31/03/2023

Vì sao người Nhật sống lâu và khoẻ mạnh

 Marcos Cartagena


 

Ở Ta vẫn có câu: "Ăn để Sống hay Sống để ăn", chả biết xuất xứ từ đâu và khi nào? Nhưng đến thời hiện đại, mọi người đã có ý thức Ăn để Sống vì môi trường sống biến đổi xấu ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ. Điều này là dĩ nhiên vì ai chả mong sống lâu. Ở bài này mình lấy Nhật Bản làm ví dụ để khuyến khích. Dựa trên nghiên cứu của ngài Marcos Cartagena, mình biên dịch và biên tập thêm cho đủ ý.

Năm 2019, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản phát hành một báo cáo về tuổi thọ trung bình của người dân Nhật Bản. Theo đó, tuổi thọ trung bình của Nhật Bản là 87,32 tuổi đối với nữ giới, và 81,25 tuổi đối với nam giới, là một trong những quốc gia có tuổi thọ cao nhất thế giới. Vậy đâu là bí quyết sống lâu và khỏe mạnh của người dân xứ Phù Tang?

Bí quyết kéo dài tuổi thọ của người Nhật thực chất chính là: Chế độ ăn uống.

Nhật Bản có số lượng người sống lâu thuộc hàng nhiều nhất trên thế giới, điều này có thể được giải đáp thông qua thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh của họ (mặc dù họ cũng chả chăm tập thể dục lắm). Chuyên gia văn hóa Nhật Bản Marcos Cartagena đã dày công nghiên cứu vấn đề này trong nhiều năm và đúc kết được một số “bí quyết”.

Không ăn quá no

Người Nhật thường chỉ ăn no 80%. Lý do là: ăn quá no sẽ làm tăng tiết dịch tiêu hóa. Nếu điều này xảy ra thường xuyên sẽ khiến dạ dày và ruột không được nghỉ ngơi hợp lý, chức năng tiêu hóa suy giảm, khiến cơ thể không hấp thụ được đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết, làm cho khả năng phòng chống bệnh tật yếu đi.

Chế độ ăn uống ít calo

Mỗi đất nước có một nền văn hóa ẩm thực khác nhau. Tỷ dụ, người Trung Quốc rất chuộng ăn những món đậm khẩu vị như chiên, rán, xào. Mặc dù những món này rất ngon nhưng lại chứa nhiều dầu, muối, đường, ăn quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe. Trong khi đó, các món ăn của người Nhật thường có xu hướng thanh đạm và cố gắng bảo tồn đầy đủ chất dinh dưỡng của thực phẩm.

Ủng hộ chế độ ăn uống truyền thống

Ví dụ, ở tỉnh Okinawa, có rất nhiều cửa hàng bán thịt, cá, rau củ và trái cây. Những cửa hàng này bán nguyên liệu tươi theo mùa và không có thực phẩm đóng gói chế biến sẵn.

Ăn thực phẩm theo mùa

Từ trước đến nay, người Nhật thường chọn nguyên liệu theo mùa và sẽ không ăn các nguyên liệu nhập khẩu từ các vùng khác hoặc các loại cây trồng trong nhà kính. Những loại rau quả sinh trưởng theo mùa sẽ giúp cơ thể điều chỉnh, thích nghi được với môi trường, khí hậu.

Nói chung, khí hậu của các nước châu Á thường nóng ẩm vào mùa xuân và mùa hè, khô lạnh vào mùa thu và mùa đông. Vì vậy, cần thanh nhiệt vào mùa xuân và mùa hè, bồi bổ và tích trữ vào mùa thu và mùa đông, điều này giúp cơ thể duy trì trạng thái khỏe mạnh. (Xuân sinh - Hạ trưởng - Thu liễm - Đông tàng là vậy)

Nhai chậm

Ăn chậm nhai kỹ có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe của chúng ta. (người Việt ta có câu "Nhai kỹ no lâu"):Nhai kỹ có tác dụng bảo vệ đường tiêu hóa, tốt cho sức khỏe răng miệng, giúp quá trình tiêu hóa diễn ra suôn sẻ và dễ dàng hơn, từ đó cung cấp tối đa các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Thói quen ăn uống này vừa có tác dụng phòng chống bệnh tật, vừa có tác dụng tăng cường sức khỏe trí não, giảm cân, tránh tích tụ mỡ, đẩy nhanh quá trình chuyển hóa mỡ trong cơ thể.

Tóm lại, lý do chính khiến người Nhật sống lâu như vậy là nhờ chế độ ăn uống lành mạnh của họ. Hãy cố gắng tập cho bản thân thói quen nấu nướng theo nguyên tắc ít dầu, ít đường, ít muối, thanh đạm, đồng thời duy trì thói quen ăn chậm nhai kỹ. Những điều này chắc chắn sẽ giúp cải thiện sức khỏe của bạn và giúp bạn sống lâu hơn!

30/03/2023

3 bài hát "Làng tôi" trong âm nhạc Việt Nam TK 20

 

1. Làng Tôi của nhạc sỹ Văn Cao, sáng tác năm 1947:

Bài hát được viết ở nhịp 6/8, điệu valse nhịp nhàng, sâu lắng, giàu tình cảm, bố cục gọn gàng, chặt chẽ. Nét nhạc chủ đạo phỏng theo nhịp điệu đung đưa của tiếng chuông nhà thờ.

Bài hát gồm có 3 lời, như một câu chuyện kể có mở đầu, có dẫn dắt tình tiết và có phần kết thúc đầy lạc quan và tin tưởng vào ngày mai sáng lạng. Từ điệu luân vũ cung đình sang trọng của Châu Âu, Văn Cao đã biến thành một điệu valse bình dị làng quê Việt Nam thật nhẹ nhàng sâu lắng.

Có thể nói ông là vua nhạc valse thời thập niên 40 với những bài hát valse nổi tiếng thuộc vào hàng kinh điển Việt Nam như Ngày mùa, Thu cô liêu, Cung đàn xưa, Làng tôi...

2. Làng Tôi của nhạc sỹ Hồ Bắc, sáng tác năm 1949:

Bài hát Làng tôi của Hồ Bắc viết trên cung trưởng nhịp ¾ cấu trúc gồm 3 đoạn.

Đoạn hai, tác giả khéo dùng các dấu lặng đen để diễn tả sự bất ngờ, thảng thốt khi quân giặc tràn về cày xới quê hương hoang tàn 

Đoạn ba kết thúc, tác giả hạ cao độ xuống nét nhạc trầm lắng, giai điệu lôi cuốn tạo hình ảnh âm nhạc rõ nét đầy chất thơ: rộn ràng tiếng quân đi, bóng mẹ già nhìn theo mến thương, những người con xa quê hương, người con gái đón quân về...

       Bài hát điệu valse lente (chậm) với cấu trúc âm hài hòa và sinh động, lôi cuốn, tác giả đã khéo sử dụng các cung bậc, các quãng lên xuống cho âm điệu khác nhau nghe rất cuốn hút rất hòa quyện sinh động nhất là đoạn cuối đầy hình ảnh vừa hào hùng vừa lãng mạn ...

3. Làng Tôi của nhạc sỹ Chung Quân, sáng tác năm 1952 (khi ông mới 16 tuổi):

Bài hát viết với nhịp 4/4, hành điệu là Moderato Espressivo (biểu cảm). Vào đầu nét nhạc đã hiện lên một làng quê Việt Nam rất quen thuộc thanh bình. Giai điệu bài hát rất Việt Nam, gần gũi với dân ca khi tác giả khéo dùng các nốt luyến rất tinh tế.

Bài hát có giai điệu êm ả, mềm mại, duyên dáng dựa trên chất liệu âm nhạc dân tộc với lời ca mộc mạc, dung dị, giàu chất thơ.

Đoạn kết bài hát tác giả dùng các biến âm bất thường, sử dụng rất nhuyễn những quãng nghịch thật “đắt” (Quãng 2 trưởng, quãng 2 thứ, quãng 7 thứ...) tạo cảm giác lâng lâng khó tả cho ta thấy một hình ảnh làng quê, dòng sông, cây cầu, lại thấy như nét duyên dáng thiếu nữ che nghiêng nón lá hay tưởng tượng được một điệu múa dân gian mềm mại...

Bài hát này của Chung Quân phổ biến cùng được ưu thích trong miền Nam trước 1975 và theo đó lan ra hải ngoại sau này, chứ ngoài Bắc ít biết hoặc có biết cũng qua các băng - đĩa nhạc từ ngoài vào.

29/03/2023

Thải độc cho cơ thể

Sưu tầm từ nhiều nguồn

 

- Khi thận có vấn đề, bạn sẽ không thể nói được, giọng nói sẽ bị khàn đặc.

- Khi tim có vấn đề, cánh tay trái của bạn sẽ  bị mỏi, tê và đau.

- Khi dạ dày có vấn đề bạn sẽ bị đau đầu.

- Khi gan có vấn đề bạn sẽ dễ bị chuột rút khi đang ngủ tối.

Vậy chúng ta sẽ phải làm gì để thải độc ra khỏi cơ thể?

Thải độc cho thận

Đồ ăn giúp thải độc cho thận: bí xanh

Bí xanh có hàm lượng nước cao, ăn vào sẽ kích thích thận bài tiết nước tiểu, từ đó dẫn các chất độc thải ra ngoài.

Bí xanh có thể nấu canh hoặc xào, nên nấu nhạt, không nên ăn mặn.

   Thực phẩm giúp kháng độc cho thận: Củ từ

   Củ từ rất tốt cho cơ thể, nhiều chất bổ dưỡng nhưng tốt nhất vẫn là cho thận. Thường xuyên ăn củ từ sẽ giúp tăng khả năng bài độc của thận.

   Củ từ chiên là một món ăn rất tốt. Ăn củ từ chiên giúp tăng khả năng kháng độc của thận.

   Thời điểm bài độc tốt nhất cho thận:

   Thời điểm bài độc tốt nhất của thận là 5~7 giờ sáng, cơ thể qua một đêm làm việc, đến sáng toàn bộ chất độc đều tập chung ở thận, vì thế sáng ngủ dậy nên uống một cốc nước lọc để “rửa” thận.

Huyệt giải độc thận: huyệt Dũng Tuyền

Đây là huyệt có vị trí thấp nhất trên cơ thể người, nếu coi cơ thể là một tòa nhà, thì huyệt vị này chính là đầu ra của ống nước thải, thường xuyên bấm huyệt này sẽ thấy hiệu quả bài độc rất rõ ràng.

Huyệt vị nằm ở gan bàn chân, ở vị trí 1/3 từ trên xuống không kể ngón chân, huyệt vị  này tương đối mẫn cảm vì thế không nên bấm quá mạnh, chỉ cần bấm đến khi thấy có cảm giác là dừng lại, tốt nhất nên vừa ấn vừa day, làm liên tục khoảng 5 phút.

Thải độc gan

Ăn thực phẩm có màu xanh: theo thuyết ngũ hành của đông y, thực phẩm màu xanh giúp thông khí trong gan, có tác dụng thông gan, giải tỏa ưu tư, phiền muộn, là thực phẩm giúp giải độc gan.

Chuyên gia đông y khuyên dùng quýt hoặc chanh vỏ xanh chế biến thành nước quýt hoặc nước chanh tươi (dùng cả vỏ) sau đó uống trực tiếp sẽ rất tốt.

Kỳ tử giúp tăng chức năng gan: ngoài tác dụng giải độc, còn giúp nâng cao khả năng phòng chống độc của gan.

Thức ăn tốt nhất cho gan phải kể đến kỳ tử, kỳ tử có tác dụng bảo vệ gan rất tốt, giúp nâng cao tính năng khử độc của gan. Cách ăn tốt nhất là nhai sống, mỗi ngày ăn một nắm nhỏ.

Huyệt thải độc gan: là huyệt chỉ thái xung, huyệt nằm ở chỗ lõm phía trước phần giao nhau của xương ngón chân cái và ngón bên cạnh trên mu bàn chân. Dùng ngón tay cái day 3-5 phút, đến khi cảm thấy hơi tê tê là được. Không nên day quá mạnh, lần lượt day hai bên chân.

Huyệt Thái Xung

Cách thải độc bằng nước mắt:

Đàn ông thường ít khóc hơn phụ nữ mà phụ nữ thì thường thọ lâu hơn đàn ông, điều này hẳn có liên quan đến nước mắt.

Đông y từ lâu đã biết đến vấn đề này và tây y cũng đã có chứng thực cụ thể.

Tuyến nước mắt giống như tuyến mồ hôi và tuyến tiết niệu, trong đó có một số độc tố sinh học không tốt cho cơ thể con người. Vì thế khi khó chịu, khi tủi thân, khi bị áp lực ta thường khóc để giải tỏa.

Thải độc tim

Ăn thực phẩm có vị đắng để thải độc: thực phẩm đầu tiên nên ăn là tâm sen, tâm sen có vị đắng giúp làm tiêu tan lửa trong tim, mặc dù nó có tính hàn nhưng không làm ảnh hưởng đến dương khí trong cơ thể, vì thế tâm sen được coi là thực phẩm giải độc tốt nhất cho tim.

Có thể dùng tâm sen để hãm trà, có thể cho thêm ít lá trúc hoặc cam thảo tươi sẽ giúp nâng cao tác dụng thải độc của tâm sen.

Huyệt vị giúp thải độc tim: là huyệt Thiếu phủ

Huyệt nằm trong lòng bàn tay, vị trí ở giữa xương ngón thứ 4, thứ 5, khi nắm tay lại nó sẽ là vị trí giữa của ngón tay út và ngón áp út.

Bấm huyệt này có thể dùng lực một chút cũng không sao, làm lần lượt với tay trái và tay phải.

Đậu xanh giúp lợi tiểu, giải độc: Đậu xanh giúp lợi tiểu, thanh nhiệt vì thế giúp thải độc cho tim, nhưng đậu xanh phải ăn ở dạng lỏng như nước tương hoặc canh đậu xanh thì mới có tác dụng tốt nhất, bánh đậu xanh tác dụng sẽ tương đối thấp.

Thời điểm tốt nhất để thải độc tim: buổi trưa 11 – 13 giờ là thời điểm tốt nhất. Những thực phẩm tốt cho tim và giúp thải độc bao gồm phục linh, các loại hạt khô như lạc, macca, hạnh nhân v.v., đỗ tương, vừng đen, táo đỏ, hạt sen v.v.

Thải độc tì (lá lách)

Ăn đồ chua giúp thải độc tì: ví dụ như ô mai, giấm là những thực phẩm giúp hóa giải các chất độc trong thức ăn, từ đó giúp tăng cường chức năng tiêu hóa của đường ruột và dạ dày, làm cho chất độc trong thức ăn được thải ra ngoài cơ thể trong thời gian rất ngắn.

Đồng thời, thức ăn có vị chua còn giúp tăng cường chức năng của tì, có tác dụng kháng độc.

Huyệt vị giúp thải độc tì: là huyệt Thương Khâu, huyệt nằm ở chỗ lõm phía dưới mắt cá chân, dùng ngón tay day vào huyệt vị cho đến khi thấy cảm giác tê tê là được, mỗi lần làm khoảng 3 phút, lần lượt làm với 2 chân.

Đi bộ sau khi ăn: vận động giúp tì vị tiêu hóa tốt hơn, tăng nhanh quá trình bài độc, việc này cần duy trì lâu dài mới thấy hiệu quả.

Thời điểm bài độc tì tốt nhất: Sau khi ăn chính là thời gian sản sinh ra độc tố, thức ăn ăn vào nếu không được tiêu hóa hoặc hấp thụ ngay sẽ tiết độc và được tích tụ lại.

Để tốt cho tì, ngoài việc đi bộ sau khi ăn còn nên ăn một quả táo sau bữa cơm 1 giờ đồng hồ, sẽ rất có hiệu quả kiện tì, bài độc.

Thải độc cho phổi

Củ cải là thức ăn bài độc cho phổi: trong đông y, đại tràng và phổi có quan hệ mật thiết với nhau, mức độ bài độc của phổi phụ thuộc vào mức độ thông suốt của đại tràng, củ cải giúp nhuận tràng, củ cải có thể ăn sống hoặc trộn đều được.

Bách hợp giúp nâng cao khả năng kháng độc của phổi: phổi không thích thời tiết khô vì khi đó phổi sẽ bị tích lũy độc tố.

Nấm, bách hợp là thức ăn bổ dưỡng của phổi, giúp phổi chống lại được độc tố nhưng không nên dùng trong thời gian dài vì bách hợp dùng lâu sẽ giảm chất nhờn, làm giảm khả năng kháng độc.

Huyệt vị giúp bài độc phổi: Huyệt vị tốt cho phổi là huyệt Hợp Cốc, huyệt nằm trên mu bàn tay, ở giữa ngón tay cái và ngón trỏ. Dùng ngón tay cái và ngón trỏ ấn vào vị trí huyệt vị này là được.

Bài tiết mồ hôi giúp giải độc: Khi ra nhiều mồ hôi, mồ hôi sẽ giúp bài tiết các chất độc ra khỏi cơ thể, làm chúng ta thấy dễ chịu, thoải mái.

Ngoài việc vận động còn có thể tắm bằng nước nóng để ra nhiều mồ hôi. Cho vào nước tắm ít gừng tươi và tinh dầu bạc hà sẽ giúp bài tiết nhiều mồ hôi hơn, thải các chất độc nằm sâu trong cơ thể ra ngoài.

Hít thở sâu:

Mỗi khi hít ra thở vào, trong phổi vẫn có một chút khí không được đẩy ra ngoài, những khí tồn đọng này cũng chính là một loại độc tố đối với nguồn không khí mới, nhiều chất dinh dưỡng được hít vào cơ thể. Chỉ với một vài cái hít thở sâu sẽ giúp loại bỏ bớt các khí tồn đọng này.

Thời điểm bài độc cho phổi tốt nhất là vào 7-9 giờ sáng. Thời điểm này rất tốt để thải độc thông qua vận động. Vào thời điểm phổi đang sung sức nhất, bạn có thể đi bộ sẽ giúp tăng khả năng bài độc của phổi.

Bảng công việc của các cơ quan trong cơ thể

1. Từ 9-11 giờ tối là thời gian bài độc của hệ thống miễn dịch (lympha), thời điểm này nên ở những nơi yên tĩnh hoặc nghe nhạc.

2. Từ 11 giờ đêm – 1 giờ sáng là thời điểm bài độc của gan, cần thực hiện khi đang ngủ say.

3. Từ 1-3 giờ sáng là thời điểm bài độc của mật, cần thực hiện khi đang ngủ say.

4. Từ 3-5 giờ sáng là thời điểm bài độc của phổi vì thế với người bị ho thì đây là thời điểm ho dữ dội nhất, vì công việc bài độc đã đến phổi, không nên uống thuốc ho lúc này để tránh làm ảnh hưởng đến quá trình bài độc.

5. Từ 5-7 giờ sáng là thời điểm thải độc của đại tràng, nên đi đại tiện vào thời điểm này.

6. Từ 7-9 giờ sáng là thời điểm ruột non hấp thu lượng lớn dưỡng chất vì thế không nên bỏ qua bữa sáng. Người bệnh nên ăn sáng lúc sớm trước 6:30 sáng, người khỏe mạnh thì nên ăn trước 7:30. Người thường xuyên không ăn sáng nên thay đổi thói quen này, cho dù là ăn muộn lúc 9-10 giờ thì cũng vẫn nên ăn.

7. Từ nửa đêm đến đến 4 giờ sáng là thời điểm tụy tạo máu vì thế phải ngủ sâu giấc, không nên thức đêm.

Tiếng Việt (bản gốc)

Lưu Quang Vũ


 

Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói xẫm

Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về

Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm

Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.

 

Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng

Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya

Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng

Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê

 

Tiếng cha dặn khi vu cành nhóm lửa

Khi hun thuyền gieo mạ lúc đưa nôi

Tiếng mưa dội ào áo trên mái cọ

Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời

 

“Đá cheo leo trâu trèo trâu trượt…”

Đi mòn đàng đứt cỏ đợi người thương

Đây muối mặn gừng cay lòng khế xót

Ta như chim trong tiếng Việt như rừng

 

Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói

Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ

Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa *

Óng tre ngà và mềm mại như tơ.

Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát

Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh

Như gió nước không thể nào nắm bắt

Dấu huyền trầm dấu ngã chênh vênh

 

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy

Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn

Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối

Tiếng heo may gợi nhớ những con đường

 

Một đảo nhỏ ngoài khơi nhiều kẻ nhận

Nhưng tiếng làng tiếng nước của riêng ta

Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất

Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lậy cha già.

 

Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng

Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi

Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán

Tiếng Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời.

 

Trái đất rộng giàu sang bao thứ tiếng

Cao quý thâm trầm rực rỡ vui tươi

Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người

Như tiếng sáo như giây đàn máu nhỏ

Buồm lộng gió xô mai về trúc nhớ

Phá cũi lồng vời vợi cánh chim bay

Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay

Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt

 

Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết

Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi

Như vị muối chung lòng biển mặn

Như dòng sông thương mến chảy muôn đời.

 

Ai thuở trước nói những lời thứ nhất

Còn thô sơ như mảnh đá thay rìu

Điều anh nói hôm nay, chiều sẽ tắt

Ai người sau nói tiếp những lời yêu

 

Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển

Nhớ quặn lòng tiếng Việt tái tê

Ai ở phía bên kia cầm súng khác

Có cùng tôi trong tiếng Việt quay về.

 

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ

Quên nỗi mình, quên áo mặc cơm ăn

Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá

 

Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình.

 


* Sau khi biên tập, ông đồng ý sửa lại thành “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”.

Nhiều người đọc chữ “bùn” thường liên tưởng đến “hôi tanh mùi bùn”, nhưng với quan niệm của Lưu Quang Vũ, “bùn” cũng là một thứ “phù sa”. Từ lớp “phù sa” ấy đã sinh ra bao nhiêu thứ có ích. Ngay cả loài hoa cao quý và tinh khiết cũng mọc lên từ bùn… cũng như Tiếng Việt là linh hồn của dân tộc Việt Nam. Nó đã trải qua bao thăng trầm, bầm dập để kết tinh thành thứ ngôn ngữ trong sáng được lưu truyền qua bao thế hệ. Như câu thơ “Hồn dân tộc dạy ta làm thi sĩ” cũng là một sự tôn vinh Tiếng Việt của nhà thơ Lưu Quang Vũ”. 

28/03/2023

Vô đề n+1


 

Có một chủ thuyền quyết định thay chiếc áo mới cho con thuyền của mình, nên gọi một người thợ sơn tới và nhờ người này sơn chiếc thuyền đẹp nhất có thể cho ông.

Như thỏa thuận của họ, hôm sau, người thợ sơn mang chổi và sơn đến, cẩn thận xem xét rồi sơn con thuyền theo đúng màu yêu cầu của chủ thuyền.

Tuy nhiên, trong khi sơn con thuyền ấy, người thợ phát hiện ra rằng ở thân thuyền có một lỗ thủng rất bé, phải tinh mắt lắm mới có thể nhận ra.

Tiện tay, anh ta tìm vật liệu trám lại lỗ thủng ấy. Sau khi sơn xong toàn bộ con thuyền, người thợ nhận tiền công rồi rời đi, cũng không nhắc gì đến chuyện mình vừa sửa chữa thêm cho con thuyền. Anh ta trộm nghĩ rằng, việc bé như vậy, giúp được người ta thì giúp thôi, không cần phải nói tới làm gì.

Tưởng rằng mọi việc đã kết thúc ở đây. Thế nhưng hóa ra không phải.

Hôm sau, chủ thuyền tìm đến tận nhà người thợ sơn, tận tay mang theo cả tiền bạc và mấy món quà quý giá .

Người thợ sơn vô cùng ngạc nhiên, không hiểu chuyện gì xảy ra nên khi sau khi mời chủ thuyền vào nhà, đợi ông ta uống xong chén trà đã không kìm được mà hỏi chuyện ngay: "Hôm qua ông đã trả tiền công đầy đủ cho tôi rồi mà. Sao hôm nay ông lại tìm đến đây để làm gì vậy?".

Chủ thuyền đặt chén trà xuống bàn, vừa cười vừa nói: "Đó là tiền công cho việc sơn thuyền, còn hôm nay, tôi mang theo quà quý đến đây tặng anh là để cảm ơn anh đã trám lại cái lỗ thủng trên thuyền của tôi".

Hiểu ra được lý do, người thợ sơn vội xua tay: "Đó chỉ là chuyện vặt thôi. Tôi thấy có lỗ thủng nhỏ nên tiện tay lấy vật liệu trám nó lại thôi mà, không cần ông phải cất công đến tận đây, còn mang cả tiền và quà nhiều như thế, thật khiến tôi khó nghĩ quá."

Chủ thuyền xua xua tay, giọng bỗng trầm xuống: "Anh bạn, anh chưa hiểu tôi nói gì đâu. Để tôi kể cho anh nghe chuyện này.

Khi tôi nhờ anh sơn cho tôi con thuyền, do quá bận rộn nên tôi chỉ nhớ đến việc sơn thuyền mà quên không nói cho anh biết là con thuyền đã bị thủng một lỗ bé xíu. Thế nhưng, sau khi anh sơn xong và nước sơn đã khô, bọn trẻ nhà tôi thấy con thuyền mới đẹp quá nên phấn khích, rủ nhau đi câu cá mà không nói gì với tôi hết.

Khi đó tôi không ở nhà nên không hề biết sự việc này lại xảy ra.

Sau khi về nhà, được người nhà thông báo các con đã đi câu cá bằng chiếc thuyền ấy, tôi đã nhớ ra cái lỗ thủng bé xíu mà tôi quên mất không nhờ anh sửa lại hộ. Tôi phát điên lên vì sợ hãi, vội chạy ra con sông gần đó để cứu chúng, thì thấy chúng vẫn đang bình an vô sự, cảm thấy trong tim gánh nặng đã được trút bỏ, hạnh phúc muốn trào nước mắt.

Tôi đến kiểm tra con thuyền, mới thấy rằng cái lỗ thủng đó đã được anh trám lại một cách cẩn thận, dù rằng tôi chẳng hề nhờ anh làm chuyện đó.

Anh đã thấy mình làm được điều tuyệt vời gì rồi chứ? Không chỉ cứu sống các con của tôi, anh thực ra còn cứu được cả tôi qua cơn đại nạn. Thử hỏi, nếu các con tôi chẳng may có mệnh hệ gì từ sai sót của tôi, liệu tôi có thể sống tiếp được hay không? Hay tôi sẽ chết dần chết mòn bởi sự giày vò ấy?

Chính vì thế, mấy thứ quà tặng này chẳng là gì so với việc anh đã cứu cả nhà tôi qua đại nạn. Mong anh hãy nhận chúng để tôi vui lòng".

Lời bàn: Có nhiều người đi làm nhưng vẫn có tư duy, rằng họ sẽ chỉ làm những việc mà mình được trả công, còn ngoài ra, những việc khác họ sẽ không quan tâm, không lo chuyện bao đồng, vì sẽ chỉ khiến họ mất thời gian vô ích.

Nếu bạn cũng nghĩ như vậy, có lẽ bạn không sai, và cũng không ai có thể trách được bạn, nhưng khi đó, bạn cũng sẽ tước đi của mình cơ hội để giúp đỡ người khác, thậm chí giúp cho họ tránh khỏi những khó khăn, tai ương mà họ có thể sẽ gặp phải bởi sự vô tâm của bạn.

Ngoài ra, trên đời này chẳng ông chủ nào là không coi trọng những người làm việc vừa chăm chỉ, hiệu quả lại có trách nhiệm. Họ chính là những nhân tài không bao giờ lo thiếu việc, cũng không bao giờ lo nghèo khó, sớm muộn cũng sẽ đạt được thành công và có một cuộc sống sung túc.


27/03/2023

Chư vị Bồ Tát với lời nguyện ở lại cõi ta bà

Người ta bảo, “cúng thì phải cúng Phật, cầu thì phải cầu Bồ tát”. Đó là một câu nói vừa đúng vừa sai. Thờ cúng thì dĩ nhiên phải cả Phật, cả Bồ tát chứ – như một đích đến toàn hảo nếu thực sự tâm ta muốn tu, lòng ta muốn học tập họ. Nhưng đúng là cầu xin trợ giúp thì đối tượng chính phải là Bồ tát. Phật thì đều đã về Niết bàn, tức xa ta rồi, không với tay xuống cõi ta bà này được nữa. Nhưng Bồ tát thì vẫn còn ở đây, để cứu khổ. Họ là những vị hoặc là chưa đạt được đẳng cấp Phật để về Niết bàn, hoặc đã đạt được quả vị Phật rồi, đủ điều kiện để lên Niết bàn rồi, nhưng vẫn ở lại, đúng như lời nguyện. Dần dần trong các bài sau, chúng ta sẽ bàn kỹ về những vị Bồ tát “cấp cao” này.



Hai Bồ tát ở đây được thể hiện trong hình tướng nữ là Quán Thế Âm (bên phải trên đầu có hình Phật nhỏ, tay cầm bình nước cam lồ) là đại diện của từ bi, Đại Thế Chí bên trái, tay nâng búp sen là đại diện của trí tuệ).

 Lời nguyện hy sinh

(Đến đây phải dừng lại một chút để nhắc các bạn đang đọc bài, rằng ta đang nói tất cả những chuyện này trong một “môi trường tin-là-có-Phật” nhé, để khỏi tranh luận những thứ không liên quan và không xuất phát từ điểm khởi đầu là “tin-rằng-có-Phật”).

 Đại thừa chia ra hai loại Bồ tát. Bồ tát dưới thế và Bồ tát trên trời. Một người nghèo đang khốn khổ đến tận cùng vì con ốm, vì mất nhà, bỗng nhiên từ đâu xuất hiện một bà cụ trong xóm cho ở nhờ, kiếm cho công ăn việc làm, chữa bệnh cho đứa bé… Rất có thể, người nghèo ấy đã gặp một vị Bồ tát dưới thế.

Một kẻ ngã xuống suối, đang chới với bị nước cuốn sắp chìm, chợt có người đi qua không màng dòng nước lạnh, đá nhọn nguy hiểm, lao xuống cứu vào. Kẻ bị ngã kia rất có thể đã gặp một vị Bồ tát dưới thế.

Còn Bồ tát trên trời, như đã nói, là những vị đã đạt quả vị Phật, nhưng nguyện vẫn đi đi về về để cứu độ. Thay vì lên Niết bàn làm Phật, yên bình giữa rừng cây bảy báu, cảnh vật thần tiên, thì các ngài chọn việc lặn lội dưới thế, tai vẫn phải nghe lời than khổ, mắt vẫn phải chứng kiến cảnh khổ, tâm vẫn phải chịu khổ nỗi khổ của chúng sinh. Và chúng sinh không phải chỉ là “người”, mà còn là muôn loài, cả hữu hình lẫn vô hình.

 Một cá tính, hai quốc tịch

Chính vì đã có quả vị Phật nhưng nguyện vẫn đi đi về về trong cõi ta bà để giáo hóa, cứu khổ, nên có những Bồ tát vừa được gọi là Phật, vừa được gọi là Bồ tát, như Bồ tát Quán Thế Âm cũng là Phật Quán Thế Âm. Ở cõi Niết Bàn, ngài tháp tùng phật A Di Đà, ở trần thế, ngài chuyên cứu khổ cứu nạn và hóa thân thành gì thì chịu, chúng ta không thể biết được; có thể chính là người tốt bụng đang sống trong xóm ta, hoặc vị bác sĩ tận tâm nào đó trong bệnh viện…

Hay như Bồ tát Địa Tạng cũng là Phật Địa Tạng, là vị phật ở bên chúng sinh tại chốn địa ngục, với lời nguyện chưa lên Niết bàn nếu địa ngục chưa trống rỗng. Cá nhân tôi cảm phục vị Bồ tát này nhất, vì đã chọn một nơi “kinh khủng” nhất.

Phật Thích Ca Mâu Ni với Bồ tát Phổ Hiền (bên trái, cưỡi voi trắng), và Bồ tát Văn Thù (bên phải, cưỡi sư tử)

Trong đó Đại Thế Chí, Phổ Hiền, Văn Thù đều là những bồ tát đã đắc quả vị Phật, hoàn toàn có thể về nước Phật mà họ cai quản, nhưng do vẫn còn “vướng” lời nguyện của mỗi vị nên vẫn đi đi lại lại hai nơi. Trong ba vị ấy, có vị nguyện phải dùng trí tuệ để giúp chúng sinh hết u minh đã mới lên làm Phật (Văn Thù).

Có vị thì nguyện dùng lòng từ bi làm cho toàn bộ chúng sinh giác ngộ hết đã rồi mới gọi là xong (Phổ Hiền):

Có vị nguyện ở lại cho đến khi chúng sinh có đầy đủ trí tuệ (Đại Thế Chí):

Có lẽ chính vì ba vị Đại bồ tát này thiên về “giáo dục”, “lý trí” nên người ta ít thờ và cầu xin hơn hẳn so với Bồ tát Quán Thế Âm. Người bình thường, ít ai đến với Phật, với Bồ tát khi đang sung sướng, vui vẻ. Người ta thường đến với Phật khi gặp “khổ”, và lúc ấy chỉ muốn thoát khổ. “Cầu xin Phật và Bồ tát Quán Thế Âm cho con thoát khổ” là một lời cầu xin phổ biến, hiếm ai đứng trước tượng Bồ tát Phổ Hiền, Văn Thù, hay Đại Thế Chí để mà xin: “Hãy cho con có trí tuệ và giác ngộ để nhận ra bản chất nỗi khổ này.”

 


Bồ tát Quán Thế Âm với nghìn bàn tay cứu độ, trong lòng mỗi bàn tay là một con mắt nhìn thấu nỗi khổ. 

25/03/2023

Đến với tác phẩm đẹp “Lady Godiva”

Godiva (Quý bà Godiva; khoảng 980 – 1067) là một nữ Bá tước, vợ của Bá tước Leofric, là một phụ nữ xinh đẹp đã dũng cảm khỏa thân cưỡi ngựa đi một vòng quanh thành phố CoventryAnh để chồng giảm thuế nặng cho dân chúng. Godiva còn gọi là Godgifu, nghĩa là "quà tặng của Đức Chúa Trời".
Câu chuyện về hành động quên mình vì nghĩa lớn của Lady Godiva cách đây gần 1000 năm đã trở thành đề tài của rất nhiều tác phẩm thơ, văn, hội họa, điện ảnh...


Huyền thoại về nữ bá tước Godiva đã lưu truyền hậu thế, sức sống lâu bền trong câu chuyện về bà còn nằm ở những tác phẩm nghệ thuật được thực hiện xoay quanh hành động táo bạo để bênh vực dân nghèo. Trong ảnh là bức vẽ nổi tiếng “Lady Godiva” được thực hiện bởi danh họa người Anh John Collier hồi năm 1897.


Bức tượng “Lady Godiva” được thực hiện bởi điêu khắc gia người Anh William Reid Dick hồi năm 1949, tác phẩm đang được trưng bày ở không gian công cộng trong thành phố Coventry - địa danh nơi diễn ra câu chuyện nổi tiếng về nữ bá tước.


Bức tượng được thực hiện từ thế kỷ 19 bởi điêu khắc gia người Anh John Thomas. Tác phẩm đang trưng bày ở viện bảo tàng Maidstone, hạt Kent, Anh.

24/03/2023

Bộ ấn ngà của vua Tự Đức sưu tầm

 St trên net


 Nổi tiếng là ông vua hay chữ, vua Tự Đức có hẳn một bộ ấn ngà được chế tác rất tinh xảo, khắc những lời răn đầy ý nghĩa về quan niệm sống của bậc trí thức đương thời.



Hiện vật nằm trong bộ sưu tập ấn ngà của vua Tự Đức, được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.


Ấn ngà “Hóa cửu thành đạo”, nghĩa là “Dạy lâu thì thành đạo”.


Hình tượng rồng chạm trên núm cầm của ấn “Hóa cửu thành đạo”.


Ấn ngà “Phác nhi văn đạm nhi vị”, nghĩa là “Đơn sơ mà văn vẻ, đạm bạc nhưng ý vị”.


Hình tượng rồng trên ấn ngà “Phác nhi văn đạm nhi vị” được chạm khắc rất kỳ công.


Ấn ngà “Đọc thư bất cẩu thậm giải”, nghĩa là “Đọc sách không cần suy diễn sâu xa”.


Cận cảnh hình tượng rồng trên núm ấn “Đọc thư bất cẩu thậm giải”.


Ấn ngà “Học vu huấn nãi hữu hoạch”, nghĩa là “Học theo phép tắc xưa mới có được kết quả”.


Hình tượng rồng được tạo tác tinh xảo trên núm ấn “Học vu huấn nãi hữu hoạch”.


Ấn ngà “Giám vu thành hiến vĩnh vô khiên”, nghĩa là “Xét theo phép tắc đã có, sẽ mãi mãi không lầm lỗi”.


Cận cảnh núm cầm của ấn “Giám vu thành hiến vĩnh vô khiên”.


Ấn ngà “Lục hào Khiêm quái giai cát”, nghĩa là “Quẻ khiêm có sáu hào đều tốt”.


Hình tượng rồng trên núm ấn “Lục hào Khiêm quái giai cát”.


Ấn ngà “Hóa cửu thành đạo”, nghĩa là “Dạy lâu thì thành đạo”.


Hình tượng rồng ở ấn “Hóa cửu thành đạo”.


Ấn ngà “Tự Đức ngự lãm chi bảo”, nghĩa là “Bảo ấn của vua Tự Đức ngự lãm”. Khác với các ấn trên, ấn “Tự Đức ngự lãm chi bảo” dùng để đóng trên các văn bản mà Nội các dâng trình vua trực tiếp xem xét.


Hình tượng rồng trên núm ấn “Tự Đức ngự lãm chi bảo”.