15/03/2022

Chùa Việt (phần 6 - 18 Tượng Tổ chùa Tây Phương)

 

(Phần 6)

18 Tượng Tổ chùa Tây Phương

Mười tám pho tượng Tổ chùa Tây Phương được coi là một bộ tượng hoàn thiện nhất của điêu khắc gỗ Việt Nam trong thế kỉ 18. Các pho tượng đã thoát ra ngoài các khuôn mẫu chuẩn mực của các tượng Phật, Bồ tát, để mang lên mình nó những sáng tạo, cảm hứng sống động.

Nếu như các tượng Phật thường ở trong trạng thái Tĩnh: ngồi vững chãi trên tòa sen, mắt nhắm hờ, bất động chìm trong cõi bất khả tư nghị, các nếp áo đều phủ xuống lặng lẽ; thì các tượng Tổ chùa Tây Phương ở trong trạng thái Động: đứng, ngồi, nói, thuyết, quạt, ngoáy tai... rất sinh động phong phú, các tà áo bay tung, bước chân vững chãi... Các nghệ nhân dân gian vô danh đã thổi hồn cuộc sống vào các tượng Tổ này, hơn bất cứ pho tượng nào trong chùa.

Điều này chỉ thực sự cảm nhận được khi ngắm trực tiếp.

Trong 18 tổ, thì hai tổ Ca Diếp và A Nan được đặt ngay trên bàn thờ chính điện, còn 16 pho khác bày trong chùa thượng.

Tổ thứ 1: Tôn giả Ca Diếp


Tổ thứ 2: Tôn giả A Nan

Ca Diếp đã từng làm kim hoàn, nên tượng ông có đeo nhiều châu báu trang sức. Ông được tạc với bộ râu và dáng vẻ như vừa khoát tay, tay áo còn đang bay.

A Nan là người nhớ và đọc lại tất cả kinh Phật, nên được tạc trong tư thế hoan hỉ ôm bộ kinh sách. Ông là tượng trưng của các vị thánh hiền truyền giáo.

Tổ thứ 3: Thương Na Hòa Tu

Tổ thứ 4: Ưu Bà Cúc Đa

Tượng Thương Na Hòa Tu mô tả ông đang quan sát và suy nghĩ về đệ tử của mình là Ưu Bà Cúc Đa, dáng vẻ suy tư, chìm sâu vào triết lý.

Ưu Bà Cúc Đa mỗi khi cứu độ được một người thì bỏ một thẻ tre vào trong hang. Về sau hang đá đầy đến tận nóc. Tượng ông tay trái cầm một cuộn sách, tay phải cầm một thẻ tre (đã bị mất). Tượng này ngồi nhấp nhổm rất sinh động, có cảm tưởng tượng sắp đứng lên để cật vấn người đối diện.

Pho Thương Na Hòa Tu có lẽ ứng với đoạn thơ của Huy Cận:

Có vị mắt giương, mày nhíu xệch
Trán như nổi sóng biển luân hồi
Môi cong chua chát, tâm hồn héo
Gân vặn bàn tay, mạch máu sôi

- Tổ 5: Đề Đa Ca

- Tổ 6: Di Giá Ca

Tượng Tổ thứ 5 Đề Đa Ca trong tư thế chắp tay chào chư thiên. Theo truyền thuyết, khi ấy ông gặp Di Già Ca là người tu đạo tiên đang cùng với tám ngàn vị tiên đệ tử, nên chắp tay chào họ và thuyết pháp. Cả và tám ngàn chư thiên đều nguyện theo Phật pháp, Di Già Ca cũng vậy.

Tổ thứ 6 Di Già Ca mô tả ông đang đứng giữa một chốn đông người, tay đưa ra như bấm độn, mặt ngơ ngác hoảng hốt tìm hiểu, bởi lẽ ông đang phân vân giữa đạo tiên mà ông tu luyện bấy lâu với đạo Phật mà ông mới tiếp nhận từ Đề Đa Ca.

Hai pho này thể hiện rất hay một cặp Thầy - Trò, một bên tĩnh tại bình thản cung kính, một bên còn đang hoang mang biến động khi mới bước chân vào đạo.

Tổ thứ 7 Bà Tu Mật khi chưa xuất gia thích kết giao bạn bè, thơ ca, uống rượu, ăn mặc lịch sự. Tượng được tạc trong tư thế cung kính niệm phật, miệng đang há mở chào hỏi, cầu mong phúc cho người đối diện, quần áo trang phục chỉnh tề đẹp đẽ.

Tổ thứ 8 Phật Đà Nan Đề, người béo tốt, lúc nào cũng ung dung tự tại. Dáng vẻ tượng rất hoan hỉ, người ngả ra sau thoải mái, tay cầm cái que đang ngoáy tai, quần áo xuề xòa buông thõng.

Tổ thứ 9 Phục Đà Mật Đa đến 50 tuổi vẫn không nói, không đi ra khỏi nhà, vì chưa nghe được điều gì hay cả, cho đến khi Phật Đà Nan Đề đến tận nhà truyền pháp. Vì thế tượng tạc lúc ông đã lớn tuổi, nhưng lần đầu mới được ngộ giáo lý, thể hiện qua việc đọc cuốn sách, mặt mũi sung sướng hân hoan. 

Tổ thứ 10 Hiệp tôn giả luôn tu hành và du hành không bao giờ ngừng nghỉ, không cả đặt lưng ngủ nữa. Truyền thuyết kể khi ông đang đứng tựa một gốc cây thì nhận ra chú bé từ xa sẽ là bậc thánh, và ông đã thuyết pháp cho chú bé ngay dưới gốc cây, về sau chú bé trở thành tổ thứ 11 Phú Na Dạ Xa

Tổ 11 là Phú Na Dạ Xa, không rõ vì sao không được nói đến và tạc tượng. Từ Tổ thứ 10 chuyển sang 12 luôn 

Tổ thứ 12 là Mã Minh, theo truyền thuyết thì có thể thuyết pháp giáo hóa cho cả giống súc vật. Tượng tạc ngài đang thuyết cho cả giống Rồng.

Trong thực tế, Tổ Mã Minh là một nhà thơ, triết gia nổi tiếng ở khoảng thế kỉ 1, là một trong 4 thánh triết trụ cột của Phật giáo Đại thừa. Ngài là tác giả của nhiều bộ sách, trong đó có tác phẩm Đại thừa Khởi tín luận, bộ luận căn bản cho Đại thừa. 

Tổ thứ 13 là Ca Tỳ Ma La, theo truyền thuyết thì có lần mãng xà cuốn quanh thân ông muốn ăn thịt, nhưng Tổ thuyết pháp khiến rắn cũng kính ngưỡng, lại chỉ cho ngài một bậc thánh còn ẩn trong rừng là Long Thụ. Ca Tỳ Ma La thuyết pháp và truyền cho Long Thụ.

Tổ thứ 14 Long Thụ (Thọ) Tôn giả cũng là một trong 4 vị thánh triết Phật giáo Ấn Độ, luận sư vĩ đại nhất. Ngài là tác giả bộ Trung Quán Luận và kinh Hoa Nghiêm nổi tiếng.

Thậm chí Phật tử cho rằng khi ngài nói pháp là Chuyển pháp luân lần thứ hai (lần thứ nhất là Thích Ca thuyết pháp).

Thời sau coi ngài ngang hàng một vị Đại Bồ tát, một vị Phật sống. Vì thế trong 18 Tổ kế đăng, chỉ duy nhất Tổ Long Thụ được tạc ngồi trên tòa sen. Tượng Long Thụ cũng là tượng người thật duy nhất có nhục khế trên đỉnh đầu, sánh ngang với tượng Thích Ca Mâu Ni.

Theo truyền thuyết thì Phật Thích Ca cất bộ kinh Hoa Nghiêm ở Long cung dưới đáy biển trong 600 năm. Long Thụ đã dùng thần thông xuống tận Long cung lấy bộ kinh đó. Tượng Long Thụ chùa Tây Phương ngồi bên cạnh con rồng, trên đầu rồng để cuốn kinh, là để mô tả truyền thuyết này.

Tổ thứ 15 Ca Na Đề Bà không được nhắc đến.

Tổ thứ 16 La Hầu La Đa xuất thân trong gia đình trưởng giả giàu có, ăn sung mặc sướng. Tượng ngài tạc trong dáng ngồi suy tư khổ não, tượng quy nhất đội khăn nhà giàu trên đầu, cầm gậy thể hiện uy thế, móng tay rất dài là biểu thị là người giàu có sung sướng thời đó (người nghèo phải lao động không thể để móng tay dài). Bên cạnh có con hươu nghe thuyết pháp.

Tượng La Hầu La Đa được đánh giá là pho đẹp nhất trong toàn bộ 18 pho, mang dáng vẻ đời thường của một ông già Việt Nam, khắc khổ hà tiện, các ngón tay được điêu khắc ở trình độ tuyệt hảo.

Tổ 15 là Thánh Thiên tôn giả, là một trong 4 thánh triết Phật giáo, nhưng không hiểu sao lại không được vẽ hình và tạc tượng trong hệ thống 18 Tổ.

Tổ thứ 17 là Tăng Già Nan Đề được tạc trong tư thế ngồi thiền bên bờ sông. Kiểu ngồi thiền của Tổ rất đặc biệt, không phải xếp bằng tròn hai tay trước bụng như thông thường, mà là tư thế dân dã như đang ngồi nói chuyện, mặt mũi nhẹ nhõm. 

Tổ thứ 18 Già Da Xá Đa khi còn bé thường mang một cái gương để soi lại chính mình, cho đến khi đắc đạo vẫn còn có chiếc gương đó mang theo. Vì thế tượng của Tổ trong tư thế đang bước đi, tay cầm chiếc gương tròn quay về phía sau. Pho tượng này rất sống động qua hai ống tay áo bay phất phơ.


Tổ thứ 19 Cưu Ma La Đa là vị thứ tư trong 4 thánh triết Phật giáo (3 vị kia gồm Mã Minh, Long Thụ, Thánh Thiên). Truyền thuyết nói rằng Tổ vốn là một vị tu tiên trên trời, phạm lỗi mà phải xuống cõi người. Tượng của Tổ được tạo với dáng vẻ rất béo tốt ung dung, miệng cười thỏa mãn, tay cầm một bông hoa to.

Tổ thứ 20 Xà Dạ Đa trí tuệ thâm sâu cao siêu, được tạc với một hình dung rất cổ quái: thân thể gày gò giơ xương, tay đang cầm cái que gãi lưng có vẻ rất khó chịu khổ sở; thế nhưng đầu rất to thể hiện suy nghĩ sung mãn.

Hai pho này thể hiện sự đối lập thú vị, giữa béo tốt thỏa mãn thoải mái với gầy gò dằn vặt khổ sở.

Trên đây là 18 pho tượng Tổ kế đăng Thiền tông chùa Tây Phương, là những tác phẩm kinh điển hàng đầu của nền nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam. Cùng với pho Quan Âm thiên thủ thiên nhãn chùa Bút Tháp, bộ tượng này được gọi là "Tập đại thành của điêu khắc Việt Nam".

Quả thật, bộ tượng hàm chứa những nhân sinh quan của các nghệ nhân cách đây hai trăm năm một cách sinh động, đầy sức sống. Nếu như thời Lê, các pho tượng La hán chỉ mang tính hình tượng ước lệ sơ sài, các vị la hán được tạo tác với khuôn mặt, hình thể đơn điệu giống nhau, không mang chiều sâu, thì bộ tượng này có những chiều tâm thức rất rõ nét. Vui, buồn, đau khổ, vui sướng, hoang mang, suy ngẫm, dằn vặt, thỏa mãn,... đều được thể hiện đầy đủ.

Bộ tượng Tổ này là sớm nhất, đồng thời là đẹp nhất. Chính vì thế về sau các chùa theo Thiền tông đã bắt chước phong cách này, tạo tác các hình ảnh tương tự để thờ trong chùa. Chẳng hạn trong nhà tổ chùa Quán Sứ có vẽ lại các tượng này, hai dãy hành lang chùa Côn Sơn cũng treo tranh vẽ các tượng này, hay chùa Thổ Hà còn làm bắt chước với kích thước nhỏ hơn để thờ hai bên hành lang.

Như thế, từ những bức tượng mang tính riêng biệt, riêng có tại chùa Tây Phương, hình ảnh này đã được chấp nhận như là chuẩn mực, khuôn mẫu của các tượng Tổ kế đăng,

Nếu ai đã có công đi thăm các ngôi chùa miền Bắc, đừng quên đến với chùa Tây Phương, để thăm những tuyệt tác của cha ông để lại.

14/03/2022

Thiền



Tịnh Tâm dưỡng Từ bi

Thân Tâm  An Lạc bước

Cuộc sống dù bẽ bàng

Ta đang dần trả nợ.

Chu Tử gia huấn

 

Tác phẩm của Chu Dụng Thuần (1627 – 1698)

Đọc thấy hay nên xin giới thiệu.


“Trị gia cách ngôn” còn có tên “Chu Tử gia huấn”, “Chu Tử trị gia cách ngôn” và “Chu Bách Lư trị gia cách ngôn”.

Toàn bộ tác phẩm chỉ có hơn 500 chữ, ngôn từ thông tục dễ hiểu, nội dung ngắn gọn súc tích lại rất đầy đủ, thể văn biền ngẫu, đối nhau, gọn ghẽ tinh tế, rất vần điệu trôi chảy.

Từ khi tác phẩm ra đời đã được lan truyền rộng khắp ở Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam..., trở thành bản gia huấn kinh điển quản lý gia đình giáo dục con cái được mọi người yêu thích, vẫn còn nguyên giá trị cho tới ngày nay.

Bản dịch (không rõ tác giả - mình cũng đọc bản dịch này thấy hay quá) đã cố gắng giữ văn phong và nội dung sát với bản gốc, toàn văn như sau:

Bình minh trở dậy, quét dọn sân nhà, trong ngoài cần sạch gọn.

Hoàng hôn thì nghỉ, cổng cửa khóa rồi, tự mình cần kiểm điểm.

Bát cơm bát cháo, phải biết có được không dễ.

Sợi tơ mảnh vải, luôn nhớ vật lực gian nan.

Nên chưa mưa mà thu lụa, chớ khát nước giếng mới đào.

Cuộc sống cần phải tiết kiệm, làm tân khách chớ liên miên.

Đồ dùng bền lại sạch, gốm sứ hơn bạc vàng.

Ăn uống kiệm lại tinh, rau vườn hơn yến tiệc.

Đừng xây nhà đẹp, đừng kiếm ruộng hay.

Ba cô sáu bà, ấy mầm họa gian dâm.

Tì đẹp thiếp xinh, chẳng phải phúc khuê phòng.

Kẻ hầu chớ dùng xinh đẹp, thê thiếp tránh mặc xa hoa.

Kẻ hầu chớ dùng xinh đẹp, thê thiếp tránh mặc xa hoa.

Tổ tông tuy xa, cúng thờ giữ lòng thành kính.

Cháu con dù ngốc, kinh sách không thể không xem.

Ăn ở thì nên thuần phác, dạy con phải có cách hay.

Đừng tham của cải Trời cho, đừng uống rượu bia quá lượng.

Mua bán cùng người khác, chớ chiếm phần hơn.

Người thân quen nghèo khổ, thì nên trợ giúp.

Khắc bạc làm giàu, tất chẳng được lâu.

Luân thường chẳng giữ, liền thấy tiêu vong.

Anh em chú cháu, chia người khó phần hơn.

Già trẻ nội ngoại, giữ tôn ti phép tắc.

Nghe vợ bạc anh em, nào phải trượng phu.

Trọng của nhẹ mẹ cha, chẳng xứng làm con.

Gả con chọn rể tốt, chớ đòi lễ hậu.

Cưới dâu tìm hiền thục, đừng tính hồi môn.

Thấy phú quý mà xun xoe xiểm nịnh, vô sỉ nhất.

Gặp bần cùng mà tỏ ý kiêu căng, đê tiện thay.

Sống nên tránh kiện tụng, kiện ắt chẳng lành.

Xử thế tránh đa ngôn, nói nhiều lỡ miệng.

Chớ cậy thế lực, chèn ép kẻ thế cô.

Đừng ham ăn uống, tàn sát loài muông thú.

Cố chấp bảo thủ, hối hận ắt nhiều.

Biếng nhác thối chí, đạo nhà chẳng nên.

Thân cận trẻ ranh, lâu ngày lụy bản thân.

Tôn kính lão thành, cấp bách được tựa nương.

Thân cận trẻ ranh, lâu ngày lụy bản thân…

Nhẹ dạ phát ngôn, sao biết chẳng phải chuyện gièm pha?

Nên nhẫn nại nghĩ suy.

Gặp việc cãi tranh, đâu biết cái sai ở bản thân? Phải bình tâm xem xét.

Gia ơn đừng nhớ, chịu ơn chớ quên.

Làm việc nên để đường lùi, đắc ý chớ nên tiến tiếp.

Người có chuyện vui, chớ sinh lòng đố kỵ.

Người gặp hoạn nạn, đừng có ý mừng vui.

Thiện muốn người biết, chẳng phải chân thiện.

Ác sợ người hay, chính là đại ác.

Thấy nhan sắc khởi tà tâm, báo ứng vợ con.

Giấu thù oán ngầm hãm hại, họa giáng cháu con.

Trong nhà hòa thuận, tuy bữa đói bữa no, vui vẻ vẫn thừa.

Thuế khóa hoàn thành, tuy trong túi chẳng dư, tự mình an lạc.

Đọc sách noi chí thánh hiền, chẳng cầu khoa cử.

Làm quan tâm tồn dân nước, đâu tính gia tông.

An phận thủ thường, thuận theo mệnh Trời.

Làm được như thế, Đạo đã gần kề.

 

13/03/2022

Đả thông hai mạch “Nhâm – Đốc”, khí huyết sẽ tự lưu thông

st trên net


Trong tiểu thuyết võ hiệp thường nghe nói rằng, đả thông “hai mạch Nhâm, Đốc” thì võ công có thể tăng lên vượt bậc. Vậy rốt cuộc hai mạch Nhâm – Đốc này nằm ở đâu và có chức năng gì trên cơ thể chúng ta?

Vì sao người ta lại nói: “Đả thông hai mạch Nhâm – Đốc thì khí huyết sẽ tự lưu thông”? Kỳ thực câu này bắt nguồn từ lý luận Kinh Lạc của y học cổ truyền. Mạch Nhâm và mạch Đốc thuộc về hai dòng mạch của kỳ kinh bát mạch.

Mạch Đốc cai quản phần Dương của cơ thể, mạch Nhâm cai quản phần Âm của cơ thể. Cơ thể của con người phía trước là âm và phía sau là dương, vì vậy mạch Nhâm ở phía trước cơ thể, mạch Đốc nằm ở phía sau cơ thể.

Tại sao phải đả thông hai mạch Nhâm – Đốc? Bởi vì hai dòng mạch này có một mạch thì kiểm soát tất cả các huyệt âm, một mạch thì kiểm soát tất cả các huyệt dương. Do đó, khi 12 kinh mạch này có vấn đề thì đầu tiên phải đả thông mạch Nhâm và mạch Đốc, khí huyết sẽ được lưu thông.

Mạch Nhâm: Kiểm soát 6 kinh mạch âm

Mạch Nhâm có 24 huyệt vị, nằm từ huyệt Hội Âm ở phần dưới cơ thể thẳng dọc đến huyệt Thừa Tương ở giữa cằm.

Vậy làm thế nào để đả thông mạch Nhâm? Có thể thông qua phương pháp mát-xa, đấm bóp và xoa bóp đều được. Nhưng hiệu quả nhất là Thiền – lấy Ý dẫn Khí đi lần lượt theo đường Đản trung - Thiên đột - Ấn đường - Bách hội - Đại chùy - Linh đài - Mệnh môn - Trường cường...:

Mạch Đốc cai quản phần dương, Mạch Nhâm cai quản phần âm của cơ thể. Đạo gia coi mặt trước thân là âm, phía sau là dương, bởi vậy mạch Nhâm ở phía trước còn mạch Đốc ở phía sau thân thể.

Chúng ta có thể dùng nắm tay đấm bóp cơ thể theo dọc đường mạch Nhâm từ dưới dần lên trên; hoặc dùng lực tay bóp đẩy lên xuống. Cần lưu ý rằng kinh mạch này đi qua vùng bụng và ngực, do đó nếu ngực không có cơ bắp thì khi đấm bóp nên dùng lực nhẹ hơn so với bụng.

Kinh mạch có thể cải thiện bệnh tật trên đường nó đi qua. Ví dụ, nếu mạch Nhâm đi qua bụng, thì những người có vấn đề táo bón có thể được cải thiện bằng cách mát-xa các huyệt trên mạch Nhâm. Trong đó, ba huyệt rất quan trọng là:

Thượng Quản, Đông Quản, Hạ Quản nằm ở phần trên, giữa và dưới của dạ dày. Người bị táo bón có thể mát-xa dọc theo đường mạch từ huyệt Thượng Quản đến huyệt Quan Nguyên (chính là bụng trên và bụng dưới của cơ thể), khi mát-xa, dạ dày và ruột sẽ được nhuyễn động theo.

Khi mạch Nhâm đi qua vùng ngực, vấn đề lưu thông của phổi có thể được cải thiện. Ví dụ, bệnh nhân bị hen suyễn, chúng ta sẽ châm cứu rồi ấn nhẹ vào huyệt Thiên Đột ở trên ngực, hoặc bệnh nhân có thể tự xoa bóp huyệt Thiên Đột.

Ngoài ra còn có một huyệt Thần Khuyết cũng rất quan trọng. Châm cứu vào huyệt Thần Khuyết này có thể giúp cường thân, bảo vệ sức khỏe, tăng cường chính khí và củng cố nguyên khí. Tuy nhiên, huyệt vị này chỉ có thể giác hơi chứ không thể châm cứu, bởi vì nó ở vị trí của rốn, châm vào sẽ gây ra thoát vị.

Mạch Đốc: Kiểm soát 6 kinh mạch dương

Mạch Đốc chạy từ huyệt Trường Cường phía trên hậu môn thẳng dọc lên huyệt Bách Hội ở đỉnh đầu, rồi đến huyệt Thủy Phân (chính là Nhân Trung), và cuối cùng kết thúc ở huyệt Ngân Giao trong khoang miệng. Tại vị trí này, mạch Đốc và mạch Nhâm giao nhau. Giới khí công có giảng về “Lưỡi đặt hàm trên”, nó chính là nơi tiếp giáp của mạch Nhâm và mạch Đốc.



Ảnh: drugsofcanada.com

Huyệt Trường Cường là điểm khởi đầu của mạch Đốc, “cường” mang ý nghĩa mạnh mẽ, sung mãn, do đó có thể thấy tầm quan trọng của mạch Đốc.

Từ quan điểm của y học hiện đại, có 7 đốt sống cổ, 12 đốt sống ngực, 5 đốt sống lưng, và cuối cùng là xương cụt. Mạch Đốc vừa vặn chạy chính giữa các đốt sống này. Do đó, các huyệt của mạch Đốc nằm tại các khe hở giữa mỗi đốt sống.

Trên mạch Đốc ở sau lưng có một huyệt châm cứu quan trọng là “huyệt Đại Chùy”. Chúng ta cúi đầu xuống, chỗ nhô lên ở sau cổ, chính là đốt sống to nhất của đốt sống cổ – đốt sống thứ 7. Huyệt Đại Chùy nằm tại vị trí giữa đốt sống cổ thứ 6 và 7. Toàn bộ hệ tuần hoàn tim phổi nằm ở phía sau ngực, huyệt Thiên Đột có thể điều trị bệnh hen suyễn, huyệt Đại Chùy trị bệnh này còn hiệu quả hơn, huyệt vị bên cạnh huyệt Đại Chùy đều có thể dùng để chữa bệnh hen suyễn.

Huyệt Bách Hội ở đỉnh đầu cũng vô cùng quan trọng.

Điểm giao nhau giữa đường thẳng nối 2 tai và đường thẳng từ trán đến sau gáy chính là huyệt Bách Hội. Tại huyệt này vẽ 1 chữ thập, sau đó xoa bóp theo chiều trên dưới trái phải tại điểm này, thì sẽ hết cơn đau đầu chóng mặt.

Trên mạch Đốc còn có một huyệt chăm sóc bảo vệ sức khỏe rất quan trọng là “huyệt Thân Trụ”, như ý nghĩa tên gọi của mình, huyệt này là trụ cột của toàn bộ cơ thể. Chúng ta mát-xa, châm cứu huyệt Thân Trụ sẽ có tác dụng dưỡng sinh.




Bạn có thể để cho các bác sỹ Đông y vẽ ra vị trí châm cứu cho bạn, rồi sau đó bạn nhờ người nhà giúp mình mát-xa để chăm sóc sức khỏe.

Việc quán tưởng lấy Ý dẫn Khí trong Thiền cũng tương tự như mở Luân xa vậy, lần lượt theo đường các huyệt chính: Đản trung - Thiên đột - Ấn đường - Bách hội - Đại chùy - Linh đài - Mệnh môn - Trường cường - Hội âm - Khí hải - Đản trung thành 1 vòng luân xa kín (tùy theo dòng tu tập Thiền mà cách lấy ý dẫn khí trên 2 mạch Nhâm - Đốc có khác nhau nhưng vẫn căn bản là 1 vòng Chu Thiên - Luân xa )...:





 

ĐÙI EM VỢ NHƯ TÔM KHO TÀU

Ca dao miền Nam có câu:

"Giữa trưa đói bụng thèm cơm,

Thấy đùi em vợ như tôm kho tàu.

Dị bản

Trưa trưa thấy đói thèm cơm
Ngó đùi em vợ tưởng tôm kho tàu

Thầy Võ Doãn Nhẫn (GS Triết học thời VNCH) giải thích: “Phần đông phụ nữ mắc bệnh trưng dâm (exhitionism), còn đàn ông mắc bệnh thị dâm (voyeurism). Nên cái đùi em vợ phải được tận tình phô phang trên cái võng trước khi đến chỗ để cơm”. Và, cái “đùi em vợ như tôm kho tàu” là dạng “điều kiện hóa” Pavlov. Cái đùi ấy giống như tiếng chuông của Pavlov, còn tôm kho tàu lâu lâu mới có ăn nên nước miếng tha hồ xôn xao. 

Cái nào ngon hơn cái nào? Có khi món trước ngon hơn nữa là khác. Nên mới có chuyện anh rể ngoại tình với em vợ (hoặc ngược lại) ở xã hội nào cũng có mà thậm trí còn có rất nhiều.

 

 


* Món tôm kho tàu thì phải vào miệt Cà Mau, Bạc Liêu mới có. Món này bây giờ nghe nói có vẻ hiếm vì làm hơi kỳ công, nhưng ngon và nhìn bắt mắt lắm.

* Ở miền Tây Nam bộ có tục ở rể khi nhà gái giàu có, nhiều ruộng, vườn.


12/03/2022

Cây, lá và gió

 st trên net. Khà Khà

Những gì có trong đời là nhân duyên
Đừng để mất rồi nuối tiếc
Như lá lìa cành, có khi nào có thể quay lại


Lá rời Cây là vì Gió cuốn đi, hay vì Cây không giữ Lá ở lại? Cây để Lá bay đi, là vì Lá không hiểu lời trái tim muốn nói, hay là bởi cơn Gió cuốn đi?

Gió ra sức theo đuổi Lá, hứa sẽ đưa Lá đi thưởng ngoạn cảnh vật của thế giới muôn nơi.

Lá ngập ngừng do dự, hỏi ý kiến của Cây. Cây nói: “Chỉ cần em không rời đi, thì cả đời này anh sẽ không rời bỏ em”.

Nhưng rồi Gió vẫn kiên trì theo đuổi. Cuối cùng đến một ngày, Lá đã động lòng, bèn lựa chọn phiêu du cùng Gió.

Trước khi rời đi, Lá bèn hỏi Cây: “Vì sao anh không giữ em ở lại?” Cây chỉ nhẹ nhàng nói: “Bởi vì em muốn xa lìa cành”.

Lá lại hỏi Gió: “Vì sao anh lại một lòng theo đuổi em?”

Gió chân thành trả lời: “Bởi vì trên đời này không có hai chiếc lá giống hệt nhau”.

Lá im lặng, là Cây không biết bày tỏ tình yêu, hay là Gió quá kiên trì.

Cây vẫn cố mỉm cười hỏi Lá: “Tại sao em lại muốn rời đi?”.

Lá vui mừng nói: “Bởi vì em muốn được nhìn ngắm thế giới bên ngoài”.

Sự thực là, Cây thật sự rất yêu Lá, vì muốn tác thành nguyện vọng của Lá, Cây đã không giữ Lá ở lại bên mình.

Gió hỏi Lá: “Vì sao em lại muốn đi theo anh?”.

Lá thích thú nói: “Bởi anh đã mang đến ước mơ cho em, và còn giúp em thực hiện ước mơ”.

Vậy là, Gió đã đưa Lá bay khắp thế gian, cho Lá được nhìn ngắm thế giới lung linh đầy màu sắc.

Nhưng rồi cũng đến một ngày, Lá úa vàng và không còn đủ sức bay theo Gió được nữa. Rồi Lá rơi xuống mặt đất, một chiếc xe tải lao đến vô tình.

Cây rất đau lòng nhìn Lá nằm cô đơn trên đất. Cây hối hận vì đã không giữ Lá ở lại, cũng không thể làm gì để giúp Lá hơn được nữa.

Trong khi ấy Gió vẫn tiếp tục rong ruổi chuyến hành trình, dường như nó không còn bận tâm đến Lá nữa.

 Cây ứa lệ, là bởi Lá không biết trân quý, hay là bởi cơn Gió quá vô tình?

Chúng ta đôi khi cũng giống như Lá, đã vô tình bỏ lại những thứ bình dị bên mình để đuổi theo những ao ước mơ hồ. Bong bóng thường đẹp và rực rỡ sắc màu nhưng dễ tan vỡ.

Nhưng đến khi quay đầu nhìn lại, ta mới biết những thứ mà chính tay ta rũ bỏ sẽ không bao giờ có lại được nữa.

Những thứ mà ta vô tình vứt bỏ, lại thường là thứ đáng được trân quý; những thứ mà ta vất vả theo đuổi, lại không phải là thứ mà sinh mệnh cần.

Cuộc sống cũng như câu chuyện Cây và Lá: Ta đang đánh mất đi những điều trân quý, để cuốn trôi theo những ảo tưởng hão huyền. Xin đừng đợi đến khi không thể vãn hồi lại, thì mới biết trân quý những điều bình dị ta đang có. Bởi một khi mất đi rồi, ta sẽ không bao giờ tìm lại được nữa đâu…