31/05/2021

Đôi nét về tàu điện Hà Nội

 Bài đăng trên Cổ vật tinh hoa.

Tàu điện Hà Nội đã hoạt động trong gần một thế kỷ, từ chuyến chạy thử nghiệm vào tháng 9/1900 cho đến khi ngừng hoạt động vào đầu năm 1991.

Có một bài vè về tàu điện:

"Thằng Tây ngồi nghĩ cũng sành

Sinh ra tàu điện chạy quanh phố phường

La ga thì ở Thụy Chương

Dây đồng, cột sắt thì đường cái quan

Bồi bếp cho chí bồi bàn

Chạy tiền ký cược đi làm sơ vơ (bán vé)...

Ba xu ghế gỗ rẻ tiền

Toa sau thì để xếp riêng gánh gồng

Năm xu ngồi ghế đệm bông

Hỏi mình có sướng hay không hỡi mình”

Một chút lịch sử.

Tháng 5/1899, Công ty Điền địa Đông Dương được phép thành lập một cơ sở khai thác giao thông bằng xe điện, gọi là Nhà máy Xe điện thuộc Công ty Điền địa Đông Dương (Usine de la Société des tramways électriques de l’Indochine) đặt tại đầu làng Thụy Khuê. Ngay lập tức họ xây dựng 2 tuyến Bờ Hồ - Chợ Mơ dài 3,5km; Bờ Hồ - Thụy Khuê 3,4km và Bờ Hồ - Thái Hà ấp 4,3km.


Ngày 13/9/1900, công ty cho chạy thử tuyến đường đầu tiên Bờ Hồ - Thụy Khuê. Ngày 10/11/1901, khai thác tuyến Bờ Hồ - Thái Hà ấp. Ngày 18/12/1906, đến lượt tuyến Bờ Hồ - Chợ Mơ. Sau đó kéo dài thêm từ Thụy Khuê lên Chợ Bưởi (tổng chiều dài 5,4km), từ Thái Hà ấp vào Hà Đông (11km) và đặt tuyến mới Bờ Hồ - Cầu Giấy (6km).

Khá lâu sau, đến tháng 12/1929 công ty mới hoàn thành tuyến Yên Phụ - Kim Liên (5,8 km). Tháng 5/1934 làm thêm đoạn Kim Liên - Vọng. Mạng đường ray tàu điện như vậy từ Bờ Hồ toả ra sáu tuyến đi Yên Phụ, Chợ Bưởi, Cầu Giấy, Hà Đông, Vọng, Chợ Mơ tức là toả ra sáu cửa ô nối nông thôn với nội thành Hà Nội. Đường nối phố Hàng Đậu lên Yên Phụ được làm sau cùng, khoảng năm 1943. Tổng số chiều dài của các tuyến là gần 32km.

Bến tàu điện Bờ Hồ ngày trước dài đến cuối phố Cầu Gỗ, bên cạnh có một dãy nhà làm văn phòng cho các tuyến đường. Tuyến Hà Đông cứ 8 giờ tối là hết chạy, tàu không dồn về Nhà máy Xe điện ở giữa làng Thụy Khuê mà chạy về trạm Cầu Mới. 5 giờ sáng hôm sau lại chạy chuyến tàu thứ nhất.


Các tuyến xe điện của thành phố khi ấy chạy không thẳng, muốn đổi tuyến phải trả thêm tiền vé. Tàu từ Bờ Hồ đi về hướng tây, khi đến góc tây-bấc Văn Miếu nếu rẽ thì vào Hà Đông; còn đi thẳng sẽ ra Cầu Giấy. Hầu hết các tuyến đều gặp nhau ở bến xe Bờ Hồ, riêng tuyến Vọng - Yên Phụ không chạy qua đó mà rẽ tại đoạn cuối Hàng Bông gần Cửa Nam và rẽ tiếp lên hướng bắc theo Hàng Cót.

Vào những thập niên 1980 – 1990, tàu điện Hà Nội đạt mức vận chuyển hơn 20 triệu lượt hành khách mỗi năm. Có một giai đoạn từng sử dụng bánh lốp thay bánh sắt (trolleybus). Tồn tại gần một thế kỷ, đến năm 1991 tàu điện Hà Nội chính thức chấm dứt hoạt động, đường ray bị bóc đi, đầu máy, toa xe ngừng sử dụng.. nhưng tiếng leng keng đã đi vào ký ức của bao người.



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét