08/03/2022

Thơ dạo

 

(chuyện nghe ngồi quán bia)


Vu cho tôi “hoang tưởng”, để công khai ngoại tình

Lấy cớ chăm “mẹ ốm”, tận hiếu đi theo giai.


"Đã hưu thì hưu nốt, đừng có hòng mon men...".

Anh rất chăm việc nhà, nên tôi đi chơi nhé (???!!!)”

Anh còn đang đau yếu, cố mà tập thể thao…”

Trời đông ngày lạnh lắm, chịu khó đừng đi chơi

Đã yếu còn ra gió, để lũ giai cười tôi…


“…Anh không tin tôi à ?

                        Anh ấy là anh rể, 

                                   bạn ấy đồng nghiệp tôi,

                                               thằng đó là bạn cũ

                                                          chú ấy bạn bè tôi…

Tôi quan tâm chăm sóc, liên quan gì tới anh

Giữa chúng tôi có chi, việc gì phải giải thích…"

""Tôi đi đâu, ở đâu, làm sao mà phải nói ? .

...Anh đừng có hiềm nghi, để tốn pin tôi lắm…"


Đi ra ngoài tiếp xúc, toàn nói đã ly hôn

Chứ bảo vẫn có chồng, làm sao mà gần gũi

Tôi thanh tao, khôn khéo

Nhà ngoại yêu thương tôi, 

                             anh đừng hòng lôi kéo

Ở ngoài thì giai mến, bạn bè ai cũng tin 

Anh mà đi tố khổ, chỉ có ma nó nhìn…


Vắt kiệt đời trai trẻ, giờ vỏ chanh vứt thôi.

 

Chuyện đời này muôn sự. Muốn khóc phải cười khan

Vỗ vai tôi an ủi: “Về khóc vang gậm giường”.

Khà khà…


Về hưu, có thời gian quan tâm nhiều hơn đến sự đời, lại dễ xúc động nên nghe những câu chuyện buồn thì làm mấy bài văn, bài thơ để chia sẻ. Thứ nữa là luyện não.

Mình thường áp dụng thể thơ 5 chữ thấy có vẻ hợp. Các bạn góp ý nhé. 

Trân trọng.

06/03/2022

Quy luật cuộc sống

 


1./ Quy luật quả táo

Nếu có một thùng táo, gồm cả trái ngon lẫn trái hư, bạn nên ăn trái ngon trước, bỏ những trái hư đi. Nếu bạn ăn trái hư trước, những trái ngon rồi cũng sẽ hư, bạn sẽ vĩnh viễn không bao giờ ăn được trái táo ngon. Cuộc sống cũng vậy.

2./ Quy luật niềm vui

Khi gặp chuyện không may, bạn hãy nghĩ đến những điều tốt của nó, bạn sẽ thấy vui hơn. Giống như khi xe bạn bị thủng lốp (hoặc hết xăng), bạn hãy nghĩ may mà xe mình thủng lốp ngay gần chỗ sửa xe (hoặc ngay gần trạm bơm xăng).

3./ Quy luật hạnh phúc

Nếu bạn không mất quá nhiều thời gian để nghĩ xem mình có phải là người hạnh phúc không, nghĩa là bạn đang hạnh phúc rồi đấy .

4./ Quy luật sai lầm

Con người ai mà không mắc lỗi, nhưng chỉ khi tái phạm lỗi lầm đó, bạn mới phạm phải sai lầm.

5./ Quy luật im lặng

Khi tranh luận, quan điểm khó bác bỏ (khó bắt bẻ) nhất chính là im lặng.

6./ Quy luật động lực

Động lực luôn xuất phát từ hai lý do, hy vọng và tuyệt vọng.

7./ Quy luật nhẫn nhục

Phương pháp nhẫn nhục duy nhất là xem thường thường nó, không thể xem thường nó thì hãy làm giảm nhẹ nó. Nếu không thể làm giảm nhẹ nó, bạn chỉ có cách chịu đựng nhẫn nhục.

8./ Quy luật ngu xuẩn

Ngu xuẩn phần lớn là do chân tay hoặc miệng hành động nhanh hơn cả trí não.

9./ Quy luật giá trị

Khi bạn sở hữu một món đồ, bạn sẽ phát hiện thấy món đồ ấy không có giá trị như bạn từng nghĩ.

10./ Quy luật hóa trang

Thời gian hóa trang lâu bao nhiêu, đồng nghĩa với việc bạn tự thấy mình cần che đậy thiếu sót nhiều bấy nhiêu.

05/03/2022

Thiền là gì?

 


Thiền là thấy và hiểu được điều tự nhiên của mọi vật.

Thiền chỉ đơn giản là lắng nghe tiếng chim hót mỗi sáng
Thiền là chú ý.

Thiền là luôn luôn tử tế với chính mình và mọi người chung quanh.

Thiền là khám phá chính ta.

Thiền là có mặt trong mỗi giây phút, và làm hết sức mình với một con tim thương yêu.

Thiền là một đóa hoa ăn ánh mặt trời.

Thiền là tìm một sự an lạc và đồng nhất trong tâm.

Thiền là suy nghĩ sáng tỏ.

Thiền là không có một cái tôi.

Thiền là xây dựng

Thiền là có đôi lúc vui thích và có những lúc không mấy vui thích.

Thiền là biết thương yêu những gì đang có mặt.

Thiền không thể thấy, không thể so sánh. Thiền là sống ở đây lúc này, với tâm không vướng mắc.

Thiền đến từ tâm tĩnh lặng, không vướng mắc. Có gì lạ đâu mà tò mò?


Thắp hương và đồ lễ cúng tại sao luôn là số lẻ

 



Tập hợp từ net và chiêm nghiệm

Vì liên quan đến cả tâm linh và phong thủy nên người ta chọn thắp hương số lẻ, sắm các đồ lễ như hoa tươi, trái cây, nải chuối... cần số lẻ..

1. Thắp hương thờ cúng với người Việt

Việc thắp hương bắt nguồn từ rất lâu đời và duy trì tới tận ngày nay. Nén hương, đồ lễ dâng lên ban thờ Thần, Phật, gia tiên… chính là nhịp cầu kết nối giữa thế giới hữu hình và vô hình, giữa âm và dương, giữa người sống và người đã khuất.

Bởi thế, vào các ngày rằm, mùng 1 đầu tháng, ngày giỗ, lễ, tết… người dân Việt Nam đều có thói quen thắp hương để tưởng nhớ gia tiên, cầu bình an cho gia đạo.

Đây là một nét đẹp văn hóa, góp phần bảo tồn giá trị và bản sắc dân tộc chứ không hề mang tính mê tín dị đoan.

Việc dâng hương, dâng đồ lễ thờ cúng được chia làm 2 mục đích chính:

– Một là cúng bái âm giới (cõi âm), tức là dành cho người đã khuất.

– Hai là cầu khấn Thần Phật (Thần tiên, Bồ tát, Phật tổ…).

Và dù là mục đích gì đi nữa, khi thắp hương hay chuẩn bị các đồ cúng, người ta cũng chọn các số lẻ như 1, 3, 5, 7 hay 9. Tại sao cần thắp hương số lẻ như vậy?

2. Vì sao thắp hương số lẻ?

Như đã nói phía trên, việc thắp hương, dâng đồ thờ cúng thể hiện sự kết nối tâm linh giữa thế giới vô hình và hữu hình, giữa âm và dương.

Theo quan điểm về mặt phong thủy và tâm linh, những số lẻ như 1, 3, 5, 7 và 9 này được coi là số dương, tượng trưng cho may mắn. Còn số chẵn như 2, 4, 6 và 8 là số âm, tượng trưng cho điềm xui, không may mắn.

Vì thế, ngoại trừ thắp 2 nén hương cho người khuất trong thời gian còn để tang thì hầu như mọi người đều thắp số lẻ cho các việc thờ cúng… khi thắp lên bày tỏ sự tôn trọng và tấm lòng thành khẩn của con người.

3. Ý nghĩa những số lẻ khi thắp hương

1 nén hương

Với việc thờ cúng thần linh trong nhà, thắp 1 nén hương được gọi là Bình An hương. Theo đó, nếu muốn cầu người nhà bình an, mọi việc thuận lợi thì gia chủ có thể thắp 1 nén hương mỗi buổi sáng tối trong 1 ngày là đủ.

Khi đến chùa chiền, chúng ta cũng chỉ cần thắp 1 nén hương là đủ. Nén hương đó được gọi là Tâm hương. Tuy chỉ một nén nhưng nén tâm hương lại bao gồm ý nghĩa năm sắc hương:

Giới hương (tự nhắc nhở mình hướng thiện để tâm luôn trong sáng).

Định hương (giữ cho lòng yên ổn không bị cái xấu)

Tuệ hương (làm cho trí não luôn sáng suốt để thu nhận được những điều tốt đẹp, thiện lương).

Tri kiến hương (giúp ta vững tin phát triển năng lực, trí tuệ).

Giải thoát hương ( giúp ta buông xả mọi ưu phiền cũng như những ham muốn tội lỗi và một phần phòng tránh hỏa hoạn hay ô nhiễm).

3 nén hương

Cách thắp hương này thể hiện ý nghĩa là Tâm hương (lòng thành), Giới hương (theo lời răn dạy của Phật thánh tổ đường) và Định hương (tuyệt đối không thay lòng đổi dạ).

Theo Đạo Phật, cách thắp 3 nén hương này gọi là Tam Bảo Hương. Tam Bảo chính là Phật, Pháp và Tăng.

Ngoài ra, cách thắp này còn mang các ý nghĩa khác, gồm:

Tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới).

Tam thời (Quá khứ – Hiện tại – Tương lai).

Tam vô lậu học (Giới – Định – Tuệ).

Điều này lý giải vì sao ở sân chùa thường có 3 đỉnh hương to.

Trong Phong thủy thì số 3 là tượng của tam giới: Thiên (Trời), Địa (Đất), Nhân (Người).

Vì vậy khi làm những việc quan trọng trong đời thì người ta thường thắp 3 nén hương lên bàn thờ và khấn: “Hoàng Thiên (Trời), Hậu Thổ (Đất), những chiến sĩ trận vong, cô hồn… (Nhân ) phù hộ độ trì…”.

Theo Đạo giáo, 3 nén hương này gọi là Tam Thanh Hương, trong đó Tam Thanh là Ngọc Thanh: Thiên tôn nguyên thủy; Thượng Thanh: Thiên tôn Linh Bảo và Thái Thanh: Thiên tôn Đạo Đức.

Trong 3 nén hương này, nén ở giữa là hưởng chủ, gọi là hương Giáo chủ; nén bên trái là hương Thanh Long; còn nén bên tay phải là hương Bạch Hổ. Mục đích của việc thắp 3 nén hương này là linh ứng báo tin, bảo vệ người trong nhà và xua đuổi mọi tai ương.

5 nén hương

Thắp 5 nén hương có ý nghĩa là 5 phương trời đất, 5 hướng thần linh.

Theo phong thủy thì là Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Thông thường có 2 cách để cắm 5 nén hương vào bát hương trên bàn thờ.

Cách cắm thứ nhất: Sắp xếp theo 5 phương, ở giữa là hương Giao chủ, trái là hương Thanh Long, phải là hương Bạch Hổ, phía trước là hương Chu Tước, phía sau là lương Huyền Vũ.

Cách cắm thứ 2: Sắp xếp theo hình chữ “Nhất” theo chiều ngang với nén hương thứ nhất là hương Thanh Long, thứ 2 là Bạch Hổ, thứ 3 là Quan Khẩu, thứ 4 là Hộ Pháp và thứ 5 là Báo Mã.

Thông thường cách thắp 5 nén hương này do các thầy pháp tiến hành để dự báo hung cát cho người khác hoặc mời gọi thần linh.

7, 9 nén hương

Số 7 và số 9 được tượng trưng cho số lượng “vía” của con người, khi người ta muốn xin ơn cho cá nhân. Ngoài ra, còn quan điểm khác về cách thắp 7 và 9 nén hương như sau:

7 nén hương: Con số 7 này tượng trưng cho Bắc Đẩu Thất Tinh hương với tên gọi lần lượt là Thiên Xu, Thiên Toàn, Thiên Cơ, Thiên Quyền, Khai Dương, Ngọc Hoành và Dao Quang.

Cách thắp 7 nén hương cùng lúc để mời gọi thần linh, thiên tướng, nếu không đến mức độ bất đắc dĩ thì không nên dùng cách thắp hương này.

9 nén hương: Được gọi là Cửu cửu liên hoàn hương, được bày theo 3 hàng và 3 cột, trên mời Ngọc Hoàng Đại Đế, dưới mời Thập điện Diêm Vương.

Đây được coi là tín hiệu dùng để cầu cứu, trong trường hợp bất đắc dĩ và hầu như không có sự trợ giúp nào của con người thì mới sử dụng, hy vọng Ngọc Hoàng Đại Đế và Thập điện Diêm Vương cứu giúp muôn dân, cứu khổ cứu nạn.

4. Vì sao đồ cúng cần chuẩn bị số lẻ?

Cũng tương tự như việc thắp hương số lẻ, việc chuẩn bị đồ lễ như hoa tươi, trái cây và dễ nhận thấy nhất là nải chuối cũng cần số lẻ. Trên thực tế, nải chuối có số quả lẻ thường bán đắt hơn nải chuối có số quả chẵn vào mỗi dịp mùng 1, ngày rằm hay lễ tết.

Như đã nói, về mặt phong thủy, số chẵn là số âm, lẻ là số dương, số âm không may mắn. Vì thế mà việc lựa chọn đồ lễ để dâng cúng tổ tiên, Thần Phật cần chọn số lẻ (sự may mắn, tốt lành) để thể hiện tấm lòng thành kính.

Thêm một cách lý giải khác, thắp hương phải kiêng số chẵn, 3 nén hương là thờ Thiên, Địa, Nhân, 5 nén là thờ 5 đức tính của con người là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.

Tư duy của con người là thích số lẻ, số lẻ là số của sự sinh sôi. Tương tự vậy, nải chuối được lựa chọn để thắp hương cũng thường có số quả lẻ.

5. Lưu ý quan trọng không thể bỏ qua

Đọc đến đây có lẽ bạn đã tỏ tưởng vì sao thắp hương số lẻ, chuẩn bị đồ cúng lễ cũng là những số lẻ rồi.

Tuy nhiên, tùy vào văn hóa, phong tục tập quán vùng miền mà việc thắp hương thờ cúng có sự khác biệt, không nơi nào giống nơi nào, không ai sai hay đúng. Tựu chung lại, việc thờ cúng cốt ở thành tâm, mâm cao cỗ đầy mà vô tâm thì vô nguyện vô an.

Theo đó, khi dâng hương cầu khấn, cần hết sức lưu ý:

– Cần có lời cầu khấn

Lúc thắp hương, lên hương ở đình miếu, chùa chiền thì có khói hương tỏa ra như là một sợi dây vô hình giúp chúng ta có thể bày tỏ nguyện vọng tâm tư của mình để cầu xin điều gì đó. Vì thế cần phải khấn vái để thần linh chứng giám và phù hộ.

Hoặc đơn giản hơn, trong ngày rằm mùng 1 đầu tháng, chúng ta thắp hương và cầu khấn để được Thần linh che chở, độ trì gia đình bình an, cát lành.

– Cần phải có thành ý

Việc sắm lễ, lau dọn ban thờ, ăn mặc chỉn chu, chu đáo cũng là cách để chúng ta bày tỏ tấm lòng thành kính với gia tiên, thần linh.

Khi thắp hương khấn vái, hãy tập trung vào việc đốt hương và cầu khấn, không nên vừa thắp hương vừa làm việc khác hay trò chuyện rôm rả. Như vậy dễ bất kính với đấng bề trên, khó mà sở cầu như nguyện.

Thông tin mang tính tham khảo, chiêm nghiệm!

 

04/03/2022

Chùa Việt (Phần 2 gồm các Chư vị Hộ Pháp)

(Phần 2)

 Bước vào tòa đầu tiên - Tòa tiền đường, hay bái đường - của chùa, bao giờ số gian cũng là lẻ, gian giữa thông với Thượng điện, các gian rộng ra hai bên. 

Thường ở tòa này có hai pho tượng rất lớn, lớn nhất trong số các bức tượng trong chùa miền bắc, đó là hai tượng Hộ pháp. Do đó Tiền đường còn được gọi là chùa hộ. 

Tượng Hộ pháp tượng trưng cho các lực lượng bảo hộ cho Phật pháp, gồm Khuyến thiện và Trừng ác, quen gọi là ông Thiện và ông Ác. Tuy vậy sự phân biệt này hoàn toàn mang tính dân gian, chứ trong Phật giáo không có sự phân chia như thế. Thiện và Ác chỉ có khi người ta còn phân biệt. Khi đã ở vào Trung đạo sẽ chỉ còn Phật tính, khi đó không có thiện và ác nữa.

Tượng Hộ pháp chùa Bút Tháp

Tượng Hộ Pháp có thể bày quay mặt ra phía ngoài cửa chùa, hoặc cũng có thể bày quay mặt vào giữa, tùy vào từng chùa. Đầu tượng cao gần mái chùa.

Hộ pháp thường ngồi trên lưng hai con nghê lớn, tuy vậy, con nghê thường trông vẫn nhỏ so với tượng, có vẻ bị đè đến sắp bẹp ruột. Hộ pháp tay cầm vũ khí trong tư thế phòng vệ; hoặc cầm một pháp khí như hòn đá thiêng, ngọc ước, hay lưỡi lửa, trong thế bảo hộ. Tượng thường có dải lụa bay lên đằng sau đầu, thể hiện thần thông.

Hộ pháp chùa Nành

Tượng Hộ pháp thường được đắp bằng đất sét, trộn với giấy bản giã nhỏ, mật mía, vôi. Khung cốt tượng được làm bằng tre, đan kĩ, sau khi đắp xong được sơn kĩ ra bên ngoài bằng sơn ta.

Tượng làm bằng đất, nên nếu gặp mưa gió, bão lụt thì sẽ hỏng, do đó tượng Hộ pháp đắp đất bắt buộc phải để trong chùa, sát vách tường để được che chắn. Nhờ vậy, có những pho tượng đã tồn tại hơn 400 năm mà vẫn đẹp. Cách xử lý đất, sơn... của các cụ cũng thật đáng nể.

Kỉ lục về độ lớn của tượng Hộ pháp là hai pho ở chùa Thầy, với chiều cao đến gần 4m, lượng đất cũng vài tấn. Pho này được đắp cách đây khoảng 400 năm. Tuy vậy hai pho này không đẹp lắm, có vẻ hơi không cân đối.

Hai hộ pháp Thiện và Ác, có trường hợp gọi là Thiện Hữu và Ác Hữu, lại cũng có những câu chuyện khác.

Thiện Hữu là một vị hoàng tử, cũng là ứng thân trước của Phật, phát nguyện cứu giúp chúng sinh. 

Ác Hữu là Đề Bà Đạt Đa, (hay Đạt Điêu) là em họ của Phật Thích Ca, cũng là bậc tu hành, học giáo pháp của Phật, thu thập tăng đồ, tìm về chính đẳng chính giác. Nhưng Đạt Đa không chịu tuân theo một số điều của Phật, và muốn lãnh đạo tăng đoàn theo cách riêng, muốn lập hệ phái riêng của mình ngay khi Phật còn tại thế. Để củng cố vị trí của mình, Đạt Đa nhiều lần tìm cách làm hại Phật, như sai người ám sát, thả thú dữ,..., nhưng Phật đều hóa giải. 

Tăng đoàn mà Đạt Đa lãnh đạo - xét theo nghĩa nào đó - cũng vẫn là học theo Phật pháp, nhưng có những giáo luật khác, và không nhận mình là từ Phật. Do đó, Đạt Đa tuy làm ác với Phật, nhưng vẫn có công trong việc giáo hóa chúng sinh. Hơn nữa, từ hành động của Đạt Đa, Phật mới đặt thêm những quy định nhiều hơn để củng cố tăng đoàn của mình, làm cho bộ Luật thêm chặt chẽ. 

Cho nên xét về khía cạnh giới định, thì Đạt Đa cũng có công hộ pháp. Và theo truyền thuyết thì Đạt Đa cũng vẫn được thác sinh vào hàng các vị Thiên vương trên cõi trời. Giờ đây, Ác Hữu Đạt Đa trở thành người hộ vệ Phật pháp tại chùa. Cái Ác hay cái Thiện chung quy lại cũng không phải là thường trụ.

Tất nhiên là mọi người vào chùa thường cũng không cần hiểu sâu xa đến thế.

Tiếp theo hai tượng Hộ pháp to lớn, trong chùa còn có một số tượng khác cũng mặc trang phục võ tướng, cầm binh khí, bao gồm:

- Bát bộ Kim Cương

- Tứ đại Thiên Vương

- Tam châu Thái tử

- Đức Ông

Các vị Kim Cương - tượng trưng cho sự cứng rắn bất hoại, kiên định vĩnh cửu. Có Kinh Kim Cương, Kim Cương Thừa là một tông phái, có Kim cương chử là một pháp khí thần thánh. Lại cũng có các vị Kim cương, mà ta thường gặp là 8 vị.

Các vị Kim Cương cũng là các Bồ tát, phát tâm trở thành các thần tướng bảo hộ Phật pháp, chống lại những điều sai trái. Các vị Kim Cương mặc võ phục, cầm binh khí trong các thế võ sống động. 

Tên của các vị ấy thực ra cũng không quan trọng, và cũng chẳng cần nhớ, và lại cũng không giống nhau giữa các phiên bản.

Bốn vị Kim Cương bày dọc tường, cạnh một tượng Hộ pháp ở chùa Dâu. Bên kia cũng có một bộ như thế. Thế là gian Tiền đường có đến 10 vị tướng đứng trấn giữ cho chùa.

Một số pho Kim Cương chùa Thầy (Thiên Phúc tự). Thực ra đây là các pho tượng bằng thạch cao làm lại theo khuôn mẫu tượng chùa Tây Phương.

Bộ tượng Kim Cương bằng chùa Tây Phương được xếp loại đẹp nhất trong các bộ Kim Cương. Tượng không sơn son thếp vàng, mà sơn then, và cánh gián, cùng màu da, trông rất thật và sống.

Còn một bộ tượng mặc võ phục nữa là tượng Tứ đại Thiên vương. Bộ này không phải chùa nào cũng có.

Đọc truyện Tây Du Ký, gặp các vị : Tăng Trường thiên vương, Đa Văn thiên vương, Trì Quốc thiên, Quảng Mục thiên vương vương canh giữ các cửa Nam thiên, Bắc thiên, Đông thiên, Tây thiên môn, tưởng đây là các thần Trung Quốc. Té ra không phải.

Các thiên vương (devaraja) vốn là sản phẩm của Phật giáo, là các vị thuộc hàng Chư Thiên canh giữ bốn phía núi Tu Di, cõi Dục giới và Sắc giới. Sang TQ mới thành ra các Thiên môn. Như vậy Thiên vương vẫn thấp hơn các vị Kim Cương vốn thuộc hàng bồ tát. Các thiên vương cũng bảo vệ Phật pháp, mỗi vị mang một pháp khí tượng trưng cho thức tỉnh. Nhưng khi sang TQ thì các pháp khí lại trở thành các Vũ khí.

Tăng Trường thiên vương cầm gươm, để chặt đứt Vô minh; Trì Quốc thiên vương cầm đàn, để thức tỉnh chúng sinh; Đa Văn thiên vương cầm cờ (hay lọng) tượng trưng chiến thắng; Quảng Mục thiên vương cầm con rắn bảo vệ ngọc như ý.

Nhưng nếu đọc truyện Phong thần, thì 4 Thiên vương này vốn là 4 anh em họ Ma (Ma gia tứ tướng) giúp Trụ vương: Ma Lễ Thanh cầm gươm Thanh Vân; Ma Lễ Hồng cầm lọng Hỗn Nguyên tán; Ma Lễ Hải cầm Ngọc tì bà; Ma Lễ Thọ cầm Hoa hồ điêu. Sau khi bị giết chết, được Phong thần thành 4 thiên vương giữ 4 cửa trời.

Truyện Ma gia tứ tướng là do người TQ muốn Hán hóa các Thiên vương xuất xứ Ấn Độ nên mới bịa ra để ôm về cho mình.

Tượng của Tứ đại thiên vương thường đứng ở đâu ?

Đúng nhất thì bốn tượng này đứng ở bốn góc tháp lớn. Tháp lớn của chùa là đại diện cho Vũ trụ, cho núi Tu Di, mà Tứ thiên vương trấn giữ thế giới ở bốn phía của núi Tu Di, nên tượng đặt ở bốn phía của tháp.

Một số tháp cổ đã bị phá như tháp Báo Thiên, tháp Chương Sơn, tháp Long Đọi, tháp Phật Tích đều có tượng Thiên vương ở các góc tháp.

Những chùa không có tháp lớn, nếu có tượng Thiên vương, thì bốn tượng này có thể đứng ở trong điện, trước Chính điện, sau chính điện, hoặc quanh bàn thờ chính của tòa Cửu Long; như có thể thấy ở chùa Thầy, chùa Bối Khê...

Di vật tượng Thiên vương bằng đá đời Lý ở tháp chùa Phật Tích (nay tháp bị phá hủy hoàn toàn)

Tượng thiên vương trong góc tháp Hòa Phong chùa Dâu. Bốn góc tháp có 4 tượng.

Một số chùa còn có tượng một vị tướng võ, mặc khôi giáp uy nghi, nhưng khuôn mặt rất hiền từ. Vị tướng ấy được gọi là Thái tử.

Thái tử tên là Kỳ Đà hay Vi Đà (Jeta), vương tử con vua Ba Tư Nặc, người sở hữu khu vườn đẹp nhất thành Xá Vệ. Trưởng giả Cấp Cô Độc vì muốn có nơi đất đẹp để mời Phật đến thuyết pháp, hỏi mua khu vườn đó. Kỳ Đà đòi số vàng trải kín vườn, và Cấp Cô Độc đã thực hiện đúng giao kèo, mua được khu vườn mời Phật về. Kỳ Đà từ ngạc nhiên đã chuyển sang quy phục Phật, trở thành bậc Hộ pháp.

Khu vườn đó rất nổi tiếng, được gọi là Kỳ Viên Tịnh Xá (Tịnh xá vườn của Kỳ Đà). Kỳ Đà được gọi là Tam Châu Thái tử, tức là vị Hộ pháp trong cả ba cõi.

Tượng Thái tử Kỳ Đà chùa Tây Phương, chắp tay là Khuyến thiện, thanh gươm để ngang là Trừng Ác.
Pho tượng gợi lên cảm giác : Buông đao thành Phật

Tam châu Thái tử chùa Dâu. Tượng này có đôi chân rất giống Charlie Charlin.

Những hình tượng giận dữ, phẫn nộ của các vị thần tướng này có tác dụng ngăn chặn sự sa đọa của con người.

Nhìn vào đó, người ta có thể biết kính sợ mà giảm tội lỗi của chính mình.

Trong các chùa Nhật Bản thường có tượng Minh Vương, có hình tướng giận dữ còn ghê hơn thế này nhiều, cũng với mục đích tương tự. Còn ở Việt Nam, nhìn chung các tượng đều có vẻ hiền từ hơn.

So sánh với Hộ pháp của bạn Tàu, thì hình tượng Hộ pháp của bạn ý mặc dù đội mũ có Phật, nhưng trông vẫn giống hệt một giống yêu quái man rợ trong truyện Tây Du Ký.

.................