10/10/2016

Những ghi nhớ này hữu ích với tất cả mọi người trong những trường hợp khẩn cấp.

Hãy nhớ rằng giới hạn của cơ thể bạn được xác định bởi quy tắc số 3

Như nhiều nghiên cứu đã khẳng định, trung bình mỗi người có thể sống trong 3 phút mà không có không khí, 3 giờ mà không có nơi trú ẩn trong điều kiện thời tiết cực kỳ khắc nghiệt, 3 ngày mà không có nước và 3 tuần không có thức ăn.

Trong trường hợp dầu ăn bắt lửa trên bếp ga, hãy nhanh chóng tắt ga và đặt thứ gì đó trùm lên chảo để dập lửa.

Các lính cứu hỏa đã cảnh báo rằng, đừng bao giờ dùng nước để dập tắt lửa do dầu hoặc chất béo. Các hạt nước sẽ ngay lập tức lắng xuống đáy chảo và bắt đầu bốc hơi, làm cho ngọn lửa càng bùng cháy dữ dội. Cách làm đúng nhất là trùm chiếc chảo đang cháy bằng thứ gì đó có thể cắt đứt nguồn cung cấp nhiệt và oxy.

Đừng di chuyển một con dao hoặc một vật sắc ra khỏi vết thương

Các chuyên gia y tế nói rằng, trong mọi trường hợp, đừng bao giờ rút con dao hay các vật sắc ra khỏi vết thương. Khi con dao vẫn ở đó, nó ngăn máu chảy – hậu quả nghiêm trọng nhất của bất kỳ vết đâm nào. Việc bạn nên làm là cố gắng giảm thiểu việc chảy máu cho tới khi nhân viên y tế tới.

Hãy đặc biệt cẩn thận trong 3 phút đầu tiên sau khi cất cánh và 8 phút cuối cùng trước khi hạ cánh

Theo các nhà nghiên cứu, 80% vụ tai nạn máy bay là xảy ra trong 2 khoảng thời gian này. Cách tốt nhất là đề cao cảnh giác và tập trung vào việc ghi nhớ những hành động cần phải làm trong trường hợp khẩn cấp.

Nếu bạn gặp một vụ cháy, hãy cúi xuống gần sàn nhà nhất có thể

 Các chuyên gia lưu ý rằng mối đe dọa lớn nhất trong một vụ cháy là khí carbon monoxide, chứ không phải là bị bỏng. Để tránh hít phải khí độc, hãy ở gần sàn nhà nhất có thể, cho tới khi bạn ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Nếu đột nhiên bạn cảm thấy không khỏe ở nơi công cộng, hãy chỉ nhờ sự giúp đỡ của một người

Bạn chỉ nên nhờ sự giúp đỡ của một người vì hiện tượng tâm lý “khuếch tán trách nhiệm”. Nói một cách đơn giản, bạn có cơ hội nhận được sự giúp đỡ từ một người cụ thể nhiều hơn là từ một đám đông.

Luôn mang theo một chiếc đèn pin cực sáng

Các chuyên gia về an toàn cá nhân giới thiệu dụng cụ này như một thứ vũ khí hiệu quả trong trường hợp bị quấy nhiễu hoặc bị phục kích bất ngờ. Nếu bạn nhận thấy một người có vẻ đáng nghi đang chuẩn bị tấn công bạn, hãy chiếu ánh sáng trực tiếp vào mặt kẻ đó. Hắn sẽ bị mất phương hướng tạm thời và bạn chạy thoát.

Luôn mang theo các thông tin cá nhân có thể xác minh danh tính của bạn và cung cấp những thông tin y tế cần thiết

Hãy đảm bảo là luôn mang theo chứng minh thư. Những thông tin mang theo nên gồm cả thông tin y tế như nhóm máu, phản ứng dị ứng… Bằng cách này, nếu có chuyện đột ngột xảy ra, thì một người lạ cũng có thể giúp đỡ bạn một cách nhanh chóng. Đừng quên danh sách liên lạc cá nhân như số điện thoại của những người cần được thông báo khi bạn gặp nguy hiểm.



05/10/2016

Quan khôn hay Dân ngu ?????

Lượm từ Net.
Một ngày nọ, vị huyện trưởng vừa nhậm chức đến ăn sáng ở một quán ăn nhỏ, khi vừa mới ngồi xuống bàn thì nghe thấy ông lão bán bánh quẩy vừa bận rộn chiên bánh vừa càm ràm: “Mọi người tranh thủ ăn uống đi, quản lý thành phố sắp đến dẹp quán rồi, ít nhất ba ngày không ăn bánh quẩy của chúng tôi được đâu!”
Huyện trưởng bất ngờ, gần đây lãnh đạo Sở vệ sinh tỉnh muốn đến thanh tra, chiều hôm qua huyện mới quyết định 3 ngày sau sẽ triển khai sửa sang đột xuất, làm thế nào mà mới sáng sớm ông lão này đã biết rồi vậy?
Nào ngờ chuyện này còn chưa rõ ràng thì chuyện khác lại khiến huyện trưởng càng thêm đau đầu. Một hôm, huyện trưởng đến quán bánh quẩy của ông lão như thường lệ. Không ngờ ông lão lại báo tin: “Mấy ông ở trên sắp đến thanh tra rồi! Ai có chuyện bất công gì thì đến nhà khách huyện đợi đi!”
Huyện trưởng lại kinh ngạc, lại đau đầu. Tổ công tác của Văn phòng tỉnh sẽ đến thanh tra vào thứ Tư, tin tức này tối hôm qua mới được thông báo trên ủy ban, ông lão này sao lại biết được nhanh như vậy chứ? Điều khiến ông kinh ngạc hơn nữa chính là ông lão này chẳng những biết rõ hành trình của các quan lớn, mà còn biết hết cả hành động bí mật kiểm tra đột xuất các khu vực giải trí.
Một ông lão không biết chữ mà lại biết rõ nhiều tin tức nội bộ của chính phủ như vậy thì không còn nghi ngờ gì nữa, nhất định là một nhân viên chính phủ nào đó không biết giữ mồm giữ miệng. Vì thế, huyện trưởng lập tức mở cuộc họp để phê bình các cục trưởng, chủ nhiệm. Ai nấy đều cúi đầu, không dám nói tiếng nào trước lãnh đạo.
Dù vậy, cục trưởng công an bạo gan hỏi: “Thưa huyện trưởng, việc ông lão này là do chính mắt ông nhìn thấy hay chỉ nghe nói thôi?”
Huyện trưởng tức giận vỗ bàn: “Đều do chính tai tôi nghe thấy đấy! Tôi hỏi anh, có phải những người ở tỉnh xuống tối nay sẽ thanh tra các nơi vui chơi không?”
Cục trưởng công an bối rối ra mặt rồi im lặng. Huyện trưởng tức giận ra lệnh: “Anh đích thân điều tra ông lão đó, ngày mai báo lại với tôi!”. Cục trưởng công an lập tức thay thường phục rồi đi bí mật điều tra ông lão bán bánh quẩy. Không ngờ rằng, ông lão lại đang thông báo tin tức với mọi người:
“Trưởng thị trấn gần đây bị xui rồi. Mọi người cứ đợi mà xem, chuyện không nhỏ đâu…”.
Cục trưởng công an vừa nghe xong thì rất ngạc nhiên. Và ông cười ngượng, giả vờ hỏi: “Sao ông biết được? Chẳng lẽ con trai ông là thư ký ban kiểm tra?”
Ông lão cười haha: “Làm thế nào tôi biết được ấy à? Trưởng thị trấn trước đây đều bảo tài xế đến mua bánh quẩy của tôi, hai hôm nay thì lại thay đổi, tự đến đây ăn, nét mặt thì cứ buồn rầu. Lúc cha ông ấy mất cũng không thấy ông ấy buồn rầu đến thế, ngoài mất chức ra thì còn có thể là gì được?”
Cục trưởng công an nghe xong thấy kinh ngạc, ông lão này quả thật là bản lĩnh. Và ông hỏi tiếp: “Làm sao ông biết được việc hôm qua đồn ông an thanh tra khu giải trí?”
Ông lão bán bánh quẩy lại cười: “Ông không thấy khu vui chơi mới sáng đã treo bảng tạm nghỉ sửa chữa à? Người ta có mắt, tin tức nhanh chóng lắm!”
“Vậy làm sao ông biết được Sở vệ sinh xuống kiểm tra?”
“Ngoài những lúc bên trên xuống kiểm tra thì có khi nào ông nhìn thấy xe tưới nước rửa đường đi ngang qua không?”
Cuối cùng, cục trưởng công an hỏi ông lão vấn đề mà ông khó hiểu nhất:
“Lần trước tổ công tác ở Văn phòng tỉnh đến chỉ đạo công việc, làm sao ông biết tin nhanh vậy?”
Ông lão cười: “Thì càng đơn giản. Hàng xóm nhà tôi có một vụ án, tòa án treo suốt 8 năm không thèm làm. Hôm đó đột nhiên nhân viên tòa án lại đến hỏi thăm, vừa cười vừa hỏi này hỏi nọ, lại còn không ngừng hứa hẹn vụ án sẽ được giải quyết ngay. Chẳng phải là rõ rành rành là sợ họ khiếu nại đó sao!”
Cục trưởng công an phục sát đất, lập tức vội vàng chạy về báo cáo tình hình cho huyện trưởng. Huyện trưởng nghe xong thì nổi giận, lập tức triệu tập cuộc họp lần nữa, dạy dỗ suốt bốn giờ đồng hồ:
“Các anh xem, một người bán bánh quẩy lại có thể biết rõ những việc chúng ta làm từ những hiện tượng rất đơn giản thôi, điều này có nghĩa là gì?
Có nghĩa là trong chúng ta tồn tại quá nhiều chủ nghĩa hình thức. Thói xấu này mà không thay đổi thì sao có thể nâng cao hình tượng của nhà nước đây? Từ hôm nay trở đi, bộ phận nào tiếp tục để lộ cơ mật vì lý do này, để cho ông lão đó ‘nhìn thấy trước’ thì tôi sẽ không khách sáo nữa đâu!”
Một buổi sáng nọ, huyện trưởng lại đến chỗ ông lão bán bánh quẩy định kiểm tra hiệu quả của cuộc họp. Không ngờ ông lão lại thông báo tin mới: “Hôm nay trên kia có quan lớn xuống đấy, không chỉ xuống một người thôi đâu!”
Huyện trưởng kinh ngạc, quả là không thể xem thường được. Buổi trưa, thị trưởng sẽ đến kiểm tra công việc cùng với quản lý tỉnh, chuyện này chính ông cũng chỉ vừa nhận được thông báo vào tối hôm qua, ông lão này sao lại biết trước được thế này?
Huyện trưởng cố nén giận hỏi ông lão: “Ông nói có quan lớn đến, vậy rốt cuộc là lớn đến mức nào vậy?”
Ông lão trả lời mà chẳng buồn ngẩng đầu lên: “Thì lớn hơn huyện trưởng!”
Huyện trưởng lại hỏi: “Ông nói không chỉ có một người đến, vậy thì có thể cho biết là con số cụ thể không, rốt cuộc có mấy người đến?”.
Ông lão ngẩng đầu nghĩ, rồi trả lời chắc chắn: “4 người”.
Huyện trưởng trợn mắt há miệng, quả thật là cấp trên sẽ có 4 người đến! Tim ông đập thình thịch nhưng lại hỏi: “Thầy… thầy… làm thế nào thầy biết được những việc này? Hơn nữa lại còn biết chính xác như vậy?”
Ông lão bán bánh quẩy lại cười: “Chẳng phải rất dễ sao? Lúc sáng khi tôi ra quán thì thấy cảnh vệ ở nhà khách huyện đều đeo gang tay trắng, ai nấy đều như thể sắp ra trận, chắn chắn là có cấp trên đến rồi. Sau lại thấy trong bãi đỗ xe, xe của thư ký, huyện trưởng đều đỗ vào trong góc, chắc chắn sẽ có cấp trên cao hơn họ đến. Nếu nhìn kỹ thì xe của thư ký và huyện trưởng đỗ ở vị trí số 5 và 6, cho nên cấp trên sẽ có 4 người. Ông có tin không? Người làm quan không giống dân thường chúng tôi, đi vệ sinh cũng phải xem cấp bậc, trình tự trước sau!”

