28/03/2022

Cháo lòng Hà nội

  



Nhà văn Vũ Bằng đã từng tả cái nhớ cháo lòng trong tác phẩm nức tiếng "Miếng ngon Hà Nội" như thế này: " ...,một hôm trời trở gió kia, anh thấy như nhơ nhớ một cái gì xa xôi lắm lắm, kiểu cái nhớ vẩn vẩn vơ vơ lúc mới nổi ngọn gió thu... Anh tự hỏi nhớ gì: nhớ ngày vàng đã qua rồi, nhớ một cặp mắt người yêu cách biệt, hay nhớ một mối tình não nuột đã liệm vào tấm vải xô của thời gian? Không phải cả. Ta rầu rầu trong bụng, suy nghĩ vẩn vơ mãi, sau mới biết rằng “đối tượng” của sự nhớ nhung đó không có gì khác là tiết canh, cháo lòng: “À đã lâu lắm mình không thưởng thức...”.

Chứng tỏ món ăn ấy không phải cứ tự nhiên mà thèm ăn, nhiều lúc chỉ bởi nhớ một thứ hương vị không phải cơm tẻ thịt thà, không cơm Tàu béo ngấy. Món cháo lòng cứ giản dị mà tự nhiên được yêu thích một cách đặc biệt.

Thực ra, cháo lòng, tiết canh và lòng lợn ăn ở chỗ nào – giữa chợ, ngoài đường, trong hiệu hay ở nhà – thì cũng phải ăn cả ba thứ mới cảm thông được hết cả cái hay, cái đẹp, cái ngon, cái lạ.

Khi mà bữa sáng phở, bún đã thành nhàm miệng, cháo lòng được nhắc tới như một món ăn đầy thu hút. Cháo lòng Hà Nội thường rất sánh , bí quyết nằm ở thứ nước ninh xương béo ngậy dùng để nấu cháo. Rồi thêm miếng lòng trắng trong giòn tan, miếng dồi tiết bùi bùi, điểm thêm dăm ba miếng thịt dải, dạ dày, gan luộc, rau sống có hành ngò, húng ớt là đã có ngay bát cháo lòng đầy ắp nóng hổi.

Màu của cháo lòng cũng phải là màu nâu đậm đặc trưng của tiết tươi pha chút cốt gừng, được rây khéo léo từ lúc cháo sôi sao cho thật sánh đều mà không vón cục. Nhìn bát cháo còn sủi tăm, từng miếng dồi, tràng, gan, tim xếp gọn ghẽ, khói tỏa nghi ngút khiến người ta nhìn mà ứa nước miếng.

Cái tiết canh, cháo lòng của ta chính ra là một món ăn rất bình dân, mọi lớp người trong xã hội đều có thể ăn chơi thong thả, nhưng trái lại, lại là một thức ăn thanh lịch vào bực nhất.

Không có ai lại nhồm nhoàm tống luôn ba miếng gan hay cổ hũ vào miệng một lúc bao giờ. Dù bận rộn hay háu ăn đến thế nào đi nữa, người ta cũng nhởn nha gắp từng miếng. Ăn nhiều, kém ngon đi.

Nhưng muốn thưởng thức lòng cho ra trò, phải đưa cay tý rượu. Khà, “nó” lạ lắm. Có tí rượu, lòng tự nhiên nổi hẳn vị lên, cái bùi dường như bùi hơn, cái béo dường như cũng béo hơn lên một chút. Gắp một miếng lòng tràng, chấm đẫm mắm tôm chanh, ớt mà ăn, rồi thong thả lấy hai ngón tay cái và ngón tay trỏ nhón một cánh mùi hay lá rau thơm điểm vị, ta sẽ cảm thông hết cả cái sự thanh bình của sự ăn uống nhởn nha, đồng thời, lại thấu hiểu miếng ngon ta thưởng thức.

Việc đầu tiên là thưởng thức những món lòng lợn bên trên, rồi mỗi bộ phận lại có một hương vị khác nhau: "gan thì ngòn ngọt mà lại đăng đắng, ăn vào với rau mùi lại thấy thơm thơm; tim nhai vào trong miệng mềm cứ lừ đi; cổ hũ giòn tanh tách; lòng tràng sậm sựt; còn ruột non thì quả là đáo để, mới cắn tưởng là dai nhưng kỳ thực lại mềm, ăn vào cứ lo nó đắng thành thử đến lúc thấy nó ngọt và bùi và thì cái bùi cái ngọt ấy lại càng giá trị"...quanh đi quẩn lại có mấy thứ mà cái ngon biến ra hàng trăm sắc thái khác nhau.(Miếng ngon Hà Nội).

Cháo lòng không có nhiều quán bán, bởi lẽ làm cháo lòng không khó, nhưng chọn được nguyên liệu ngon mà đảm bảo không phải dễ dàng gì. Vậy nên khi đã tự tin mở quán, là chủ quán có thể tự tin không cần lo lắng về khách thưa hay quán vắng.

Người ngoài nhìn vào hàng cháo lòng có thể xô bồ đôi chút, nhưng cái thú bình dân ấy quyến rũ đến mức người tới chậm có thể sẵn sàng chờ đợi để được thưởng thức, hay chép miệng tiếc rẻ bởi trót ra khi quán đã hết hàng. Cũng bởi món cháo ấy mang một dư vị kín đáo xa xôi không giống bất kì một loại cháo nào khác. Những hạt gạo còn trắng ngần trong nền nước tiết đậm đặc, thêm cái sậm sựt của lòng dồi, vét tới miếng cuối cùng đáy bát rồi vẫn còn vương rất nhiều thòm thèm...



27/03/2022

Giang Thành Tử



Tô Đông Pha

Mười năm cách biệt muôn trùng.

Dù không cố nhớ nhưng lòng chẳng quên.

Làm sao tỏ cạn nỗi niềm.

Nàng nơi ngàn dặm cỏ mềm mộ xanh.

Thiên thu xa cách không đành.

Nàng nơi chốn ấy một mình thê lương.

Thân ta đã nhuốm bụi đường.

Tóc ta đã nhuộm gió sương mất rồi.

Gặp nhau còn được nữa thôi.

Chắc gì đã nhận ra người ngày xưa.

Ta về quê cũ trong mơ.

Thấy nàng ngồi đó vẫn chờ bên hiên.

Điểm trang nàng vẫn cười hiền.

Nhìn nhau không nói lặng yên bên giường.

Nàng ơi có thấu đoạn trường.

Đêm nay trăng sáng đồi sương với tùng.


Toại ngình - Cái nhìn về phía nạn nhân


 

Ở (đáy giếng) một phường ven đô mà thấy lắm chuyện nhiễu nhương quá. Cũng Tiền - Tình - Tài rồi ngoại tình mà thôi nhưng phức tạp chả kém gì bên phố nhớn cả.

Thấy mọi người lên án những kẻ ngoại tình mà ít ai quan tâm đến nạn nhân của nó nên mình viết bài này nhằm bày tỏ quan điểm đối với người bị hại.

Trong bài này mình có sử dụng nhiều ý của nhà văn Trang Hạ.

***

Ngoại tình thì chỉ có sai chứ chưa bao giờ đúng cả dù lu loa cả đống lý do để bao biện hay có lên mạng lai – chym thì vẫn thối như cức.

Về tâm lý, nói về ngoại tình, đàn ông và đàn bà là hai sự khác biệt.

Đàn ông có thể lên giường với cả những phụ nữ dù họ không có tình cảm nhưng có cơ hội (Trẻ khỏe cứ phải xông pha không thời về già sẽ là mất nết. Nhưng ở ta, vô khối thối tha có nết .é.o đâu mà mất.).

Còn đàn bà chỉ ngủ với người mà họ yêu (?) (trừ những người phụ nữ vụ lợi hoặc có nhu cầu tình dục cao...).

Đàn ông ngoại tình rồi sẽ trở về với vợ con.

Đàn bà khi đã ngoại tình thì chả muốn về nhà nữa.

Khi dẫm chân lên giường ngoại tình, họ thường lầm lẫn giữa lãng mạn và chân tình (hay tự an ủi vậy ?) cùng sự cuồng nhiệt mà đã lâu họ không được có. Cho đến một ngày, chia ly hoặc rũ bỏ, sự hối hận và bẽ bàng sẽ làm cho họ thấy chua cay (!).

Khi họ ngoại tình, họ sẽ giấu kỹ sao cho không ai biết dù là ai chăng nữa? Đương nhiên rồi, vì chính họ cũng biết nó là tội lỗi mà.

Thực ra là giấu được không ? Không, cái kim trong bọc sẽ tòi ra thôi, nhưng họ vẫn bất chấp, sấn sổ lao vào! Nói một cách sống sượng theo lối gái hư bây giờ thì: Kẻ nào không được yêu, kẻ ấy mới là kẻ thứ ba chen ngang cuộc tình! (mà đàn bà ấy mà, muốn có tình, không nhất thiết phải "hư"  mà chỉ cần ngoan hiền là hoàn hảo. Gái ngoan luôn có quà, chân lý đấy.  Còn với đàn ông, chẳng gì xấu xa cả, khỏe mà không "chiến đấu"  thì đậu má, để bảo vệ nắm xương già à ? – Hơi miên man tý)

Với nạn nhân, tớ nói nhé, lạc đường không đáng sợ, điều đáng sợ nhất là không biết mình muốn đi đâu (lăn tăn giữa tha thứ hay chia ly ?).

Bị hại, nên bạn nghĩ rằng ngoại tình đã cướp đi người thương yêu của bạn, nhưng không phải, ngoại tình chỉ cướp đi người yêu bạn mà thôi (mà có lẽ từ lâu họ đã không yêu bạn nữa rồi).

Những gì quý giá bạn đã dành cho mối tình đã mất, hãy để cho một người nào đó xứng đáng hơn!

Bạn thấy ngoại tình là một thứ phân bò dính trên giầy của mình, đẩy ra càng chóng càng tốt. Còn đẩy thế nào là do bạn.

Mà sao bạn không nghĩ rằng, bản thân mình luôn có nguy cơ trở thành một thứ phân bò đang bị kẻ khác cố đẩy ra khỏi mối quan hệ của họ ?

Nên thay bằng việc lên án ngoại tình, hãy coi nó là một thứ làm tổn thương bạn, nhưng không hề làm bạn mất đi bất kỳ thứ gì cả. (níu kéo được không khi tình cảm và niềm tin đã mất)

  

Hãy cảm ơn kẻ thứ ba, bởi vì có nó, bạn mới biết bạn thực ra là ai của… người ấy! Chẳng cần sự xuất hiện của ngoại tình, mối quan hệ của bạn cũng đã tổn thương từ lâu rồi. Và vì bạn đã mất nhau, tình yêu đã đi vắng, thì ngoại tình mới xuất hiện. Chứ không phải là vì kẻ thứ ba xuất hiện, thì tình yêu của bạn mới mất đi!

Nếu bạn đang có một tình yêu đẹp đẽ, thì chẳng kẻ thứ ba nào chen ngang được! Dù kẻ đó là hoàng đế, ngôi sao hoặc công chúa hay là hoa hậu quốc tế đi chăng nữa! Còn nếu có kẻ chen được vào, chứng tỏ, những yêu thương bạn tưởng đang rất tốt đẹp, thực ra đã đi về một nơi nào xa lắc, không biết đã mất đi từ lúc nào!

Có người dạy bạn yêu thì rồi cũng có sẽ có người dạy bạn nỗi đau! Nếu không, bạn mãi chẳng bao giờ biết, bạn thực ra là ai, hạnh phúc thực ra mang dư vị gì…

Bởi một ngày ngoái lại, bạn sẽ thấy, những gì ngày xưa từng khiến bạn yêu thương, trân trọng…để hy sinh mình bảo vệ nó hóa ra bây giờ chỉ còn đủ để bạn một lần mỉm cười…

Nên bạn tưởng ngoại tình đã cướp mất đi người yêu thương của bạn, nhưng đâu có, ngoại tình chỉ cướp đi người không yêu bạn mà thôi.

Vậy, dù rất buồn, dù bị phản bội, thì bạn hãy cứ phải mỉm cười để nước mắt xuôi vào trong nhé. Hẵng cứ nghĩ rằng: Ngày mai trời lại sáng. Hãy luôn ý thức được rằng, cho dù trái tim bạn có tan nát ra sao, thì cuộc sống vẫn sẽ không bao giờ dừng lại.

Những gì quý giá bạn biết bạn đang có, hãy để dành và trân trọng nó. Mặc dù từ “yêu” có thể có nhiều nghĩa khác nhau, nhưng hãy thận trọng khi sử dụng, bởi nó sẽ mất đi giá trị khi lạm dụng.

Nên chỉ nói Yêu thôi, đừng nói Yêu mãi mãi.

Đừng để Tình yêu vuột qua tay mình.

  



Chùa Việt - Phần 10 (lên chùa)

 Phần 10.



Vào chùa tâm tĩnh lặng

Bước chân chẳng vội vàng

Vui trong niềm tỉnh thức

Hạnh phúc thật nhẹ nhàng

Nói đến chùa Việt mà không nói đến lên chùa (đi chùa) là một thiếu xót. Bởi vì trong tâm thức người Việt từ thuở xa xưa (ít nhất từ thời Lý, không nói là sớm hơn nữa) thì việc lên chùa vào những ngày sóc, ngày vọng (mồng một, ngày rằm hàng tháng), những ngày đầu Xuân năm mới… là điều đương nhiên.

Người Việt Nam ta, nhất là người nông dân, thị dân tiếp nhận Phật giáo không phải là những giáo lý cao sâu mang tính kinh viện, mà chủ yếu ở những quan niệm về lối sống, nếp sống theo tư tưởng khuyến thiện, trừ ác theo luật nhân quả ở hiền gặp lành, cung cách ứng xử xã hội một cách hài hòa, ăn ở sao để phúc đức cho con cháu… 

Chùa ngày xưa tôi đến rộng rãi, mái ngói rêu phong cổ kính, vườn chùa nhiều cây cỏ hoa lá thơm lành tươi mát. Đến chùa là tìm được sự an lành, yên ổn tâm hồn, hít thở không khí trầm hương thơm ngát, nghe tiếng kinh kệ u trầm, cảm thấy thân tâm an lạc.

Mọi người lên chùa với một tâm thái trang trọng, hồn nhiên và vô cùng giản dị. Chỉ chút lễ mọn như quả cau, lá trầu, nải chuối, một chút tiền hương nến…gọi là tiền "giọt dầu" nhưng với tấm lòng thành kính dâng lên ban thờ Phật hoặc tới tay các vị tăng, ni. 

Họ thưa, gọi từ Thầy Cả đến chú tiểu đều bằng Thầy và xưng Con rất lễ độ. Nhà Chùa có việc thì mọi người hô hào nhau, xúm vào cùng gánh vác, coi như phận con cháu đến giúp mẹ cha vậy, thân thiện và chu đáo vô cùng.

Dân làng có việc, biện chút trầu thuốc thưa gửi, nhờ Thầy Cả đến nhà lo cho gia chủ việc tang gia hay dịp lễ lạt nào đó. Nhà Chùa thu xếp đến ngay, rất tận tình.

Cửa chùa luôn rộng mở, từ bậc vua chúa, quan lại đến kẻ nghèo hèn, cơ nhỡ, lang bạc đều có thể vào tá túc. Dù nghèo, nhưng Nhà Chùa vẫn chứa chấp những kẻ trốn quan, phụ nữ sa cơ…chứ không ghẻ lạnh, xua đuổi nên đã bao bọc bao phận người khó.

Con cháu đi xa trở về hoặc người thành đạt đều biện lễ dâng lên cảm ơn Phật tổ, cảm ơn Nhà Chùa với tấm lòng thành kính…

Âu những nét đẹp đó bây giờ hẳn vẫn còn nhưng cũng có phần lạt về chân tâm, cũng vì nhiều lẽ.

Nhà Chùa là nơi truyền bá chính pháp. Là nơi tôn thờ Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng. Nhưng nhiều chùa hiện nay, các tăng, ni chỉ chú trọng vào việc cúng lễ hơn là giảng đạo và tổ chức khóa tu. Nào là hộ niệm, cầu siêu, cúng tuần, dâng sao giải hạn, giải oan.. vô hình dung biến đạo Phật thành đạo cầu cúng và đạo của người chết.

Cả đời tạo nghiệp, đến lúc chết nhờ hộ niệm và cầu siêu liệu có siêu thoát? Đầu năm cầu an mà quanh năm tạo nghiệp liệu có an ?

Một khi đã là đạo của người chết thì làm sao thu hút được người sống và người trẻ đến chùa học và hiểu Pháp ?.

Tôi có hỏi nhiều người rất chăm lên chùa, thậm chí còn mua, may mặc trang phục bên Phật giáo rằng:

- Tam Bảo là gì ?

- Các bạn đi chùa theo tông giáo nào vậy ?

- Các bạn có biết Bồ tát khác La hán thế nào không ?

-...

 Phần đa là ngắc ngứ không trả lời được - Tại sao vậy ?

Đó là các bậc tăng, ni bây giờ mải tập trung vào việc lo cho các việc tang sự, an sao - giải hạn... mà quên mất việc tu tập và hoằng pháp thì hệ quả tất yếu chúng ta đi chùa chỉ biết cầu xin mà không hiểu đạo. Mà khi đã không hiểu đạo thì việc bị cải đạo dễ như trở bàn tay. Đi chùa như thế không mê tín mới lạ.

Vào những ngày tuần tiết, nhất là những ngày đầu xuân, không khí lên chùa lễ Phật vẫn rất nhộn nhịp, thậm chí còn náo nhiệt, đông đúc hơn xưa, nhưng dường như cái tâm thế của con người thời nay đến với thần Phật không còn như xưa, mặc dù ngày nay người ta mang nhiều lễ vật, hương hoa, tiền bạc, vàng mã đến chùa đền hơn.

Hành vi của con người không còn thật khiêm nhường, tĩnh tâm, thành kính, mà thay bằng sự xô bồ, phô trương. Ai cũng có vẻ hối hả như tranh giành lấy cái phúc lộc mà thần Phật sẽ ban phát cho mình. Tệ hại hơn là xuất hiện cái hủ tục rải tiền thật khắp nơi, nhét vào tận tay thần Phật, cứ tưởng như vậy là thể hiện lòng thành, người trông giữ đền chùa hình như cũng rẻ rúng những đồng bạc mệnh giá nhỏ nên để nhiều trường hợp tiền cứ theo gió, theo bước chân người đi chùa dẫm đạp. Thật sự đó là những hành động vừa phản lại tâm linh, tín ngưỡng vừa  phản văn hóa.

 Phật giáo có câu 'Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn' có nghĩa chúng ta tự giác điều chỉnh và cảnh tỉnh bản thân rồi sẽ thấy cuộc sống tốt đẹp hơn, từ đó con người sẽ lan tỏa cái tốt đẹp đó sang những người xung quanh chứ không phải Phật đem cho chúng ta những cái đó. Chúng ta không nên mong có một thế lực siêu nhiên nào hỗ trợ, mà phải nỗ lực bằng chính khả năng của mình.

Vì thế, thành tâm chắp tay lễ Phật không phải là cầu xin cho mình mà là cảm ơn Phật tổ, Chư Phật đã chỉ đường, dẫn lối cho ta đến điều hay, lẽ phải - cho chúng ta hướng thiện.

Lên chùa  sửa mình sao cho con người trở lên thanh sạch về cả thể chất và linh hồn để hướng tới lý tưởng của Phật tổ: Từ bi và trí tuệ.

Ở đây, tôi xin trích một phần bài giảng của Thầy Thích Thanh Từ, mong mọi người đọc:

...Chúng ta đến với đạo Phật là đến với tâm hồn chân thật, phải dụng công tu hành, không phải đến với đạo Phật bằng cách cầu xin. Nếu quý Phật tử ngẫm kỹ, nhớ cho rõ ràng, từ hồi biết đi chùa cho tới bây giờ, mình tu theo Phật hay là cầu xin Phật? Chắc tu ít, cầu xin thì nhiều. Đó là điều đáng buồn mà cũng rất đáng thương. Nếu phật tử cứ đi cầu xin hoài thì đạo Phật đã mất rồi. Dầu còn chùa, còn Phật tử cũng không còn đạo Phật, vì Phật dạy tu mà mình có tu gì đâu? Nên nhiều người đi chùa mười năm, hai mươi năm nhưng phiền não ngày càng tăng chớ không giảm. Đi chùa nhiều mà sân cũng lắm, giận cũng nhiều thì có hiệu quả gì đâu.

Chúng ta đến với đạo Phật là để tu, mà tu thì phải làm sao? Phật dạy lấy nhân quả làm căn bản. Chúng ta gieo nhân tốt rồi còn phải cố gắng duy trì, bảo vệ thì sẽ được quả tốt. Nếu chúng ta gieo nhân xấu thì phải rơi vào cảnh khổ, không nghi ngờ. Như vậy người phật tử là người biết chọn nhân để gieo, tránh nhân dữ không cho nó sanh khởi, đó là chúng ta tu.

Biết như vậy, hiểu như vậy, thấy như vậy, đó là chúng ta có tỉnh có giác. Còn không hiểu như vậy là không có tỉnh, không có giác. Biết được, nhận chân được lý nhân quả của Phật đó là chúng ta đã giác một phần rồi. Nếu biết nhân quả do mình gây, mình chịu thì chúng ta có kêu trời kêu Phật gì nữa không? Gặp khổ có kêu trời, gặp vui có tạ ơn trời không? Tất cả những điều đó là do nhân mình gây, quả mình hưởng. Biết rõ như vậy thì chúng ta là người tỉnh.

Hơn nữa người tin nhân quả là người gan dạ, can đảm, còn người không tin thì không gan dạ, không can đảm, tại sao vậy? Bởi vì tin nhân quả nên việc gì tốt là do mình tạo thì mình thành công. Mình thành công là do nhân mình làm nên quả mình hưởng, không có gì ngạo mạn cho mình là hơn. Nếu mình gặp điều xấu là do nhân mình không khéo tạo cho nên quả xấu đến với mình. Như vậy là cũng tại mình chứ không trách ai hết.


Gừng ngâm dấm - Bài thuốc Hay.



Chút quà tặng mọi người.

Gừng ngâm dấm là bái thuốc có nhiều tác dụng cho sức khỏe của mọi người, ví lại vô cùng dễ làm, dễ bảo quản và dễ dùng, theo mình không có tác dụng phụ.
     Thứ nữa, ở nhà nên tự làm dấm ăn - dễ thôi (cứ hỏi bác Gu gồ là rõ) mà có khi còn mang Lộc cho Gia đình ấy chứ.

Rất mong mọi người tham khảo.

Trong y học cổ truyền, gừng tươi được gọi là sinh khương, là một trong những vị thuốc tân ôn giải biểu, có vị cay, nóng, mùi thơm, tính ấm.

Sinh khương quy vào kinh phế, vị, tỳ, có tác dụng phát tán phong hàn, chữa cảm mạo phong hàn, ngạt mũi, ho có đờm, nôn mửa, làm ấm dạ dày trong các trường hợp bụng đầy chướng, ăn không tiêu, khí huyết ngưng trệ, chân tay lạnh. Ngoài ra dùng làm thuốc kích thích tiêu hóa, tăng bài tiết, sát trùng, hành thủy, giải độc ngứa do bán hạ, cua cá, chim thú độc.

Nguyên liệu:

– Nửa cân gừng tươi (gừng ta nhỏ càng tốt - đừng ham củ to có khi là độc đó).

– 250ml hoặc nửa lít cũng được dấm táo, hoặc dấm gạo lên men. Khuyến khích mọi người nên sử dụng giấm táo sẽ tốt hơn.

– Đường cát trắng 50-100g tùy vào khẩu vị của từng người, nếu cho thêm chút đường phèn thì càng tốt.

Cách làm:

Gừng tươi rửa sạch, có thể cạo vỏ hoặc không cũng được; thái lát mỏng, ngâm qua nước muối khoảng 15 phút để cho ráo nước. Chuẩn bị lọ thủy tinh rửa sạch, lau thật khô.

Cho dấm vào nồi, nấu trên lửa nhỏ đến khi dấm sôi, tắt bếp, thêm đường vào, nêm nếm sao cho có vị chua chua ngọt ngọt. Để nồi dấm nguội. Khi nồi dấm nguội bạn cho gừng vào lọ thủy tinh, cho nước dấm vào, đậy thật kín, để khoảng 1 ngày là có thể dùng được.

Cách dùng:

Cách tốt nhất để ăn gừng ngâm dấm là vào buổi sáng, cùng bữa ăn sáng. Khi đó, dạ dày đang làm việc thì máu sẽ lưu thông tốt hơn, hỗ trợ quá trình tiêu hóa, tăng tốc tuần hoàn máu, có thể làm mới và sản sinh các tế bào.

Sau 3 ngày liên tục ăn, bạn có thể thấy không còn bị trào ngược dạ dày, thậm chí không đau dạy dày hoặc tá tràng nữa.

Nếu ăn khoảng 20ml dấm đã ngâm còn có thể hỗ trợ điều trị bệnh viêm khớp, giảm mỡ máu. Kiến nghị người bị mỡ máu cao, huyết áp cao nên sử dụng món này.

Ăn gừng ngâm dấm hay một thìa con nước dấm còn có tác dụng tiêu mỡ, đốt sạch chất béo, lọc và đào thải chất cặn bã ra ngoài cơ thể. Ngoài ra, còn tốt cho gan, ngăn triệu chứng rụng tóc, nhất là khi thời tiết đang giao mùa.

Đặc biệt, với đàn ông, gừng ngâm dấm còn là liều thuốc tự nhiên tăng cường thể lực, tráng dương…

Gừng đã được chứng minh là một loại thuốc giúp trung tiện tốt, vì thế giúp bạn chống lại cảm giác đầy hơi. Nó cũng giúp chống lại các triệu chứng say tàu xe như buồn nôn, nôn và chóng mặt. Hiệu quả hơn hầu hết loại thuốc tây, gừng là một liệu pháp tự nhiên khi bạn đang cố gắng làm giảm bớt sự khó chịu của dạ dày.

Ngoài ra, gừng có tác dụng kích thích lên tim và mạch máu, giúp chúng hoạt động hiệu quả hơn. Chất Gingerol giúp cải thiện tuần hoàn máu.

Dấm có tác dụng làm hoạt huyết, khơi thông dạ dày, khi ngâm với gừng có thêm tác dụng điều hòa tì vị, đây là đặc điểm quan trọng nhất, giúp cho tì vị hoạt động hiệu quả, tiêu hóa tốt và loại bỏ các chứng bệnh về chán ăn, khó tiêu, làm nền tảng cho các hoạt động khác của cơ thể./.

Nếu có điều kiện nên sử dụng lâu dài và thường xuyên, theo Y học cổ, có thể kéo dài tuổi thọ nữa.

Trân trọng.


Lánh đời

Mượn ý bài thơ cổ không nhớ tên, vì lâu rồi.




Tự nhiên đến gốc thông

Mượn đá kê cao ngủ

Quên những gì long đong.

 

Dòng đời dù bạc bẽo

Cũng đến thác mà thôi

Thói đời thường vẫn thế

Hưởng thụ quên Nghĩa ngay.

 

Trong rừng không ngày tháng

Chim ca, suối reo trong

Ngẩng đầu ngắm mây bay

Cho tháng ngày thanh thản.

Một vài hiểu viết về café

Nhặt nhạnh trên net.

 

Trước hết cà phê có hai giống chính khác nhau là cà phê Robusta và cà phê Arabica. Rubusta, như cái tên nó thể hiện, rất là robust, tức là mạnh, là nhiều cafeine, là mất ngủ nhiều. Arabica thì trái lại, ít độc hại hơn, nhưng có nhiều hương thơm (aroma).

Nghệ thuật sản xuất cà phê bắt đầu từ việc lự việc lựa chọn hạt cà phê, và pha một tỷ lệ thích hợp giữa hai giống cà phê này.

Thứ hai , hạt đã được chọn phải được rang như thế nào? Người Italy khi đi sang Trung Quốc, Việt Nam, nhìn thấy các ông “nông dân” tập tọng uống cà phê rang thì giơ hai tay lên trời mà kêu trời, kêu cha, kêu mẹ. Rang cà phê trên chảo “quân dụng” nóng có rắc thêm ít bơ cho khỏi cháy thì aroma nó bay lên trời hết rồi, còn đâu cái vị ngon làm điên đảo nhân loại hàng bao nhiêu thế kỷ. Ở phương Tây, cà phê được rang trong nhà máy, bằng hệ thống toàn bộ kín khí cho đến khi hạt cà phê được rang xong và đóng vào túi cũng hút chân không, nên hương vị nó còn giữ được.

Hạt rang xong, trộn xong vẫn chưa phải là hết. Cà phê phải được xay cho đúng, không phải cho vào máy xay công nghiệp xay cho mịn là xong. Máy xay cà phê xịn, riếng lưỡi dao đã đi vài trăm USD, và cứ 3 tháng lại phải thay một lần, lại phải vi chỉnh bằng cách xay, pha, uống thử dăm lần bảy lượt nữa.

Tại sao vậy? Vì bột cà phê nếu xay quá thô, thì vị cà phê sẽ nhạt, nhưng nếu xay quá mịn thì vị cà phê sẽ đắng, vì bị “cháy” trong khi pha.

Pha cà phê bằng phin kiểu mà người Việt Nam gọi là kiểu “Pháp” chỉ là cách pha cà phê hạng 3 thôi, nó du nhập được sang Việt nam đơn giản vì nó dễ, không cần kỹ thuật gì cao, mà ai cũng “nhái” theo làm phin pha cà phê cả bằng nhôm, bằng nhựa đều dùng được hết.

Cà phê hạng nhất phải pha chén nào, xay cà phê ngay chén đó. Máy nó pha bằng cách xả hơi nước qua bột cà phê nén chặt. Xì. Vài mươi giây là xong, không đắng, không chua, không quá độc hại. Mà hương vị nó ngon vô cùng.

1) Arabica: là loại café hạt hơi dài, được trồng ở độ cao trên 600m, khí hậu mát mẻ, chỉ được trồng chủ yếu ở Braxin, và chiếm tới 2/3 lượng café hiện nay trên thế giới.

Cách chế biến mới là điểm tạo ra sự khác biệt giữa Arabica va Robusta. Quả cà phê Arabica được thu hoạch, rồi lên men (ngâm nước cho nở…) rồi rửa sạch rồi sấy. Chính vì thế, vị của Arabica hơi chua, và đây cũng được coi là 1 đặc điểm cảm quan của loại café này. Vì thế, nói đến “hậu vị” của café là có thật, nhưng không phải là vị chua, mà phải chuyển từ chua sang đắng (kiểu socola ý, sau khi nuốt mới là café ngon). Người ta thường ví vị chua đó giống như khi mình ăn chanh, sẽ thấy rất chua, nhưng lập tức thấy được vị đắng của vỏ. Cách cảm nhận vị chua của café cũng như vậy.

2)Robusta: hạt nhỏ hơn arabica, và được sấy trực tiếp, chứ không phải lên men, nên vị đắng chiếm chủ yếu, loại này uống phê hơn. Được trồng ở độ cao dưới 600m, khí hậu nhiệt đới, vì thế có mặt ở nhiều nước hơn (VN chỉ trồng loại này), tổng lượng chỉ chiếm 1/3 lượng café tiêu thụ trên toàn thế giới.

Quan trọng đối với quá trình sản xuất café, tất nhiên cũng từ khâu trồng trọt, đất đai… nhưng lúc chế biến thì là giai đoạn “rang”. Nhiệt độ rang café phải đạt 230-240 độ C nhằm tạo các chất thơm, tạo màu (caramel hoá). Đối với cà phê Arabica, điều kiện rang không chặt chẽ như robusta vì nó qua lên men, còn bao nhiêu tính chất cảm quan sau này đều nhờ vào quá trình này cả, nên luôn yêu cầu “rang trong điều kiện trên bề mặt thoáng” .

Đúng là cần đủ kín để giữ mùi nhưng không có oxy thì làm sao mà tiến hành phản ứng oxyhoá được? Còn thiết bị rang thì thường hình tròn hoặc trụ nhằm tạo điều kiện đảo trộn đều và phân bố nhiệt tốt.

Còn khi pha café, nước là loại ít can-xi nhưng chỉ đun đến khi thấy sủi tăm (khoảng 90-95 độ là tốt nhất, vì nhiệt độ cao sẽ làm bay hơi nhanh và phá vỡ các tinh dầu thơm). Độ mịn của café cũng quan trọng nhưng tuỳ theo loại mà sẽ có yêu cầu khác nhau.

Về bình pha, có nhiều loại lắm, không có cái nào giống phin café ở VN cả, nhưng đa số cũng theo nguyên lý như vậy (nước ở trên, phần lọc và café ở giữa, rồi hứng café bên dưới) nhưng cũng có cái thì ngược lại (café ra ở bên trên, nước ở phía dưới) . Còn thực tế, người ta đánh giá café pha bằng máy ở nước ngoài là đạt tiêu chuẩn vì café chỉ pha 1 lần, thời gian tiếp xúc giữa nước và café rất ngắn, nhưng vì dân Châu Âu đa số dùng cà phê Arabica nên café của họ nhạt và chua.

Khi pha, người ta thường pha chế theo tỷ lệ khác nhau để tạo ra “hiệu quả” khác nhau, việc đánh giá cũng thay đổi theo từng người do tác dụng kích thích của café lên mỗi người là không giống nhau.

Uống vài cốc café sẽ có tác dụng tốt, nhưng chỉ cần 10g cafein cũng có thể gây chết người rồi. Uống café thì dùng thìa cũng được, cái chính là thời gian để café lưu trên lưỡi đủ để toàn bộ lưỡi cảm nhận được, còn không, thì trước khi uống, phải cho đầu lưỡi vào cốc, rồi sau đó mới uống từng ngụm nhỏ.

Tạm thế vậy, vì chính mình nghiện café nhưng hiểu biết cũng đến thế là cùng. Chứ trên thế giới, theo mình biết có rất nhiều kiểu rang xay, pha và thưởng thức café mà nói cả năm chả hết.