Người Việt Nam có tục thờ cúng tổ tiên. Vào ngày Tết và ngày qua đời của người thân trong gia đình (ngày âm lịch), con cháu đều cố gắng sắm sửa những món ngon vật lạ để dâng cúng những người đã khuất. Đó là phong tục cúng Tết và cúng giỗ.
Riêng giỗ, ông cha ta xưa rất coi trọng. Cúng giỗ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, được coi là “báo hiếu”, là ngày con cháu tưởng nhớ đến công lao sinh thành, xây nếp đắp móng của các vị tiền hiền, và cầu xin vong linh các vị phù hộ độ trì cho.
Các cụ chia giỗ làm hai loại: giỗ trọng và giỗ thường.
Giỗ trọng là giỗ những người thân mới mất, thường là ông bà, cha mẹ. Còn giỗ thường là giỗ những người ở thế hệ xa hơn: cụ kỵ, chú bác, cô, anh chị... Các cụ vẫn truyền cho con cháu câu: “Ngũ đại mai tiền chi” (năm đời không còn chủ), tức là từ đời thứ 5 trở lên (đời kỵ) các cháu chắt không phải cúng giỗ nữa, nhưng những ngày tết và những ngày giỗ khác, các vị từ đời thứ năm trở lên vẫn được tiến chủ (người đứng lễ) khấn, mời về "đồng hưởng" cùng vong linh những người đã khuất của gia đình.
Nhân dân ta mang truyền thống “uống nước nhớ nguồn" nên hàng năm những vị khai sáng ra một dòng họ - được suy tôn là “khởi tổ” hoặc “thuỷ tổ” - vẫn được chắt chút cúng giỗ ở nhà thờ “đại tôn” (nhà thờ của họ). Trong khoảng 20 năm trở lại đây, nhiều nhà thờ họ được xây lại, được tôn tạo sửa chữa tôn tạo và việc cúng giỗ tổ tiên được khôi phục. Đó là dịp để các chắt chút… của Tổ gặp nhau, trước tỏ lòng thành kính với Tổ, sau là nhận họ, nhận hàng.
Nhiều họ, ngày giỗ Tổ còn là ngày động viên chắt, chút… làm những việc tốt, tuyên dương những chắt, chút mới tốt nghiệp đại học, trên đại học, có phần thưởng cho những chút, chít mới đỗ vào đại học hoặc học giỏi. Ở Phú Thọ, còn có phong trào “dòng họ tự quản” với những “tộc ước” rất cụ thể.
Riêng ngày giỗ trọng thì mỗi gia đình tổ chức một khác, tuỳ tâm gia chủ, tổ chức như thế nào do gia đình bàn bạc thống nhất. Các cụ truyền dạy: “Đó là việc hiếu, mọi người đến không phải vì cỗ to, vì miếng ăn, mà là để tưởng nhớ người đã mất, vì họ hàng làng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”. Vì vậy, các đám ma, đám giỗ không ai buông một lời chê, không có cãi vã, to tiếng, say rượu, cờ bạc... Các cụ rất coi trọng cỗ, chứ không coi trọng cỗ.
Ngày giỗ lấy tâm thành là chính chỉ cần “bát cơm, quả trứng” cúng là đủ. Vì vậy, hầu như tất cả các gia đình ở Hà Nội, dù làm giỗ to nhỏ, nhiều ít, mâm cao cỗ đầy như thế nào thì gần cuối buổi lễ đều dâng lên bàn thờ một bát hoặc một liễn cơm và một quả trứng vịt hoặc gà luộc đã bóc vỏ, và bóp vỡ một chút ở chỗ ít lòng trắng để lộ phần lòng thêm một ít muối bên cạnh.
Xưa những đám giỗ trọng ở quê có hai cách tổ chức gần như là lệ làng: Làm mở rộng đối với những giỗ mới, nhất là giỗ đầu (một năm sau ngày mất và giỗ hết (hai năm sau ngày mất, có nhà làm vào ngày thứ 100 sau hai năm gọi là giỗ bỏ tang hay “bỏ trở” - từ sau ngày đó, con cháu không phải để trở).
Làm trong phạm vi hẹp (chú bác, anh chị em, con cháu) rượu từ giỗ sau giỗ bỏ tang trở đi. Gia chủ có làm rộng cũng ít người đến. Về cỗ, có hai loại, tuỳ hoàn cảnh gia đình mà chọn:
- Làm cỗ bình thường (gọi cỗ “bàn than”): chỉ có mấy món chế biến từ thịt lợn: luộc, rang, lòng, có thể thêm đĩa giò.
- Làm cỗ to (gọi là cỗ “đồ Tàu”) có những món cầu kỳ hơn, thường mỗi mâm có có bốn bát và tám đĩa: giò, nem, ninh, mọc, nấm, bóng...
Có gia đình khá giả làm cả bò, lơn, gà (hoặc dê) gọi là cỗ “tam sinh”.
Những giỗ làm theo phạm vi rộng thường 30 mâm, có nhà tới hàng trăm mâm, trong phạm vi hẹp độ 5- 10 mâm (mỗi mâm 6 người).
Trước ngày giỗ độ 10 ngày, ông trưởng (con trai đầu) mời tất cả con trai, con gái của người mất đến họ để thống nhất cách làm giỗ và phân công mỗi người một nhiệm vụ; người mua thực phẩm, người mượn bát đũa, mâm nồi, người dựng rạp. Các người con tự nguyện đóng góp, tùy khả năng và tùy tâm, không bổ bán, không chia đều. Sau khi thống nhất, hai vợ chồng trưởng nam phải đích thân đi mời từng nhà: "Tiếng chào cao hơn mâm cỗ!", có nhà ế hàng chục mâm cỗ chỉ vì sơ suất khi mời.
Nhà nào cũng có một bàn thờ gia tiên đặt ở gian giữa - nơi trang trọng nhất, từ hai cột chính đến sát tường sau. Nhà nghèo thì bàn thờ là một tấm gỗ sơn đỏ nối hai cột chính với hai cột sau. Trên tường chính giữa dán một vuông giấy đỏ có viết một chữ Hán to "Phúc" hoặc "Thần". Trên tấm gỗ, đặt ba bát hương, bát giữa kê cao hơn thờ thần linh, bát bên phải thờ gia tiên và bát bên trái thờ các "bà cô, ông mãnh" - những người chết chưa vợ, chưa chồng và được gia đình coi là linh thiêng. Hai góc trước của bàn thờ có hai cây nến tiện bằng gỗ.
Nhà khá hơn thì bàn thờ là một án thư có trang trí hoa văn, sơn son hoặc sơn then (đen), đèn nến bằng gỗ tiện sơn son. Nhà giàu thì chạm trổ "tứ linh" (bốn con vật thiêng: long (rồng), ly (kỳ lân), quy (rùa), phượng (chim phượng hoàng); mặt trước án thư là một tấm gỗ quý chạm "mai long" (cây hoa mai uốn hình rồng) hoặc chữ "ngũ long" (năm con rồng quây thành một vòng tròn), tất cả đều bằng sơn son thếp vàng. Trên án thư có bộ "tam sự" bằng đồng, có nhà còn thêm bộ đài rượu bằng gỗ sơn son hoặc bằng đồng (gồm ba khối hình ống, đáy cao, có nắp đậy, trên mỗi đáy đặt một chiếc chén hạt mít, khi cúng cơm, gia chủ mở nắp, rót vào chén). Có nhà thêm ống cắm hương chưa thắp, mâm bồng để bày hoa quả... Những năm từ giữa thế kỷ XX, khi kỹ thuật chụp ảnh phổ cập, thì trên án thư còn đặt ảnh những người đã mất; trên tường sau còn treo một bức hoành, có 3-4 chữ Hán to, ghi nguyện vọng, sự cầu mong của gia đình và đôi câu đối phẳng hoặc hình lòng máng nói về công đức của tổ tiên và lòng hiếu của con cháu; tất cả đều sơn son thiếp vàng.
Ở các nhà thờ "đại tôn", sau án thư là một tấm cửa võng, chạm trổ tinh vi, sơn son thiếp vàng, phía sau treo hai cánh màn bằng vóc hoặc nhiễu đỏ, ngăn án thư với "hậu cung", khi cúng, gia chủ vén màn sang hai bên, để lộ cung sau. Hậu cung là một cái bục lớn, cao ngang án thư bằng gỗ hoặc xây gạch, sát đến tường sau, trong cùng có một chiếc bàn vuông, trên đặt chiếc ngai sơn son thiếp vàng, trên ngai đặt chiếc bài vị gỗ mấy dòng chữ Hán: họ, chi, quê... Hai bên ngai, đặt hai giá cắm nến; khi cúng, gia chủ thắp nến để chiếu sáng cho cung. Trước ngai có một chiếc mâm gỗ vuông cao để đặt cỗ khi cúng cơm. Thường vào ngày giỗ trong, nhà ông trưởng nam tấp nập từ chiều hôm trước, để hoàn tất việc chuẩn bị và để cúng cơm.
Thường vào ngày giỗ trọng, nhà ông trưởng nam tấp nập từ chiều hôm trước, để hoàn tất việc chuẩn bị và để cúng "tiên thường". Hôm giỗ, mọi việc diễn ra khẩn trương từ 2-3 giờ sáng dưới ánh đèn đuốc, nhóm giết lợn, giết bò, chuẩn bị thực phẩm, người vo gạo, thổi xôi... Tiếng cóc cách giã giò hoà tiếng lao xao người nọ hỏi người kia, lệnh của ông trưởng vang vang... tạo ra một không khí nhộn nhịp của một nhà có đám.
Khoảng 8 giờ sáng, các mâm cỗ đã xong, một hoặc ba mâm được để lên bàn thờ (hoặc cung sau). Ông trưởng nam, áo the khăn xếp, bước lên chiếc sập trước bàn thờ để thắp hương, đèn nến rồi đứng giữa sập, hai tay chắp giữa ngực, lên gối xuống gối lễ ba lần, đoạn đứng nghiêm, mười ngón tay đan vào nhau và đưa lên ngang trán, miệng lầm rầm khấn.
Bài nhấn có ba phần. Mở đầu là ngày tháng năm (âm lịch), tại nhà thờ ở thôn, xã, huyện, tỉnh... tiến chủ tên gì, nhân ngày giỗ ai, thành tâm cúng tiến những gì. Phần sau là gia chủ kính mời từ thần linh, thổ địa, táo quân... đến tên họ và hiệu, nơi an táng các vị trong gia đình theo thứ tự từ trên xuống (chỉ khấn nam và dâu họ, nữ không khấn, trừ trường hợp chết chưa có chồng). Cuối bài khấn là những cầu xin. Khấn xong, ông trưởng nam lễ một lễ và ba vái nữa, rồi rót rượu cúng.
Một số họ lớn, khi giỗ tổ họ, tổ chức dâng hương tế tổ và thay bài khấn bằng một bài văn tế, ông trưởng lễ xong thì đọc bài văn tế, rồi đem ra sân đốt như đốt sớ ở đình chùa.
Khi ông trưởng nam khấn xong, những người đến dự giỗ lần lượt già trước, trẻ sau vào lễ, người nào cũng đem một ít hoa, quả hoặc vàng hương, trầu rượu đặt lên bàn thờ rồi lễ, mỗi người ba lễ một bái, nam thì lễ như ông trưởng, nữ thì ngồi vào góc sập, chắp hai tay trước ngực, khi cúi thì giáp mặt tận chiếu, hai bàn tay xoè ra đặt hai bên đầu. Những bà gia đình có đại tang (bố mẹ hoặc chồng mới chết) phải lật một phần chiếu, ngồi xuống mặt sập, hai tay lật ngửa vòng khăn trắng quấn tóc mà lễ.
Thường cháy dở tuần nhang (hương) thứ hai thì cúng cơm và cuối tuần nhang thì ông trưởng nam tạ lễ, hoá vàng rồi hạ cỗ cho con cháu xin lộc.
Sơ qua phong tục cúng giỗ của người Hà Nội khoảng giữa thế kỷ XX như vậy để thấy ông cha ta rất cẩn trọng khi cúng giỗ. Giỗ là để họp mặt gia đình, để tưởng nhớ và noi gương tốt của những người thân trong gia đình đã mất, đó là việc hiếu, là một hoạt động tâm linh của người Việt nói chung, người Hà Nội nói riêng. Nó mang nặng tính truyền thống và là một phong tục đậm đà bản sắc dân tộc, cần được duy trì.
Khoảng trên chục năm nay, khi đời sống nói chung khấm khá, việc cúng giỗ được nhiều gia đình, dòng họ khôi phục. Nhưng do không hiểu hết ý nghĩa đúng hoặc không có ai hướng dẫn, hoặc cố tình làm to, làm trong diện rộng để khoe khoang, để thu lời. Có người đi ăn giỗ để đền ơn người sống, để hối lộ, nên đặt lên bàn thờ không phải đồ lễ mà là phong bì... làm cho đám giỗ mất đi ý nghĩa cổ truyền của nó, gây một sự ganh đua giữa các gia đình, tạo điều kiện cho một số việc làm xấu, một số tệ nạn xã hội - thường là cờ bạc, đốt vàng mã - phát triển.