọt vào cung Hưng Vượng, màu đỏ - tốt nhưng đối chiếu hàng dưới lại lọt vào cung Tai Chí, màu đen - xấu. Để khắc phục các bạn có thể nới rộng của ra từ 86 đến 89cm chẳng hạn. Cách sửa chữa khi cửa lọt vào cung xấu là các bạn có thể bào bớt cửa, đóng thêm nẹp, hoặc cùng lắm là làm lại khuôn cửa và cánh cửa mới cho đúng kích thước. Để tìm hiểu kích thước chi tiết về cửa, hãy xem lại bàiChọn kích thước đúng cho từng loại cửa đã được đăng trước đây. Ngoài cửa nẻo và bàn làm việc cũng nên theo kích thước Lỗ Ban, cách thức đo tương tự. 
    Sự ứng nghiệm của các cung 
    • Cung Tài: nghĩa là tiền của, ứng nghiệm tốt nhất với cổng lớn, nơi đón nhận của cải từ ngoài vào.
    • Cung Bệnh: là đau bệnh, ứng đặc biệt với nhà vệ sinh. Nơi này thường là góc hung (xấu) của nhà, cửa lọt vào chữ Bệnh sẽ thuận lợi cho bệnh sinh ra và phát triển.
    • Cung Ly: là chia lìa, rất kỵ cho cửa trong nhà. Cửa lọt vào chữ Ly, chồng thì làm ăn xa nhà, vợ gặp điều quyến rũ, con cái hoang đàng phá phách. 
    • Cung Nghĩa: rất tốt cho cổng lớn và cửa nhà bếp, cửa các phòng thông nhau thì không nên (đã nói ở bài 1).
    • Cung Quan: rất kỵ ở cổng lớn vì tránh chuyện kiện tụng ra chính quyền, nhưng lại tốt ở cửa phòng riêng vợ chồng vì sẽ sinh con quý tử. 
    • Cung Kiếp: là bị cướp, tượng trưng cho tai hoạ khách quan đến từ bên ngoài khiến hao tiền tốn của. Tránh ở cổng lớn, nhất là các cửa hàng, tiệm buôn càng nên lưu ý. 
    • Cung Hại: tượng trưng cho mầm xấu nhen nhúm từ bên trong, kỵ ở các cửa phòng trong nhà.
    • Cung Bản: thích hợp cho cổng lớn. 

    21/09/2014

    LUẬN VỀ NGHỀ VÀ NGHIỆP

    Ngôn ngữ tiếng Việt rất hay. Có những danh từ ghép mà tổ tiên của người Việt đúc kết mà thành không chỉ vì đơn thuần về ngữ nghĩa, mà còn là những kinh nghiệm sống, kể cả tâm linh. Trong số đó, có danh từ Nghề-nghiệp. 
    Ở danh từ ghép này có 2 danh từ được ghép lại. Nghề là công việc chuyên môn của mỗi người làm việc hằng ngày để nuôi sống bản thân và gia đình. 
    Còn Nghiệp là cái nghề mà nó đeo mang theo mình suốt đời, nhưng trong nghĩa tâm linh, nghiệp còn có nghĩa là hánh động có tác ý phát sinh từ tâm của mỗi người mà ra. Cho nên theo lý thuyết Phật giáo thì Nghiệp liên quan đến phạm trù nhân quả, gọi là nghiệp quả.
    Tác ý tốt thì gieo nghiệp tốt từ một xuất phát điểm của cái tâm hướng chân thiện mỹ. Tác ý xấu là phát ra từ một cái tâm xấu đi ngược lại với chân thiện mỹ. 
    Kết quả của chữ nghề nghiệp là làm việc chuyên môn của cá nhân suốt đời để nuôi sống bản thân và gia đình, đôi khi cả cộng đồng và dòng tộc. Nó tùy theo tác ý từ tâm của người đó hướng thiện hay hướng ác.
    Song, nghề là cái mà chính bản thân người đó chọn được, quyết định được về chuyên môn. Trong khi đó, nghiệp là cái mà cá nhân người có nghề không thể chọn được, mà nó phụ thuộc vào hoàn cảnh xã hội, và tác ý tâm của cá nhân làm chuyển hướng đến nghè mà thành ra nghiệp. Ví dụ, tôi học y khoa, nhưng sau thời gian tôi thấy y khoa không hợp, tôi bỏ ngành y đi kinh doanh. Y khoa là cái nghề tôi đã chọn, nhưng hoàn cảnh xã hội, gia đình và tâm ý của tôi chuyển từ ngành y, tôi đi làm kinh doanh. Và cái nghiệp của tôi là nghiệp kinh doanh, trong khi cái nghề của tôi vẫn là nghề y khoa. Lúc đó, tôi kiêm cả luôn cái nghề kinh doanh, mà tôi phải học hỏi thêm để làm việc kinh doanh.
    Trên thế giới không thiếu những cá nhân học một nghề, nhưng lại làm việc, một nghề khác với cái mình học. Cái nghề trái khuấy ấy gọi là nghiệp, và cũng là nghề mới của cá nhân đó. Nhưng cũng có nhiều người học nghề và làm chính cái nghề ấy suốt đời mình, và nó cũng chính là nghiệp của mình. Trong Phật học gọi nghiệp thì luôn gọi là nghiệp quả. Vì nghiệp là do tác ý từ tâm của con người mà ra. Tâm động thì duyên khởi, duyên khởi thì nghiệp sinh, nghiệp sinh thì gieo nhân và gặt quả. Tất cả  là một chuỗi logic của các khái niệm về khoa học xã hội, mà mỗi cá nhân phải tự kiến giải trước khi tư duy và hành động.
    Không có gì phải tiếc nuối hay trăn trở khi ta học một nghề, mà phải đi làm một nghề khác. Vì nghề và nghiệp là 1 nhưng là 2, là 2 nhưng là 1.
    Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên mà các nhà giàu họ chọn con đường làm từ thiện cho việc giải nghiệp mà mình đã gieo khi còn hung hăng đi tìm sự giàu có, mà họ phải tác ý phi chân, thiện và mỹ. Nhưng cũng có lắm nhà giàu chọn con đường làm từ thiện để cho việc mình làm giàu hơn. Vì không có con đường quảng cáo nào đắc nhân tâm hơn bằng con đường làm từ thiện.
    Mấy năm gần đây ở Việt Nam, có những nhà giàu lên truyền hình làm từ thiện qua những cuộc đấu giá mua vật phẩm cao ngất ngưỡng, nhưng rồi trốn biệt, không mua. Đó là họ đã tự tác ý gieo nghiệp quả xấu. Kết cục sẽ khó lường.
    Trong nghề nghiệp cũng thế, chân thiện mỹ luôn yếu hơn phi chân thiện mỹ, nhưng chân thiện mỹ luôn trường tồn. Ai làm nghề mà với tâm không tốt, ban đầu có thể thành công, nhưng không bền lâu được. Đó là ý nghĩa tận cùng của chữ nghề nghiệp.


    Bản quyền của net.

    Tai biến mạch máu não Xin nhớ ba chữ: C.N.G


    Tai biến mạch máu não hay còn gọi đột quỵ đang trở thành vấn đề quan trọng của y học. Đặc biệt, bệnh gia tăng khi thời tiết lạnh giá.
    Tai biến mạch máu não hay còn gọi đột quỵ đang trở thành vấn đề quan trọng của y học bởi vì tuổi thọ trung bình ngày càng tăng mà nguy cơ đột quỵ lại phụ thuộc vào tuổi tác. Đặc biệt, bệnh gia tăng khi thời tiết lạnh giá. Mỗi năm, ở nước ta, Tai biến mạch máu não ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn người và để lại những di chứng nghiêm trọng.

    Tai biến mạch máu não là gì?

    Tai biến mạch máu não xảy ra khi mạch máu cung cấp ôxy và các chất dinh dưỡng cho phần mô não đó bị tắc nghẽn hay bị vỡ ra. Khi điều này xảy ra thì các tế bào thần kinh trong phần não trên sẽ bị tê liệt, không làm việc được nữa. Do đó, phần cơ thể do chúng điều khiển cũng không còn chức năng như cũ. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tai biến nhưng hay gặp nhất là một động mạch máu bị tắc bởi cục máu đông được gọi là huyết khối, nó được hình thành trong lòng động mạch. Hoặc các động mạch bị xơ vữa do trong mạch máu bị ứ đọng mỡ và dày lên. Điều này dần dần làm hẹp lòng mạch máu, gây chậm dòng chảy, đến một lúc nào đó tạo thành cục máu đông. Cục máu đông trôi đi lang thang bị cuốn theo dòng chảy và bị nghẹt lại ở một mạch nào đó của não gọi là thuyên tắc não. Nếu một động mạch trong não bị vỡ ra gây chảy máu gọi xuất huyết não. Xuất huyết não có thể xảy trên bệnh nhân có xơ vữa động mạch và tăng huyết áp hoặc xảy ra sau chấn thương ở đầu hay một túi phình động mạch bẩm sinh bị vỡ.

    Nhận biết sớm dấu hiệu bệnh Tai biến mạch máu não

    Tứ chi tê liệt: bệnh nhân cảm thấy một bên mặt hoặc tứ chi tê liệt, đau nhức, cơ thể rã rời, miệng chảy nước bọt, hoa mắt chóng mặt... vài giờ hoặc vài ngày trước đó. Những biểu hiện này rõ nhất là sau khi ngủ dậy. Đây là một dạng phản ứng do hệ thống động mạch cảnh không cung cấp đủ máu, não thiếu máu, thiếu ôxy.
    Đột nhiên mặt mũi tối sầm, không nhìn thấy mọi vật: hiện tượng này thường diễn ra trong vài giây hoặc vài phút và sau đó lại hồi phục thị lực bình thường. Điều này chứng tỏ võng mạc mắt bị thiếu máu tạm thời, khả năng lưu thông của mạch máu não bị thu hẹp nghiêm trọng.
    Người bệnh có hiện tượng ú ớ: Không nói được hoặc khó nói hoặc không hiểu được người khác nói, có lúc tư duy lộn xộn, hỏi không đáp, gọi không thưa... Đây cũng là do việc cung cấp máu cho não bị thiếu, ảnh hưởng đến trung khu ngôn ngữ của vỏ não.
    Người bệnh có hiện tượng hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, có lúc còn cảm thấy quay cuồng rồi đột ngột bị ngã bất tỉnh. Nguyên nhân là do động mạch không cung cấp máu cho não đủ gây ảnh hưởng đến tiểu não và các tổ chức thần kinh liên quan.
    Đau đầu chóng mặt: Nếu người bệnh có tiền sử tăng huyết áp thì khi xuất huyết não, sự giao động của huyết áp sẽ tăng cao, gây ra đau đầu, chóng mặt, thậm chí kèm theo buồn nôn, nôn, trong người cảm thấy khó chịu... Rất có thể đã xảy ra hiện tượng xuất huyết não.
    Ngáp nhiều: Ở người cao tuổi, do xơ cứng động mạch não, các mạch máu bị thu hẹp làm cho việc lưu thông máu chậm lại, gây thiếu máu, thiếu ôxy cho tổ chức não.Chức năng của não bị ảnh hưởng gây hiện tượng ngáp. Nếu trong một vài ngày, người cao tuổi có hiện tượng ngáp nhiều liên tục chứng tỏ não bị thiếu máu và có thể xảy ra tai biến cần cảnh giác.
    Động mạch nuôi não bị xơ vữa hoặc tắc là nguyên nhân gây tai biến  mạch não.

    Phòng ngừa như thế nào?

    Tai biến mạch máu não xảy đến rất đột ngột, bệnh nhân không cảm thấy đau đớn gì. Vì vậy, bệnh nhân đôi khi không gọi được người trợ giúp, chính vì thế sẽ dễ mất đi quãng thời gian quí giá là thời gian chúng ta có thể cứu được bộ não (còn gọi giờ vàng) trong 3 giờ đầu bị bệnh. Khi bị tai biến mà phát hiện muộn, cho dù điều trị tích cực cũng dễ để lại di chứng nặng nề. Do đó, phát hiện và điều trị tích cực các nguyên nhân gây tai biến là quan trọng như: điều trị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tránh căng thẳng thần kinh, làm việc nghỉ ngơi hợp lý, tập luyện đều đặn vừa với sức mình, không uống nhiều bia rượu... Khi có các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, khó ở, mệt không rõ nguyên nhân..., cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
    Số người tai biến mạch máu não thường gặp ở nước ta ở là độ tuổi ngoài 50, tỷ lệ nam mắc cao hơn nữ khoảng 3 lần. Có tới 80% bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp( trong khi đó hơn 2/3 bệnh nhân tăng huyết áp không tự biết mình mắc bệnh, và khi đã phát hiện tăng huyết áp rồi thì cũng có tới gần ½ không được điều trị, trong số được điều trị thì số được chữa đúng cách chỉ non ¼), tiếp đó là những người bệnh tim, tiểu đường…Thời gian xẩy ra tai biến thường từ 1 giờ sáng đến 12 giờ trưa, bệnh có nguy cơ tăng cao về mùa đông khi thời tiết thay đổi đột ngột. Ngoài triệu chứng thường gặp như đã nói ở trên, người bệnh có thể có những triệu chứng như: đau đầu vùng chẩm- gáy, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn cảm giác, mất ý thức, rối loạn tâm thần…
    BS. Vũ Hồng Ngọc (Sức khỏe đời sống)

    Tai biến mạch máu não Xin nhớ ba chữ: C.N.G.
    Bạn chỉ tốn vài phút để đọc mấy điều đơn giản dưới đây, mà có thể cứu được mạng người. Một chuyên viên điều trị nói rằng: nếu ông ta có thể đến với nạn nhân Tai biến mạch máu não trong vòng 3 tiếng đồng hồ, ông ta có thể hoàn toàn đảo ngược ảnh hưởng cuả tai biến…

    NHẬN DIỆN - TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO
    Trong bữa tiệc BBQ, một người bạn bị mất thăng bằng suýt ngã, bà ta trấn an mọi người là bà không sao cả, chỉ bị trượt trên gạch và đôi giày mới… Vài người đã giúp phủi bụi cho bà (thay vi kêu xe cứu thương) và làm cho bà một đĩa thức ăn mới. Bà Ingrid tiếp tục cuộc vui cùng bạn bè cho đến hết buổi chiều.
    Mọi người mới về đến nhà, thì nhận được điên thoại cuả chồng bà Ingrid, báo tin là vợ ông đã đuợc đưa vào bệnh viện lúc 6 giờ chiều, và đã qua đờí vì Tai biến mạch máu não trong bữa tiệc BBQ. Nếu có người biết cách nhận ra triệu chứng Tai biến mạch máu não, có lẽ bà Ingrid có thể vẫn còn sống với chúng ta hôm nay.

    XÁC ĐỊNH - TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO
    Hệ thần kinh não bộ cuả nạn nhân Tai biến mạch máu não, có thể bị tàn phá nhanh chóng và kinh khủng, khi những người chung quanh không phát hiện ra được các triệu chứng cuả Tai biến mạch máu não. Thực ra, một người bàng quang có thể nhận diện được Tai biến mạch máu não, bằng cách hỏi nạn nhân ba câu đơn giản:

    C.           Yêu cầu người đó Cười
    N.           Yêu cầu người đó Nói
    G.           Yêu cầu người đó Giơ tay lên

    Nếu người đó bị trở ngại bất cứ điều nào kể trên, bạn hãy gọi xe Cấp cứu ngay tức khắc.
    Ghi chú: Còn một dấu hiệu khác về Tai biến mạch máu não là Lưỡi của nạn nhân bị Cong, hoặc bị Ngả về một bên. Đó cũng là triệu chứng cuả Tai biến mạch máu não. Nếu mỗi người nhận được Email này, và gởi đi cho 10 người, thì ít nhất có một mạng người được cứu sống.

    Chỉ với một cây kim, ta có thể cứu được mạng người.
    Kính thưa quí vị, có thể quí vị đã có đọc những dòng chữ này rồi, nhưng chúng tôi muốn trích dịch ra tiếng Việt Nam và phổ biến rộng rãi, trong hy vọng có thể cứu được mạng người trong cơn nguy cấp, khi chờ đợi được các chuyên viên Y-tế săn sóc.
    Chỉ cần một ống tiêm thuốc (loại dùng xong rồi phế thải, bằng nhựa), hoặc một cây kim may, là chúng ta có thể cứu mạng một bệnh nhân đang bị chứng tai biến mạch máu não (stroke). Việc cứu chữa thật đơn giản và dễ dàng một cách lạ lùng, nhưng có thể mang đến những kết quả cũng không kém lạ lùng và hữu hiệu. Chúng ta chỉ cần một phút để đọc tài liệu này, và các điều ghi trong tài liệu quả là những hướng dẫn tuyệt vời.
    Xin quí vị ghi nhớ hoặc lưu giữ tài liệu này để sẵn sàng áp dụng, vì biết đâu, một ngày nào đó, quí vị sẽ dùng đến để cứu sống mạng người.
    Cô Irene Liu kể chuyện: “Cha tôi bị tê liệt và chết sau đó vì ông là nạn nhân của bệnh tai biến mạch máu não. Ước chi tôi biết được thủ thuật này từ trước. Khi tai biến mạch máu não xảy ra, tất cả những tia huyết quản nhỏ trong não bộ sẽ từ từ vỡ ra sau đó.”
    Khi có bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, chúng ta phải giữ bình tĩnh, đứng cuống quít. Điều quan trọng nhất là ĐỪNG BAO GIỜ DI CHUYỂN NẠN NHÂN, bất kỳ là họ đang bị nạn ở đâu. Vì nếu nạn nhân bị di chuyển, các tia huyết quản trong não bộ sẽ vỡ ra. Từ từ giúp bệnh nhân ngồi thẳng dậy, và chúng ta có thể bắt đầu công việc “rút máu”.
    Nếu quí vị có sẵn một ống tiêm thuốc, thì tốt nhất, nếu không thì một cây kim may, hay một cây kim gúc, cũng có thể giúp chúng ta được.

    1- Trước hết, chúng ta hảy hơ nóng kim bằng lửa (bật lửa, đèn nến) để sát trùng, rồi dùng kim để chích trên mười đầu ngón tay.
    2- Chúng ta không cần tìm một huyệt đặc biệt nào cả, chỉ cần chích vào đầu ngón tay, cách móng tay độ một ly (milimetre).
    3- Chích kim vào cho đến khi có máu rỉ ra.
    4- Nếu máu không chảy, nên nặn đầu ngón tay cho đến khi thấy máu nhỏ giọt.
    5- Khi máu đã chảy từ cả mười đầu ngón tay, thì chờ vài phút, bệnh nhân sẽ tỉnh dậy.
    6- Nếu mồm bệnh nhân bị méo, thì chúng ta phải nắm hai (lổ) tai của bệnh nhân kéo mạnh, cho đến khi hai tai đều ửng màu đỏ.
    7- Châm vào dái tai (ear lobe) hai mũi mỗi bên cho đến khi máu nhỏ giọt từ mỗi dái tai. Sau vài phút, bệnh nhân sẽ tỉnh lại. Chúng ta hãy kiên tâm chờ cho đến khi bệnh nhân hoàn toàn hồi tỉnh và không có một triệu chứng nào khác thường mới mang bệnh nhân đến bệnh viện.
    Vì nếu nạn nhân được chuyên chở vào bệnh viện sớm hơn. Có thể những dằn sóc của xe cứu thương sẽ làm cho các mao quản (capillaries) trong não bộ bị vỡ ra. Nếu sau khi đó mà họ còn có thể đi đứng được, thì đúng là do phúc đức của Tổ Tiên họ.
    Cô Liu nói tiếp: “Tôi học cách cứu chữa qua cách làm xuất huyết này từ một Đông y tên Hà Bảo Định (Ha Bu-Ting). Ngoài ra, tôi còn có cơ hội áp dụng phương pháp này nữa. Vì thế nên tôi khẳng định là phương pháp hữu hiệu 100%. Năm 1979, tôi đang dạy tại Đai học Fung-Gaap tại Đài Trung. Một buổi trưa nọ, tôi đang giảng bài trong lớp, thì một giáo sư khác chạy sổ vào lớp học của tôi, vừa thở vừa nói ‘Cô Liu, đến gấp dùm, ông Giám sự của chúng ta đang bị tai biến mạch máu não’.
    Tôi chạy lên lầu 3 ngay tức thì và thấy ông Giám sự của chúng tôi là Trần Phúc Tiên, mặt mày nhợt nhạt, tiếng nói ngọng nghịu, và mồm thì méo xệch qua một bên, ông hội đủ tất cả những triệu chứng của một người đang bị tai biến mạch máu não. Tôi bảo một người sinh viên đang thực tập tại Đại học, đến Dược phòng bên ngoài mua cho tôi một ống tiêm, và dùng kim tiêm để châm đầu mười ngón tay của ông Trần, cho đến khi mỗi đầu ngón tay có một giọt máu cỡ hạt đậu. Sau vài phút, mặt ông Trần đã nhuận sắc trở lại, và mắt ông cũng đã bắt đầu có thần. Nhưng mồm ông thì vẫn méo, nên tôi kéo hai tai ông cho đến khi hai tai đều đỏ vì máu đọng, rồi châm vào mỗi bên dái tai hai mũi để hai giọt máu tươm ra.
    Khi hai giọt máu hai bên dái tai được rỉ ra, một phép lạ đã xảy ra. Chỉ nội trong vòng từ 3 đến 5 phút, mồm ông ta đã từ từ trở lại hình dạng nguyên thủy, và tiếng nói của ông cũng trở lại bình thường. Chúng tôi để ông nghỉ ngơi một lúc, rồi rót cho ông một tách nước trà nóng rồi đưa ông đi đến bệnh viện Ngụy Hoa gần đó. Ông nghỉ ngơi tại bệnh viện một đêm, rồi hôm sau lại trở về nhiệm sở làm việc. Sau đó, mọi việc đều bình thường. Ông không có triệu chứng nào nguy hại sau đó. Trái lại, các nạn nhân của bệnh tai biến mạch máu não thường khó trở lại bình thường, vì các tia máu trong não bộ bị vỡ trong khi xe cứu thương di chuyển họ đến bệnh viện. Kết quả là không thể làm cho họ vãn hồi lại trạng thái cũ.”
    Theo các thống kê, thì hiện nay, bệnh tai biến mạch máu não là nguyên nhân giết chết người ta hàng thứ nhì. Những người may mắn thì có thể sống còn, nhưng phải mang tật nguyền suốt đời. Đó là một tai họa khủng khiếp có thể xảy đến cho một cá nhân. Nếu chúng ta có thể ghi nhớ phương pháp cho xuất huyết trên đây, để có thể giúp đỡ những nạn nhân của căn bệnh quái ác này, để áp dụng tức thời trên nạn nhân, thì chỉ trong một thời gian ngắn, bệnh nhân sẽ tỉnh lại và được phục hồi 100%.
    Chúng tôi hy vọng là quí vị có thể phổ biến tài liệu này để bệnh tai biến mạch máu não không còn là một căn bệnh giết người như hiện nay nữa.

    ( Xin phổ biến )


    20/09/2014

    Vẻ đẹp Việt Bắc - Tây Bắc

       Ảnh của nhiều tác giả: Tuấn Long, Nguyễn Văn Miền, Nguyễn Đăng Hào, Lê Thanh Tùng, Lê Đức Kim, , Đào Cảnh Tuân, Nguyễn Trung Quân, Nguyễn Anh Tuấn, Lê Nguyễn Luân Vũ, Nguyễn Đình Thành và Nguyễn Quang Tuấn.