07/06/2014
TÌM THẤY HÀ ĐỒ - KINH DỊCH TRÊN TRỐNG ĐỒNG ĐÔNG SƠN
Cầu nguyện Tổ tiên
04/06/2014
14 điều răn của nhà Phật
Có một câu châm ngôn sống dạy rằng: Mất xiềng xích thì được tự do, mất tiền sẽ được kinh nghiệm, mất sức thì được sung sướng nhưng đừng bao giờ mất hy vọng, mất hy vọng là mất tất cả! Đây đúng là chân lý thực dụng kiểu phương Tây nhưng có một ý chính trùng với người phương Đông. Sự mất mát lớn nhất của con người là tuyệt vọng.
Các cụ xưa cũng nhấn mạnh rằng: Tài sản lớn nhất của con người là sức khỏe. Người bình thường không ai nghĩ đến sức khỏe của mình, chỉ khi nào bị tác động của bệnh tật hoặc tuổi già mới giật mình nghĩ lại, chủ yếu là cảm giác nuối tiếc. Bão Phác Tử nói: Ai cũng muốn sống lâu mà không biết cách dưỡng sinh. Ai cũng biết ăn uống quá độ thì ốm đau mà không biết giữ miệng. Ai cũng biết tình dục quá độ thì khô héo mà không biết phòng thân? Mạnh Tử thì cho rằng: Dường sinh không gì hay bằng ít lòng ham muốn, say mê. Tư Mã Thiên cũng nhận xét: Tinh thần dùng quá thời kiệt, hình thể làm quá thời mệt. Đúng là khi đã ốm đau bệnh tật rồi thì có tặng, biếu ham muốn cũng không còn cảm hứng đón nhận nữa. Tuân Sinh Tiên lại có ý sâu xa: Muốn cho thân không có bệnh, trước hết phải để tâm không có bệnh. Nên ít sắc dục để nuôi tinh, ít ngôn ngữ để nuôi khí, ít tư lự đế nuôi thần. Còn danh y Tuệ Tĩnh luôn nhắn nhủ: Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần, Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình (ý là: giữ tinh, dưỡng khí, bảo tồn thần, giữ cho lòng thanh thản, hạn chế dục vọng, giữ chân khí, luyện tập thân thể).
Trong cuộc sống còn nhiều mối liên quan, tác động đến nhau về cả vật chất và tinh thần, những món nợ tiền còn có thể trả được nhưng nợ tình thì khó khăn hơn nhiều, cho nên món nợ lớn nhất cuộc đời con người là tình cảm. Kinh Lễ đặt câu hỏi: Thế nào là tình cảm con người? Mừng, giận, thương, sợ, yêu, ghét muốn. Bảy loại tình cảm đó chẳng cần học ai cũng biết. Thế nhưng, bảy sắc tình đó chẳng phải mang đến đã cho con người ta mọi điều tốt đẹp, như sách Khuyết giới toàn thư nhận định: Bể tình dục lấp mãi không đầy thành sầu khổ phá mãi không tan, vì vậy món nợ tình cảm ở đây cần hiểu là món nợ của thương yêu, quý mến, gia ân. Nếu có điều kiện, thời gian, hoàn cảnh cũng có thể trang trải tượng trưng để lưu lại chữ tình, nhưng cũng có nhiều tình thế khó xử không thể cân, đong, đo đếm được, đành để kiếp sau. Một tích cổ kể câu chuyện vua muốn thử tài trí tân Trạng Nguyên nên đưa ra tình huống khó xử: Trên một con thuyền bị đắm có ba người là đức vua, thày dạy và cha đẻ đều gặp nguy hiểm đến tính mạng, vậy sẽ cứu ai trước? Nếu chủ định cứu một trong ba người thì Trạng Nguyên sẽ mắc một trong ba tội lớn: bất trung, bất hiếu hoặc bất nghĩa. Nhưng Trạng trả lời nhanh và dứt khoát là, cứ nhảy xuống sông, quờ được ai trước thì cứu trước. Tuy cách ứng phó ngẫu nhiên rất thông minh nhưng giả thiết có chuyện này thật thì món nợ dưới sông với hai người còn lại biết bao giờ trả xong? Chắc cũng khó khăn, trắc ẩn như chuyện của Trương Chi và Mỹ Châu: Nợ tình chưa trả cho ai? Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan!
Thế giới có thể đại đồng về mặt lý thuyết, nhưng thực tế trên đời người không tránh khỏi va chạm, xích mích gây ân oán to nhỏ trên dưới, xa gần nhằng nhịt như dây leo không thể giũ bỏ triệt để được, vì thế tha thứ là báu vật của mọi quan hệ và lòng khoan dung là quà tặng đáng giá nhất trên đời. Đức Thích Ca dạy: Oán trả oán, oán ấy chồng chất, lấy ân trả oán, oán ấy tiêu tan Sách Luận ngữ cũng viết: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân. Phương pháp luận của Lão Tử cụ thể hơn: Với kẻ lành, lấy lành mà ở, với kẻ chẳng lành, vẫn lấy lành mà ở. Với kẻ thành tín, lấy thành tín mà đãi, với kẻ không thành tín vẫn lấy thành tín mà đãi. Nghĩ kỹ thêm mới thấy, hai chữ khoan dung thốt ra nhẹ nhàng biết bao nhiêu mà thực hành lại nặng nề bấy nhiêu, bởi nếu lòng dạ hẹp hòi không chứa nổi hai chữ ấy. Cách tốt nhất là chủ động: không nên lấy cái hay của mình mà trách cái không hay của người. Không nên lấy cái sở trường của mình mà trách cái sở đoản của người. Khi trách người, thì đừng nên khoe mình. Tuy vậy, sách Minh Tâm Bảo Giám viết: ở đời chẳng việc gì khó Không xong việc là do lòng mình không chú trọng. Thà kết ơn làm nghĩa với nhiều người, chớ nên gây oán với một người. Nên nhịn những việc khó nhịn, tha thứ những người không sáng suốt. Lòng khoan dung không những cởi mọi ân oán tạo nên cách sống cao thượng, mà còn chính là nguồn phúc để lại cho đời sau vì: Chứa vàng để lại cho con cháu chưa chắc đã giữ được, chứa sách để lại cho con cháu chưa chắc đã học được, cách để lại lâu dài cho con cháu không gì bằng chứa âm đức ở trong chỗ minh minh!
Khổng Tử là một bậc thầy của giáo dục. Ngài cho rằng: có được học vấn không phải là việc một sớm một chiểu, cần phải có nhiều năm thu lượm, tích lũy. Giành được học vấn như đắp hòn núi cao, từng sọt đất mà đắp ngày lại ngày bền bỉ mới thành núi, cho nên thành bại của học vấn trước hết là tự mình chế ngự được bản thân, phải biết cách tránh mọi diều cám đỗ trên đời vì nếu người đọc sách còn mơ tưởng an nhàn thì không thể coi là người học chân chính. Và nếu không hoặc có học không đúng đắn thì dẫn đến kém hiểu biết, đó chính là khiếm khuyết lớn nhất của con người, không gì bổ sung, thay thế được. Đại dương kiến thức thật mênh mông, vốn hiểu biết như giọt nước dưới ánh nắng mặt trời, long lanh đấy nhưng rồi sẽ bay hơi nhanh chóng, vì thế phải tranh thủ và tiếp nhận tích cực vốn tri thức, hiểu biết của cuộc sống, không nên phân biệt, cân nhắc cao thấp.
Cuộc đời cũng còn có nhiều niềm vui và nỗi buồn, nhưng niềm vui lớn nhất của con người chính là làm phúc. Chúng ta nên chia sẻ cảnh ngộ, lòng thương cảm để giúp đỡ tinh thần hoặc vật chất cho mọi người. Làm được điều thiện cũng là một cách tích đức để lại cho con cháu, như Tử Thần ông nói: Bình sinh làm điều lành thì trời ban thêm phúc cho mình, ví bằng ngây dại mà làm điều dữ thì phải mắc tai họa. Còn ý tưởng của Thái Thượng Công là: Điều họa phúc vốn không có cửa ngõ, chỉ có ta mời nó đến thôi. Sự đền đáp việc lành dữ cũng như bóng với hình. chỉ tùy theo lòng người. Chuyện làm phúc cũng còn lấy kết quả, có thể người làm phúc không vui vẻ gì mà phải làm, cũng có khi người được làm phúc không thỏa mãn mà vẫn phải nhận, ấy là do phụ thuộc vào thái độ và cách thức thể hiện nữa. Làm phúc vì chân tâm thì cả hai bên cùng thoải mái, nhẹ lòng, hạnh phúc còn nhón tay vì điều kiện hay mưu tính thì không hề có thiện ý, tất cả những điều này phần lớn do tâm tính, hoàn cảnh sống và địa vị xã hội tạo ra. Vì thế Đông Nhạc Thánh Đế viết rằng: Phàm người có quyền thế, không nên cậy vào quyền thế của mình, người có phúc đức may mắn không nên tận hưởng hết cái phúc ấy, cũng như thấy kẻ nghèo hèn chớ có khinh miệt người ta quá mức. Một ngày mình làm điều thiện, phúc tuy chưa đến nhưng cái họa đã tự bỏ đi xa, một ngày làm điều ác, cái họa dẫu chưa đến nhưng cái phúc đã tự bỏ đi xa mình rồi. Người ở dời sau mà làm điều lành thì giống như cỏ trong vườn xuân, tuy không thấy lớn nhưng ngày một dày thêm, người làm điều ác giống như viên đá mài dao, không thấy hao mòn nhưng ngày càng khuyết dần.
Nỗi đau đớn và dằn vặt trên đường đời cũng rất nhiều và đa dạng do những nguyên nhân khác nhau, nhưng có lẽ đau khổ lớn nhất là sự trống rỗng. Đó là một trạng thái vô cảm, không còn cảm nhận về buồn vui sướng khổ yêu ghét hay dở. Đời sống tinh thần lúc ấy không còn gì là ham muốn nữa, thật sự giống một hòn đá lăn. đám mây trôi chứ chưa so sánh bằng thực vật động vật vì cây cỏ muông thú còn có cảm xúc riêng của mình. Người rơi vào trạng thái này thường bị hụt hẫng, thất vọng hoặc tan vỡ một dự tính quan trọng hay chịu một mất mát không gì bù đắp được. Cần phải hiểu rằng mưu tính sự việc là do con người, nhưng việc thành bại là do may rủi. Người muốn như vậy, mà trời lại không cho là như thế, do đó, đành phải chấp nhận cái đã có hay vốn có, thế mới là người hiểu cái đạo sống giữa cuộc đời: lý trí phải mạnh mẽ - hành động phải linh hoạt, như Gia Cát Khổng Minh nói cách trừ bỏ sự trống rỗng này: Nên giữ chí thật cao xa, mến chuộng bậc hiền tài, dứt hẳn tình dục, phá tan sự ngưng trệ, khiến cho lòng mong muốn có chỗ tồn tại rõ ràng, có chỗ cảm động mà sinh ra thương mến. Giận lắm thì cũng nên duỗi, bỏ qua sự nhỏ nhặt. Rộng thăm dò học hỏi, trừ bỏ tính nghi ngờ bủn xỉn. Sao lại để tổn hại về sắc đẹp? Sao lại lo buồn về việc không thành? Nếu chí không mạnh mẽ, ý không ngoan cường khảng khái sẽ bị chìm đắm vào chỗ phàm tục, suốt đời bị trói buộc vào cõi vô hình.
03/06/2014
Chùa Việt (phần 12 : Vài nét về cách xưng hô trong đạo Phật ở Việt Nam)
(Phần 12)
Vài nét về cách xưng hô trong
đạo Phật
Nói một cách khác, đạo ở tại đời, người nào cũng
đi từ đời vào đạo, nương đời để ngộ đạo, tu tập để độ người, hành đạo để giúp
đời. Trong mối quan hệ khăng khít ấy, người theo đạo và người xuất gia tu
đạo luôn giữ một mối quan hệ gắn bó, việc xưng hô như thế nào trong các quan hệ
mang tính xã hội đó cũng đặt ra những vấn đề cần giải đáp
Trong đạo Phật, có thể chia ra hai trường hợp
xưng hô, một là xưng hô giữa hàng phật tử xuất gia với phật tử xuất gia; hai là
xưng hô giữa người phật tử xuất gia với phật tử tại gia.
Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu một số vấn đề
liên quan đến danh xưng trong đạo Phật, đó là cách tính tuổi và các phẩm trật
trong đạo Phật. Có hai loại tuổi được đề cập đến, đó là tuổi đời và tuổi
đạo. Tuổi đời là tuổi tính theo đời, kể từ năm
sinh ra. Tuổi đạo là tuổi thường được nhiều người tính
từ ngày xuất gia tu đạo. Nhưng đúng ra, tuổi đạo phải được tính từ năm
thụ cụ túc giới (giới tỳ
kheo và tỳ kheo ni) đồng thời, hàng năm phải tùng hạ tu học theo chúng và
đạt tiêu chuẩn, mỗi năm như vậy được tính một tuổi hạ. Nghĩa là
tuổi đạo còn được gọi là tuổi hạ (hay hạ lạp).
Một người tuổi đời dưới 20 phát tâm xuất
gia, hay do gia đình đem gửi gắm vào cửa chùa, thường được gọi là chú
tiểu, hay điệu. Đó là các vị đồng chân nhập đạo. Tùy theo
số tuổi, vị này được giao việc làm trong chùa và học tập kinh kệ, nghi
lễ. Thời gian sau, vị này được thụ 10 giới, gọi là Sa di (đối
với nam) hay Sa di ni (đối với nữ). Đến năm được ít nhất là 20
tuổi đời và chứng tỏ khả năng tu học, đủ điều kiện về tu tập, vị này được thụ
giới cụ túc, tức là 250 giới tỳ kheo (nam) hay 348 giới tỳ kheo ni (nữ) và được
gọi là Đại đức (nam) hay Sư cô (nữ). Trên giấy tờ thì ghi là Tỳ kheo (nam)
hay Tỳ kheo Ni (nữ) trước pháp danh của vị xuất gia.
Nhìn chung sự sinh hoạt của Phật giáo cần
phải thiết lập tôn ti trật tự (cấp bậc) có danh xưng theo Hiến chương của Giáo
hội Phật giáo Việt Nam như sau: Năm 20 tuổi đời, vị xuất gia thụ giới tỳ kheo
được gọi là Đại đức; năm 45 tuổi đời, vị tỳ kheo được 25 tuổi đạo, được gọi là
Thượng tọa; năm 60 tuổi đời, vị tỳ kheo được 40 tuổi đạo, được gọi là Hòa
thượng; Đối với bên nữ (ni bộ): năm 20 tuổi đời, vị nữ xuất gia thụ giới tỳ
kheo ni được gọi là Sư cô; năm 45 tuổi đời, vị tỳ kheo ni được 25 tuổi đạo,
được gọi là Ni sư; năm 60 tuổi đời, vị tỳ kheo ni được 40 tuổi đạo, được gọi là
Ni trưởng.
Đó là các danh xưng chính thức theo tuổi
đời và tuổi đạo, được dùng trong việc điều hành Phật sự, trong hệ thống tổ chức
của Giáo hội, không được lạm dụng tự xưng, tự phong, tự thăng cấp, mà phải được
xét duyệt và chấp thuận bởi một hội đồng giáo phẩm có thẩm quyền, và được cấp
giáo chỉ tấn phong, nhân dịp Đại lễ hay Đại hội Phật giáo, trong các giới đàn,
hay trong mùa an cư kết hạ hằng năm.
Đối với các bậc Hòa thượng mang trọng trách điều
hành các cơ sở Giáo hội Phật giáo trung ương cũng như địa phương, hay các Đại
tùng lâm, Phật học viện, Tu viện, thường là các vị trên 80 tuổi đời, được tôn
xưng là Đại lão Hòa thượng hay Trưởng lão Hòa thượng. Điều này không thấy áp
dụng đối với hàng giáo phẩm Ni. Các vị thuộc hàng giáo phẩm này thường được
cung thỉnh vào các Hội đồng Trưởng lão, hoặc Hội đồng Chứng minh tối cao của
các cấp Giáo hội. Tuy nhiên, khi ký các thông bạch, văn thư chính thức,
chư tôn đức đôi khi vẫn xưng đơn giản là Tỳ kheo, hay Sa môn để biểu hiện sự
khiêm nhường theo đúng tinh thần Phật giáo.
Giữa các vị xuất gia, thường xưng con hay
xưng pháp danh, pháp hiệu và gọi vị kia là thầy hoặc gọi cấp bậc hay chức vụ vị
đó đảm trách theo nguyên tắc bên ni trọng bên tăng. Tuy nhiên những vị tăng trẻ
tuổi vẫn tôn xưng các vị ni lớn tuổi mà xưng con gọi thầy hay phẩm trật với các
vị ni. Bên tăng cũng như bên ni, đều gọi sư phụ bằng thầy hay sư phụ, Tôn sư,
Ân sư. Các vị xuất gia cùng tông môn, cùng sư phụ, thường gọi nhau là sư
huynh, sư đệ, sư tỷ, sư muội, và gọi các vị ngang vai vế với sư phụ là sư thúc,
sư bá. Trong đạo Phật có các danh xưng đạo hữu (bạn cùng theo đạo), pháp
hữu (bạn cùng tu theo giáo pháp). Các danh xưng tín hữu (bạn cùng tín
ngưỡng, cùng đức tin), tâm hữu (bạn cùng tâm, đồng lòng) không thấy được dùng
trong đạo Phật.
Khi tiếp xúc với chư tăng ni, quý vị cư sĩ
phật tử tại gia (kể cả thân quyến của chư tăng ni) thường đơn giản gọi bằng
thầy hay cô nếu như không biết rõ hay không muốn gọi phẩm trật của vị tăng ni
và thường xưng là con. Trong tinh thần Phật pháp, người thụ ít giới tôn kính
người thụ nhiều giới hơn chứ không phải tính tuổi tác người con theo nghĩa thế
gian để tỏ lòng khiêm cung, kính Phật, trọng tăng, cố gắng tu tập, dẹp bỏ bản
ngã, dẹp bỏ tự ái, mong đạt trạng thái niết bàn vô ngã theo lời
Phật dạy. Có những vị cao tuổi xưng tôi hay chúng tôi với vị tăng ni trẻ
để tránh ngại ngùng cho cả hai bên. Khi qui y Tam bảo, thụ ngũ giới (tam quy,
ngũ giới), mỗi vị cư sĩ phật tử tại gia có một vị thầy truyền giới cho
mình. Vị ấy được gọi là thầy Bản sư. Cả gia đình có thể cùng chung
một vị thầy Bản sư, tất cả các thế hệ cùng gọi vị ấy bằng thầy.
Theo giáo phái khất sĩ, nam tu sĩ được gọi
chung là Sư và nữ tu sĩ được gọi chung là Ni. Còn hệ phái Phật giáo Nam tông
chỉ có tăng, không có ni nên danh xưng chung đối với các vị Nam tông là sư. Một
điều chú ý là đối với Phật giáo Nam tông, thường không dùng danh xưng thầy để
gọi các nhà sư. Việc xưng hô không đúng phẩm vị của tăng ni, xưng hô
khác biệt trước mặt và sau lưng, tất cả đều nên tránh bởi vì không ích lợi cho
việc tu tâm, dưỡng tính.
Khi tiếp xúc với cư sĩ, phật tử tại gia, kể
cả người thân trong gia quyến, chư tăng ni thường xưng là tôi hay chúng tôi
(hay xưng pháp danh, pháp hiệu, hoặc bần tăng, bần ni), cũng có khi chư tăng ni
xưng là thầy, hay cô và gọi quý vị là đạo hữu, hay quý đạo hữu. Cũng có
khi chư tăng ni gọi quí vị tại gia bằng pháp danh, có kèm theo hoặc không kèm
theo tiếng xưng hô của thế gian. Cũng có khi chư tăng ni, tùy theo tuổi tác của
phật tử xuất gia, mà gọi theo cách gọi của thế gian và xưng là nhà
chùa. Đây là một cách nói gần gũi thường được sử dụng trong các sinh
hoạt, giao tiếp hàng ngày chứ không phải trong các nghi thức hay các văn bản có
tính chất hành chính. Cũng có khi chư tăng ni gọi quí vị tại gia là quý
phật tử, từ này không sai, nhưng chưa thật chính xác bởi vì xuất gia
hay tại gia đều cùng là phật tử, chứ không riêng tại gia là phật tử mà
thôi. Việc một phật tử xuất gia ít tuổi gọi một phật tử tại gia nhiều tuổi
bằng con và xưng thầy thực là không phù hợp. Không nên gọi như vậy để
tránh sự tổn đức và không nên bất bình khi nghe như vậy để tránh bị loạn
tâm. Theo truyền thống phương Đông tuổi tác rất được kính trọng trong
xã hội, dù tại gia hay xuất gia.
Trong các trường hợp tiếp xúc riêng, tùy
thuận theo đời, không có tính cách chính thức, không có tính cách thuyết giảng,
chư tăng ni có thể gọi các vị cư sĩ phật tử tại gia, kể cả người thân trong gia
quyến, một cách trân trọng, tùy theo tuổi tác, quan hệ, như cách xưng hô xã
giao người đời thường dùng hằng ngày. Danh xưng cư sĩ thường dùng cho phật
tử tại gia, đã qui y Tam bảo, thụ ngũ giới. Những vị cư sỹ phát tâm tu tập và
góp phần hoằng pháp còn được gọi là Ưu bà tắc (thiện nam, cận sự nam) hay Ưu bà
di (tín nữ, cận sự nữ).
Trong cách gọi dân gian, Phật giáo cũng sử
dụng các danh xưng như: sư chú, sư bác, sư ông, sư bà hay sư cụ. Điều này cũng
có sự phân biệt nhất định. Sư chú dành để chỉ những người xuất gia ở chùa nhưng
chưa được thụ giới; sư bác chỉ những người đã được thụ giới Sa di hay Sa di Ni;
sư ông, sư bà để chỉ những người đã được thụ giới tỷ kheo và tỷ kheo Ni. Ngoài
ra, đối với các vị bán thế xuất gia, nghĩa là đã lập gia đình trước khi vào
đạo, vẫn phải trải qua các thời gian tu tập và thụ giới như trên, cho nên cách
xưng hô cũng không khác. Tuy nhiên để tránh việc gọi một người đứng tuổi
xuất gia là chú tiểu, giống như gọi các vị trẻ tuổi, có nơi gọi các vị bán thế
xuất gia này là sư chú, hay sư bác. Bên cạnh đó, các xưng hô trong đạo như sư
ông, sư bà, sư cụ cũng thường được dành để gọi vị sư phụ của sư phụ mình, hoặc
gọi chư tôn đức có hạ lạp cao, thu nhận nhiều thế hệ đệ tử tại gia và xuất gia.
Một danh xưng nữa là pháp sư thường dành cho các vị xuất gia tăng hay ni có khả
năng và hạnh nguyện thuyết pháp độ sanh. Ngoại đạo thường hay lạm dụng danh
xưng này để chỉ các ông bà thầy pháp, thầy cúng.
Danh xưng sư Tổ được dành cho chư tôn đức
lãnh đạo các tông phái còn tại thế, danh xưng Tổ sư được dành cho chư tôn đức
đã viên tịch, được hậu thế truy phong vì có công lao trọng đại đối với nền
đạo. Đối với các bậc cao tăng thạc đức thường trụ ở một tự viện, người
trong đạo thường dùng tên của ngôi già lam đó để gọi quý ngài, tránh gọi bằng
pháp danh hay pháp hiệu để tỏ lòng tôn trọng, kính ngưỡng.
Đức Phật đã dạy “hằng thuận chúng sinh”,
nghĩa là nếu phát tâm tu theo Phật, dù tại gia hay xuất gia, đều nên luôn luôn
thuận theo việc dùng tứ nhiếp pháp (bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự) để đem
an lạc cho chúng sanh, tức là cho mọi người trong đời, bao gồm những người đang
tu trong đạo. Các vị phát tâm xuất gia tu hành, các vị phát tâm tu tập tại gia,
thực hành hạnh ái ngữ, đã coi thường mọi thứ danh lợi, địa vị của thế gian thì
quan trọng gì chuyện xưng hô, tranh hơn thua chi lời nói, quan tâm chi chuyện
ăn trên ngồi trước, đi trước đứng sau, tranh chấp danh tiếng, tranh cãi lợi
dưỡng, tranh giành địa vị, đòi hỏi chức vụ. Đồng quan điểm hay không, được
cung kính hay không, xưng hô đúng phẩm vị hay không, chẳng đáng quan tâm, tránh
sự tranh cãi.
Nhất niệm sân tâm khởi,
Bách vạn chướng môn khai.
Nhất niệm sân tâm khởi,
Thiêu vạn công đức lâm.
Nghĩa là: Một lần nghĩ đến sự sân hận, trăm điều chướng nghiệp sẽ nảy sinh, một
lần nghĩ đến sự sân hận, tiêu tan mọi công đức tu tập. Do đó, trong cách xưng
hô nên làm cho mọi người, trong đạo cũng như ngoài đời, cảm thấy an lạc, thoải
mái, hợp với tâm mình, không trái lòng người, không quá câu nệ chấp nhặt. Trong
đạo Phật, cách xưng hô có thể biến đổi nhưng có một điều quan trọng bất biến,
không suy chuyển, đó là phẩm hạnh, phẩm chất, đức độ, sự nỗ lực, cố gắng
tu tâm dưỡng tính không ngừng cho đến ngày đạt mục đích cứu cánh giác ngộ và
giải thoát, đối với Phật tử tại gia cũng như xuất gia. Đó cũng chính là
một phần ý nghĩa của “tùy duyên bất biến” trong đạo Phật vậy./.