26/03/2022

Chùa Việt - Phần 9 (xây chùa)

 Phần 9


“Xây chùa, tô tượng, đúc chuông,

Ba công đức ấy thập phương nên làm”

Chùa là nơi ký thác tâm hồn của người Phật tử, là nơi tôn nghiêm để che chở tâm hồn. Hơn nữa chùa còn là nơi giữ cho tâm hồn con người được trong sáng, thể hiện đạo đức con người. Giúp Phật tử tìm được sự thanh thản, buông bỏ những khó khăn của cuộc sống và vững bước vượt qua nghịch cảnh.

Chùa đã trở thành nét đẹp trong tâm thức của người Việt ta. Chùa thuộc về cộng đồng làng, xã (chùa làng). Nên lòng người vô cùng trân trọng, họ thường tự hào nói rằng “Chùa làng tôi…”.

Có dịp đi nhiều, tôi được tiếp xúc các vị bô lão, người cao tuổi kể về việc đóng góp xây sửa chùa ngày xưa với niềm tự hào và tiếc nuối. Xây chùa bao giờ cũng là một việc trọng đại đối với làng quê Việt Nam, có làng còn đưa hẳn vào hương ước.

Đặc biệt, phong thủy đối với chùa cực kỳ coi trọng; phải đảm bảo vừa thoáng, vừa vững chắc lại phải theo đúng khuôn phép của nhà Phật.

Các ngôi chùa Việt Nam thường được xây dựng bằng các thứ vật liệu quen thuộc như tre, tranh cho đến gỗ, gạch, ngói…

Những vật liệu, tiền bạc dùng cho việc xây dựng chùa thường được quyên góp trong mọi tầng lớp nhân dân, những việc làm như vậy được gọi là “công đức”.

Các chùa nổi tiếng như chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc (Hà Nội); chùa Keo (Thái Bình); chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích (Bắc Ninh),… đều mang những kiến trúc mộc mạc nhưng vẫn trang nghiêm.

Mọi người đến đây lòng thành và không có các hình thức kinh doanh. Cúng dường, các hòm công đức phần lớn là tiền lẻ và mọi người tùy tâm công đức, đóng góp xây dựng chùa.

Việc quyên góp tiền để xây chùa giúp người ta có niềm tin là sẽ được hưởng phúc từ lòng thành của bản thân.

Đối với nhiều làng quê Việt, mái đình, sân chùa là những hình ảnh quen thuộc. Nơi đó là khung cảnh thanh tịnh, giản đơn, ngăn nắp, tươm tất, gọn gàng.

Người ta đến chùa là để tìm thấy sự thanh tịnh trong tâm tưởng, các lễ vật được cọi là “lễ mọn, lòng thành”.

Trong hàng nghìn di tích quý báu, những đình chùa miếu mạo, những làng cổ độc đáo đang được chính quyền và nhân dân bảo tồn đều đã từng được xây dựng bằng tài sản và công sức của cộng đồng làng xã, của những người có tâm, có lòng hướng đến chốn tâm linh Phật pháp.

Công sức và tấm lòng của họ được nhân dân ghi nhớ, lưu truyền, không ít trường hợp còn được lưu lại trong văn bia được tạo dựng trang trọng trong khuôn viên của di tích.

Không ít làng cổ có hệ thống đường thôn ngõ xóm tuyệt đẹp bằng đá xanh, bằng gạch xuất phát từ những tục lệ tốt đẹp: mỗi cô gái khi đi lấy chồng có nghĩa vụ lát cho làng một đoạn đường bằng gạch, hoặc đá.

Từ công sức của mọi người đóng góp, tất cả đều trở thành tài sản của làng: từ cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa chiền, miếu mạo… đều thiêng hóa, mọi người đều được thụ hưởng và có nghĩa vụ gìn giữ bảo vệ.

Các lễ hội dân gian truyền thống cũng được tổ chức bằng nhân tài vật lực của làng xã. Từ những hội làng đến những lễ hội lớn có tầm ảnh hưởng quốc gia như:

Hội chùa Hương, hội Phủ Giày, hội Gióng cũng đều do các làng xã diễn ra lễ hội chủ trì. Ban tổ chức lễ hội do nhân dân bầu ra gồm những người đạo cao đức trọng. Nhân dân cả làng, cả xã tùy tâm, tùy sự phân công mà đóng góp công sức, tiền của, hoàn toàn không vụ lợi.

Không ai có ý định kiếm lợi lộc ở những sinh hoạt văn hóa thiêng liêng như thế này.

Đáng tiếc, những năm gần đây, dường như đã có nhiều nơi, nhiều người toan tính, thương mại, núp bóng tâm linh để xây dựng chùa tháp. Họ đang đi ngược lại với truyền thống văn hóa của dân tộc Ta.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét