27/03/2022

Chùa Việt - Phần 10 (lên chùa)

 Phần 10.



Vào chùa tâm tĩnh lặng

Bước chân chẳng vội vàng

Vui trong niềm tỉnh thức

Hạnh phúc thật nhẹ nhàng

Nói đến chùa Việt mà không nói đến lên chùa (đi chùa) là một thiếu xót. Bởi vì trong tâm thức người Việt từ thuở xa xưa (ít nhất từ thời Lý, không nói là sớm hơn nữa) thì việc lên chùa vào những ngày sóc, ngày vọng (mồng một, ngày rằm hàng tháng), những ngày đầu Xuân năm mới… là điều đương nhiên.

Người Việt Nam ta, nhất là người nông dân, thị dân tiếp nhận Phật giáo không phải là những giáo lý cao sâu mang tính kinh viện, mà chủ yếu ở những quan niệm về lối sống, nếp sống theo tư tưởng khuyến thiện, trừ ác theo luật nhân quả ở hiền gặp lành, cung cách ứng xử xã hội một cách hài hòa, ăn ở sao để phúc đức cho con cháu… 

Chùa ngày xưa tôi đến rộng rãi, mái ngói rêu phong cổ kính, vườn chùa nhiều cây cỏ hoa lá thơm lành tươi mát. Đến chùa là tìm được sự an lành, yên ổn tâm hồn, hít thở không khí trầm hương thơm ngát, nghe tiếng kinh kệ u trầm, cảm thấy thân tâm an lạc.

Mọi người lên chùa với một tâm thái trang trọng, hồn nhiên và vô cùng giản dị. Chỉ chút lễ mọn như quả cau, lá trầu, nải chuối, một chút tiền hương nến…gọi là tiền "giọt dầu" nhưng với tấm lòng thành kính dâng lên ban thờ Phật hoặc tới tay các vị tăng, ni. 

Họ thưa, gọi từ Thầy Cả đến chú tiểu đều bằng Thầy và xưng Con rất lễ độ. Nhà Chùa có việc thì mọi người hô hào nhau, xúm vào cùng gánh vác, coi như phận con cháu đến giúp mẹ cha vậy, thân thiện và chu đáo vô cùng.

Dân làng có việc, biện chút trầu thuốc thưa gửi, nhờ Thầy Cả đến nhà lo cho gia chủ việc tang gia hay dịp lễ lạt nào đó. Nhà Chùa thu xếp đến ngay, rất tận tình.

Cửa chùa luôn rộng mở, từ bậc vua chúa, quan lại đến kẻ nghèo hèn, cơ nhỡ, lang bạc đều có thể vào tá túc. Dù nghèo, nhưng Nhà Chùa vẫn chứa chấp những kẻ trốn quan, phụ nữ sa cơ…chứ không ghẻ lạnh, xua đuổi nên đã bao bọc bao phận người khó.

Con cháu đi xa trở về hoặc người thành đạt đều biện lễ dâng lên cảm ơn Phật tổ, cảm ơn Nhà Chùa với tấm lòng thành kính…

Âu những nét đẹp đó bây giờ hẳn vẫn còn nhưng cũng có phần lạt về chân tâm, cũng vì nhiều lẽ.

Nhà Chùa là nơi truyền bá chính pháp. Là nơi tôn thờ Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng. Nhưng nhiều chùa hiện nay, các tăng, ni chỉ chú trọng vào việc cúng lễ hơn là giảng đạo và tổ chức khóa tu. Nào là hộ niệm, cầu siêu, cúng tuần, dâng sao giải hạn, giải oan.. vô hình dung biến đạo Phật thành đạo cầu cúng và đạo của người chết.

Cả đời tạo nghiệp, đến lúc chết nhờ hộ niệm và cầu siêu liệu có siêu thoát? Đầu năm cầu an mà quanh năm tạo nghiệp liệu có an ?

Một khi đã là đạo của người chết thì làm sao thu hút được người sống và người trẻ đến chùa học và hiểu Pháp ?.

Tôi có hỏi nhiều người rất chăm lên chùa, thậm chí còn mua, may mặc trang phục bên Phật giáo rằng:

- Tam Bảo là gì ?

- Các bạn đi chùa theo tông giáo nào vậy ?

- Các bạn có biết Bồ tát khác La hán thế nào không ?

-...

 Phần đa là ngắc ngứ không trả lời được - Tại sao vậy ?

Đó là các bậc tăng, ni bây giờ mải tập trung vào việc lo cho các việc tang sự, an sao - giải hạn... mà quên mất việc tu tập và hoằng pháp thì hệ quả tất yếu chúng ta đi chùa chỉ biết cầu xin mà không hiểu đạo. Mà khi đã không hiểu đạo thì việc bị cải đạo dễ như trở bàn tay. Đi chùa như thế không mê tín mới lạ.

Vào những ngày tuần tiết, nhất là những ngày đầu xuân, không khí lên chùa lễ Phật vẫn rất nhộn nhịp, thậm chí còn náo nhiệt, đông đúc hơn xưa, nhưng dường như cái tâm thế của con người thời nay đến với thần Phật không còn như xưa, mặc dù ngày nay người ta mang nhiều lễ vật, hương hoa, tiền bạc, vàng mã đến chùa đền hơn.

Hành vi của con người không còn thật khiêm nhường, tĩnh tâm, thành kính, mà thay bằng sự xô bồ, phô trương. Ai cũng có vẻ hối hả như tranh giành lấy cái phúc lộc mà thần Phật sẽ ban phát cho mình. Tệ hại hơn là xuất hiện cái hủ tục rải tiền thật khắp nơi, nhét vào tận tay thần Phật, cứ tưởng như vậy là thể hiện lòng thành, người trông giữ đền chùa hình như cũng rẻ rúng những đồng bạc mệnh giá nhỏ nên để nhiều trường hợp tiền cứ theo gió, theo bước chân người đi chùa dẫm đạp. Thật sự đó là những hành động vừa phản lại tâm linh, tín ngưỡng vừa  phản văn hóa.

 Phật giáo có câu 'Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn' có nghĩa chúng ta tự giác điều chỉnh và cảnh tỉnh bản thân rồi sẽ thấy cuộc sống tốt đẹp hơn, từ đó con người sẽ lan tỏa cái tốt đẹp đó sang những người xung quanh chứ không phải Phật đem cho chúng ta những cái đó. Chúng ta không nên mong có một thế lực siêu nhiên nào hỗ trợ, mà phải nỗ lực bằng chính khả năng của mình.

Vì thế, thành tâm chắp tay lễ Phật không phải là cầu xin cho mình mà là cảm ơn Phật tổ, Chư Phật đã chỉ đường, dẫn lối cho ta đến điều hay, lẽ phải - cho chúng ta hướng thiện.

Lên chùa  sửa mình sao cho con người trở lên thanh sạch về cả thể chất và linh hồn để hướng tới lý tưởng của Phật tổ: Từ bi và trí tuệ.

Ở đây, tôi xin trích một phần bài giảng của Thầy Thích Thanh Từ, mong mọi người đọc:

...Chúng ta đến với đạo Phật là đến với tâm hồn chân thật, phải dụng công tu hành, không phải đến với đạo Phật bằng cách cầu xin. Nếu quý Phật tử ngẫm kỹ, nhớ cho rõ ràng, từ hồi biết đi chùa cho tới bây giờ, mình tu theo Phật hay là cầu xin Phật? Chắc tu ít, cầu xin thì nhiều. Đó là điều đáng buồn mà cũng rất đáng thương. Nếu phật tử cứ đi cầu xin hoài thì đạo Phật đã mất rồi. Dầu còn chùa, còn Phật tử cũng không còn đạo Phật, vì Phật dạy tu mà mình có tu gì đâu? Nên nhiều người đi chùa mười năm, hai mươi năm nhưng phiền não ngày càng tăng chớ không giảm. Đi chùa nhiều mà sân cũng lắm, giận cũng nhiều thì có hiệu quả gì đâu.

Chúng ta đến với đạo Phật là để tu, mà tu thì phải làm sao? Phật dạy lấy nhân quả làm căn bản. Chúng ta gieo nhân tốt rồi còn phải cố gắng duy trì, bảo vệ thì sẽ được quả tốt. Nếu chúng ta gieo nhân xấu thì phải rơi vào cảnh khổ, không nghi ngờ. Như vậy người phật tử là người biết chọn nhân để gieo, tránh nhân dữ không cho nó sanh khởi, đó là chúng ta tu.

Biết như vậy, hiểu như vậy, thấy như vậy, đó là chúng ta có tỉnh có giác. Còn không hiểu như vậy là không có tỉnh, không có giác. Biết được, nhận chân được lý nhân quả của Phật đó là chúng ta đã giác một phần rồi. Nếu biết nhân quả do mình gây, mình chịu thì chúng ta có kêu trời kêu Phật gì nữa không? Gặp khổ có kêu trời, gặp vui có tạ ơn trời không? Tất cả những điều đó là do nhân mình gây, quả mình hưởng. Biết rõ như vậy thì chúng ta là người tỉnh.

Hơn nữa người tin nhân quả là người gan dạ, can đảm, còn người không tin thì không gan dạ, không can đảm, tại sao vậy? Bởi vì tin nhân quả nên việc gì tốt là do mình tạo thì mình thành công. Mình thành công là do nhân mình làm nên quả mình hưởng, không có gì ngạo mạn cho mình là hơn. Nếu mình gặp điều xấu là do nhân mình không khéo tạo cho nên quả xấu đến với mình. Như vậy là cũng tại mình chứ không trách ai hết.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét