Theo Giáo sư Nguyễn Thế Anh, sử gia người Việt,
giáo sư đại học Paris-Sorbonne (Pháp) thì văn khố “Public Record Office” tại
London (Vương quốc Anh) hiện còn lưu trữ một bức thư bằng chữ Hán với nội dung
khá thú vị về Kỳ Đồng - một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.
Lá thư gửi Chính phủ Anh
"Chúng
tôi là Nguyễn Song Sơn là dân các tỉnh của nước Việt Nam, gởi thư tâu lên Hoàng
đế bệ hạ và các vị quan lớn văn võ của chính phủ nước Anh tại thành Luân Đôn
cùng thu nhận soi xét.
Việt Nam
từ khi lập quốc đến nay đã hơn 4.000 năm. Đến năm Đinh Tỵ Tự Đức (niên hiệu của
vua Việt Nam) thứ 10 (tức năm 1858 - NV), thời có nước Pháp và nước Tây Ban Nha
đã đem binh thuyền đến núi Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam nước Việt, đưa thư đòi hỏi
ba việc: Một là truyền giáo, hai là thông thương, ba là lập cửa khẩu mua bán ở
Sơn Trà. Các vị quan lớn Việt Nam không biết kế sách ngoại giao, đã kiên quyết
chống lại lời thỉnh cầu này, lại đem binh ngu ngơ yếu kém phòng ngự.
Hai năm
sau, hai nước này bèn gây chiến ở tỉnh Gia Định, rồi gửi thư xin lập phố thông
thương. Chính phủ lại kiên quyết khước từ. Hai nước lại gây chiến với nước Đại
Thanh, chỉ để lại đội binh thuyền nhỏ cầm cự quân Việt. Đến năm thứ 14 lại kéo
binh về tấn công thành Gia Định.
Rồi phúc
thư giảng hòa, đòi cắt ba tỉnh Gia Định, Bình Định (có lẽ nhầm lẫn với Biên Hòa
– NV), Định Tường cho Pháp, và bồi thường tiền quân phí cho Tây Ban Nha 100
vạn. Lúc đó vua tầm thường, bề tôi ngu muội, chính phủ không thể nắm vững lý mà
đem sức tranh biện, đành phải sai sứ hẹn ước giao nạp tiền và cắt đất.
Năm sau,
người Pháp lại lợi dụng sự ngu muội yếu hèn ấy, chiếm lấy chủ quyền và quyền
lợi ở Lục tỉnh. Đến năm Tự Đức thứ 25 Nhâm Thân (tức 1874 – NV) lại đòi hỏi
thông đường sang tỉnh Vân Nam nước Đại Thanh không được, bèn phát binh đánh các
tỉnh Bắc Kỳ. Rồi lại ký hòa ước. Trong hòa ước đã nhường khống chủ quyền nước
Việt từ Trung Kỳ cho đến Bắc Kỳ, đặt Khâm sứ ở kinh thành (Trung Kỳ) và lãnh sự
ở Hà Nội, Hải Phòng. Ký hòa ước xong (Pháp) đã giao trả Bắc Kỳ.
Vào 10
năm sau, người Pháp lại phát binh đánh các tỉnh Trung Kỳ. Các nơi khác ở Bắc Kỳ
cũng trở thành chiến trường. Lúc đó vua Hiệp Hòa ở Việt Nam, tuổi nhỏ làm giám
quốc (năm Quý Mùi - 1883) người Pháp lại bắt ép ký hòa ước gồm 24 khoản.
Khoản 1
là: Nước Việt nhờ nước Pháp bảo hộ. Chính phủ bất đắc dĩ phải ký văn bản hòa
ước như yêu cầu đó. Hòa ước ký xong, Pháp lại cử binh đánh chiếm Phúc Châu của
Đại Thanh, rồi ký hòa ước Thiên Tân. Người Pháp đòi hòi người Thanh phải thừa
nhận điều 1 là Pháp bảo hộ Việt Nam.
Đến năm
Ất Dậu (1885) vua Hàm Nghi làm giám quốc. Người Pháp phát quân thủy, quân bộ
công hãm kinh thành tại Trung Kỳ. Vua Hàm Nghi rời thành bị quan quân Pháp bắt,
đem giam tại Ba Lê là kinh đô của nước Pháp. Nay lại đem sang an trí ở Algérie.
Pháp lại giao trả Kinh thành, chọn con cháu tầm thường ngu muội của họ Nguyễn
(thuộc họ nhà vua) đề chính vương danh, lại đặt các quan nô lệ để sung sai
phái, bắt ép cắt nhường Bắc Kỳ.
Từ đó
chủ quyền và quyền lợi lục tỉnh Nam Kỳ và toàn hạt Bắc Kỳ đều về người Pháp.
Lúc đó thế của các nghĩa đảng không thể chống cự được, hoặc mang lòng trung
xuống hoàng tuyền, hoặc gởi thân nơi đất khách. Trong mắt của người Pháp không
còn người Việt nữa, bèn hạ lệnh thu thuế đinh điền thổ trạch, quan ải, cửa
biển, cây rừng, mỏ núi, chợ đò xe thuyền, muối, lợn, dâu tằm, chăn nuôi...
Xét từ
thuở đầu, Pháp đã mượn tiếng thông thương để dòm ngó hư thực, đã ngụy định hòa
ước mà thao túng. Lại xét về sau, tiếng là bảo hộ cho nước Việt suy yếu, thật
ra là bòn rút máu mỡ dân Việt. Thử xem các nước trong năm châu, có tình cảnh
này chăng?
Việc bảo
hộ của các cường quốc là xem người dân thuộc địa như anh em làm cho dân trí
ngày một mở mang, việc nông thương ngày một mở rộng, dân số ngày càng nhiều,
của cái ngày càng lắm. Thế mà sự bảo hộ của người Pháp lại xem người Việt như
lợn gà, dao thớt ở trước mà xanh chảo ở sau vậy".
Người
được "thiên hạ theo về, hào kiệt tin yêu"
Vẫn bức
thư trên: "Ở làng Ngọc Đình tỉnh Thái Bình có Nguyễn Văn Cẩm, 7 tuổi đã có
khả năng hiểu biết trời cho, cả nước biết tên. Người Pháp nghi kỵ, bèn đem đi
an trí, cuối cùng không thể làm hại được, đành cho vào trường học. Sau 3 năm
đèn sách, đã tốt nghiệp phổ thông. Khắp các kỹ thuật sở trường cốt yếu các
nước, không gì không rõ. Người Pháp nhiều lần muốn trọng dụng, nhưng ông vẫn
bất khuất. Ở nước ngoài hơn 10 năm, đã tới phủ giám quốc xin trở về Việt Nam
khai khẩn ruộng hoang. Được phép, trở về Việt Nam, ông đã lập đồn điền tại
huyện Yên Thế cùng khai khẩn với một người Pháp.
Vừa mới 20 ngày, chưa kịp chiêu
mộ, nhưng người Việt kéo tới không dưới 10 vạn. Quan Pháp thấy thiên hạ có lòng
theo về, bậc hào kiệt tin yêu, đã đem lòng nghi kỵ lại chuyển ông đi an trí đã
12 năm rồi. Người Pháp như thế, làm cho người Việt không vui vẻ gì với việc mở
mang ruộng đất.
Người ở thành phố thuộc tỉnh Nam
Định là Trịnh Xuân Nham, vốn là người hiếu học. Hai người ở làng Hành Thiện
cũng hâm mộ thương nhân, cũng xuất dương ra nước ngoài để thông thương và du
học. Nhưng người Pháp đã cản trở, ra lệnh cho các quan cai trị quản chế, không
cho ra khỏi nhà.
Người tỉnh Quảng Nam là Phan
Châu Trinh soạn sách yêu nước, viết chuyện cũ về các nước tự do độc lập để giáo
dục người. Thế mà Người Pháp đã vu khống, kết án là xui người làm loạn, lưu đày
chung thân. Như thế thì người Việt ai dám bộc lộ tinh thần yêu nước...
Các quan Pháp bảo hộ chỉ mong
nòi giống Việt ngày càng bị hãm vào cõi trầm luân chết chóc, cốt cho người Pháp
càng năm càng thu được số bạc ức vạn triệu... Than ôi, than ôi, dân chúng tôi
sinh ở nước Việt, làm người dân Việt, ở dưới sự bảo hộ của họ hơn 40 năm qua,
lấy công sức làm ruộng, mua bán có hạn để lấp đầy cái hang ham muốn vô cùng. Cơ
hồ như không còn cửa xin ăn, không đất chôn thân vậy...
Nay ngửa trông thương xót, cứu
vớt dân Việt ở trong vòng nước sâu lửa nóng, xin trù liệu kế nào đề giúp cho
Nguyễn Văn Cẩm được về nước, ngõ hầu người dân Việt được nhờ ơn bất hủ của nước
nhà, ắt phải lo báo đáp bất hủ. Muôn vàn đội ơn. Ngày 15/4 năm Mậu Thân
(1908)".
Địa chỉ nơi ở của nhân vật
Nguyễn Văn Cẩm nhắc tới trong thư được viết bằng chữ Pháp trên tờ giấy nhỏ, bỏ
vào bên trong phong thư.
Bức thư nêu trên tóm lược sự
diễn tiến trong vòng nửa thế kỷ, từ khi liên quân Pháp và Tây Ban Nha tấn công
Đà Nẵng, vào năm 1858, cho đến năm 1908, để kịch liệt công kích nền đô hộ mà
người Pháp đặt trên nước Việt Nam, với những ví dụ tiêu biểu cho sự bóc lột
bằng gánh nặng thuế má và sự phủ nhận các quyền tự do cản bản mà giới cai trị
Pháp buộc dân Việt phải chấp nhận.
Tuy nhiên mục đích chính mà tác
giả nhằm tới sự thật là lôi cuốn sự chú ý tới một nhân vật là Nguyễn Văn Cẩm.
Tác giả đã không ngần ngại phô bày lòng kính phục của mình đối với nhân vật
Nguyễn Văn Cẩm. Vậy Nguyễn Văn Cẩm là ai?
Thần đồng từ năm 7 tuổi
Sinh ra vào khoảng năm 1875 tại
làng Ngọc Đình (xưa thuộc hạt Hưng Yên, sau nhập vào tỉnh Thái Bình), ngay từ
năm lên 7 tuổi, Nguyễn Văn Cẩm đã được các quan tỉnh để ý đến vì "thông
tuệ, thù ứng, thơ đối phần nhiều khác thường, ngôn ngữ cử chỉ có lễ độ".
Vào lúc mà trước tình hình cấp
bách bởi áp lực bành trướng của người Pháp, chính sách của triều đình nhắm đến
tìm kiếm và đào tạo anh tài, Nguyễn Văn Cẩm được chính phủ cấp cho mỗi tháng 3
quan tiền và 1 vuông gạo, kể từ năm Tự Đức thứ 35 (1882), để có phương tiện mà
trau dồi kiến thức. Đối với dân chúng trong vùng, Cẩm được mệnh danh là Kỳ
Đồng, vẫn thường được người lớn hỏi han về vận mệnh đất nước, vì được truyền
tụng là có khả năng tiên đoán tương lai.
Cần phải đề cập qua đến tác giả
bức thư trên. Nguyễn Song Sơn chỉ có thể là một biệt hiệu, không có một dấu
hiệu nào để nhận diện một cách rõ rệt nhân vật này. Tuy nhiên, lời văn của ông,
nếu không chứa đựng những kiểu cách văn điển của các nhà nho truyền thống, thì
cũng là lời văn của một người có học. Một tài liệu của Phòng Nhì Phủ Toàn quyền
cho biết rằng vị thư ký của Nguyễn Văn Cẩm, là một Tú tài có thể đó là tác giả
của bức thư này.
Thỉnh nguyện thư của Nguyễn Song
Sơn gửi đến Anh Hoàng đã không đưa lại một kết quả nào. Vào năm 1908, chính
sách ngoại giao giữa Anh và Pháp là chính sách thân thiện mệnh danh là chính
sách "Entente Cordiale". Trong hoàn cảnh này, bức thư của Nguyễn Song
Sơn tất nhiên đã được xếp vào trong hồ sơ của Bộ Ngoại giao Anh mà không được
ai đoái hoài đến.
Ngoài ra, người ta cũng tin rằng
Kỳ Đồng được thần linh phó cho tài chữa bệnh, uy tín của Kỳ Đồng lan rộng trong
vùng châu thổ sông Hồng.
Khi mà phong trào kháng chiến
chống lại sự chiếm đóng xứ Bắc Kỳ bởi quân Pháp lan rộng, một vài nhà lãnh tụ
đã để Kỳ Đồng làm người cầm cờ cho phong trào quốc gia, có thể lôi cuốn được
nhiều người ủng hộ.
Những cuộc vận động mà Kỳ Đồng
đứng ra vào năm 1887 có nhiều tình tiết thú vị: Ông mộ thiếu niên dựng cờ
"Thiên binh thần tướng" để chiếm thành Nam Định.
Lẽ tất nhiên là chỉ cần một phát
súng bắn chỉ thiên của lính giữ thành đã đủ để giải tán đoàn quân chỉ được vũ
trang bằng gậy gộc. Huyền thoại về Kỳ Đồng lại được củng cố thêm với lời đồn là
bị bắt giam, ông đã biến đi như có phép.
Để tránh sự tái diễn những sự
kiện tương tự, các nhà chức trách Pháp quyết định đưa Kỳ Đồng đi Algérie học,
với hy vọng rằng một khi đã bị đưa đi xa nhà như thế, ảnh hưởng của Kỳ Đồng sẽ
phai nhạt đi, trong khi sự giáo dục theo lối Tây phương sẽ biến Kỳ Đồng thành
một công cụ của Pháp.
Là học sinh nội trú tại trường
trung học Algérie, Kỳ Đồng đậu bằng tú tài khoa học và cũng giành được bằng
huấn luyện viên thể dục. Song những lần tiếp xúc của Kỳ Đồng với vua Hàm Nghi
(bị đày sang xứ Algérie) không thoát khỏi tai mắt của người Pháp và chính quyền
thuộc địa nghĩ rằng để Kỳ Đồng tại đó sẽ có hại nhiều hơn là có lợi. Vì vậy
Kỳ Đồng được hồi hương vào giữa năm 1896.
Mặc dù vắng mặt trong thời gian
dài nhưng lòng ái mộ mà dân chúng dành cho Kỳ Đồng vẫn không suy giảm chút nào.
Trái lại, những lời truyền tụng về bản chất thần trợ của Kỳ Đồng lại được tung
ra, và các sự thăm viếng tấp nập tại nơi Kỳ Đồng cư ngụ ở Hà Nội chẳng bao lâu
lại khiến chính quyền thuộc địa để ý. Có lúc Kỳ Đồng được đề nghị đưa vào Huế
để sống cạnh vua Thành Thái, nhưng các quan trong triều đã gạt bỏ đề nghị này.
Vào tháng 3/1897, Kỳ Đồng tiếp xúc với một y sĩ Pháp lập nghiệp
tại Bắc Kỳ, Gillard. Nhân vật này mới được chính quyền cấp cho một khoảng đất
rộng 4.000 hecta trong vùng Yên Thế. Trong một bức thư gửi Toàn quyền Đông
Dương ngày 31/3/1897, Kỳ Đồng xin phép mộ vài ngàn người tới làm việc tại đồn
điền của Gillard. Không có đủ tài liệu về các điều kiện của sự cộng tác giữa Kỳ
Đồng và Gillard, nhưng hình như Gillard đã muốn lợi dụng thanh thế của Kỳ Đồng
đề có được nhân công rẻ tiền cho đồn điền.
Kỳ Đồng (奇童) tên thật là Nguyễn Văn Cẩm (阮文錦, 8 tháng 10 năm 1875 - 7/1929), người làng Trung Lập (theo cuốn Danh
nhân Thái Bình thì quê ông là làng Ngọc Đình), phủ Tiên Hưng, tỉnh Hưng Yên,
nay là xã Văn Cẩm huyện Hưng
Hà tỉnh Thái Bình. Ông vốn có tư chất thông minh từ nhỏ lại được cha, là nhà
nho giỏi, dạy dỗ. Ông được chính phủ Pháp cấp học bổng sang học Trường trung học Alger, tốt
nghiệp tú tài khoa học và văn chương. Ông có lẽ là Người Việt đầu tiên đỗ tú tài Pháp.
Kỳ Đồng có nghĩa là (Đứa trẻ kỳ tài) là
tên gọi được vua Tự Đức sắc phong cho cùng với sớ "Tên này còn
ít tuổi, chưa thể dùng được, nay giao tỉnh thần Hưng Yên dạy bảo, để khi lớn
lên, nhà nước sẽ dùng."
Tám tuổi mụ (năm
1882), Kỳ Đồng đã được cha cho dự kỳ thi khảo khóa chuẩn bị cho kỳ thi hương
sau đó tại trường Nam Định. Nguyễn Văn Cẩm đoạt loại ưu, được quan đốc học Nam
Định trình tấu về triều. Vua Tự Đức ban chỉ dụ khen thưởng, cấp tiền gạo ăn học.[1]
Năm 1887, những
người dân có tư tưởng chống Pháp nhưng mê tín ở tỉnh Nam Định cũ (ở
cả Nam Định và Thái Bình ngày nay) tôn Kỳ Đồng làm hậu thân của Trạng
Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, tiến hành tổ chức một đám rước kiệu Kỳ Đồng tiền
về tỉnh lỵ Nam Định, nhằm hướng nhân tâm về một thủ lĩnh chống Pháp mới. Công
sứ Pháp ở Nam Định là Brie phải ra lệnh nổ súng thị uy, giải tán đoàn người.
Sau đó, người Pháp quay sang lợi dụng lại việc này vào mục đích tuyên truyền:
họ lưu đày những người tổ chức sự kiện này ở Côn Đảo, nhưng riêng Kỳ Đồng họ
lại cho đi du học ở thủ đô An giê (Alger) của Algérie lúc đó thuộc
Pháp, ngày 2 tháng 10 năm 1887.
Tại An giê, Kỳ Đồng
học tại trường trung học Louis Legrand trong 9 năm, từ tháng 10 năm 1887 đến
tháng 9 năm 1896. Trong thời gian này, ông quen và thân thiết với Quận công Ưng
Lịch (Hàm Nghi) lúc đó cũng đang bị lưu đày tại đó và từng đến thăm viếng cựu
hoàng.
Ông từ chối lời mời
làm quan của Pháp mà chỉ xin đất để mở mang việc làm ruộng ở Yên Thế vào
năm 1897.
Vì sợ ông liên lạc
với Đề Thám nên Pháp đã đày ông sang quần đảo Marquesas. Ông mất ở
đảo Tahiti (Papeete) năm 1929, thọ 54 tuổi
Ông có một số bài
thơ dạng tự thuật như Lời non nước hay Đường lên Yên
Thế.