18/03/2023

8 động tác hữu ích cho người có tuổi

Đột quỵ não hay còn được gọi với cái tên tai biến là căn bệnh nguy hiểm với đặc điểm là tỷ lệ mắc cao, tỷ lệ dẫn đến tàn tật cao, và làm tăng gánh nặng kinh tế.

Đối với những người cao tuổi mắc hội chứng “3 cao” (huyết áp cao, đường huyết cao, mỡ máu cao), dự phòng tai biến trong mùa đông có thể xem là “quan trọng hơn cả quan trọng”.

Theo bác sĩ Trần Nhuận Đông, phó chủ nhiệm Trung tâm Y học dự phòng viện Trung y tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, việc tăng cường rèn luyện sức khỏe và duy trì thói quen lành mạnh trong ăn uống sinh hoạt hàng ngày có ích lợi lớn trong phòng chống tai biến mạch máu não.

Đặc biệt, đối với người già, những giải pháp phòng tránh bên dưới đây càng có ý nghĩa quan trọng.

Dưới đây là những bài tập có tác dụng phòng chống tai biến mạch máu não trong mùa lạnh do bác sĩ Trần Nhuận Đông hướng dẫn.

Động tác 1: Vận động khớp vai



Thả lỏng vai, 2 tay đặt nhẹ lên vai, lần lượt xoay từ sau ra trước 10 lần, sau đó xoay ngược lại từ trước ra sau 10 lần, cuối cùng làm động tác chủ động nhấc 2 vai lên 10 lần. Lặp lại 3 đến 5 lần, thực hiện đều đặn ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối.

Ý nghĩa: Động tác này giúp thư giãn cơ vai, làm giảm áp lực của thần kinh và mạch máu ở vai.

Động tác 2: Vận động xoay cổ



Thả lỏng cổ, nhẹ nhàng chuyển động gập cổ ra phía trước và phía sau, rồi đến xoay nhẹ sang 2 bên trái, phải, động tác phải chậm rãi từ tốn, mỗi động tác xoay gập cổ hết cỡ duy trì trong 5 giây.

Lặp lại động tác 10 lần, thực hiện đều đặn ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối.

Ý nghĩa: Có tác dụng hoạt huyết thông lạc, giúp tăng cường sự dẻo dai và tăng khả năng chịu áp lực của thành mạch máu.

Động tác 3: Giơ tay đấm lên cao

Chân rộng bằng vai, 2 tay buông thõng áp sát vào thân mình, bàn tay nắm hờ. Sau đó phối hợp với nhịp thở giơ tay đấm lên trên, lúc hít vào giơ tay, thở ra từ từ buông nhẹ tay xuống. Lặp lại động tác trên 30 lần, thực hiện đều đặn ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối.

Ý nghĩa: Gia tăng tuần hoàn máu não, giúp cho não bộ được cung cấp đầy đủ Oxi và dưỡng chất.

Động tác 4: Chà xát gáy

Xoa 2 tay vào nhau cho nóng lên, sau đó nhanh chóng chà xát 2 bên gáy, dùng lực vừa phải, tốc độ hơi nhanh cho tới khi da vùng gáy hơi đỏ và ấm lên. Lặp lại 300 lần, thực hiện ngày 2 lần vào buổi sáng và tối.

Ý nghĩa: Thúc đẩy sự làm mềm hóa xơ cứng mạch máu vùng gáy, cải thiện việc cung cấp máu lên não.

Động tác 5: Day ấn vùng đầu

Nội dung động tác: Xòe 2 bàn tay, các ngón tay tách rời, hơi co lại thành hình cong, sử dụng bụng tay nhẹ nhàng day ấn từ trước trán cho tới đỉnh đầu, và tiếp tục như thế cho đến gáy. Lặp lại động tác 30 lần, thực hiện ngày 2 lần vào buổi sáng và tối.

Ý nghĩa: Kích thích kinh lạc, thúc đẩy vận hành khí huyết vùng đầu.

Động tác 6: Xoa bóp cổ gáy

Nội dung động tác: năm ngón tay khép lại, đặt 2 tay ra sau gáy sao cho các ngón tay của 2 bàn tay đối nhau, luân phiên xoa bóp 2 bên gáy cho tới khi vùng da sau gáy hơi đỏ và ấm lên. Làm lại như vậy 30 lần, thực hiện ngày 2 lần vào buổi sáng và tối.

Ý nghĩa: Có thể thúc đẩy thư giãn cơ trơn mạch máu ở cổ, giảm thiểu lắng đọng lipid máu.

Động tác 7: Day ấn huyệt Phong Trì



Dùng 2 ngón tay cái day ấn huyệt Phong Trì nằm ở 2 bên gáy trong khi các ngón tay khác ôm chặt lấy đầu để làm điểm tựa.

Lần lượt xoay theo chiều kim đồng hồ rồi ngược chiều kim đồng hồ mỗi lần 30 vòng cho đến khi có cảm giác căng tức nặng thì ngừng. Thực hiện 2 lần mỗi ngày.

Ý nghĩa: Có công dụng tráng dương ích khí, thư giãn cơ vai gáy, giảm triệu chứng đau đầu.

Động tác 8: Kẹp rút 10 đầu ngón tay

Tay trái thả lỏng, ngón trỏ và ngón giữa của tay phải kẹp chặt gốc ngón cái của tay trái, dùng lực rút ra theo chiều dọc ngón tay. Thực hiện luân phiên với các ngón còn lại, sau đó đổi tay. Lặp lại như vậy 30 lần, ngày chia 2 lần sáng và tối.

Ý nghĩa: Làm tăng kích thích lên huyệt Tỉnh của các kinh lạc, giảm các triệu chứng đau đầu, mệt mỏi do nguyên nhân khí huyết không điều hòa gây ra.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét