19/02/2016

CÔNG THỨC BÁNH MỲ VIỆT NAM KHÔNG DÙNG PHỤ GIA

 I. Công thức bột chua 1:
Nguyên liệu:
- 200g bột mỳ cái cân hoặc Breadd flour)
- 200g nước
- 2-3g men instant (tùy thời tiết,nếu mùa hè thì nên dùng 2g thôi, mùa đông thì dùng 3g)
- 2g đường trắng
Cách làm :
- Nước + đường hòa tan rồi cho men nở vào khuấy đều. Để 10', cho tiếp bột vào khuấy thành hỗn hợp sệt, đậy khăn để nhiệt độ phòng 4-8h (tùy thời tiết mùa hè để 4h, mùa đông để 8h). Sau thời gian này thì cho men chua vào hộp kín để ngăn mát tủ lạnh, có thể dùng trong vòng 2 tuần.
Lưu ý :
- Gọi là bột chua nhưng bột chua này có mùi thơm gần giống như rượu nếp (hay cơm rượu) chứ ko hề chua nhé.
- Bột chua có thể dùng ngày sau khi ủ 4-8 tiếng, nhưng mình thấy bột chua để ngăn mát sau ít nhất 1 ngày mới dùng thì bánh mỳ khi nướng xong sẽ thơm hơn.
- Bột chua này có thể dùng trong tất cả các công thức bánh mỳ vỏ giòn như baguette, bánh mỳ Việt nam, đế pizza...

II. Công thức bột chua 2 :
Nguyên liệu
- 25g bột mỳ
- 50g nước
- 20-25g sữa chua nhiệt độ phòng
Cách làm :
- Cho tất cả vào 1 cái cốc khuấy đều, đậy kín bằng khăn giấy hoặc vải màn, để vào chỗ kín (mình hay để sau tủ lạnh vì chỗ đó ấm, dễ lên men)
- Mỗi ngày mang ra khuấy 1 lần, sau 2-3 ngày (tùy thời tiết) thì dùng được.
- Cho vào hộp kín bảo quản ngăn mát tủ lạnh được 1 tháng.
Lưu ý :
- Bột chua này có vị chua dịu và có mùi chua nhẹ

III. Công thức bánh mỳ Việt nam :
Nguyên liệu :
Công thức này làm được 6 cái bánh mỳ VN dài khoảng 22-23cm
- Bột mỳ cái cân : 300g
- Nước : 160g-180g (tùy chất lượng bột)
- 3g muối
- 9g đường
- 9g dầu ăn
- 6g men nở instant
- 60g bột chua 1
- 15-25g bột chua 2, tùy thời tiết, nóng thì cho ít hơn trời lạnh (có thể thay bằng 10-12g dấm hoặc 10-12g mẻ đã lọc bỏ bã + 1 viên Vitamin C nhỏ loại 100 chứ ko phải loại 500mg đâu nhé),
Mình thấy làm bằng bột chua 2 hay bằng mẻ mùi vị bánh ngon hơn và thớ bánh dai hơn, làm bằng dấm tuy bánh cũng vẫn nở tốt, thớ bánh vẫn mỏng nhưng bánh giảm mất vị ngọt của bột và mùi thơm của bánh mỳ nướng. Còn làm bằng bột chua 2 hay bằng mẻ, sản phẩm ra tương tự nhau, không có sự khác biệt
Cách làm
1.Cho 50g nước ấm hòa với đường, cho men nở vào, để 10-15' cho men nở , Trong qua trình kích hoạt men nếu thấy men phồng cao quá thì lấy thìa khuấy và để tiếp cho đủ 10’ nếu là mùa hè và 15’nếu là mùa đông.
2. Nếu nhào bằng máy : Cho tất cả các nguyên liệu vào bowl KA, nhồi cho đến khi bột mịn , dai . Nhào 2 phút cấp độ 1, 10-12 phút cấp độ 2 và 3 phút cấp độ 4 để đập bột (khoảng thôi nhé, cũng ko chính xác lắm vì mình thường nhìn bột để điều chỉnh).
Nếu bạn nào sợ hỏng máy không dám đập bột bằng KA ở tốc độ 4 thì phải cho ra bàn đập bằng tay khoảng 5’(cách đập bột các bạn seach trên mạng nhé)
3, Nếu nhào bằng tay : Nhào 5’, để bột nghỉ 5’ , rồi lại nhào 5’, cứ thế cho đến khi bột dai mịn không dính tay thì đập bột khoảng 5’ (cách nhào và đập bột các bạn seach trên mạng, nhìn video sẽ dễ hiểu hơn)
3. Ủ bột lần 1 : 10-15’ tùy thời tiết, trời nóng ủ 10’, trời lạnh ủ 15’.
4. Chia bột làm 6 phần, để bột nghỉ 10'.
5. Tạo hình bánh mỳ thuôn dài khoảng 20 cm, hai đầu vê nhỏ (tham khảo hình ở post trước), không cần tạo hình bụng chửa nhé, làm như vậy nếu bánh nở tốt sẽ bị bè ngang. Khi nướng bánh sẽ tự nở thành hình bụng chửa như hình.
6.Ủ bột lần 2 trong khoảng 1h cho bột nở gấp đôi hoặc hơn chút (lưu ý chỉ nở gấp đôi đến gấp 2,5 thôi nhé, không để nở quá khó rạch bánh, khi nướng sẽ ko tròn căng mà bị bẹt và mùi không thơm. Bình thường mùa hè mình ủ chỉ 30-40' là được, mùa đông thì khoảng 1h-1h20’ và cũng lưu ý là mùa hè thì không kích nở bằng cách gia nhiệt nhé, chỉ cần cho vào lò và đậy nắp lò là được. mùa đông có thể bật lò hơi ấm 1 chút nhưng chỉ bật cho lò nóng tầm 35-40 độ rồi tắt lò mới cho khay bánh vào ủ nhé.
7. Ủ xong bỏ khay bánh ra, bật lò 250 độ, bật quạt gió
8. Rạch bánh : rạch nghiêng dao 45 độ, đưa dao nhẹ tay lần thứ nhất tạo đường rách trên vỏ bánh, đưa tiếp dao lần thứ 2 để vết rach sâu khoảng 0.5cm. Khi rạch, đường rạch sẽ tự bung ra ngay nhé. Lưu ý là rạch nhẹ tay nhanh và dứt khoát (tham khảo hình)
9. Xịt nước lên mặt bánh (xịt nhiều vào các khe rạch), xịt ướt đẫm mặt bánh nhưng không xịt nhiều quá để nước chảy xuống 2 bên thành bánh đọng xuống khay nướng. Bánh sau khi xịt nước vết rach sẽ tiếp tục mở rộng hơn lúc mới rạch (xem hình)
10. Sau khi làm nóng lò khoảng 10’ thì cho khay bánh vào.
11. khoảng 3’ sau vỏ bánh bắt đầu khô (bắt đầu chứ không phải đã khô nhé, có nghĩa là trên mặt vỏ bánh đã bay hết hơi nước) thì mở lò nhanh tay xịt thêm nước và xịt như thế thêm 1 hoặc 2 lần nữa.
12. Khi bánh nở hết cỡ, vết rạch căng và xé rộng sẽ tạo ra hình bánh mỳ bụng chửa kiểu bánh mỳ VN. Canh đến khi thấy vỏ bánh bắt đầu có tia hanh vàng thì tắt quạt gió và giảm nhiệt độ lò từ từ xuống 220 độ và nướng đến khi vỏ bánh vàng như ý (nhớ là giảm từ từ chứ không được giảm đột ngột).
Toàn bộ thời gian nướng hết khoảng 15-20’ tính từ khi bắt đầu cho khay bánh vào lò.
Thành phẩm :
Vỏ bánh vàng đểu, bánh nở căng tròn, nhẹ, vết rạch bung tạo thành bánh mỳ hình bụng chửa. Khi lấy bánh ra khỏi lò do nhiệt giảm đột ngột sẽ tạo những vết rạn nhỏ trên vỏ bánh, bóp nhẹ vỏ bánh kêu rắc rắc và sẽ tạo ra những vết rạn to hơn. Ruột bánh trăng, nở xốp, nhiều lõ khí, thớ mỏng dai..
Để nguội bánh không xẹp, vỏ bánh bớt giòn nhưng vẫn giòn. Để đến hôm sau vỏ bánh mềm,nhưng chỉ cần nướng nóng lại là vỏ bánh lại giòn như mới.

IV. Một số lưu ý khi làm mỳ Việt nam :
1- Kích hoạt men đủ thời gian. Đặc điểm của Bánh mỳ VN là thời gian ủ lần 1 ngắn, nên bạn phải xử lý men bằng cách kéo dài thời gian kích hoạt men, để tạo ra độ nở và mùi vị tốt nhất cho bánh mỳ. Bột chua 1 bắt buộc phải có vì nó tạo hương vị và độ dai cho ruột bánh. bột chua 2 dùng để kích thích men nở tốt hơn để tạo nên bánh mỳ rỗng ruột đúng kiểu bánh mỳ Việt Nam. Nhưng vì bột chua 2 thời gian ủ hơi lâu nên mình có đưa ra nguyên liệu thay thế là mẻ + 1 vien vtmC hoặc dấm + 1 viên vtmC.
2- Bánh mỳ VN bắt buộc phải đập bột thì bột mới đủ độ dai. Vì bánh mỳ VN nở rất nhiều so với các loại bánh mỳ khác, nếu bột không đủ độ dai, khi bánh nở ỡ sẽ làm đứt các sợi gluten trong ruột bánh làm bánh bị xẹp và thớ bánh không mỏng và ruột bánh sẽ rời rạc.
3- Bột nhào xong sẽ trắng hơn bột lúc mới nhào và bạn sẽ cảm thấy bột bắt đầu nở nên bột nhìn rất mịn ( đúng kiểu căng mịn ấy), các bạn nhìn ảnh khối bột vừa nhào xong của mình sẽ thất rất rõ. Nếu bột của bạn không như thế có nghĩa là bột bạn nhào chưa đạt hoặc khô quá.
4- Lượng nước trong công thức là 160-180g,tuỳ loại bột và tuỳ chất lượng bột, cái này là bạn phải tự cảm nhận đươc khi nhào bột. Bạn nhào bột khô quá bánh sẽ nở kém và ruột bánh sẽ không được dai, nhào bột ướt quá, bánh của bạn sẽ bị nở theo chiều ngang, bánh sẽ bị bẹt và không đẹp, chưa kể là nếu thừa nước nhiều quá ruột bánh sẽ bết và bột ướt quá cũng khó tạo hình. Nhưng thế nào là vừa, điều này bạn phải tự cảm nhận bằng tay bằng mắt và bằng kn của chính bạn.
Nói thế thôi, nhưng chỉ sau 1-2 mẻ bánh là bạn có thể có được kn ngay.
Tốt nhất bạn nên cho đến 160g nước thôi rồi cho thêm từng ít một cho đến khi bột vừa đủ mịn và mềm, dai.
5- Với bánh mỳ VN không dùng phụ gia, ủ lần 1 bạn tuyệt đối không được kích nở bằng cách gia nhiệt. Ủ lần 2 cũng không nên trừ hôm nào thời tiết lạnh quá. Bánh mỳ VN nếu ủ nhiệt cao sẽ không cho kết cấu và mùi vị bánh tốt. Khi ủ lần 2 phải tránh để bánh đã tạo hình bị khô mặt , bánh sẽ không nở tốt được. Nên ủ trong lò có để 1 bát nước nóng, vỏ bánh sẽ ko bị khô và bánh cũng nở tốt hơn.
6. Ủ đến khi bánh nở gấp đôi đến 2,5 lần. Với những bạn chưa có nhiều kinh nghiệm với bánh mỳ vỏ giòn thì nên ủ non hơi 1 chút, chỉ cần gấp đôi hoặc hơn chút thôi, sẽ dễ nướng, dễ rạch hơn và bánh nở form cũng đẹp hơn. Khi đã quen bạn sẽ thử tăng từng chút một. Vì ủ hơi non 1 chút, bánh chỉ ko nở to và rỗng ruột bằng ủ đủ thôi, nhưng bánh vẫn đẹp và vẫn ngon (với điều kiện chỉ là hơi non chút thôi nhé). Chứ ủ quá là sẽ hỏng hết kết cấu ruột bánh và mùi vị bánh cũng sẽ rất tệ. Nhưng cũng đừng vì thế mà ủ non quá nhé, bánh chưa nở đủ khi nướng xomg sẽ có mùi men, ruột đặc.
7- Tạo hình : Nếu lò nhà bạn bé hơn nên tạo hình bánh nhỏ hơn. Tạo hình bánh to quá so với lò bánh dễ bị khô vỏ khi chưa nở hết. Bánh nở rất to nên bạn phải đặt bánh cách xa nhau, đảm bảo khi nướng bánh nở không bị dính nhau,
8- Rạch bánh : phải rạch nghiêng dao để bánh ko bì bè sang 2 bên khi nở, và bánh cũng tròn đẹp hơn. Và vết rách chỉ sâu khoảng 0.5cm thôi, để khi bánh nở hết cỡ vết rạch sẽ tự xé ra tạo thành gờ lên trông đẹp hơn.
9- Xịt nước : Phải xịt nước ướt đãm mặt bánh bánh trước khi cho vào lò nước và xịt ngay trước khi cho vào lò chứ ko được xịt sớm quá. Xịt nhiều vào khe rạch, để khi nở khe rạch mới bung nhiều. Nhưng không được xịt quá nhiều để nước chảy xuống đọng trên khay sẽ làm cho thành bánh lâu vàng, và bánh dễ bị xẹp và dễ bị dính khay (trừ trường hợp dùng giấy nến như mình thôi, chứ khay chống dính để nước đọng nhiều vẫn bị dính, nhưng nếu không có nước đọng thì khay nhôm thường cũng không dính, điều này thì rất nhiều bạn gặp rồi, nhưng chỉ là ko biết tại sao khuôn bánh mỳ chống dính hẳn hoi vẫn dính). Việc xịt nước ướt mặt bánh giúp mặt bánh không bị khô nhanh tạo điều kiện cho ruột bánh nở tốt nhất. Khi mặt bánh bắt đầu khô thì xịt nước lần thứ 2 để cho bánh nở tối đa, lúc này bạn sẽ thấy vết rạch trên bánh căng hết cỡ và bắt đầu tự xé tiếp ra.
Mình đã đứng quan sát lò bánh mỳ trong metro, thấy lò tự động xịt nước nhưng nó chỉ xịt 2 hay 3 lần gì đó lúc vỏ bánh còn trắng, vỏ hanh vàng là không thấy nó xịt nữa.
10- Với việc đặt khay nước nóng ở dưới mình cũng khuyên ko nên, vì việc để khay nước là để giữ ẩm cho vỏ bánh giúp vỏ bánh mỏng và ruột bánh nở tốt hơn. Bánh mỳ VN có đặc điểm tạo hình nhỏ, cần kích nở nhanh cho bánh rỗng ruột, nên ruột bánh nở và chín rất nhanh, nên ko cần để khay nước. Việc để khay nước còn khiến vỏ bánh ẩm lâu khi bánh đã nở hết cỡ, ruột bánh đã chín và không còn thoát khí nữa làm cho bánh dễ bị xẹp và bè ngang
11- Phải nướng nhiệt cao trong mấy phút đầu bánh nở tốt nhất. Nướng nhiệt cao còn giúp cho vỏ bánh mỏng, ruột bánh dai, thớ mỏng do khí thoát nhanh tạo ra nhiều lỗ khí và điều đó còn giúp cho bánh nở cao, vết rạch bung đẹp hơn. Khi vỏ bánh đã hanh vàng là lúc bánh không nở tiếp được nữa, lúc đó cần hạ bớt nhiệt để vỏ bánh chín vàng đều, nhưng phải hạ từ từ, hạ đột ngột khi vỏ bánh chưa đủ vững sẽ làm cho bánh bị xẹp do các lỗ khí trong bánh giảm thể tích.
12- Đối với lò 50l nên để nhiệt bắt đầu là 250 độ, hoặc hơn nếu bạn có kinh nghiệm trong việc canh vỏ bánh. Với các bạn dùng lò bé hơn, nên nướng nhiệt thấp hơn do thanh nhiệt sát với bánh vỏ bánh nhanh khô và dễ cháy, nhưng cũng không nên bắt đầu nướng dưới 200 độ nhé, còn lò quá bé phải bắt đầu nướng nhiệt thấp hơn nữa thì sẽ khó ra được bánh đẹp, chuẩn bánh mỳ VN. Bạn nên quan sát lò nhà bạn và dựa vào kn của bạn để điều chỉnh lò nhà bạn cho hợp lý. Nhiệt càng cao bánh càng nở đẹp. Đừng quá sợ cháy mà nướng nhiệt quá thấp, quan trọng là bạn canh chuẩn thời điểm xịt nước lần 2, 3 và thời điểm hạ nhiệt độ của lò. Bánh nở tốt nhất trong mấy phút đầu nên cố gắng giữ ẩm cho vỏ bánh để ruột bánh nở tốt nhất. Khi vỏ bánh hanh vàng là bánh không nở nữa thì bắt đầu hạ nhiệt độ từ từ để vỏ bánh vàng đều mà không bị cháy
Tóm lại, cảm nhận bột tốt, nhồi bột đạt, ủ bột đủ và đúng cách, tạo hình phù hợp với thể tích lò, rach bánh đúng cách, xịt nước vừa đủ, đúng thời điểm, nướng nhiệt đủ cao, hạ nhiệt từ từ và đúng lúc sẽ cho bạn chiếc bánh mỳ VN ngon và đẹp.











Ảnh màu miền Bắc Việt Nam năm 1959

Chợ hoa Tết Hà Nội, phong cảnh thơ mộng của Cẩm Phả… là những bức ảnh màu quý giá về Việt Nam năm 1959.


Ảnh màu tuyệt đẹp về miền Bắc Việt Nam năm 1959
Chợ hoa ngày giáp Tết ở phố Hàng Khoai, gần chợ Đồng Xuân, Hà Nội. Hình ảnh trích từ cuốn sách ảnh về miền BắcViệt Nam năm 1959, được xuất bản năm 1960 tại Hungary. Tác giả của ấn phẩm này là ký giả lão thành, nhà ngoại giao và sưu tầm văn hóa Patkó Imre và nhiếp ảnh gia, phóng viên ảnh nổi tiếng Rév Miklós.
Ảnh màu tuyệt đẹp về miền Bắc Việt Nam năm 1959
Phố cổ Hà Nội năm 1959.
Ảnh màu tuyệt đẹp về miền Bắc Việt Nam năm 1959
Một hồ nước ở Hà Nội.
Ảnh màu tuyệt đẹp về miền Bắc Việt Nam năm 1959
Thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh năm 1959.
Ảnh màu tuyệt đẹp về miền Bắc Việt Nam năm 1959
Một góc phố Hà Nội với đường xe điện chạy qua.
Ảnh màu tuyệt đẹp về miền Bắc Việt Nam năm 1959
Gánh hàng rong đi ngang phố.
Ảnh màu tuyệt đẹp về miền Bắc Việt Nam năm 1959
Một nhóm học sinh xếp hàng đi trên đường.
Ảnh màu tuyệt đẹp về miền Bắc Việt Nam năm 1959
Đường phố Hà Nội thời kỳ này rất ít xe cộ.
Ảnh màu tuyệt đẹp về miền Bắc Việt Nam năm 1959
Khung cảnh nhìn từ cửa sổ một căn phòng ở Hà Nội.
Ảnh màu tuyệt đẹp về miền Bắc Việt Nam năm 1959
Một bức ảnh khác ở cùng góc nhìn.

17/02/2016

TV cao cấp chưa hẳn đã hay - Không tin ư, xin các bạn hãy đọc bài viết dưới đây:


Lượm về từ Cnet

Các nhà sản xuất TV ra sức giới thiệu nhiều công nghệ và tính năng "ăn theo" HDTV để "chèo kéo" khách hàng mua sản phẩm mới, tuy nhiên không phải công nghệ nào cũng thành công.
tivi-oled JWIT01
Tivi Oled
Theo đánh giá của Cnet, dưới đây là những công nghệ chúng ta tưởng chừng như hữu ích nhưng thực tế lại vô dụng, thậm chí còn gây hại cho chất lượng hình ảnh mà nhà sản xuất đã thêm vào để "đánh bóng" cho sản phẩm của họ:
1. 3D
tivi-oled JWIT02
Tính năng 3D hầu như không được sử dụng trên TV của người dùng, ngay cả khi họ đã sở hữu kính xem phim 3D. Ngoài ra, công nghệ 3D cũng được biết đến như là một thất bại đối với hai ông lớn, Vizio và Toshiba, khi họ đã phải từ bỏ nó trên các đời sản phẩm TV tiếp theo. Do đó, không quá ngạc nhiên khi các nhà sản xuất TV khác sẽ sớm có những động thái tương tự trong tương lai.
2. Màn hình cong
tivi-oled JWIT03
TV màn hình cong chỉ là mánh lới của nhà sản xuất. Những thử nghiêm thực tế của Cnet cho thấy, hầu như không thể nhận thấy sự "cải thiện trải nghiệm người dùng" qua những hình ảnh trung thực và sắc nét hơn bằng đường cong của TV như những gì nhà sản xuất đã quảng cáo. Trong khi đó, giá tiền cho một chiếc TV LED màn hình cong lại đắt hơn rất nhiều so với một chiếc TV bình thường.
3. 4K
tivi-oled JWIT04
Có thể bạn sẽ nghĩ: "Có sự nhầm lẫn nào đó ở đây chăng? Độ phân giải cao hơn thì có gì sai?" Giải đáp cho thắc mắc này là: Hầu như không có sự khác biệt giữa hình ảnh của độ phân giải HD và 4K khi ở cùng một tiêu chuẩn khoảng cách ngồi xem. Ngoài ra, việc phải dành nhiều băng thông và bit hơn cho hiển thị độ phân giải cao sẽ làm giảm khả năng cải thiện chất lượng hình ảnh của những công nghệ đã được tích hợp trong TV trước đó. Trên hết, giá tiền cho một chiếc TV 4K thực ra rất đắt đỏ.
4. LCD
tivi-oled JWIT05
Cho đến thời điểm hiện tại, LCD vẫn đang là màn hình HD TV thành công nhất hiện nay. Nó đã loại bỏ màn hình CRT thế hệ cũ, màn chiếu, plasma và thậm chí còn đẩy lùi được cả OLED trên con đường cạnh tranh của mình. Tuy nhiên, thực tế, LCD và các TV LED lại thường cung cấp chất lượng hình ảnh kém hơn so với màn hình plasma hoặc OLED. Chúng có nhược điểm về khả năng hiển thị hình ảnh tại góc và xử lý các yêu cầu phức tạp. Bởi vậy, các video của chương trình truyền hình địa phương thường khó cho hình ảnh chất lượng cao. Hiện vẫn chưa có phương pháp tối ưu nào khác để thay thế cho công nghệ màn hình này.
5. Edge-lit LED (tivi LED viền)
Những sản phẩm TV này thường được bán "đắt như tôm tươi" khi tung ra thị trường nhờ thiết kế siêu mỏng của mình. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm đều gặp vấn đề về độ ổn định sáng hình ảnh, bao gồm các góc và mép sáng hơn TV LCD đèn LED nền.
6. "Soap Opera Effect"
Tính năng tự động làm mịn chuyển động được cài đặt mặc định trong hầu hết những TV hiện nay thường bị tắt đi (như ảnh trên). Nếu không tắt đi, nó thường khiến hình ảnh chuyển động dễ có hiện tượng mờ và tạo quầng xung quanh.
7. Màn hình gương (Glossy Screen)
tivi-oled JWIT06
Với công nghệ màn hình này, bạn thậm chí có thể tự cạo râu cho mình nhờ hình ảnh phản chiếu trên màn hình trong một căn phòng có ít ánh sáng. Mặc dù công nghệ này giúp cải thiện độ tương phản trên màn hình nhưng nó lại không thực sự hữu ích khi TV được đặt trong môi trường có nhiều ánh sáng.
8. Công nghệ bảo vệ bản quyền HDCP
tivi-oled JWIT07
Công nghệ HDCP được thiết kế để ngăn chặn vi phạm bản quyền sử dụng. Tuy nhiên, nó lại không thực sự có nhiều tác dụng trong thực tế. HDCP thường xuyên khiến người dùng khó chịu khi liên tục hiện những khoảng trống hoặc màn hình trắng khi "bắt tay" (kết nối) thất bại (báo hiệu yêu cầu tích hợp HDCP không tương thích).
9. TV thông minh
tivi-oled JWIT08
Ngày nay, TV thông minh được nhà sản xuất tích hợp rất nhiều ứng dụng, trò chơi và những web "rác" trong đó. Bạn hầu như không bao giờ sử dụng đến chúng, nhưng nhiều khi chúng lại cản trở việc truy cập vào những dịch vụ thực tế mà bạn sẽ sử dụng. Đặc biệt, Smart TV hiện nay cung cấp quá ít những ứng dụng "có thể dùng được".
10. Điều khiển bằng giọng nói và cử chỉ
tivi-oled JWIT09
Tính năng này nghe thì có vẻ như là "một cuộc cách mạng cho kỷ nguyên công nghệ điều khiển TV". Tuy nhiên trong thực tế, bạn sẽ gần như không bao giờ sử dụng đến chúng. Việc sử dụng điều khiển từ xa luôn là cách tốt hơn để thực hiện được những điều bạn muốn trên TV và tìm kiếm bằng từ khóa thông qua bàn phím ảo thường dễ dàng hơn thao tác điều khiển bằng giọng nói.

16/02/2016

Chùa - Đình - Đền - Miếu - Phủ - Quán - Am

Trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt Nam có rất nhiều nơi thờ cúng khác nhau như đình, đền, chùa, miếu, phủ, quán, am,… Nhưng không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của những địa điểm thờ cúng đó.
Cho nên có rất nhiều người đi chùa mà không hiểu được ý nghĩa của việc đi chùa, ở gần nhà có cái đình mà cũng không hiểu vì sao cái đình lại “mọc” lên ở đó,…
Bài viết này rất mong sẽ giúp được các bạn phân biệt các địa điểm thờ cúng khác nhau, hiểu được ý nghĩa của việc thờ cúng và những nhân vật được thờ cúng trong đó.
Chùa là gì?

Chùa Tây phương
Chùa là cơ sở hoạt động và truyền bá Phật giáo, là nơi tập trung sinh hoạt, tu hành và thuyết giảng đạo Phật của các nhà sư, tăng, ni. Mọi người kể cả tín đồ hay người không theo đạo đều có thể đến thăm viếng, nghe giảng kinh hay thực hành các nghi lễ Phật giáo.
Ở một số nơi, chùa cũng là nơi cất giữ xá lị và chôn cất các vị đại sư.

Đình là gì?

Đình Bảng
Đình là nơi thờ Thành hoàng của các làng, đồng thời là nơi hội họp, bàn việc của dân làng. Đình được coi là trung tâm sinh hoạt văn hóa gắn bó với một cộng đồng cư dân và mang đặc trưng của nền văn minh lúa nước Việt Nam.
Thành hoàng là người có công với dân, với nước, lập làng, dựng ấp hay sáng lập nên một nghề (ông tổ của nghề). Dưới các triều vua thường có sắc phong cho Thành hoàng, vì hầu hết Thành hoàng đều có công với nước. Dân làng, hay phường hội đi lập nghiệp nơi khác cũng xây miếu, đền thờ Thành hoàng quê gốc của mình tại nơi ở mới.

Đền là gì?

Đền Trần
Đền là công trình kiến trúc được xây dựng để thờ cúng một vị Thánh hoặc những nhân vật lịch sử được tôn sùng như thần thánh. Ở Việt Nam, phổ biến nhất là các đền thờ được xây dựng để ghi nhớ công ơn của các anh hùng có công với đất nước hay công đức của một cá nhân với địa phương được dựng theo truyền thuyết dân gian.
Các đền nổi tiếng có thể kể đến ở nước ta như Đền Hùng, đền Kiếp Bạc, đền Sóc, đền Trần… thờ các anh hùng dân tộc.
Đền Voi Phục, đền Bạch Mã, đền Kim Liên, đền Quán Thánh…thờ các vị thánh theo truyền thuyết dân gian.

Miếu là gì?
Miếu bà Chúa xứ núi Sam
Miếu là một dạng di tích văn hóa trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có quy mô nhỏ hơn đền. Đối tượng được thờ ở miếu rất đa dạng, thể hiện ở tên gọi của miếu – tên gọi theo đối tượng được thờ thường phiếm chỉ và tượng trưng.
Ví dụ: miếu Cô, miếu Cậu, miếu thờ thần núi gọi chung là miếu Sơn thần, miếu thờ thần nước gọi là miếu Hà Bá hoặc miếu Thủy thần. Miếu thờ thần đất gọi là miếu thổ thần hoặc thần Hậu thổ.
Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân sinh. Ở một số nơi, trong các ngày giỗ thần như ngày sinh, ngày hóa (nhân thần), ngày hiện hóa (thiên thần) làng mở tế lễ, mở hội, nghinh rước thần từ miếu về đình. Tế lễ xong, lại rước thần về miếu yên vị.
Miếu nhỏ còn được gọi là Miễu (cách gọi của người miền Nam)

Nghè là gì?


Nghè Trường Yên
Một hình thức của đền miếu, thờ thần thánh. Đây là kiến trúc thường có mối quan hệ chặt chẽ với một di tích trung tâm nào đó. Nghè có khi thờ thành hoàng làng ở làng nhỏ, được tách ra từ làng gốc như Nghè Hải Triều (Cẩm Giàng – Hải Dương).
Nghè cũng có thể là một ngôi đền nhỏ của một thần trong xã nhằm thích ứng với dân sở tại để tiện việc sinh hoạt tâm linh khi ngôi đền chính khó đáp ứng được nhu cầu thờ cúng thường nhật, như Nghè ở Trường Yên là một kiến trúc phụ của đền vua Đinh. Hiện đây là ngôi nghè cổ nhất được tìm thấy từ thế kỷ XVII.+

Điện thờ là gì?

Điện thờ công chúa Liễu Hạnh
Điện là sảnh đường cao lớn, thường chỉ chỗ Vua Chúa ở, chỗ Thần Thánh ngự. Như vậy Điện thờ là một hình thức của Đền, là nơi thờ Thánh trong tín ngưỡng Tam tứ phủ. Tuy vậy quy mô của Điện nhỏ hơn Đền và Phủ, lớn hơn so với Miếu Thờ. Điện thông thường thờ Phật, thờ Mẫu, Công đồng Tam tứ phủ, Trần Triều và các vị thần nổi tiếng khác.
Điện có thể của cộng đồng hoặc tư nhân. Trên bàn thờ thường có ngai, bài vị, khám, tượng chư vị thánh thần và các đồ thờ khác: tam sơn, bát hương, cây nến, đài, lọ hoa, vàng mã,…
Phủ là gì?
Phủ Dầy
Phủ là đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu (tín ngưỡng bản địa của người Việt Nam). Một số nơi thờ tự (ở Thanh Hóa) gọi đền là phủ. Có thể hiểu Phủ là nơi thờ tự Thánh Mẫu khá sầm uất, mang tính chất trung tâm của cả một vùng lớn, vượt ra ngoài phạm vi địa phương, thu hút tín đồ khắp nơi đến hành hương (tương tự như chốn Tổ của sơn môn đạo Phật).
Ngôi phủ sớm nhất còn lại hiện biết là điện thờ các thần vũ nhân ở chùa Bút Tháp, có niên đại vào giữa thế kỷ XVII.

Quán là gì?


Quán Thánh
Quán là một dạng đền gắn với đạo Lão (Đạo giáo). Vào các thế kỷ XI và XIV đạo Lão ở Việt nặng xu hướng thần tiên nên điện thờ thực chất giống như một đền thờ thần thánh.
Sang tới thế kỷ XVI và XVII, sự khủng hoảng của Nho giáo đã đẩy một số nhà Nho và một bộ phận dân chúng quan tâm nhiều tới Lão giáo, và điện thờ đạo Lão có nhiều sự phát triển mới, với việc thờ cúng các thần linh cơ bản theo Trung Hoa.
Đó là Tam thanh (Nguyên Thủy Thiên Tôn, Linh Bảo Đạo Quân, Thái Thượng Lão Quân), Ngũ Nhạc mà nổi lên với Đông Phương Sóc và Tây Vương Mẫu, rồi Thánh Phụ, Thánh Mẫu. Cửu Diệu Tinh Quân (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, Mặt Trời, Mặt Trăng, Hồ phủ, Kế đô) đồng thời trên chính điện cũng có cả tượng của Hoàng Quân giáo chủ (Ngọc Hoàng).
Có thể kể tới các quán điển hình như: Hưng Thánh Quán, Lâm Dương Quán, Hội Linh Quán, Linh Tiên Quán… đều ở Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). “Thăng Long Tứ quán” bao gồm: Chân Vũ quán (tức đền Quán Thánh ở phố Quán Thánh); Huyền Thiên cổ quán (nay là chùa Quán Huyền Thiên ở phố Hàng Khoai); Đồng Thiên quán (nay là chùa Kim Cổ ở phố Đường Thành); Đế Thích quán (nay là chùa Vua ở phố Thịnh Yên).
Am là gì?

Thọ Am (chùa Đậu)
Hiện được coi là một kiến trúc nhỏ thờ Phật. Gốc của Am từ Trung Quốc, được mô tả như ngôi nhà nhỏ, lợp lá, dùng làm nơi ở của con cái chịu tang cha mẹ, về sau đổi kết cấu với mái tròn, lợp lá, làm nơi ở và nơi đọc sách của văn nhân. Từ đời Đường, Am là nơi tu hành và thờ Phật của ni cô đặt trong vườn tư gia.
Với người Việt, Am là nơi thờ Phật (Hương Hải am tức Chùa Thầy, Thọ Am tức Chùa Đậu – Hà Tây…) cũng có khi am là ngôi miếu nhỏ thờ thần linh của xóm làng – Vào thế kỷ XV (thời Lê sơ) là nơi ở tĩnh mịch để đọc sách làm thơ của văn nhân. Miếu thờ thần linh ở các làng hoặc miếu cô hồn ở bãi tha ma cũng gọi là Am.


15/02/2016

Hãy chú ý đến thận của mình

Thận - Máy lọc tự nhiên

Thận là một cơ quan có kích thước khá nhỏ (9-11cm) nhưng lại đảm nhiệm một số chức năng rất quan trọng trên cơ thể người. Nó hoạt động như một máy lọc tự nhiên, lọc chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi máu.

Một quả thận được tạo thành từ hàng triệu đơn vị được gọi là lọc cầu thận, thông qua đó máu trong cơ thể sẽ được thanh lọc các chất thải được đào thải ra ngoài qua đường tiểu và bổ sung các thành phần quan trọng.

Trong thực tế, nó đảm nhiệm vị trí “thùng rác” của cơ thể. Thận cũng thực hiện một số chức năng tổng hợp như sản xuất erythropoietin (EPO), một hormon điều khiển sự tạo hồng cầu.

Ngoài ra, nó còn tổng hợp vitamin D, tạo ra calcitriol (một trong những chất chuyển hóa có hoạt tính của vitamin D3), điều tiết lượng nước trong cơ thể và kiểm soát huyết áp với sự giúp đỡ của các hormon.

Thận giúp giải quyết rất nhiều vấn đề nan giải, nó là một cơ quan vô cùng quan trọng với cơ thể...

Điều gì xảy ra nếu thận bị ảnh hưởng?

Vì thận điều chỉnh một số chức năng vô cùng quan trọng của cơ thể, nên khi thận bị bệnh có thể gây ra rất nhiều vấn đề nan giải.

Sự giảm bài tiết và tích tụ các chất thải trong cơ thể dẫn đến buồn nôn và nôn. Suy giảm sự hình thành tế bào máu (hồng cầu) dẫn đến mệt mỏi và suy nhược.

Nồng độ canxi và phốtpho bất thường gây ra các bệnh xương và canxi lắng đọng trong cơ thể. Huyết áp cao dẫn đến bệnh tim.

Tích tụ nước dẫn đến phù và khó thở. Nếu thận bị ảnh hưởng lâu dài, mạn tính có thể dẫn đến tổn thương thận vĩnh viễn và các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp và một số bệnh di truyền như thận đa nang.

Nguyên nhân dẫn đến các vấn đề về thận

Các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp... gây tổn hại các cầu thận, dẫn đến sự bài tiết bất thường của các tế bào máu và albumin, kết quả là việc giảm hình thành nước tiểu.

Các bệnh nhiễm khuẩn hoặc dị ứng và một số loại thuốc như thuốc giảm đau làm hỏng các ống dẫn nước tiểu (ống lượn gần và ống lượn xa) của cầu thận. Điều này dẫn đến chất lượng nước tiểu không được đảm bảo.

Những bệnh nhân này thường được xác định và điều trị muộn. Một nguyên nhân khác của suy thận là sỏi, gây trở ngại và gây áp lực cho hệ thống bài tiết và thận.

Sỏi thận cũng có thể gây nhiễm khuẩn thận tái phát, là một yếu tố dẫn đến nguy cơ suy thận. Nam giới cao tuổi có nguy cơ bị phì đại tuyến tiền liệt gây tắc nghẽn đường ra của nước tiểu.

Những dấu hiệu cơ năng sau đây bạn nên cảnh giác:

Thay đổi khi đi tiểu: Những thay đổi như tiểu nhiều vào ban đêm, nước tiểu có bọt, lượng nước tiểu nhiều hơn/ít hơn bình thường và nước tiểu có màu nhợt/màu tối, nước tiểu có máu, cảm thấy căng tức hay đi tiểu khó khăn (tiểu buốt tiểu dắt)...

Thường gặp trong viêm tiết niệu do sỏi.

Phù: Thận bị hỏng không loại bỏ được chất lỏng dư thừa nữa, do vậy chất lỏng tích tụ trong cơ thể khiến bạn bị phù ở chân, cổ chân, bàn chân, mặt và/hay tay. Gặp trong bệnh thận hư, viêm cầu thận cấp, mạn...

Đau lưng: Một số bệnh nhân bệnh thận có thể bị đau ở lưng hay sườn, gặp trong bệnh sỏi thận gây giãn đài bể thận hoặc thận đa nang làm cho các nang ứ nước to to lên và gây đau.

Mệt mỏi: Những quả thận khỏe mạnh tạo ra một hormon gọi là erythropoietin, hormon tạo ra các hồng cầu trong máu mang ôxy tới các tế bào. Khi thận bị suy sẽ dẫn đến thiếu máu nên sự vận chuyển ôxy kém hơn các cơ và não của bạn mệt đi nhanh chóng.

Ngứa: Khi thận suy, chức năng loại bỏ các chất thải ra khỏi máu kém, sự tích tụ của các chất thải trong máu có thể gây ngứa ở da.

Hơi thở có mùi amoniac: Sự tích tụ của các chất thải trong máu do thận lọc kém dẫn tới tăng urê trong máu (được gọi là chứng urê huyết) khiến hơi thở có mùi. Và người bệnh cảm giác sợ ăn thịt.

Buồn nôn và nôn: Khi urê huyết tăng có thể gây nên tình trạng buồn nôn và nôn.

Thở nông: Đó là do phù các màng trong cơ thể trong đó có phổi và chứng thiếu máu do sự thiếu hụt các tế bào hồng cầu vận chuyển ôxy dẫn tới chứng thở nông.

Ớn lạnh: Thiếu máu có thể khiến bạn cảm thấy lúc nào cũng lạnh, thậm chí bạn đang ở trong phòng có nhiệt độ ấm.

Hoa mắt, chóng mặt, giảm trí nhớ: Thiếu máu khiến bạn bị hoa mắt chóng mặt và não không được cung cấp đủ ôxy, có thể ảnh hưởng đến trí nhớ.

Khi có một trong các biểu hiện trên bạn nên đến khám, xét nghiệm (xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu...) và các xét nghiệm cần thiết khác để sớm phát hiện bệnh và điều trị triệt để tránh biến chứng suy thận.

Làm gì để phòng ngừa biến chứng suy thận?

Theo dõi diễn biến của bệnh thận một cách kịp thời; có chế độ ăn uống hợp lý; không uống bia, rượu; không hút thuốc lá.

Ăn ít thịt, giảm mỡ và tăng cường rau quả; tránh lao động quá nặng nhọc; phòng tăng huyết áp, nếu bị tăng huyết áp phải điều trị và kiểm soát huyết áp;

Điều trị sỏi tiết niệu và hạn chế muối; đề phòng nhiễm khuẩn tiết niệu và điều trị kịp thời viêm nhiễm tiết niệu.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để giúp duy trì thận ở trạng thái khỏe mạnh chúng ta cần uống đủ nước (1,5-2 lít/ngày); tập thể dục thể thao mỗi ngày; tránh dùng thuốc không có hướng dẫn của thầy thuốc vì một số thuốc có hại cho thận.

Nếu bị bệnh thận mạn tính vô cùng nguy hiểm, khi tiến tới giai đoạn cuối bệnh thận, thậm chí bạn phải áp dụng các phương pháp như thay thận hoặc chạy thận nhân tạo. Vì vậy hãy giữ cho quả thận luôn khỏe bằng một lối sống lành mạnh.