04/03/2022

MƯỜI PHÚT ĐỂ BIẾT MÌNH KHỎE, YẾU

St trên net.

Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đem đến cho con người nhiều lợi ích về mặt thể xác. Thế nhưng người ta quá dựa vào các thiết bị này và quên đi những « quà tặng » trời cho để có thể giúp phòng và tránh nhiều bệnh tật.

Mỗi buổi sáng, trước khi bắt đầu bước vào sinh hoạt hằng ngày, bạn chỉ cần bỏ ra chừng 10 phút để kiểm tra một số bộ phận cơ quan phủ tạng quan trọng và khi phát hiện sớm các rối loạn (nếu có) và điều chỉnh ngay, sẽ mau phục hồi.

Kiểm tra tim

Ngửa bàn tay, ấn tìm ở kẽ xương ngón tay thứ 4 và 5 (huyệt Thiếu Phu). Huyệt này cho biết những biểu hiện của tim. Hoặc nắm vào góc móng tay út, phía ngón áp út tức huyệt Thiếu Xung, nếu huyệt này đau chứng tỏ tim làm việc quá sức. Nhớ rằng khi kích thích huyệt này có ảnh hưởng đến tim. Nắm 2 ngón tay vào huyệt này thật chặt, day mạnh và như lắc tay, có thể tăng sức khoẻ.



Hoặc đặt ngón cái vào lòng bàn tay, chỗ khe xương ngón thứ 4 và 5 (Thiếu Phủ). Ngón trỏ đặt ở phía đối diện (ở mu bàn tay – tức huyệt Trung Chử). Xoa và bóp, không những trợ lực cho tim mà còn tăng sức cho cơ thể nữa.

Kiểm tra phổi

Ngửa bàn tay, dùng ngón tay ấn vào chỗ lõm đầu lằn chỉ cổ tay (dưới ngón cái) tức huyệt Thái Uyên, đồng thời gấp các ngón tay vào lòng bàn tay, đầu ngón tay trỏ chạm vào vùng thịt ở mô ngón cái (huyệt Ngư Tế) để kiểm tra phổi. Day 2 huyệt này làm lượng ôxy trong phổi lưu thông qua đường Kinh Phế.



Kiểm tra ruột già

Khép ngón tay cái vào sát ngón trỏ, chỗ cao nhất của thịt lồi lên là huyệt (tức huyệt Hợp Cốc), day và ấn vào huyệt này, nếu đau là ruột già không được tốt lắm. Nên ăn thức ăn nhẹ và dễ tiêu. Trong khi đó ấn vào huyệt này cho đến khi dưới ngón tay thấy hết đau. Huyệt đặc biệt này không những làm tan những chất độc tụ ở ruột già mà còn làm cho khỏi mất ngủ. Mỗi tối nên xoa ấn huyệt này là cơn mệt mỏi sẽ tiêu bớt.



Kiểm tra thận và sinh thực tuyến (sinh dục)

Để tăng lực hoạt động cho thận, bàng quang và sinh thực tuyến : Nắm chặt lấy gân gót chân và bấm mạnh, (tương đương các huyệt Côn Lôn, Bộc Tham của kinh Bàng Quang, Chiếu Hải, Thái Khê của Kinh Thận), ở đây mà thấy đau đều tương ứng với rối loạn ở thận, bàng quang, bộ phận sinh dục. Nhiều người thấy có dấu hiệu khoái cảm cao độ ở điểm này mà không rõ lý do tại sao. Dùng lòng bàn tay cụp vào gót chân (phía lòng bàn chân) bóp mạnh và sâu vào. Nếu ở đây thấy đau là sinh thực tuyến bị yếu. Ngược lại ấn vào điểm này sẽ tăng cường lực cho sinh thực tuyến. Điểm này cũng làm hết đau lưng và giữ một vai trò trong việc làm cho đầu gối hết cứng.



Kiểm tra gan

Ấn sâu vào chỗ lõm giữa ngón chân cái và ngón thứ 2 (huyệt Thái Xung), nếu thấy hơi khó chịu là gan hoạt động yếu. Day mạnh để điều chỉnh.  Dùng ngón tay cái và ngón trỏ đè vào gốc móng chân cái (cả 2 chân), day ấn khoảng 10 lần, để điều chỉnh đường kinh Can và Tỳ.



Kích thích lưng

Có thể nằm ngửa trên giường, hoặc ngồi dựa vào ghế và thực hiện như sau : Nắm đấm bàn tay vào rồi đặt vào mấu đốt sống lưng, song song cột sống. Động tác này không những làm cho háng bớt đau mà còn làm cho thần kinh toạ giảm đau.

Co chân lên, duỗi ra. Giơ tay lên khỏi đầu duỗi ra, khi thực hiện động tác này thì thở sâu. Với cách thức này sẽ cảm thấy 1 cảm giác ấm chạy suốt thân thể. Vùng đau sẽ biến mất, vùng háng đang chịu đau sẽ bớt đau, cảm giác đau ở lưng, cột sống và vùng bụng trên, dưới sẽ bị vô hiệu hoá. Dùng tay ấn vào các đốt sống sẽ làm cho các chất độc ở đây tan đi.

Kích thích gan mật

 Để bàn tay vào vùng sườn bên phải, vị trí của gan mật, cong tay bóp nhẹ, lần đầu tiên làm có hơi đau. Đau là dấu hiệu cho thấy có sự rối loạn bệnh lý ở gan. Sau vài lần kích thích, gan mạnh lên sẽ hết đau (đây là dấu hiệu cho thấy chúng ta thực hiện đúng phương pháp). Lần lên đến giữa xương ức (Chấn Thuỷ) cong tay lại, nắm chặt rồi thả ra 3 lần để kích thích mật. Tác động này cũng đẩy bớt hơi xả ra khỏi ống dẫn mật cũng như để tăng lực cho mật. Chuyển sang đến phía đối diện vùng bụng, dưới sườn trái. Nắm vào nhả ra 3 lần một cách từ từ.

Cần nhớ là mỗi bộ phận ở bụng do thần kinh tuỷ sống điều khiển, nghĩa là cũng phải ấn vào những điểm điều khiển ở cột sống (dọc hai bên cột sống)

Thí dụ : Khi mật tắc nghẽn sẽ có 1 điểm đau giữa vùng mật. Đây là huyệt phản ứng (a thị huyệt), cần xoa dịu huyệt này, ngoài ra còn phản ứng đau ở quãng ngay cột sống lưng thứ 5-9 (D5 – D9), có thể dùng 1 trái banh lông để lăn hoặc nhờ một người khác ấn ngón tay cái vào khi bạn nằm sấp.

Chú ý: Lúc nào cũng thật nhẹ tay. Nếu đau ở bất cứ huyệt nào, ấn nhẹ cho đến khi hết đau. Nếu vẫn còn đau không ngừng, tạm ngưng để ngày khác sẽ làm.

Giữ cho tiêu hoá tốt

 Vì thức ăn là một nguồn lực cho cơ thể, do đó việc tiêu hoá phải được duy trì để bảo tồn những nguyên tố của sức sống.

Cụp các ngón tay của cả 2 bàn tay lại dưới phía sườn bên phải ấn vào vùng này là huyệt Nhật nguyệt (Kinh Đởm), Phúc Ai Kinh Tỳ). Nắm chặt vào đếm đến 3, buông ra, thơ mạnh, ấn vào lần nữa, đếm đến 3, làm 5 lần. Làm qua phía bụng bên phải, nơi huyệt Lương Môn (Kinh Vị – Rốn lên 4 thốn ra ngang 2 thốn). Rồi tới vùng chấn thuỷ, nơi huyệt Cưu Vĩ và Cự Khuyết (Mạch Nhâm) cũng làm như vậy. Động tác này giúp tiêu hoá hoạt động, các tế bào được phục hồi, sức khoẻ phục hồi.



Kích Thích Rốn

 Đặt ngón tay thứ 3 (ngón giữa) vào lỗ rốn, ấn sâu vào, ấn vào vùng thấy đau, xoa quanh rốn nhè nhẹ đến những vùng chung quanh. Việc xoa quanh rốn làm giảm tác động đau và bớt mức độ mệt mỏi.

 Bây giờ đặt lòng bàn tay vào bụng, tay phải ở bụng phải, tay trái ở bụng trái lấy tay kéo và đẩy về phía cột sống làm 10 lần thật đều. Đẩy bụng dưới lên hướng sườn, làm nhẹ nhàng nhưng chắc chắn, có thể cảm thấy hoặc nghe thấy tiếng òng ọc là tốt. Dừng lại và nghỉ một chút rồi dậy uống một ly nước nóng.

Mười phút để làm tăng sức

 Theo phương pháp của bác sĩ Cerney : Bất cứ lúc nào cơ thể cảm thấy mệt mỏi, mất sức, chỉ cần hơn kém 10 phút áp dụng thủ pháp kích thích dưới đây, có thể làm cho cuộc đời thay đổi hơn.

1. Kích thích đường kinh Tâm: Nắm chặt ngón tay út và xoay qua xoay lại. Ngừng lại, kéo lên, cong về phía lòng bàn tay rồi xoay lại 1 lần nữa, làm vậy 5 giây. Bây giờ bóp mạnh đầu ngón tay giữa. Nắm chặt, thả ra, làm 3 lần, mỗi lần 3 giây.

 2. Ấn vào khu ‘tim’ ở lòng bàn chân, có một vùng phản xạ mạnh ở ngang dưới đầu xương ngón chân thứ 4, chân trái. Dùng huyệt này để tăng lực tối đa, nên làm vào buổi sáng khi thức dậy.

 3. Sờ vào những vùng căng cứng (đau) ở ngực trái. Đôi khi bên phải cũng có một ít, có thể có khối u nhỏ ở trong bắp thịt quanh tim, thường ở trên đường thẳng núm vú. Ấn và xoa cho đến khi chúng tan đi. Ở hố nách cánh tay trái dài xuống phía trong cũng làm vậy. Có thể làm cả cánh tay phải. Áp dụng xoa ấn trên đường kinh Tâm, cứ làm cách quãng, dài xuống ngón tay út.

 4. Đặt tay vào vùng Chấn Thuỷ ấn vào 3 giây, thả ra, thở mạnh, rồi lại ấn, thả ra … làm 5 lần. Đứng dựa lưng vào cạnh khung cửa. Đặt những chỗ đau giữa thăn thịt giữa cột sống, ấn mạnh lưng và làm như vậy để kích thích thần kinh cột sống đối với tim. Đây là một cách tự động tạo nên 1 tín hiệu truyền lên não, từ đó truyền xuống tim khiến tim hoạt động mạnh hơn. Ở đáy sọ (chẩm) sẽ sờ thấy một điểm đau hoặc nhiều hơn, dài xuống cột sống. Ấn vào những huyệt này vì mỗi huyệt sẽ tăng lực cho cơ thể hoạt động.

Sau cùng, tới vùng đáy sọ (huyệt Phong Phủ), dùng ngón tay cái và ngón giữa ấn, xoa, bóp cho đến khi hết đau. Rồi chạy tay dài xuống 2 bên cột sống làm cho bắp thịt bớt căng thẳng.

(21/2/2014)

03/03/2022

Đối cảnh vô tâm

 


Mắt trông thấy sắc rồi thôi

Tai nghe thấy tiếng, nghe rồi thì không

Trơ trơ lẳng lặng cõi lòng

Nhẹ nhàng ta bước khỏi vòng trầm luân.

 

Bài kệ của vua Trần Nhân Tông, diễn tả tâm thái giải thoát của người tu hành.

Trạng thái tâm này là kết quả của một quá trình tu tập lâu dài.

Đối với cảnh bên ngoài, dù đẹp hay xấu, trái hay phải, thuận hay nghịch, tiếng khen hay tiếng chê, mà tâm không hề xao xuyến, không hề dấy động, tâm như như bất động.

Vậy làm thế nào đạt được "đối cảnh vô tâm", làm sao sáu căn không dính với sáu trần? Làm sao mắt thấy sắc không dính với sắc, tai nghe tiếng không dính với tiếng, mũi ngửi mùi không dính với mùi...?

Đây chính là tâm yếu (quan trọng) của người tu hành và là đối tượng của tám mươi bốn ngàn pháp tu trong đạo Phật.

Chùa Việt (chút ít kiến thức về Phật giáo mong giới thiệu tới mọi người)

(Phần 1)

 Mở đầu

Chủ đề này quá lớn so với tầm hiểu biết của mình nên tôi đã phải sử dụng nhiều tư liệu và hình ảnh từ nhiều nguồn khác để hòng bổ sung cho tròn. 

Cách diễn giải, trình bày cho chủ đề này là như cách của một người đi vãn cảnh nên lớp lang chưa được chuyên nghiệp mong người đọc thông cảm.

Ở đây, tôi không tham vọng bàn về Phật giáo nói chung hay Phật giáo ở Việt Nam nói riêng; mà chỉ muốn cung cấp cho người đọc một phần nhỏ nào đó trong những giá trị văn hóa đã được khẳng định lâu đời của các ngôi chùa Việt - nhất là ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Nhưng qua đó cũng mong giúp bạn đọc có được một số hiểu biết nhất định về Văn hóa Phật giáo Việt Nam ta.

Chủ đề này tôi tạm chia làm nhiều phần để mọi người tiện theo dõi, chứ cũng không phải chương hồi gì, vì nội dung muốn truyền tải quá nhiều mà thôi.

Rất mong sự ủng hộ.

 ——————– ☆☆☆☆☆ ——————–

Trước hết là ta phải phân biệt các khái niệm về các trung tâm tôn giáo tín ngưỡng cơ bản có ở Việt Nam.

1. Chùa (Tự)

Ở Việt Nam có lẽ Chùa là nhiều nhất. Chùa là nơi thờ Phật, có thể ghép thêm các tôn giáo bản địa, tín ngưỡng dân gian, nhưng gian chính phải là thờ Phật. Chùa có thể có tăng, ni trụ trì, sinh sống, mà cũng có thể chỉ có người trông coi. 

Chùa là những di tích cổ nhất còn lại ở Việt Nam, đặc biệt miền Bắc. Ba miền, phong cách chùa cũng rất khác nhau.

2. Đền (Từ)

Đền thờ Thần, Thánh. Có thể là Thiên thần, Nhiên thần, Địa thần, Nhân thần. 

3. Đình

Thờ Thành hoàng của các làng, đồng thời là nơi tụ họp, bàn việc làng, là tinh túy của làng xã.

4. Quán

Nơi thờ và tu của Đạo giáo, thờ Tiên của Đạo giáo. Quán ngày nay còn không nhiều

5. Phủ / Điện

Thờ Mẫu trong đạo Mẫu, là tôn giáo bản địa. Miền trung gọi là Điện.

6. Miếu

Thờ Thánh nhân, Hoàng tộc, cho đến các tiểu thần, tổ nghề, hoặc cả Mẫu nữa

7. Nhà thờ

Của đạo Thiên Chúa, có thể gọi là Giáo đường, Thánh đường, có các cấp bậc hẳn hoi: Vương cung thánh đường, Chính tòa, Tông tòa, nhà thờ xứ, nhà thờ họ.

Nơi thờ tự của Hồi giáo cũng gọi là Giáo đường.

8. Thánh thất

Đạo Cao Đài gọi nơi thờ của đạo mình là Thánh thất.

9. Tháp

Tháp của người Chăm, cũng là nơi thờ tự riêng của họ. Tháp này khác với các tháp chùa.

10. Đàn

Nơi tế Trời, Thiên Địa Nhật Nguyệt, Vũ trụ. Chỉ còn vài nơi.

Ngoài ra còn một số loại hình khác như Lăng (Mộ), Miễu...

Theo các vị Chân Tu - Ngộ Đạo, thì cho rằng nơi nào có Phật thì nơi đó là chùa, đó có thể là Phật trong tâm tưởng, Phật trong suy nghĩ, Phật qua thuyết pháp. Với một hành giả - người tu nhưng đi khắp nơi, thì ngồi đâu cũng có thể là chùa (với chính hành giả đó). Với người khác, khi có một vị tăng thuyết về pháp, thì nơi đó là chùa, dù vị đó ngồi ở giữa ruộng, dưới một tán cây, dưới một dốc đá. Chùa là ở trong lòng người, chứ không phải ở cái nhà, hay pho tượng.

Hiểu theo nghĩa thực tế hơn, thì có lẽ chùa cần phải hiểu là nơi: (1) thờ Phật, (2) có người tu hành theo Phật ở hoặc thường xuyên qua lại, (3) có hoạt động truyền bá Phật pháp dưới hình thức này hay hình thức khác.

Thực ra phân biệt quá như thế cũng không phải là đúng hẳn. Có những ngôi "chùa giả" rồi sau lại thành "Chùa thật" đấy thôi. Ngược lại, có những ngôi chùa mà thực ra không truyền pháp, mà truyền mê tín dị đoan, thì nên đổi là đền, miếu, phủ,... chứ không nên gọi là chùa. Chùa trên khắp đất nước Việt Nam, chỗ nào cũng có, liệt kê đến hàng tháng cũng chả hết. Thích gì nói nấy thì tiện hơn.

Chùa miền Bắc theo Đại thừa Bắc truyền, chịu ảnh hưởng Trung Quốc, nhưng có những nét riêng rất Việt mà không nơi nào có được, đặc trưng bởi kiến trúc, hệ thống tượng, không gian chùa, từ chùa quốc gia đến chùa làng.

Chùa Bắc phần lớn có lịch sử lâu đời, xa xưa nhất từ thời thế kỉ 2, thế kỉ 5, trong lịch sử thì nhiều nhất đời Lý, đời Trần. Nhưng những gì còn lại hiện nay chủ yếu đời Lê, Nguyễn. 

Một góc chùa Keo (Thái Bình)

Chùa miền Trung kiến trúc hoàn toàn đời Nguyễn, mang dấu ấn triều Nguyễn sâu sắc không thể lẫn. Chùa gỗ ở Huế thực ra cũng không còn nhiều, do chiến tranh tàn phá, mà cũng nhiều chùa xây lại, cũng mất một phần phong vị.

Chùa miền Nam theo Nguyên thủy Nam truyền, thì chùa cổ Khơ Me tập trung nhiều nhất ở Sóc Trăng, với những ngôi chùa rất cổ. Chùa khác ở miền nam thì gần như toàn bộ là xây sau này bằng bêtông, xi măng cốt thép, to lớn, màu sắc, nhưng không cổ kính. Nhiều chùa bị ảnh hưởng của phong cách Hoa - Phúc Kiến nặng, mất hết kiểu Việt.

Đặc trưng của trào lưu Phúc Kiến trong chùa chính là bức tượng Quan Âm đứng giữa giời, cầm cái bình, bắt đầu xuất hiện từ miền Nam, rồi lan dần ra miền Trung và ra Bắc. Thế nên nhiều chùa miền Bắc cả nghìn năm nay không để tượng ấy, thì giờ bỗng xuất hiện, đôi lúc lạc lõng kì dị.

Đền, chùa cổ Việt Nam có 3 kiểu kiến trúc chính :

Chữ tam, Chữ công, và chữ Đinh

Hình chữ Tam gồm 3 tòa ngang, từ cửa vào lần lượt là chùa Hạ, Trung, Thượng. Mỗi tòa có những tượng riêng. Chùa chữ tam hiện nay còn không nhiều. Tiêu biểu là chùa Tây Phương ở Hà Tây, chùa Kim Liên ở Hà Nội.

Hình chữ Công, hình chữ H nằm ngang, gồm hai tòa ngang được nối với nhau bởi một tòa dọc (gọi là ống muống). 

- Tòa ngang ở ngoài là Tiền đường, hay Bái đường, cũng còn gọi là chùa Hộ vì hay để tượng Hộ pháp. 

- Tòa dọc gọi là Thiêu hương (rất nhiều chỗ do không biết nên viết là thiên hương, thiện hương), hay cũng là Chính điện, nơi để bàn thờ chính.

- Tòa ngang cuối là Thượng điện, hay Hậu điện.

Hình chữ Đinh, hình chữ T lộn ngược, thực ra là giản lược của chùa chữ Công. . 

- Tòa ngang vẫn là Bái đường, Tiền đường.

- Tòa dọc gọi là chuôi vồ, là Chính điện. 

Những đền chùa đủ rộng, có các dãy hành lang bao quanh, trông giống chữ Quốc, nên gọi là "Nội công ngoại quốc".

Chùa Tây Phương (Sùng Phúc Tự), ngôi chùa chữ tam đẹp nhất, với những mái đầu đao cong vút duyên dáng.

Cũng có trường hợp kiến trúc nửa chữ Công, nửa chữ Tam, đó là khi hai chùa Hạ và Trung của chữ Tam lại được nối với nhau bởi một ống muống, còn chùa Thượng vẫn đứng tách ra. Tiêu biểu là ngôi chùa Thầy (Thiên Phúc Tự) nổi tiếng đất Hà Tây.

Kiến trúc Thủy đình là đặc trưng riêng có của đồng bằng Bắc bộ và cũng là riêng có của Việt Nam, gắn với hình thức sân khấu Múa rối nước.

Thủy đình chùa Thầy, chùa Nành là những hình ảnh tuy không hoành tráng, nhưng rất sâu đậm với người Việt. Nếu có đi đâu, bỗng gặp một thủy đình, hãy hình dung đến rối nước...
     Một nơi khác, trên hòn đảo giữa hồ sen, có tòa đình nhỏ cũng rất đẹp. Đó là chùa Hoàng Xá (Hoa Vân Tự), cách Hà Nội không xa - xã Hoàng Ngô, nay thuộc thị trấn Quốc Oai, ngoại thành Hà Nội.

 Tòa thủy đình hoành tráng của đền Đô. Đây là nơi biểu diễn hát quan họ chứ không phải rối nước.

Ở giữa thiên nhiên, non xanh nước biếc...

Cổng chùa

Bước vào chùa, đầu tiên hầu như bao giờ cũng là Tam quan.

Tam quan không phải là đặc thù của chùa, vì đình, đền, miếu, thậm chí là cổng làng, ... thì cổng cũng đều là Tam quan, tức là Cổng gồm 3 cửa cả. Với các công trình đó, Tam quan thường chỉ đơn giản là để phân chia độ trang trọng, tạo tính thẩm mỹ, cân đối...

Nhưng riêng với chùa, thì Tam quan còn mang một ý nghĩa riêng; đó là Tam quan tương ứng với Tam quán : Không quán, Giả quán, Trung quán, đó là những con đường để đạt đến Phật quả. Do đó nếu Cổng có xây thành một tòa, thì cũng chia thành 3 gian cổng, 3 bộ cửa.

Như dưới đây là cổng chùa Láng (Chiêu Thiền Tự), ngôi chùa gắn liền với Từ Đạo Hạnh từ gần nghìn năm trước. Vì chùa có không gian dài rộng, nên có đến 2 Tam quan: Tam quan ngoại gồm 4 cột trụ có bắc mái ở giữa, và Tam quan nội là một tòa 3 gian ở trong.

Tam quan chùa Báo Quốc - Huế. Chùa Báo Quốc tên đầy đủ là Sắc Tứ Báo Quốc Tự (Chùa Báo ơn nước được dựng theo lệnh vua), một ngôi chùa quan trọng triều Nguyễn.

Tất nhiên không phải tất cả mọi cổng chùa đều là Tam quan. Những chùa do những nguyên nhân khác nhau có thể có số cửa khác nhau.

Như chùa Trấn Quốc, vì nằm trên đảo, xưa kia không có cổng. Cho đến khi đắp con đường nhỏ nối với đường đê Cố Ngự (sau bị đọc nhầm thành Cổ Ngư), thì mới có cổng, nhưng cổng cũng chỉ có 1 cửa, vì con đường bé quá, lấy đâu ra mà tam quan.

Hoặc như chùa Bà Đá (Linh Quang Tự), bị dân chiếm hết xung quanh, chỉ còn một lối đi bé tí, nên cũng chỉ có một cửa.

Ngược lại, như chùa Nành (Pháp Vân Tự) ở Ninh Hiệp, thì lại có Ngũ môn quan to hoành tráng.

Có lẽ đây là một trong những cổng chùa cổ to nhất.

Cổng tam quan có cánh cửa gỗ đẹp nhất có lẽ thuộc về chùa Keo ở Thái Bình (Thần Quang Tự). Tam quan chùa dựng bằng gỗ, không cao to, mà chỉ như một ngôi nhà 3 gian thông thường (các cụ tính cứ 4 cột là 1 gian). Cổng chùa nhìn ra một hồ bán nguyệt, hai bên tường chỉ là tượng trưng, ngăn cách không gian, chứ không có vai trò bảo vệ. 

Tam quan chùa Keo chỉ mở trong dịp lễ hội, muốn ra vào, thì theo hai cổng nhỏ hai bên cách xa cổng chính. Do cách xa, nên Tam quan này không trở thành Ngũ quan như chùa Nành.

Hai cánh cửa gỗ của cửa chính Tam quan chùa Keo là một tác phẩm điêu khắc gỗ tuyệt đẹp đời Lê. Trên cổng khắc hình rồng ổ, nghĩa là ngoài rồng to (rồng mẹ), còn có các rồng con quấn quýt. Bên dưới là mây cuộn như sóng nước, ở chính giữa là mặt trăng.

Hoa văn trang trí "hỏa vân" (mây lửa) của rồng cửa chùa Keo rất đẹp. Nếu như thân rồng uốn lượn, bờm theo chiều ngang, thì hỏa vân hình đầu đao chỉ tỏa theo chiều dọc, lên trên và xuống dưới.

Một số cửa chùa mới làm về sau có nhiều cánh cũng chi phí tốn kém để khắc rồng, nhưng rất kém, vì hỏa vân tỏa lung tung. Như hai cánh cổng đền Đô, rất tốn kém nhưng trông bố cục hỏng, đường nét lộn xộn, kém quá xa bức cửa này.

(Tuy vậy, đây chỉ là hai cánh cửa phiên bản thôi các bác ợ. Bản gốc nằm trong bảo tàng Mỹ thuật lâu rồi).

Tòa tam quan chùa độc đáo nhất mà tớ từng thấy là tam quan chùa Kim Liên ở Hồ Tây.

Tòa tam quan này độc đáo ở chỗ : Toàn bộ cấu kiện gỗ nặng cả chục tấn được dồn lên 4 chiếc cột gỗ đứng thằng hàng. Những cột gỗ này không chôn xuống đất, mà chỉ được đặt thăng bằng lên 4 phiến đá kê chân. 

Nghĩa là chiếc cổng phải cực kì cân bằng. Tưởng tượng rằng nếu chỉ cần có một sự mất thăng bằng nào đó dù nhỏ, thì cổng cũng đổ từ lâu rồi. Thế nhưng hơn 200 năm trôi qua rồi, cổng vẫn đứng đó, với lớp mái ngói nặng nề nhưng lại thanh thoát như muốn bay lên.

Cổng chùa rất đúng với hình ảnh bông sen vàng bay lên.

Qua Tam quan là vào đến sân chùa. Sân chùa rộng hay hẹp còn tùy vào địa thế. Và cũng tùy vào địa thế mà giữa sân chùa có công trình nào không. Thông thường sân chùa để trống.

Cũng có trường hợp như chùa Láng, giữa sân có đình bát giác, là nơi để kiệu khi làm lễ thánh. Điều này rất đặc biệt, vì chùa Láng thuộc dòng Mật tông, thờ Từ Đạo Hạnh vừa là Sư, vừa là Thánh, nên khi cúng có cả rượu thịt, trong chùa lại làm cả hậu cung kín mít y như các ngôi đền, đình.
     Đình bát giác này là một kiến trúc không chỉ độc đáo, mà còn là duy nhất ở một ngôi chùa cổ. Các chùa khác mà tớ đã biết không làm nhà kiệu ở ngay sân trước của chùa bao giờ.
     À, có chùa Hương, có cả một cái lầu rất lớn trước chùa Thiên Trù, nhưng có vẻ đó là công trình độc lập, không phải cái nhà kiệu của chùa.

Chùa Hà Nội: Có đến 150 chùa được công nhận di tích. Những chùa nổi tiếng còn lại nhiều lắm:

Vòng quanh hồ Tây:

- Chùa Trấn Quốc: cổ nhất, đẹp, ý nghĩa, quá nổi tiếng

- Chùa Ngũ Xã: ở giữa bán đảo Ngũ Xã, có pho tượng Phật đồng lớn nhất nội thành HN, chứa đựng trong nó những điều rất thú vị. (Cạnh đó là chùa Châu Long, không đẹp lắm).

- Chùa Kim Liên: ngôi chùa rất đẹp với tam quan độc đáo nhất VN, nay đang tu sửa. Có những tháp mộ giữa hồ.

- Chùa Hoằng Ân, hay Quảng Bá: đường vào Phủ thì rẽ phải, gần ngay "đường Thái Lan", chùa đẹp, nơi có mộ Đệ nhất Pháp chủ VN, vườn tháp. (Gần đó là chùa Phổ Linh nhìn ra hồ sen cũng đẹp).

- Chùa Tảo Sách: trên đường Lạc Long Quân, đối diện UBND Tây Hồ, rất đẹp và nổi tiếng, đông nghịt.

- Chùa Vạn Niên: ngay cạnh Tảo Sách, cũng đẹp. Gần đó có chùa Thiên Niên, Ức Niên, nhưng bình thường.

- Chùa Vĩnh Khánh (Võng Thị): đi đường dọc bờ hồ Tây sẽ thấy đình Võng Thị và chùa, vừa xây lại, to cao hoành tráng, không còn cổ kính nữa nhưng cũng được.

Ngoài ra quanh Hồ Tây còn hàng loạt chùa nữa. Quá lên đê sông Hồng xa hơn cầu Thăng Long sẽ có đình chùa Vẽ...

Khu phố cổ- Hoàn Kiếm

- Chùa Hòe Nhai: phố Hàng Than, chùa rất đẹp, tượng gỗ cổ đẹp, đặc biệt là bộ tượng Vua đội Phật độc đáo nhất VN. Tổ đình Tào Động.

- Chùa Huyền Thiên: ngay bên cạnh chợ Đồng Xuân: vốn là đạo quán của đạo sĩ biến thành chùa, nên còn tượng Trấn Vũ to đùng ở giữa.

- Chùa Cầu Đông: trên phố Hàng Đường, chùa nhỏ, có tượng Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung (tượng xấu nhưng duy nhất).

- Chùa Lý Quốc Sư: phố Lý Quốc Sư, với tượng đá Quốc sư đặc biệt, và một cây cột đá cổ rất đẹp cạnh cổng

- Chùa Bà Đá: cổng nhỏ trên phố Nhà thờ, nhưng chùa bên trong rất đẹp, tượng lớn, cổ, và đẹp, rất nên đến.

- Chùa Quán Sứ: khỏi nói.

- Chùa Hàm Long (gần nhà mình)

- Bên kia cầu Chương Dương có chùa Bồ Đề, cạnh sông Hồng, tĩnh, đẹp, có tháp mộ Đệ nhị Pháp chủ PGVN. Nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Chùa Kim Quan, ngôi chùa cổ đã bị quên lãng nhiều.

Quận Ba Đình - Cầu Giấy

- Chùa Một Cột: khỏi nói

- Chùa Kim Sơn: góc phố Kim Mã - Giang Văn Minh, vườn rộng đẹp, tượng cổ, ít mở cửa.

- Chùa Bát Tháp: mặt phố Đội Cấn gần Liễu Giai, cổng chùa lớn, vườn rộng, yên tĩnh.

- Chùa Hà: phố Chùa Hà, nổi tiếng cầu Duyên.

- Chùa Thánh Chúa: nằm giữa trường ĐH Sư phạm.
Ở phía Tây có cụm ba chùa có liên quan với nhau khá hay:

- Chùa Láng: rất cổ kính, khuôn viên đẹp, chùa đẹp, độc đáo của dòng Mật Tông, nhiều tháp mộ, do Từ Đạo Hạnh xây.

- Chùa Nền: nhỏ, bình thường, nhưng là nền nhà của Từ Đạo Hạnh.

- Chùa Duệ: thờ pháp sư Đại Điên, là người đã giết cha Từ Đạo Hạnh, rồi bị Từ Đạo Hạnh giết (trước khi đi tu).

Quận Đống Đa

- Chùa Phúc Khánh: chân cầu Vượt Ngã tư Sở, phố Sơn Tây, là Tổ đình, cực kỳ nổi tiếng và linh thiêng. 

- Chùa Bộc: mặt đường Chùa Bộc, có pho tượng Quang Trung đặc biệt.

- Chùa Xã Đàn: trong ngõ Xã Đàn: chùa rộng, có một số di vật cổ.

- Chùa Nam Đồng: trong ngõ Nam Đồng phố Nguyễn Lương Bằng, có đàn thờ vọng Xã Tắc, chùa đẹp.

Quận Hai Bà - Hoàng Mai

- Cạnh hồ Thiền Quang: là một cụm 3 chùa nhỏ: Thiền Quang, Quang Hoa, Pháp Hoa, vốn là chùa 3 làng bị dồn lại đây.

- Chùa Chân Tiên: trên phố Bà Triệu phía bên trái, gần Tuệ Tĩnh. Chùa rất đẹp.

- Chùa Tào Sách: góc Lê Đại Hành - Bà Triệu, chùa đẹp nhưng đang tu sửa.

- Chùa Liên Phái: ngõ Chùa Liên Phái phố Bạch Mai, chùa rất đẹp, sâu rộng, có ngôi tháp đẹp, phía sau có vườn tháp mộ (phải đi xuyên qua buồng ở của sư).

- Chùa Quỳnh: ngõ Quỳnh, đẹp, rộng rãi.

- Chùa Hưng Ký: ngõ Chùa Hưng Ký, phố Minh Khai, chùa độc đáo với những mảnh ghép sứ, tượng A Di Đà gỗ to nhất Hà Nội.

Ngoài ra còn chùa cạnh đền Hai Bà cũng đẹp, chùa Đức Viên, Hộ Quốc, Hương Thể...

Quận Hoàng Mai còn chùa Hoàng Mai, Tứ Kỳ,....
........................

 (12/3/2014)