29/05/2016

Những nhận thức chung về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi

Tập hợp từ nhiều nguồn luật và trên Net.



Cơ sở hình thành chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

Con người là một thực thể sinh học. Hệ thần kinh của con người cũng hoạt động theo chu kỳ. Các nhà khoa học nhất trí rằng một con người bình thường phải dành ít nhất 8 giờ đồng hồ để ngủ mỗi ngày. Như vậy, trong số 24 giờ mỗi ngày sẽ chỉ còn lại trên dưới 16 giờ, trong đó có một số giờ giành cho làm việc.
Lao động đến một mức nào đó thì cảm giác mệt mỏi sinh lý bắt đầu xuất hiện. Đó là một cơ chế bảo vệ, như cái phanh, bắt cơ thể ngừng hoạt động để khỏi kiệt sức. Để có thể làm việc hiệu quả, người lao động phải có thời gian nhất định giành cho nghỉ ngơi. Đó chính là giai đoạn mà người lao động tái sản xuất sức lao động. Như vậy, thời giờ làm việc là có giới hạn.
Cho đến đầu thế kỷ XIX, người nô lệ, người làm thuê phải lao động quần quật cho chủ không tính đến giờ giấc. Hàng ngày họ phải làm việc khoảng 14, 16 , thậm chí đến 18 tiếng. Cùng với sự phát triển của nền công nghiệp ở châu Âu, lực lượng công nhân ngày càng đông đảo và lớn mạnh. Họ đã liên kết lại và đấu tranh đòi cải thiện điều kiện lao động, giảm giờ làm.
Một số nhà hoạt động xã hội và nhà XHCN không tưởng đề ra nhiều chủ trương cải cách xã hội. Trong đó một người Anh đầu tiên đề xuất đầu tiên việc rút ngắn thời giờ làm việc cho lao động trẻ em và gương mẫu thực hiện ngay trong doanh nghiệp của mình.
Một doanh giai người Pháp cũng đã khởi xướng không sử dụng lao động trẻ em quá 10 giờ một ngày.
Năm 1833, Anh công bố Luật Công xưởng, quy định ngày làm việc 15 giờ đối với lao động người lớn, 12 giờ đối với lao động 13 đến 18 tuổi, và 8 giờ đối với lao động từ 9 đến 12 tuổi, đồng thời cấm sử dụng lao động dưới 18 tuổi làm đêm.
Năm 1866, tại Đại hội đại biểu Đệ nhất Quốc tế họp tại Giơnevơ, lần đấu tiên Các Mác đề xướng khẩu hiệu “ngày làm 8 giờ”. Tiếp sau đó, năm 1884, ở Mỹ và Canađa 8 tổ chức công nhân quyết định thị uy vào ngày 01/05/1886 và bắt đầu ngày làm việc 8 giờ.
Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, dưới áp lực của phong trào công nhân quốc tế, nói chung, các nước đều lần lượt thực hiện chế độ ngày làm 8 giờ. Năm 1919, hội nghị tổ chức lao động quốc tế (ILO) thông qua Công ước số 1 về độ dài thời gian làm việc trong công nghiệp.
Như vậy, trong số 16 giờ còn lại của một ngày thì có 8 giờ giành cho làm việc trong quan hệ lao động, thời giờ còn lại là nghỉ ngơi. Tuy nhiên, một khối lượng công việc nhất định bao giờ cũng đòi hỏi phải tiêu phí một khoản thời gian để hoàn thành. Tổng quỹ thời giờ làm việc của một người càng lớn thì số người cần sử dụng để hoàn thành công việc đó càng ít.
 Thế giới xuất hiện tình trạng thất nghiệp một phần vì tình trạng số người lao động thì nhiều mà số chỗ làm việc thì ít. Tình trạng này phải được xử lý bằng rất nhiều giải pháp, trong đó có một giải pháp đã được thực hiện ở một số nước. Đó là, trong quan hệ lao động nảy sinh sáng kiến của các tổ chức của người lao động đấu tranh đòi rút ngắn hơn nữa thời gian làm việc trong ngày hoặc trong tuần. Tất nhiên, việc rút ngắn này phải nằm trong tầm chấp nhận được của người sử dụng lao động, trong phạm vi số thời gian lao động “thặng dư”.
Năm 1935, ILO thông qua Công ước số 47 về tuần làm việc 40 giờ, năm 1962 lại còn khuyến nghị 116 về giảm thời giờ làm việc. Nay đã có một số nước thực hiện tuần làm việc 36, 39, 40 giờ và mỗi tuần làm việc 5-4 ngày. Ở nước ta hiện nay đã và đang thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ trong khu vực nhà nước.
Như vậy, chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi được hình thành trên cơ sở cả sinh học, tâm lý và kinh tế xã hội có liên quan đến quyền và lợi ích thiết thân trong quan hệ lao động, được người lao động và cả người sử dụng lao động cùng quan tâm.

Khái niệm về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

Như những phân tích ở trên cho thấy làm việc và nghỉ ngơi là những vấn đề khác nhau nhưng lại gắn bó chặt chẽ với nhau, làm thành hai mặt của quá trình sống và lao động của con người.
Thời giờ làm việc
Thời giờ làm việc là độ dài thời gian mà người lao động phải tiến hành lao động theo quy định của pháp luật, theo thoả ước lao động tập thể hoặc theo hợp đồng lao động.
Thời giờ làm việc không quá 8 giờ trong một ngày hoặc 48 giờ trong một tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần, nhưng phải thông báo trước cho người lao động biết.
Thời giờ làm việc hàng ngày được rút ngắn từ một đến hai giờ đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.
Thời giờ nghỉ ngơi
Thời giờ nghỉ ngơi là độ dài thời gian mà người lao động được tự do sử dụng ngoài nghĩa vụ lao động thực hiện trong thời giờ làm việc.

Ý nghĩa của việc quy định chế độ về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

Quyền làm việc và quyền nghỉ ngơi là một trong những quyền rất cơ bản của con người, trước hết là người lao động trong quan hệ lao động, phải được pháp luật can thiệp, bảo vệ. Hiến pháp của các nước đều ghi nhận điều này trong đó có Hiến pháp của nước ta. Tuyên ngôn nhân quyền của Liên hiệp quốc năm 1948 cũng nghi nhận quyền đó. Pháp luật lao động quốc gia quy định về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi, tạo hành lang pháp lý nhằm bảo vệ sức khỏe người lao động trong quan hệ lao động để làm việc được lâu dài, có lợi cho cả hai bên; đảm bảo có một tỷ số hợp lý giữa hai loại thời giờ này, có tính đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, vừa không thiệt hại cho sản xuất kinh doanh, vừa không làm giảm sút khả năng lao động, khả năng sáng tạo của người lao động, suy cho cùng là nhằm bảo vệ việc làm, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả của lao động, hướng vào chiến lược con người.
Việc quy định chế độ về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi có ý nghĩa rất quan trọng, cụ thể:
·         Là căn cứ để mỗi doanh nghiệp xác định sát và đúng chi phí nhân công, tổng mức tiền lương phải chi trả cho người lao động theo các trường hợp làm việc và nghỉ ngơi khác nhau.
·         Người lao động biết rõ chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi sẽ chủ động bố trí quỹ thời gian cá nhân hàng ngày, hàng tuần, hàng năm, từ đó càng tự giác tuân thủ kỷ luật và nội quy lao động của doanh nghiệp.
·         Chế độ thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi là căn cứ pháp lý để thanh tra lao động nói riêng và cơ quan phụ trách quản lý lao động nói chung làm chức năng bảo vệ việc thực hiện pháp luật lao động nghiêm minh, hướng dẫn tổ chức lao động hợp lý cho các nơi sử dụng lao động.

Chế độ pháp lý về thời giờ làm việc

Tiêu chuẩn hóa thời giờ làm việc

Tiêu chuẩn hóa thời giờ làm việc là việc quy định số giờ làm việc trong một ngày, trong một tuần lễ; số ngày làm việc trong một tuần, trong một tháng và trong một năm. Thực chất tiêu chuẩn hóa thời giờ làm việc chính là việc quy định độ dài ngày hay tuần làm việc đối với người lao động.
Việc xác định thời giờ làm việc thông thường được tính theo đơn vị giờ và từ đơn vị giờ tình ra độ dài của ngày, tuần, tháng, năm làm việc.
Trong sản xuất kinh doanh, nhằm có thể tận dụng tốt đa công suất máy móc, thiết bị, khắc phục hao mòn vô hình, hoặc để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, người sử dụng lao động có thể tổ chức một hay luân phiên nhiều ca làm việc trong một ngày đêm. Trong trường hợp đó, độ dài ngày làm việc được xác định theo ca làm việc.
Độ dài tuần làm việc có thể tính bằng số giờ làm việc trong một ngày nhân với số ngày làm việc trong một tuần. Cũng có thể ấn định trước tổng số giờ làm việc trong một tuần làm việc, sau đó mới xác định làm việc bao nhiêu ngày trong một tuần để có thể phân bố tổng số giờ này cho các ngày.

Các loại ngày làm việc

Ngày làm việc tiêu chuẩn
Ngày làm việc tiêu chuẩn là loại ngày làm việc trong đó pháp luật quy định cụ thể khoản thời gian làm việc của người lao động trong một ngày đêm
Có hai loại ngày làm việc tiêu chuẩn được áp dụng cho những đối tượng cụ thể như sau:
·     Ngày làm việc bình thường được quy định không quá 8 giờ một ngày,áp dụng chung cho công việc bình thường. Trong những trường hợp khác do tính chất sản xuất, công tác, do điều kiện thời tiết, thời vụ hoặc do sản xuất theo ca, kíp mà phải phân bổ lại số giờ làm việc trong ngày hoặc trong tuần, trong tháng cho thích hợp thì người sử dụng lao động phải thống nhất với công đoàn cơ sở trên cơ sở ký kết thỏa ước lao động tập thể và nguyên tắc chung là thời gian làm việc bình quân không quá 8 giờ/ngày hoặc 48 giờ/tuần6.
Thời giờ được tính vào thời giờ làm việc có hưởng lương bao gồm:
o        Thời giờ nghỉ giữa ca làm việc;
o        Thời giờ nghỉ giải lao theo tính chất của công việc;
o        Thời giờ nghỉ cần thiết trong quá trình lao động đã được tính trong định mức lao động cho nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người;
o        Thời giờ nghỉ mỗi ngày 60 phút đối với người lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
o        Thời giờ nghỉ mỗi ngày 30 phút đối với người lao động nữ trong thời gian hành kinh;
o        Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động;
o        Thời giờ học tập, huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động;
o        Thời giờ hội họp, học tập do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động cho phép.
* Người sử dụng lao động có quyền xác định thời điểm bắt đầu ngày làm việc và thời điểm kết thúc ngày làm việc, thời gian nghỉ ngơi giữa ca. Tuy nhiên, các quy định này phải được ghi vào nội quy, điều lệ doanh nghiệp và phải thông báo cho từng người lao động biết để thực hiện.
Tại thời điểm bắt đầu ngày làm việc, người lao động phải có mặt tại địa điểm sản xuất, công tác và bắt tay vào làm việc, thực hiện nghĩa vụ lao động của mình. Sau thời điểm kết thúc ngày làm việc, người lao động mới có quyền rời khỏi nơi làm việc. Trường hợp làm việc theo ca, kíp, đã hết giờ làm việc nhưng chưa có người đến nhận ca thì người lao động không được phép tự tiện đóng máy hoặc bỏ ra về, mà phải báo ngay cho người quản lý biết để giải quyết.
·  Ngày làm việc rút ngắn để có thể bảo vệ tốt hơn sức khỏe cho những người làm những nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc những người do sinh lý hay chức năng có những đặc điểm riêng, như lao động nữ thai nghén giáp kỳ sinh con, lao động chưa thành niên, người tàn tật, người cao tuổi thì pháp luật quy định rút ngắn thời giờ làm việc ngắn hơn thời giờ làm việc của ngày làm việc bình thường (tức ít hơn 8 giờ/ngày) mà vẫn giữ nguyên lương..
Ngày làm việc rút ngắn được quy định cho những người làm những nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, phụ nữ có thai từ tháng thứ 7, lao động nữ có con dưới 12 tháng tuổi, lao động chưa đủ 18 tuổi, lao động là người tàn tật, lao động là người cao tuổi (nam từ 59 tuổi trở lên, nữ từ 54 tuổi trở lên) - những đối tượng này thời gian làm việc hàng ngày được giảm ít nhất 1 giờ.
Người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, đặc biệt độc hại hoặc đặc biệt nguy hiểm thì thời gian làm việc hàng ngày được giảm ít nhất 2 giờ.

Ngày làm việc không có tiêu chuẩn

Ngày làm việc không có tiêu chuẩn là loại ngày làm việc được quy định cho một số đối tượng nhất định, do tính chất của công việc mà họ phải thực hiện những nhiệm vụ lao động ngoài giờ làm việc bình thường nhưng không được trả thêm lương.
Theo quy định của pháp luật, những đối tượng sau đây áp dụng ngày làm việc không theo tiêu chuẩn :
+ Những người lao động có tính chất phục vụ, phải thường xuyên ăn, ở, làm việc trong phạm vi cơ quan, xí nghiệp.
+ Công nhân hoặc cán bộ do tính chất công việc phụ trách mà phải thường xuyên đi sớm và về muộn hơn những người lao động khác. Ví dụ như công nhân phụ trách máy phát điện, công nhân phụ trách bảo dưỡng, kiểm tra, lau chùi máy móc, những người quét dọn nhà xưởng.v.v...
+ Những người lao động do những điều kiện khách quan mà họ không thể xác định được trước thời gian làm việc cụ thể. Ví dụ như cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cán bộ quản lý, nhân viên ngoại giao.v.v... hoặc những người lao động do tính chất công việc được giao mà họ tự ý bố trí thời gian làm việc của mình như cán bộ nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học nghệ thuật... Tuy nhiên thời gian của ngày làm việc tiêu chuẩn vẫn là cơ sở để giao công việc và nghiệm thu kết quả làm việc của họ.

Thời giờ làm thêm, thời giờ làm việc ban đêm

· Thời giờ làm thêm
Thời gian làm thêm giờ là do có yêu cầu của người sử dụng lao động mà số thời gian làm việc vượt quá số giờ tiêu chuẩn đã được ấn định.
Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận làm thêm giờ, nhưng không quá 4 giờ trong một ngày, 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không được quá 300 giờ trong một năm.
o        Các điều kiện và nguyên tắc làm thêm đến 200 giờ trong một năm
Doanh nghiệp và đơn vị có thể tổ chức cho mỗi người lao động làm thêm đến 200 giờ trong một năm khi bảo đảm đầy đủ các điều kiện và nguyên tắc sau:
- Điều kiện làm thêm đến 200 giờ trong một năm:
1.            Xử lý sự cố sản xuất ;
2.            Giải quyết công việc cấp bách không thể trì hoãn;
3.            Xử lý kịp thời các mặt hàng tươi sống, công trình xây dựng và sản phẩm do yêu cầu nghiêm ngặt không thể bỏ dở được;
4.            Giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời được.
- Nguyên tắc khi tổ chức làm thêm đến 200 giờ trong một năm:
5.            Phải thoả thuận với từng người lao động làm thêm giờ;
6.            Số giờ làm thêm trong một ngày không quá 4 giờ; riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, thì số giờ làm thêm trong một ngày không quá 3 giờ;
7.            Tổng số giờ làm thêm trong một tuần không quá 16 giờ; riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, thì tổng số giờ làm thêm trong một tuần không quá 12 giờ;
8.            Tổng số giờ làm thêm trong 4 ngày liên tục không quá 14 giờ; riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, thì tổng số giờ làm thêm trong 4 ngày liên tục không quá 10 giờ;
9.            Hàng tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 1 ngày (24 giờ liên tục). Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể bố trí nghỉ hàng tuần thì phải bảo đảm hàng tháng có ít nhất 4 ngày nghỉ cho người lao động;
10.       Trong trường hợp người lao động làm thêm trên 2 giờ trong ngày, thì trước khi làm thêm, phải bố trí cho họ được nghỉ ít nhất 30 phút tính vào giờ làm thêm;
11.       Bố trí cho người lao động được nghỉ hoặc nghỉ bù đủ các ngày lễ, tết, nghỉ hàng năm và các ngày nghỉ có hưởng lương khác đúng theo qui định của Pháp luật hiện hành;
12.       Thực hiện đúng các quy định tại Điều 115, Điều 122, Điều 127 của Bộ luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung về việc cấm hoặc hạn chế làm thêm giờ đối với lao động nữ, lao động chưa thành niên, lao động là người tàn tật;
13.       Thực hiện trả lương và các chế độ khác liên quan đến làm thêm giờ đúng theo quy định của Pháp luật hiện hành
Các điều kiện và nguyên tắc làm thêm đến 300 giờ trong một năm
Các doanh nghiệp, đơn vị có sản xuất hoặc gia công hàng xuất khẩu, bao gồm sản phẩm: dệt, may, da, giày và chế biến thuỷ sản được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm, thì phải thực hiện đầy đủ các điều kiện và nguyên tắc sau:
- Điều kiện làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm:
Khi phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do yêu cầu cấp thiết của sản xuất, hoặc do tính chất thời vụ của sản xuất hoặc do yếu tố khách quan không dự liệu trước mà đã tổ chức làm thêm đến 200 giờ nhưng không thể giải quyết hết khối lượng công việc.
- Nguyên tắc khi tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm: tuân thủ các nguyên tắc như khi tổ chức làm thêm đến 200 giờ trong một năm như đã nêu trên.
Các doanh nghiệp, đơn vị khác nếu có nhu cầu làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm, thì phải gửi văn bản xin phép tới các Bộ, Ngành và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trường hợp phải khắc phục hậu quả do thiên tai, địch hoạ, hoả hoạn, dịch bệnh lan tràn thì doanh nghiệp, đơn vị được phép huy động người lao động làm thêm quá 4 giờ trong một ngày khi phải khắc phục hậu quả nghiêm trọng do thiên tai, địch hoạ, hoả hoạn, dịch bệnh lan tràn trong phạm vi doanh nghiệp, đơn vị, nhưng phải được sự đồng ý của người lao động. Số giờ làm thêm này không tính vào tổng số giờ làm thêm trong năm, nhưng phải trả lương và thực hiện các chế độ khác liên quan đến làm thêm giờ đúng theo quy định của Pháp luật hiện hành.
Người lao động làm thêm giờ được trả lương theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm như sau:
- Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
- Vào ngày nghỉ hàng tuần, ít nhất bằng 200%;
- Vào ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%.
Nếu làm thêm giờ vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm vào ban ngày.
· Thời giờ làm việc ban đêm
Thời giờ làm việc được tính là làm việc ban đêm được pháp luật lao động nước ta quy định như sau:
Từ Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc được tính từ 22 giờ đến 6 giờ;
Từ Đà Nẵng trở vào phía Nam được tính từ 21 giờ đến 5 giờ.
Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% của tiền lương làm việc vào ban ngày.

Chế độ pháp lý về thời giờ nghỉ ngơi trong luật lao động

Có hai loại thời giờ nghỉ ngơi: thời giờ nghỉ ngơi được hưởng lương và thời giờ nghỉ ngơi không được hưởng lương.

Thời giờ nghỉ ngơi được hưởng lương:

Thời giờ nghỉ giữa ca (nghỉ giải lao)

Theo quy định của pháp luật lao động, thì thời giờ nghỉ giữa ca được tính như sau:
- Người lao động làm việc 8 giờ liên tục trong điều kiện bình thường hoặc làm việc 7 giờ, 6 giờ liên tục trong trường hợp được rút ngắn thời giờ làm việc thì được nghỉ ít nhất nửa giờ (30 phút), tính vào giờ làm việc;
- Người làm ca đêm ( từ 22 giờ đến 6 giờ hoặc từ 21 giờ đến 5 giờ) được nghỉ giữa ca ít nhất 45 phút, tính vào giờ làm việc;
- Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca khác.

Nghỉ hàng tuần

Mỗi tuần lễ, người lao động được nghỉ ít nhất một ngày (24 giờ liên tục), thường là vào ngày chủ nhật. Tuy nhiên, đối với những cơ quan, xí nghiệp do yêu cầu của sản xuất, công tác hoặc phục vụ nhân dân đòi hỏi phải làm việc liên tục cả tuần, kể cả chủ nhật thì người sử dụng lao động có thể sắp xếp ngày nghỉ hàng tuần vào một ngày khác trong tuần cho từng nhóm người lao động khác nhau.
Trường hợp do chu kỳ lao động không thể nghỉ hàng tuần, thì người sử dụng lao động phải đảm bảo cho người lao động chế độ nghỉ bù thỏa đáng. Tính bình quân mỗi tháng, người lao động được nghỉ ít nhất 4 ngày.

Các ngày nghỉ lễ, nghỉ tết

Ở Việt Nam, trong một năm, người lao động được nghỉ lễ, tết tất cả là 9 ngày, cụ thể là những ngày sau đây:
- Tết dương lịch: 1 ngày (ngày 1 tháng 1 dương lịch);
- Tết âm lịch: 4 ngày (1 ngày cuối năm, 3 ngày đầu năm âm lịch);
- Giỗ Tổ Hùng Vương (mồng 10 tháng 3 âm lịch): 1 ngày;
- Ngày Chiến thắng 30/4: 1 ngày;
- Ngày Quốc tế lao động: 1 ngày (ngày 1 tháng 5 dương lịch);
- Ngày Quốc khánh: 1 ngày ( ngày 2 tháng 9 dương lịch).
Nếu những ngày nghỉ nói trên trùng vào ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày tiếp theo. Trong những ngày nghỉ lễ, nghỉ tết nói trên, người lao động được hưởng nguyên lương. Nếu do yêu cầu của sản xuất, công tác mà người lao động phải làm việc trong các ngày này thì họ được trả lương ít nhất bằng 300% của tiền lương giờ của ngày làm việc bình thường; trường hợp họ được bố trí nghỉ bù, thì người sử dụng lao động chỉ phải trả phần tiền chênh lệch so với tiền lương giờ của ngày làm việc bình thường.
Ngoài ra, nếu người lao động là người nước ngoài thì họ được nghỉ thêm 1 ngày quốc khánh và 1 ngày Tết cổ truyền dân tộc họ (nếu có).

Nghỉ hàng năm

· Điều kiện để được nghỉ hàng năm
Người lao động được nghỉ hàng năm khi họ làm việc được ít nhất 12 tháng liên tục tại một doanh nghiệp hoặc với một người sử dụng lao động.
Các thời gian sau đây cũng được coi là thời gian công tác liên tục :
- Thời gian được cơ quan, xí nghiệp cử đi học văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ;
- Thời gian nghỉ hưởng lương ngừng việc, thời gian báo trước để chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật;
- Thời gian nghỉ ốm, thời gian con ốm mẹ được nghỉ theo chế độ;
- Thời gian nghỉ điều trị do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;
- Thời gian bị đình chỉ công tác hoặc tạm giam trong giai đoạn điều tra hình sự, nhưng sau đó được miễn truy tố và trở lại đơn vị làm việc bình thường.
Những người lao động nghỉ việc không được sự đồng ý của người sử dụng lao động thì không được hưởng chế độ nghỉ phép hàng năm trong năm đó. Nếu lỗi nhẹ thì người lao động nghỉ ngày nào sẽ bị trừ vào số ngày nghỉ hàng năm năm đó; trường hợp lỗi nặng đến mức bị xử lý đến hình thức kỷ luật, thì năm đó người lao động có thể không được hưởng chế độ nghỉ phép hàng năm nữa. Ngoài ra, nếu người lao động nào có tổng số ngày nghỉ ốm trong năm đó cộng lại quá 3 tháng thì cũng không được hưởng chế độ nghỉ hàng năm.
· Số ngày nghỉ hàng năm
Theo quy định tại Điều 74 Bộ luật lao động nước ta thì thời gian nghỉ hàng năm được chia ra làm 3 mức là : 12, 14 và 16 ngày, cụ thể như sau:
- 12 ngày làm việc, đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
- 14 ngày làm việc, đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt và đối với người dưới 18 tuổi;
- 16 ngày làm việc, đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt.
Thời gian đi đường không tính vào ngày nghỉ hàng năm. Số ngày nghỉ hàng năm của người lao động còn được tăng theo thâm niên làm việc tại một doanh nghiệp, hoặc với một người sử dụng lao động, cứ 5 năm được nghỉ thêm 1 ngày. Trong thời gian nghỉ hàng năm, người lao động được hưởng nguyên lương cộng phụ cấp lương. Ngoài ra, người lao động còn được thanh toán tiền tàu xe đi và về (nếu có).

Nghỉ về việc riêng

Nghỉ về việc riêng là quy định của pháp luật lao động nhằm giải quyết cho người lao động được nghỉ việc để giải quyết tình cảm cá nhân hoặc gia đình họ. Thời gian nghỉ về việc riêng không quá 3 ngày lao động.
Người lao động được nghỉ về việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong các trường hợp sau đây:
- Kết hôn, nghỉ 3 ngày;
- Con kết hôn, nghỉ 1 ngày;
- Bố mẹ ruột (cả bố mẹ bên chồng và bên vợ) chết, vợ hoặc chồng chết, con chết, nghỉ 3 ngày.

Nghỉ không hưởng lương

Ngoài những thời gian nghỉ ngơi theo chế độ được hưởng lương, người lao động nếu thấy cần thiết phải nghỉ thêm thì có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Những trường hợp cần thiết nghỉ không hưởng lương được pháp luật bảo vệ, chẳng hạn cần nghỉ thêm vì sinh con, gia đình có người thân ốm, đau, chết, hoặc giải quyết những công việc lớn khác của gia đình như khắc phục bão lụt, vv... thời gian nghỉ về việc riêng phải tuân thủ kỷ luật lao động7.
Những qui định trên đây không áp dụng đối với những người làm những công việc có tính chất đặc biệt có chu kỳ dài ngày như những người lao động làm việc trên biển....

Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người làm các công việc có tính chất đặc biệt

Đối với các công việc có tính chất đặc biệt như: vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, người lái, tiếp viên, kiểm soát viên không lưu ngành hàng không; thăm dò khai thác dầu khí trên biển; trong các lĩnh vực nghệ thuật, áp dụng kỹ thuật bức xạ và hạt nhân, ứng dụng, kỹ thuật sóng cao tầng; thợ lặn; thợ mỏ hầm lò thì các Bộ trực tiếp quản lý quy định cụ thể thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi sau khi thỏa thuận với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Không được sử dụng lao động nữ làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc các chất độc hại có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con.
Ngoài ra, thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi đối với những người lao động làm hợp đồng không trọn ngày, không trọn tuần, làm khoán, thì do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận riêng.
6 Hiện nay giờ làm việc trong khu vực nhà nước là 40h /1 tuần.
7 Trong trường hợp số ngày nghỉ nhiều trong năm có thể bị người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động


Giáo dục con trẻ ở Mỹ - từ điều đơn giản nhất.

Tommy Vũ Phạm(Từ California, Mỹ)
Thằng cháu tôi, mới 6 tuổi tiếng Việt bập bõm (tất nhiên tiếng Anh mẹ đẻ thì lưu loát rồi) mà biết "tự lực cánh sinh" theo đúng nghĩa của nó. Nó tự biết xúc cơm ăn, biết tự tắm, biết tự ngăn nắp đồ chơi và sách vở, còn hơn thế nữa, biết tự bỏ rác vào đúng cái thùng phân loại rác. Còn 1 chuyện nữa, nó không biết sợ ma.
Tôi nhiều lúc cứ tự hỏi, điều gì làm nên 1 con người như vậy?! Ah, đơn giản thôi. Nó đi học, cô giáo của nó dạy dỗ hết, gia đình dạy dỗ thêm 1 phần. Nó bảo, ở trường cô giáo mở youtube cho nó xem ở bên Phi Châu con nít nó khổ vì thiếu ăn như thế nào, những nước đang phát triển trẻ con không được đi học, phải lấy than đen vẽ xuống đất mà tập viết. Cái đó làm nó sợ, nó sợ một ngày nào đó nó sẽ bị rơi vào hoàn cảnh tương tự, nó sợ cái cảm giác thiếu thốn, nó sợ bị đói. Và nó đã biết trân trọng thức ăn và từng món ăn nó đang có.
Mỗi nhà ở Mỹ thường có 3 cái thùng rác, mỗi cái phân biệt công năng qua cách phân biệt màu sắc: Xanh lá cây dùng để đựng rác hữu cơ từ cây cối, cỏ,... Màu xanh dương dùng đựng những thứ có thể tái chế như nhựa, thuỷ tinh, lon nhôm, giấy ... Cái thùng xám còn lại chứa đựng rác thông dụng mỗi ngày mà không biết phân vào đâu. Thế đấy, vậy mà ở trường nó được cô giáo dặn dò rất kỹ lưỡng với 1 sự giải thích nhẹn nhàng: phân loại rác như vậy để có tiền đóng tiền học.
Bọn trẻ con thừa hiểu cha mẹ nó không phải chạy đôn chạy đáo kiếm tiền đóng tiền học cho nó cho tới khi nó học xong trung học, vì đơn giản chính phủ Mỹ đã kiện toàn mọi chi phí đó. Thế nhưng cô giáo lại dạy rằng, con chỉ mất công 1 chút phân loại rác ngay từ đầu, chính phủ sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền vì không phải thuê mướn người, máy móc phân loại. 
Rác được tái chế sẽ có tiền và tiền từ việc tiết kiệm, từ việc tái chế sẽ tạo được ngân quỹ để trả tiền học, tiền sách vở cho bọn trẻ. Tiền rác hữu cơ sẽ được quay lại để trồng trọt có trái ngon mà ăn,.... Và những công viên hiện đại miễn phí cũng từ những đồng tiền mà chúng tiết kiệm, trân trọng từ những việc nhỏ nhất mà ra.Và tụi nhỏ cũng học được sự tự trọng từ đó mà ra !! Thế thôi.
Câu chuyện này thường được tôi chia sẻ trên những chuyến du lịch tôi thường dẫn dắt ở Mỹ, khách tôi thích lắm vì nó chí tình chí lý. Và tôi còn khẳng định đó chỉ là 1 điều nhỏ góp phần vào sự thành công của nước Mỹ, hình thành 1 đặc tính rất Mỹ của dân Mỹ để tự hào là cường quốc số 1 thế giới. 
Thật đúng vậy khi rất nhiều vị khách sau khi nghe tôi kể xong lại thở dài ngao ngán vì nhìn những bọn trẻ ở quê nhà đi học chính quy thì được nhồi nhét những lớp đạo đức "không giống ai" mà kém thực tiễn. Chẳng dám so sánh thiển cận vì quê mình còn nghèo, còn chưa thực sự phát triển nhưng khi tôi dám khẳng định, nghèo tiền nghèo bạc còn có khả năng làm ra được nhưng một khi đã nghèo tư cách, nghèo đạo đức thì bao lâu nữa xã hội mới hướng được đến văn minh, đến sự chu toàn cho cuộc sống.
Tôi đang thở dài ngao ngán khi đọc những dòng tin về Vũng Áng, về miền Tây khô hạn,... với mong ước đơn giản thôi: biển sạch có cá mà ăn, miền Tây dư lúa gạo đến mức phải xuất khẩu,.. để ngày nào đó không phải phụ thuộc vào thực phẩm nhập bẩn từ lân bang. Xin ai đó học được 2 từ giản đơn: TỰ TRỌNG.

28/05/2016

Ý nghĩa kinh Diệu Pháp Liên Hoa


Nhiều vị đồng đạo với tôi đã đọc và tụng trì kinh Diệu Pháp Liên Hoa nên ở đây không dám mạo muội đề cập đến xuất xứ, nội dung ... của Kinh - Chỉ mong qua bài viết này chúng ta hiểu hơn về bản Kinh quý giá và căn bản đó mà thôi.
Đại sư Bạch Ẩn - Thuần Bạch và Ngọc Bảo soạn dịch
Được đăng tại Phật Viện Thường Chiếu.

Kinh Liên Hoa không ở ngoài tâm. Tâm không ở ngoài kinh Liên Hoa. Tất cả mười cõi giới, từ địa ngục cho đến Phật địa đều không ở ngoài tâm. Cũng không ở ngoài kinh Liên Hoa. Đó là nguyên lý tối thượng và tuyệt đối mà tất cả chư Phật trong ba đời giảng nói.
Có tám vạn bốn ngàn pháp môn để đi đến Phật quả nhưng tất cả chỉ là phương tiện.
Khi cứu cánh Phật đạo đã đạt đến, sẽ thấy tất cả pháp là đồng nhất thể không có sai biệt.
 Tam tạng kinh Phật có hơn năm ngàn quyển, ghi lại vô số những điều vi diệu do đức Thích Ca giảng thuyết với những phương pháp tu hành khác nhau, nhưng tất cả tinh yếu đều thâu tóm trong 8 quyển kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Với hơn 6000 chữ viết trong kinh này thì ý nghĩa cao tột lại được thâu tóm trong 5 chữ tựa đề là DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH. 5 chữ đó lại được thâu tóm trong hai chữ DIỆU PHÁP. Hai chữ Diệu Pháp này lại thâu về môt chữ TÂM.
 KINH có nghĩa là THƯỜNG. Như ý nghĩa của Phật tánh là luôn thường hằng, bất sinh bất diệt.
 Kinh dạy chúng ta tánh Phật là luôn như vậy. Không thay đổi. Không tăng nơi Phật. Không giảm nơi chúng sinh. Như trời như đất, tánh ấy là bản tánh chung của muôn pháp. Diệu pháp là bản chất của tâm giác ngộ.
 Kinh Liên Hoa đươc Phật nói ra để khai thị cho chúng sinh biết tự nơi mình có sẳn tâm giác ngộ huyền diệu không khác tâm chư Phật, nên còn gọi là TRI KIẾN PHẬT.
TRI KIẾN PHẬT cũng là VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT A DI ĐÀ của Tịnh độ, cũng là BẢN LAI DIỆN MỤC của thiền môn. Nhiều tên khác nhau nhưng thủy chung chỉ một tâm duy nhất mà thôi.
 Tri kiến Phật tựa như hoa sen.
 Vì hoa sen mọc lên từ đất bùn nhưng không bị bùn làm thấm bẩn. Và khi nở hoa thì hương sắc tỏa ra toàn vẹn thanh khiết.
 Trong hoa sen có hoa và quả cùng một lúc. Gương sen giữa hoa đã có sẵn hạt sen ở trong. Tượng trưng cho nhân quả đồng thời nơi tâm. Khi cánh sen rụng hết thì đài  sen hiện ra đầy đặn. Dụ cho tri kiến Phật hiển lộ khi vô minh bị xóa tan.
 Sen nằm trong bùn tượng trưng cho tâm chúng ta bị che lấp bởi ngũ dục. Khi giác ngộ rồi thì như hoa sen vươn lên toàn vẹn hương sắc.
 Sen trong bùn đã có sẵn mầm của hoa sen toàn vẹn hương sắc. Cả hai đều cùng một tánh sen mà ra. Tựa như tâm chúng sinh đã có sẵn tâm Phật tràn đầy viên mãn vậy.
 Vì kinh Liên Hoa chỉ cho con đường rốt ráo đạt đến quả Phật nên thọ trì kinh Liên Hoa sẽ được công đức không thể nghĩ bàn.
Làm thế nào để thọ trì?
 Tùy căn cơ chúng sinh mà có những cách thọ trì khác nhau.
 + Người hạ căn thì đọc tụng và tìm hiểu nghĩa lý.
+ Người trung căn thì nương theo kinh quay về quán tâm mình.
+ Người thượng căn thì dùng pháp nhãn thấu suốt được kinh. Thấy kinh như thấy tâm mình. Nhưng thọ trì đúng nghĩa nhất là buông kinh mà vẫn thấy kinh. Không nghe giảng pháp mà vẫn nghe được pháp âm. Đó chính là kinh vô tự. Là chân kinh vậy.
 Điều đó chỉ đạt được khi dứt mọi suy luận. Ngưng mọi tìm kiếm. Và nhận ra chân liên hoa của mình luôn luôn hiện tiền.
 Lúc đó tất cả nghĩa lý của kinh sẽ hiển bày rõ ràng mà không cần đến trí buện giải suy luận. Tri kiến Phật không ở đâu khác hơn là ngay chính tâm mình. bằng sự thực hành chân thiền,với một đại nguyện và một tâm nhất quán, buông xả, không còn khái niệm giữa trong và ngoài, phải và trái, nhân và ngã, đến chỗ không còn niệm khởi, không còn thấy trước và sau, tinh tấn hành trì, một lúc nào đó sẽ thấy chân liên hoa hiển hiện. Một khi đã thấy được chân liên hoa rồi thì diệu pháp hiển bày khắp mọi nơi. Ở trong mọi loài chúng sinh hữu tình cũng như vô tình, trong tất cả mọi thời đều thấy mình thể nhập hòa điệu sâu xa với kinh.
 Nếu thọ trì mà không thấy chân liên hoa thì không được lợi lạc gì. Cũng như người cầm một bát nước, tuy muốn uống nhưng tối ngày chỉ muốn giữ cho nước đầy không muốn cho vơi bớt đi. Rốt cuộc người đó chết vì khát.
Nếu đã thấy được chân liên hoa và thọ trì kinh này thì cũng như người cầm bát nước đổ vào sông hồ khắp mọi nơi. Nước này hòa lẫn với nước sông hồ. Đem lại lợi lạc vô tận cho chúng sinh muôn loài. Người ấy hốt nhiên đã nhập vào niết bàn đại hải của chư Phật. Thể nhập pháp thân với đầy đủ giới định tuệ. Phá tan hang sâu đen tối của thức Alaida. Chuyển thức thành trí sáng ngời.
 Nếu không biết cách thiền định hay các pháp môn khác. Có thể dùng Liên Hoa Định làm phương tiện để ngộ nhập được chân liên hoa.
 Liên Hoa Định là trạng thái đạt tới khi nhất tâm phát khởi hành trì không ngưng nghỉ câu niệm “Nam mô Diệu pháp liên hoa kinh”. Trong mọi lúc đi, đứng, nằm, ngồi, khi ngủ cũng như thức, khi vui cũng như buồn, đều không ngừng niệm câu này trong tâm. Với sự chí thành tha thiết muốn thấy được chân liên hoa.
 Trong mỗi hơi thở ra, hơi thở vào đều niệm không ngưng nghỉ.
 Nếu tiếp tục bền bĩ hành trì như vậy, chẳng mấy chốc tâm sẽ đạt được một trạng thái hoàn toàn sáng suốt, bất động, như thể kim cương kiên cố, trong suốt, không gợn một chút tì vết nào của vọng tưởng và cảm xúc. Đó là trạng thái của chân thiền định, trạng thái của chân liên hoa, của tri kiến Phật hiện tiền, rõ ràng không nghi ngờ. Đó cũng là trạng thái tây phương Tịnh độ của người phát nguyện sinh về tịnh độ, với câu niệm A Di Đà Phật.
 Thọ trì kinh Liên Hoa theo đúng nghĩa ngộ nhập Phật tri kiến quả là khó. Cho nên trong kinh nói : Người nào chỉ cần thọ trì một lúc thôi cũng đủ để được chư Phật ngợi khen. Tuy nhiên không nên nản chí mà nghĩ rằng mình không đủ khả năng để làm được điều đó.
 Vi diệu pháp có sẵn nơi tâm.
 Không có gì gần gũi với ta bằng tâm của chính mình.
 Không cần tìm kiếm đâu xa mà chỉ cần xoay chiếu lại tự tâm là thấy được đạo.
 Chư Phật và chư Tổ trong mười phương từ xưa đến nay không ai là không thấy được bản tâm, bản tánh của mình.
 Có những quan niệm cho rằng trong thời mạt pháp này, con người quá suy đồi nên không thể tự lực giác ngộ mà phải cầu tha lực của chư Phật ở ngoài để cứu độ. (Đại sư bác bỏ điều này). Thật ra khả năng giác ngộ bao giờ cũng sẳn có nơi mỗi người. Không tăng không giảm.  Diệu pháp không vì thời mạt pháp mà suy đồi theo. Chỉ vì tâm con người bị vô minh che lấp mà không biết chính mình.
 Nếu cho rằng mình thấp kém không thể có khả năng giác ngộ thì có khác gì anh chàng cùng tử nói trong kinh Liên Hoa. (Đại sư kể chuyện anh chàng cùng tử trong kinh Liên Hoa). Một hành giả chân chính của Diệu pháp liên hoa không cầu nơi Phật Tổ, không tìm kiếm niết bàn hay tịnh độ, cũng không cho Diệu pháp là ở ngoài hay ở trong… mà lúc nào cũng cũng có tâm niệm làm sao ngộ cho được tri kiến Phật. Không kể ngày đêm, không kể thức hay ngủ, đứng hay nằm. Hành trì như vậy trong một tâm nhất quán, buông xả, tinh tấn, bền bĩ… Chẳng mấy chốc sẽ cảm nhận được Diệu Pháp Liên Hoa ngay hiện tiền, sáng suốt, bao la và nhiệm mầu.

(Thơ viết cho một ni sư cao tuổi của phái Nhật Liên)

26/05/2016

Bệnh Cao huyết áp là gì ?

Tập hợp từ nhiều nguồn trên Net.

Cao huyết áp (hay còn được gọi là tăng huyết áp hay là lên tăng-xông, từ chữ Hypertension trong tiếng Pháp) là một bệnh mạn tính trong đó áp lực máu đo được ở động mạch tăng cao. Huyết áp thường được đo bằng hai chỉ số là: huyết áp tâm thu (systolic) và huyết áp tâm trương (diastolic), dựa trên 2 giai đoạn co bóp và giãn nghỉ của cơ tim, tương ứng với áp lực cao nhất và áp lực thấp nhất của dòng máu trong động mạch. Có nhiều quy chuẩn khác nhau về khoảng bình thường của huyết áp. Huyết áp lúc nghỉ thông thường nằm trong khoảng 100-140mmHg huyết áp tâm thu và 60-90mmHg huyết áp tâm trương. Bệnh nhân bị cao huyết áp khi đo huyết áp của bệnh nhân thường xuyên thấy cao hơn hoặc bằng 140/90 mmHg.
Tăng huyết áp được phân loại thành tăng huyết áp nguyên phát và thứ phát. "Tăng huyết áp nguyên phát" chiếm 90–95% số ca tăng huyết áp, dùng để chỉ các trường hợp không xác định được bệnh nguyên gây tăng huyết áp rõ ràng (vô căn). Khoảng 5–10% số ca còn lại (tăng huyết áp thứ phát) có nguyên nhân là một số bệnh tác động lên thận, động mạch, tim, và hệ nội tiết.
Tăng huyết áp gây nhiều áp lực cho tim, có khả năng dẫn đến bệnh tim do tăng huyết áp, bệnh mạch vành. Tăng huyết áp cũng là một yếu tố nguy cơ chính trong: tai biến mạch máu não, suy tim, phình động mạch, bệnh thận mạn, và bệnh động mạch ngoại biên. Ăn kiêng và thay đổi lối sống có thể cải thiện tình trạng huyết áp và giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng, mặc dù vậy vẫn có thể cần điều trị kèm bằng thuốc ở những ca mà các biện pháp thay đổi lối sống không có tác dụng hoặc không giảm được đến huyết áp mục tiêu.
 Cao huyết áp là bệnh lý ngày càng phổ biến, nhất là khi tuổi càng tăng, vấn đề tăng huyết áp càng phổ biến. Do đó những kiến thức cơ bản về cao huyết áp sẽ rất quan trọng để bạn có thể tự giúp mình, giúp người khác.

1. Thế nào là huyết áp bình thường? Các con số có ý nghĩa gì?

Huyết áp ở mức 90/60 đến dưới 130/80 mmHg là bình thường.
Có 2 chỉ số huyết áp.
Áp lực cao hơn là áp lực trong động mạch khi tim đập, bơm máu vào các động mạch. Áp lực này được gọi là huyết áp tâm thu.
Áp lực thấp hơn là áp lực trong động mạch khi tim đang thả lỏng giữa các nhịp đập. Áp lực này được gọi là huyết áp tâm trương.
Phân loại:
Huyết áp thường được phân loại dựa trên huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Huyết áp tâm thu là áp lực máu trong lòng mạch trong khi tim đập. Huyết áp tâm trương là áp lực máu trong khoảng thời gian giữa hai lần đập của tim. Khi huyết áp tâm thu hay tâm trương cao hơn giá trị bình thường theo tuổi thì được phân loại là tiền tăng huyết áp hoặc tăng huyết áp.
Phân loại
Huyết áp tâm thu
Huyết áp tâm trương
mmHg
kPa
Bình thường
90–119
12–15.9
60–79
8.0–10.5
Tiền tăng huyết áp
120–139
16.0–18.5
80–89
10.7–11.9
Giai đoạn 1
140–159
18.7–21.2
90–99
12.0–13.2
Giai đoạn 2
≥160
≥21.3
≥100
≥13.3
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc
≥140
≥18.7
<90
<12.0
 Tăng huyết áp[ được chia thành các phân loại như tăng huyết áp giai đoạn I, tăng huyết áp giai đoạn II, và tăng huyết áp tâm thu đơn độc. Tăng huyết áp tâm thu đơn độc là khi huyết áp tâm thu tăng đi kèm với huyết áp tâm trương bình thường ở người lớn. Cơ sở phân loại tăng huyết áp được thực hiện dựa vào con số huyết áp trung bình lúc nghỉ của bệnh nhân được lấy sau hai hay nhiều lần đến viếng thăm bất kỳ. Các cá nhân có tuổi lớn hơn 50 được phân loại là có tăng huyết áp nếu huyết áp tâm thu của họ luôn luôn ở mức thấp nhất là 140 mm Hg hay là 90 mm Hg đối với huyết áp tâm trương. Những bệnh nhân có huyết áp cao hơn 130/80 mm Hg và các bệnh đái tháo đường hay bệnh thận cần phải được chữa trị.
Tăng huyết áp còn được phân loại kháng trị nếu các thuốc do không thể có tác dụng giúp cho huyết áp trở về bình thường.
Tăng huyết áp do vận động là sự tăng huyết áp quá mức trong quá trình cơ thể vận động như trong quá trình di chuyển nhiều, tập thể dục...
Tăng huyết áp do vận động có thể là dấu hiệu của bệnh tăng huyết áp.
Trong quá trình vận động,áp lực tâm thu được xem là bình thường nếu ở trong mức 200-230 mmHg.
 2. Cao huyết áp là gì?
Huyết áp tâm thu >140mmHg, huyết áp tâm trương >90 mmHg được coi là cao huyết áp.
Tiền tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu >130 mmHg, huyết áp tâm trương >80 mmHg
Đo huyết áp cần thực hiện trong phòng yên tĩnh, vào lúc có trạng thái tinh thần thoải mái, sau vận động thì cần nghỉ 10 phút. Tư thế đo huyết áp thông thường là tư thế nằm và ngồi, để băng quấn cánh tay ngang mức với tim.

3. Huyết áp thay đổi như thế nào?

Huyết áp sẽ tăng và giảm theo các hoạt động bình thường hàng ngày khác nhau. Ví dụ, tập thể dục, thay đổi tư thế và thậm chí nói chuyện cũng thay đổi huyết áp.
Huyết áp có khuynh hướng cao hơn vào ban ngày so với ban đêm và mùa đông cao hơn vào mùa hè.
Huyết áp cũng tăng lên khi chúng ta già đi. Trước khi đến tuổi trưởng thành, huyết áp tăng song song với chiều cao.
Trong những năm trưởng thành, cân nặng và huyết áp có liên quan chặt chẽ. Khi trọng lượng cơ thể tăng lên, huyết áp có xu hướng đi lên.

4. Các biểu hiện của cơn tăng huyết áp?

Bệnh nhân có biểu hiện hồi hộp, lo lắng, tức ngực, khó thở, chảy máu cam, nhức đầu… là triệu chứng thường gặp nhưng không có tổn thương thần kinh và không tổn thương các tạng.
Khi cho bệnh nhân nghỉ ngơi, nếu huyết áp tối đa tăng ≥ 50mmHg hoặc huyết áp tối thiểu tăng ≥ 40mmHg so với chỉ số bình thường được gọi là cơn tăng huyết áp.

5. Xử trí như thế nào nếu có cơn tăng huyết áp?

Đầu tiên bạn cần nghỉ ngơi,thư giãn, không lo lắng hoảng hốt, giữ tư thế nửa nằm nửa ngồi.
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ về điều trị cơn tăng huyết áp hoặc gọi đến đường dây nóng 115 để được hướng dẫn và hỗ trợ cần thiết.

6. Tăng huyết áp có thể gây ra vấn đề gì?

Huyết áp cao quá mức kiểm soát trong nhiều năm gây thiệt hại cho các mạch máu của tim, não dẫn đến các cơn đau tim và đột quỵ. Nó cũng khiến tim làm việc vất vả hơn, dẫn đến suy tim; nó cũng thường làm tổ thương thận và có thể dẫn đến suy thận.

7. Làm sao để giảm nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp?

Áp dụng một lối sống lành mạnh và một chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý là rất quan trọng. Đó là chìa khóa để giảm nguy có mắc cao huyết áp, tiểu đường cũng như nhiều bệnh khác.

8. Làm thế nào phát hiện bệnh huyết áp cao?

Thường thì cao huyết áp được phát hiện nhờ việc kiểm tra huyết áp. Các triệu chứng thường không rõ ràng, nhiều khi không biểu hiện triệu chứng.

9. Nguyên nhân gây huyết áp cao

Đối với đại đa số những người bị huyết áp cao thì không rõ nguyên nhân từ đâu, nhưng nhiều nghiên cứu tìm thấy mối liên hệ với chế độ ăn uống, sinh hoạt và yếu tố môi trường…
Còn có một phần nhỏ có tăng huyết áp là biểu hiện của bệnh lý khác như bệnh thận, nội tiết, hay bệnh lý tim mạch khác.

10. Huyết áp cao có thể được chữa khỏi?

Không hẳn là “chữa khỏi”, phương pháp tiếp cận hiện đại có thể duy trì huyết áp ổn định và an toàn trong hầu hết các trường hợp khi bạn uống thuốc liên tục. Nếu ngừng dùng thuốc, huyết áp nhanh chóng tăng trở lại.
Từ góc nhìn của y học cổ truyền, có nhiều toa thuốc được cho rằng có thể trị được cao huyêt áp triệt để. Tuy nhiên điều này chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống và đầy đủ.
Một số phương pháp khác cũng có thể hỗ trợ điều trị huyết áp, như thiền định yoga, hay khí công