Hôm đó, tôi ra quán bia quen, như mọi khi ngồi nhắm bia với đĩa
lạc luộc. Đầu giờ, nên quán vắng. Có thằng bé tuổi chạc 12 – 13, đeo cái giá
nhỏ bán đồ (tăm, bật lửa, móc khóa…)
đang mời chào khách.
Trông nó nhỏ, gầy nhưng dáng vẻ lanh lợi, mắt sáng và hiền. Nó đến
bên tôi mời: “Chú mua gì cho con đi chú”.
Tôi hỏi: “Con đi bán cái này lâu chưa ?
Có kiếm được nhiều không ?”. Nó đáp: “Con
mới đi bán được hơn tháng nay, cũng đủ cho 2 anh em con không đói chú ạ”. “Vậy em con đâu ?”. Nó chỉ sang đường, “Em con ngồi kia”. Bên đường, 1 cô bé độ
7, 8 tuổi đang ngồi co ro dưới góc cây, trông tội nghiệp lắm.
“Thế bố mẹ con đâu ?”. “Dạ, mất rồi ạ”. Trời, sao lại vậy. Nó
nói: “Bố con bị bệnh, mẹ con ra chăm nhưng
ở nhà không có ai nuôi nên đem bọn con cùng ra đây luôn. Mẹ con đi nhặt rác,
kiếm tiền cho bố chữa bệnh và nuôi bọn con. Bị xe máy đâm chết, người ta đền bù
cho chút tiền. Bố con bệnh nặng và nhớ mẹ nên mấy tháng sau cũng chết. Anh em con
phải đi nhặt rác, rồi có bà cụ cho chúng con ít tiền để con đi bán đồ vặt đỡ
hơn nhặt rác”. “Thế 2 anh em con từ sáng
đến giờ đã ăn gì chưa ?”. “Lúc trưa bọn
con mua bánh mỳ ăn rồi ạ”…
Tôi chỉ đem theo có ít tiền, trả tiền cốc bia rồi đưa số tiền còn
lại cho thằng bé, nói: “Chú cho con vay
chút tiền này, khi nào có thì trả cho chú. Chú thường tầm này ra đây ngồi”.
Thằng bé khoanh tay, lý nhí nói “Con cảm
ơn chú. Khi nào có con sẽ gửi chú ngay. Chú tên là gì ?”…
Khi tôi viết bài này tôi vẫn còn cảm thấy xúc động và nghĩ về
thằng bé. Nó không được đi học đến nơi đến chốn nhưng nó có cái vốn văn hóa
thật đầy. Và tôi tự hỏi: nếu tôi bị xúc động đến thế chỉ bởi một cậu bé đường phố
nói lời cảm ơn tôi vì một chút quà, thế thì mọi người sẽ xúc động đến đâu khi
chúng ta nói những lời cảm ơn - thực sự cảm ơn - vì những gì họ đã làm cho
chúng ta .
Hãy dành thời gian để nói những lời cảm ơn, và đừng bao giờ tiết
kiệm lời cảm ơn cả nhé.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét