(Phần 2)
Bước vào tòa đầu tiên - Tòa tiền đường, hay bái đường - của chùa, bao giờ số gian cũng là lẻ, gian giữa thông với Thượng điện, các gian rộng ra hai bên.
Thường ở tòa này có hai pho tượng rất
lớn, lớn nhất trong số các bức tượng trong chùa miền bắc, đó là hai tượng Hộ
pháp. Do đó Tiền đường còn được gọi là chùa hộ.
Tượng Hộ pháp tượng trưng cho các lực
lượng bảo hộ cho Phật pháp, gồm Khuyến thiện và Trừng ác, quen gọi là ông Thiện
và ông Ác. Tuy vậy sự phân biệt này hoàn toàn mang tính dân gian, chứ trong Phật
giáo không có sự phân chia như thế. Thiện và Ác chỉ có khi người ta còn phân biệt.
Khi đã ở vào Trung đạo sẽ chỉ còn Phật tính, khi đó không có thiện và ác nữa.
Tượng Hộ pháp chùa Bút Tháp
Tượng Hộ Pháp có thể bày quay mặt ra
phía ngoài cửa chùa, hoặc cũng có thể bày quay mặt vào giữa, tùy vào từng chùa.
Đầu tượng cao gần mái chùa.
Hộ pháp thường ngồi trên lưng hai con
nghê lớn, tuy vậy, con nghê thường trông vẫn nhỏ so với tượng, có vẻ bị đè đến
sắp bẹp ruột. Hộ pháp tay cầm vũ khí trong tư thế phòng vệ; hoặc cầm một pháp
khí như hòn đá thiêng, ngọc ước, hay lưỡi lửa, trong thế bảo hộ. Tượng thường
có dải lụa bay lên đằng sau đầu, thể hiện thần thông.
Hộ pháp chùa Nành
Tượng Hộ pháp thường được đắp bằng đất
sét, trộn với giấy bản giã nhỏ, mật mía, vôi. Khung cốt tượng được làm bằng
tre, đan kĩ, sau khi đắp xong được sơn kĩ ra bên ngoài bằng sơn ta.
Tượng làm bằng đất, nên nếu gặp mưa
gió, bão lụt thì sẽ hỏng, do đó tượng Hộ pháp đắp đất bắt buộc phải để trong
chùa, sát vách tường để được che chắn. Nhờ vậy, có những pho tượng đã tồn tại
hơn 400 năm mà vẫn đẹp. Cách xử lý đất, sơn... của các cụ cũng thật đáng nể.
Kỉ lục về độ lớn của tượng Hộ pháp là
hai pho ở chùa Thầy, với chiều cao đến gần 4m, lượng đất cũng vài tấn. Pho này
được đắp cách đây khoảng 400 năm. Tuy vậy hai pho này không đẹp lắm, có vẻ hơi
không cân đối.
Hai hộ pháp Thiện và Ác, có trường hợp gọi là Thiện Hữu và Ác Hữu, lại cũng có những câu chuyện khác.
Thiện Hữu là một vị hoàng tử, cũng là ứng
thân trước của Phật, phát nguyện cứu giúp chúng sinh.
Ác Hữu là Đề Bà Đạt Đa, (hay Đạt Điêu)
là em họ của Phật Thích Ca, cũng là bậc tu hành, học giáo pháp của Phật, thu thập
tăng đồ, tìm về chính đẳng chính giác. Nhưng Đạt Đa không chịu tuân theo một số
điều của Phật, và muốn lãnh đạo tăng đoàn theo cách riêng, muốn lập hệ phái
riêng của mình ngay khi Phật còn tại thế. Để củng cố vị trí của mình, Đạt Đa
nhiều lần tìm cách làm hại Phật, như sai người ám sát, thả thú dữ,..., nhưng Phật
đều hóa giải.
Tăng đoàn mà Đạt Đa lãnh đạo - xét
theo nghĩa nào đó - cũng vẫn là học theo Phật pháp, nhưng có những giáo luật
khác, và không nhận mình là từ Phật. Do đó, Đạt Đa tuy làm ác với Phật, nhưng vẫn
có công trong việc giáo hóa chúng sinh. Hơn nữa, từ hành động của Đạt Đa, Phật
mới đặt thêm những quy định nhiều hơn để củng cố tăng đoàn của mình, làm cho bộ
Luật thêm chặt chẽ.
Cho nên xét về khía cạnh giới định,
thì Đạt Đa cũng có công hộ pháp. Và theo truyền thuyết thì Đạt Đa cũng vẫn được
thác sinh vào hàng các vị Thiên vương trên cõi trời. Giờ đây, Ác Hữu Đạt Đa trở
thành người hộ vệ Phật pháp tại chùa. Cái Ác hay cái Thiện chung quy lại cũng
không phải là thường trụ.
Tất nhiên là mọi người vào chùa thường
cũng không cần hiểu sâu xa đến thế.
Tiếp theo hai tượng Hộ pháp to lớn,
trong chùa còn có một số tượng khác cũng mặc trang phục võ tướng, cầm binh khí,
bao gồm:
- Bát bộ Kim Cương
- Tứ đại Thiên Vương
- Tam châu Thái tử
- Đức Ông
Các vị Kim Cương - tượng trưng cho sự
cứng rắn bất hoại, kiên định vĩnh cửu. Có Kinh Kim Cương, Kim Cương Thừa là một
tông phái, có Kim cương chử là một pháp khí thần thánh. Lại cũng có các vị Kim
cương, mà ta thường gặp là 8 vị.
Các vị Kim Cương cũng là các Bồ tát,
phát tâm trở thành các thần tướng bảo hộ Phật pháp, chống lại những điều sai
trái. Các vị Kim Cương mặc võ phục, cầm binh khí trong các thế võ sống động.
Tên của các vị ấy thực ra cũng không
quan trọng, và cũng chẳng cần nhớ, và lại cũng không giống nhau giữa các phiên
bản.
Bốn vị Kim Cương bày dọc tường, cạnh một
tượng Hộ pháp ở chùa Dâu. Bên kia cũng có một bộ như thế. Thế là gian Tiền đường
có đến 10 vị tướng đứng trấn giữ cho chùa.
Một số pho Kim Cương chùa Thầy (Thiên
Phúc tự). Thực ra đây là các pho tượng bằng thạch cao làm lại theo khuôn mẫu
tượng chùa Tây Phương.
Bộ tượng Kim Cương bằng chùa Tây
Phương được xếp loại đẹp nhất trong các bộ Kim Cương. Tượng không sơn son thếp
vàng, mà sơn then, và cánh gián, cùng màu da, trông rất thật và sống.
Còn một bộ tượng mặc võ phục nữa là tượng Tứ đại Thiên vương. Bộ này
không phải chùa nào cũng có.
Đọc truyện Tây Du Ký, gặp các vị :
Tăng Trường thiên vương, Đa Văn thiên vương, Trì Quốc thiên, Quảng Mục thiên
vương vương canh giữ các cửa Nam thiên, Bắc thiên, Đông thiên, Tây thiên môn,
tưởng đây là các thần Trung Quốc. Té ra không phải.
Các thiên vương (devaraja) vốn là sản
phẩm của Phật giáo, là các vị thuộc hàng Chư Thiên canh giữ bốn phía núi Tu Di,
cõi Dục giới và Sắc giới. Sang TQ mới thành ra các Thiên môn. Như vậy Thiên
vương vẫn thấp hơn các vị Kim Cương vốn thuộc hàng bồ tát. Các thiên vương cũng
bảo vệ Phật pháp, mỗi vị mang một pháp khí tượng trưng cho thức tỉnh. Nhưng khi
sang TQ thì các pháp khí lại trở thành các Vũ khí.
Tăng Trường thiên vương cầm gươm, để chặt đứt Vô minh; Trì Quốc thiên vương cầm
đàn, để thức tỉnh chúng sinh; Đa Văn thiên vương cầm cờ
(hay lọng) tượng trưng chiến thắng; Quảng Mục thiên vương cầm
con rắn bảo vệ ngọc như ý.
Nhưng nếu đọc truyện Phong thần, thì 4
Thiên vương này vốn là 4 anh em họ Ma (Ma gia tứ tướng) giúp Trụ vương: Ma Lễ
Thanh cầm gươm Thanh Vân; Ma Lễ Hồng cầm lọng Hỗn Nguyên tán; Ma Lễ Hải cầm Ngọc
tì bà; Ma Lễ Thọ cầm Hoa hồ điêu. Sau khi bị giết chết, được Phong thần thành 4
thiên vương giữ 4 cửa trời.
Truyện Ma gia tứ tướng là do người TQ
muốn Hán hóa các Thiên vương xuất xứ Ấn Độ nên mới bịa ra để ôm về cho mình.
Tượng của Tứ đại thiên vương thường đứng
ở đâu ?
Đúng nhất thì bốn tượng này đứng ở bốn
góc tháp lớn. Tháp lớn của chùa là đại diện cho Vũ trụ, cho núi Tu Di, mà Tứ
thiên vương trấn giữ thế giới ở bốn phía của núi Tu Di, nên tượng đặt ở bốn
phía của tháp.
Một số tháp cổ đã bị phá như tháp Báo
Thiên, tháp Chương Sơn, tháp Long Đọi, tháp Phật Tích đều có tượng Thiên vương ở
các góc tháp.
Những chùa không có tháp lớn, nếu có
tượng Thiên vương, thì bốn tượng này có thể đứng ở trong điện, trước Chính điện,
sau chính điện, hoặc quanh bàn thờ chính của tòa Cửu Long; như có thể thấy ở
chùa Thầy, chùa Bối Khê...
Di vật tượng Thiên vương bằng đá đời
Lý ở tháp chùa Phật Tích (nay tháp bị phá hủy hoàn toàn)
Tượng thiên vương trong góc tháp Hòa
Phong chùa Dâu. Bốn góc tháp có 4 tượng.
Một số chùa còn có tượng một vị tướng
võ, mặc khôi giáp uy nghi, nhưng khuôn mặt rất hiền từ. Vị tướng ấy được gọi là
Thái tử.
Thái tử tên là Kỳ Đà hay Vi Đà (Jeta),
vương tử con vua Ba Tư Nặc, người sở hữu khu vườn đẹp nhất thành Xá Vệ. Trưởng giả
Cấp Cô Độc vì muốn có nơi đất đẹp để mời Phật đến thuyết pháp, hỏi mua khu vườn
đó. Kỳ Đà đòi số vàng trải kín vườn, và Cấp Cô Độc đã thực hiện đúng giao kèo,
mua được khu vườn mời Phật về. Kỳ Đà từ ngạc nhiên đã chuyển sang quy phục Phật,
trở thành bậc Hộ pháp.
Khu vườn đó rất nổi tiếng, được gọi là
Kỳ Viên Tịnh Xá (Tịnh xá vườn của Kỳ Đà). Kỳ Đà được gọi là Tam Châu Thái tử, tức
là vị Hộ pháp trong cả ba cõi.
Tượng Thái tử Kỳ Đà chùa Tây Phương,
chắp tay là Khuyến thiện, thanh gươm để ngang là Trừng Ác.
Pho tượng gợi lên cảm giác : Buông đao thành Phật
Tam châu Thái tử chùa Dâu. Tượng này
có đôi chân rất giống Charlie Charlin.
Những hình tượng giận dữ, phẫn nộ của
các vị thần tướng này có tác dụng ngăn chặn sự sa đọa của con người.
Nhìn vào đó, người ta có thể biết kính
sợ mà giảm tội lỗi của chính mình.
Trong các chùa Nhật Bản thường có tượng
Minh Vương, có hình tướng giận dữ còn ghê hơn thế này nhiều, cũng với mục đích
tương tự. Còn ở Việt Nam, nhìn chung các tượng đều có vẻ hiền từ hơn.
So sánh với Hộ pháp của bạn Tàu, thì
hình tượng Hộ pháp của bạn ý mặc dù đội mũ có Phật, nhưng trông vẫn giống hệt một
giống yêu quái man rợ trong truyện Tây Du Ký.
.................
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét