20/02/2022

Kiểm tra sức khỏe định kỳ bằng các câu hỏi để bổ sung Vitamin

 

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng.

Ai cũng biết ít nhiều về vai trò quan trọng của sinh tố A, D, E, C. Cả 4 loại sinh tố này càng được lưu tâm hơn nữa kể từ khi thầy thuốc hiểu rõ hơn về tác hại ngấm ngầm của chất oxy-hóa trong tất cả các căn bệnh được xếp loại vào nhóm “bệnh thời đại”, từ cao huyết áp cho đến cườm mắt.

Lý do rất dễ hiểu, vì cả 4 loại sinh tố vừa kể đều là chất kháng oxy-hóa, nghĩa là hoạt chất có công năng trung hòa độc chất trong môi trường ô nhiễm, tia tử ngoại trong ánh nắng gắt, phế phẩm nội sinh từ tiến trình biến dưỡng của cơ thể, hóa chất tổng hợp trong sản phẩm tiêu dùng…

Cũng từa tựa như túi tiền. Thừa chút bao giờ cũng tốt hơn cạn túi. Chính vì thế cần đánh giá chính xác về nguồn dự trữ của 4 loại sinh tố vừa kể vì theo kết quả của hàng loạt công trình nghiên cứu, không quá khó để dự phòng nhiều bệnh chứng nghiêm trọng nếu cơ thể lúc nào cũng đừng thiếu A, D, E và C.

Muốn biết không mấy khó. Với bốn nhóm câu hỏi dưới đây độc giả có thể qua đó vừa tự đánh giá khả năng kháng bệnh, vừa phát hiện các yếu tố bất lợi cho hoạt động của hệ thống phòng vệ của chính mình. Chỉ cần trả lời các câu hỏi dưới đây với ĐÚNG (Đ) hay SAI (S), rồi sau đó tổng kết số câu đã trả lời với đúng.

A. Tiêu chí đánh giá khả năng thiếu hụt sinh tố A

1. Bạn đang hút thuốc? (Đ) (S)

2. Bạn uống rượu bia mỗi ngày? (Đ) (S)

3. Bạn phải làm việc nhiều giờ ngoài trời? (Đ) (S)

4. Bạn không quen ăn cải hơn 2 lần trong tuần? (Đ) (S)

5. Bạn ít khi ăn trái cây nhiều hơn 2 lần trong tuần? (Đ) (S)

6. Bạn thường bị quáng gà? (Đ) (S)

7. Bạn làm việc với máy vi tính nhiều hơn 4 giờ mỗi ngày? (Đ) (S)

8. Bạn dễ bị viêm họng? (Đ) (S)

9. Bạn hay bị nứt nẻ gót chân? (Đ) (S)

10. Bạn đang có thai hay đang cho con bú? (Đ) (S)

B. Tiêu chí đánh giá khả năng thiếu hụt sinh tố D

1. Bạn đã bị bệnh cột sống? (Đ) (S)

2. Bạn hay bị hư răng? (Đ) (S)

3. Bạn đã bị bệnh bướu cổ? (Đ) (S)

4. Bạn ăn chay trường? (Đ) (S)

5. Bạn kiêng cá biển? (Đ) (S)

6. Bạn ít khi ăn nấm? (Đ) (S)

7. Bạn không uống sữa? (Đ) (S)

8. Bạn hút thuốc? (Đ) (S)

9. Bạn chỉ làm việc trong văn phòng? (Đ) (S)

10. Bạn đã bị loãng xương? (Đ) (S)

C. Tiêu chí đánh giá khả năng thiếu hụt sinh tố E

1. Bạn đang được điều trị bệnh tim mạch? (Đ) (S)

2. Bạn dễ bị phù nề tay chân? (Đ) (S)

3. Bạn ít chơi thể thao? (Đ) (S)

4. Bạn phải làm việc thường xuyên dưới trời nắng gắt? (Đ) (S)

5. Bạn phải làm việc trong môi trường ô nhiễm? (Đ) (S)

6. Bạn hút thuốc? (Đ) (S)

7. Bạn ít khi dùng dầu ăn thực vật? (Đ) (S)

8. Bạn không quen ăn các món ăn có đậu nành? (Đ) (S)

9. Bạn theo chế độ kiêng khem để làm ốm? (Đ) (S)

10. Bạn ăn chay trường? (Đ) (S)

D. Tiêu chí đánh giá khả năng thiếu hụt sinh tố C

1. Bạn hút thuốc hơn 5 điếu mỗi ngày? (Đ) (S)

2. Bạn thường bị cảm cúm? (Đ) (S)

3. Bạn hay uống thuốc aspirin, paracetamol hay acetaminophen? (Đ) (S)

4. Bạn không ăn trái cây nhiều hơn 3 lần trong tuần? (Đ) (S)

5. Bạn không quen dùng các món rau trộn với dầu dấm? (Đ) (S)

6. Bạn ít khi uống nước ép trái cây? (Đ) (S)

7. Bạn thường dùng thực phẩm công nghiệp? (Đ) (S)

8. Bạn thường dùng thức ăn hâm lại nhiều lần? (Đ) (S)

9. Bạn ít khi có món cải luộc hay hấp trên bàn ăn? (Đ) (S)

10. Bạn thường bị căng thẳng thần kinh? (Đ) (S)

Với bản trắc nghiệm nào cũng thế, chỉ cần hội đủ 6 câu trả lời với đúng thì đã đến lúc bạn cần lưu ý bổ sung loại sinh tố tương ứng.

Khác với chuyện thi cử, người muốn có kết quả trung thực về nguồn dự trữ sinh tố không cần tốn công “chạy trường”, cũng không cần lận lưng tài liệu. Chỉ cần thành thật với chính mình để đừng tìm cách quanh co với các câu hỏi nêu trên.

Với sức khỏe thì đáp án bao giờ cũng đơn giản, nhưng chính xác, hoặc trắng, hoặc đen, không thể nửa trắng nửa đen, cũng không thể có màu xam xám, trừ khi tác giả cố ý pha màu.

 

19/02/2022

Sài Gòn Không Có Mùa Thu Như Em Đã Ngỡ

 


 thơ: Lê Thị Thu Hương

Bao nhiêu sợi thương em cất kỹ vào lòng

Bao nhiêu sợi nhớ em gởi về anh giữ

Sài Gòn không có mùa thu như em đã ngỡ

Nhưng trong anh đầy ắp bốn mùa

Hạ đỏ phượng hồng rực lửa

Thu vàng lá úa ngoài sân

Đông xám sương mù giăng trắng

Xuân xanh thay áo mai-đào

Bốn mùa trong anh sẽ đưa em về đâu

Sẽ đưa anh về đâu- về đâu anh con đường tình lận đận ?

Những người đàn bà đến và đi vẫn hững hờ- đôi lúc còn tàn nhẫn

Liệu mai này họ ngoái lại tìm thời xuân sắc của mình trôi qua-hoặc vấp ngã giữa cuộc đời họ có ân hận khi nhìn lại quá khứ ngày xưa đã chối bỏ mối tình chung thủy của anh?

Sài Gòn thăm thẳm màu xanh

Hương mùa thu chết cho lá tương tư rơi rụng

Nhưng em biết-trong anh hương mùa thu vẫn sống

Sống vĩnh hằng giữa trái tim nhân hậu-bao dung

 Bao nhiêu sợi thương em cất kỹ vào lòng

Bao nhiêu sợi nhớ em gởi về cho anh giữ

Anh ơi ! Sài Gòn mùa thu không có

Để bàn chân em nhẹ nhàng dẫm lên nỗi buồn rắc kín lối xưa

Sài Gòn giờ trời nắng hay trời mưa ?

Nụ hôn ngày cũ bỗng dưng thành ngày mới

Nụ hôn kiếp nào làm em cứ hỏi

Sao chẳng phải kiếp này duyên nợ bên nhau ?

 Gửi T.

Tây y nói về Gừng

 

Vũ Thế Thành

 


Tay bưng dĩa muối chấm gừng.

Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”.

Chỉ vì câu ca dao chân chất miền Nam này mà hồi nhỏ tôi đã chấm gừng vào muối, nếm chơi cho biết thôi. Trời đất ơi! Vị cay đậm nồng của gừng tăng lên khủng khiếp, hơn xa dưa hấu chấm muối ớt.

Ông bà mình ngày xưa “kềm chế” nhau độc địa thiệt. Bài này nói về gừng dưới góc nhìn của khoa học phương Tây.

Gừng khô cay hơn gừng sống

Hương và vị đặc trưng của gừng chủ yếu được tạo ra từ hỗn hợp của 3 chất: gingerol, zingerone và shogaol. Cả 3 chất này đều có gốc phenol tạo ra mùi hăng và dễ bay hơi, chiếm khoảng 1-3% trong gừng sống (tươi).

Khi hấp hay luộc gừng, thì gingerol tạo thành zingerone, có mùi ít hăng hơn. Nhưng nếu sấy khô gừng, một phần gingerol bị mất nước (dehydration) chuyển thành shogaol, tạo ra mùi hăng gấp đôi gingerol. Đó là lý do vì sao gừng sống có mùi ít hăng hơn gừng khô.

Gừng bột hay khô có thể xem như chứa hoạt chất gấp 6 lần so với gừng tươi (do còn nước). Các số liệu về gừng nêu trong bài này dựa trên gừng khô.

Các thí nghiệm trên súc vật cho thấy, gingerol làm tăng nhu động ruột (nhuận tràng), giảm đau, kháng khuẩn. Chất zingerone có thể diệt vi khuẩn E.Coli gây tiêu chảy. Còn shogaol làm giảm huyết áp và co thắt bao tử.

Tây y nói gì về gừng?

Trong y học, Đông y nói nhiều đến công dụng của gừng. Tuy nhiên, Tây y cũng đề cập đến lợi ích của gừng với ít nhiều dè dặt.

Gừng có thể giúp ngăn ngừa buồn nôn, ói mửa khi bị say xe, ốm nghén, giảm nôn nao khó chịu ở bao tử, và viêm khớp mãn tính.

Về say xe (tàu thuỷ, máy bay), nhiều nghiên cứu cho thấy gừng có khi công hiệu, có khi không, tương tự như nhiều loại thuốc chống buồn nôn khác, chỉ có điều gừng ít bị tác dụng phụ hơn.

Với mấy bà bầu ốm nghén, xem ra gừng có vẻ hiệu quả hơn. Một nghiên cứu trên 70 bà bầu bị buồn nôn, ói mửa, thì uống 1 gr gừng mỗi ngày, ít buồn nôn thấy rõ so với mấy bà uống giả dược (placebo). Tuy nhiên, gừng có tác dụng phụ, mấy bà bầu nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu uống nhiều hơn 1gr gừng

Gừng cũng có tác dụng kháng viêm, giảm đau với bệnh viêm khớp mãn tính (osteoarthritis). Một nghiên cứu trên 261 người bị viêm đầu gối cho thấy, nếu uống chiết xuất gừng 2 lần mỗi ngày thì đau đầu gối giảm, và thuốc giảm đau uống kèm cũng giảm liều. Tuy nhiên, gừng tác dụng chậm, phải cần vài tuần mới thấy công hiệu…

Đó là những công dụng ít ỏi mà y học phương Tây dè dặt nói về gừng. Còn nói gừng làm hạ mỡ máu, trị tiêu chảy, trị rối loạn tiền đình,… thì khoa học chưa dám khẳng định.

 Gừng trị cả bệnh ung thư thì khoa học lại càng không dám nói tới. Tuy nhiên, làm giảm buồn nôn ói mửa sau khi “vào thuốc” (hoá trị) ung thư, thì gừng tỏ ra có hiệu quả trong nhiều trường hợp.

Trị bệnh hạn chế, nhưng gia vị vô tư

Gừng bán ngoài thị trường ở dạng chiết xuất thành tinh dầu, dạng bột, viên nhộng (capsule), hay dạng trà gừng, gừng khô, gừng tươi. Theo Trung tâm Y học của đại học Maryland (Mỹ) thì, trẻ em dưới 2 tuổi không nên dùng gừng. Người lớn có thể dùng khoảng 5 gr/ngày. Nhắc lại, gừng tươi coi như gấp 6 lần gừng khô.



Dù là dạng nào đi nữa thì gừng chỉ được xem là thực phẩm chức năng, không phải là thuốc.

Gừng có thể gây phản ứng phụ, làm chậm đông máu, làm hạ đường máu, hạ huyết áp, và có thể tương tác với một số loại thuốc. Các bà bầu, bà mẹ đang cho con bú, nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu sử dụng liều trên 1 gr gừng (khô) mỗi ngày.

Gừng được xài…vô tư trong thực phẩm, và nói chung an toàn, ít gây dị ứng. Về mặt dinh dưỡng, thì gừng không có gì đáng kể, ngoài trừ chứa hàm lượng khoáng maganese vượt trội, chỉ cần 5 gr gừng cũng cung cấp đủ nhu cầu manganese hàng ngày. Cơ thể cần vi lượng manganese trong các phản ứng tạo cholesterol, protein và xương.

Gừng được sử dụng làm gia vị trong nhiều món..nhậu. Cá trê nướng, bắp bò hấp, thịt vịt luộc mà thiếu nước mắm gừng thì còn gì là đời.

 


 

ĐÔI KHI...

Vô danh



Đôi khi cần biết dại khờ

Để lòng thanh thản một giờ bình an
Đôi khi cần bỏ tính toan
Để bờ môi đó thênh thang nụ cười.
Đôi khi ''chín bỏ làm mười''
Để thôi câm nín, một lời trao nhau.
Đôi khi thấu hiểu niềm đau
Để thôi phán xét những câu tuyệt tình.
Đôi khi biết giở trang Kinh
Để tìm thấy lại an bình nội tâm.
Đôi khi biết sống lặng thầm
Để nhìn tỉnh thức âm thầm nở hoa.
Đôi khi cần biết lỗi ta
Để lòng độ lượng, thứ tha lỗi người.
Đôi khi.. ngước mắt nhìn trời
Để hồn khoáng đạt rạng ngời nắng xuân.
Đôi khi cần biết dửng dưng
Trước bao cám dỗ trói chân, khổ đời!
Đôi khi cần biết buông lơi..
Để nghe hơi thở là nơi dịu dàng
Đôi khi nhặt, đôi khi khoan
Để thương yêu chẳng buộc ràng lẫn nhau.
Đôi khi nhớ lúc ban đầu
Để tình trong sáng thuở nào nguyên sơ.
Đôi khi tỉnh giữa đời mơ
Để tâm tỏ ngộ bến bờ thực hư.
Đôi khi biết rãi lòng từ
Để cho nghĩa sống bây chừ lên ngôi.
Đôi khi biết lặng cái tôi
Để đây với đó xa xôi lại gần.
Đôi khi đạm bạc, thanh bần
Đoái thương bao kiếp nhọc nhằn chung quanh.
Đôi khi chuông mõ tu hành
Biết đời hơn thiệt, đua tranh mãi đời.
Đôi khi ngồi giống Phật ngồi
Như như bất động nụ cười thiên thu.
Để ngày nao dứt phàm phu
Mở toang cánh cửa Chân Như bước về...

18/02/2022

Thuốc bổ từ Măng

 

Hồng Nhung

 


Măng là mầm non của tre, nứa, được gọi bằng nhiều tên khác nhau như duẩn, mao duẩn, trúc duẩn, trúc nha... Nhiều nước ở phương Đông măng được xem là một trong những loại thực phẩm thông dụng được yêu thích.

Dinh dưỡng từ măng

Trước đây, có quan niệm cho rằng măng là một trong những đồ ăn vô bổ, thậm chí không ít người nghĩ rằng ăn nhiều măng sẽ “hại máu”. Ở nước ta, măng cũng là một nguyên liệu được dùng để chế biến nhiều món ăn như: măng xào, nộm măng, măng nấu với thịt, cá, ếch… đều ngon.



Trong các bữa cơm chay, măng lại càng là món ăn chủ đạo. Trước đây, nhiều nơi thiếu lương thực còn lấy măng ăn thay cơm, điều đó cho thấy chất dinh dưỡng trong măng rất phong phú.

Về giá trị dinh dưỡng của măng tươi cũng tương tự như rau tươi, nhưng măng có nhiều chất xơ hơn rau và măng càng già tỷ lệ chất xơ càng cao, cứng hơn và khó tiêu hơn. Măng khô, do phơi khô bớt nước nên tỷ lệ các chất dinh dưỡng cũng cao hẳn lên.

Có nhiều loại măng khác nhau, tuỳ theo nguồn gốc có măng tre, măng vầu, măng nứa, măng giang..., tuỳ theo hàm lượng nước chứa trong thành phần mà người ta làm măng khô, măng tươi, tuỳ theo cách chế biến có măng luộc, măng xào, măng hầm, măng chua, măng ớt... phù hợp với khẩu vị của từng vùng, miền.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong măng có chứa các loại đường, mỡ, protein và các nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể như sắt, can-xi… trong đó protein có chứa ít nhất 18 loại axit amin có thành phần khác nhau.

Chất cenllulose có nhiều trong măng góp phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, chống bệnh máu nhiễm mỡ, cao huyết áp, béo phì, trĩ, đái đường, ung thư hay bệnh vành tim. Vì cenllulose có khả năng làm giảm sự hấp thụ mỡ, tăng cường hoạt động của nhu động ruột, thúc đẩy sự bài tiết.

Ngoài ra, với hàm lượng Mg khá phong phú và một loại đường đa có trong thành phần khiến măng có khả năng nhất định trong việc phòng ung, kháng ung và được coi là một trong những thực phẩm chống ung thư.

Măng làm thuốc

Theo dinh dưỡng y học cổ truyền, măng có vị ngọt hơi đắng, tính hơi hàn, có công dụng hóa đàm hạ khí, thanh nhiệt trừ phiền, tiêu thực giả độc, thông lợi nhị tiện, thường được dùng để làm thức ăn và làm thuốc cho những người bị cảm mạo phong nhiệt, ho do phế nhiệt có nhiều đờm vàng, phù thũng do viêm thận, do suy tim và thiểu dưỡng, sởi và thủy đậu ở trẻ em, sốt cao phiền khát, ăn uống chậm tiêu, tiểu tiện bất lợi, đại tiện không thông...

Chữa ho đờm nhiệt: Măng tươi 60g, luộc chín, thái miếng rồi đem xào với gừng tươi thái chỉ và dầu vừng, chế đủ gia vị, ăn nóng sẽ giúp ho do đàm nhiệt thuyên giảm, lồng ngực bớt đầy tức khó chịu. Hoặc Măng tre 20g, chua me đất 20g, rễ dâu (cạo vỏ, tẩm mật, sao vàng) 10g, gừng tươi 8g. Tất cả rửa sạch, giã nát, thêm một chút đường hoặc mật ong, hấp cơm rồi cho uống, ho do phong nhiệt dần sẽ khỏi.

Chữa táo bón do nhiệt: Măng tươi 60g, luộc chín, thái miếng, đem ninh với 100g gạo tẻ thành cháo, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Chữa mụn đầu đinh: Măng mới nhú ra khỏi mặt đất 20g, bồ công anh 10g, gừng tươi 5g, tất cả rửa sạch, thái vụn, sắc với 2 bát nước lấy 1 bát, chia uống 2 lần trong ngày.

Chữa hen phế quản: Măng tre 40g, ốc sên 2 con (loại có vỏ to, màu vàng nâu, miệng không có vảy); ốc đem đập vỏ, bỏ nội tạng chỉ lấy thịt, sát với phèn chua, rửa sạch cho hết nhớt, nướng vàng, cho vào nồi đun lấy nước đặc ; măng tre giã nát ép lấy nước rồi hòa với nước ốc cho uống, dùng liên tục cho đến khi bệnh ổn định.

Chữa sởi, thủy đậu: Măng tươi, cá diếc, gừng tươi, hạt tiêu lượng vừa đủ và một chút rượu vang. Cá diếc làm sạch, măng rửa sạch thái miếng, gừng tươi thái chỉ, tất cả cho vào nồi đun chín, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần. Trẻ bị sởi, thủy đậu ở giai đoạn đầu chữa sởi sẽ nhanh khỏi, người lớn bị táo bón ăn vào sẽ nhanh tiêu.

Tuy được sử dụng phổ biến nhưng măng chứa nhiều chất glycocid có khả năng biến đổi thành acid cyanhydric gây độc hại cho cơ thể khi sử dụng. Để đảm bảo an toàn khi sử dụng chúng ta có thể áp dụng những cách khử độc sau đây:

- Bóc hết bẹ lá (vỏ măng), rửa sạch đất cát rồi cắt thành lát mỏng hoặc xé nhỏ thành sợi đem ngâm vào nước sạch qua đêm cho bớt độc rồi rửa lại trước khi chế biến.

- Măng tươi luộc đi luộc lại khoảng 2 - 3 lần rồi xả lại bằng nước sạch.

- Măng tươi để cả vỏ rồi xếp gọn vào trong nồi. Cho thêm vài trái ớt đã bỏ hạt, cho nước gạo vào ngập gần hết măng. Đun lửa vừa, khi thử thấy măng mềm thì tắt lửa, lột vỏ, rồi xả lại vài lần bằng nước sạch.

- Măng khô lúc sử dụng để chế biến thành các món ăn nên chần lại bằng nước nóng hoặc luộc lại càng tốt. Muối măng chua cũng là một biện pháp là giảm tính độc của măng.­­

 

17/02/2022

Giả chết dối chồng - Kinh Bách dụ

 Ví dụ thứ Tư trong kinh Bách dụ - Lời Phật dạy.

Thuở xưa có anh chàng cưới người vợ rất đẹp, nhưng tánh tình không được đứng đắn, chàng thương yêu vợ vô cùng; nhưng trái lại nàng chẳng yêu chàng, vì thế mà nàng có tình nhân khác, thường có ý muốn bỏ chồng để kết duyên với người nàng thích.

Thừa dịp chồng đi vắng, nàng tìm một bà già rồi kín đáo dặn rằng:

– Sau khi tôi đi khỏi nhà, xin bà tìm thay một cô gái khác để vào đây, chông tôi có trở về, bà cho chàng biết là tôi đã chết.

Ba già đã làm y như lời nàng dặn.

Khi trở về nhà, người chồng nghe thấy tin thật rất buồn rầu, đau đớn, kề bên thi hài khóc lóc rất lâu, rồi mới đem thi hài người con gái ấy hỏa táng, đem tro xương đựng trong cái đẩy, ngày đêm mang theo mình để kỹ niệm mảnh tình quá khứ.

Còn vợ chàng lúc ấy đã kết duyên cầm sắt với tình nhân.

Nhưng trải qua nhiều ngày, biết được tình nhân đã nhàm chán, phụ rẫy nàng, lòng nàng lại tưởng nhớ đến người chồng cũ, bèn vội vã trở về thưa với chàng rằng:

– Tôi là vợ chàng, nay đã trỡ về.

Người chồng bảo:

– Vợ tôi chết đã lâu! Cô là ai đến đây nói dối là vợ tôi để làm gì?

Mặc dù nàng biện bạch đôi ba phen, yêu cầu chàng thừa nhận, nhưng chàng quyết tin chắc vợ chàng đã chết, nên không nhận nàng là vợ.

** Chuyện này tỷ dụ: Người đã bị thành kiến làm chủ rồi, thì rất khó cải dối. Như bọn ngoại dao nghe lời ngụy tà, tâm sinh mê hoặc, chấp trước cho là chân thật, vỉnh viển không thể hoàn cải hồi tâm, dù nghe giáo pháp chân chính cũng không chịu tin tưởng thọ trì.

 

Tôn giáo mới

Khi Đức Thích Ca Mầu Ni giác ngộ, Người đã truyền cho 5 anh em Kiều Trần Như ba bài kinh: Trung đạo, Tứ Diệu đế và Vô ngã. 

Có Phật - Pháp - Tăng, Tam bảo xuất hiện và Phật giáo ra đời.

Vậy một tôn giáo xuất hiện chỉ cần có một vị Giáo chủ - Giáo lý và Tín đồ là hình thành.

Ngày nay, nhiều "tôn giáo mới" ra đời, cũng chỉ cần một cá nhân tự xưng hoặc nhân danh có khả năng đặc biệt câu thông với một hoặc nhiều đấng toàn năng. Hoặc là họ tự xưng kế thừa hay là nhánh của các tôn giáo thịnh hành như Phật giáo, Ki tô giáo...

Xoay quanh giáo chủ là một số người có uy tín trong xã hội hoặc trong giới khoa học nhằm tạo uy tín cho tôn giáo của mình.

Tập hợp nhiều người để giảng pháp hoặc truyền cho tín đồ những năng lượng phi thường (?). Giáo lý, lễ nghi thường đơn giản, mang tính dân gian (bây giờ còn online và truyền đạo từ xa); không có hệ thống và hoàn chỉnh như tôn giáo truyền thống và tổ chức của họ thường lỏng lẻo, nửa công khai, nửa bí mật.

Đa số các “tôn giáo mới”hàm chứa yếu tố mê tín, phản khoa học, một số mang mầu sắc chính trị

Ban đầu, các “tôn giáo mới”này chiêu dụ môn đồ bằng cách chữa bách bệnh (?) một cách miễn phí bằng cách thức siêu nhiên (?) hoặc từ tâm làm từ thiện hay nhiều cách khác tương tự. 

Nguồn tài chính ban đầu của họ rất phức tạp, có phần mờ ám (do thế lực nào đó sau lưng tài trợ) nhưng người đứng đầu (công khai) của tôn giáo mới thường sẽ không công bố.

Để lẩn tránh sự quản lý của chính quyền họ đội tên thành các Hội, Đoàn, Nhóm… để môn đồ tu tập.

Đối tượng họ nhắm tới đầu tiên thường là phụ nữ, người cao tuổi, những người cảm tính, cả tin nên dễ sùng kính rồi lân lan ra rộng rãi. Ngày nay, có mạng xã hội nên việc tuyên truyền, quảng bá và lôi kéo dễ dàng làm cho lượng môn đồ của các “tôn giáo mới”này tăng nhanh, càng làm tăng thêm uy tín của họ.

Nhưng tỉnh táo xem xét thì mục đích của “tôn giáo mới” hướng tới là gì ? Chính trị, Tài chính hay động cơ khác ? (cái này không phải và khác với điều mà người truyền giáo giao giảng với môn đồ).

Điều này các tín đồ không hoặc chưa đủ tư cách để biết. Đây là điều đáng lo.

Rất mong mọi người tỉnh táo suy xét.

Bài viết còn sơ sài, mong mọi người thông cảm.

 


16/02/2022

Phong tục thờ cúng tổ tiên


Đối với người Việt, Phong tục thờ cúng tổ tiên gần như trở thành một thứ Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, không gia đình nào không có bàn thờ tổ tiên trong nhà, nhưng không phải là một tôn giáo mà là do lòng thành kính của người Việt đối với cha mẹ, ông bà, cụ kỵ. Đây là một tín ngưỡng rất quan trọng và không thể thiếu trong phong tục Việt Nam, và là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục đã viết:

Xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, cũng là một việc nghĩa vụ của người.

Thờ cúng tổ tiên chính là toàn bộ các hình thức lễ nghi, cúng bái nhằm thể hiện tấm lòng thành kính, đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã sinh thành và gây dựng nên cuộc sống cho con cháu – những người thuộc thế hệ đầu tiên của một dòng họ, với ông bà, cha mẹ đã qua đời.

Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt có nguồn gốc từ nền kinh tế nông nghiệp trong xã hội phụ quyền xưa. Khi Nho giáo du nhập vào Việt Nam, chữ hiếu được đề cao, đã làm cho tục thờ cúng tổ tiên có một nền tảng triết lý sâu sắc. Gia đình, gia tộc, và vấn đề “dương danh hiển gia” được đề cao.

Phong tục thờ cúng tổ tiên bắt nguồn từ niềm tin cho rằng linh hồn của người đã khuất vẫn còn hiện hữu trong thế giới này và ảnh hưởng đến đời sống của con cháu.

Người Việt cho rằng chết chưa phải là hết, tuy thể xác tiêu tang nhưng linh hồn bất diệt và thường ngự trên bàn thờ để gần gũi, giúp đỡ con cháu, dõi theo những người thân để phù hộ họ khi nguy khó, mừng khi họ gặp may mắn, khuyến khích họ làm những điều lành và cũng quở phạt khi họ làm những điều tội lỗi, do đó cũng ảnh hưởng đến hành động và cách cư xử của những người còn sống trong gia đình, họ thường tránh làm những việc xấu vì sợ vong hồn cha mẹ buồn, đôi khi muốn quyết định việc gì đó cũng phải cân nhắc xem liệu khi còn sinh tiền thì cha mẹ có đồng ý như thế hay không. Họ cũng tin rằng dương sao thì âm vậy, khi sống cần những gì thì chết cũng cần những thứ ấy, cho nên dẫn đến tục thờ cúng, với quan niệm thế giới vô hình và hữu hình luôn có sự quan hệ liên lạc với nhau và sự thờ cúng chính là môi trường trung gian để 2 thế giới này gặp gỡ.

 Đến thế kỷ XV, Nho giáo chiếm địa vị ưu thế trong xã hội, nhà Lê đã thể chế hóa việc thờ cúng tổ tiên. Bộ luật Hồng Đức quy định rõ, việc con cháu phải thờ cúng tổ tiên 5 đời (tự mình là con, tính ngược lên 4 đời là: Cha, mẹ, ông bà, cụ, kỵ); ruộng hương hỏa, ruộng đèn nhang, cơ sở kinh tế để duy trì thờ cúng tổ tiên dù con cháu nghèo cũng không được cầm bán… Đến thời Nguyễn, nghi lễ thờ cúng tổ tiên được ghi rõ trong sách “Thọ mai gia lễ.”

Không nhất thiết phải là mâm cao cỗ đầy, chỉ cần một nén hương lên bàn thờ tổ tiên trong ngày lễ, Tết, hay ngày giỗ, con cháu trong gia đình cũng thể hiện được tấm lòng thành kính, hướng về cội nguồn, tưởng nhớ những người thân đã khuất.

Trên bàn thờ tổ tiên, ở chính giữa đặt bát hương (tượng trưng cho tinh tú) và trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng (tượng trưng cho trục vũ trụ); ở hai góc ngoài bao giờ cũng có hai cây đèn (hoặc nến) tượng trưng cho Mặt Trời ở bên trái và Mặt Trăng ở bên phải.

Đặc trưng của văn hóa nông nghiệp cũng được thể hiện ở trên bàn thờ tổ tiên của người Việt. Thông thường, ở ngay sau bát hương thường có một cái đỉnh đồng, nắp đỉnh được vẽ hình con lân với ý nghĩa sức mạnh bề trên kiểm soát tinh thần con cháu khi đứng trước bàn thờ.

Bàn thờ tổ tiên luôn cần được thanh tịnh. Vì thế, đồ tế lễ chỉ có thể là hương, hoa, trà, quả… Những ngày giỗ, Tết, con cháu muốn dâng cúng cỗ mặn phải đặt ở một chiếc bàn phụ phía trước và thấp hơn bàn thờ chính.

Trước đây, bàn thờ gia tiên được đặt ngay tại gian nhà chính. Nếu nhà có điều kiện thì đồ thờ được sơn son thếp vàng; có đủ thần chủ bốn đời để thờ, đó là cao, tằng, tổ, khảo.

Thần chủ làm bằng gỗ táo, trên đó đề tên, họ, chức tước, ngày tháng sinh tử của tổ tiên. Nhà không có điều kiện thì cũng chỉ cần vài cây đèn nến là đủ. Trong việc thờ phụng tổ tiên, ngày giỗ hay còn gọi là kỵ nhật rất quan trọng. Đồ lễ dâng cúng gia tiên bao giờ cũng phải thanh khiết.

Hướng bàn thờ cũng được rất quan tâm. Thông thường hướng nhà theo đạo Phật thì hướng Nam là nơi của bát nhã, tức trí tuệ, hướng của sự sáng tạo, của sinh lực tràn trề, đầy dương khí.

Nhiều khi cũng đặt bàn thờ hướng Tây vì người ta nghĩ hướng này hợp với sự đối đãi của âm dương, nên yên ổn và phát triển, nghĩa là vị thần được an tọa.

Đã bao thế kỷ trôi qua, cung cách và quan niệm thờ cúng tổ tiên xét theo góc độ nào đó đã có nhiều thay đổi nhưng ý nghĩa lớn nhất, vẫn giữ nguyên. Người Việt Nam coi việc thờ cúng tổ tiên là một trong những nguyên tắc đạo đức làm người. Đó là hình thức thể hiện sự hiếu thuận và lòng biết ơn của con cháu đối với các bậc sinh thành.

Tết là thời điểm quan trọng trong năm cho nên bàn thờ ngày Tết cũng trở nên đặc biệt. Việc trang hoàng bàn thờ tùy thuộc điều kiện hoàn cảnh mỗi nhà nhưng dứt khoát nhà nào cũng phải bày mâm ngũ quả. Thông thường ngũ quả gồm 5 loại quả có 5 màu khác nhau như chuối xanh, bưởi vàng, hồng đỏ, lê trắng, quýt da cam tượng trưng cho mong ước : Phú (giàu có) – Quý (sang trọng) – Thọ (sống lâu) – Khang (khỏe mạnh) – Ninh (bình yên).

Cành đào được cắm trên bàn thờ có huyền lực trừ ma tà và mọi xấu xa, màu đỏ chứa một sinh khí lớn lao. Vì thế hoa đào thắm là lời cầu nguyện và lời chúc phúc đầu Xuân.

Bàn thờ tổ tiên là vẻ đẹp của văn hóa truyền thống. Nơi đây rực rỡ với mỗi độ xuân sang. Người Việt hiểu sâu sắc rằng có quá khứ mới có hiện tại và tương lai.

Còn thời điểm nào thiêng liêng hơn khi, trong giờ phút chuyển giao, cả nhà thành kính đứng trước bàn thờ tổ tiên thắp những nén hương trầm ngào ngạt. Tình người nồng ấm, tình đời rộng mở. 

Và, một năm mới tràn đầy hy vọng bắt đầu.