(Phần 3)
Chính điện
Chính
điện là nơi quan trọng nhất của một ngôi chùa, nơi bày tượng thờ Phật và các Bồ
tát quan trọng. Lễ chùa thì chắc chắn phải lễ ở Chính điện rồi đi đâu thì đi.
Nhìn
vào chính điện, có thể biết được khá nhiều về ngôi chùa, có thể biết về tông
phái, hệ phái của chùa đó. Sâu hơn nữa thì có thể đoán biết được niên đại của
chùa, tất nhiên không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Chưa
nói đến chùa Khơ Me theo Phật giáo Nguyên thủy, chùa người Việt theo Đại thừa
cũng có sự khác nhau rất nhiều giữa các miền, có thể thấy rõ ràng ở chính điện
chùa.
Chùa
miền Trung trở vào không tạo cảm giác sâu, mà thường là áp sát vào tường cuối
cùng của, với số lượng ít tượng Phật. Chùa miền Nam hoàn toàn là chùa xi măng,
lấy to rộng, trang trí màu sắc làm quan trọng, là chính yếu, chịu ảnh hưởng
người Hoa rất rõ. Chùa Huế thâm trầm, tĩnh lặng như con người xứ Huế, đôi lúc
đơn giản thanh tĩnh.
Chùa
miền Bắc tạo cảm giác sâu hút, thiêng liêng, với rất nhiều tượng. Đó là tích
lũy văn hóa của nhiều triều đại dồn lại, nên phong phú đa dạng. Trên thực tế,
những ngôi chùa, tượng Phật cổ nhất, đẹp nhất và giá trị nhất hầu như đều nằm ở
miền Bắc, với nền văn hiến ngàn năm.
Chính
điện chùa Báo Quốc, một danh lam của xứ Huế.
Bên
trên là bức hoành với 5 chữ : "Sắc tứ Báo quốc tự" - chùa Báo Quốc do
vua sắc phong.
Chính
điện cũng không rộng, với ba pho tượng Tam Thế ngồi ngang hàng ở trên. Bên dưới
là tượng Phật và hai bồ tát ở hai bên, để trong khung kính. Tất cả chỉ có vậy.
Bao lam, cửa võng cũng khá đơn giản. Có thể thấy đây cũng là đặc trưng của
chính điện chùa Huế. Chùa Thiên Mụ thì ba pho Tam thế to hơn, chính điện rộng
hơn, nhưng cũng không nhiều tượng hơn.
Chính
điện chùa Thiên Mụ - Huế.
Chùa
Từ Đàm, một Tổ đình linh thiêng và quan trọng ở Huế còn bày biện đơn giản hơn
nữa. Ở giữa chỉ bày một tượng phật Thích Ca Mâu Ni trong thế Thuyết pháp, tay
phải giơ lên, tay trái để ngửa trong lòng. Bàn thờ có một vài đồ tế khí. Chỉ có
thế thôi.
Đối
với ngôi chùa miền Bắc, do yếu tố văn hóa tích lũy qua nhiều thời kì lịch sử,
nên chính điện bày rất nhiều tượng.
Nếu
các chùa miền Trung, miền Nam chỉ sử dụng phần cuối cùng của toàn bộ tòa chùa
làm nơi bày tượng, thì chùa miền Bắc phải sử dụng toàn bộ phần Chuôi vồ, hay
gian Thiêu hương, và cả Thượng điện làm nơi đặt tượng. Không gian cho người làm
lễ chỉ giới hạn trong phần tiền đường và một phần thiêu hương.
Cũng
chính vì thế, chính điện chùa Bắc sâu thăm thẳm, và vì phải bày nhiều lớp tượng
Phât, nên các tượng được đặt cao dần lên, đứng chính giữa chỉ nhìn thấy một
phần các vị Phật ngồi lớp trên lớp dưới, sâu và cao dần, càng xa càng tối và
huyền ảo. Các gương mặt, các dáng vẻ trầm mặc, lặng lẽ nhưng đông đúc, cảm giác
như "Tam thiên chư Phật" đang cùng nhìn xuống. Trong điện đó có cả
các vị Phật, Bồ tát, Thiên vương... từ những thế giới khác nhau, của những thời
kì lịch sử khác nhau cùng tụ hội.
Cũng
vì có nhiều lớp bày sâu vào trong, nên chiếm một số hàng cột, với nhiều cửa
võng (miền nam gọi là bao lam), và nhiều bức hoành, câu đối.
Chính
điện chùa Quán Sứ, chiếm không gian của 6 hàng cột ngang, với 6 tấm cửa võng, 6
câu đối. Chính điện này bày 12 pho tượng đều khá lớn, chia làm bốn hàng.
Lớn
nhất là pho A Di Đà chính giữa hàng thứ hai từ trên xuống vì ở quá xa nên trông
chỉ be bé thôi, nhưng thực tế pho tượng đó cao gần 3m. Ba pho Tam Thế ở trên
cùng, sát mái cũng cao đến mét rưỡi.
Các
bức cửa võng là những tác phẩm điêu khắc rất đẹp, hình rồng phượng, hoa sen,
hoa dây....
Chính
điện chùa Bà Đá (Linh Quang tự), chính điện chiếm 4 hàng cột sâu hút, với rất
nhiều hoành phi câu đối.
Hai
chiếc bình sứ để trên kệ nên cao ngang đầu người, hai pho tượng Bồ tát đứng hai
bên cao cũng gần 3m. Pho A Di Đà ở giữa là lớn nhất.
Chính
điện chùa miền Bắc được bày cao dần, do đó những pho tượng cuối cùng có thể
chạm mái chùa, những pho ở ngoài thấp dần, để đến những pho ngoài cùng thì
ngang bàn thờ. Các pho tượng để trên các bệ cao thấp khác nhau, tượng đứng,
tượng ngồi trong thế liên hoa tọa, tượng ngồi trên ngai, tượng ngồi trên thần
thú...
Và
ánh sáng rọi từ ngoài vào qua những ô cửa trên sát mái có thể tạo ra một không
gian huyền ảo linh thiêng...
Chụp
trong chùa Vĩnh Khánh ở Hải Dương (dân gian cũng gọi là chùa Trăm Gian). Pho
tượng Thích Ca Niêm Hoa.
Chùa
chữ tam thì không phải chỉ có một chính điện, mà ngoài chính điện chùa Trung,
còn thượng điện chùa Thượng. Và Thượng điện hoặc Hậu điện ngoài thờ Phật còn có
thể thờ Thánh tổ, tức là các Thiền sư được tôn lên hàng Thánh.
Thượng
điện chùa Thầy,
phía trước tượng phật A Di Đà là tượng Thánh tổ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, Sư tổ của
chùa.
Đây
là tòa thượng điện quý giá bậc nhất ở Việt Nam, nơi duy nhất còn giữ đủ bộ các
di vật của tất cả các triều đại: Lý - Trần - Lê sơ - Mạc - Lê trung hưng - Tây
Sơn - Nguyễn.
Chùa
thời hiện đại, sợ thập phương nhầm lẫn, nên trước bàn thờ cũng thường có chú
thích đầy đủ. Trước bàn thờ chính đều ghi là "ban Tam Bảo". Tam Bảo
tức là Phật - Pháp - Tăng. Nhưng ban Tam Bảo thực ra là thờ những tượng nào?
Chùa
miền Bắc, do quá trình tích lũy qua các triều đại, nên ban thờ Phật rất phong
phú. Tùy quy mô của chùa, mà Chính điện có nhiều hay ít tượng, chia thành nhiều
hay ít tầng. Chùa ít cũng phải 4 tầng tượng, chùa nhiều đến 7 - 8 tầng tượng,
gồm các loại:
Tượng
Phật: Phật Tam Thế; Phật
Tam Thân, Phật A Di Đà; Phật Thích Ca (sơ sinh, tu khổ hạnh, thành đạo, thuyết
pháp, nhập Niết Bàn); Phật Di Lặc, Phật Dược Sư, Phật Chuẩn Đề.
Tượng
Bồ tát:
Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Pháp Hoa Lâm, Đại Diệu Tường, Nhật
Quang, Nguyệt Quang, Kim cương Bồ tát.
Tượng
Tôn giả:
Ca Diếp và A Nan
Tượng
chư thần:
Phạm Thiên, Đế Thích, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Thiên vương, Kim đồng, Ngọc
nữ, Tứ Pháp.
Có
điều là không chính điện chùa nào có đầy đủ tất cả các tượng trên. Chùa nhiều
tượng nhất trong Chính điện mà mình đã tới cũng chỉ có một số vị nhất định.
Theo Phật, thì nơi ta đang ở là một thế giới. Một ngàn thế giới
này hợp thành một Tiểu thiên thế giới; Một ngàn tiểu thiên thế giới hợp thành
một Trung thiên thế giới; Một ngày trung thiên thế giới hợp thành một Đại thiên
thế giới. Con số một ngàn mang tính ước lệ, có thể hiểu là rất nhiều. Tập hợp
tất cả gọi là Tam thiên Đại thiên thế giới, tức là vô cùng vô tận
thế giới.
Gần như tất cả các chùa ở miền Bắc đều có tượng Phật Tam Thế, và
để ở vị trí cao nhất, tầng trên cùng của bàn thờ. Chùa Huế có tượng Tam thế,
nhưng miền Nam thì hiếm gặp.
Tam Thế Phật gồm ba pho, tượng trưng cho tất cả các vị Phật
trong Tam thiên đại thiên thế giới, của ba thời Quá Khứ - Hiện Tại - Vị
Lai. Ba pho có kích thước bằng nhau, thường được để cao ngang nhau, nhưng cũng
có trường hợp pho giữa (Hiện Tại) để cao nhất.
Vì là bậc Phật nên Tam Thế đều ngồi tòa sen. Có chùa thì ba pho
giống hệt nhau, nhưng cũng có chùa ba pho khác nhau ở cách bắt ấn tay.
Phật Tam Thế chùa Bút Tháp, tác phẩm đời Lê, thế kỉ 17.
Phật A Di Đà
Trong Phật giáo Đại thừa, Phật A Di Đà có vị
trí rất quan trọng, là đức Phật tiếp dẫn chúng sinh đến với Giác ngộ. Phật A Di
Đà là giáo chủ cõi Tịnh độ, tức là cõi Tây phương Cực lạc,
tuy nơi đó chưa phải là cõi giác ngộ (Niết Bàn), nhưng tại đó con đường đến
giác ngộ rất gần.
Câu tụng "Nam mô A Di Đà phật" được coi
là một thần chú hiệu nghiệm nhất của Tịnh Độ tông, khi tụng câu này tức là đã
kêu cầu đến sự cứu độ của Phật A Di Đà. Ở Việt Nam thì dù chả biết mình có theo
tông nào hay không, cứ vào chùa là tụng câu này hết, và tương đương với câu "Giê
su ma lạy chúa tôi" trong đạo Thiên Chúa, dù bản chất là khác nhau.
Phật A Di Đà có hai tùy giá là Bồ tát Quán Thế Âm đứng
bên tay trái và Đại Thế Chí đứng bên tay phải. Bộ ba vị được
gọi là Di Đà Tam tôn, hay Tây phương Tam thánh, được
tôn sùng rất mực.
Quán Thế Âm nghĩa là thấu được âm thanh của thế gian, Đại Thế
Chí nghĩa là hiểu được chí nguyện của thế gian. Nói chung các vị Phật và Bồ tát
tại nguyên thủy là phi giới tính, nhưng trong những ứng thân, thì Quán Thế Âm
có trường hợp là nữ.
Trong các ngôi chùa miền Bắc, tượng Phật A Di Đà là pho tượng
lớn nhất, ngồi uy nghi trên tòa sen. Hai pho Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đứng
(hoặc ngồi) ở hai bên, ba pho tượng được xếp phía trước, thấp hơn tượng Tam
Thế.
A Di Đà là Phật, nên trên đầu có tóc xoắn ốc, ngồi theo thế liên
hoa bán kiết hoặc kiết già, hai tay để trong lòng; còn hai Bồ tát đội mũ, hai
tay bắt các thủ ấn hoặc nâng pháp khí.
Di Đà Tam tôn chùa Quán Sứ, Hà Nội, tượng Di Đà ở chính giữa đại điện rất lớn, Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đứng ở hai bên, nhỏ hơn rất nhiều. Phía sau, cao hơn là tượng Tam Thế.
Tượng Tam Thế ở bên trên và A Di Đà bên dưới tại chùa Tây
Phương. Ở đây A Di Đà không có hai Bồ tát tùy giá hai bên, vì bên chùa ngoài đã
có tượng rồi. Như vậy chùa này có đến 2 pho A Di Đà, một pho ngồi và một pho
đứng.
Bộ ba Tam Thế chùa Tây Phương do chúa Trịnh Giang cho tạc, là một bộ Tam thế
rất đẹp.
Tượng phật A Di Đà thường là pho tượng lớn nhất trong chùa. Một
số chùa tượng A Di Đà to chiếm toàn bộ chính điện, không còn bày thêm tượng nào
nữa.
Pho tượng A Di Đà bằng gỗ lớn nhất ở Hà Nội (và có lẽ là pho tượng gỗ lớn nhất toàn quốc?
- ở Hải Phòng, chùa Đỏ cũng có pho tượng cực to bằng gỗ quý).
Pho tượng ở chùa Hưng Ký, cao gần 4m, đường kính tòa sen cũng khoảng
hơn 3m, chiếm trọn gian chính điện. Sự vĩ đại của tượng thể hiện tầm bao trùm
của phật A Di Đà với toàn cõi Sa bà, theo pháp môn niệm phật của Tịnh Độ tông.
Pho tượng chùa Hưng Ký có độ lớn hiếm có đối với một pho tượng
gỗ. Còn bằng các chất liệu khác thì tượng to ngày càng nhiều. Trong miền Nam,
các pho tượng Phật to làm bằng gạch đắp ximăng cao hàng chục mét xuất hiện khắp
nơi, từ Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu... chỗ nào cũng có.
Ở miền Bắc, việc "xây" tượng Phật gần đây cũng bắt đầu
xuất hiện. Tiêu biểu là trên núi Phật Tích đã xây pho tượng A Di Đà theo mẫu
của pho tượng đá đời Lý còn ở trong chùa, nhưng to gấp mười mấy lần, cao đến 30
mét.
Chùa Non Nước thì đúc tượng Phật bằng đồng nặng hàng chục tấn,
chùa Bái Đính thì một pho nặng 100 tấn, 3 pho nặng 50 tấn. Khiếp quá !!!
Trong các pho tượng phật A Di Đà của tất cả các chùa, pho tượng
quý giá nhất là pho tượng đá chùa Phật Tích.
Đây là pho tượng đời Lý còn nguyên vẹn nhất, hoàn thiện nhất còn
lại đến nay. Tượng được tạc năm 1057 và dát vàng, còn ghi lại trong Đại Việt Sử
ký. Chùa Phật Tích xưa là ngôi chùa lớn nhất thời Lý. Xưa tượng để trong một
tháp đá cao, sau tháp bị đổ, mới lộ ra tượng. Triều Lê dựng chùa rất lớn cả một
vùng, rồi cũng bị hủy hoại.
Khi Pháp chiếm Việt Nam, chùa đã bị đổ hoàn toàn, tượng phật đá
lộ ra giữa trời, quân Pháp lấy làm bia tập bắn, cho nên đến nay trên thân tượng
còn vô số vết hỏng, vết nứt phải trám lại. Chùa mới dựng sau này quy mô nhỏ.
Hầu hết các tài liệu đều cho rằng đây là tượng phật A Di Đà,
nhưng Trần Trọng Kim cho rằng đây là tượng Thế Tôn, tức phật Thích Ca, còn sư
trụ trì hiện nay thì lại cho rằng đây là tượng phật Tỳ Lư Xá Na (Vairocana),
tức Đại Nhật Như Lai phật.
Tượng A Di Đà thường là tượng ngồi, tuy nhiên một số trường hợp
cũng có tượng đứng, như chùa Tây Phương.
Hai bên phật A Di Đà, hai vị Quán Thế Âm và Đại Thế Chí tùy giá
thường là tượng đứng, và khá giống nhau, chỉ khác nhau ở việc đổi vị trí tay. Trong
chùa có thể có nhiều tượng Quán Thế Âm, đây cũng là điều đáng chú ý ở các chùa
Đại thừa.
Tượng Quán Thế Âm ngồi bên trái A Di Đà thì có lẽ đẹp và độc đáo bậc nhất là pho tượng này của chùa Thầy. Pho tượng khoảng hơn 400 năm tuổi, xưa kia cầm một pháp khí gì đó của Phật giáo, nhưng chắc bị mất nên mới được thay bằng một cái phất trần, vốn là đồ của Đạo giáo.
Tượng này ngồi rất tự nhiên, trong tư thế vương giả ung dung. Tớ
chưa gặp ở đâu pho tượng Quán Thế Âm tương tự cả. Đây cũng là pho Quán Thế Âm
bồ tát bằng gỗ thuộc loại cổ nhất còn lại.
Trong chùa Đại thừa, tượng phật Thích Ca là không thể thiếu. Tuy
vậy, tượng Thích Ca cũng có nhiều trạng thái:
- Thích Ca sơ sinh, đó là mô tả khi Phật ra đời, kết
hợp thành tòa Cửu long.
- Thích Ca tu khổ hạnh, hay gọi là tượng Tuyết Sơn,
mô tả quá trình đi tìm đạo, tu hành xác trong dãy Himalaya.
- Thích Ca thành đạo, Phật ngồi xếp bằng tròn, trong
thế thiền định dưới gốc Bồ đề, đắc đạo chứng quả.
- Thích Ca thuyết pháp, thường có một bông hoa sen
trong tay, gọi là Phật niêm hoa, hoặc không có hoa sen thì giơ hai ngón tay.
- Thích Ca nhập Niết Bàn, tức lúc viên tịch, rời bỏ
Dư ý Niết Bàn để vào Vô dư ý Niết Bàn. Tượng trong tư thế nằm nghiêng về bên
phải.
Trong các chùa miền Bắc, tượng Thích Ca thành đạo hay Thuyết
pháp được đặt dưới tượng A Di Đà, đứng giữa hai pho tượng khác.
- Nếu tượng Thích Ca ở giữa Ca Diếp và A Nan, hai đại đệ tử, hai
vị Sơ tổ và Nhị tổ (Tổ tiếp nối Phật), thì gọi là tượng "Nhất Phật nhị Tôn
giả".
- Nếu tượng Thích Ca ở giữa hai Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền, thì
gọi là Hoa Nghiêm Tam thánh, bởi hai vị đại Bồ tát này được viết đến trong kinh
Hoa Nghiêm.
"Niêm hoa vi tiếu" là một giai thoại Phật giáo, đặc
biệt trong Thiền tông, coi truyền pháp vô ngôn, lấy tâm truyền tâm.
Theo truyền thuyết, khi ấy tại núi Linh Thứu, khi Phật Thích Ca
giảng pháp trước các đệ tử, Phật không nói gì. Đó là bởi pháp vốn Vô ngôn,
không nói thành lời, cũng không lập văn tự, tự người ta phải tìm hiểu.
Do đó Phật cầm một cành hoa - hoa gì không rõ - đưa lên (niêm
hoa). Các đệ tử không ai hiểu, chỉ có mình Ca Diếp mỉm cười (vi tiếu). Phật
thấy Ca Diếp thấu được, nên truyền Chính pháp cho Ca Diếp, về sau khi Phật viên
tịch thì Ca Diếp tiếp nối, trở thành Sơ tổ của các phái. Truyền thuyết này gọi
là Thế tôn niêm hoa, Ca Diếp vi tiếu.
Tại chùa Việt Nam, hình ảnh Thích Ca cầm cành hoa sen bằng tay
phải đưa lên trở thành quen thuộc, thể hiện sự thuyết pháp tâm truyền tâm thuộc
Thiền tông. Do đó bên cạnh Tịnh độ Tông (tôn thờ A Di Đà), Thiền tông cũng có
mặt trên bàn thờ.
Trong bộ Nhất Phật nhị Tôn giả, Phật Thích Ca ngồi giữa Ca Diếp
và A Nan, là hai đại đệ tử của ngài; thì hai Tôn giả bao giờ cũng đứng hai bên,
trong tư thế thị giả (hầu cận).
Ca Diếp hay Ma Ha Ca Diếp được tôn là Đầu đà đệ nhất, lớn tuổi
hơn A Nan, có thể có râu, ria, tóc mai. Theo truyền thuyết, trong quá khứ Ca
Diếp đã từng có lần thếp vàng lên một tượng Phật, nên thân mình luôn có ánh
vàng, và bản thân ông trước khi xuất gia cũng từng là một thợ kim hoàn. Do đó
tượng ông thường có châu ngọc đeo trên mình, để nhắc về xuất thân trước khi thế
phát.
A Nan, hay A-Nan-Đà, là em họ của Phật, theo hầu suốt nhiều năm,
nghe nhiều nhớ nhiều, nên gọi là Đa văn đệ nhất. Ông nghe và nhớ tất cả những
lời Phật nói, thế nhưng chính mình lại không chứng quả đắc đạo, có lẽ vì chuyên
tâm phục thị Phật quá.
Khi Phật đã Nhập Niết Bàn rồi, các đồ đệ muốn tổng hợp những lời
Phật dạy, thì chỉ có thể là A Nan mới nhớ đủ, thế nhưng ông lại chưa đắc đạo
nên ông thấy không thể ngồi cùng hàng ngũ những đồng môn đã đắc đạo. Trong một
đêm quyết tâm, ông chứng quả A la hán, dứt hết các lậu hoặc. Và ông tự tin gặp
các đồng đạo trong cuộc họp 500 La hán, kết tập Kinh phật lần đầu tiên.
Theo truyền thống, toàn bộ kinh Phật đều là lời của A Nan nói
ra, những người khác nghe rồi nếu không có phản đối, thêm bớt nữa, thì trở
thành Chính thống. Do đó đoạn đầu của tất cả các bài kinh đều là "Như thị
ngã văn" - Tôi nghe như thế này - thể hiện đây là lời A Nan nói lại lời
của Phật.
Tượng A Nan trẻ hơn Ca Diếp, thường ôm chồng sách đại diện cho
kinh sách mà ông là người đọc lại.
Tuyết Sơn
Trong nhiều chùa, trên bàn thờ có thể gặp một pho tượng một
người cực kì gầy gò, chỉ còn da bọc xương ngồi trong một tư thế khắc khổ. Đó là
tượng Tuyết Sơn.
Theo Phật giáo, thì khi thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm lìa bỏ gia
đình đi tìm con đường giải thoát, đã trải qua việc tu học với nhiều vị thầy.
Sau đó ông đã tự mình tu tập khổ hạnh trong núi tuyết (Tuyết sơn), mỗi ngày chỉ
ăn một hạt vừng, khiến cho thân thể suy kiệt. Tu khổ hạnh là một trong các
phương thức tu tập của Bàlamôn nhằm đạt chứng ngộ chân lý thượng đế.
Khi đó Tất Đạt Đa suy kiệt đến mức cùng cực, đúng lúc đó có một
thôn nữ mang một bình sữa đi qua, thấy ông đã kiệt sức nên dâng tặng một bát
sữa. Tất Đạt Đa nhận ra rằng phương thức tu ép xác khổ hạnh không phải là con
đường đúng để đạt tới chính đẳng chính giác.
Ông lập tức từ bỏ phương pháp tu đó, nhẹ nhàng không vương vấn,
sau đó thành đạo dưới gốc Bồ Đề, khi đó thành Phật.
Tượng Tuyết Sơn do đó mô tả Tất Đạt Đa khi đang tu khổ hạnh, tức
là khi chưa chứng quả, khi còn đang "sai lầm". Do khi đó chưa đạt quả
vị Phật, nên tượng Tuyết Sơn không ngồi trên tòa sen.
Tượng Tuyết Sơn chùa Trăm Gian, một trong những pho tượng Tuyết Sơn đẹp nhất,
và cũng là pho tượng đẹp nhất chùa Trăm Gian. Chụp bị ngược sáng nên khó nhìn
quá, nhưng từ phía này mới thấy được tài năng điêu khắc của các nghệ sĩ dân
gian xưa. Các khớp xương, mạch máu nổi lên dưới da, móng tay dài, xương chân
tay hiện rõ. Hốc mắt sâu, má hóp... rất đúng giải phẫu.
(Hay thời đó cũng nhiều người gầy thế này quá, chỉ cần túm một ông già
ra làm mẫu là đủ ???)
.............
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét