16/05/2022

CỖ LÀNG

 

Âu cũng là nét riêng văn hóa vốn có của người Việt ta, không thể không nhắc tới, nhớ tới vì mỗi chúng ta đều đã có tham dự mà. Quý ở cái, người viết tả chân thật với lòng mong mỏi nay và mai những tập tục đã có, đừng bị lãng quên.

Quý thay – Trân trọng lắm.

Đỗ Xuân Phương

Viết về tập tục của các xóm làng vùng đồng bằng Bắc Bộ thì không ai viết nhiều và hay được như cụ đầu xứ Tố (nhà văn Ngô Tất Tố). Những câu chuyện về đám xá, cỗ bàn và cả những nỗi vui buồn trong đó đã được ông khắc họa thật là sinh động trong tập truyện: " Việc làng " dầy dặn ,chi tiết đến tỉ mỉ. Nhưng những câu chuyện ấy giới hạn thời gian của nó là trong thời phong kiến Pháp thuộc. Thời gian trôi qua, miền Bắc đã có hòa bình, thời bao cấp tuy có khó khăn nhưng miếng ăn miếng uống cũng không đến nỗi nhuốm mầu bi hài cùng cực như trong truyện xưa. Cưới xin ma chay ở các xóm làng dù có nghèo chăng nữa thì khổ chủ cũng biện được mươi mâm tươm tất để mời bà con họ mạc nâng chén rượu nhạt chia sẻ vui buồn.

Mỗi xóm làng đều có một phong vị riêng như là luật bất thành văn quy định mâm cỗ ngày hiếu, hỉ phải có bao nhiêu món ,là những món gì, không làng nào giống làng nào. Âu đó cũng là sự đa dạng trong văn hóa ẩm thực của đất nước ta.

Đám cưới ở làng tôi ngày ấy thường rậm rịch diễn ra trong vòng vài ngày. Vì đa số cô dâu chú rể là người cùng làng cùng xóm cho nên lễ ăn hỏi và xin cưới dồn lại thành một, nhà trai mang trầu cau chè thuốc sang nhà gái ,đôi bên có lời với nhau trao nhận lễ vật rồi ai về nhà nấy, không tổ chức ăn uống gì.

Ngày hôm sau gia chủ mời bà con xóm ngõ họ hàng đến chơi vào buổi tối, biện trầu cau ,chén trà điếu thuốc rồi đại diện gia chủ có lời nhờ mọi người giúp đỡ công việc của gia đình mình trong những ngày tới.Một vị đại diện khu ngõ sẽ tiếp lời và chúc mừng gia chủ. Thủ tục ấy gọi là : "Trình việc ".

Trưa hôm sau mọi người kéo đến giúp gia chủ dựng rạp, khung cột bằng tre nứa, bạt là những tấm bạt quân dụng được may lại cho to để đủ che cả cái sân rộng, nặng phát khiếp. Việc này được giao cho những người trung tuổi, có nhiều kinh nghiệm làm rạp để đảm bảo chắc chắn, không dột ,không tốc nếu trời mưa gió.

Việc của các thanh niên là đi mượn bàn ghế của các nhà hàng xóm khiêng về bày biện, trang trí phông cưới, bầy lọ hoa,khăn trải bàn, loa đài, đèn đuốc...

Các thanh nữ thì đi gánh bát đũa xoong nồi từ nhà chủ cho thuê về, rửa sạch và giúp gia chủ chuẩn bị cơm chiều.

Các bà thì giúp việc bổ cau têm trầu, mời chào đón khách. Tiếng các ông gọi nhau í ới để phối hợp dựng rạp, tiếng các bà vừa têm trầu vừa nói chuyện râm ran, tiếng bát đũa xoong nồi lanh canh xủng xoảng, tiếng loa đài thậm thịch mấy bản hit của ABBA, BoneyM, Modern Talking , mùi trầu cau nồng nồng, mùi thuốc lá thuốc lào bốc lên thơm thơm ,khen khét, mùi chè búp ngào ngạt bốc ra từ ấm pha nước cốt , mùi khói lửa xào nấu thức ăn, tất cả những âm thanh ,mùi vị đó tạo nên một không khí đặc trưng của nhà có đám vui vẻ, rạo rực chờ đón và ấm áp tình người.

Chiều tối sau khi mọi nhà đều đã cơm nước xong xuôi, việc nhà gọn gàng thì mọi người sẽ chọn lấy bộ quần áo đẹp nhất để đến nhà gia chủ chơi, đồ tiếp khách đơn sơ chỉ có trà thuốc trầu cau nhưng mọi người vui vẻ nói chuyện và nán lại khá lâu tạo bầu không khí đông đúc và đầm ấm cho gia chủ.

Khoảng 10 giờ đêm, khách vãn, chỉ còn lại con cháu anh em và một số hàng xóm thân thiết đang đánh chắn, tá lả thì tiệc rượu được dọn ra, đồ nhắm chỉ độc chiêu một món lạc rang sau đó mỗi người một bát cháo gà. Đơn giản như vậy thôi nhưng lúc ấy chỉ còn lại những người thân thiết nhất, những câu chuyện cất đi bấy lâu nay mới được dịp giãi bày tưởng như không dứt ra được. Nhìn những lúc như thế này ai bảo rằng cái đặc quyền nhiều lời lắm chuyện là của riêng đàn bà? Phàm là người ai cũng có nhu cầu chia sẻ chứ các bạn nhỉ.

Chủ nhà lúc này bận bịu với việc mở phong bì và tính cỗ cho buổi chính tiệc trưa mai.

Làng tôi có lệ ai đi ăn cỗ thì gửi tiền mừng cho gia chủ từ tối hôm trước, chủ nhà chỉ việc tập hợp danh sách khách đã mừng tiền, cộng với anh em con cháu, bạn của cô dâu chú rể là biết ngày mai phải làm bao nhiêu mâm cỗ. Tất nhiên cũng phải dự phòng vài mâm. Tôi thấy cái lệ mừng trước này rất hay, nó giúp cho gia chủ tính toán làm cỗ rất sát, tránh việc thừa thiếu gây lãng phí cũng như khó xử với khách mời.

Sáng sớm hôm sau tôi cũng xách dao thớt theo các ông trong khu ngõ đến nhà gia chủ để làm cỗ. Lúc này lợn đã mổ và được pha lọc xong ,các nguyên liệu khác để nấu cỗ như rau cỏ, gia vị...cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng.

Gia chủ đã nhờ trước một ông trong xóm thạo việc và có gu nấu ăn ngon làm người chỉ huy làm cỗ, vai trò kiểu như người bếp trưởng. Thầy tôi hay được nhờ làm việc này vì ông có đầu óc tổ chức và nấu ăn rất ngon.

Người "bếp trưởng" sẽ giao nguyên liệu cho từng nhóm để chế biến các món. Đàn ông sẽ chế biến các món làm từ thịt và dựng đũi cỗ,dàn mâm. Đàn bà làm các món từ rau và thổi xôi ,nấu cơm. Người bếp trưởng sẽ quan sát, điều chỉnh từng nhóm để đảm bảo công đoạn thái ,chặt, cắt tỉa đúng yêu cầu,sau đó đích thân ông là người nêm nếm ướp tẩm gia vị .

Các nhóm phối hợp nhịp nhàng tiếng dao thớt băm chặt kí cốp tiếng gọi nhau í ới, tiếng các bà nói chuyện lầm rầm, mọi người ai nấy đều tập trung vào công việc để lên mâm đúng thời gian đãi khách.

Mâm cỗ ngày ấy cũng đơn sơ thôi, chủ yếu làm từ thịt lợn . Thông thường gia chủ sẽ tính nuôi lợn từ đầu năm để đến cuối năm lo việc. Ngả con lợn ra và làm cỗ từ thịt con lợn ấy, nếu muốn ngon hơn thì có thể mua thêm một số đầu vị như chân giò ,thịt thăn hay bộ lòng cho mâm cỗ được đầy đặn.

Công thức của một mâm cỗ ngày ấy là bốn bát tám đĩa.Bốn bát là : giả cầy, giả chim, măng, miến. Những nhà có điều kiện thì thay bát miến bằng bát mọc. Tám đĩa gồm : đĩa thịt thăn luộc, 3 đĩa thịt luộc, đĩa lòng lợn, nộm, giá xào, xôi. Cơ bản là như vậy các gia chủ cỏ thể biến tấu đi một chút nhưng phải đảm bảo bốn bát tám đĩa, món canh không tính.

Thực ra hương vị hồn cốt bản sắc của mâm cỗ chỉ là hai món: giả cầy, giả chim. Món giả cầy chân giò được thui vàng, ướp với riềng, mẻ, tiết lợn, mắm tôm, mì chính vừa vặn, đun nhừ rất thơm ngon vừa miệng. Vẫn có câu nói chơi chữ : con nấu giả cầy các cụ ăn như chó. Tiêu chí nấu giả cầy ở quê tôi là phải giống như thịt chó nhựa mận mới đạt. Món giả chim gồm có hai phần : một phần làm từ xương sườn băm nhuyễn viên lại thành từng viên to bằng quả táo ta, phần còn lại làm bằng thịt nạc vai thui thái nhỏ,dài,cho mộc nhĩ vào tẩm ướp mắm muối mì chính , xào chín sau đó cho thêm nước, đun kỹ khi bắc ra cho hành răm vào. Món này nhậu cũng hợp mà ăn với cơm cũng ngon.

Nấu nướng chế biến chừng ba tiếng đồng hồ đến khoảng mười giờ là các món bắt đầu được đưa lên mâm, mười giờ rưỡi thì các con cháu của gia chủ bắt đầu bưng mâm ra nhà rạp và các nhà hàng xóm xung quanh. Mười một giờ thì tất cả mọi người đã ngồi an tọa, đại diện gia chủ có lời mời và tuyên bố lý do của bữa tiệc, đại diện khu ngõ tiếp lời, tiếng vỗ tay nổi lên, mọi người rót rượu. Bữa tiệc bắt đầu.

Con cháu và người nhà của gia chủ phải phục vụ tiệc này. Sau khi tiệc một kết thúc thì họ ăn tiệc sau.

Một nét đáng quý trong văn hóa cỗ bàn ở làng tôi là không ăn cỗ thừa, cỗ trút, không lấy phần mang về, không phân biệt mâm của trẻ con, phụ nữ, tất cả các mâm cỗ đều được bầy biện như nhau, rất bình đẳng. Trong việc làm cỗ chủ yếu là do đàn ông ,phụ nữ chỉ phải làm những món nhẹ nhàng. Đó cũng là một nét văn hóa tôn trọng phụ nữ của người làng tôi.

Thời thế thay đổi ,cuộc sống ngày càng khấm khá hơn, mâm cỗ cũng ngày càng ngon hơn, sang hơn. Đã xuất hiện những nhà hàng nấu cỗ chuyên nghiệp, mâm cỗ cũng dần mất đi bản sắc quê hương, nó cũng hao hao như mâm cỗ cưới ở thành thị, người ta đặt nhà hàng ,hàng xóm không phải làm giúp nữa, lối sống nông thôn chưa bao giờ gần với thành thị như ngày nay.

Về làng ăn cỗ bây giờ mình là khách theo đúng nghĩa đen, chẳng phải động tay động chân làm việc gì cả nhưng lại thấy thèm cái không khí làm cỗ ngày xưa, thèm được nghe tiếng băm chặt của dao thớt, thèm được nghe những câu chuyện lao xao và thèm hương vị truyền thống của món giả cầy giả chim...

Đô thị hóa nông thôn giúp đời sống của người nông dân đi lên về mặt vật chất là rất tốt nhưng mặt khác nó làm cho tính kết nối, tính cộng đồng, tính truyền thống ngày càng bị lung lay dữ dội trong dòng chảy của thời cuộc.

Xét cho cùng thì đó cũng là xu hướng tất yếu , đến khi nào người ta cảm thấy nhớ, thấy tiếc cái truyền thống thì họ sẽ quay lại.

Quy luật là như vậy mà. Tự nhủ lòng mình chẳng hơi đâu mà buồn làm gì, cứ có cỗ là chúng ta đánh chén nhiệt tình phải không các bạn !



15/05/2022

NGỒI BUỒN NHỚ MẸ CHA XƯA


     Mẹ mất đã 19 năm. Hôm nay ngày giỗ, em gái nói: 15/5 là sinh nhật Mẹ. Mình không phản bác, nhưng nghĩ, tựa như ngày sinh của Bác vậy, đến ông bố đẻ của Mẹ, người ÂL cũng chả nhớ nữa là. Nhưng cũng ý nghĩa vì lòng hiếu thảo của con cháu. Và mình nghĩ, nhớ đến công ơn Cha - Mẹ, phận con cháu luôn trong lòng tưởng nhớ, biết ơn chứ không chỉ trong ngày giỗ của Các Cụ.

Tôi thờ cúng Bố Mẹ, để tưởng nhớ công đức của Bố Mẹ và nhớ lại những năm tháng hạnh phúc được sống cùng bố mẹ. Tôi thờ Các Cụ, Ông Bà vì mỗi thế hệ phải có trách nhiệm với thế hệ sinh ra mình và thế hệ do mình sinh ra.


Bần thần hương huệ thơm đêm
Khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn
Chân nhang lấm láp tro tàn
Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào

Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quai thao đội đầu
rối ren tay bí tay bầu
váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa

Cái cò… sung chát đào chua
Câu ca mẹ hát gió đưa về trời
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru

Bao giờ cho tới mùa thu
Trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
Bao giờ cho tới tháng năm
mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao

Ngân hà chảy ngược lên cao
quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm…
bờ ao đom đóm chập chờn
trong leo lẻo những vui buồn xa xôi

Mẹ ru cái lẽ ở đời
sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn
bà ru mẹ… mẹ ru con
liệu mai sau các con còn nhớ không

Nhìn về quê mẹ xa xăm
Lòng ta - chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương… 


-Nguyễn Duy-

 

Bông Hồng Vàng

 

Vu lan về con cài lên ngực
Bông hồng vàng báo hiếu mẹ cha
Tháng bảy mưa ngâu hay nước mắt nhạt nhoà
Của những đứa con nhớ về cha mẹ

Một nén hương thơm nồng nàn lặng lẽ
Nỗi lòng con gửi gắm những niềm thương
Dù bao năm dù có hoá vô thường
Công sinh dưỡng vẫn là công lớn nhất

Cả cuộc đời mẹ cha tất bật
Cho chúng con lẽ sống tình yêu
Đại dương bao la đâu đã là nhiều
Với chúng con cha mẹ là tất cả

Có đôi lúc
Mải mê quay với dòng đời ồn ã
Những đô hội thị thành
Những phương trời lạ
Chợt giật mình tỉnh giấc nhớ mẹ cha

 

 

Nhớ Cha

 

Mai sớm đào trưa luống thẫn thờ,
Hoa cười nụ nín gió đu đưa.
Phòng thư hiu hắt bình hương cũ,
Nghiên bút ơ hờ chiếc bóng xưa.
Phảng phất tiếng cười tan với nắng,
Mơ hồ giọng nói rã trong mưa.
Vườn sau ngõ trước hương còn đượm,
Như thể người đi mới trở về.

 

(Mai Trắng – Thơ thất ngôn bát cú nhớ cha đã mất)

 

14/05/2022

Họp Lớp

 rezoman




Họp Lớp là từ vô cùng thiêng liêng, gây niềm cảm hứng và mong đợi của tất cả thành viên.

Còn gì đẹp hơn khi mấy chục năm trời mới có dịp gặp gỡ, ai còn ai mất thật ngậm ngùi và cũng mừng cho bạn, cho mình về những được mất; rồi quan trọng nhất là nhắc kỷ niệm xưa, hồi học sinh. Trân trọng lắm, mà sao kiềm chế được xúc động khi nhắc nhớ về cái ngày xưa ấy – ĐẸP LẮM KỶ NIỆM XƯA.

Và rồi sẽ có những kế hoạch cho tương lai của tập thể, dĩ nhiên rồi, biết tương lai thế nào ? Nên tranh thủ, thật phải trân trọng mà cố sẽ có nhiều buổi, nhiều dịp và tạo nhiều cớ hơn để gặp nhau…

Những bức ảnh, clip sẽ được thực hiện, đôi cũ, tập thể và vân vân… Sợ lắm là những ảnh thắm thiết hoặc trần trụi, thô tục, ăn uống nhồm nhoàm không phù hợp với những người đáng tuổi làm ông, làm bà như chúng ta, thậm chí hạ thấp nhân cách.

Đây mới là điều đáng lo. Vâng, đến tuổi này rồi, ai cũng có 1 gia đình, 1 tổ ấm…hạnh phúc dù trải qua nhiều đắng cay nhưng cố gắng để có được và giữ gìn hoặc ít ra là sự tôn trọng của thế hệ con cháu mình. Nhưng bức ảnh, clip thể hiện những tình cảm bồng bột sẽ là chất độc lan đến các gia đình thành viên. Ai dám đảm bảo các bức ảnh, clip đó không lan tỏa ra ngoài tập thể nhỏ ? Sẽ vô tình hay ác ý đến với đối ngẫu ?...

Không dám nói nhiều nhưng rất mong hãy thận trọng trong hành xử, cách thể hiện tình cảm nông nổi mà phá đi hạnh phúc gia đình mình và bạn xưa.

 

 



Cháo, món ăn lâu đời của Á châu

 st trên net.



Cháo là món ăn đơn giản dễ nấu và dễ tiêu hóa. Bạn có thể sáng tạo nhiều công thức cháo với ngũ cốc, đậu, rau, thịt hoặc trái cây, có thể nấu mặn hoặc nấu ngọt. Cháo là món ăn hàng ngày của hàng triệu người Á Châu.

Người dân ở Trung Quốc, Myanmar, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Phi Luật Tân, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Việt Nam, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha, Cypress và Hy Lạp đều có món cháo của mình. Bạn đã từng nghe nói đến món ăn được nấu chậm, loãng từ các hạt bị vỡ được gọi là cháo chưa? Có thể bạn biết nó bằng một cái tên khác?

Một món ăn ấn tượng như cũng có một lịch sử lâu dài và những công thức truyền thống.

Món cháo suông dễ tiêu được Trương Trọng Cảnh chính thức ghi lại làm thuốc trước năm 219 trong cuốn sách tạm dịch “Trị liệu về các chứng rối loạn do lạnh (Treatise on Cold Damage Disorders)”, cuốn sách đầu tiên bao gồm các lý thuyết, phương pháp, công thức và phương thuốc được gọi là Y học cổ truyền Trung Quốc (Traditional Chinese Medicine), hoặc Trung y.

Mỗi năm, vào ngày 24 tháng Giêng, người xưa tổ chức lễ hội Ngày Bồ Đề. Chính vào ngày này, Phật Thích Ca Mâu Ni người sáng lập Phật giáo hiện đại đã đạt được sự giác ngộ khi ngồi dưới cây bồ đề. Người ta nói rằng trước khi giác ngộ, cháo là món ăn đã được trao cho Phật Thích Ca Mâu Ni khi Ngài suy kiệt vì không có thức ăn và nước uống. Món cháo đã cho ông sức mạnh để tiếp tục.

6 Lợi ích sức khỏe của cháo

Cháo làm ấm hệ tiêu hóa, đặc biệt là lá lách và dạ dày. Trong một trường phái Y học cổ truyền Trung Quốc, lá lách-dạ dày được coi là những cơ quan quan trọng nhất của cơ thể chúng ta. Nếu chúng không hoạt động tốt, các chất dinh dưỡng từ thức ăn của chúng ta sẽ không thể được cơ thể hấp thụ. Bác sĩ y học Trung Quốc Thuần Vu Ý (205–150 TCN) đã dạy rằng cháo bổ sung năng lượng cần thiết cho sự hoạt động tối ưu của các cơ quan của chúng ta.

Cháo là thực phẩm tốt nhất vào buổi sáng, vì nó có khả năng tăng cường lưu thông kinh mạch. Sau khi thức dậy vào buổi sáng, cơ thể chúng ta cũng cần thời gian để dần dần tỉnh giấc. Ăn cháo ấm mang lại sự hỗ trợ nhẹ nhàng giúp năng lượng trong cơ thể lưu thông hiệu quả.

Cháo giải độc bằng cách giúp cơ thể tiết mồ hôi. Cháo ấm giúp làm ấm cơ thể, lưu thông khí huyết. Đổ mồ hôi từ việc uống cháo được coi là một cách giải độc có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là đối với những người đang trong giai đoạn đầu bị cảm lạnh.

Cháo cải thiện chất lượng giấc ngủ. Tô Thức, một nhà văn nổi tiếng thời nhà Tống (960-1279), đã ca ngợi cách cháo giúp ngủ ngon trong bức thư pháp của ông.

 Cháo làm tăng hiệu quả của thuốc thảo dược. Trương Trọng Cảnh, từ thời nhà Hán (206 trước Công nguyên 220 sau Công nguyên), cho biết, ăn một lít cháo sau khi uống thuốc thảo dược có thể cải thiện tác dụng của thuốc.

Cháo rất ít calo và rất tốt cho thể chất và giúp giảm cân. Một chén cháo có khoảng 150 calo, thấp hơn nhiều so với nhiều loại thực phẩm khác, nhưng nó lại rất bổ dưỡng.

Các nguyên liệu cho món cháo theo mùa

Một trong những điều tuyệt vời về món cháo là tính linh hoạt của nó. Mặc dù gạo là [nguyên liệu] phổ biến nhất, nhưng cháo có thể được làm với hầu hết mọi sự kết hợp của các loại ngũ cốc và nguyên liệu. Để khuyến khích sự hòa hợp với thiên nhiên và sự cân bằng trong cơ thể, Đông y khuyên bạn nên chọn các thành phần tương ứng theo mùa.

Mặc dù gạo là [nguyên liệu] phổ biến nhất, nhưng [cháo] có thể được nấu với hầu hết các loại ngũ cốc và nguyên liệu.

Dưới đây là biểu đồ làm nổi bật các màu sắc, ngũ hành, cơ quan và các loại thực phẩm phù hợp với từng mùa. Như bạn thấy, các loại thực phẩm được đề xuất tuân theo màu sắc của một mùa, vì vậy nếu bạn không thấy thực phẩm yêu thích của mình được liệt kê ở đây, hãy thoải mái sáng tạo. Một vài công thức nấu ăn cũng được bao gồm bên dưới. Một là mặn và một ngọt. Những công thức này sẽ giúp bạn bắt đầu khám phá món cháo.

Công thức cháo gà mặn mùa lạnh

Chuẩn bị và thời gian nấu ăn:

Thời gian chuẩn bị: 20 phút

Thời gian nấu: 1 giờ

Phục vụ 6 người

Nguyên liệu:

1/2 pound (226 gram) miếng gà có xương, ưu tiên thịt sẫm màu

1/2 chén gạo lứt

1/4 chén đậu đen

8 cây nấm hương khô (30 gram)

2 muỗng cà phê gừng tươi, thái mỏng và dài

5 nhánh tỏi tươi bóc vỏ

9 chén nước lạnh

1 muỗng canh quả câu kỷ tử (goji berry)

1/2 muỗng cà phê muối

1 muỗng hành lá, cắt nhỏ (để trang trí)

Hướng dẫn:

Rửa sạch đậu đen và nấm hương. Đổ ngập 4 inch (10.16 cm) nước và ngâm ít nhất 4 giờ. Đổ bỏ nước ngâm.

Đặt gà vào chảo và đổ nước sôi lên để rửa. Rửa sạch bằng nước lạnh.

Trong một cái chảo sâu, thêm vào tất cả các nguyên liệu trừ quả câu kỷ tử, muối và hành lá. Đun sôi. Giảm nhiệt độ xuống mức thấp và đun nhỏ lửa trong 50 phút, thỉnh thoảng khuấy đều. Tắt bếp. Thêm quả câu kỷ tử và muối. Nêm nếm và điều chỉnh vị mặn. Trang trí với hành lá.

Món cháo làm ấm nóng tăng cường năng lượng dương cho mùa xuân của bạn đã sẵn sàng để thưởng thức!

Công thức cháo ngọt mùa lạnh

Chuẩn bị và thời gian nấu ăn:

Thời gian chuẩn bị: 20 phút

Thời gian nấu: 1 giờ

Phục vụ 6 người

Nguyên liệu:

1/2 chén gạo lứt hoặc gạo nếp lứt

1/2 chén gạo đen hoặc gạo nếp đen

1/4 chén đậu đen

1/4 chén nho khô

1 muỗng canh rượu gạo hoặc rượu rum (tùy chọn)

1/2 chén đường nâu

Hướng dẫn:

Rửa sạch đậu đen và nấm hương. Đổ ngập 4 inch (10,16 cm) nước và ngâm ít nhất 4 giờ.

Ngâm nho khô trong rượu gạo hoặc rượu rum.

Trong một cái chảo sâu, thêm gạo lứt, gạo tẻ, đỗ đen đã ngâm và 9 chén nước lạnh. Đun sôi.

Giảm nhiệt độ xuống mức thấp và đun nhỏ lửa trong 50 phút, thỉnh thoảng khuấy.

Thêm đường, nho khô và rượu gạo hoặc rượu rum, đun sôi. Thưởng thức.

Người Việt Nam ta cũng có nhiều công thức nấu cháo, nhưng có lẽ phổ biến và hiệu quả nhất là cháo hoa, cháo gà. 2 loại cháo này dễ tiêu hóa, giúp làm dịu cổ họng, chống cảm lạnh, bồi bổ người ốm, kéo dài tuổi thọ…Ngoài ra cón các loại cháo khác chữa bệnh và bổ dưỡng như cháo dê, cháo đuôi bò, cháo sườn, cháo lòng…

13/05/2022

Tâm Vương giả

 


Vương giả… thứ cần nghĩ chính là thiên hạ chứ không phải bản thân mình, lại càng không phải gia đình. Đây chính là bi ai của một  Vương giả. Thế gian này ai mà không có tình cảm? Vương giả cũng có, nhưng lại không được phép có. Cho nên, trong lòng mỗi vị Vương giả đều rất cô độc, đều buồn bã đến đáng thương. Trong lòng mỗi một  Vương giả đều có rất nhiều điều trái với lương tâm! Ngày ngày đêm đêm tra tấn chính mình, cho nên, các đời tới nay, Vương giả thọ mệnh cũng không dài...

Chỗ cao không khỏi lạnh, Vương gả chính là như thế, ở ngồi trên vị trí cao, tiếp nhận vinh quang chí tôn nhân gian, đồng thời cũng nhất định cô độc tịch mịch cả đời.


12/05/2022

Rượu Tình

rezoman



Từ năm lớp 10 tớ mới biết uống rượu. Thưa thôi, cũng làm gì có mà dùng. Ngày càng tiếp xúc nhiều hơn, biết nhiều hơn mới thích rượu ở mức tò mò.

Thường là con gái, phụ nữ thì đều không thích đàn ông uống rượu, nhưng mình vì uống rượu mà quen hoặc liên quan đến uống rượu mà quen phụ nữ.

Rung cảm giới tính có lẽ sớm nhiều so với lứa tuổi, từ lớp 1 tớ đã thích H. cùng lớp trong ngõ NCN. Lớp 4 đã thích nhìn đàn bà con gái hở hang.

Nhưng phải đến cấp 2 mới biết rung động đầu đời mà bây giờ gọi là tình yêu đó. Mê say, lú lẫn nhưng rất chủ động, biết nhờ bạn gái của đối tượng để dẫn động. Hồi này chưa có biết riệu nên tỉnh táo lắm... Dạo học cấp 3, cũng chỉ nhí nhố chứ chưa thật có mối tình nghiêm túc.

Nhập ngũ, sau huấn luyện thì lên tuyến 1 làm nhiệm vụ, mới quen em. Nàng là cô gái Tày, bị coi là ma gà nhập, nên buộc sống cách ly khỏi gia đình và bản làng. Tội lắm, một thân một mình tự sống từ năm 14 tuổi.

Tôi quen năm em 17, tuổi đẹp của người con gái và nàng cũng đẹp lắm (vì đẹp quá và mẹ em cũng bị coi là ma gà nhập - đã mất nên em mới bị coi là ma gà). Em tự trồng trọt chăn nuôi để sống. Em ủ và nấu rượu thơm ngon lắm. Em bảo, cứ ủ thôi, buồn thì uống, còn thì để đấy, đợi anh.

Em quen tôi, em vui lắm vì có bạn nên chăm chút đủ điều. Khổ nhưng có mấy khi được gặp nhau. Sợ em bất trắc, tôi sắm cho em 1 con dao tốt và cái bật lửa để phòng thân. Dặn có gì thì chạy trốn ngay, cứ phương Nam mà đi. (các bạn hẳn không biết được thái độ căm ghét của người dân tộc với ma gà hồi ấy, ác liệt lắm, rất dễ án mạng).

Sau đó tôi bị thương, cách nhà nàng hơn 100km. Vậy mà nàng biết tin, quẩy gánh đồ theo đường rừng sang chăm tôi ở trạm xá đơn vị…Tôi bình phục, chuyển sang mặt trận khác và bặt tin em. Chục năm sau quay lại nơi cũ không gặp được em. Dì em nói, nó sinh con rồi đợi mày 3 năm, không thấy mày về nên nó đem con vào Tây Nguyên. Nó dặn tao, mày quay lại thì nói là con dao và bật lửa mãi theo bên nó, đừng tìm…

Ra quân, mình lại tình cờ quen một bạn gái 17 tuổi, đang học năm nhất ĐH Quân Y. Em là tiểu thư trong tháp ngà vì bố em là đại tá, ông em là tướng trong QĐ. Chịu nền nếp gia phong nghiêm khắc của gia đình nên em hầu như không có bạn. Quen tôi, em cứ quấn quýt, ríu rít như con mèo vậy.

Lúc đó mình đã có vợ sắp cưới rồi, nhưng xề xòa nghĩ quen một em gái bé nhỏ cũng chả ảnh hưởng gì đến tình yêu của mình với vợ.

Tôi quen em khi em về nghỉ hè (chuyện hiếm trong QĐ chắc do can thiệp của gia đình). Biết mình thích rượu, em trộm rượu nhà, đựng vào bi đông đem đến. Tôi uống, em cũng đòi uống, tôi không cho vì về nhà, có hơi rượu mẹ em sẽ mắng. Uống không hết, em lại cầm về, bảo lần sau gặp lại để anh uống. Giữa 2 đứa cũng chẳng có gì quá giới hạn. Chỉ đi chơi, dạo phố, ăn kem, bánh quế hoặc quà vặt mà em chưa bao giờ biết, vậy mà em háo hức lắm...

Hết Hè em lên trường, lưu luyến đưa hòm thư đơn vị, hẹn mình phải luôn viết thư, em chờ. 2 năm sau mình cưới vợ. Một hôm, em gái nàng gặp mình, mặt buồn bã: Chị Th. biết anh cưới vợ, buồn lắm, bị bệnh - Tạm hoãn học, nhà em đưa chị vào Nha Trang dưỡng bệnh. Khi đi, chị bảo em đến gặp anh và nhắn là: Bi đông vẫn còn rượu, em sẽ đem theo mãi...

Có thể vì xã giao mà không thể không uống, cũng có thể bởi vì áp lực không thể giải mà uống rượu... Nhưng bất kể như thế nào, buồn không thể không uống rượu. Vì rượu có thể giúp ta giảm đi áp lực tâm lý. Cho nên ta uống rượu như mạng vậy.

Sau này, càng nhiều chuyện hơn nên ta càng có lý do uốn rượu hơn, trừ khi ốm. Vợ ta mặc nhiên coi như không để ý. Nhưng trong tâm, ta muốn vợ ta rót rượu cho ta uống lắm.

 

Niệm Phật thành Phật

 


1. Niệm Phật để tâm hồn thanh thản.

2. Niệm Phật để an trụ tâm. Đang nóng nảy, niệm Phật lòng dịu hẳn xuống. Đang thù hận, niệm Phật hận thù hóa giải. Đang tham lam, niệm Phật bớt tham…

3. Niệm Phật để không cho niệm ác nảy sinh. Nếu niệm ác đã nảy sinh thì không cho nó phát triển.

4. Niệm Phật để giữ gìn thân-khẩu-ý.

5. Niệm Phật là phương thuật giữ gìn Chính niệm.

6. Niệm Phật tới vô niệm chính là Thiền.

7. Niệm Phật để nuôi dưỡng lòng Từ bi.

8. Niệm Phật để trở thành Phật chứ không phải trở thành nô lệ hay tôi tớ cho Phật.

9. Niệm Phật cũng là phép trị liệu, bảo vệ sức khỏe.

10. Niệm Phật để giải trừ bớt ác nghiệp gây tạo trong quá khứ.

11. Niệm Phật để lúc lâm chung chẳng còn lo sợ, chẳng cần phải nhờ ai cứu rỗi, một mình thẳng tiến lên Cực lạc của Phật A Di Đà.

12. Càng niệm Phật đầu óc càng sáng suốt, lòng dạ thảo ngay, tâm tính hiền từ.

13. Kẻ ác khẩu, nói năng hung dữ chuyên niệm Phật sẽ giải trừ được khẩu nghiệp.

14. Niệm Phật khiến lời nói dịu dàng, khiêm tốn do đó không gây thù chuốc oán.

15. Niệm Phật để chuyển nghiệp.

16. Niệm Phật khiến đi đứng dịu dàng, cử chỉ khoan thai.

17. Niệm Phật có thể ngăn chặn được cám dỗ điên cuồng.

18. Chán nản, thất vọng, niệm Phật khiến tâm địa bình ổn.

19. Lâm vào vòng lao lý, tù tội, mỗi tối nên ngồi ở tư thế "bán già", xoay mặt vào tường niệm Phật khoảng nửa tiếng đồng hồ, sẽ thấy tâm hồn thanh thản, thời gian ở tù qua nhanh.

20. Niệm Phật khiến ta bình tĩnh, không lao vào chuyện thị phi.

21. Niệm Phật có thể trở thành Thánh tăng, đạt tới trạng thái bất động, nhập đại định.

Thực hành niệm Phật

- Buổi tối nên niệm Phật.

- Trước khi đi ngủ nên niệm Phật cho đến khi nào đầu óc thanh thản để từ từ đi vào giấc ngủ.

- Sáng thức dậy nên niệm Phật, dù vài câu, bởi vì sau giấc ngủ dài đầu óc con người thường hôn trầm. Niệm Phật vào đầu sớm mai cũng là dấu hiệu bắt đầu một ngày mới tốt lành.

- Khi nào thấy buồn chán nên niệm Phật.

- Thấy mất tự tin nên niệm Phật.

- Thấy lòng xao xuyến nên niệm Phật.

- Thấy có thể bị cám dỗ nên niệm Phật.

- Thấy thời gian kéo dài, vô vị nên niệm Phật.

- Gặp rắc rối về pháp lý nên niệm Phật để bình tĩnh ứng phó.

- Bị ai chọc giận, công kích nên niệm Phật.

- Các em khi vào thi, nên niệm Phật để đầu óc thanh thản, bình tĩnh v.v…

- Đêm khuya thanh vắng một mình trên tàu, xe, trên sông nước nên niệm Phật.

- Khi bệnh tật, đau ốm nằm bệnh viện nên niệm Phật để không mất tinh thần,

- Nếu niệm Phật kết hợp với theo dõi hơi thở thì công năng rất lớn chẳng khác gì thiền định vậy.

Tình



Trên giời triệu tỷ vì sao

Nhân gian dưới Thế cũng bao nhiêu Tình

Ít ai thoát khỏi lụy Tình

Tình Người, ân nghĩa, thâm tình,... tình yêu

Không Tình sao sống được trên cõi đời

Có ai hạnh phúc mà không có Tình

Tình là quà tặng cho không

Không màng đáp lại mà lòng thỏa thê

Tình là bến lú sông mê

Khiến người mê đắm mà quên lối về

Dẫu rằng vui ít, khổ nhiều

Vẫn ôm Tình mãi trong tim suốt đời.


11/05/2022

Những câu trả lời của Socrates, nhà hiền triết xứ Hy Lạp

 st trên net




1. - Trong các vật hiện hữu, cái gì xưa nhất ?

- Thượng Đế, vì ở thời đại nào, Ngài cũng hiện hữu.

2. – Trong các vật, vật nào đẹp nhất ?

- Vũ trụ, vì vũ trụ là công trình của Thượng Đế.

3. – Trong các vật, vật nào lớn nhất ?

- Không gian, vì nó chứa tất cả những gì sáng tạo.

4. – Trong các vật, vật gì vững bền nhất ?

- Hy vọng, vì khi con người mất hết, nó vẫn còn.

5. – Trong các vật, vật nào tốt nhất ?

- Đức hạnh, vì thiếu nó không có một việc gì tốt đẹp.

6. – Trong các vật, vật chi di chuyển mau nhất ?

- Tư tưởng, vì trong một giây nó có thể đến tận bên kia vũ trụ.

7. – Trong các vật, vật chi mạnh nhất?

- Nhu cầu, vì nó giúp ta san bằng các khó khăn to lớn nhất.

8. – Trong các việc, việc chi dễ làm nhất ?

- Khuyên bảo.

9. – Trong các việc, việc nào khó nhất ?

- Tự biết mình.


Đặc Tính Người Hoa Ngoài Trung Quốc

 st trên net


Trong khi người Việt nhiễm văn hoá Trung Quốc như đã nói ở bài trước, người Hoa ở nước ngoài lại thích ứng rất nhanh nên vươn lên khá nhanh và khá cao. Những đặc tính của người Hoa ở ngoài Trung Quốc được mô tả như sau:

1.- Cần cù, việc gì cũng làm

2.- Yêu nghề, kính nghiệp.

3.- Tiết kiệm, không sống khoe khoang hay xa hoa.

4.- Khởi sự từ buôn bán nhỏ.

5.- Đơn vị kinh tế gia đình: Gia trưởng đóng vai trò quan trọng. Tài sản có thể truyền từ đời nọ sang đới kia.

6.- Hình thành những xí nghiệp không theo một hình thức chặt chẽ, không theo những quy luật nhất định, tất cả đều dựa vào chữ TÍN.

7.- Không làm những công việc có tính cách phức tạp hay quá to lớn, chỉ thích kinh doanh vào những lãnh vực đơn giản. Khi cần làm ăn lớn thường chia ra làm nhiều công ty con.

8.- Móc nối với chính quyền và cá nhân khác rất giỏi. Không tham gia chính quyền hay đảng phái nào, nhưng thường nắm được các nhân vật có địa vị quan trọng có thể bao che hay hổ trợ cho làm ăn.

(Tại Indonesia, người Hoa chỉ chiếm từ 3% đến 4% dân số, nhưng làm chủ 70% tài sản ở đất nước này với khoảng 160 trong số 200 xí nghiệp lớn của Indonesia. Gia đình ông Liem Sioe Liong, làm chủ xí nghiệp Salim với số vốn khoảng 9 tỷ mỹ kim, nhờ quen biết lớn với Suharto. Ở Thái Lan, Singapore… hay như VN ta cũng có tình trạng như vậy).

 9.- Không thích tranh tụng, kiện cáo. Thường tìm cách dàn xếp mỗi khi có đụng chạm hay bị bắt vì vi phạm luật pháp.

10.- Phạm vi hoạt động gần như không biên giới.

11.- Thích ứng rất nhanh với những biến đổi của thời cuộc.