27/03/2023

Chư vị Bồ Tát với lời nguyện ở lại cõi ta bà

Người ta bảo, “cúng thì phải cúng Phật, cầu thì phải cầu Bồ tát”. Đó là một câu nói vừa đúng vừa sai. Thờ cúng thì dĩ nhiên phải cả Phật, cả Bồ tát chứ – như một đích đến toàn hảo nếu thực sự tâm ta muốn tu, lòng ta muốn học tập họ. Nhưng đúng là cầu xin trợ giúp thì đối tượng chính phải là Bồ tát. Phật thì đều đã về Niết bàn, tức xa ta rồi, không với tay xuống cõi ta bà này được nữa. Nhưng Bồ tát thì vẫn còn ở đây, để cứu khổ. Họ là những vị hoặc là chưa đạt được đẳng cấp Phật để về Niết bàn, hoặc đã đạt được quả vị Phật rồi, đủ điều kiện để lên Niết bàn rồi, nhưng vẫn ở lại, đúng như lời nguyện. Dần dần trong các bài sau, chúng ta sẽ bàn kỹ về những vị Bồ tát “cấp cao” này.



Hai Bồ tát ở đây được thể hiện trong hình tướng nữ là Quán Thế Âm (bên phải trên đầu có hình Phật nhỏ, tay cầm bình nước cam lồ) là đại diện của từ bi, Đại Thế Chí bên trái, tay nâng búp sen là đại diện của trí tuệ).

 Lời nguyện hy sinh

(Đến đây phải dừng lại một chút để nhắc các bạn đang đọc bài, rằng ta đang nói tất cả những chuyện này trong một “môi trường tin-là-có-Phật” nhé, để khỏi tranh luận những thứ không liên quan và không xuất phát từ điểm khởi đầu là “tin-rằng-có-Phật”).

 Đại thừa chia ra hai loại Bồ tát. Bồ tát dưới thế và Bồ tát trên trời. Một người nghèo đang khốn khổ đến tận cùng vì con ốm, vì mất nhà, bỗng nhiên từ đâu xuất hiện một bà cụ trong xóm cho ở nhờ, kiếm cho công ăn việc làm, chữa bệnh cho đứa bé… Rất có thể, người nghèo ấy đã gặp một vị Bồ tát dưới thế.

Một kẻ ngã xuống suối, đang chới với bị nước cuốn sắp chìm, chợt có người đi qua không màng dòng nước lạnh, đá nhọn nguy hiểm, lao xuống cứu vào. Kẻ bị ngã kia rất có thể đã gặp một vị Bồ tát dưới thế.

Còn Bồ tát trên trời, như đã nói, là những vị đã đạt quả vị Phật, nhưng nguyện vẫn đi đi về về để cứu độ. Thay vì lên Niết bàn làm Phật, yên bình giữa rừng cây bảy báu, cảnh vật thần tiên, thì các ngài chọn việc lặn lội dưới thế, tai vẫn phải nghe lời than khổ, mắt vẫn phải chứng kiến cảnh khổ, tâm vẫn phải chịu khổ nỗi khổ của chúng sinh. Và chúng sinh không phải chỉ là “người”, mà còn là muôn loài, cả hữu hình lẫn vô hình.

 Một cá tính, hai quốc tịch

Chính vì đã có quả vị Phật nhưng nguyện vẫn đi đi về về trong cõi ta bà để giáo hóa, cứu khổ, nên có những Bồ tát vừa được gọi là Phật, vừa được gọi là Bồ tát, như Bồ tát Quán Thế Âm cũng là Phật Quán Thế Âm. Ở cõi Niết Bàn, ngài tháp tùng phật A Di Đà, ở trần thế, ngài chuyên cứu khổ cứu nạn và hóa thân thành gì thì chịu, chúng ta không thể biết được; có thể chính là người tốt bụng đang sống trong xóm ta, hoặc vị bác sĩ tận tâm nào đó trong bệnh viện…

Hay như Bồ tát Địa Tạng cũng là Phật Địa Tạng, là vị phật ở bên chúng sinh tại chốn địa ngục, với lời nguyện chưa lên Niết bàn nếu địa ngục chưa trống rỗng. Cá nhân tôi cảm phục vị Bồ tát này nhất, vì đã chọn một nơi “kinh khủng” nhất.

Phật Thích Ca Mâu Ni với Bồ tát Phổ Hiền (bên trái, cưỡi voi trắng), và Bồ tát Văn Thù (bên phải, cưỡi sư tử)

Trong đó Đại Thế Chí, Phổ Hiền, Văn Thù đều là những bồ tát đã đắc quả vị Phật, hoàn toàn có thể về nước Phật mà họ cai quản, nhưng do vẫn còn “vướng” lời nguyện của mỗi vị nên vẫn đi đi lại lại hai nơi. Trong ba vị ấy, có vị nguyện phải dùng trí tuệ để giúp chúng sinh hết u minh đã mới lên làm Phật (Văn Thù).

Có vị thì nguyện dùng lòng từ bi làm cho toàn bộ chúng sinh giác ngộ hết đã rồi mới gọi là xong (Phổ Hiền):

Có vị nguyện ở lại cho đến khi chúng sinh có đầy đủ trí tuệ (Đại Thế Chí):

Có lẽ chính vì ba vị Đại bồ tát này thiên về “giáo dục”, “lý trí” nên người ta ít thờ và cầu xin hơn hẳn so với Bồ tát Quán Thế Âm. Người bình thường, ít ai đến với Phật, với Bồ tát khi đang sung sướng, vui vẻ. Người ta thường đến với Phật khi gặp “khổ”, và lúc ấy chỉ muốn thoát khổ. “Cầu xin Phật và Bồ tát Quán Thế Âm cho con thoát khổ” là một lời cầu xin phổ biến, hiếm ai đứng trước tượng Bồ tát Phổ Hiền, Văn Thù, hay Đại Thế Chí để mà xin: “Hãy cho con có trí tuệ và giác ngộ để nhận ra bản chất nỗi khổ này.”

 


Bồ tát Quán Thế Âm với nghìn bàn tay cứu độ, trong lòng mỗi bàn tay là một con mắt nhìn thấu nỗi khổ. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét