07/04/2023

Mẹo Vặt Hữu ích

 st trên net

 


1. Chọn mua phích đựng nước (bình thủy): Khi chọn mua bình thủy, trước tiên nên chọn để có được hình ảnh trang trí và màu sơn vừa ý. Sau đó, thử mở nút bấc của bình thủy, nếu nút bấc bị hút nhẹ là tốt. Sau cùng, mở nút ra và ghé tai nghe ở miệng bình, nếu nghe thấy trong bình có tiếng o o là bình tốt.
2. Chọn mua bình nước đá: giữ núm tròn trên nắp bình và xoay nửa vòng rồi xoay lại nửa vòng. Sau đó, giở nắp lên. Nếu bình đi theo lên khỏi mặt đất là tốt; ngược lại, khi giở nắp lên mà bình vẫn còn nằm nguyên thì không nên chọn chiếc bình này.
3. Cách chọn dưa hấu: nên chọn loại vỏ có nhiều gân, trái tròn và nặng. Nếu trái tròn nhưng nhẹ là dưa bọng ruột vì đã quá già, nên chọn vỏ thật cứng, với những trái có vỏ cứng, ruột dưa sẽ giòn, ngon hơn.Để biết dưa đỏ hay không, hãy xem cuống dưa. Nếu cuống dưa xoắn tròn theo hình khu ốc là dưa đỏ; ngược lại nếu cuống dưa không xoắn là dưa không đỏ.
 4. Cách chọn xoài ngon nhất là xoài cát và xoài thơm. Nên chọn những trái xoài có da căng, vàng đều, phần đầu (phần nằm trên cuống) chín vàng và cứng. Trên bụng xoài phần dưới chót đuôi sẽ thấy có một mắt nhỏ, nếu mắt này càng dài thì hột xoài càng to.
5. Cách chọn bôm và lê: Loại trái tròn, nặng tay sẽ cho nhiều nước, không nên chọn những trái có dấu tì vì sẽ bị lạt, không ngọt và phần cơm sẽ bị nhão.Trái nào phần dưới có những khía xung quanh tương đối rõ là những trái bột, không giòn. Trái nào phần dưới gần như liền và không có khía cạnh là những trái giòn.
6. Cách chọn mật ong: Chấm chiếc đũa vào mật ong, sau đó nhểu lên giấy vài giọt. Cầm tờ giấy và lật lại. Nếu giọt mật không chảy là mật ong thiệt.
7. Tẩy vết nám trên bàn gỗ: Để tẩy vết nám này, hãy dùng tro thuốc lá trộn với dầu thực vật cho đều rồi lấy giẻ nhúng hỗn hợp đó chà mạnh lên vết nám đó, dần dần vết nám sẽ biến mất.
8. Dùng bình thủy nấu cháo nên nhớ: Khi dùng bình thủy nấu cháo nhớ không được bỏ muối vào cháo, vì như thế bình thủy sẽ bị nổ dễ gây nguy hiểm.
9. Cách làm sáp đèn cầy không chảy: Muốn sáp đèn cầy không chảy ra bàn, chỉ cần nhúng đèn cầy vào nước muối trong hai giờ.
10. Cách giữ gìn cặp da: Muốn cặp da lúc nào cũng bóng, nên lấy tròng trắng trứng gà đánh thật đều rồi dùng miếng vải mềm thấm lòng trắng trứng chà lên lớp da ngoài. Sau đó để nguyên như vậy cho thật khô. Không nên dùng xi đánh giầy đánh bóng cặp vì khi ôm sẽ bị dính dơ quần áo.
11. Cách lau chùi đồ vật bằng đồng thau: hãy trộn giấm với bột gạo hoặc bột mì và một ít mạt cưa gỗ mịn khuấy thật đều lên cho thành hồ, đem hồ đó quét lên đồ vật bằng đồng thau và để cho khô, sau đó gỡ hồ ra dùng vải mềm lau sạch lại. – Đồ vật bằng đồng nếu bẩn nhiều thì dùng giẻ tẩm giấm đánh trước rồi dùng bột phấn viết bảng nghiền vụn đánh bằng giẻ mềm.
12. Cách giữ xoong được sáng bóng: Mới mua một cái xoong nhôm mới, trước khi sử dụng, hãy thoa một lượt xà bông ướt khắp quanh xoong rồi bắc lên bếp đun. Nấu xong xả nước chùi rửa thật sạch. Xoong của bạn vẫn sáng bóng như mới không hề bị nám đen.
13. Làm sáng xoong bị cháy nám: Khi xoong bị lửa cháy nám, muốn chùi sáng lại như cũ, chỉ cần dùng cát và giẻ lau chùi rửa sạch.
14. Cách lau chùi tranh sơn mài: hãy dùng một củ khoai tây sống đem gọt vỏ, cắt theo chiều dọc cho có nhiều nhựa rồi thoa nhẹ lên bức tranh đều khắp. Sau đó lấy miếng vải mềm thấm nước lau sạch rồi để khô, tranh sẽ sáng bóng y như mới.
15. Cách mở nắp chai bị đậy cứng: Những nắp chai bằng thiếc khi vặn lại thường bị sít cứng rất khó mở ra, chỉ cần chúc chai xuống, đập nhẹ nút chai lên mặt bàn, sẽ mở ra được dễ dàng.
16. Cách chùi xoong bị cháy đen bên trong: hãy bỏ chanh xắt khoanh vào nấu với nước một lúc rồi đưa xuống chùi.
17. Đi giày mới không bị phồng chân: Trước khi đi hãy lấy một miếng bông gòn tẩm alcool chà xát vào phía da bên trong của đôi giày cho ướt nhất là sau gót.
18. Cách trừ gián trong tủ áo: hãy treo vào tủ một cái túi vải nhỏ đựng vài vỏ chanh phơi khô, như vậy gián sẽ không bao giờ ở trong tủ áo.
19. Cách chữa răng đau tạm thời: Khi có một cái răng sâu hành hạ bị đau dữ dội vào ban đêm muốn làm dịu bớt để chờ đi nhổ hoặc mua thuốc uống, bạn hãy lấy một ít phèn chua tán nhuyễn và nhét vào chỗ bị sâu.
20. Để tránh muỗi cắn: hãy lấy nước cốt trái chanh thoa lên mặt, tay chân.
21. Khi bị phỏng phải làm sao? Khi lỡ tay bị phỏng hãy cắt một khoanh khoai tây đắp lên vết phỏng để yên một lúc thật lâu, tuyệt đối không được rửa vết phỏng trước khi đắp khoai tây.
22. Để tủ quần áo được thơm tho hơn long não: hãy dùng bông gòn tẩm nước hoa loại nào thích rồi đặt vào góc tủ quần áo, thỉnh thoảng phải thay miếng khác khi bị hết mùi.
23. Để đinh đóng gỗ không bị cong: Nếu muốn đóng đinh vào gỗ dễ dàng thì trước khi đóng lấy bao nylon thường làm vật đựng hàng ngày đã bỏ đặt lên, sau đó đặt cây đinh vào vị trí đóng, chỉ cần đóng một lần là đinh vào ngay rất đẹp.
24. Cách rửa xoong chảo bị cháy khét: Khi nấu ăn lỡ để khét làm thức ăn dính dưới đáy xoong, đáy chảo, hãy bỏ vào một ít muối, thêm vào một ít nước và đặt xoong, chảo vào thau nước lạnh, ngâm vài giờ rồi chùi rửa sạch.
25Khử mùi hôi trong hộc tủ: cho một ít than củi vào trong một cái ly đem bỏ vào hộc tủ, than củi sẽ hút hết mùi hôi khó chịu đi.
26. Muốn nhóm bếp than mau cháy: hãy để củi chẻ nhỏ mồi lửa phía dưới, rắc một ít muối lên than, muối sẽ hút hết nước và tỏa nhiệt làm cho than mau cháy.
27Cách trừ kiến bu vào thức ăn: chà nước cốt chanh thối lên chân bàn để thức ăn, kiến sẽ không bu vào được.Đê đuổi kiến đi, hãy đặt một miếng chanh thối lên đường đi của kiến, hãy phủ lên thịt, cá một ít hành bằm nhuyễn, kiến sẽ không bu vào.
28Để dành cá tươi không cần tủ lạnh: Lấy bông gòn, thấm cồn 90 độ nhét vào mang cá sẽ giữ được cá tươi hai ba ngày mà không cần tủ lạnh.
29. Để dành chanh và dưa leo: Muốn giữ dưa xanh, chanh tươi lâu ngâm vào trong nước lạnh.
30Để mỡ chiên không bị cháy: Khi chiên thức ăn, mỡ thường bị cháy đen, để tránh điều này, hãy cho một ít khoai tây xắt nhỏ bỏ vào chảo trong khi chiên.
31. Kho cá biển cần biết: Khi nấu món ăn kho với cá biển, hãy thêm vào nồi vài muỗng canh nước trà đặc. Sau đó kho cho đến cạn nước, thịt cá sẽ chắc lại và không còn mùi tanh.
32. Luộc gan heo cho ngon: Khi mua phải chọn miếng gan có màu hồng, hơi cứng. Khi luộc, lúc nước sôi, cho vào nồi nước vài lát hành tây mỏng và một ít muối.
33Cách làm măng không đắng: Trước khi luộc măng, cắt măng ra, chờ nước sôi rồi cho măng vào luộc. Nhớ để cho măng sôi khoảng vài phút rồi mới vớt ra. Khi ăn, sẽ thấy măng không còn đắng nữa.
34. Cách luộc măng khỏi bị đắng: Muốn măng không bị đắng trong khi luộc không nên đụng đũa vào măng.
35. Cách luộc rau muống cho xanh và giòn: Đun nước sôi trước rồi mới cho rau vào nồi, thêm một ít muối và đun lửa thật lớn. Khi rau chín, mở vung nồi đảo đều rồi bắc xuống. Vớt ra ngay đĩa. Đem đĩa rau để lên bàn nhưng không đậy lồng bàn để hơi nóng thoát ra dễ dàng, rau mới xanh.
36. Muốn nấu các loại củ to cho mau chín: Đối với các loại củ to để nấu hay luộc cho mau chín và không bị sượng hay nứt, trước khi nấu dùng vật nhọn như kim khâu dài loại to đâm vài lỗ theo chiều dài củ khoai.
37Bóc vỏ tỏi: Để bóc vỏ tỏi vừa nhanh vừa sạch, hãy nhúng tỏi vào nước nóng chừng 1 – 2 phút rồi vớt ra, sẽ bóc được vỏ rất nhanh.
38. Cách dùng tiêu cho đúng: Để mùi tiêu được thơm trong thức ăn, nên cho tiêu khi món ăn đã nấu chín. Nếu cho tiêu vào thức ăn khi còn sống rồi mới nấu chín thì tiêu sẽ mất mùi thơm, đồng thời bị phân hủy phóng ra độc tố rất nguy.
39. Cách luộc trứng: Hãy cho muối vào nước để cho trứng không bị bể trong khi luộc. Khi trứng chín, muốn bóc vỏ trứng dê dàng, trông đẹp mắt, không sứt sẹo, hãy ngâm trứng vào trong nước lạnh khoảng 5 – 10 phút rồi bóc vỏ.
40. Cách chiên trứng: Muốn cho trứng không bị dính vào tô trong lúc đánh trứng, trước tiên phải tráng tô bằng nước lã. Ngoài ra, cũng có thê pha thêm một chút nước khi đánh trứng để được trứng nổi phồng sau khi chiên.
41. Để đánh trứng nổi bong: Muốn cho lòng trắng trứng nổi bong lên, trước khi đánh hãy nhỏ vài giọt chanh và một ít đường vào trứng.
42. Món khoai tây chiên ngon: Sau khi gọt vỏ khoai tây, xắt mỏng thành từng khoanh, rồi ngâm ngay vào nước muối khoảng 1 giờ. Khi vớt ra, để trong rổ cho thật ráo nước. Khi chiên nên cho vào nhiều mỡ và chờ cho mỡ sôi mới thả khoai vào. Khoai vừa vàng là vớt ra ngay.
43. Bí quyết chiên chả giò: Khi chiên chả giò thường xảy ra trường hợp chả  bị cháy đen và không giòn, chưa chiên xong dầu đã bị đen. Dưới đây là bí quyết để có món chả giò ngon: cho nhiều dầu vào trong xoong, khi dầu đã hết khói, cho vài giọt chanh vào dầu sôi, khoảng 5 phút sau, cho một lát gừng đập giập vào. Khi gừng đã vàng thì vớt ra bỏ. Chiên nhiều lượt mỗi lượt chiên một lượng vừa kín mặt dầu thôi. Khi chả giò vàng đều, hãy vớt ra cho tiếp đợt mới vào chiên tiếp.
44. Khi bị ong đốt: Khi bị ong đốt, nếu ở tay chân nặn nọc ong ra, sau đó lấy củ hành hoặc tỏi cắt đôi và chà xát vào chỗ bị ong đốt. Nếu bị ong đốt trên đầu, đâm củ hành hoăc tỏi ra cho nhuyễn rồi chà xát lên hay đắp lên chỗ ong chích.
45. Trừ kiến trong hũ đường: hãy dùng một thanh sắt hay con dao bỏ vào hũ đường, các con kiến sẽ bò ra nơi khác.
46. Cách nối dây bếp điện bị cháy đứt: hãy dùng một ít hàn the phủ lên chỗ giao tiếp giữa hai đầu dây bị đứt, nó sẽ được nối dính chắc chắn, xài rất bền.
47. Để chảo được bền: Chảo mới mua về, phải đổ nhiều mỡ vào đun sôi. Sau đó lấy muối bột chà xát bên trong chảo vài lần. Làm như vậy chảo sẽ được bền và thức ăn chiên không bị dính chảo.
48. Cách chữa muỗi và kiến cắn: chỉ cần xắt nát củ hành tây đắp lên những vết cắn. sẽ không bị ngứa, khó chịu nữa.
49. Tẩy vết thâm kim, mốc trên quần áo: hãy thấm ướt những vết thâm kim, mốc trên vải bằng nước cốt trái chanh rồi đem phơi ngoài nắng vài giờ. Sau đó đem giặt bằng xà bông bình thường.
50Tẩy vết dơ do mồ hôi dính trên quần áo: hãy ngâm quần áo có vết dơ do mồ hôi dính ở cổ tay hay nách, lưng quần … vào giấm đun sôi để âm ấm độ nửa giờ rồi giặt lại bằng xà bông.
51. Tẩy mủ chuối dính quần áo: Mủ chuối dính vào quần áo rất khó tẩy. phải dùng giấm ngâm chỗ quần áo bị dính mủ chuối vài giờ cho vết mủ tan hết. Xong giặt lại bằng nước lạnh.
52. Để vải không đổi màu: Muốn những quần áo bằng vải hoa không bị đổi màu, sau khi giặt bằng xà bông xong phải xả thật sạch với nước lã, rồi cho vào nước xả cuối cùng một ly giấm trắng. Làm như thế quần áo không bị đổi màu, màu không bị phai nhạt đi.
53Tẩy vết bẩn trên khăn tay: ngâm khăn tay vào nước muối độ chừng một giờ. Sau dùng xà bông bột giặt xả sạch.
54. Cách để dành sơn không khô: Sau khi sơn xong mà còn dư sơn trong hộp, hãy đậy nắp hộp sơn thật kín. Khi cất để nó ngược xuống (nắp ở dưới, đáy ở trên). Làm như vậy sơn sẽ không bao giờ khô.
55. Cách giữ những tấm ảnh được bền lâu: đánh tròng trắng trứng gà cho nổi rồi dùng bông gòn tẩm dầu hôi chấm trứng bôi lên mặt bức ảnh để cho khô rồi đem cất kỹ.
56. Giữ sơn không dính vào kính: Khi sơn cửa kính, đê sơn không dính vào kính, hòa tan xà bông trong nước rồi quét nước đó lên trước khi sơn khung.
57Chỉ may hay bị rối:Sau khi xỏ chỉ vào kim, bạn đâm kim vào cục xà bông hay đèn cầy, rồi kéo cho sợi chỉ xuyên qua theo kim cho đến hết chỉ. Chỉ sẽ hết rối.
58Cách chữa vết phỏng: Khi bị phỏng do lửa, đắp ngay con giấm lên vết phỏng. Vết phỏng sẽ dịu ngay, chóng lành và không để lại sẹo.
59. Cách chữa bị cảm nắng: Khi đi ngoài nắng lâu bị cảm nắng, uống nước muối vào sẽ bớt khó chịu ngay.
60. Cách chữa bệnh ra mồ hôi chân: nên thường xuyên ngâm chân vào nước muối ít nhất mỗi ngày một lần chừng 10 phút trở lên.
61. Làm da mặt trắng trẻo mịn màng: Hằng ngày hãy rửa mặt bằng nước vo gạo thứ nhất. Da mặt sẽ trắng trẻo mịn màng.
62. Làm cho ốc hết nhớt nhanh: Muốn ốc hết nhớt nhanh để ăn liền, đổ ốc vào thau ngập nước rồi thả vào nước đó vài trái ớt đâm nát cho đủ cay, ốc sẽ vội vàng nhả hết nhớt ngay.
63. Cách làm sạch nhớt lươn: pha một thau nước vôi và muối rồi bỏ lươn vào, một lát sau lươn sẽ chết sau khi vùng vẫy chất nhờn sẽ tuôn ra. Sau đó cạo rửa và làm sạch. Nếu không có vôi có thể dùng tro bếp với muối cũng được.
64Muốn lấy nước cốt chanh mà không cần cắt ra: Đôi khi chỉ cần vài giọt nước cốt chanh mà nếu cắt ra thì uổng lắm. Hãy đốt một que diêm rồi thổi tắt và dùng đầu que bị đốt đâm vào trái chanh, sau đó chỉ bóp nhẹ là nước chanh sẽ tia ra ngay.
65. Cách giải độc gan: Dù kỹ hay không kỹ gì thì gan của chúng ta cũng bị nhiêm độc do thức ăn thức uống bị nhiễm độc vì thuốc sát trùng, vì ẩm mốc, hoặc sử dụng thuốc nhiều. Để giải độc gan không gì bằng mỗi tuần ăn 2 – 3 trứng (gà hay vịt) không để thiếu rau cải, uống nước nhiều.
66. Chữa ngủ ngáy: Chứng ngủ ngáy là một cái tật khiến người bạn đời rất bực mình, không những chỉ người bạn đời mà cả những người thân trong gia đình cũng cảm thầy khó chịu. Vậy để cố gắng chữa trị cho hết: – Theo kinh nghiệm của Tàu nếu có chứng ngáy ngủ to khi thức dậy ngồi lên, duỗi hai chân thẳng ra, cúi người tới trước, há miệng thật to, ngậm lại, nhai nhai lặp đi lặp lại khoảng 7 – 9 lần. – Theo kinh nghiệm của người Việt Nam thì ngủ thức dậy, ngồi trên giường, hai chân thõng xuống đất, cúi xuống làm động tác “cạp chân giường” tức cũng há miệng ra, ngậm lại. Theo kinh nghiệm của người Nhật là hít một hơi thuốc lá thật sâu cho sặc sụa một trận dữ dội thì dứt được chứng ngáy to khi ngủ.
67. Cách chữa mồ hôi tay: Không có gì làm bực mình khi hai bàn tay và hai bàn chân đổ mồ hôi luôn. Chúng tôi xin giới thiệu bài thuốc của cố lương y Vương Đăng sau khi áp dụng chừng 1 – 3 lần vô cùng công hiệu. Dùng hai cái chân gà. Lá dâu tằm ăn tươi chừng một nắm tay. Lá dâu tằm ăn xắt nhiên với hai cái chân gà, nêm nếm cho ngon như nấu canh vậy. Sau đó ăn cho hết.
68. Cách chữa rụng tóc: Thịt heo ba rọi có luôn da : 200g.Lá dâu tằm ăn tươi chừng một nắm tay.Nấu như nấu canh, chỉ nêm tiêu, muối không dùng hành lá, tỏi. Ngày ăn ngày nghỉ khoảng 10 lần trở lên thì dứt hẳn chứng rụng tóc.
69. Cách chữa thức ăn bị hôi khói: Nếu thức ăn hôi khói thì dĩ nhiên là ăn không ngon. Để làm mất mùi khói này thì chế vào thức ăn đang đun sôi vài muỗng canh nước tương ngon, đậy kín lại. Độ 5 phút sau thì mùi hôi khói sẽ mất đi.

06/04/2023

Một vài bức tranh Hàng Trống xưa

 

Tranh dân gian Hàng Trống: Tranh Hương Chủ và câu đối Phúc-Thọ

Bộ Tứ bình của dòng tranh Hàng Trống

Lý ngư vọng nguyệt

Cô Ba (trong đạo Mẫu)

Ngũ hổ

Phật Bà Quan Âm

Cá chép vượt vũ môn

Tranh Tứ quý bốn mùa
Tố nữ

Tranh Hàng Trống múa lân

Tam tòa thánh mẫu

Tứ phủ công đồng

05/04/2023

Dòng sông mùa Thu

 Trần Tiến



Ai cũng có một dòng sông vắng xa
Trong nỗi nhớ, trong kỷ niệm thiết tha
Tôi cũng có riêng tôi dòng sông

Bao mơ ước in dòng sông nước trong
Bao cay đắng vui buồn trên bến sông
Còn lại đây một nỗi nhớ mênh mông

Dòng sông trôi, dòng sông lại về
Tuổi thơ trôi qua, mãi mãi trôi qua
Ôi người bạn tuổi thơ tóc đã phai mờ

Dòng sông trôi, dòng sông trở lại
Bạn bè ta ai đã chia xa
Như một vòng hoa trôi tới bến vô cùng

Ai cũng có một mùa thu vắng xa
Trong nỗi nhớ, trong kỷ niệm thiết tha
Tôi cũng có riêng tôi mùa thu

Thu xao xuyến trong bàn tay ấm êm
Thu lưu luyến nói cười mỗi sớm mai
Rồi chia tay nhẹ như gió heo may

Mùa thu đi, mùa thu lại về
Tình yêu đi qua, mãi mãi đi xa
Như một vòng hoa trôi tới bến vô cùng

Mùa thu đi, mùa thu trở lại
Tình yêu đi qua, mãi mãi chia lìa
Bạn tình ơi nhớ mãi bến sông này
Nhớ mái chèo khua nước đêm trăng lên
Nhớ con thuyền êm ái ta yêu em

Dòng sông mang mùa thu về đâu?
Tuổi thơ tôi, tình yêu của tôi
Dòng sông mang mùa thu về đâu?
Tình yêu ơi, mùa thu của tôi

 


Vô đề - n+n

 st trên net


Bài này tế nhị, hơi có chút lề trái nhưng vì cảm thấy cũng có thể tham khảo nên đành mạnh dạn đăng - Có điều gì bất mãn mong các bạn thông cảm (TL). (Đã bỏ nhiều những chỗ không tiện đăng rồi).

Mới đây, đọc trên blog của nhà phê bình Vương Trí Nhàn (nhà nghiên cứu văn hóavăn học và là nhà phê bình văn học của Việt Nam, thanh viên hội Nhà Văn Việt Nam) tôi bắt gặp một đoạn nhan đề “Gợi ý từ một nhà kinh tế” với một số nhận xét bất ngờ và thú vị.

Đoạn viết khá ngắn, tôi chép nguyên văn: “Ông Đặng Phong, một nhà lịch sử kinh tế đã qua đời. Tôi biết ông nhân một lần đọc cuốn Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000 do ông chủ biên, thấy có nhắc thoáng qua một điều gần như ai cũng nghĩ nhưng ít ai viết: trước 1975, kinh tế miền Nam đã ở trình độ cao hơn kinh tế miền Bắc. Tự ngẫm nghĩ, thì thấy đúng thế, không thể khác được, không thể nói ngược như chúng tôi vẫn nói, hoặc lảng tránh cho là cấm kỵ, và lấy những chuyện khác nói át đi.

Nhìn rộng ra thấy không chỉ kinh tế tốt hơn mà giáo dục miền Nam lúc đó cũng hơn; không chỉ đường xá tốt, mà tư cách cá nhân của con người trong đó nói chung cũng trưởng thành hơn con người miền Bắc, trình độ hiểu biết và tuân thủ luật pháp tốt, giữa người với người có mối quan hệ tử tế, thanh thiếu niên lúc đó ham học và biết học hơn. Như vậy dễ dàng công nhận là trình độ sống của bà con trong ấy cao, nhất là dân thành phố. Dấn thêm một bước, trong đầu tôi thấy vụt lên cái ý, liệu có thể nói rằng, xét trên phương diện hiện đại hóa, là con đường tất yếu mà xã hội phải trải qua, nhân dân miền Nam đã đi xa hơn, đạt tới tầm mức văn hóa cao hơn? Như vậy bản thân khái niệm văn hóa mà lâu nay tôi vẫn hiểu cũng phải được xem xét lại chăng?

Tôi sẽ tự phản bác lại nhiều lần trước khi đi đến kết luận … Nhưng càng đọc Đặng Phong ý tưởng trên càng không rời khỏi tôi.

Đúng như Vương Trí Nhàn nói, điều Đặng Phong và ông nhận xét “gần như ai cũng nghĩ nhưng ít ai viết”.

Một lần, Hoài Thanh (Nhà Giáo, Nhà Thơ, nhà Báo, nhà phê bình văn họcmột bậc tài hoa nhưng nổi tiếng bảo thủ ở miền Bắc) nói, đại khái: “Bản chất của chế độ nguỵ là xấu vậy mà không hiểu sao nó lại đào tạo con người giỏi thế. Ai cũng lịch sự. Cứ mở miệng ra là cám ơn với xin lỗi rối rít. Ngồi ở trong nhà, có ai đi ngoài đường chõ miệng hỏi cái gì mà mình trả lời xong, cắp đít đi thẳng, không thèm cám ơn một tiếng, thì không cần nhìn, mình cũng biết ngay đó là dân ngoài Bắc vào.”

Đặng Phong so sánh về kinh tế, Hoài Thanh nói về văn hóa ứng xử, còn Vương Trí Nhàn bàn về văn hóa nói chung. Người ta có thể thắc mắc: Vậy, ở những lãnh vực khác thì sao? Như văn học, mỹ thuật hay âm nhạc, chẳng hạn? Có gì khác giữa miền Nam và miền Bắc cũng như giữa miền Nam trước đây và cả nước bây giờ?

Vương Trí Nhàn đã nêu lên một nhận xét sơ khởi. Theo ông, so với văn học miền Bắc, văn học miền Nam thể hiện “rõ hơn” và “đầy đủ hơn” những “đau khổ của con người” và những “tình thế bi thương, đau đớn, cả sự bơ vơ, bất lực, trong đời sống”. Khác với văn học miền Bắc, văn học miền Nam, một mặt, tiếp nối được truyền thống cách tân trong văn học tiền chiến; mặt khác, tiếp cận được với văn học thế giới, “sử dụng các quan niệm các phương thức của văn hóa phương Tây để diễn tả đời sống con người hiện đại”. Văn học miền Nam cũng có những yếu tố hiện thực và nhân đạo mà văn học miền Bắc không có.

Tất cả những nhận xét nêu trên, về kinh tế, văn hóa hay văn học đều khá sơ lược. Một sự so sánh công bằng và chính xác cần nhiều nỗ lực hơn nữa. Vần cần xuất phát từ một tầm nhìn cao hơn nữa. Tiếc, những nỗ lực và tầm nhìn ấy, cho đến nay, vẫn còn tiềm ẩn đâu đó. Trên sách vở cũng như trong học đường, văn học và văn hóa miền Nam vẫn còn để trống, không ai nhắc đến, hoặc nếu nhắc, cũng nhắc với sự xuyên tạc và mạ lị như trong thời kỳ còn chiến tranh.

Cũng xin nói luôn, trích lại đoạn văn của Vương Trí Nhàn cũng như kể lại lời nhận xét của Hoài Thanh, tôi không hề muốn khoét sâu vào óc kỳ thị địa phương vốn đầu độc mối quan hệ giữa những người cùng một nước.

Thứ nhất, sự kỳ thị và chia rẽ vùng miền ở Việt Nam đã quá trầm trọng; chúng ta không cần và cũng không nên làm trầm trọng thêm nữa. Nó không có ích gì cả. Ở một thời đại toàn cầu hoá như hiện nay, khi mọi người đang tìm cách xoá mờ dần ranh giới và những khoảng cách giữa các quốc gia cũng như giữa các nền văn hoá, luôn luôn đề cao sự khoan dung và cởi mở, cổ xuý cho cách nhìn liên văn hoá và xuyên văn hoá mà người Việt mình cứ lại nhấp nhổm với chuyện Nam/Trung/Bắc thì không những vô duyên mà còn nguy hiểm, không những lạc hậu mà còn phản tiến hoá.

Thứ hai, không nên quên, liên quan đến con người, bất cứ sự khái quát hoá vội vã nào cũng đều bất cập và rất dễ sai lầm: ở miền Nam, không hiếm người thô bạo, thậm chí, thô bỉ, ngược lại, ở miền Bắc, không hiếm người cực kỳ nhã nhặn và lịch sự, rất “hiện đại” và ở tầm văn hoá cao.

Thứ ba, cũng không nên quên, trước đây, ít nhất là trước năm 1954, ở miền Bắc, đặc biệt, ở Hà Nội, người dân nổi tiếng là thanh lịch. Sau này, gặp lại một số người Hà Nội thuộc thế hệ cũ, tôi vẫn bắt gặp cái dáng vẻ thanh lịch truyền thống ấy. Ngôn ngữ họ thanh lịch. Tác phong họ thanh lịch. Cách hành xử của họ cũng thanh lịch. Nét thanh lịch ấy không còn thấy ở các thế hệ trẻ hơn (?).

Cho nên, những khác biệt giữa hai miền, Nam và Bắc, nằm ở con người: tính thiếu thật thà.

Nghiên cứu về văn học cũng như văn hóa miền Nam trong tương quan so sánh với miền Bắc hay cả nước hiện nay không phải nhằm phục hồi chế độ miền Nam vốn đã thuộc về quá khứ xa lắc và cũng không nhằm gây chia rẽ vùng miền. ..

04/04/2023

Việc làm trước khi đi ngủ có ích cho sức khoẻ

 st trên net


Theo y học cổ truyền, trước khi đi ngủ, nếu chăm chỉ thực hiện một số động tác sau đây sẽ giúp đem lại những lợi ích to lớn cho sức khỏe.

1. Hít thở bằng bụng: Massage tim và phổi

Thở bằng bụng có thể mở rộng dung tích phổi, cải thiện chức năng tim và phổi; cải thiện chức năng lá lách và dạ dày, thúc đẩy tiết mật; làm dịu thần kinh, đồng thời giải tỏa căng thẳng. Động tác này giúp thúc đẩy hoạt động của tim phổi thông qua chuyển động của cơ hoành.

Phương pháp luyện tập cụ thể như sau: Cơ thể ở tư thế đứng, lần lượt đặt tay trái và tay phải lên bụng và ngực. Hít một hơi dài bằng mũi, bụng căng ra, thở ra bằng miệng đồng thời hóp bụng lại. Mỗi phút hít thở 7-8 lần, mỗi ngày duy trì đều đặn từ 10-20 phút mỗi lần tập.

2. Uống nước ấm trước khi đi ngủ: Giảm nhồi máu cơ tim

Thông thường chúng ta sẽ đổ mồi hơi khi ngủ, dẫn đến độ nhớt của máu tăng lên. Uống một cốc nước ấm trước khi đi ngủ 30 phút có thể làm giảm thiểu tình trạng này, từ đó giảm thiểu các nguy cơ đột ngột như nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, giảm các cục máu đông trong mạch máu não. Bạn cũng có thể thêm một ít mật ong hoặc muối để đạt được hiệu quả tối ưu hơn. Đối với bệnh nhân tiểu đường, uống nước ấm cũng có lợi cho việc kiểm soát lượng đường trong máu.

3. Chải đầu trước khi đi ngủ: Ngăn ngừa đột quỵ

Trước khi đi ngủ nên chải đầu nhẹ nhàng, để răng lược tiếp xúc với da đầu, chải ngược từ trán ra phía sau đầu trong khoảng 5 phút. Điều này có thể giúp kích thích các huyệt đạo trên đầu, khai thông khí huyết, cải thiện lưu thông máu ở não, giúp chống đột quỵ. Bạn nên chọn một chiếc lược sừng hoặc các chất liệu từ thiên nhiên để đem lại hiệu quả tốt nhất.

4. Đá chân trước khi đi ngủ: Cải thiện lưu thông máu

Có sáu kinh mạch chạy qua bàn chân, đá chân có thể kích thích khí huyết lưu thông trong các kinh mạch này, giúp điều hòa âm dương, giúp cơ thể ngủ ngon. Ngoài ra, đá chân có thể cải thiện lưu thông máu của toàn bộ cơ thể, giúp kéo căng các cơ và dây chằng ở chân và đầu gối, loại bỏ sự mệt mỏi ở chân và làm cho toàn bộ cơ thể thư giãn và thoải mái.

Cách thực hiện: Ngồi trên giường hoặc ghế, để chân chạm đất vuông góc với cơ thể. Để một chân trụ, một chân đá về phía trước, kéo giãn thẳng chân. Có thể tưởng tượng như đang đá một quả bóng vô hình. Thực hiện động tác chậm rãi, nhẹ nhàng, mỗi chân lặp đi lặp lại trong khoảng 5 phút.

5. Vỗ lưng trước khi đi ngủ: Giúp ngủ ngon

Trước khi đi ngủ, đấm nhẹ vào lưng là một cách giúp các cơ ở lưng được thư giãn, đồng thời giúp kích thích các mô và huyệt đạo ở lưng. Động tác này thúc đẩy tuần hoàn máu cục bộ của toàn cơ thể, từ đó cơ thể dễ dàng chìm vào giấc ngủ sâu.

Cách thực hiện: Chỉ cần nắm hờ bàn tay, vòng tay ra phía sau lưng nhẹ nhàng đấm và xoa bóp ở vùng thắt lưng. Lặp đi lặp lại động tác trong khoảng 10 phút.

6. Xoa bụng dưới trước khi đi ngủ: Hết táo bón

Trước khi đi ngủ, lấy lòng bàn tay xoa bụng ngược chiều kim đồng hồ, mỗi lần 50-100 lượt, khi xoa nếu sờ thấy bụng dưới cứng thì đó có thể là nơi phân đang trú ngụ. Thực tiễn đã chứng minh rằng nếu bạn kiên trì xoa bụng trước khi đi ngủ, có thể giúp làm tăng nhu động ruột, hỗ trợ tiêu hóa và bài tiết chất thải ở ruột già, từ đó làm giảm táo bón, đầy hơi, căng cứng bụng.

7. Vỗ bắp chân trước khi đi ngủ: Ngăn ngừa chuột rút ở chân

Vỗ nhẹ bắp chân trước khi đi ngủ có thể làm giãn cơ, làm ấm cơ bắp, ngăn ngừa chuột rút ở chân hiệu quả.

Cách thực hiện: Nằm trên giường, nâng cao bắp chân, xoa hai tay cho nóng rồi vỗ nhẹ hai bên bắp chân từ đầu gối đến mắt cá chân. Vỗ nhẹ từng chân trong vài phút cho đến khi chân ấm lên.

03/04/2023

Chuyện siêu lừa trong các tour du lịch Trung Quốc

 St trên net


 Trung Quốc đã lại mở cửa cho du khách quốc tế. Tôi có ý định lần tới sẽ đi thăm miền Tây TQ. Tôi cũng từng theo các tour du lịch TQ, đến đâu cũng có tiết mục ghé các cửa hàng kinh doanh độc quyền chỉ bán cho khách du lịch, nhất là du khách Việt. Tuy nhiên tôi chưa được mời mua hàng chu đáo như mô tả trong bài này. Và tôi cũng chưa gặp những anh chị  hướng dẫn viên du lịch người Việt bất lương như trong này. hướng dẫn viên du lịch người Việt thường không thật nhiệt tình chu đáo với khách vì quả thật hướng dẫn hết đoàn này tới đoàn khác, họ cũng nhàm chán và mệt mỏi. Họ cũng giúp các cửa hàng Tàu, Sinh, Mã, Hàn, Indo... bán hàng, nhưng thường rất kín đáo, lởi xởi giới thiệu sơ qua và có vẻ khách quan, chứ không cố tình lừa bịp như trong bài. Thông thường đi theo tour, tôi không mua hàng, chỉ xem cho biết. Tôi chỉ mua nếu thấy thích và cần, kiên quyết không mua vì ham rẻ. Được cái may là tính tôi rất tiết kiệm và cũng không có nhiều nhu cầu, chỉ cần có cái ăn để sống là đủ, nên hàng quý mấy tôi cũng không quan tâm. Tuy nhiên những người cùng đoàn, hay cả người thân đi cùng với tôi, thường ít khi giữ được bình tĩnh mỗi khi nghe quảng cáo thấy hấp dẫn. Lợi làm họ mờ mắt, quên mất quyết tâm đã hạ trước khi đi là nhất định không nghe quảng cáo và nhất định không mua hàng trong các cửa hàng nằm trong chương trình tour. Cuối cùng sau mỗi chuyến đi, họ đều nuối tiếc vì tiền mất tật mang, và chuyến sau mọi chuyện lại tái diễn.

Ngoài chuyện được “đãi” điểm tâm bằng bắp luộc và khoai lang luộc, chuyến đi Trung Quốc của chúng tôi còn trở nên đáng nhớ bởi vị chát của những quả lừa siêu hạng.

Cảm giác hả hê và vui mừng khi mua được đồ rẻ bèo đã nhanh chóng nhường chỗ cho tâm trạng thiểu não nẫu ruột khi tất cả thành viên trong đoàn, mặt mày méo xẹo, té ngửa nhận ra mình bị lừa một cách ngoạn mục.

Chuyện đầu tiên xảy ra khi đoàn chúng tôi (tour Thượng Hải-Hàng Châu-Tô Châu) đến một cửa hàng chuyên bán đá quí tại Hàng Châu. Trên đường đi, cô hướng dẫn viên địa phương tên Cao Tử Huệ, nói tiếng Việt sõi như tiếng mẹ đẻ, liên tục quảng cáo về cửa hàng, giới thiệu nó như một trong những cửa hàng tên tuổi nhất nhì trong vùng.

Đến nơi, chúng tôi được một nhân viên mời vào phòng. Tay nhân viên, khoảng hơn 20 tuổi mồm xoen xoét bằng thứ tiếng Việt bập bẹ, đã liên tục “hoan nghênh quí khách Việt Nam đến cửa hàng”.

Cách nói tiếng Việt không rành và lủng củng nhưng khá có duyên của thằng nhóc khiến các cô trong đoàn cười bò. Hắn nói rằng cửa hàng mình ít khi tiếp khách Việt Nam lắm (!?), rằng ông chủ cửa hàng vốn là người Việt, di cư sang Thái Lan sau khi Sài Gòn rơi vào tay cộng sản; tại đó, ông đầu tư vào ngành khai thác-kinh doanh đá quý; rằng giá như bây giờ ông chủ hoặc cậu con ông chủ có mặt ở đây để tiếp quý vị thì hay biết mấy…

Và thật “hên” cho chúng tôi, khi hắn đang huyên thuyên, “cậu con ông chủ” đột ngột xuất hiện. Khoảng hơn 30 tuổi và cũng bập bẹ tiếng Việt, tay này – tướng mạo bảnh bao và sang trọng – thăm hỏi chúng tôi đủ điều, rằng ngắm cảnh Tây Hồ chưa, ăn uống ngon miệng không… Hắn nói thêm rằng mình sống tại Chiangmai (Thái Lan) để trông coi cửa hàng bên đó và ít khi sang Trung Quốc nên dịp này ngẫu nhiên gặp được các bạn Việt Nam thì quả là may mắn!

Hắn tâm sự rằng mình hồi nhỏ được cha dạy rằng “sống ở đời chỉ quý cái tình chứ tiền bạc thì có đáng gì!”. Hắn xoen xoét thế mà mọi người bắt đầu bị chinh phục. Hắn nói, du khách Việt Nam đến cửa hàng thường coi chơi chứ ít khi mua, vì các sản phẩm đá quý quá đắt. Rồi hắn tâm sự, kinh doanh đá quý lời lắm nha. Giảm giá một nửa cũng còn lời, giảm 3/4 có khi cũng còn lãi to… Cứ thế, từng chút, chúng tôi bị cuốn hút vào tâm sự của hắn. Phải thừa nhận một điều là cách hắn dẫn dắt câu chuyện rất lôi cuốn, có bài bản và cực kỳ kinh nghiệm.

Khoảng nửa tiếng, xem chừng ai nấy bắt đầu ngấm “u mê thần chưởng”, hắn mời chúng tôi vào phòng xem sản phẩm đá quý. Coi đi, coi đi, coi cho biết… Hắn dắt chúng tôi đi từng phòng, chỉ cách phân biệt… “đá thật-đá giả”. Nè, thấy chưa, thấy chưa… Bà con thích thú, ừa, thấy rồi, thấy rồi, à há à há…

Bất ngờ, hắn nói rằng chẳng biết dịp nào gặp lại “bà con Việt Nam” nên thôi thì, dịp này, chứ chừng nào nữa, bổn tiệm đây xin đại hạ giá để biểu thị tình cảm dành cho “đồng hương Việt Nam”. Ai thích món gì, bất luận treo giá bao nhiêu, chỉ cần kêu nhân viên lấy đưa hắn xem; hắn sẽ kê giá. Thích thì mua, không thì thôi, bổn tiệm không có ép.

Mà trời ơi, món nào đưa hắn coi, hắn cũng “định giá” rẻ như cho. Ai mà không ham.

Không khí phút chốc hừng hực như chợ vỡ. Chỉ có “đứa nào” ngu lắm mới không mua! Một cặp kỳ hưu cẩm thạch treo giá $10,000 ấy thế mà bây giờ chỉ $900; một mặt Phật đá đen $9,000 giờ chỉ còn, xem nào, “ngộ” tính “nị” $1,000 thôi ha; rồi một cái nhẫn mặt đá ghi giá $5,000 bây giờ chỉ $200… Cái này là tính công thợ thôi đó. Không có lời lóm gì nha! Vậy mà, y như bị bỏ bùa mê thuốc lú, cả bọn chúng tôi giành nhau lựa hàng.

Hăng say chiến đấu nhất là tám ông bà Việt kiều Thụy Điển với hai vợ chồng trẻ Việt kiều Mỹ (những người này về Việt Nam thăm gia đình, nhân tiện mua tour Trung Quốc vì giá tour ở Việt Nam rẻ hơn rất nhiều lần so với mua ở nước ngoài). Họ “hốt” hết. Hốt tùm lum, từ bộ nữ trang (dây chuyền, bông tai, nhẫn…) đến các món linh tinh khác. Rẻ quá, mua về tặng bà con bạn bè. Đi du lịch Tàu về mà không có quà Tàu thì cũng kỳ kỳ…

Trước khi tiễn mọi người ra cửa, “thằng” chủ đểu còn “tử tế” tặng mỗi người một “mặt ngọc”. Cái này ở tiệm treo giá 2,200 tệ, khoảng gần $350. Ngu gì không lấy. Chẳng ai để ý rằng, cái thứ “mặt ngọc” đó treo lủng lẳng ở chợ đêm Bến Thành bán chỉ vài ngàn cũng chẳng ma nào mua… Ấy vậy, khi vào trong tour bus, không khí hớn hở như được mùa vẫn còn sôi sùng sục.

Ai nấy đều rôm rả bàn tán. Hôm nay hên há. Hên thiệt nha. Một bà hí hửng nói rằng lúc nãy khi ghé qua Linh Ẩn Tự (trước khi đến tiệm này), bà vuốt vào chân tượng Thần Tài quá trời nên giờ mới gặp may vậy đó. Cái “thằng” chủ này hôm nay nó bị ma nhập hay sao mà tự nhiên lú lẫn quá, bán đổ bán tháo rẻ như hàng mã ở chợ bình dân.

Nghe đến đó, mọi người hốt nhiên bừng tỉnh. Ờ, có bao giờ những thứ này là hàng mã không ta? Thôi chết rồi. Hàng mã chứ gì nữa. Làm quái gì có kim hoàn đá quý nào mà rẻ bèo vậy!

Chúng tôi không chờ quá lâu để có thể biết đó là hàng dỏm. Thậm chí siêu dỏm. 30 phút sau, xe chở đến chỗ ăn chiều. Ngay ngoài cửa nhà hàng, đã thấy mấy sạp “kim hoàn, đá quý” treo hầm bà lằng những thứ y như trong tiệm hồi nãy! Anh Việt kiều Mỹ nổi điên. Bà mẹ, thằng khốn. Cho tui chửi cái cho hả giận. Cặp “kỳ hưu cẩm thạch” hồi nãy anh ấy mua $900 bây giờ ở sạp này hỏi ra chỉ có $100. Đó là chưa trả giá! Đau còn hơn thiến!

Tại một xưởng sản xuất ấm tử sa (pha trà), chúng tôi được nhân viên cửa hàng “thuyết minh” về “bí mật” qui trình sản xuất ấm tử sa, rằng ấm này được chế từ loại đá khoáng nghiền chỉ đất nước Trung Hoa vĩ đại mới có; rằng ấm tử sa là một trong những tinh hoa nghệ thuật truyền thống Trung Hoa mà ngày xưa chỉ vua chúa, quan lại mới dùng; trà pha trong ấm này để lâu bảy ngày chưa nguội (!), rằng có bộ được chế tác kỳ công đến mức phải mất đến vài năm mới hoàn thành (đất sét thôi mà cũng mất ngần ấy thời gian!).

Lôi ra năm bộ với giá trị tăng dần, tay nhân viên giải thích từng bộ. Đến bộ cuối cùng – được xem là đại diện tinh hoa thượng đẳng của nghệ thuật chế tác ấm tử sa, hắn cho biết nó được một nghệ nhân bậc sư phụ tên Lão Thái tiên sinh chế tác, rằng bây giờ khắp thế giới chỉ có 11 bộ nên chúng vô giá; ai muốn mua phải “liên lạc trực tiếp” với Lão Thái tiên sinh để bà ra giá và cấp chứng chỉ ấm tử sa cao cấp. Hơn nữa, ai mua phải cam kết chỉ dùng chứ không tặng hoặc bán lại…

Tuy nhiên, khi đến màn “mại dô”, bộ ấm độc đáo của Lão Thái tiên sinh đã được rao với giá $3,000 và chẳng cần “ý kiến của Lão Thái” gì cả. Mà nó cũng chẳng phải bộ duy nhất. Mua bao nhiêu cũng có. Ai mua còn được tặng thêm bộ hạng hai giá $1,000 (mua bộ hạng hai được tặng hạng ba; mua hạng ba tặng hạng tư)!

Khi đến Thượng Hải, chúng tôi được đưa đến tiệm thuốc bắc Đồng Nhân Đường. Ai đọc sách mà không nghe cái tên lừng lẫy lịch sử Trung Hoa Đồng Nhân Đường! Tại đây, mọi người được đưa vào phòng, tháo giày tháo dép ngâm chân trong cái xô “nước thuốc” ấm và được nhân viên tiệm massage chân miễn phí.

Trong khi mọi người lim dim thưởng thức màn massage, một “thầy thuốc” đứng giữa phòng thao thao xí xô xí xào trình bày về bề dày lịch sử của Đồng Nhân Đường, rằng thầy thuốc Đồng Nhân Đường ngày xưa chỉ “khám” cho vua; thuốc sản xuất từ lò Đồng Nhân Đường nổi tiếng trị bá bệnh.

Kế đó, cửa phòng mở, nhiều “thầy thuốc” khác lần lượt bước vào. Mỗi vị (được chỉ định khám cho từng thành viên chúng tôi) đều được giới thiệu vài nét về trình độ y thuật tinh thông của hắn. Hầu hết đều cao siêu đến mức chỉ cần nhìn sắc diện có thể đoán người đối diện bệnh gì.

Một vị – được giới thiệu là thầy thuốc riêng của hai cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo và Chu Dung Cơ (!) mới được phái từ Bắc Kinh xuống chi nhánh Đồng Nhân Đường tại Thượng Hải – khi “khám” cho tôi, đã phang ngay rằng tôi chắc chắn nhậu nhiều nên bụng mới bự chà bá như thế. Phải uống thuốc đi nha, không thì đi chầu ông bà sớm đó.

Toa thuốc sáu tháng tốn khoảng $2,000! Khi nghe tôi nói đi du lịch không mang theo tiền nhiều vậy đâu, tay “lương y” bớt còn 1,000 tệ/tháng (hơn $150). Tôi tiếp tục lắc đầu. Thế là tay thầy thuốc từng khám cho Ôn Gia Bảo lại hạ mình giảm còn 760 tệ!… Ôn dịch chứ “ôn gia bảo” gì cái thứ này.

Trong suốt chương trình tour, chúng tôi luôn được dắt đến những địa điểm như vậy. Chắc chắn là bọn “làm tour” và các cơ sở làm ăn có móc nối nhau. Tất cả địa điểm đưa du khách đến đều nằm trong kế hoạch. Bọn chúng thông đồng liên kết để đẩy “mồi” đến và chia tỉ lệ phần trăm doanh thu.

Và không chỉ bọn du lịch nội địa Trung Quốc. Hướng dẫn viên du lịch của công ty tour Việt Nam cũng ăn chia với đám này. Tại tiệm “kim hoàn đá quý”, tôi còn nhớ cậu hướng dẫn viên du lịch người Việt nói với những “con mồi” trong đoàn: “Em dắt khách đi tour Trung Quốc nhiều lần mà đây là lần đầu tiên em thấy có vụ giảm giá. Em cũng mua vài thứ tặng vợ…”.

Chẳng biết tên hướng dẫn viên người Việt bất lương này được chia bao nhiêu nhờ trò dụ khách nhưng chính mắt tôi thấy hắn thậm thụt chia tiền với Cao Tử Huệ (tour guide người Trung Quốc) tại phi trường Thượng Hải, vào ngày chúng tôi lên máy bay trở về Sài Gòn.

02/04/2023

Người Việt ăn uống như thế nào?

 GS. Trần Văn Khê




Trong một buổi tiệc, một anh bạn Pháp hỏi tôi: - Chẳng biết người Pháp và người Việt Nam ăn uống khác nhau như thế nào? - Tôi trả lời: Thỉnh thoảng tôi có ăn uống theo người Pháp nhưng làm sao biết cách ăn của người Pháp bằng người Pháp chính cống như anh. Tôi thì có thể nói qua cách ăn uống của người Việt chúng tôị. Để cho anh dễ nhớ, tôi chỉ đưa ra ba cách nấu ăn của người Việt, rồi anh xem người Pháp có ăn như vậy chăng ? Người chúng tôi ăn toàn diện, ăn khoa học, ăn dân chủ.

1- Ăn toàn diện: Chúng tôi không chỉ ăn bằng miệng, nếm bằng lưỡi, mà bằng ngũ quan. Trước hết ăn bằng con mắt, và do đó có nhiều món đem dọn lên, nhiều màu sắc chen nhau như món gỏi sứa chúng tôi chẳng hạn: có giá màu trắng, các loại rau thơm màu xanh, ớt màu đỏ, tép màu hồng, thịt luộc và sứa màu sữa đục, đậu phộng rang màu vàng nâu v. v. . . Có khi lại tạo ra hình con rồng, con phụng, trong những món ăn nấu đãi đám hỏi, đám cưới. Sau khi nhìn cái đẹp của món ăn, chúng tôi thưởng thức bằng mũi, mùi thơm của các loại rau thơm như húng quế, ngò, hoặc các mùi đặc biệt của nước mắm, của cà cuống. Răng và nứu đụng chạm với cái mềm của bún, cái dai của thịt luộc và sứa, cái giòn của đậu phộng rang để cho xúc cảm tham gia vào việc thưởng thức món ăn sau thị giác và khứu giác. Rồi lỗ tai nghe tiếng lốc cốc của đậu phộng rang, hay tiếng rào rào của bánh phồng tôm, hay tiếng bánh tráng nướng nghe rôm rốp. Sau cùng lưỡi mới nếm những vị khác nhau, hòa hợp trong món ăn: lạt, chua, mặn, ngọt, chát, the, cay v. v. Chúng tôi ăn uống bằng năm giác quan, về cái ăn như thế gọi là ăn toàn diện.

2- Ăn khoa học : Hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu, nhất là ở Nhật Bổn thường hay sắp các thức ăn theo "âm" và "dương"  Nói một cách tổng quát thì những món nào mặn thuộc về dương, còn chua và ngọt thuộc về âm. Người Việt thường trộn mặn với ngọt làm nước mắm, kho thịt, kho cá, rang tép, ướp thịt nướng, luôn luôn có pha một chút đường; mà ăn ngọt quá như chè, ăn dưa hấu hay uống nước dừa xiêm thì cho một chút muối cho âm dương tương xứng. Người Tây khi ăn bưởi thật chua lại cho thêm đường, đã âm lại thêm âm thì âm thịnh dương suy, không đúng theo khoa học ăn uống. Người Việt phần đông không nghiên cứu về thức ăn, nhưng theo truyền thống của cha ông để lại thành ra ăn uống rất khoa học. Người Việt chẳng những để ý đến quân bình âm dương giữa các thức ăn mà còn để ý đến quân bình âm dương giữa người ăn và thức ăn.

Khi có người bị cảm, người nấu cháo hỏi: cảm lạnh (bị mắc mưa, đêm ra ngoài bị cảm sương) thì nấu cháo gừng vì cảm lạnh (âm) vào người phải đem gừng (dương) vào chế ngự. Nếu cảm nắng (bị mặt trời làm cho sốt) thì dương đã vào người phải nấu cháo hành (âm) . Lại nghĩ đến âm dương giữa người ăn và môi trường; mùa hè thời tiết có dương nhiều nên khi ăn có canh chua (âm) hoặc hải sâm (âm) ; mùa đông thời tiết có âm nhiều nên ăn thịt nướng. Ta có câu : "mùa hè ăn cá sông, mùa đông ăn cá biển" Quân bình trong âm dương còn thể hiện qua điếu thuốc lào, thuốc lá phơi và đóm lửa (dương) hít một hơi cho khói qua nước lã trong bình (âm) để hơi khói thuốc vào cơ thể, nguồn hút có cả dương và âm, không kể nước đã lọc bớt chất nicotine có hại cho buồng phổi. Chẳng những cân đối về âm dương mà còn hàn nhiệt nữa: thịt vịt hay thịt cá trê - hàn - thì chấm với nước mắm gừng - nhiệt. Cách ăn của người Việt Nam khoa học vì phù hợp với nguyên tắc âm dương tương xứng hành nhiệt điều hòa. Ngoài ra trong một món ăn thường đã có chất bột, chất thịt, chất rau làm cho sự tiêu hóa được dễ dàng.

3- Ăn dân chủ : Trên bàn dọn bao nhiêu thức ăn, nhưng chúng tôi có thể những món chúng tôi thích, hoặc phù hợp với vấn đề bảo vệ sức khỏe của chúng tôi. Ăn ít hay ăn nhiều thì tùy theo sức chứa bao tử của chúng tôi, chớ không phải ăn những món không ăn được, hay là ăn không nổi. Như vậy cách của người Việt Nam rất dân chủ. Anh bạn người Pháp thích chí cười to : ăn toàn diện, chúng tôi chưa nghĩ đến là về thính giác, ăn mà nghe tiếng động là vô phép nên ăn bớt ngon. Ăn khoa học, thì chúng tôi chỉ nghĩ đến calory mà không biết âm dương và hàn nhiệt. Còn ăn dân chủ, thì hoàn toàn thiếu sót vì đến nhà chúng tôi có một thực đơn mà mỗi người một đĩa, ăn không hết sợ vô phép nên nhiều khi không ngon lắm hoặc quá no cũng phải cố gắng ăn cho hết. Tôi xin hoàn toàn hoan nghinh cách ăn của người Việt Nam. 

Về cách ăn uống Việt Nam lại có thêm :

4- Ăn cộng đồng: Thức ăn đầy bàn mà có một nồi cơm, một tô nước mắm để mọi người cùng xới cơm và chan nước mắm ở một nơi.

5- Ăn lễ phép: Con lớn lên đã theo học ăn, học nói, học gói, học mở. Học ăn là trước nhứt, khi ăn phải coi nồi, ngồi coi hướng.

6- Ăn tế nhị: Ăn ớt cử cách cắn trái ớt, có khi phải ăn ớt xắt từng khoanh, ớt bằm, ớt làm tương. Nước chấm nhứt là ở miền Trung rất tinh tế ăn món chi phải có nước chấm đặc biệt : bánh bèo, bánh lá, bánh khoái đều có nước chấm khác.

7- Ăn đa vị: Một miếng nem nướng đã có vị thịt, riềng, muối, tỏi, hành cuốn vào bánh tráng lạt lạt, có chút bún, rau thơm, ớt (cay), chuối sống (chát), khế (chua), tương (ngọt, mặn cay) có pha hột điều hay đậu phộng xay (béo). Ăn có năm vị chánh : ngọt, mặn, chua, cay, béo, có cả ngũ sắc đen (tương), đỏ (ớt), xanh (rau), vàng (khế chín), trắng (bánh tráng, bún). Ăn một miếng mà thấy 5 màu, lưỡi nếm 5 vị và có khi hơn thế nữa.

Một lần khác, các phóng viên muốn biết Việt Nam và Trung Quốc nấu ăn có khác nhau như thế nào?. Tuy không phải là một chuyên gia về nghệ thuật nấu bếp, nhưng tôi cũng phải tìm câu trả lời thế nào để cho các nhà báo bằng lòng. Tôi mới nói rằng, tôi không đi vào chi tiết nhưng chỉ đưa ra ba điểm khác nhau trong cơ bản.

1/- Cách dùng bột: Người Việt Nam thường dùng bột gạo trong khi người Trung Quốc thích dùng bột mì, cho nên Việt Nam có phở, hủ tiếu, bún thang, bún bò, bún riêu; mà người Trung Quốc thì chuyên về mì nước, mì khô, mì sợi nhỏ, mì sợi lớn, mì vịt tiềm. Người Việt làm bánh đùm, bánh xếp, bánh cuốn, bánh hỏi; người Trung Quốc thì bánh bao. Chả giò người Việt Nam cuốn bằng bánh tráng bột gạo; còn người Trung Quốc thì cuốn tép trong bánh bằng bột mì.

2/- Nước chấm:

Nước chấm cơ bản của người Việt nam là nước mắm là bằng cá; còn nước chấm của người Trung Quốc là xì dầu làm bằng đậu nành.

Người Việt thì thường pha mặn ngọt; người Trung Quốc thích chua ngọt.

 a/- Về rau : người Việt tuy có ăn rau luộc, hay xào; nhưng thích ăn rau sống, rau thơm, mà người Trung Quốc không ưa ăn rau sống, cải sống, giá sống.

b-/ Về cá : Người Trung Quốc biết kho, chưng, chiên như người Việt Nam. Nhưng người Trung Quốc có cá mặn không làm mắm như người Việt. Có rất nhiều cách làm mắm và ăn mắm: mắm thái, mắm nêm, mắm ruốc, mắm tôm v. v. . . Các nước Đông Nam Á cũng có làm mắm nhưng không có nước nào biết làm nhiều loại mắm như người Việt.

c/- Về thịt : Người Trung Quốc biết quay, kho, luộc xào, hầm như người Việt, mà không biết làm nem, bì và các loại chả như chả lụa, chả quế v. v. . .

d/- Người Trung Quốc ít có phối hợp nhiều vị trong một món ăn như người Việt. Khi chúng ta ăn một món ăn như nem nướng thì có biết bao nhiêu vị: lạt lạt của bánh tráng, bún, hơi mát mát ngọt ngọt như dưa leo, và đặc biệt của giá sống trộn với khế chua, chuối chát, ớt cay, đậu phộng cà bùi bùi, và có tương mặn và ngọt. Người Việt trong nghệ thuật nấu ăn rất thích lối đa vị và tất cả các vị ấy bổ sung cho nhau, tạo ra một vị tổng hợp rất phong phú. Cái ăn chiếm phần khá quan trọng trong đời sống của chúng ta.

Khi dạy dỗ một trẻ em thì phải cho nó học ăn, học nói, học gói, học mở để biết ăn, nói với người ta. Ra đường phải biết "ăn bận" hay "ăn mặc" cho phải cách phải thế. Đối với mọi người không nên "ăn thua" làm chi cho bận lòng. Làm việc gì phải cẩn thận "ăn cây nào, rào cây nấy". Trong việc tiêu tiền phải biết "liệu cơm, gắp mắm" và dẫu cho nghèo đi nữa "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm". Không nên ham ăn quá độ vì " no mất ngon, giận mất khôn". Ra làm ăn phải quyết tâm đừng "cà lơ xích xụi" chạy theo "ăn có" người khác. Phải biết "ăn chịu" với người làm việc nghiêm túc thì công việc khỏi bị "ăn trớt". Không nên "ăn gian, ăn lận" hay bỏ lỡ cơ hội thì "ăn năn" cũng muộn. Trong cuộc sống nên tìm việc làm hữu ích cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước đừng để mang tiếng "ăn hại" "ăn bám" người khác. Khi đàn chơi phải biết lên dây đàn cho" ăn" với giọng ca, hòa đàn cũng phải "ăn" với nhau, "ăn ý", "ăn rơ" thì mới haỵ

Các bạn thấy chăng ? Cái "ăn" cũng khá quan trọng nên mới lọt vào một số từ ngữ của tiếng nói Việt Nam. Tuy chúng ta không như người Trung Quốc "dĩ thực vi tiên" nhưng phải có ăn mới làm nên việc vì có "thực mới vực được đạo".