(Phần 8)
Tháp chùa Việt
Trong lịch sử Việt Nam ghi lại một số ngọn tháp nổi tiếng:
Tháp Báo Thiên (Đại Thắng Tư Nghiêm bảo tháp) là 1 trong Tứ đại khí; tháp Tường
Long ở Đồ Sơn, tháp Long Đọi ở Hà Nam, tháp Phật Tích ở Bắc Ninh, đều dựng đời
Lý.
Nhưng nay không còn ngọn tháp nào còn cả.
Theo ghi chép thì tháp chùa Việt cổ đời Lý Trần đều xây bằng
đá, gạch, không thấy tháp gỗ.
Các tháp đều có 4 cạnh, nhiều tầng. Đây là kiến trúc tượng
trưng cho Trục Vũ trụ, tháp là hình ảnh của núi Vũ trụ Tu Di (Meru), do đó bốn
góc có 4 Thiên vương đứng gác. Tháp có 11, 12, 13, 14 tầng, số tầng không cố
định tùy thuộc vào quan niệm.
Lúc này không còn 3 phần tương ứng Tam giới rõ ràng như
Stupa; tuy vậy các tầng tháp cũng có thể chia ra:
- Các tầng bên dưới là Dục giới.
- 4 tầng tiếp theo là Sắc giới gồm 4 tầng thiên: Sơ thiền,
Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền .
- 4 tầng trên cùng là Vô Sắc giới gồm:Không vô biên xứ, Thức
vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Chỉ đến đời Nguyễn mới xây tháp tám cạnh, tiêu biểu
là tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ bảy tầng, là vì tương ứng với 7 vị
Phật quá khứ.
Một số tháp khác có 9 tầng gọi là tháp Cửu Phẩm Liên hoa,
tương ứng với 9 phẩm của Tịnh Độ, từ Hạ phẩm hạ sinh đến Thượng phẩm thượng
sinh. Những tháp dựng ngoài trời cửu phẩm này đều dựng muộn, không phải tháp
cổ. Nhưng có loại tháp đặc biệt là Tháp gỗ - hay Cối phật, cái này sẽ nói sau.
Tháp Phổ Minh
Ngôi tháp chùa cổ nhất Việt Nam nay còn lại là tháp Phổ Minh
ở chùa Phổ Minh, Nam Định, xây từ thế kỉ 13. Ngôi tháp dáng đẹp cao 14 tầng, đế
và tầng 1 làm bằng đá, các tầng trên xây bằng gạch. Trước kia gạch mộc đỏ tươi
giống tháp Bình Sơn, đến đời Nguyễn thì trát vữa lên, nên có hình dạng như ngày
nay.
Trước tháp có mấy bệ chân cột mà tương truyền là để kê chân
Vạc Phổ Minh, các vạc lớn nhất của VN, một trong Tứ đại khí. Vạc to đến độ hai
người có thể chạy đuổi nhau trên miệng vạc. Giặc Minh đã phá hủy vạc nên không
còn gì cả.
Tháp Phổ Minh có hình dáng thuôn lên rất đẹp, giống một chiếc
bút viết lên trời
Tháp Bình Sơn
Một ngọn tháp nổi tiếng rất đẹp khác, nhưng có lẽ rất ít
người biết, là tháp Bình Sơn ở Vĩnh Phúc.
Tháp là tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc thời Lý, Trần cách
đây 800 năm, làm hoàn toàn bằng gạch nung. Sau bao nhiêu năm mà màu gạch vẫn đỏ
tươi, họa tiết khắc chạm vẫn sắc nét. Một số phiên bản của tháp còn được đặt
tại Bảo tàng Lịch sử, như sự khẳng định của văn hóa Việt Nam.
Tháp Bình Sơn hiện còn lại có 11 tầng, phần trên cùng đã hoàn
toàn mất. Trải tám trăm năm, dù móng bằng gạch khá sâu nhưng cũng bị xói lở,
tháp nghiêng. Năm 1969 người ta đã dỡ toàn bộ ngọn tháp ra, thì thấy nhiều viên
gạch được kết nối bằng mộng bằng chì. Sau khi đổ móng bê tông chân tháp, sau
hơn 2 năm tháp được dựng lại nguyên như trước đó.
Những phần chân đế phải dùng gạch bổ sung do gạch cũ đã bị
xói mất. Nhìn là thấy ngay, vì lớp gạch mới sau vài chục năm đã xỉn màu, còn
gạch cũ vẫn đỏ tươi.
Những viên gạch cổ tám trăm năm tuổi với những hình hoa cúc
xoắn, rồng cuộn, cánh sen, thể hiện quan niệm và mỹ thuật của người xưa.
Tháp Bình Sơn là tháp rỗng lòng, tức là mặc dù có 15 tầng
(các tầng trên cùng bị mất), nhưng cái "tầng" đó chỉ là phía bên
ngoài, còn bên trong thì rỗng thẳng từ dưới lên trên, như một cái ống. Sau thời
gian tu sửa, người ta đã lắp một cột thu lôi bám trong lòng tháp dẫn xuống đất.
Thế là trẻ con trong vùng đã tạo ra trò chơi là trèo trong lòng tháp.
Hiện nay tháp đứng chơ vơ, không được bảo vệ, nên càng ngày
càng xuống cấp.
Các chùa gần đây cũng bắt đầu dựng nhiều tháp, bên trong đặt
các pho tượng Phật. Tháp chùa Trấn Quốc xây bằng gạch đỏ khá đẹp, 11 tầng, mỗi
tầng sáu cạnh, mỗi cạnh có pho tượng bằng đá trắng ngồi trong, tổng cộng 66
tượng.
Tháp chùa Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng bày cực nhiều tượng đá, tầng
nào cũng nhiều đến mức quá, vì không chỉ xung quanh mà ở giữa cũng chi chít.
Gần đây ở HN có chùa Bằng A dựng tòa tháp - hiện tại là cao
nhất - 13 tầng, mỗi tầng tám cạnh, mỗi cạnh trổ cửa sổ, đặt một pho tượng Phật
bằng đồng nặng hơn trăm cân. Tổng cộng 104 pho tượng, trở thành tháp đặt nhiều
tượng đồng nhất.
Tượng Phật tháp chùa Bằng A, ngồi quay ra tám hướng.
Tháp mộ
Bên cạnh các Tháp Phật - Tháp Vũ trụ, các ngôi chùa còn có
các tháp mộ.
Tháp mộ là nơi đặt hài cốt của các vị sư đã từng tu tại chùa.
Theo như truyền thống của Phật giáo từ Ấn Độ, thì các vị sư sau khi viên tịch
sẽ được hỏa táng (lễ trà tỳ), nếu như ở một mức độ nào đó thì có thể còn lại
các Xá lị. Xá lị có thể được lưu giữ như báu vật của chùa. Nếu không còn xá lị,
thì tro cốt được táng trong các tháp.
Không rõ thời xưa, các vị sư ở Việt Nam có được hỏa táng
không, còn gần đây thì hình như đều chôn trực tiếp và xây tháp lên trên. Một số
tháp của thiền sư đặc biệt như Chuyết Chuyết, Như Trí,..., thì nguyên vẹn nhục
thân ngồi trong tháp.
Tháp mộ sư thường có 3 tầng bốn mặt, tháp nhỏ 2 tầng, nhưng
cũng có tháp nhiều tầng hơn, tùy quan niệm và tùy chùa. Tháp xây gạch hoặc đá,
thường ở phía sau chùa.
Tháp đá Đăng Minh ở chùa Côn Sơn, nơi táng Xá lị của Thiền sư
Huyền Quang, là vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm (Trúc Lâm đệ tam tổ). Tháp
xưa đời Trần có lẽ cũng bị hư hại nhiều, những chi tiết sửa lại gần đây.
Tháp mộ sư độc đáo và thuộc loại đẹp nhất có lẽ là tháp của
chùa Bút Tháp. Tháp bằng đá hình lục giác, cạnh thẳng đứng chứ không nhỏ lại
như các tháp khác. Tầng dưới có mái trùm ra, cột điêu khắc rồng cuốn rất đẹp,
bên trong tầng để tượng thiền sư Chuyết Chuyết.
Tuy nhiên, nhục thân
thiền sư Chuyết Chuyết lại được tìm thấy ở chùa Phật Tích. Nếu thế thì tháp này
chỉ là thờ vọng, không có di cốt bên trong.
Ngôi chùa mà tôi thấy có nhiều tháp mộ sư nhất có lẽ là chùa Bổ Đà ở Bắc Giang. Tôi chưa thấy ngôi chùa nào nhiều tháp đến thế, cả một vạt đồi toàn tháp mộ, trải dài từ trên xuống dưới.
Những ngôi tháp mộ bằng đá ong ở chùa Nôm
Gác chuông
Bên cạnh Tháp Phật, Tháp vũ trụ, Tháp mộ, Tháp thờ, tại chùa
chiền còn một hình thức kiến trúc đẹp nữa là Tháp chuông, hay chỉ đơn giản là
Gác chuông, cũng mang hình dáng một ngọn tháp.
Gác chuông - như tên gọi, mục đích là để treo chuông, để khi
gõ chuông tiếng được vang xa, khắp nơi đều nghe được.
Chuông, khánh là đồ nhạc khí linh thiêng, theo niềm tin tôn
giáo thì khi gõ chuông khánh, thần linh kinh động linh ứng, mỗi lời cầu nguyện
theo một tiếng chuông sẽ có tác dụng gấp cả vạn lần. Những quả chuông quý trên
khắc các bài kinh văn, mỗi khi gõ lên thì tương ứng với bài kinh đó được tụng
cả vạn lần.
Gác treo chuông của chùa cổ thường không được cao lắm, vì các
cụ xưa trình độ kiến trúc cũng có hạn, không thể kéo chuông nặng lên những tháp
gạch cao, mà cũng không có chỗ để đứng gõ (khác với chuông phương tây kéo dây,
treo cao bao nhiêu cũng được). Do đó các gác chuông thường vững chãi và thấp,
hoặc làm gác ngay trong chùa.
Càng về sau này, với bêtông ximăng cốt thép, người ta lại bắt
đầu dựng tháp chuông chùa cao ngất ngưởng, mỗi lần gõ phải trèo lên rạc cẳng.
Gác chuông cổ đẹp nhất mà tôi biết là gác chuông chùa Keo, đã
trở thành biểu tượng kiến trúc chùa cổ, và cũng là biểu tượng của tỉnh Thái
Bình.
Gác chuông chùa Keo hình dáng tuy không thật cao thanh thoát,
nhưng lại vững chãi gần gũi, chắc khỏe, được coi là mang dáng một búp sen chưa
nở. Bốn cây cột chính cao từ nền lên đến đỉnh nóc, bốn phía còn các cột phụ cho
tầng một.
Tầng một bốn phía để trống, treo một khánh đá lớn. Tầng hai,
tầng ba, tầng nóc đều treo mỗi tầng một quả chuông. Toàn bộ gác chuông liên kết
bởi những lỗ mộng, con sơn, vì kèo, đấu, đố, cốn, theo như truyền miệng thì
không dùng đến đinh.
Tuy nhiên gần đây trùng tu lại gác chuông, đổi các kết cấu gỗ
mục, nên trông gác chuông có vẻ mới hẳn lên.
Ngoài gác chuông chùa Keo có kiến trúc đẹp nhất, nhiều chùa
cũng có gác chuông. Gác chuông thường nằm ở trước chùa chính, tại sân trước,
cũng có trường hợp nằm ở sân trong. Nhiều chùa thì tam quan cũng là gác chuông
luôn.
Gác chuông cũng khá nổi tiếng của chùa Trăm Gian - Hà Tây nằm
bên sườn đồi phía trước chùa.
Có những ngôi chùa không làm gác chuông bên ngoài, mà làm gác
ngay trong chùa.
Nghĩa là mái chùa không là những lớp mái lớn đơn thuần nữa,
mà được nâng cao một phần tạo thành những gác nhỏ để treo chuông, khánh.
Chùa Nành là ngôi chùa có kiến trúc khá đặc biệt kiểu này.
Gian tiền đường được tạo thành hai căn gác nhỏ tạo nên một kiểu rất riêng và
cũng đẹp.
Chuông chùa
"Xây chùa, tô tượng, đúc chuông
"Trong ba việc ấy thập phương nên làm
Các cụ ngày xưa đã nói thế, đủ biết vai trò quan trọng của
Chuông chùa thế nào. Chùa không có chuông thì còn chưa thể gọi là đầy đủ.
Chuông là loại pháp khí thuộc loại cổ nhất của hầu hết tất cả
các nền văn minh, và đặc biệt luôn được dùng trong tôn giáo do âm thanh đặc
biệt của nó tạo ra. Tiếng chuông trầm, ngân xa bao giờ cũng gợi đến tâm linh,
tôn giáo, huyền bí.
Trong Phật giáo, chuông không chỉ là pháp khí hỗ trợ khi hành
lễ, mà còn mang ý nghĩa lời cầu nguyện. Trên chuông khắc các bài kinh, mỗi khi
gõ chuông, tức là gửi lời kinh ấy đi theo âm thanh đến khắp mười phương tám
hướng. Một lời cầu nguyện kèm một tiếng chuông có thể nhân gấp nhiều lần lời
cầu.
Chuông phương đông khác hoàn toàn phương Tây ở chỗ âm thanh
tạo ra do gõ từ bên ngoài vào, chứ không phải bên trong ra. Do đó muốn gõ
chuông phải đứng cạnh chuông, chứ không thể kéo dây như phương tây.
Tiếng chuông phương Đông không to như phương Tây, nhưng trầm
và âm đọng lại lâu hơn. Nếu đứng nghe hồi chuông nhà thờ, có thể thấy tiếng
chuông dồn dập liên tục vang xa, nhưng hết chuông thì âm thanh cũng gần như tắt
luôn. Ngược lại, không thể gõ thật to chuông phương đông liên tục dồn dập được,
mà thường gõ từng tiếng đều, khi hết tiếng ngân mới gõ tiếp. Những khi dồn về
sau thì gõ nhẹ lại, tạo thành tiếng ngân nga mãi trong không gian.
Quả chuông thường có hình trụ tròn, treo lên bằng quai có
khắc hình đầu rồng. Thực ra đó không phải là rồng, mà là con Bồ Lao, giống con
của rồng, là loài thần thú thích nghe âm thanh, gìn giữ bảo vệ cho chuông.
Quả chuông Việt Nam cũng có những đặc trưng khác khá nhiều so
với chuông Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Chuông bao giờ cũng được chia thành bốn phần theo chiều dọc
bởi các gờ nổi lên. Có ít nhất một gờ ngang chạy dọc phần gần đáy, làm quả
chuông được tạo thành các phần trống có thể ghi chữ. Nơi các gờ dọc và ngang
gặp nhau tạo thành bốn núm chuông. Thường các núm khắc chữ Xuân - Hạ - Thu -
Đông.
Trên phần trống khắc các bài văn chuông, gọi là bài
"minh", hoặc các bài kinh Phật. Các bài minh có thể ghi sự tích, lịch
sử chùa giống bia, hoặc công đức của người góp công, hoặc ghi danh những người
được tôn thờ. Văn chuông cũng có giá trị không kém văn bia.
Chuông Việt Nam bao giờ thân cũng thẳng đứng, miệng chuông
Việt Nam luôn có một gờ rộng hơn thân xòe ra. Đó là đặc điểm phân biệt với
chuông nước khác.
Dưới đây là chuông của TQ, Nhật Bản. Có thể thấy các chuông này
thường không có cạnh đứng, mà hoặc phình ở giữa, hoặc loe ở miệng. Thậm chí
miệng chuông còn lượn sóng. Phần chia trên thân chuông cũng rất phong phú.
Nhiều chuông còn có rất nhiều hàng núm đồng để tạo tiếng vang.
Phải công nhận rằng thật ra chuông TQ, NB muốn đúc phải có
trình độ cao hơn hẳn so với đúc chuông VN.
Chuông to nhất trong lịch sử Việt Nam ghi lại là chuông chùa
Diên Hựu, hay còn gọi là chuông Quy Điền, do Thái hậu Ỷ Lan cho đúc. Chuông to
nặng, bao nhiêu không rõ, có tài liệu cho rằng nặng một vạn hai nghìn cân (cân
ta), nhưng có tài liệu lại thấy ghi một vạn hai nghìn cân là quả chuông bé; tức
là chuông còn to hơn nữa.
Khi đó đã phải dựng một tòa gác rất lớn để treo chuông, nhưng
treo lên thì chuông đánh không kêu, có lẽ là do đúc to quá nên bị nứt. Do đó
đành bỏ chuông ra ngoài ruộng, rùa chui vào sống bên trong rất nhiều, nên gọi
là chuông Quy Điền.
Chuông là một trong Tứ đại khí của nước ta. Chuông Quy Điền
để ở ruộng chùa Diên Hựu suốt bốn trăm năm, cho đến khi Vương Thông khi chiếm
thành Thăng Long đã phá hủy lấy đồng đúc vũ khí.
Thời gần đây, ở chùa Cổ Lễ cũng đúc một quả chuông lớn, nặng
9 tấn, cao hơn 4m. Sợ Pháp phá hủy, người dân đã vần chuông xuống ao chùa, ngâm
ở đó để dấu mấy chục năm. Giờ thì chuông vẫn để ở đó.
Năm 2003 thì đúc một quả chuông nữa với kích thước tương tự,
treo trong gác chuông mới xây bằng xi măng. Tuy nhiên chuông này đánh tiếng
không trong.
Cùng với chuông là Khánh.
Khánh được làm bằng đồng hoặc đá, có hai núm ở hai mặt, có
thể gõ. Tuy vậy tiếng của Khánh tắt rất nhanh, và gần như chỉ có người gõ là
nghe rõ, từ xa chả thấy gì hết. Khánh mang tính pháp khí, trang trí nhiều hơn
công dụng tạo âm thanh.
Trên khánh cũng là chỗ để khắc chữ, nhưng bài văn, và hình
ảnh rồng phượng... Khánh thường là đồ cổ, vì gần đây thấy người ta toàn đúc
chuông chứ ít thấy đâu đúc khánh.
Khánh đá chùa Kiến Sơ, một cổ vật đặc biệt được treo trên các
trụ và đà cũng bằng đá
...........................
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét