19/06/2021

Bơi vào đi

 


Bơi vào đi, Vàng ơi, tao về đây
Đừng ra xa, thân thể mày bé lắm
Sóng thì to, nước biển kia rất mặn
Mày cứ bơi ra, tao sao thể cầm lòng…

Bơi vào đi, Vàng ơi, có nghe không
Mày quyến luyến làm lòng tao chợn sóng
Đại dương mênh mông, thân thể mày bé bỏng
Cứ ngước về tàu, sao tao thể cách xa…

Bơi vào đi, Vàng ơi, quay lại nhà
Tao phải về thôi bởi đã xong nghĩa vụ
Và tao biết đêm qua mày mất ngủ
Cứ liếm tay tao, sợ trốn mày về.

Đừng vậy nữa mà, Vàng ơi, tao thương quá
Thương những đêm tao và mày đứng gác
Gió bão từng cơn mày vẫn không sai khác
Phủ phục canh me bọn cướp biển chực chờ.

Về đi mày, đừng bơi nữa, tao nhờ
Tao xin lỗi, bởi đã xong nghĩa vụ
Và tao biết chừng ấy vẫn chưa đủ
Nhưng phải vào bờ, anh em khác ra thay.

Về đi mày,
đừng bơi nữa,
mắt cay…


   Thơ Hoàng Hải Lý (Trường Sĩ quan không quân Nha Trang, Khánh Hòa) - Ảnh của cựu chiến binh Lê Bá Dương

11/06/2021

Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện

 

Phẩm thứ bảy: Lợi ích cả kẻ còn người mất

 


Khuyên Tu Thánh Ðạo

Lúc đó Ngài Ðịa Tạng đại Bồ tát bạch cùng đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Con xem xét chúng sinh trong cõi Diêm Phù sinh tâm động niệm không chi là chẳng phải tội.

Nếu gặp những việc về pháp sự lợi lành phần nhiều thối thất tâm tốt ban đầu. Còn hoặc khi gặp duyên sự bạo ác chẳng lành lại lần lần thêm lớn: Những hạng người trên đó như kẻ mang đá nặng đi trong bùn lầy càng nặng thêm lần, càng khốn đốn thêm lần, chân đạp lún lút sâu.

Những người đó hoặc gặp hàng thiện tri thức đội giùm đá bớt cho, hoặc là đội giùm hết cả. Vì hàng thiện tri thức đó có sức rất khỏe mạnh lại dìu đỡ người ấy khuyên gắng làm cho người ấy mạnh hơn lên.

Nếu khi ra khỏi bùn lầy đến chỗ đất bằng phẳng rồi, thời cần phải xét nghĩ đến con đường hiểm xấu ấy, đừng có đi vào đó nữa.

Bạch đức Thế Tôn! Những chúng sinh quen theo thói ác, bắt đầu từ mảy mún rồi lần đến nhiều vô lượng.

Ðến khi những chúng sinh quen theo thói chẳng lành ấy sắp sửa mạng chung, thời cha mẹ cùng thân quyến vì người đó mà tu tạo phước lành để giúp tiền đồ cho người đó.

*

Hoặc treo phan lọng và thắp đèn dầu, hoặc chuyển đọc Tôn Kinh. Hoặc cúng dường tượng Phật cùng hình tượng của các vị Thánh. Cho đến niệm danh hiệu của Phật và Bồ tát cùng Bích Chi Phật, làm cho một danh một hiệu thấu vào lỗ tai của người sắp mạng chung, hoặc là nơi bản thức nghe biết.

Cứ theo nghiệp ác của người đó đã gây tạo, suy tính đến quả báo, thời đáng lẽ người đó phải bị đọa vào ác đạo. Song nhờ thân quyến vì người đó mà tu nhơn duyên Thánh đạo. Cho nên các điều tội ác của người đó thảy đều tiêu sạch.

Như sau khi người đó đã chết, lại có thể trong bốn mươi chín ngày vì người ấy mà tu tạo nhiều phước lành. Thời có thể làm cho người chết đó khỏi hẳn chốn ác đạo, được sinh lên cõi trời hoặc sinh trong loài người hưởng lấy nhiều sự rất vui sướng. Mà kẻ thân quyến hiện tại đó cũng được vô lượng điều lợi ích.

Vì lẽ trên đó nên nay con đối trước đức Phật Thế Tôn cùng với hàng Trời, Rồng, tám bộ chúng, người với phi nhơn v.v… mà có lời khuyên bảo những chúng sinh trong cõi Diêm Phù Ðề. Ngày lâm chung kẻ thân thuộc phải cẩn thận chớ có giết hại và chớ gây tạo nghiệp duyên chẳng lành. Cũng đừng tế lễ Quỷ, Thần, cầu cúng ma quái.

*

Vì sao thế? Vì việc giết hại cho đến tế lễ đó, không có một mảy mún chi lợi ích cho người chết cả. Chỉ có kết thêm tội duyên của người đó làm cho càng thêm sâu nặng hơn thôi.

Giả sử người chết đó hoặc là đời trước hay đời hiện tại vừa rồi, đã chứng đặng phần Thánh quả sẽ sinh vào cõi Trời, cõi người. Nhưng bị vì lúc lâm chung hàng thân thuộc gây tạo những nghiệp nhơn không lành. Cũng làm cho người chết đó mắc lấy ương lụy phải đối biện, chậm sinh vào chốn lành.

Huống gì là người kia chết, lúc sinh tiền chưa từng làm được chút phước lành. Đều theo ác nghiệp của họ đã gây tạo mà tự phải bị sa đọa vào ác đạo.

Hàng thân thuộc nỡ nào lại làm cho tội nghiệp của người ấy nặng thêm!

Cũng ví như, có người từ xứ xa đến, tuyệt lương thực đã ba ngày. Đồ vật của người đó mang vác nặng hơn trăm cân, bỗng gặp kẻ lân cận lại gởi một ít đồ vật nữa, vì vậy mà người xứ xa đó càng phải khốn khổ nặng nề thêm.

Bạch đức Thế Tôn! Con xem xét những chúng sinh trong cõi Diêm Phù Ðề, ở nơi trong giáo pháp của Phật. Nếu có thể làm việc phước lành cho đến chừng bằng sợi lông, giọt nước, bằng một hột cát, một mảy bụi nhỏ, thời tất cả chúng sinh đó đều tự mình được lợi ích cả.

Trưởng giả Bạch Hỏi

Khi Ngài Ðịa Tạng nói lời như thế xong, trong pháp hội có một vị Trưởng giả tên là tên là Ðại Biện.

Ông Trưởng giả từ lâu đã chứng quả vô sinh hiện thân Trưởng giả để hóa độ chúng sinh trong mười phương, ông chắp tay cung kính mà thưa hỏi Ngài Ðịa Tạng Bồ tát rằng:

“Thưa Ðại Sĩ! Trong cõi Nam Diêm Phù Ðề có chúng sinh nào sau khi mạng chung, mà hàng quyến thuộc hoặc kẻ lớn người nhỏ, vì người chết đó mà tu các công đức. Cho đến thiết trai cúng dường, làm những phước lành. Thời người chết đó, có đặng lợi ích lớn cùng đặng giải thoát chăng?”

Kẻ Còn, Người Mất Ðều Ðược Lợi

Ngài Ðịa Tạng Bồ tát đáp rằng: “Này ông Trưởng giả! Nay tôi vì tất cả chúng sinh trong hiện tại này cùng thuở vị lai sau, nương nơi oai thần của Ðức Phật mà nói lược về việc đó.

Này ông Trưởng giả! Những chúng sinh ở hiện tại hay vị lai, lúc sắp mạng chung mà nghe đặng danh hiệu của một Ðức Phật, danh hiệu của một Bồ tát hay danh hiệu của một Bích Chi Phật. Thời không luận là có tội cùng không tội đều được giải thoát cả.

Như có người nam cùng người nữ nào lúc sinh tiền không tu tạo phước lành mà lại gây lấy những tội ác. Sau khi người mạng chung, hàng thân quyến kẻ lớn người nhỏ vì người chết mà tu tạo phước lợi làm tất cả việc về Thánh đạo. Thời trong bảy phần công đức người chết nhờ đặng một phần, còn sáu phần công đức thuộc về người thân quyến hiện lo tu tạo đó.

Bởi vì cớ trên đây, nên những người thiện nam cùng thiện nữ ở hiện tại và vị lai, nghe lời nói vừa rồi đó nên cố gắng mà tu hành thời đặng hưởng trọn phần công đức.

Con quỷ dữ vô thường kia không hẹn mà đến, thần hồn vơ vẩn mịt mờ chưa rõ là tội hay phước. Trong bốn mươi chín ngày như ngây như điếc, hoặc ở tại các ty sở để biện luận về nghiệp quả. Khi thẩm định xong thời cứ y theo nghiệp mà thọ lấy quả báo.

*

Trong lúc mà chưa biết chắc ra làm sao đó thời đã nghìn muôn sầu khổ, huống là phải bị đọa vào các ác đạo.

Thần hồn người chết đó khi chưa được thọ sinh, ở trong bốn mươi chín ngày, luôn luôn trông ngóng hàng cốt nhục thân quyến tu tạo phước lành để cứu vớt cho. 

Qua khỏi bốn mươi chín ngày thời cứ theo nghiệp mà thọ lấy quả báo.

Người chết đó, nếu là kẻ có tội thời trải qua trong nghìn năm không có ngày nào được thoát khỏi.

Còn nếu là kẻ phạm năm tội vô gián thời phải đọa vào đại địa ngục chịu mãi những sự đau khổ trong nghìn kiếp muôn kiếp.

Lại vầy nữa, này ông Trưởng giả! Sau khi những chúng sinh gây phạm tội nghiệp như thế mạng chung. Hàng cốt nhục thân quyến có làm chay để giúp thêm phước lành cho người chết đó.

Thời khi sắm sửa chưa rồi, cùng trong lúc đương làm chớ có đem nước gạo, lá rau v.v… đổ vãi ra nơi đất, cho đến các thứ đồ ăn chưa dưng cúng cho Phật cùng Tăng thời chẳng được ăn trước.

*

Nếu như ăn trái phép và không được tinh sạch kỹ lưỡng. Thời người chết đó trọn không được mảy phước nào cả.

Nếu có thể kỹ lưỡng giữ gìn tinh sạch đem dưng cúng cho Phật cùng Tăng. Thời trong bảy phần công đức người chết hưởng được một phần.

Này ông Trưởng giả! Vì thế nên những chúng sinh trong cõi Diêm Phù, sau khi cha mẹ hay người thân quyến chết, nếu có thể làm chay cúng dường. Chí tâm cầu khẩn thời những người như thế, kẻ còn lẫn người mất đều đặng lợi ích cả.”

Lúc Ngài Ðịa Tạng nói lời này, tại cung trời Ðao Lợi có số nghìn muôn ức na do tha Quỷ Thần cõi Diêm Phù Ðề, đều phát tâm Bồ Ðề vô lượng.

Ông Trưởng giả Ðại Biện vui mừng vâng lời dạy, làm lễ mà lui ra.

 

09/06/2021

Bây giờ mình mới biết: 

Truyền thụ tri thức lại là Sư 

Thu được học thức lại là Sinh.

31/05/2021

Đôi nét về tàu điện Hà Nội

 Bài đăng trên Cổ vật tinh hoa.

Tàu điện Hà Nội đã hoạt động trong gần một thế kỷ, từ chuyến chạy thử nghiệm vào tháng 9/1900 cho đến khi ngừng hoạt động vào đầu năm 1991.

Có một bài vè về tàu điện:

"Thằng Tây ngồi nghĩ cũng sành

Sinh ra tàu điện chạy quanh phố phường

La ga thì ở Thụy Chương

Dây đồng, cột sắt thì đường cái quan

Bồi bếp cho chí bồi bàn

Chạy tiền ký cược đi làm sơ vơ (bán vé)...

Ba xu ghế gỗ rẻ tiền

Toa sau thì để xếp riêng gánh gồng

Năm xu ngồi ghế đệm bông

Hỏi mình có sướng hay không hỡi mình”

Một chút lịch sử.

Tháng 5/1899, Công ty Điền địa Đông Dương được phép thành lập một cơ sở khai thác giao thông bằng xe điện, gọi là Nhà máy Xe điện thuộc Công ty Điền địa Đông Dương (Usine de la Société des tramways électriques de l’Indochine) đặt tại đầu làng Thụy Khuê. Ngay lập tức họ xây dựng 2 tuyến Bờ Hồ - Chợ Mơ dài 3,5km; Bờ Hồ - Thụy Khuê 3,4km và Bờ Hồ - Thái Hà ấp 4,3km.


Ngày 13/9/1900, công ty cho chạy thử tuyến đường đầu tiên Bờ Hồ - Thụy Khuê. Ngày 10/11/1901, khai thác tuyến Bờ Hồ - Thái Hà ấp. Ngày 18/12/1906, đến lượt tuyến Bờ Hồ - Chợ Mơ. Sau đó kéo dài thêm từ Thụy Khuê lên Chợ Bưởi (tổng chiều dài 5,4km), từ Thái Hà ấp vào Hà Đông (11km) và đặt tuyến mới Bờ Hồ - Cầu Giấy (6km).

Khá lâu sau, đến tháng 12/1929 công ty mới hoàn thành tuyến Yên Phụ - Kim Liên (5,8 km). Tháng 5/1934 làm thêm đoạn Kim Liên - Vọng. Mạng đường ray tàu điện như vậy từ Bờ Hồ toả ra sáu tuyến đi Yên Phụ, Chợ Bưởi, Cầu Giấy, Hà Đông, Vọng, Chợ Mơ tức là toả ra sáu cửa ô nối nông thôn với nội thành Hà Nội. Đường nối phố Hàng Đậu lên Yên Phụ được làm sau cùng, khoảng năm 1943. Tổng số chiều dài của các tuyến là gần 32km.

Bến tàu điện Bờ Hồ ngày trước dài đến cuối phố Cầu Gỗ, bên cạnh có một dãy nhà làm văn phòng cho các tuyến đường. Tuyến Hà Đông cứ 8 giờ tối là hết chạy, tàu không dồn về Nhà máy Xe điện ở giữa làng Thụy Khuê mà chạy về trạm Cầu Mới. 5 giờ sáng hôm sau lại chạy chuyến tàu thứ nhất.


Các tuyến xe điện của thành phố khi ấy chạy không thẳng, muốn đổi tuyến phải trả thêm tiền vé. Tàu từ Bờ Hồ đi về hướng tây, khi đến góc tây-bấc Văn Miếu nếu rẽ thì vào Hà Đông; còn đi thẳng sẽ ra Cầu Giấy. Hầu hết các tuyến đều gặp nhau ở bến xe Bờ Hồ, riêng tuyến Vọng - Yên Phụ không chạy qua đó mà rẽ tại đoạn cuối Hàng Bông gần Cửa Nam và rẽ tiếp lên hướng bắc theo Hàng Cót.

Vào những thập niên 1980 – 1990, tàu điện Hà Nội đạt mức vận chuyển hơn 20 triệu lượt hành khách mỗi năm. Có một giai đoạn từng sử dụng bánh lốp thay bánh sắt (trolleybus). Tồn tại gần một thế kỷ, đến năm 1991 tàu điện Hà Nội chính thức chấm dứt hoạt động, đường ray bị bóc đi, đầu máy, toa xe ngừng sử dụng.. nhưng tiếng leng keng đã đi vào ký ức của bao người.



 

26/05/2021

Tìm hiểu về Hào trong quẻ Kinh dịch

 

Hào là ký hiệu cơ bản nhất của Kinh dịch, hào bao gồm: hào dương (—) và hào âm (- -); hào dương là một nét, hào âm là hai nét. Hào là cơ sở tạo thành hình tượng bát quái.

Hào tượng

Hào tượng là nói về hình tượng, vị trí, số lượng chẵn lẻ của các hào âm hào dương trong sáu hào của quái kép (kinh quái) và thông qua đó phản ánh quan hệ cương nhu, thuộc tính âm dương và tính chất của quẻ (ví dụ: trường hợp số hào là sô lẻ thì tính chất quẻ là dương; số hào là chẵn thì là quẻ âm). Kinh dịch luôn coi trọng quan hệ cương nhu và thường lấy vị trí ở trong hào cương (hào dương) để xác định, do vậy Dịch truyện viết: “Âm dương kết hợp với nhau rồi sau đó cương nhu mới có hình thể”.

Hào vị

Các hào trong mỗi quẻ có ngôi vị khác nhau (ngôi là thứ tự các hào). Mỗi quái đơn có ba hào tính từ dưới lên gồm: hào sơ, hào nhị, hào tam; mỗi quái kép gồm có sáu hào, đánh số từ dưới lên gồm:

– Hào 1 gọi là hào sơ

– Hào 2 gọi là hào nhị

– Hào 3 gọi là hào tam

– Hào 4 gọi là hào tứ

– Hào 5 gọi là hào ngũ

– Hào 6 gọi là hào thượng.

Trong Kinh dịch, vị trí các hào còn biểu thị diễn tiến tuần tự về thời gian: hào sơ là bước đầu mà hào thượng là bước cuối, các hào ở giữa là các giai đoạn trung gian.

Tính chất của hào

– Hào dương (hào thực) còn gọi là hào cửu (cửu là 9, là số dương)

– Hào chẵn (hào hư) còn gọi là hào lục (lục là 6, là số âm)

– Hào trung là hào thứ 2 và hào thứ 5, là những hào nằm ở giữa nội quái và ngoại quái.

Hào chính là hào dương ở vào vị trí dương, hào âm ở vào vị trí âm và ngược lại là không chính (hào bất chính). Hào sơ (1), hào tam (3), hào ngũ (5) là dương vị; hào nhị (2), hào tứ (4), hào thượng (6) là âm vị.

Tương quan giữa các hào

Các hào ứng nhau: xét về vị trí, mỗi hào trong nội quái ứng với một hào trong ngoại quái

+ Hào 1 ứng với hào 4: hào lẻ ứng với hào chẵn

+ Hào 2 ứng với hào 5: hào chẵn ứng vối hào lẻ

+ Hào 3 ứng với hào 6: hào lẻ ứng với hào chẵn.

Trong các cặp hào đó thì cặp hào 2, hào 5 là quan trọng nhất vì hai hào đều đắc trung mà hào 5 lại ở vào địa vị cao nhất.

– Các hào liền nhau: quan trọng nhất là cặp hào 4, hào 5 là vì hào 5 là vua hào 4 là đại thần ở gần vua.

+ Trường hợp hào 4 mà nhu (âm), hào 5 mà cương (dương) thì thường tốt vì cả hai hào đều chính vị.

+ Ngược lại hào 4 mà cương và hào 5 mà nhu thì thường xấu.

Hào từ

Hào từ giải thích ý nghĩa của từng hào trong mỗi quẻ; 64 quẻ kép tổng cộng có 384 hào. Chu Công Đán là người có công đi sâu nghiên cứu và chú thích về Hào từ.