25/11/2015

Trần bì - vị thuốc hay.

   Mùa quýt đã đến, đọc sách thuốc Đông - Nam - Bắc y thấy có đề cập nhiều đến tác dụng của vỏ quýt - Trần bì  (được phơi hay sấy khô để càng lâu năm càng tốt)- nên biên ra đây để mọi người tham khảo, rất hữu ích.
   Trần bì là vị thuốc thường được dùng nhất, đặc biệt là đối với nam giới nên có câu:
"Nam bất ngoại trần bì
Nữ bất ly hương phụ".
   Thông tin khác mang tinh học thuật - do không biết nên không tiện trưng ở đây, mọi người có thể nhờ pác Gúc giúp nhé; tôi chỉ đăng các thông tin đã được kiểm chứng để nhằm thuyết phục mà thôi:
+ Tác dụng đối với cơ trơn của dạ dày và ruột:
Tinh dầu của Trần bì có tác dụng kích thích nhẹ đối với đường tiêu hóa giúp cho ruột bài khí tích trệ ra ngoài dễ dàng, tăng tiết dịch vị có lợi cho tiêu hóa, có tác dụng làm giãn cơ trơn dạ dày và ruột. Do phế vị khí trướng mà gây tức ngực, vùng ngực trướng mãn, cồn ruột, nôn oẹ... có thể dùng trần bì với chỉ xác, bán hạ, tô ngạnh (cành tía tô), tô tử... Trần bì có tác dụng trừ vị nhiệt (tưa lưỡi vàng, hay ăn đồ lạnh, mạch sác) có thể thêm hoàng cầm, xuyên đông tử; còn có tác dụng với vị hàn (tưa lưỡi trắng, thích chườm ấm, mạch trì) thêm ô dược, lương khương, có tác dụng với trung tiêu thấp nhiệt (tưa lưỡi trắng dày mà nề, không hay uống nước, mạch tượng hoạt) có thể thêm phục linh, thương truật...
+ Tác dụng khu đàm bình suyễn: thuốc kích thích niêm mạc đường hô hấp làm tăng dịch tiết, làm loãng đàm dễ khạc ra. Xuyên trần bì làm giãn phế quản hạ cơn hen. Dịch cồn chiết xuất Quất bì với nồng độ 0,02g ( thuốc sống)/ml hoàn toàn ngăn chận được cơn co thắt phế quản chuột lang do histamin gây nên. Với trung tiêu thấp nhiệt đờm thương phạm hoặc ngoại cảm phong hàn, dẫn tới phế khí bất lợi mà sinh ho, nhiều đờm, ngực tức, không muốn ăn, lưỡi tưa trắng nề, mạch hoạt thường dùng trần bì với bán hạ, phục linh, tô tử, hạnh nhân, hạt cải sao, kim phật thảo (toàn phúc hoa thời trước gọi là kim phật thảo, gần đây hoa của nó gọi là toàn phúc hoa, toàn cây gọi là kim phật thảo), tiền hồ... ngoại cảm chứng rõ rệt có thể thêm kinh giới, cát cánh, ma hoàng.
+ Kháng viêm, chống lóet: Thành phần humulene và anpha humulenol acetat có tác dụng như vitamin P. Chích Humulene vào ổ bụng chuột nhắt với liều 170 -25mg/kg có tác dụng làm giảm tính thẩm thấu của mạch máu do Lecithin dung huyết làm tăng. Chích 10mg Humulene vào ổ bụng một con chuột nhắt cũng có tác dụng kháng histamin, gây tăng tính thẩm thấu của thành mạch. Anpha humulenol acetate có tác dụng chống lóet rõ và làm giảm tiết dịch vị trên mô hình gây lóet dạ dày bằng cách thắt môn vị.
+ Tác dụng đối với hệ tim mạch: Nước sắc Trần bì tươi và dịch chiết cồn với liều lượng bình thường có tác dụng hưng phấn tim, liều lượng lớn có tác dụng ức chế, nếu chích thuốc nhanh vào tĩnh mạch thỏ và chó, huyết áp tăng cao, nhưng bơm vào dạ dày thì không có tác dụng đó.
+ Tác dụng kháng khuẩn: Quảng trần bì trong ống nghiệm, có tác dụng ức chế sinh trưởng của tụ cầu khuẩn, trực khuẩn dung huyết, ái huyết.
+ Những tác dụng khác: Trần bì còn có tác dụng chống dị ứng, lợi mật, ức chế cơ trơn của tử cung. Điều khí khai vị: Với trung tiêu khí trệ, ăn uống không ngon, phối hợp với mạch nha, cốc nha, khấu y, thần khúc, sơn tra... có tác dụng thúc đẩy ăn uống.
Khi dùng đảng sâm, hoàng kỳ, bạch truật, sơn dược, thục địa, sinh địa... để làm thuốc bổ, nếu phối hợp với một ít trần bì thì tránh xảy ra tức ngực, trung mãn, ăn uống không ngon và các tác dụng phụ khác... nó còn phát huy đầy đủ tác dụng bổ của thuốc.
Trong Bản thảo bị yếu có ghi trần bì "tân năng tán, khổ năng táo năng tả, ôn năng bổ năng hoà" nghĩa là dùng với thuốc bổ thì bổ, dùng với thuốc tả thì tả, dùng với thuốc thăng thì thăng, với thuốc giáng thì giáng. Vì thế nó là thứ thuốc trị phế khí phần, điều trung khoái cách, đạo trệ tiêu đờm, lợi thủy phá ứ, tuyên thông ngũ tạng đủ để ta thấy tác dụng của trần bì.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị chứng nôn do hàn: tiêu chảy thường.
 Quất bì thang: Quất bì 12g, Sinh khương 8g: sắc uống.
Bình vị tán ( Hòa tễ cục phương): Trần bì, Cam thảo, Thương truật, Hậu phác lượng bằng nhau tán bột mịn trộn đều, mỗi lần uống 4 - 6g, ngày uống 2 - 3 lần hoặc làm thuốc thang uống trị ỉa chảy.
Dị công tán ( Tiểu nhi dược chứng trục quyết): Đảng sâm 8g, Bạch truật 8g, Bạch linh 8g, Chích thảo 4g, Trần bì 4g: sắc nước uống hoặc làm thuốc hoàn, tán dùng trị: rối loạn tiêu hóa, trẻ suy dinh dưỡng.
Thông tả yếu phương ( Cảnh nhạc toàn thư): Bạch truật ( thổ sao) 12g, Phòng phong (sao) 8g, Bạch thược (sao) 8g, Trần bì (sao) 6g. Theo tỷ lệ này làm thuốc hoàn, tán mỗi lần uống 4 - 6g, ngày 2 -3 lần, hoặc làm thuốc thang uống. Trị chứng tiêu chảy thường có kèm sôi bụng và đau bụng.
2.Trị chứng ho có đờm ( do cảm hàn):
Nhị trần thang ( Hòa tễ cục phương): Bạch linh 12g, Trần bì 6g, Khương bán hạ 6g, Cam thảo 4g, Gừng tươi 2 lát sắc uống.
Trần bì 6g, Cát cánh 6g, Tô diệp 6g, Cam thảo 4g: sắc nước uống trị ho viêm họng, viêm phế quản nhẹ.
Trần bì 12g, sắc với 200ml nước còn 100ml thêm đường đủ ngọt, chia uống nhiều lần trong ngày. Trị ho mất tiếng.
3.Trị viêm tuyến vú cấp: Hàn Thiệu Minh dùng mỗi ngày Trần bì 30g, Cam thảo 6g: sắc uống trị 88 ca, kết quả khỏi 85 ca ( Tạp chí Ngoại khoa Trung hoa 1959, 4:326).
4.Trị viêm phế quản mạn ho nhiều đờm: Trần lượng Hoa dùng Trần bì 6g, Bán hạ 6g, Bạch linh 10g, Đương quy 20g, Cam thảo 6g, Gừng 3 lát, tùy chứng gia giảm trị 33 ca kết quả tốt 17 ca, đỡ nhiều 14 ca, không kết quả 2 ca (tạp chí Trung y Triết giang 1985, 1:18).
5.Trị bỏng: Vỏ Quít thái nhỏ ( dùng vỏ quít tươi) cho vào lọ đậy kín để nát thành nước hoặc hồ bôi vào chỗ bỏng mỗi ngày nhiều lần trị 40 ca bỏng vật lý độ 1, 2. Thuốc có tác dụng tiêu viêm, giảm đau, làm săn da ( Tạp chí Xích cước y sinh 1975, 4:11).
Liều dùng và chú ý:
Uống: cho vào thuốc thang 3 -9g.
Dùng thận trọng đối với các trường hợp sau: thực nhiệt, khí hư, âm hư, ho khan, thổ huyết. Trần bì uống nhiều, dùng lâu có hại đến nguyên khí, cần chú ý. Trong đông y, được dùng nhiều trong các chứng bệnh thuộc về Phế và Tỳ.

24/11/2015

Luận về Nhậu

Bài của Phạm Lưu Vũ, thợ văn kiêm thợ thầu khoán. Xin trân trọng giới thiệu.
*** 

Cái chõng tre (hoặc cái bàn mộc cũ kĩ) giữa lòng Hà nội, trên đó bày mấy lọ kẹo lạc, kẹo vừng, chai rượi trắng, chiếc điếu cày, ống đóm, ngọn đèn dầu… và một cái ủ tích lúc nào cũng sẵn sàng rót ra những cốc nước trà đặc quánh, nghi ngút hương thơm. Tất nhiên không thể thiếu chiếc ghế băng cũ kĩ, đã lên nước nâu bóng nằm hờ hững phía bên ngoài, dăm chiếc ghế nhựa oắt con, cơ động mà kích thước và sức chịu lực được tính toán vừa đủ với kích cỡ và trọng lượng của giống người mũi tẹt, da vàng… Đấy là vật.
Còn người thì bên trong cái chõng (hoặc cái bàn) cổ kính ấy, thế nào cũng có hoặc một ông già, hoặc một bà lão răn reo phúc hậu, sẵn sàng lặng thinh trước thời cuộc mà cũng sẵn sàng góp vào đôi ba câu chuyện… Khỏi nói thì ai cũng biết đó là một trong vô vàn quán nước trà ở Thủ đô. Và gần đấy, thế nào cũng có một hàng phở, hàng bánh cuốn hay bún ốc, bún riêu gì đó, đại loại là một hàng quà sáng…
Sở dĩ có sự “cộng sinh” muôn đời ấy giữa “ăn” và “uống” bởi quán ăn ở Hà thành thường chỉ phục vụ ăn với lau mồm qua loa bằng những mảnh giấy đủ màu trắng đục, xanh, vàng, tím… (không thể trắng tinh bởi chúng được tái chế bằng giấy loại), cắt vuông vắn mỗi chiều năm xăng ti mét. Còn súc miệng xỉa răng ư? Xin mời bước đi chỗ khác. Người Thủ đô vốn thong thả, đường hoàng, súng bắn đến đít cũng không việc gì phải vội. Còn gì lý tưởng hơn là sáng nào điểm tâm xong cũng lê đến gọi một cốc trà nghi ngút ấy, ngắm phố phường mà thả ra mấy câu chuyện gẫu, lạ quen gì thì cũng sẵn sàng góp mỗi người vài câu, từ chuyện thế sự trên trời đến chuyện bóng đá, chuyện yêu đương, ngoại tình… Nhất là chuyện ăn cắp, ăn trộm của thiên hạ thì có mà “bàn” đến cả trăm năm cũng không hết. Thế rồi hờ hững ngó đồng hồ, thế rồi uể oải đứng lên… thế rồi lừ lừ trôi đến cơ quan có khi lại bắt đầu một câu chuyện gẫu khác…
Cách Thủ đô một ngàn rưởi cây số về phía Nam là Sài gòn thì bói không ra một quán nước trà như thế. Thay vào đó là nhan nhản quán cà phê.
Những nơi này với ưu thế đèn mờ, tranh tối tranh sáng lại có âm nhạc xập xình dậm dựt, được sinh ra chủ yếu để phục vụ các cặp tình nhân, hoặc là nơi thả hồn của các thi sĩ giữa lúc nghĩ hai bài thơ không đầu không cuối, không để làm gì, hoặc có khi là nơi định thần, âm u tưởng tượng của những nhà văn đang bị khủng hoảng (thừa) các đề tài ca ngợi, yêu đương, hay thất tình tay ba tay bốn… đến nỗi không thèm viết thì thôi, cứ động viết ra là y như chữ nào, chữ nấy cứ… rối rít cả lên. Ngoài những công dụng cực kì nhân sinh, tràn trề lãng mạn như thế, các quán cà phê kiểu ấy còn là một chốn lý tưởng để cho những hạng con buôn hẹn hò, chụm đầu bàn bạc những áp phe không thể nào minh bạch…
Sài gòn không cần sự “cộng sinh” giữa “ăn” và “uống” như Thủ đô ngàn năm văn vật, bởi các quán ăn sáng phục vụ luôn việc súc miệng, xỉa răng với cả lau mồm. Cũng vẫn cuộn giấy (…) xinh xắn, mềm mại và tròn xoe mua ở chợ hay siêu thị ấy thôi, nhưng dùng để chùi mồm thì nó được đựng trong những chiếc hộp nhựa dựng đứng, khách cứ việc thò ngón tay rút từ giữa lõi ra cho có vẻ ngược lại với quy trình diễn ra trong nhà vệ sinh. Đừng có dại mà liên tưởng, kẻo lại bảo là ghê mồm(!). Người Sài gòn vốn có tác phong công nghiệp, biết thời gian là vàng ngọc nên phải tranh thủ thời gian. Khách ăn xong làm thủ tục vệ sinh mồm mép cho nhanh rồi hối hả đến sở làm. Rất hiếm một câu chuyện gẫu diễn ra trong cái chốn sì soạp húp, chan, đỏ mặt tía tai, cắm đầu cắm cổ ấy… Nhu cầu tán gẫu nếu có thì dành đến chiều tối, lúc hết giờ làm việc. Bấy giờ là thời điểm của nhậu! Phố phường ê hề quán nhậu, cả một thế gian nhậu. Nhậu hoành tráng, nhậu mênh mông, nhậu “mát trời ông Địa”.
Nhưng đã nói đến “nhậu” thì chẳng cứ Sài gòn. Hà thành và… cả nước bây giờ, đâu đâu cũng thế. Từ đây trở xuống xin chỉ bàn về nhậu mà thôi.
Phải gọi đây là cả một nền văn hoá nhậu mới xứng. Một nền văn hoá phát triển cao tới mức làm con người ta lúc chưa ra quán thì nhớ nhau như những cặp tình nhân, ra đến quán rồi thì kiên cường bên nhau như một đám biểu tình ngồi. Thật là ồn ã, náo nhiệt, tưng bừng bằng mấy chục cái chợ nhà quê…
Nghĩ kể cũng lạ. ở những chốn “fẹs-ti-van” nhậu ấy, thức nhắm nào có ra gì. Nhưng các biển hiệu thì bao giờ cũng được vẽ to tổ bố, nom vừa sinh động, vừa hấp dẫn như thật. Từ đặc sản dái dê, vú dê, rồi “phụ tùng” (có nơi gọi là súng đạn) bò đực, (không thấy “cái ấy” của bò cái) đến mu ba ba, trôn ốc nhồi… cùng với đủ các kiểu danh xưng đại ngôn, láo toét. Nào là nướng cả phố (phố nướng), nào là nướng cả làng (làng nướng), có khi nướng ráo cả… tổ tông (tổ nướng)… Thực đơn trình bày đến mấy trang ép ni lông lòe loẹt… Song cái sự ngon lành thì hầu hết đều… dở hơi như nhau. Thực khách dễ tính đến không ngờ, bởi nơi đây hấp dẫn chủ yếu là cái không khí chứ có phải vì món ăn đâu. Người ta sở dĩ kéo đến không phải vì nhu cầu thưởng thức mà vì nhu cầu xả. Có bao nhiêu thứ cần xả. Từ xả sì-trét (căng thẳng), xả xui (vận rủi), xả buồn… đến xả bớt một phần cái kiếp người vốn (hình như) chưa bao giờ vô nghĩa lý như cái thời buổi văn minh nhốn nháo này…
Cần phải nói rằng nền “văn hoá nhậu” đang kể ra đây là một thứ nhậu bình dân, hết sức giản dị, dân dã. Nó diễn ra tưng bừng từ trong nhà, ra ngoài sân, từ trong hẻm, ra vỉa hè… Nó không cầu kì từ ăn mặc đến lễ nghi, từ ghế ngồi đến ánh sáng, từ đồ uống đến thức ăn… và nhất là không đòi hỏi mỗi người phải có thật nhiều tiền. Mặc dù cũng không thiếu những chốn nhậu cao cấp, thơm tho diễn ra cùng thời điểm, trong những nhà hàng sang trọng, kín mít như bưng… Nhưng phân biệt hai “thế giới” nhậu song song tồn tại này cũng đơn giản thôi, chỉ bằng cách tên gọi là đủ. Ví dụ chốn người sang được gọi là “tiệc tùng”, thì chốn bình dân phải gọi là “nhậu nhẹt”. Song tiệc tùng, dù có lớn đến đâu cũng chỉ đáng coi là “tiểu nhậu”, cùng lắm là “trung nhậu”. Chỉ có nhậu nhẹt kia, mới thực là đã đạt tới quy mô của “đại nhậu” mà thôi.
Dân “nhậu nhẹt” phần lớn bình dân, tuyệt đại đa số bình dân. Tuy đâu đó cũng có lẫn một vài kẻ sang, nhưng chẳng qua chỉ là… lốm đốm. Bình dân đấy, nhưng cơ mà (em ơi), lại sở hữu tới sáu đức (lục đức) “dễ thương” của người quân tử. Xin được kể ra như sau:
Thứ nhất, dẫu chẳng ngon, chẳng đắt tiền thì cũng cứ là những “miếng giữa đàng”, dù có tối trời thì cũng coi như thanh thiên bạch nhật, bởi chẳng bao giờ phải che mặt với ai. Ấy gọi là nhậu nhẹt mà có đức quang minh chính đại.
Thứ hai, người quân tử vốn không ưa cái sự sát sinh, nên dân nhậu rất ít khi chui đầu vào bếp. Ấy gọi là nhậu nhẹt mà có đức “nhân”.
Thứ ba, một kẻ có gì vui hay buồn thì cả đám chỉ chờ cơ hội đó để kéo nhau đi, buồn cũng uống mà vui cũng uống, kiểu như: “một con ngựa đau, cả tàu… no cỏ”. Ấy gọi là nhậu nhẹt mà có đức “nghĩa”.
Thứ tư, người quân tử ngồi không kén ghế, ăn chẳng cần no, mặc không cần đẹp… dân nhậu vốn đã coi những chuyện ấy nhẹ tựa lông bò. Ấy gọi là nhậu nhẹt mà có đức “lễ”.
Thứ năm, luôn luôn biết chọn bạn hợp mà rủ rê, chọn quán quen mà ngồi lỳ, chọn mồi lạ mà đưa đẩy… Ấy gọi là nhậu nhẹt mà có đức “trí”.
Thứ sáu, chỉ nhậu vào những giờ nhất định trong ngày, đến giờ ấy mà không ra quán thì toàn thân ngứa ngáy, thần trí nhẹ tênh, nhất là đã hẹn rồi thì đố dám sai, lần sau dễ bị “phạt” như chơi. Ấy gọi là nhậu nhẹt mà có đức “tín”.
Vừa “quang minh chính đại”, vừa có đủ “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, đạo lý “nhậu” xem ra cũng khối điều ghê. Thế mới có câu: “phi nhậu nhẹt bất thành quân tử” (không nhậu nhẹt không thể thành quân tử), lại có câu: “phi nhậu nhẹt bất trượng phu” (không nhậu nhẹt không phải đấng trượng phu), lại còn có thơ:
“Bất thị quan trường, vi đạo tặc
bất tri tửu đạo, bất hiền nhân”
(Có thể không làm quan mà vẫn là kẻ cướp. Nhưng nếu không hiểu đạo lý của rượu, thì không phải bậc hiền nhân).
Thậm chí còn sáng tác cả ca dao, tục, thanh lẫn lộn nói về cái “đạo lý” ấy:
“Gặp nhau có chén rượu tăm
gọi là một chút hỏi thăm lòng người”.

Rồi:
“Rượu hay phải biết chửi thề
biết đi nửa buổi, biết về… nửa đêm”

hay:
“Đã nhậu là cậu ông Giời
nên người quân tử chẳng mời cũng… dzô”

Tóm lại là nếu muốn tìm quân tử, ai ơi chẳng cần phải lặn lội tới những chốn cao sang làm gì cho phí công vô ích, thậm chí tới đó mà vô phúc, bị lầm lẫn thì dễ mắc họa như chơi. Xin mời cứ đợi chiều chiều, chỉ việc ra bất kì một nơi “đại nhậu” là khắc gặp đầy.

23/11/2015

Hướng dẫn hữu ích khi gặp cướp

1. Hãy nhớ kỹ, cùi chỏ là nơi cường tráng nhất trên cơ thể bạn. Nếu như có thể dùng thì nhất định phải dùng nó.

2. Nếu như tên cướp yêu cầu bạn đưa ví tiền cho hắn, bạn không nên đưa cho hắn, mà hãy ném ra chỗ càng xa càng tốt. Thông thường thì tên cướp sẽ có hứng thú với ví tiền của bạn hơn là bạn. Đợi khi tên cướp đi về phía mà bạn ném ví tiền, khi đó tốt nhất bạn nên chạy thoát thân, nhớ là chạy ngược chiều với tên cướp nhé.

3. Khi bọn cướp giật đồ của bạn, bạn không nên giằng co với chúng. Những thứ trong túi của bạn cho dù đắt thế nào đi nữa, thì bạn cũng có thể mua cái mới, nhưng tính mạng thì chỉ có một.

4. Khi tên cướp vào nhà trộm đồ, tốt nhất bạn không nên nói nhiều, hãy để đầu óc tỉnh táo. Bạn không nên nghĩ rằng nói chuyện sẽ phân tán sự chú ý của chúng, chúng biết rõ bạn muốn  gì, điều đó chỉ làm chúng thêm phản cảm. Bạn cũng không nên nói những lời gây kích động, cũng không nên nhìn thẳng vào mặt chúng. Tóm lại là chúng chỉ cần tiền càng nhanh càng tốt, nếu như bạn nói những lời khiến chúng bị kích động hoặc biểu hiện không hợp tác. Như thế chúng sẽ dùng cách của chúng để nói cho bạn biết ai là người nắm quyền chủ động.

5. Tuy nhiên, nếu như bạn có thể đi đến ban công, hoặc nơi nào đó mà có thể liên lạc với bên ngoài, hoặc nghe thấy ngoài cửa có tiếng người; Khi đó bạn có thể cầm vật gì đó có thể phát ra âm thanh lớn, và gọi cứu giúp. Thông thường, khi tên cướp biết có người phát hiện ra chúng, thì chúng sẽ lập tức rời đi

6. Nếu như bạn bị nhốt trong cốp xe, khi đó bạn hãy dùng hết sức đá vào vị trí có đèn hậu của xe. Khi đèn hậu xe ô tô rơi xuống, bạn hãy thò tay ra để vẫy. Người lái xe sẽ không nhìn thấy tay bạn, nhưng các xe khác sẽ nhìn thấy bạn. Đã có trường hợp được cứu thông qua sử dụng phương pháp này

7. Nếu như bạn có thói quen, sau khi mua đồ, ăn cơm xong, hay khi đi làm về, sau đó ngồi trên xe ô tô để tính tiền hay ghi chép; Nếu thế thì xin bạn hãy bỏ thói quen đó đi. Bởi vì đó là thời điểm tuyệt vời nhất để bọn cướp hành động. Bọn cướp sẽ lập tức nhảy vào ghế phụ hay ghế sau của xe bạn, và chĩa súng vào đầu bạn, chúng sẽ yêu cầu bạn lái xe đến nơi mà chúng dễ hành động nhất. Vì thế khi bạn rời khỏi xe trong chốc lát, hay khi mới lên xe xin hãy nhớ khóa ngay cửa xe lại

8. Nếu như tên cướp đã nhảy lên xe và chĩa súng vào bạn, thì bạn không nên lái xe đến chỗ mà chúng yêu cầu. Bạn nhất thiết không được làm thế! Bạn nên khởi động xe, sau đó nhấn hết ga để cho xe đâm vào tường hay cây cổ thụ gần nhất. Dây an toàn và túi khí sẽ bảo vệ bạn. Nếu như tên cướp ngồi đằng sau, thì chúng sẽ bị thương tương đối nặng. Sau khi xe bị đâm, nếu như có thể bạn hãy chạy ra khỏi xe và kêu cứu, nếu như không thể ra khỏi xe thì bạn cũng đã gây được sự chú ý của mọi người rồi. Hãy nhớ kỹ, bạn thà bị thương còn hơn là vài ngày sau đó, người ta phát hiện ra thi thể bạn vị vứt bỏ ở một nơi hoang vắng nào đó

9. Hãy nhớ khi đi thang máy, đặc biệt là vào buổi tối. Thông thường buổi tối và sáng sớm thì cầu thang không phải là nơi an toàn. Nếu như thang máy rơi xuống, Bạn hãy lập tức ấn tất cả các tầng từ tầng hiện tại trở xuống. Nếu như thang máy đột ngột rơi xuống do lỗi mạch điện, vậy thì đến tầng nào có mạch điện hoạt động bình thường, thì thang máy sẽ dừng lại. Nếu như thang máy tiếp tục rơi, khi đó bạn hãy đứng áp lưng vào tường, hai tay nắm chặt lan can, đầu gối hơi chùng một chút ( khi thang máy tiếp đất sẽ giúp giảm bớt quán tính của cơ thể bạn).

10. Nếu như có người chĩa súng vào bạn, bạn hãy lập tức chạy thoát thân. Khi bạn chạy thì khả năng bắn trúng chỉ là 4%. Cho dù là bắn trúng thì bạn cũng không thể bị bắn trúng tim. Nếu như có thể, bạn hãy chạy hình chữ S, và cố chạy thật nhanh đến chỗ đông người.


Các triệu chứng thường gặp của bệnh ung thư - Xin mọi người chú ý.

20/11/2015

2 trắc nghiệm đơn giản kiểm tra sức khỏe

   Chỉ cần nắm chặt tay trong 30 giây, bạn đã có thể biết tình trạng sức khỏe hiện tại của mình mà không cần phải đến bệnh viện kiểm tra! Hãy thử thực hiện những thử nghiệm dưới đây.

Thử nghiệm 1: Nắm chặt tay thành nắm đấm trong vòng 30 giây sau đó mở ra xem

Chúng ta hãy cùng thực hiện một thử nghiệm để kiểm tra tình trạng sức khỏe của chính mình: nắm bàn tay nghiến chặt lại với nhau trong vòng 30 giây, sau đó mở ra và quan sát xem màu trắng ở lòng bàn tay sẽ biến mất ngay lập tức hay phải mất một khoảng thời gian.

   Khi nắm chặt tay sẽ khiến cho các mạch máu ở dưới tay bị ép lại và gây áp lực lên lòng bàn tay. Hành động bóp chặt này sẽ ngăn chặn và cản trởhệ thống tuần hoàn máu, do đó lòng bàn tay sẽ trở nên trắng xanh.

   Bàn tay khi bị biến thành màu trắng, nếu nó khôi phục lại màu sắc ban đầu ngay lập tức, thì điều đó có nghĩa rằng các mạch máu của bạn vẫn khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu như chúng phải mất nhiều hơn 10 giây để khôi phục, thì bạn nên cẩn thận, đó có thể là một dấu hiệu của bệnh xơ cứng động mạch.

Trắc nghiệm 2: Bóp chặt gốc của móng tay, dùng lực ấn mạnh

Theo học thuyết kinh lạc trong Trung y, 5 ngón tay của con người đều có rất nhiều kinh huyệt chạy qua. Chúng có mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan nội tạng, đặc biệt nếu một ngón tay có cảm giác đau đớn, điều đó có nghĩa là những cơ quan nội tạng tương quan với các kinh huyệt này đang gặp vấn đề.

   Bạn hãy nhấn mạnh vào gốc của móng tay, sau đó dùng lực ấn và day chúng, hãy bắt đầu từ ngón út, vê từng ngón một và cảm nhận xem có thấy đau đặc biệt ở một ngón nào không? Cảm giác đau ở mỗi vị trí khác nhau trên ngón tay báo hiệu vấn đề ở từng bộ phận khác nhau.

Đau ngón út:

   Những người bị đau ở ngón tay út thường mắc các bệnh về tim hoặc ruột non. Đầu ngón tay út bên mặt áp sát với ngón đeo nhẫn (áp út) gọi là Thiểu Xung huyệt, bên còn lại gọi là Thiểu Trạch huyệt. Thiểu Xung huyệt có quan hệ mật thiết với tim, do đó khi cơn đau tim đến hãy dùng lực ấn mạnh đầu ngón út, có thể giúp giảm bớt cơn đau. Thiểu Trạch huyệt là kinh huyệt của ruột non, khi tình trạng ruột non không được khoẻ, có thể dùng lực ấn mạnh một bên đầu ngón út này.

Đau ngón áp út:

   Người có độ dài ngón áp út và ngón trỏ (cạnh ngón tay cái) tương đồng thường có xác suất lên cơn đau tim cao hơn. Khi ngón áp út bị đau có thể gây ra do triệu chứng đau họng hoặc đau đầu. Phía trên của phần tam tiêu kinh trên ngón áp út có một huyệt vị Quan Xung, khi bị cảm cúm, sốt thì có thể dùng tay chà sát vào vị trí này giúp giảm thiểu cơn bệnh.

Đau ngón giữa:

Trên ngón tay giữa có một huyệt Trung Xung, nó có tương quan tới vị trí bao quanh màng tim, nhiều lúc tim không thể chịu được do nhiệt độ gia tăng, ở vị trí huyệt này sẽ cảm thấy đau nhói.

Đau ngón trỏ (ngón áp ngón cái):

   Ngón trỏ có chứa huyệt Thương Dương tương quan đến đại tràng (ruột già), khi xuất hiện hiện tượng táo bón, nó sẽ gây áp lực lên khu vực này khiến cho ngón tay trỏ cảm thấy rất đau, điều đó cho thấy bạn đang có vấn đề về đại tràng.

Đau ngón tay cái:

   Huyệt Thiểu Thương nằm trên ngón tay cái có liên quan chặt chẽ đến phổi. Chẳng hạn khi phổi xuất hiện bệnh trạng, thì khi ấn vào vùng này ở ngón cái sẽ cảm thấy rất đau.

   Nếu bạn cảm thấy rất đau khi nhấn vào đây, vậy thì nhất định nên chú ý, rất có thể một bộ phận nào đó trong cơ thể có tương quan đến đang có vấn đề, tốt nhất hãy đến bệnh viện kiểm tra.

   Ngay cả khi đau nhẹ thì nó cũng có liên quan đến huyệt vị trên ngón cái này, nó cho thấy bộ phận tương quan đang có dấu hiệu không bình thường. Lúc này cần ấn và day một cách cẩn thận tại vị trí đó trên ngón cái, việc này sẽ giúp bệnh nhanh chóng được cải thiện.

   Không chỉ đối với hai bàn tay như vậy, mà chúng ta cũng nên tạo thói quen hàng ngày như thường xuyên ấn hay vê hai chân, hai tay. Theo thời gian, nó sẽ thúc đẩy sự lưu thông tuần hoàn máu, giúp các bộ phận cơ thể đặc biệt là tim trở nên khoẻ mạnh hơn.

   Trong cuộc sống bình thường, chúng ta cũng có thể sử dụng những phương pháp này để kiểm tra tình trạng sức khoẻ của mình. Nó thực sự rất hiệu quả.

Mô tả linh hồn con người


19/11/2015

PHÒNG NGỪA ĐỘT QUỴ, TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO - CHỈ CẦN LÀM 1 LẦN TRONG ĐỜI LÀ XONG !

Thấy trên net lưu truyền, chửa làm nên cũng không rõ có thật không nhưng cũng nên thử nhỉ ?

* Nguyên liệu:

- Hạnh nhân: 10g (đã tán sẵn) - Hạnh nhân tức là hạt khô của quả của cây Mơ, có nhiều loại có tên thực vật học khác nhau, như cây Sơn hạnh Prunus Armeriaca L var ansu Maxim, Hạnh Siberia Prunus sibinca L, Hạnh Đông bắc Prunus mandshurica (Maxim) Koenae hoặc cây Hạnh Prunus armenicaca L đều thuộc họ Hoa Hồng (Rosaceae). Hạnh nhân còn có tên là Ô mai, Hạnh, Khổ Hạnh nhân, Bắc Hạnh nhân, Quang Hạnh nhân, dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh.
      Cây Mơ mọc hoang và được trồng nhiều ở nước ta, nhiều nhất là các tỉnh Hà sơn bình (Mỹ đức), Hà nam ninh (huyện Kim bảng), Thanh hóa, Nghệ an, Hà tỉnh, Trung quốc, Armenia, Nhật bản cũng có cây Mơ.




- Chi tứ: 10g (đã tán sẵn) - Hạt đã phơi khô của cây Dành dành (Gardenia florida L.= Gardenia jasminoides Ellis.), họ Cà phê (Rubiaceae). Cây mọc hoang và được trồng làm cảnh.

chi-tu




- Đào Nhân: 10g ( đã tán sẵn) - Đào nhân là nhân của quả chín cây đào Prunus persica (Linn) Batsch hoặc cây Sơn đào Prunus davidiana (Carr) Franch, dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh. Cây Đào thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae). Cây Đào có nhiều ở Việt nam, nhiều nhất ở các tỉnh miền Bắc như Sapa, Cao bằng, Lạng sơn, Hà giang được thu hái vào tháng 7 hằng năm, lấy hạt về đập lấy nhân phơi khô làm thuốc gọi là Đào nhân.

* Nguyên liệu phụ kèm:

- Gạo nếp: 10 hạt
- Hạt tiêu sọ trắng : 10 hạt
- Lòng trắng trứng gà: 01 quả 

* Cách làm:

- Giã nhỏ 10 hạt gạo nếp cùng 10 hạt tiêu sọ.
- Trộn thật đều nguyên liệu với lòng trắng trứng gà.
- Lấy một miếng nilon vừa bằng gan lòng bàn chân.
- Cho tất cả hỗn hợp trên miếng nilon sau đó đắp vào gan bàn chân.
- Lấy vải (băng y tế) quấn nhiều vòng buộc chặt không để chảy ra.
- Đắp từ buổi tối để qua đêm, đến sáng hôm sau tháo ra.
Lưu ý: Nữ đắp bàn chân phải. Nam đắp bàn chân trái.


* Kết quả

Khi tháo ra thấy lòng bàn chân có màu xanh mực Cửu Long là kết quả tốt. Càng xanh đậm càng tốt (thuốc hút độc, tà khí trong cơ thể).

Trân trọng.

Văn hóa hút thuốc lá bằng tẩu

Anh em đọc và share để văn hóa hút tẩu ngày càng được phổ biến, lành mạnh và mang tính văn hóa mọi người nhé . Bài sưu tầm từ anh Tưởng 1 "pipe smoker" 1 nhà sưu tập, 1 người am hiểu về văn hóa hút tẩu 1 cách rất tường tận.
Vài điều về thú hút và sưu tập tẩu gỗ Briar
1. Sơ lược về tẩu gỗ Briar
Tẩu gỗ Briar được phát minh và sản xuất đầu tiên bởi người Pháp vào khoảng giữa thế kỷ 19. Tẩu gồm hai phần cơ bản: phần bõ làm từ bừu ở rễ cây thạch nam (t. Anh là briar, t. Pháp là bruyere), và "cán tẩu" làm từ nhựa tổng hợp (ban đầu, nỏ được làm từ sừng, cho tới đầu thế kỷ 20 khi người ta biết dùng nhựa). Dù ngày nay có rất nhiều kiểu dáng tẩu khác nhau, mọi chiếc tẩu đều có cùng một cấu trúc kỹ thuật đơn giản: có "nõ" tẩu (để nhồi thuốc tẩu) và miệng hút được đục xuyên từ nõ tới miệng hút. 
Sở dĩ người ta dùng bừu (phần gốc phình ra ở dưới đất) cây gỗ thạch nam để làm tẩu là vì nó có một đặc điểm ưu việt: khả năng chịu nhiệt tốt nhất trong số mọi loại gỗ mà nhân loại biết đến. Ngoài ra, nó còn hai đặc điểm quan trọng là hầu như không có mùi vị riêng (thực chất là hơi đắng nhưng vẫn ít đắng hơn hẳn các loại gỗ khác) và có hoa văn cực đẹp với "vân lửa" và "mắt chim" đẳng tuyến và dày đặc.
2. Hút tẩu rẻ tương đương hút thuốc lá
Vì tẩu thạch nam làm từ gỗ, nên nó có hút nước ít nhiều. Do đó sau mỗi lần hút, người hút nên cho tẩu nghỉ ngơi một thời gian đủ để nó khô lại (tối ưu là khô bằng độ ẩm không khí), nếu muốn lần hút tiếp theo vẫn ngon, không bị đắng, tẩu không bị nóng quá. Theo kinh nghiệm của bản thân thì 1 ngày chỉ nên hút 1 cối vào 1 chiếc tẩu nghĩa là là nếu bạn hút nhiều hơn 1 cối mỗi ngày, bạn cần nhiều hơn một cái tẩu. Ví dụ: tôi hút một ngày 3 cối, cho nghỉ cách ngày, vậy tôi cần ít nhất 3 cái tẩu.
Đừng nhìn con số tẩu cần thiết mà vội tính nhẩm ra tiền rồi sợ! Khác với quần áo, xe cộ v.v., tẩu briar là dạng vật dụng "mua một lần dùng cả đời" bởi độ bền hiếm có của nó. Một ví dụ về chi phí và sử dụng tẩu: một chiếc tẩu giá 3 triệu, một năm bạn hút nó 100 lần, vậy thì 10 năm là 1.000 lần, 30 năm là 3.000 lần, tức là chi phí cho mỗi lần dùng chiếc tẩu đó chỉ còn 1.000 đồng!
Riêng chí phí cho thuốc tẩu là khoảng 10.000vnd cho 1 lần hút với các loại hộp giá trên 300k, còn như Captain Black, Macbaren, Bokum với đồng giá 150k thì còn rẻ hơn nhiều.
Cũng đừng vội nhìn con số 10.000 đồng/4grams mà vội sợ thuốc tẩu đắt. Một nõ tẩu dù hút liên tục cũng kéo dài từ 15-20 phút. Nghĩa là dài ngang tổng thời gian bạn hút hết cả chục điếu thuốc lá.
Chi phí phụ kiện, bảo dưỡng của tẩu nhỏ không đáng kể. Tức là hút tẩu bạn được hút thuốc [lá] thật với chi phí chỉ tương đương với hút thuốc lá [giấy tẩm hóa chất].
Thêm một chi tiết thú vị: tẩu tốt không bao giờ mất giá. Tẩu hạng cao cấp được bảo quản tốt ngày càng có giá. Chẳng hạn, bạn dùng một cái tẩu Dunhill 10 năm, dùng thả phanh miễn là dùng cẩn thận, rất có thể khi bán lại, bạn còn có lãi! Thực vậy, tẩu hạng như Dunhill càng lâu năm càng đắt giá.
Đó là tôi còn mới chỉ bàn đến giá trị sử dụng, chưa đả động đến giá trị thẩm mỹ của tẩu, với tư cách một món đồ chơi, đồ trang trí hay một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật.
3. Hút tẩu là hút thuốc chế biến từ lá [thuốc] thật 
Thuốc tẩu được chế biến, phối hợp từ 7 loại lá cơ bản gồm lá Virginia, Burley và Perique (còn gọi là burley đỏ) trồng ở Mỹ, lá Latakia ở Syria (Cyprus), lá Turkish ở Thổ Nhĩ Kỳ và lá Oriental ở châu Á. Ngày trước, điếu thuốc lá cũng sử dụng những loại lá này, nhưng ngày nay, 99% các hãng thuốc lá dùng chủ yếu là giấy vụn tẩm hóa chất cho điếu thuốc lá thay vì dùng lá thật khan hiếm đắt đỏ.
Theo wikipedia, trung bình một điếu thuốc lá được tẩm 3.000 loại hóa chất, trong đó có 394 loại bị thế giới liệt kê vào dạng chất độc. Thuốc tẩu ngày nay khác thuốc lá ở chỗ vẫn dùng lá thật, nên ít độc hại hơn! Thuốc tẩu có hai phân loại chính: loại tự nhiên và loại có tẩm hương liệu.
Loại tự nhiên hoàn toàn không tẩm hóa chất. Loại có tẩm hương liệu (mùi vanilla, dâu, chocolate, rượu Rum .v.v.) có tẩm hương liệu tự nhiên ít độc hại.
Bởi sự phối hợp đa dạng giữa 7 loại lá, phương pháp chế biến (chỉ dùng lá virginia phơi, ép khác nhau cũng tạo ra các loại thuốc tẩu hương khác nhau!) cũng như nhiều loại hương liệu thực phẩm, sơ sơ tôi được biết trên 300 loại thuốc tẩu có mùi vị khác nhau, trong đó tôi đã thử khoảng 150 loại.
Con số thực tế của các loại thuốc tẩu có thể lên tới cả vạn loại!
4. Hút tẩu không gây nghiện, không gây ung thư phổi như hút thuốc lá
Khác với hút thuốc lá, hút tẩu là hút thưởng thức hương vị lá thuốc tự nhiên nên người ta không hút khói thuốc trực tiếp vào phổi. Hút tẩu do đó cũng giống như hút xì-gà, không trực tiếp hấp thụ nicotin vào phổi mà thấm từ từ hạn chế qua tuyến nước bọt xuống dạ dày. Bởi vậy, hút tẩu không gây ung thư phổi đồng thời không gây nghiện, vì không bị phụ thuộc vào nicotin.
5. Hút tẩu thích hợp với những người ưa suy tư
Albert Einstein, Bertrand Russell, Jean-Paul Sartre, Pablo Picasso, Salvado Dali .v.v. đều là những người nghiện hút tẩu.
Họ là quá khứ?
Vâng, vậy thì chúng ta lại có một danh sách dài những nhân vật lớn đương thời đang hút tẩu như Gunter Grass, Bill Clinton (vâng, Bill hút tẩu, nhưng không hút public vì phong trào chống hút thuốc lá điên rồ ở nước Mỹ) .v.v. Hút tẩu đặc biệt thích hợp với những người có thói quen ngồi suy tư, thích sự yên tĩnh một mình, để đọc sách, nghe nhạc hoặc sáng tác.
Không phải tự nhiên mà trên thế giới hiện nay, một tỉ lệ lớn người hút tẩu (vốn ít ỏi so với người hút thuốc lá!) thuộc giới trí thức, nghệ sĩ.
6. Hút tẩu có thể giúp cai nghiện thuốc lá
Đây là một khả năng mà tôi mới khám phá gần đây qua hai trường hợp bạn bè sau khi họ tập hút tẩu. Hút tẩu thường dẫn đến chán hút thuốc lá, vì đơn giản là ngon hơn thuốc lá nhiều (thuốc tẩu là thuốc thật được chế biến, phối hợp đa dạng, công phu), trừ những người nghiện thuốc lá quá nặng, cần "hút" nicotin chứ không phải là hút thuốc lá để thư giãn, giải trí bình thường. Mà hút tẩu lại không gây nghiện vì không hấp thụ nhiều nicotin, nên sau một thời gian hút tẩu, người hút chỉ cần bỏ hút tẩu là cũng có thể mất đi thói quen hút thuốc lá.
7. Tẩu gỗ Briar còn là những tác phẩm điêu khắc

Cũng giống như rất nhiều thứ trên đời không chỉ có giá trị sử dụng, tẩu gỗ Briar đã được phát triển thành một dạng đồ thủ công mỹ nghệ, thậm chí tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, đặc biệt là từ nửa sau thế kỷ 20 bởi các nghệ nhân Scandinivia và Đức.
Các nghệ nhân phương Tây đã quan sát vẻ đẹp đặc biệt của hoa văn gỗ Briar - với vân gỗ một chiều thẳng đứng gọi là "vân lửa" (straight grains, flame grains), một chiều dày đặc "mắt chim" (bird eyes, hay ở ta gọi là óc chó) - để tạo hình chiếc tẩu lựa theo đặc điểm riêng biệt của hoa văn từng mẩu gỗ Briar vốn không mẩu nào có hoa văn giống mẩu nào, tạo ra nhiều kiểu dáng đặc biệt mang tính nghệ thuật cao đã được công nhận và trở thành những kinh điển về nghệ thuật điêu khắc gỗ Bởi vậy, bạn không nên cảm thấy ngạc nhiên nếu biết một người hút tẩu nào đó có không chỉ 1 hay 10 chiếc tẩu để phục vụ cho việc hút thuốc.
Nguồn: sưu tập và chỉnh sửa

18/11/2015

Khái niệm về đạo học và phương pháp lý luận trong Bát Nhã Tâm Kinh

Tổng hợp qua vi.wikipedia.org và trải nghiệm bản thân

Hành nghĩa là hành trì. Phương pháp hành trì ở đây là pháp quán chiếu Bát nhã, nhờ đó mà hành giả tự mình trực tiếp thấy được cái không của đương thể bị quán. Cách thấy được cái không ấy là phép quán chiếu. Quán chiếu không lìa thật tướng.

Chúng ta thường tụng Bát Nhã Tâm Kinh bằng bản phiên âm chữ Hán. Đây là bản kinh tóm tắt cốt lõi của bộ kình Đại thừa là Kinh Ma ha Bát Nhã Ba La Mật Đa. Vậy cũng cần tìm hiểu thêm vì sao lại có Bát Nhã và Bát Nhã là gì? 
Nói đến Phật giáo Ðại thừa là nói đến Bát nhã. Vì không có Bát nhã, là không có Phật giáo Ðại thừa. Bát nhã là đầu mối, là mạch nguồn từ đó có các trào lưu tư tưởng Ðại thừa các tông phái Phật giáo kể cả Tịnh độ, Thiền Tông và Mật tông.Và muốn thế cần phải tìm hiểu những giáo lý cơ bản của Phật giáo Đại thừa, như đã trình bày ở các phần trên.
Bát Nhã (prajnà) có nhiều nghĩa: nhưng tựu chung có thể dịch là trí tuệ. Đây là một loại trí tuệ đặc biệt, phát sinh từ công hạnh tu hành theo pháp quán không mà chứng đắc. Ðây là loại trí tuệ thanh tịnh của chư Phật vừa rỗng lặng vừa trong suốt, nhờ đó mà quán chiếu được thật tướng của các pháp và thấy rõ các pháp là không có tự tính. Trí tuệ nói chung cũng có 4 loại khác nhau:
Một là trí tuệ thế gian là trí tuệ của đời thường hay còn gọi là thế trí biện thông. Thông thường trí tuệ này biểu hiện ở những người học giỏi, thông minh, lanh lợi, nhưng trí tuệ đó là của thế gian, của thế tục phàm phu, không phải là trí tuệ Bát nhã.
Hai là trí tuệ ngoại đạo là trí tuệ của những người ngoại đạo do công phu tu luyện mà có, biết được quá khứ hiện tại vị lai, thần thông biến hóa. Nhưng chỉ là trí tuệ tà đạo, không phải là trí tuệ Bát nhã.
Ba là trí tuệ Nhị thừa là trí tuệ của các bậc thanh văn, duyên giác do tu theo pháp Tứ Diệu đế và Thập Nhị nhân duyên mà thành đạo quả. Các vị này cũng thoát khỏi sinh tử luân hồi, thần thông tự tại, biết được việc quá khứ hiện tại và vị lai. Nhưng trí tuệ đó chỉ thấy được ngã không chân như, chứ chưa thấy được pháp không chân như, nghĩa là chỉ phá được cái chấp của ngã, chưa phá được cái chấp của pháp. Đó cũng không phải là Trí tuệ Bát nhã.
Bốn là Trí tuệ Bát Nhã là trí tuệ của các bậc đại thừa tu theo pháp Lục độ ba la mật và giác ngộ hoàn toàn. Đó là trí tuệ của chư Phật và của các vị Bồ tát Đại thừa. 
Trí tuệ trong Bát Nhã Tâm Kinh nói ở đây là thứ trí tuệ thứ tư này, gọi là trí tuệ Bát Nhã. Công dụng của trí tuệ Bát nhã có thể phá được hết tất cả mọi vô minh vọng chấp. Bởi thế trí tuệ Bát nhã có thể chiếu soi các pháp thì pháp nào cũng phải bỏ hình giả dối mà còn lại tướng chân thật của các pháp, tức là chân như hay chân lý của vũ trụ đã hiện ra vậy.
Người không có Trí tuệ Bát Nhã chẳng khác nào người vào rừng tìm trầm hương mà đi tay không, không có dao rựa, không cuốc xẻng. Vào rừng cây cối dây chằng nhằng nhịt, nếu không có dao sắc cầm trong tay làm sao vào được trong rừng sâu và tìm được trầm. Do đó, muốn vào rừng tìm trầm chúng ta phải có dao sắc. Cũng vậy, muốn tu đạt được giác ngộ giải thoát sinh tử chúng ta phải có Trí tuệ Bát Nhã. Bởi vì con đường liễu thoát sinh tử có rất nhiều trở ngại, nếu không có Trí tuệ Bát Nhã bứt phá thì trên đường tu, khó đi đến nơi đến chốn được. Trí tuệ Bát Nhã là cây kiếm sắc để chặt phá những sợi dây trói buộc mình.
Ngài Duy Tín, vị Pháp sư đời Tống có nói: “Trước khi gặp thiện hữu tri thức, ta thấy núi sông là núi sông. Sau khi gặp thiện hữu tri thức chỉ dạy, ta thấy núi sông không phải là núi sông. Ngày nay, sau ba mươi năm tu hành, ta lại thấy núi sông là núi sông.” 
Câu nói đó có nghĩa là trước ba mươi năm, chưa gặp thiện hữu tri thức chỉ dạy, lúc ấy chưa biết đạo lý, chưa có trí tuệ Bát Nhã nên thấy núi sông là núi sông thật. Sau khi Ngài học hỏi, có trí tuệ Bát Nhã và tu chứng được thì thấy núi sông không phải là núi sông, vì với trí tuệ Bát nhã quán chiếu hết tất cả vạn vật đều không có tự thể (như đã nói ở phần trên), thấy triệt để lẽ thật muôn đời, không phải thấy theo con mắt phàm tình của thế gian. Sau khi đạt được Trí tuệ Bát nhã, đạt đến mức thượng cầu hạ hóa thì trở lại hóa độ chúng sinh nên lại thấy núi sông là núi sông.
Trong Đại Trí Độ Luận có giải thích “Bát Nhã là Trí tuệ, trí tuệ đệ nhất trong tất thẩy các trí tuệ, là thứ không gì cao hơn, không gì sánh bằng”. Nhưng dù dịch như thế nào đi nữa cũng không một từ nào trong Hán văn có thể lột tả được hết ý nghĩa hàm ẩn trong chữ Prajnà của Phạn ngữCho nên, văn học Phật giáo Trung Hoa cuối cùng cũng phải dùng từ ngữ phiên âm Bát Nhã để chỉ cho loại trí tuệ đặc biệt này, mới có thể tránh mọi ngộ nhận sai lạc cho người học.
Thông thường, cứ nói đến trí hay tuệ hay trí tuệ, người nghe lập tức liên tưởng đến trí năng, một trong ba năng lực của con người là cảm năng, trí năng và ý chí mà các sinh vật khác không có, hoặc có nhưng ở một mức độ thấp kém. Trí hay trí tuệ thường được hiểu như trí khôn hay óc thông minh xán lạn, lãnh hội dễ dàng các kiến thức đã có. 
Cái bộ óc thông minh ấy đối với Phật giáo được gọi là thế trí biện thông, tức là cái trí tuệ của thế gian, trí tuệ của đời thường, bao gồm cả tốt lẫn xấu ngay trong bản chất, và tác dụng nó thì thường là lành ít dữ nhiều, bởi lẽ cái trí ấy gắn liền với phiền não khổ đau, hay tệ hơn nữa, nó chính là sản phẩm của chính phiền não khổ đau, như ngày xưa ông cha ta đã từng nói: “Càng biết nhiều càng khổ”. 
Lấy một ví dụ: Gần đây trên mạng internet, cũng như trên báo chí, đài, đĩa và dư luận có đưa tin về ngày tận thế sẽ sảy ra vào cuối tháng 12 năm 2012. Kể cả cơ quan NASA (tức là cơ quan nghiên cứu vũ trụ) của Mỹ cũng đề cập đến vấn đề ấy nhưng dưới một dạng khác. Với cái tin ấy thì với thế trí biện thông tức là cái trí tuệ của đời thường, nhiều người lo nghĩ, sợ sệt, buồn rầu, phiền não, khổ đau. 
Có những gia đình đã tim cách mua đất cát nhà cửa ở Đà Lạt với độ cao 1200m so với mực nước biển để tránh hậu họa nước biển dâng, Còn người có trí tuệ bát nhã thì không như vậy.
Khác với thế trí biện thông, Bát nhã là loại trí tuệ siêu thiện ác, trí tuệ vô phân biệt đã rủ sạch phiền não
Cho nên, từ trong bản chất, nó là loại trí tuệ thanh tịnh rỗng lặng, không chút gợn nhơ, trong suốt như hư không, nên cũng được gọi là không trí. Do đó, nó thường xuất hiện như một thứ trí tuệ sâu xa vi diệu, mà Bát Nhã Tâm kinh gọi là thâm Bát nhã, trí tuệ sâu xa. 
Vì tính chất nó như thế nên nó hoàn toàn tự tại trước mọi đối tượng nhận thức, trong mọi hoàn cảnh, nó không bị đối tượng hay hoàn cảnh chi phối ràng buộc. Từ đấy, nó soi suốt thực thể các pháp tức các hiện tượng trên cõi đời, thấy rõ bản chất của chúng. Trí tuệ ấy về bản chất nó được mệnh danh là Thật tướng Bát nhã
Lại cũng trí tuệ đó, về phương diện tác dụng soi suốt các hiện tượng, thì nó mang tên là Quán chiếu Bát nhã
Thật tướng trong suốt vắng lặng, quán chiếu cũng trong suốt rỗng lặng, tuy hai mà một, tuy một mà hai. Và có trong suốt vắng lặng như thế thì mới thấy được cái thực chất duyên sinh hay còn gọi là duyên khởi của tất cả các pháp. 
Như trên đã nói, vì do duyên sinh nên các pháp thảy đều không có tự thể, tất cả đều là giả hữu, hết thảy đều không, không đây không phải là cái không ngược với có..
Dứt khoát Bát nhã tức là trí tuệ bát nhã phải do tu chứng mà tựu thành, không do chỉ có cái học mà hun đúc nên được
Trong lĩnh vực này, cái học hoàn toàn bất lực. Cái học chỉ tạo ra một mớ bòng bong những khái niệm. Hiện thực hóa các khái niệm ấy, phải do công phu hành trì thực tế của đạo học. 
Bởi vì Bát nhã Ba La Mật Ða là một thứ sâu xa vi diệu, không dễ gì thể nhập được nếu không có sự hành trì. Có hiểu được như thế thì mới xác định được ba chữ hành và chiếu kiến trong câu mở đầu của Bát Nhã Tâm kinh. 
Hành nghĩa là hành trì. Phương pháp hành trì ở đây là pháp quán chiếu Bát nhã, nhờ đó mà hành giả tự mình trực tiếp thấy được cái không của đương thể bị quán. Cách thấy được cái không ấy là phép quán chiếuQuán chiếu không lìa thật tướng. Tuy hai mà một, như đã nói trên. Rõ ràng cái học từ chương không có giá trị gì ở đây cả. 
Tuy nhiên, nếu phải do tu đắc mới có trí tuệ Bát nhã, thì những kẻ chưa tu hay không tu làm thế nào để có một khái niệm về cái trí tuệ này? Và làm sao khiến họ có được niềm tin để theo đòi hạ thủ công phu? Nhu cầu được đặt ra là phải thuyết minh trí ấy để hé cho người muốn tu biết dung mạo hình dáng của nó ra sao. Vì vậy mà phải dùng phương tiện để mô tả, đó là văn tự Bát nhã
Phạm vi của văn tự Bát nhã bao gồm toàn bộ văn học Bát nhã, từ ngôn thuyết cho đến triết học, nhằm mục đích thuyết minh giáo nghĩa này. Nhưng nói đến điều này thì hơi cao siêu vì nó động đến vấn đề triết học. 
Người học Phật chỉ cần hiểu rằng khác với các hệ thống lý luận thông thường đặt cơ bản trên những dữ kiện coi như thực hữu và cố định, hệ thống lý luận mới này là một loại lý luận siêu luận lý, do Ngài Long Thọ sáng tạo, nhằm thuyết minh những hiện tượng giả hữu và chuyển biến trong từng sát na, là các pháp duyên sinh như huyễn. 
Phương pháp luận lý này chuyên dùng phủ định để khẳng định. (Phủ định là không công nhận còn khẳng định là công nhận).
Bởi lẽ văn pháp vốn là duyên sinh vô thườngkhông có một pháp nào đứng yên một chỗ, thì thử hỏi trong trạng huống đó, ta có thể khẳng định được gì không? Cái hiện thực của lát giây trước, không phải là cái hiện thực của lát giây sau. 
Con người của bản thân ta hôm nay không phải là ta của ngày hôm qua mà cũng không phải là ta của ngày mai. Hãy lấy một ví dụ rất đơn giản: một bà Phật tử trước khi bước vào đường tu hành nơi cửa Phật thì tính tình hay giận dữ, nói năng ác khẩu, đánh con, chửi chồng. Nhưng sau một thời gian theo bạn bè tu hành hiểu được giáo lý của Đức Phật, đã thay đổi tính nết, ăn nói mềm mỏng dịu dàng, tính tình không hay sân hận như trước và biết yêu thương con cái. Như vậy bà ấy hôm nay không phải là bà ấy trước kia.
Thậm chí bà ấy ngày hôm qua cũng không phải là bà ấy ngày hôm nay và cũng không phải bà ấy những ngày sau này. Cũng như vậy dòng sông hôm trước không phải là dòng sông hôm nay. 
Càng không phải là dòng sông năm xưa hay dòng sông trong mười năm tới, tuy cùng mang tên một dòng sông chung bởi vì dòng nước trên dòng sông ấy hôm trước thì nay đã trôi về biển, chưa nói đến hàng ngày, dòng sông bên lở bên bồi. Tục ngữ ta có câu :
Không ai tắm trên cùng một dòng sông” là nghĩa như vậy, bởi vì cũng ở chỗ bến tắm ấy, trên cùng dòng sông ấy, dòng nước ta ngâm mình không phải là dòng nước ngày hôm trước ta đã tắm, vả lại dòng sông hôm nay cũng đã đổi khác, có thể nước đã sói mòn bến tắm, cỏ cây hoang dại đã mọc lên, nên dòng sông ấy không còn là dòng sông khi xưa. 
Cho nên, đúng theo sự thật, ta không thể khẳng định được gì cả. Ðể được gần sát với sự thật hơn, phép luận lý chân chính và lành mạnh buộc ta phải tìm khẳng định trong phủ định là vì thế.
Pháp luận lý phủ định này, mãi cho đến giữa thế kỷ XIX mới được các triết gia phương Tây biết đến và được họ tôn xưng là siêu biện chứng. 
Pháp lý luận này có đề cập đến Bát bất nghĩa là tám sự phủ định gồm bốn cặp tám điều: "bất sinh - bất diệt; bất thường - bất đoạn; bất nhất - bất dị; bất lai - bất xuất". 
Trái lại vói Bát bất là Bát mê gồm : Sinh - Diệt, Đoạn - Thường, Nhất - Dị, Khứ - Lai. 
Thật ra thì, gặp gì phủ định nấy, mới sát với lý vô thường biến chuyển của vạn pháp. 
Nhưng sở dĩ luận bát bất chỉ quy định có tám điều mà thôi, là vì đấy là tám hiện tượng rõ ràng nhất và tiêu biểu nhất trong tiến trình chuyển biến của sự vật. Hễ phủ định cái nọ thì lại khẳng định cái kia theo hai mặt tương đối của nó. Như nói bất sinh, đồng thời phải nói đến có diệt, nói bất sinh là nói phủ định còn nói diệt là nói khẳng định. 
Vì lẽ ấy, và để được sát với sự thật không ngừng biến chuyển, đừng nên khẳng định cái gì hết. Và khi muốn khẳng định thì dùng phủ định mà diễn đạt. Thay vì khẳng định diệt thì nên nói bất sinh. Thay vì khẳng định đoạn nên nói bất thường, v.v...
Phép phủ định này được Long Thọ, vị cao tăng Ấn Độ ở thế kỷ thứ Nhất và thứ Hai sau công nguyên phát kiến, và dựng thành một cơ sở luận lý học vĩ đại để thuyết minh giáo nghĩa tính không của trường phái Bát nhã. 
Có hiểu được then chốt của phép luận lý này, mới hiểu được đoạn: chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm trong Bát Nhã Tâm kinh có nghĩa là Tướng không của các pháp đây không sinh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt. 
Sáu chữ bất ở trong đoạn kinh này là một loạt phủ định dồn dập, nhằm mục đích khẳng định thực chất của tướng không ở nơi năm uẩn. 
Nói tướng không của pháp ấy bất sanh, tức nói nó tịch diệt. Nói nó bất diệt tức nói nó thường tại v.v... 
Trọn cả đoạn này cho đến  trí diệc vô đắc là chứng minh tính không bằng luận lý triết học, để rồi đi đến chỗ dĩ vô sở đắc cố ở đoạn tiếp theo là đưa hành giả vào đoạn thực tế hành trì. Triết học thuyết minh là gieo khái niệm để mở đường chỉ lối. Tiếp theo là công việc của đạo học phải thành tựu bằng công phu tu hành. 
Thực ích lợi là phần của đạo học, nhưng nếu không nhờ phần triết học soi sáng thì không biết nương tựa vào đâu để lần theo dấu vết mà hành trì. 
Ngược lại, nếu chỉ thuyết minh suông mà không hạ thủ công phu thì chung quy chỉ dẫm chân một chỗ mà thôi. Có lẽ là tệ hơn nữa: đi giật lùi trên đường tu chứng.
Trên đây là những khái niệm căn bản về đạo học Bát nhã và phương pháp lý luận triết học Bát nhã. Đạo học thành tựu bằng phép quán chiếu, triết học xây dựng trên căn bản bát bất. Còn nguồn gốc và tiến trình tư tưởng Bát nhã thì như thế nào?
Đây là cả một vấn đề lý luận cao siêu mà trong đề tài này tôi không đi sâu vào, miễn sao bài viết này giúp cho việc tìm hiểu được những lời Phật dạy trong Bát Nhã Tâm Kinh của các bạn được Tinh Tấn.

 Trân trọng