Huyện trưởng nghe xong há hốc miệng đang ngậm đầy bánh quẩy, ngồi bất động tại chỗ.

04/10/2016

Mẹo hay với GOOGLE.

Các bạn đọc lưu ý, một số tính năng và thủ thuật bên dưới được phát triển đặc thù cho trang Google của mỗi thị trường khác nhau. Vì thế, có thể bạn chưa sử dụng một số ứng dụng trên trang Google Việt Nam.

Dùng Google mỗi ngày mà không biết những mẹo này thì... phí nửa cuộc đời - Ảnh 1.

03/10/2016

Sai lầm thường gặp của Phật Tử

Quan niệm Phật như vị thần linh chỉ coi việc ban phước, giáng họa. Vì vậy, người ta không ngại gặp Phật thì cúng, gặp thần thì lạy, gặp ma quỉ thì cầu xin. Bởi trên cương vị ban phước giáng họa, họ không phân biệt đâu trọng đâu khinh............miễn vị nào đem lại được những điều cầu nguyện của họ là linh thiêng, bằng không thì hết linh ứng.

A. THÁI ĐỘ SAI LẦM CỦA PHẬT TỬ BÌNH DÂN

Người bình dân vì thiếu phương tiện học hỏi chính pháp nên không phân biệt được Phật giáo và Thần giáo. Hơn nữa, Phật giáo là nền giáo lý cao sâu, nếu không phải người giàu suy tư nhiều chiêm nghiệm thì không sao thấu đạt nổi. Người bình dân thời giờ hiếm hoi, tâm hồn bình dị, làm sao hiểu thấu được những lẽ siêu thoát của Phật dạy. Do đó, họ có những tin hiểu sai lầm như sau:

1.- THIÊN HÌNH THỨC NGHI LỄ

Người bình dân đến với Phật giáo chú trọng nhiều về hình thức nghi lễ. Qui y là để khi nào bệnh nhờ thầy cầu an, khi chết nhờ thầy cầu siêu. Cho nên trong gia đình có đứa bé ấm đầu là chạy thỉnh thầy Trụ trì về nhà cầu an. Nếu trong thân quyến có tang, đến ngày tuần thất thì thỉnh thầy về nhà tụng kinh suốt đêm. Vào chùa, bất cứ bàn thờ Phật hay bàn thờ vong đều hì hục lễ bái và lâm râm khấn nguyện. Cứ tin rằng lạy càng nhiều thì phước càng lớn. 

Đi chùa những ngày sóc, ngày vọng để cúng kính lễ bái, ngoài ra không cần biết gì nữa. Họ quan niệm tu hành rất giản dị, ai thường cúng kính là người đó tu nhiều. Ông thầy Trụ trì nào thường tổ chức cầu an, cầu siêu, cúng cô hồn, cúng sao... là ông thầy ấy tu hành tinh tấn.

Người Phật tử nào bỏ tiền nhiều, xin lễ này, tổ chức lễ nọ cho là người Phật tử thuần thành chân chánh. Xuất tiền in kinh ấn tống thì chọn ròng rặt các nghi thức cầu an, cầu siêu, kinh Tam Bảo, Địa Tạng v.v... Nếu ai giới thiệu ấn tống quyển “Lịch sử Phật giáo” cần thiết hoặc “Những bài giảng” có giá trị thì họ lắc đầu từ chối, bảo rằng: “Ấn tống sách đó thì ít phước!” Bởi nhận định này nên Phật giáo càng ngày càng đi sâu vào hình thức nghi lễ.

2.- TIN PHẬT NHƯ VỊ THẦN LINH

Người bình dân đến với đức Phật để cầu ban phước, che chở, ủng hộ hơn là tìm giác ngộ. Người ta nghĩ rằng: có tai nạn cầu Phật, Phật sẽ cứu độ cho.

Vì vậy ngày bình không cần đến chùa, chờ khi cần cầu xin một việc gì mới mang hương đăng đến chùa cầu nguyện. Thật là:

Hữu tật thì bái tứ phương,
Vô tật đồng hương chẳng mất.

hoặc:

Nghiêng vai ngửa vái Phật trời,
Đương cơn hoạn nạn, độ người trầm luân.

Quan niệm Phật như vị thần linh chỉ coi việc ban phước, giáng họa. Vì vậy, người ta không ngại gặp Phật thì cúng, gặp thần thì lạy, gặp ma quỉ thì cầu xin. Bởi trên cương vị ban phước giáng họa, họ không phân biệt đâu trọng đâu khinh, miễn vị nào đem lại được những điều cầu nguyện của họ là linh thiêng, bằng không thì hết linh ứng. Hết linh ứng thì họ bỏ không theo nữa, dù Phật cũng thế.

Do đó, trong dân gian những cốt Cô, cốt Cậu đều được Phật tử tín ngưỡng qui y. Vì những Cô, Cậu ấy đã báo cho họ biết những tai nạn sắp đến và đã cho bùa chú để họ dán trong nhà khiến con cháu mạnh giỏi, làm ăn phát đạt. Niềm tin Phật như vậy, họ rất dễ tin mà cũng rất dễ bỏ, nếu một sở nguyện được thành, hoặc không toại nguyện.

3.- TIN PHẬT QUA NHỮNG HÌNH THỨC TÀ GIÁO

Có những người đến với Phật, không do hiểu Phật pháp mà nhờ ông Đồng, bà Cốt mách phải qui y Phật sẽ khỏi tai nạn chẳng hạn, họ liền đến chùa xin qui y. Hoặc có người do xin xăm hay bói quẻ, trong xăm quẻ dạy theo Phật hay thờ Phật thì mọi sự an lành..., họ liền phát nguyện qui y Phật.

Hoặc vị Trụ trì có học bùa chú trừ ma ếm quỉ, người có con bệnh đến nhờ thầy trị chữa, nếu con lành bệnh liền xin qui y Phật...

B. THÁI ĐỘ SAI LẦM CỦA GIỚI TRÍ THỨC NGHIÊN CỨU PHẬT

Đa số người trí thức gần đây chịu khó nghiên cứu Phật giáo, tìm thấy những triết lý cao siêu trong Tam Tạng giáo điển, họ tỏ vẻ thích thú; nhưng nhìn lại hình thức cúng kính, nghi lễ trong chùa chiền, họ cực lực phản đối, cho đó là sự sai lạc lớn lao đáng trách. Giới trí thức y cứ những điểm như sau để phàn nàn Phật giáo hiện tại.

1.- CĂN CỨ LÝ NHÂN QUẢ

Căn cứ lý nhân quả, mình gây nhân thì mình chịu quả, dù cha con cũng không thay thế nhau được, huống là kẻ khác. Nhân đã gây thì quả phải chịu; nguyện cầu, cúng tế, làm phước... của người khác không liên hệ gì đến người này cả. Như A ăn thì A no, không thể A ăn mà B no được.

Vì thế, những người khuyên cầu nguyện, cúng dường, bố thí... chỉ gây thêm sự mê tín dị đoan, trong Phật giáo không thừa nhận điều đó. Bởi nhận xét trên, nên giới trí thức cực lực phản đối việc cúng dường, cầu nguyện..., cho hành động như thế là sai Phật pháp, là bị nhóm người tu lợi dụng.

2.- CĂN CỨ THUYẾT VÔ NGÃ, VÔ TRƯỚC

Nhìn vào Phật giáo thấy thuyết vô ngã, vô trước thật là hệ trọng. Nếu người tu không phá được ngã chấp thì không sao giải thoát được. Muốn dứt ngã chấp thì tự mình phải lắm công phu trừ diệt. Không ai có thể làm cho ai được giải thoát, nếu người ấy không dứt trừ ngã chấp thật sự. Người không tự cố gắng phá trừ ngã chấp, mà sau khi chết, trong thân quyến thỉnh chư Tăng đến cầu siêu, mong được giải thoát thật là điều vô lý.

Phật giáo nhằm vào tự lực, mỗi người phải tự độ lấy, đừng ỷ lại vào ai cả. Dù đức Phật cũng không thể cứu độ chúng ta được, nếu chúng ta không tu. Như vậy, làm gì có do tụng kinh mà độ được các vong linh. Nếu người chủ trương tụng kinh cầu siêu, độ được các vong linh, đó là tà đạo chớ không phải Phật giáo. Bởi y cứ những điểm giáo lý như trên, giới trí thức nghiên cứu Phật giáo rất bất bình việc thực hành tu tập của tín đồ và chư Tăng hiện tại. Cho rằng tín đồ mù quáng đi sai lạc, chư Tăng lợi dụng để no cơm ấm áo.

C. DUNG HÒA

Hai thái độ trên không khéo trở thành cực đoan. Một bên nặng phần tín ngưỡng, thiên về hình thức cung kính, quên lãng phần tự tu, không chịu học hỏi giáo lý. Một bên thiên về triết lý, chú mục vào triết lý, bỏ sót phần tín ngưỡng. Phật giáo còn tồn tại đến ngày nay là do bao trùm cả triết lý và tín ngưỡng. Nếu bỏ mất một trong hai phần thì Phật giáo không còn là Phật giáo nữa. Cho nên những người chấp một cách cực đoan trong hai thái độ trên đều là sai lầm.

1.- SAI LẦM CỦA NGƯỜI NẶNG PHẦN TÍN NGƯỠNG

Người tu theo đạo Phật phải có sức mạnh tinh thần để cải đổi những tâm niệm, hành vi, ngôn ngữ sai lầm trở thành chân chánh. Chính khi đứng chắp tay tụng kinh hay lễ Phật, chúng ta cũng thấy biểu lộ đầy đủ ý nghĩa này.

Người Phật tử đứng trong điện Phật, hai tay chắp lại theo hình hoa sen búp, gọi là Liên hoa ấn, để ngay giữa ngực, ngay quả tim, nói lên tâm tư thanh tịnh. Mắt nhìn xuống cốt phản tỉnh, tự quán sát nội tâm mình. Thân ngay thẳng trang nghiêm, miệng tụng kinh, niệm Phật, để biểu lộ thân thanh tịnh và khẩu thanh tịnh.

Hình thức nghi lễ ấy không có nghĩa là cầu xin, ỷ lại vào đức Phật, mà chỉ cần yếu giữ gìn ba nghiệp thanh tịnh. Bởi thiếu khung cảnh trang nghiêm, chúng ta muốn kềm thúc thân tâm thanh tịnh rất khó khăn, nên hình thức nghi lễ là phương tiện giúp chúng ta thực hiện được điều ấy. Đừng lầm rằng Phật ban cho ta sự thanh tịnh. Chính Phật đã dạy:

Làm dữ bởi ta mà nhiễm ô cũng bởi ta,

làm lành bởi ta mà thanh tịnh cũng bởi ta.

Tịnh hay bất tịnh đều bởi ta,

chớ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được.

(Kinh Pháp Cú, bài 165, Thượng tọa Trí Đức dịch)

Lại làm lành làm dữ cũng tại ta thì Phật đâu ban phước, giáng họa cho ta được. Cho nên quan niệm Phật như vị thần linh thật là sai lầm. Người Phật tử phải nhằm vào tự lực nhiều hơn. Kinh Pháp Cú chép:

Chính tự mình làm chỗ nương cho mình, chớ người khác làm sao nương được?

Tự mình khéo tu tập mới đạt đến chỗ nương dựa nhiệm mầu.

(Kinh Pháp Cú, bài 160)

Tuy nhiên, người Phật tử vẫn phải cúng dường, lễ bái Phật, nhưng cúng dường Phật là để phát thiện tâm, lễ bái Phật là tỏ lòng khát khao giải thoát giác ngộ. Không nên có quan niệm cúng dường Phật cầu Phật ban ơn, lễ bái Phật cầu Ngài tha tội. Dù cho lễ Phật sám hối cũng không có nghĩa cầu tha tội. Đó chẳng qua nhờ Phật làm đối tượng để phát tâm ăn năn chừa cải và hổ thẹn. Có biết như thế thì sám hối mới hết tội.

Chúng ta hãy trả đức Phật trở về vị trí của Ngài là bậc “Đạo sư”. Chúng ta cũng phải tu tập đúng với tinh thần Phật tử là tự độ, độ tha. Đừng bao giờ xem đức Phật đủ cả quyền năng ban phước, giáng họa. Cũng không nên ỷ lại, gởi gắm cả đời mình vào quyền năng của Ngài. Nếu có tư cách đó là phản bội đức Phật và cũng không phải là người Phật tử.

2.- SAI LẦM CỦA NGƯỜI NGHIÊNG VỀ TRIẾT LÝ

Người trí thức thiên trọng phần triết lý nên thấy sự lễ bái, cúng dường, cầu nguyện... đều không chấp nhận, mà lại phản đối. Cho rằng Phật giáo hoàn toàn tự lực, không bao giờ nương tựa vào cái gì bên ngoài. Nếu Phật giáo chỉ dạy một bề như thế thì những người đầy đủ ý chí, giàu nghị lực mới tu được, còn những người thiếu ý chí, kém nghị lực không thể tu theo đạo Phật sao? Như thế, Phật giáo không có ý nghĩa khế cơ rồi. Vì hạng người đầy đủ ý chí, giàu nghị lực rất hiếm trong xã hội này. Cho nên, cái nhìn cực đoan như vậy đưa Phật giáo đến chỗ khô khan, cô quạnh.

Hơn nữa, nơi mỗi con người chúng ta đều có hai phần, tình cảm và lý trí. Nếu có người chỉ thuần tình cảm, không có lý trí thì họ chìm đắm trong biển thương yêu mê hoặc. Ngược lại có người ròng rặt lý trí, không có tình cảm thì họ khô khan cô độc. Con người ví như cây trồng xuống đất, tình cảm là chất nước, lý trí như ánh nắng.

Thiếu một trong hai thứ ấy, cây nhất định không sanh trưởng được mà phải khô héo lần. Một tôn giáo cũng thế, triết lý và tín ngưỡng không thể thiếu một được. Nếu thiếu một, tôn giáo ấy sẽ chết mòn. Cho nên, chủ trương cực đoan về triết lý của giới trí thức này cũng là tai họa của Phật giáo.

Lại, chúng ta thử xét ý nghĩa cúng dường, cầu nguyện có sai tinh thần Phật giáo hay không? Người Phật tử ai cũng biết lý nhân quả, thuyết vô ngã, vô trước là nền tảng của Phật giáo. Như thế, sự cúng dường được phước đức có phản bội lý nhân quả chăng? Người này cầu nguyện, người kia được siêu độ, có trái vô ngã hay không?

- Thưa không!

Bởi vì lý nhân quả tế nhị lắm, không thể đơn giản rằng “mình làm mình chịu”,có khi không làm lại có chịu, mà vẫn không trái lý nhân quả. Ví như ông A là người chủ sở giàu có, anh B là người làm công nghèo khổ. Một hôm vì một chuyện không đâu, ông A nóng giận đánh anh B.

Lý đáng anh B phải trả thù bằng cách đánh lại. Nhưng sau khi qua cơn nóng giận, ông hối hận hành động vô ý thức của mình. Ông không can đảm đến xin lỗi B, phải nhờ người thân của B xin lỗi hộ, và ông cho B một số tiền khá hậu. Vì thế, cái quả của anh B phải trả lại ông A có thể không còn nữa. 

Lại gia đình kia có hai anh em là Xoài và Mít. Anh Xoài hiền lành dễ thương, nhưng Mít lại hung dữ đáng ghét. Một hôm Xoài đi làm ngoài đồng, Mít ở nhà đánh lộn với người hàng xóm. Đang cơn ẩu đả nhau, rủi Xoài về tới, tuy Xoài không định tâm bênh em, nhưng người kia sợ Xoài bênh nên vội vàng đập Xoài một gậy. Trường hợp này Xoài thật vô tội mà vẫn ăn đòn.

Thế nên, việc đó không phải tự mình gây, rồi tự mình chịu. Có khi người khác gây mà mình chịu, như trường hợp Xoài và Mít. Có khi tự mình gây mà không chịu như trường hợp A và B. Nhưng nói như thế không phải ngoài lý nhân quả.

Vì nhân quả có chánh nhân, trợ nhân, thuận nhân, nghịch nhân... Tuy chánh nhân đã gieo mà gặp nghịch nhân phá hoại thì không thể nào kết quả.

Như ta gieo hạt lúa xuống đất nhất định lên cây lúa, nhưng bị dế cắn khi mới nảy mầm thì làm sao sanh cây lúa? Đó là có chánh nhân đánh người của ông A, mà quả người đánh lại không có.

Hoặc có khi chánh nhân này mà do trợ nhân biến thành cái khác. Như chúng ta trồng cây cam ngọt, đến lớn lên có người lén cắt nhánh chanh tháp vào, khi kết quả không được cam ngọt, mà chỉ có chanh chua. Đây là không gây nhân đánh đập mà bị quả đánh đập của anh Xoài vậy.

3.- DUNG HỢP

Trong cuộc sống tương quan tương duyên này, chúng ta đừng nghĩ tưởng một cách giản dị rằng: “mình làm mình chịu”. Quan niệm ấy rất là thô sơ máy móc. Bởi sự ràng rịt giữa mình và xã hội phức tạp vô cùng. Xã hội đẹp mình cũng được ảnh hưởng đẹp, xã hội xấu mình cũng chịu ảnh hưởng xấu. Tuy nhiên cũng có một vài người thoát khỏi sự ràng rịt của xã hội, nhưng đó là bậc Thánh nhân. Đến như việc tụng kinh cầu nguyện được siêu thoát cũng không có ý nghĩa một bề ỷ lại vào tha lực. 

Con người chúng ta kết hợp bởi hai phần, tinh thần và vật chất. Người tâm hồn tán loạn thì tinh thần yếu đuối, bị vật chất chi phối. Những vị tâm hồn an tịnh thì tinh thần mạnh mẽ phi thường, làm chủ được vật chất. Như trong kinh nói“Chế tâm nhất xứ vô sự bất biện” (Kềm tâm một chỗ việc gì cũng xong) (Kinh Phật Di Giáo).

Một bằng chứng cụ thể, khi chúng ta có việc mừng quá, hay giận quá liền quên đói. Lúc đó tâm chỉ nhớ vào việc mình được để mừng, hoặc tâm chỉ nhớ điều tức giận đều quên đói. Cho nên có nhiều vị Thiền sư khi chú tâm vào định năm bảy ngày mà không cần ăn uống, như Huệ Sinh thiền sư đời Lý. Sử chép:

Khi được Sư phụ truyền tâm pháp cho, Ngài mới đi hành hóa khắp chốn Tòng Lâm, rồi lên ở núi Bồ-đề. Mỗi lần Ngài ngồi nhập định tu pháp ít nhất năm bảy ngày. Người đời bây giờ thường gọi Ngài là ông “Phật xác thịt”. Vua Lý Thái Tôn nghe tiếng Ngài, sai Sứ đến vời.

Ngài bảo Sứ rằng: Ông không thấy con sanh trong lễ tế ư? Khi chưa tế thì người ta cho nó ăn cỏ thơm, mặc áo gấm, đến khi dắt vào Thái miếu thì nó chỉ muốn cầu chút sống sót, còn nói đến việc gì? Nói rồi Ngài từ chối, không chịu đi.

(Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, trang 124 của Thượng tọa Mật Thể)

Gần đây như ngài Hư Vân hòa thượng ở Trung Hoa, có lần nhập định đến nỗi cháo lên meo xanh. Đó là những bằng chứng tinh thần mạnh điều khiển được vật chất. Chẳng những điều khiển được bản thân mình mà còn sai khiến kẻ khác theo ý muốn của mình. Như các nhà thôi miên chỉ dùng sức tập trung tư tưởng, khi đã thành công lại có thể dùng sức mạnh tinh thần sai khiến người khác làm theo ý muốn của mình.

Như vậy mới biết tinh thần có sức mạnh vô biên mà chúng ta không biết gom góp nó lại và tận dụng khả năng của nó. Những người chỉ nhìn cận thị trên hình thức vật chất làm gì hiểu nổi điều này.

Nói đến người chết, nhà Phật cho biết, sau khi tinh thần rời bỏ thân tứ đại này, người chết được kết hợp bởi thân tứ đại tinh anh, mắt phàm không thấy được. Thân đó nhẹ nhàng, đi lại nhanh nhẹn và dễ cảm thông. Việc tụng kinh cầu nguyện không phải các vị Sư đủ sức cứu vớt những kẻ ấy, mà dùng sức mạnh tinh thần chuyên chú để soi thấu tâm tư của họ bằng những tia lửa thanh tịnh an lành, khiến họ thức tỉnh chuyển tâm hồn đen tối thành sáng suốt, ác độc thành lương thiện.

Thế là cứu độ họ thoát khỏi khổ đau. Nói cứu độ, kỳ thật tự họ chuyển lấy, người tu chỉ làm trợ duyên giúp bên ngoài thôi. Như thế, đâu có trái với nghĩa tự giác, tự ngộ của Phật giáo. Đọc kinh Vu Lan Bồn, chúng ta thấy rõ ý nghĩa này.

Cho nên sự cúng dường, cầu nguyện của Phật giáo không phải hoàn toàn ỷ lại như vài tôn giáo khác. Cúng dường, cầu nguyện là nhằm vào chỗ phát tâm thiện của ta và làm duyên xoay chuyển tâm niệm của người. Nếu chúng ta cúng dường, cầu nguyện bằng cách hình thức máy móc thì không lợi ích gì cho ta và cho người cả. Sự cúng dường, cầu nguyện với thành tâm, thiện ý thì kết quả tốt đẹp vô cùng. Kinh Phật dạy:

Kẻ nào cúng dường những người đáng cúng dường, hoặc chư Phật hay đệ tử, những vị thoát ly hư vọng, vượt khỏi hối hận lo âu, công đức của người đã cúng dường các bậc tịch tịnh vô úy ấy, không thể kể lường.

(Kinh Pháp Cú, bài 195-196)

Do đó, chúng ta không thể kết luận rằng cúng dường, cầu nguyện đều do chư Tăng bịa ra để lợi dụng lòng mê tín của tín đồ. Nếu chịu khó kê cứu tất cả kinh điển của Phật giáo, chúng ta sẽ thấy rất nhiều bài kinh dạy như trên. Tuy nhiên, hiện tại vẫn có một ít người lợi dụng lời Phật dạy, khuyến khích tín đồ chuyên lo cúng dường, cầu nguyện để họ lấy đó làm nghề sanh nhai. Đó là hạng người bán Phật, không đáng lưu tâm.

Tóm lại, muốn dung hòa cho thích hợp tinh thần Phật giáo, hai thái độ cực đoan trên phải hòa hợp lại. Đừng nhìn một bên mà thành thiển cận. Phải dung hợp, thấu đáo mọi khía cạnh thì sự tu tập mới thu hoạch được kết quả viên mãn, đúng với tinh thần trung đạo của Phật giáo. Còn mắc kẹt một bên, dù học Phật, tụng kinh Phật vẫn thuộc về tà đạo. Phải cởi mở sáng suốt để thực hiện kỳ được tinh thần Viên dung, Trung đạo của Phật giáo. Được vậy mới xứng đáng là một Phật tử chân chánh.

HT. Thích Thanh Từ

 

01/10/2016

Bấm huyệt giữ khuôn mặt tươi trẻ


Làm thế nào để chống lão hóa? Trên khuôn mặt có một số huyệt bất lão, nhưng rất tiếc nhiều người lại không biết.
Trên mặt có 3 huyệt vị có tác dụng bảo trì tuổi thanh xuân, chỉ cần thường xuyên ấn những huyệt đó sẽ giúp chống lão hóa hiệu quả.
1. Huyệt Ti trúc không: Phòng trừ vết chân chim khóe mắt
Kinh mạch của huyệt ti trúc không nằm tại vòng quanh mắt, vì vậy, thường xuyên ấn huyệt này có tác dụng lưu thông tuần hoàn máu quanh mắt và thúc đẩy lưu thông khí huyết, đạt hiệu quả trong việc tiêu trừ vết chân chim nơi khóe mắt.
chong lao hoa 1
Cách massage: Huyệt này nằm tại phần lõm ở cuối lông mày, dùng hai ngón trỏ để ấn vào huyệt này ở hai bên, mỗi lần một phút, mỗi phút khoảng 100 đến 200 lần, có thể làm nhiều lần một ngày tùy vào hoàn cảnh từng người.
2. Huyệt Bạch dương: Khiến sắc mặt hồng hào rạng rỡ
Huyệt bạch dương khiến cho khuôn mặt sáng sủa và rạng rỡ hơn. Tất nhiên, ở đây là nói về sắc mặt cũng sẽ trở nên tốt hơn, chứ không phải nói về da mặt đang đen sạm lại có thể trở nên trắng nõn nà như tuyết.  
Huyệt bạch dương có thể cải thiện và lưu thông máu trên khuôn mặt, do đó sắc khí cũng tốt hơn. Đối với làn da nhợt nhạt thì hiệu quả cũng rất hữu hiệu.
Cách Massage: Huyệt bạch dương nằm ở giữa lông mày dịch lên trên 2,5 cm. Dùng hai ngón trỏ hoặc ngón giữa để ấn vào huyệt này, mỗi lần một phút, mỗi phút ấn từ 100 đến 200 lần, có thể lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày tùy thuộc vào hoàn cảnh.
3. Huyệt Đồng tử liêu: Phòng trừ thâm quầng ở mắt
Ấn nhiều vào huyệt này có thể thúc đẩy tuần hoàn máu mắt, ngăn chặn sắc tố quanh mắt bị sạm đi, giảm thiểu hoặc ngăn ngừa sự hình thành quầng thâm, đồng thời có thể loại bỏ các nếp chân chim mắt.
Cách Massage: Đồng tử liêu nằm trên mặt, cách khóe mắt hơn 1cm. Dùng hai ngón trỏ hoặc ngón giữa để ấn vào điểm này, mỗi lần một phút, mỗi phút ấn từ 100 đến 200 lần, có thể lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày tùy thuộc vào hoàn cảnh.

Lục Tà trong chữa bệnh

Bài viết do Jennifer Dubowsky

Đông y cho rằng bệnh tật đến từ cả nội thân và ngoại cảnh chính là thất tình lục dục.
Thất tình là nguyên nhân bên trong:  hỉ (vui), nộ (giận), ái (thích), ố (ghét), bi (buồn), tư (lo âu), khủng (sợ sệt).
Các nguyên nhân từ ngoại cảnh được gọi là “lục dâm” hay “lục tà” bao gồm: phong (gió), hàn (lạnh), thử (nắng), thấp (độ ẩm), táo (độ khô), hoả (nóng). Trong bài viết này, tôi sẽ nói về Lục Dâm hay Lục Tà. Tất nhiên còn có các yếu tố khác góp phần vào bệnh tật, như chế độ dinh dưỡng, tai nạn và lối sống …
Là người thực hành Đông y, khi một người bệnh tìm đến tôi, tôi sử dụng các mô hình này để tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Các tên gọi của Lục Tà (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa) có nguồn gốc từ hàng ngàn năm trước mô tả chính xác nhiều loại bệnh cùng biểu hiện của các rối loạn trong cơ thể.
Ví dụ như trong tự nhiên, phong (gió) thường thay đổi như chong chóng, cứ đến và đi mà không báo trước. Tương tự, các triệu chứng liên quan đến phong cũng thường đặc trưng bởi sự đến và đi, đôi khi đột ngột.
Bạn đã lần nào đột nhiên bị một cơn đau đầu mà nó chấm dứt một cách bí ẩn cũng như khi nó đến chưa? Đó là sự tấn công bởi phong. Và, nếu bạn có cơn đau đầu tương tự cộng với một khuôn mặt đỏ bừng và toát mồ hôi, thì nhiệt có thể dùng để miêu tả các triệu chứng này.
Hãy điểm qua một số triệu chứng phổ biến của mỗi Lục Tà
Phong (gió): Một trường hợp nhiễm phong bao gồm cách triệu chứng như hắt hơi, đau đầu, và sung huyết. Gió cũng khiến các yếu tố gây bệnh (hoặc bệnh) dễ dàng xâm hại cơ thể bạn, bởi nếu bạn thực sự cảm thấy hơi suy nhược và hệ thống miễn dịch kém, thì có nhiều khả năng bạn dễ bị tổn thương.
Hàn (lạnh): Sự xâm nhiễm bởi hàn có thể từ từ, dồn đọng, và làm suy giảm khí huyết. Triệu chứng tương tự như khi bạn bị run lên và co ro lúc bị lạnh. Các biểu hiện của việc thừa khí hàn là bị ớn lạnh, run rẩy, lạnh chân tay, xanh xao, chuột rút đau đớn, hoặc co thắt.
Hỏa: Hỏa tà gây tổn hại chất dịch trong cơ thể, làm nhiễu loạn tâm trí và có thể làm hỏng khí âm trong người. Các triệu chứng của hỏa là đỏ mặt hoặc mắt, khát, sốt, da dẻ tối lại hoặc nhiều dịch vàng (đờm màu vàng hoặc nước tiểu màu vàng), khó ở, ra mồ hôi và ngứa ngáy.
Táo (khô): Các vấn đề về táo có nhiều điểm tương đồng với thử; cả hai tồn tại một cách liên tục. Táo tập trung vào việc tiêu thụ dịch chất đặc biệt là liên quan đến phổi. Đó là tại sao hầu hết các triệu chứng liên quan đến cơ quan này hoặc biểu hiện tình trạng khô. Ví dụ như ho khan, da khô, lưỡi khô, môi nứt nẻ và táo bón.
Thấp (ẩm): Sự thừa tính thấp thường có nguyên nhân từ việc sinh sống hoặc làm việc trong một môi trường ẩm thấp. Một cách khác để nhìn nhận về thấp đó là tình trạng chất lỏng trong cơ thể bị trì trệ hoặc xáo trộn. Các triệu chứng của thấp bao gồm việc cảm thấy nặng nề, phù thũng, chậm chạp, đờm dính, và nước tiểu cặn.
Thử (nắng): là một tác nhân gây bệnh từ bên ngoài chỉ xảy ra khi bạn tiếp xúc với nhiệt độ cực cao và/hoặc kéo dài. Các triệu chứng mà bạn có thể hay gặp bao gồm đổ nhiều mồ hôi, khó thở, chóng mặt và buồn nôn. Nó chính là say nắng.
Qua hàng nghìn năm quan sát và nghiên cứu, các nhà Y học Cổ truyền đã phát triển sáu yếu tố mà cho đến nay vẫn còn tính ứng dụng cao. Xác định được loại triệu chứng mà bạn đang gặp phải sẽ giúp các bác sĩ tìm ra loại thảo dược và huyệt vị phù hợp để điều trị.
Ví dụ, nếu bạn đang bị thừa nhiệt (hỏa), các thảo dược có tính hàn là thích hợp; nếu bạn bị thừa ẩm (Thấp), các thảo mộc khô trong tự nhiên sẽ được chọn dùng. Ý tưởng tương tự như vậy được áp dụng trong châm cứu. Nếu bạn đang bị chuột rút đau đớn gây ra bởi sự dồn đọng hàn, tôi có thể áp dụng nhiệt vào khu vực này và chọn các huyệt giúp cải thiện dòng lưu thông của khí huyết từ đó làm giảm cơn đau.