16/03/2022

Chùa Việt (phần 7)

 (Phần 7)

 

Mái cong chùa Việt

Bộ mái cổ của gác chuông chùa Trăm Gian, tuổi đời 300 năm. Mái đao cong được tạo thành do các xà đấu gỗ, lợp ngói mũi hài (vẩy cá). Bộ mái đẹp hai tầng tám mái được tạo hình khá duyên dáng, cong đều ở bốn góc. Nhìn một tấm mái riêng thì có hình lưỡi rìu, trên thẳng, dưới cong.

Chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang

Một điều có thể nhận thấy rõ là tầng mái dưới có độ cong vừa phải, trong khi mái trên cong hơn hẳn. Điều này là do gác chuông có độ cao, nên bộ mái cân đối và đẹp hơn hẳn so với khi độ cong hai tầng như nhau. Đầu mũi đao khá đơn giản, chỉ là một cuộn mây nhỏ.

Mái ngói mũi hài giúp cho việc tạo độ cong dễ hơn ngói ống. Vì ngói nhỏ nên có thể xếp theo độ cong bao nhiêu cũng được.

Bộ mái đao chùa Tây Phương có độ cong rất lớn, gần như là cong nhất trong tất cả các mái đao tớ đã từng thấy. Độ cong ấy làm cho đầu mái cong ngược hẳn lên trên cả gốc mái, bờ nóc vút lên trên.

Trên mỗi gờ nóc đắp ba họa tiết: ngoài cùng là một mũi đao mà ở đầu là đầu rồng ngoảnh vào trong; ở giữa là một mũi đao ở đầu có một cuộn mây cũng vòng vào trong; và trong cùng là một con linh thú gần giống rồng cũng đang quay vào trong. Con vật đó nhiều người cho là rồng, nhưng thực tế là con Si vẫn, một trong 9 con của rồng. (Mái đao trên cùng trong ảnh bị gãy mất mũi đao có mây ở giữa).

Chính độ cong, và đầu rồng nhỏ ở mỗi mũi đao tạo thành nét độc đáo riêng cho chùa Tây Phương. Chỉ là một đầu rồng, chứ không phải con rồng. Nếu cầu kì thì đắp nguyên 1 con rồng, đơn giản thì chỉ một gợn mây. Nhưng việc chia làm 3 chi tiết từ ngoài vào trong, làm độ cong của mái thống nhất với phương vị hướng nội, và hướng thiên.

Trên mỗi gờ nóc lại có một con lân đứng quay ra ngay ở gốc mái. Nếu theo truyền thống TQ thì đó là con Trào phong, cũng là một trong 9 con của rồng. Và trên đỉnh mỗi nóc có 2 con Si vẫn quay vào giữa, gắn với một hình mây cuộn, mà có thể coi là rồng cuộn cũng được.

Tổng cộng chùa Tây Phương có 24 đầu mái đao như vậy, tạo thành một thể thống nhất, như muốn nâng cả mái chùa bay lên.

Gần đây, nhiều chùa xây mới hoặc trùng tu cũng bắt chước bộ mái đao này, nên nó không còn là "độc quyền" của chùa Tây Phương nữa. Những bộ mái sau không giá trị bằng bộ gốc là tất nhiên.

Kiến trúc đình, đền, chùa.... miền Bắc không thể thiếu cái mái đầu đao cong vút. Những người thợ đã tính toán cẩn thận, kì công để có thể làm những bộ mái có độ cong mềm mại duyên dáng. Từ những bộ mái đồ sộ nặng nề như mái đình Đình Bảng, đình Tây Đằng đến những mái nhỏ ở gác chuông... đều cong lên với tạo hình đẹp. Mặt mái vì thế cũng thành một mặt cong chứ không phải mặt phẳng. Cùng với nét cong mái đình chùa, kiến trúc chữ đinh, chữ công là nét đặc trưng rất rõ ràng không thể nhầm lẫn với kiến trúc nhà ở thông thường của miền Bắc.

Nhưng từ khi triều Nguyễn lập quốc, dựng đô ở Huế, thì kiến trúc mái cong này biến mất ở Huế. Đã quen với những mái chùa cong, lần đầu vào Huế tôi nhận thấy ngay sự khác biệt ở đây. Tất cả các mái ngói ở đây đều thẳng tắp, thẳng đuột. Những hình thang chằn chặn. Từ mái hoàng cung, mái cổng, mái chùa, mái nhà cổ, mái cầu ngói Thanh Toàn... đều chỉ là những hình học cơ bản, vuông thành ngay ngắn. 

Mặc dù trên mái, người ta đã cố đắp lên những hình rồng cuốn rất lớn, cũng cố tạo thành đường cong trên mép mái cầu kì. Thế nhưng vì chính bản thân mái đã thẳng, mặt mái là một mặt phẳng hoàn toàn, nên các hình trang trí cong lên ở góc nhiều lúc trông khập khiễng.

Rõ ràng tạo hình mái thẳng hoàn toàn dễ hơn rất nhiều so với bộ mái cong với các đầu đao vút bay lên như ở chùa Tây Phương.

Bộ mái hai tầng thẳng tắp của Tam quan chùa Thiên Mụ - Huế. Ngọ Môn của Huế cũng có kiểu mái giống thế này, thẳng đuột, chỉ khác là dùng ngói ống chứ không phải ngói bản.

Tại Huế, kiến trúc chùa cũng giống kiến trúc cung điện, là những tòa nhà ngang liền với nhau lợp mái, không tạo hình chiều sâu chữ công, chữ đinh. Và các bộ mái cũng là mái thẳng hoàn toàn. 

Từ xa mà nhìn, thì tạo hình mặt tiền của chùa Thiên Mụ dưới đây cũng giống y hệt điện Thái Hòa, giống như các tòa nhà rộng, không có gì khác biệt. Kiến trúc và kiểu mái thẳng tắp giống nhau, với tôi, tạo cảm giác đơn giản, gần gũi không xa hoa. Thế nhưng cũng lại nhàm và nhạt khi nhìn nhiều, không có sự thanh thoát, duyên dáng như các mái chùa cong.

Các bức đắp trên nóc đền chùa là Lưỡng long chầu Nguyệt (hoặc Nhật) chứ không phải tranh châu. Lưỡng long tranh châu thường là trên bức họa, bích họa, đắp nổi trên tường, với thế vờn nhau chứ không phải châu đầu vào nhau. 

Thực ra cũng có trường hợp là Lưỡng long tranh Châu, thường là của người Tàu, khi đó hình ở giữa phải là một khối cầu. Những cái do VN làm thường là mặt Nguyệt hoặc Nhật. Hình thức đắp hai con rồng chầu vào mặt trăng/trời này ở Việt Nam hình như chỉ xuất hiện từ đời Nguyễn trở lại đây thôi. 

Các ngôi đền, đình, chùa được dựng từ đời Lê trở về trước (hoặc trùng tu mà vẫn giữ được đúng nguyên bản) thì trên nóc không có 2 con rồng.

Chùa thời Tây Sơn như Kim Liên, Tây Phương, trên nóc cũng không có. Các chùa cổ, trên đỉnh nóc thường để trơn, hoặc nếu có đắp thì cũng chỉ đắp nổi tấm ngạch đề tên chùa (thường là 3 chữ), và chỉ ở hai đầu đốc mới có đắp đầu rồng, và các đầu đao đắp đắp đầu rồng thôi. Các ngôi đình cổ còn giữ được như đình Đình Bảng, Chu Quyến, Tây Đằng... đều không đắp rồng chầu Nguyệt giữa đỉnh nóc mái.

Ngược lại, một điều dễ nhận thấy là các công trình ở Huế từ Ngọ Môn, cung điện, chùa, Văn miếu... thì đều có hai con rồng chầu. Có thể hai rồng chầu vào giữa, cũng có thể rồng vươn ra ngoài, quay đuôi vào, nhưng hai đầu rồng cũng lại quay vào trong.

Các môtip rồng chầu nguyệt ở miền Bắc chỉ có từ đời Nguyễn. Một số công trình cổ hơn, khi trùng tu dưới thời Nguyễn người ta cũng đắp thêm vào.  Nhấn mạnh là chỉ rồng ở trên đỉnh nóc thì không có thôi, chứ rồng ở hai đầu đốc và đầu đao thì đền chùa cổ miền Bắc đã đạt đỉnh cao từ lâu rồi.

Triều nhà Nguyễn đã bắt chước cái kiểu kiến trúc đắp rồng trên đỉnh nóc của người Tàu Phúc Kiến, nam Trung Hoa vào các công trình của mình. Khi triều Nguyễn cai trị toàn bộ VN, thì môtip này được áp dụng khắp nơi. Những ngôi đình chùa cổ miền bắc trong thời gian này trùng tu mà không giữ được nguyên bản thì cũng chịu số phận đắp rồng lên nóc, dù trước đó chưa bao giờ có.

Người Phúc Kiến đạt đỉnh cao khi họ làm toàn bộ những trang trí, toàn bộ con rồng... bằng gốm sứ rất đẹp. Còn triều Nguyễn, không biết vì có phải chưa đủ khả năng làm thế hay không, mà đắp bằng vữa và gắn bằng mảnh sành, mảnh sứ lên, tạo thành một kiểu riêng.

Ở Huế, thì thấy có lúc không phải Châu, cũng không phải Nguyệt, mà có khi là bầu rượu (hồ lô). Như vậy chi tiết ở giữa có thể là nhiều motif khác nhau, không nhất định, tùy theo quan niệm, thẩm mỹ của người làm. Mỗi motif có ý nghĩa riêng như sau:

- Lưỡng long tranh châu là motif truyền thống TQ rồi, không cần thắc nhiều.

- Bầu rượu (hồ lô) tượng trưng cho Chứa đựng, là khái niệm của Vũ trụ. Vì vậy nhiều đỉnh tháp cũng dựng quả hồ lô.

- Lưỡng long chầu Nhật (mặt trời) là tượng trưng cho Vũ trụ nói chung. Lúc này các lưỡi lửa của mặt trời ngược lên phía trên.

- Trường hợp các lưỡi lửa xòe sang hai bên (nằm ngang) thì đó là Nguyệt, chứ không phải Nhật. Tại sao lại là mặt trăng chứ không phải mặt trời vì: Hai rồng hai bên là hai Hào dương, Mặt trăng ở giữa là hào Âm. Đó là tượng của quẻ Ly. Ly là Lửa, tượng của Phương Nam, của nóng, sáng, linh động, phát triển. Triều nhà Nguyễn lấy biểu tượng mặt trăng ở giữa là khẳng định vị trí Đại Nam của mình.

 (Cờ của chính phủ Việt Nam thời Trần Trọng Kim cũng là hình này, coi quẻ Ly là biểu tượng của Việt Nam).

Nếu ở giữa là Mặt trời, thì đó là ba hào Dương, tượng của quẻ Càn (trời). Cờ của chính quyền Miền nam VN trước 75 cũng là quẻ Càn này, gồm ba vạch ngang liền, vì thế còn được gọi là cờ Ba que.

     Bây giờ thì hình như chả ai quan tâm ở giữa là Nhật hay Nguyệt. Cứ tùy tiện đắp thế nào thì đắp. Bảo là Nguyệt cũng ừ, Nhật cũng ok !!!

Nhà tổ

Phía sau chính điện của chùa, thường có một tòa Hậu đường, làm nơi thờ các vị Tổ sư của tông phái, của chùa, gọi là Nhà Tổ. 

Nhà tổ có thể bày tượng Phật trong đó, nhưng những ngôi chùa cổ nhất thì thường chỉ bày tượng Tổ mà thôi.

Tượng Tổ gặp nhiều nhất ở các chùa là Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, vị Sơ tổ Thiền tông Trung Hoa (cũng là tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ). Tượng Tổ sư Bồ Đề thường được đặt ở vị trí cao nhất.

Bên dưới tượng Bồ Đề sư tổ là tượng các tổ sư của chùa. Những vị tổ viên tịch gần đây thường có ảnh, tranh.

Bên dưới là bàn thờ Tổ chùa Quán Sứ, trên cùng là tượng Tổ sư Bồ Đề, bên dưới là tượng các Tổ của chùa Quán Sứ. Dưới cùng là ba di ảnh của các vị Tổ gần đây. Đặc biệt di ảnh bên phải là của Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Pháp chủ đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, viên tịch khi 96 tuổi; di ảnh bên trái là ĐL HT Thích Tâm Tịch, Pháp chủ thứ hai của GHPGVN, viên tịch khi 91 tuổi. 

Bồ đề Đạt Ma sư tổ

Có lẽ người Việt Nam biết đến Bồ đề Đạt ma Tổ sư dưới hình thức Tổ sư của Võ học Trung hoa nhiều hơn là Tổ thiền tông.

Sử ghi rằng Đạt ma Sư tổ đến TQ truyền pháp, đã lên núi Tung Sơn, chùa Thiếu Lâm ngồi quay mặt vào vách đá 9 năm, sau đó mới truyền cho Huệ Khả. Đồng thời Sư tổ cũng truyền thụ cách luyện tập thân thể cho các nhà sư chùa Thiếu Lâm theo khí công, từ đó phát triển rộng ra thành các tuyệt kĩ chùa Thiếu Lâm.

Đến giờ người ta vẫn tôn Thiếu Lâm Tự là cái nôi võ học, và Bồ Đề Đạt Ma là thủy tổ của võ học. Các truyện chưởng khi nói đến Võ tổ thì phải nói đến ông.

Trong tranh tượng, Bồ Đề Đạt Ma có một hình thức cực kì đặc biệt dễ nhận ra: Đôi mắt to trắng dã trông rất hung dữ, râu quai nón rậm rịt lại càng thêm phần dữ dội, thậm chí có tranh vẽ cả lông ngực. Nhưng cái hay chính ở chỗ: bên trong một hình thức hung dữ như vậy lại là một vị Tổ sư Thiền đạt đỉnh cao của Từ bi và Trí tuệ.

Nếu ai vào chùa nhìn thấy tượng Tổ râu quai nón, thì đó chính là Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma.

Tượng Thánh tổ

Trong một số chùa miền bắc có một pho tượng đặc biệt, mà tôi thấy miền Trung, miền Nam không hề có, đó là tượng Thánh Tổ.

Thánh tổ ở đây không phải chỉ đơn thuần là Sư tổ như các tượng ở Nhà tổ, mà còn là Thánh mang nghĩa thần thánh linh thiêng; nghĩa là các vị Thánh tổ không chỉ là Sư mà còn có phép thuật, thần thông, hộ quốc tí dân như các vị thần, thành hoàng làng, các vị thánh linh thiêng vậy.

Có lẽ đó là dấu tích của Mật tông, đề cao phép thuật biến hóa khi tu luyện. Mặc dù Phật giáo không đề cao phép thuật, nhưng dân gian thì thực ra rất thích điều này, và vị sư nào được coi là có phép thuật thì dễ được tôn là Thánh tổ, tôn sùng hơn cả các vị Sư tổ nữa. Các vị Thánh tổ này bên cạnh tên gọi theo Pháp hiệu Phật giáo thì còn tên thánh dân gian nữa.

Tượng Thánh tổ dễ gặp nhất là : Thánh Điềm : Minh Không - Không Lộ, thánh Láng - Từ Đạo Hạnh, thánh Bối - Bình An.

Vị thiền sư được phong Quốc sư đời Lý là Thiền sư Không Lộ, nhưng lại còn được gọi là Thiền sư Minh Không (Dương Không Lộ - Nguyễn Minh Không, chấp nhận cả hai tên đó), vì vậy còn gọi là Lý Triều Quốc sư, còn đền ở phố Lý Quốc Sư. Đền giờ đổi thành chùa.

Quốc sư Không Lộ quê ở làng Điềm, làm thuốc cứu người, tổ chức việc đúc đồng các công trình Phật giáo như Tượng Quỳnh Lâm, chuông Quy Điền, nên được dân gian thần thánh hóa thành một ông Thần đúc đồng, thánh Không Lộ, thánh Điềm.

Truyện cổ tích kể rằng sư Không Lộ tìm đến Tây Thiên học Phật, cùng Từ Đạo Hạnh và Giác Hải (sau gọi là Tam Thánh tổ), nhưng lại học được toàn các phép thuật theo kiểu Mật giáo. Không Lộ sang Tàu xin đồng đen về đúc, chỉ mang một túi nhỏ. Vua Tàu coi thường nên bảo "mình ngươi thì thích lấy bao nhiêu thì lấy"; vào kho, ông liền lấy tất cả đồng đen cho vào cái túi vải của mình mang về, khi qua sông thì thả nón xuống làm thuyền. Vua Tàu sợ quá không dám đuổi.

Không Lộ đúc quả chuông lớn, khi đánh lên tiếng vang sang tận Tàu, con trâu vàng nghe thấy tiếng mẹ gọi (vì đồng đen là mẹ của vàng) vùng chạy sang Thăng Long, lồng lộn tìm mẹ. Dấu chân Trâu vàng tạo thành sông Kim Ngưu hiện nay. Sợ rằng đánh chuông thì vàng bạc tất cả các nơi sẽ tụ về, Không Lộ ném chuông xuống Hồ Tây, trâu vàng cũng lao xuống luôn. Do đó Hồ Tây còn tên gọi là hồ Trâu Vàng. Người ta nói rằng những đêm vắng vẫn còn có thể nghe thấy tiếng chuông và tiếng trâu vọng lên từ mặt hồ.

Tượng Thánh tổ Không Lộ khoác áo vàng ngồi sau tượng Phật tại chùa Lý Quốc Sư. (hai bên là Từ Đạo Hạnh và Giác Hải, tức là Lý triều tam Thánh tổ).

 

Ở vùng Ninh Bình, quê gốc thì Thiền sư Không Lộ được biết đến với tên Nguyễn Minh Không; còn tại Thăng Long và Thái Bình, nơi ông tu đến cuối đời thì lại là Dương Không Lộ. Mặc dù hai tên khác nhau nhưng hành trạng và sự tích giống hệt nhau.

Tại Ninh Bình, Điềm Giang, núi Bái Đính được cho là nơi ông hái thuốc chữa bệnh. Truyền thuyết nói là vua Lý Thần Tông - hóa thân của Từ Đạo Hạnh - nổi điên hóa hổ, Minh Không chữa được ngay. Chùa Keo ở Thái Bình và chùa Keo ở Nam Định đều do ông dựng. Dấu tích thờ ông như một vị thánh chữa bệnh kéo dài dọc sông Hồng.

Do đó Minh Không - Không Lộ không chỉ được coi là một nhà sư, mà còn là một vị Thánh thần thông. Nơi thờ ông cũng giống nơi thờ một vị thánh, tức là để trong hậu cung, chứ không phải ở điện thờ hay nhà tổ. Một số nơi như chùa Keo, hậu cung luôn được khóa kín, chỉ đến khi lễ hội mới rước tượng ra, làm các lễ nghi như với các vị thần. 

Tượng Thánh tổ chùa Bái Đính, được thờ trong tòa điện riêng.

Từ Đạo Hạnh

Vị Thánh tổ Từ Đạo Hạnh cũng nổi tiếng không kém Minh Không Quốc sư. Ông được gọi là Thánh Láng vì sinh ra và tu ở làng Láng, nay còn chùa Láng nổi tiếng. Sau ông đến tu và mất tại chùa Thầy, một ngôi chùa thậm chí còn nổi tiếng hơn.

Truyền thuyết về Từ Đạo Hạnh không thấy mấy về Phật giáo, mà hầu hết là phép thuật kể rằng Từ Đạo Hạnh lúc đầu học pháp thuật để giết sư Đại Điên là kẻ thù bằng phép tu kiểu Mật tông. Sau rồi lại làm phép đầu thai làm vua Lý Thần Tông, bị bệnh hóa hổ phải nhờ Minh Không hóa giải.

Từ Đạo Hạnh còn được tôn là ông tổ nghề múa rối nước.

Đến chùa Thầy, tại tòa Thượng điện có 3 tượng Thánh tổ, một là tượng Từ Đạo Hạnh ở kiếp Thánh, một là tượng ở kiếp Vua, và tượng giữa là kiếp Phật - Thiền sư.

Chùa Láng thì tượng Từ Đạo Hạnh được cất kín trong hậu cung cùng những mạn đà la Mật Tông, chỉ những ngày lễ các chức sắc và sư mới được vào, còn không ai được vào xem cả.

Tượng Từ Đạo Hạnh Thiền sư chùa Thầy. Pho tượng này trông ghê ghê, rất sống, cứ như Thánh tổ đang lầm bầm nói chuyện vậy.

....................

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét