Để giúp thêm các bạn đồng đạo tại gia hiểu thêm về bản Kinh A Di Đà, Vô Lượng Thọ, Diệu Pháp Liên Hoa cũng như các bản kinh khác Tông Tịnh Độ, mình xin giới thiệu bài viết dưới đây - Mong mọi người bổ khuyết. Mình sẽ cố gắng tìm kiếm giới thiệu thêm ở các phần sau.
Hoà thượng Tuyên Hóa
Hoà
thượng Tuyên Hóa, pháp danh là An
Từ, tự Độ Luân; sinh ngày 26 tháng 4, 1918 – nhập diệt ngày 7
tháng 6 năm 1995, là một tu sĩ Phật giáo gốc Trung Quốc, hoằng pháp chủ
yếu ở phương Tây, người kế thừa đời thứ 9 của Quy
Ngưỡng tông.
"Phật"
là gì?
Phật là bậc đại giác, giác ngộ tất cả pháp không có mảy may
mê lầm. Phật là bậc nghiệp hết tình không, nghiệp chướng đã hết, tình cũng khô
cạn.
Phàm phu là kẻ nghiệp nặng tình mê, đắm trước tình ái nên gọi là chúng sinh.
Phật có đủ ba giác ngộ nên là bậc đại giác. Ba giác ngộ là:
1. Bản giác: Vốn
đã là giác ngộ.
2. Thỉ giác: Mới
giác ngộ.
3. Cứu cánh giác: Giác ngộ đến cực điểm.
Ba giác ngộ này có thể nói là: Tự giác, Giác tha, Giác hạnh
viên mãn.
Hàng phàm phu chúng ta là bất giác, một ngày từ sáng đến tối
tự cho là thông minh, nhưng kỳ thực là kẻ ngu si không biết gì cả.
Cũng giống như người đánh bạc tự cho mình là thắng bạc, nhưng
sự thực là thua. Tại sao lại điên đảo như thế? Tại vì quá mê lầm. Biết rõ việc
ấy sai mà vẫn cứ làm, đó là vì quá mê vậy. Càng mê càng lún sâu, càng lún sâu
càng mê thêm.
Phải làm sao đây?
Cần phải giác ngộ mới được.
Phật cũng là một phần tử trong chúng sinh, cũng là một chúng
sinh, nhưng Ngài không mê. Ngài giác ngộ, đó là tự giác. Người tự giác không
giống với phàm phu, cũng chính là người Nhị thừa:
Thanh văn, Duyên
giác.
Người Nhị thừa là bậc tự ngộ, tự giác mà không giác tha, cho
nên gọi là Thanh văn thừa.
Giác tha chính là Bồ tát.
Bồ tát không phải vì chính mình, không giống với hàng Nhị
thừa là bậc tự liễu ngộ, tự mình giác ngộ rồi không có phát tâm làm cho người
khác cũng giác ngộ.
Bồ tát phát tâm không giống như thế, Bồ tát phát tâm muốn
làm lợi ích cho tất cả chúng sinh mà không cần chúng sinh làm lợi ích cho chính
mình. Ðó là dùng phương pháp tự mình giác ngộ đem giáo hóa chúng sinh, khiến
cho tất cả chúng sinh cũng đều giác ngộ không còn mê mờ nữa, đó là thực hành Bồ
tát đạo.
Người Nhị thừa tu tứ diệu đế Khổ, Tập, Diệt, Ðạo và mười hai
nhân duyên.
Thế nào là mười hai nhân duyên?
Mười hai nhân duyên là Vô minh duyên hành, Hành duyên
Thức,Thức duyên Danh Sắc, Danh sắc duyên Lục nhập, Lục nhập duyên Xúc, Xúc
duyên Thọ, Thọ duyên ái, ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sinh, Sinh
duyên Lão tử.
Mười hai nhân duyên này từ đâu mà có?
Từ Vô minh mà có.
Nếu ta không có Vô minh thì mười hai nhân duyên này không
thể phát sinh tác dụng được. Tại vì ta có Vô minh nên cái này kéo theo cái khác
mà có.
Hàng Nhị thừa tu chính là những pháp này.
Còn Bồ tát thì vượt qua giai đoạn này, các Ngài tu Lục độ
vạn hạnh, như:
1. Bố thí độ tham lam: Nếu người muốn hết tham lam thì phải bố thí, bỏ không được
cũng phải bỏ. Không bỏ chính là tham lam nên bỏ không được. Cho nên nói bố thí
độ tham lam.
2. Trì giới độ hủy phạm.
3. Nhẫn nhục độ giận dữ: Nếu tính tình hay giận, thì phải nên tu hạnh nhẫn nhục. Phàm
gặp việc phải nhẫn nại, không nên cả ngày giống như A tu la, không nói được lời
nào hòa nhã, nói ra thì mắt trợn trừng giống như mắt bò. Ðó đều là cảnh giới A
tu la.
4. Tinh tấn độ giải đãi: Nếu giải đãi cần phải tu tinh tấn để đẩy lùi giải đãi đi.
5. Thiền định độ tán loạn: Nếu mình cứ vọng tưởng lung tung thì phải tu Thiền định. Nếu
không có vọng tưởng thì tán loạn cũng không, điều cần nhất là phải có trí huệ.
6. Trí huệ độ ngu si: Có trí huệ thì không còn ngu si nữa, nếu ngu si thời không
có trí huệ. Trước không có trí huệ, mà nay có trí huệ, chính là độ ngu si đấy,
như ánh sáng đẩy lùi bóng tối vậy. ánh sáng là trí huệ, bóng tối là ngu si.
Bồ tát tu Lục độ vạn hạnh, tự giác giác tha, khác với hàng
Nhị thừa là chỗ này.
Giác mãn chính là diệu giác, là Phật.
Phật tự giác, cũng giác tha, cho nên Phật là giác hạnh viên
mãn.
Phật nếu nói đầy đủ là Phật-đà-gia, vì người Trung Hoa thích
nói gọn cho nên gọi tắt là Phật.
Người Tây phương nói Buddha cũng là nói tắt của Phật-đà-da.
Có người lại nói: Thầy giảng tới giảng lui về Phật nhưng tôi
vẫn không biết Phật là ai?
Tôi xin nói cho bạn biết: Bạn chính là Phật đó!
Hỏi: Sao tôi lại không biết?
- Bạn không biết đó chính là Phật. Nhưng Phật của bạn không
phải là Phật đã thành, mà là Phật chưa thành.
Ðến đây quý vị mới hiểu: A! Thì ra Phật là người phàm tu mà
thành, vậy ai ai cũng có thể tu hành thành Phật được. Là người nếu giác ngộ thì
chính là Phật; trái lại thì là chúng sinh.
Phật còn có Ba Thân, Bốn Trí, Năm Nhãn, Sáu Thông.
Chúng ta là chúng sinh, dù có tính Phật, đều có thể thành
Phật, mà vì chưa chứng được quả Phật nên không có ba thân, bốn trí, năm nhãn,
sáu thông này.
Phật là từ phàm phu tu hành đến quả vị Phật mới có đầy đủ
những thứ kể trên. Cho nên có người nói: "Tôi đây chính là Phật", đó
thiệt là si mê quá mức! Chưa thành Phật mà lại nói ta đây là Phật, rõ ràng là
dối mình dối người. Thật là kẻ đại si mê trên thế gian.
Tuy mọi người đều có thể thành Phật, nhưng ai nấy đều phải
tu hành, có đủ Ba Thân, Bốn Trí mới có thể thành Phật, chẳng phải chỉ có Năm
Nhãn hoặc một ít thần thông mà thành Phật được.
Ba Thân là:
1/ Pháp thân;
2/ Báo thân;
3/ Hóa thân.
Bốn Trí là:
1/ Ðại viên cảnh trí;
2/ Diệu quan sát trí;
3/ Thành sở tác trí;
4/ Bình đẳng tính trí.
Sáu thông là:
1. Thiên nhãn thông: Có thể thấy được tất cả hành động của trời và người.
2. Thiên nhĩ thông: Có thể nghe được những tiếng nói và thanh âm của người ở
trên trời.
3. Tha tâm thông: Có thể biết được những ý tưởng trong lòng người khác.
4. Túc mạng thông: Chẳng phải chỉ biết hiện tại, mà cả đến quá khứ cũng biết
nốt.
5. Thần túc thông: (Còn gọi: Thần cảnh thông) Thứ thần thông này không thể nghĩ
bàn, cảnh giới rất vi diệu.
6. Lậu tận thông: Giống như là dưới đáy bình nước có một lỗ hổng, nước đều từ
lỗ hổng đó chảy ra hết. Nay không còn chảy nữa, vì lỗ hổng ấy đã bị bịt kín,
nên gọi là lậu tận.
Những gì là lậu tận? Tức là không có tâm dâm dục thì là
không có lậu; không có tâm tham lam cũng là không có lậu; không có tâm si cũng
là không có lậu. Tóm lại, tám vạn bốn ngàn những tập khí, lỗi lầm đều không có,
gọi là Vô lậu.
Năm nhãn là:
1/ Thiên nhãn;
2/ Nhục nhãn;
3/ Huệ nhãn;
4/ Pháp nhãn;
5/ Phật nhãn.
Có bài kệ nói về năm nhãn như thế này:
Thiên nhãn thông không ngại,
Nhục nhãn ngại không thông,
Pháp nhãn chỉ quán tục,
Huệ nhãn rõ chơn không,
Phật nhãn ngàn mặt nhật:
Chiếu khác, thể lại đồng.
1. "Thiên nhãn thông không ngại": Thiên nhãn thông
suốt không ngăn ngại, cho nên gọi là "thông không ngại". Người ấy có
thể nhìn thấy sự việc trong tám vạn đại kiếp, nhưng không thể thấy được ngoài
tám vạn đại kiếp.
2. "Nhục nhãn ngại không thông": Nhục nhãn có thể
nhìn thấy cảnh tượng có chướng ngại. Trái lại, Thiên nhãn có thể nhìn thấy cảnh
tượng không chướng ngại.
3. "Pháp nhãn chỉ quán tục": Pháp nhãn là quán Tục
đế, quán sát tất cả Tục đế ở thế gian, đạo lý thế tục.
4. "Huệ nhãn rõ chơn không": Huệ nhãn còn kêu là
trí huệ, hay rõ rành Chơn không.
5. "Phật nhãn ngàn mặt nhật: Chiếu khác, thể lại
đồng": Phật nhãn không phải chỉ ở trên mặt Ðức Phật mới có, mà mỗi chúng
ta đều có Phật nhãn, chỉ có điều mở hay không mở mà thôi. Khi Phật nhãn mở ra,
khác nào ánh sáng ngàn mặt trời, có thể chiếu soi vạn sự vạn vật, nhưng bản thể
lại là đồng nhau.
Phật có đủ Ba Thân, Bốn Trí , Năm Nhãn, sáu thông; nếu ta
nói mình là Phật thì phải đủ những thứ trên mới có thể nói là thành Phật được,
bằng không chỉ là phàm phu. Nếu muốn làm người tốt thì không nên lừa người khác.
Phật Thích Ca Mâu Ni là Giáo chủ của thế giới Ta Bà. Thế
giới Cực Lạc mà Ngài nói đến có Giáo chủ là Phật A Di Ðà. Cõi nước ấy rất trang
nghiêm, mặt đất bằng vàng ròng.
Thế nào gọi là thế giới Ta Bà? Ta Bà là tiếng Ấn Ðộ, dịch
sang tiếng Trung Hoa là Kham Nhẫn, có nghĩa là thế giới Ta Bà khổ như thế,
chúng sinh cũng kham nhẫn thọ những khổ ấy. Thế giới Ta Bà chính là thế giới mà
chúng ta đang ở, có Ðức Thích Ca Mâu Ni Phật làm Giáo chủ.
Thích Ca là họ của Phật, Mâu Ni là tên của Phật, đều là
tiếng Phạn, dịch sang tiếng Trung Hoa là Năng Nhân?
Năng Nhân là gì?
Là hay dùng lòng nhân ái thương người để giáo hóa chúng sinh,
cũng chính là lòng từ bi. Từ hay cho vui, Bi hay cứu khổ, dứt trừ nỗi khổ của
chúng sinh mà ban cho họ niềm an lạc.