22/12/2014

ĐIỀU DẠY CỦA ĐỨC PHẬT

IMG_4412.JPG

   Với luân hồi vô tận, chúng sinh dẫu mang thân phận nào vẫn đắm chìm trong đau khổ bởi tâm trạng sầu não bi ưu trước bao chuyện mất còn, trước kế hoạch bất thành, trước ước mơ đổ vỡ… Hơn thế nữa, là khi phải đối diện với thiên tai, tật bệnh, nạn chiến tranh, đói rách, tù tội, các thế lực thù địch… và tử biệt sinh ly. Những tai ương đó, chúng ta luôn tìm cách né tránh, nhưng nó nghiễm nhiên vẫn đến khi phải thời và thường ta không có sự chuẩn bị.
   Cuộc sống là sự đấu tranh vất vả để sinh tồn, để thỏa mãn tham vọng ít nhiều trong mỗi chúng ta và rồi vô thường như cơn gió lốc thổi qua cuốn đi tất cả. Chẳng có điều gì thường trụ vĩnh hằng với thời gian và nghiệp báo. Đó là nguyên do khiến nhân sinh quay cuồng trong danh lợi, tất tả cả một đời và đớn đau không dứt.
   Bóng tối của vô minh dẫn lối, những con đường lầm lạc mở ra, ta lần theo đó mà đi…chông gai, vực thẳm, sói lang, hổ báo và thác lũ bất ngờ hiện ra trước mắt. Ta không còn sự lựa chọn. May mắn thay, đức Phật ra đời. Ngài gióng lên tiếng chuông thức tỉnh, Ngài để lại kho tàng kinh điển đồ sộ và vi diệu vô cùng! Từ khi giáo lý của ngài truyền dạy trong nhân gian, tâm thức rất nhiều chúng sinh được chuyển hóa, tuệ quán khai mở. Cũng từ đó, từng đôi tay giang rộng để nâng đỡ và ban tặng yêu thương. Những vòng tay kết nối để thắt chặt quan hệ và không phân biệt người với mình. Nhờ vậy mà bao lỗi lầm được đưa ra ánh sáng, con người ta biết phục thiện, mọi oan trái dần được hóa giải, tai ương bị đẩy lùi nhường chỗ cho sự thánh thiện và hạnh phúc được nở hoa.
   Gần hai mươi sáu thế kỷ qua, dù Thế Tôn không còn, dù giáo pháp của ngài có phần mai một, nhưng ta vẫn trân quý lời dạy vàng mà ngài để lại. Và ta cũng kính ngưỡng hàng đệ tử của ngài biết bao! Hình ảnh Phật, Pháp, Tăng trở thành ba ngôi tam bảo vô giá. Vì đây đem đến bình an, đây là ánh sáng, đây là nguồn hi vọng mở được cánh cửa ra ngoài sinh tử cho tất cả chúng sinh nào biết theo đúng con đường mà đức Phật và các thánh tăng đã đi…
   Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình
   Với thân phận con người, có những lúc ta được đôi chút niềm vui. Ta xem những thứ ta cần, những nhu cầu được đáp ứng, những ước mơ, hoài bão ta có được là hạnh phúc. Mức độ hạnh phúc này nhiều hay ít tỷ lệ thuận với lòng tham chấp hay sự mong cầu nơi mỗi người.

   Xuôi theo dòng nhân sinh ta chạy tìm miếng ăn miếng mặc, mái nhà để cư ngụ, kiến thức để hiểu biết và xa hơn nữa là tiếng tăm, địa vị. Khi những điều kiện này có đủ để sống qua từng ngày, ta bắt đầu có chiều hướng mơ ước nhiều hơn. Ta mong ăn ngon, mặc đẹp, phương tiện đi lại tân thời, sử dụng các thiết bị máy móc hiện đại, nhà ở sang trọng, bằng cấp lớn, vị thế xã hội cao v.v…Ta muốn mình hơn người khác, muốn được nhiều người ngợi khen, ngưỡng mộ và tôn quý. Ngay nơi ước muốn này, cánh cửa khổ đau bật mở. Đau khổ càng tăng lên gấp bội khi những điều ta ưa thích, những thứ ta mơ tìm lên đến tầm vóc khát khao, cao vọng.
   Mọi nẻo đường đời đều thấp thoáng sự tất bật, lăng xăng. Thiếu thốn khiến ta phải cật lực ngược xuôi chạy vạy. Từ chuyện cơm áo, đến cửa nhà, đến học thức, đến danh vị, tiếng tăm… hễ khiếm khuyết thứ gì cũng tạo cho ta cảm giác như mình là kẻ thương tật. Tật nguyền là một nỗi đau khủng khiếp, nó dày xéo thể xác lẫn tâm hồn ta. Những dấu đau đó tưởng chừng như bất tận, bởi vết tích này chưa lành dứt thì một lưỡi dao khác cứa vào. Đây là bản chất cuộc sống của chúng sinh và nó được hình thành do tác nghiệp nơi thân, khẩu, ý. Vì ta tham nên không khi nào thấy mình đã đủ, cũng vì tham mà ta không biết sẻ chia. Rồi khi mong muốn không thành ta nổi cơn sân hận, mọi gốc cội bắt đầu từ chỗ si mê, để từ đó hành động lỗ mãng, ăn nói hồ đồ, nghĩ điều đen tối.
   Được làm người rất khó, nên ta thấy con người quá ít ỏi so với chúng sinh vạn loài. Nhưng rồi một đời người đó ta rượt đuổi những chiếc bóng ảo hư của “cuộc đời hạnh phúc”? Nếu chẳng may ta mải mê đi trên con đường lầm lạc mà không được một ai dẫn dắt để quay về, thì khi tội lỗi chất chồng ta không đủ phước làm người nữa và sau khi thác sẽ tái sinh làm thú hay đọa vào các cõi xấu khác chẳng phải là điều hối tiếc lớn lao đó sao!
   Những khi bế tắc, khốn cùng ta thường trách trời đất, thánh thần, cha mẹ hay một ai đó. Hẳn sẽ có một hay nhiều đối tượng để ta quy đổ lỗi lầm về sự xui rủi của đời mình, nhưng chẳng bao giờ ta nhận thấy mình sai. Vì hiểu nhầm sự thật hệ trọng này nên con người ta không có cơ hội để sửa chữa những điều chưa đúng. Hơn thế nữa, họ tự tin vào bản thân nên mọi phản bác, phê bình, xây dựng, đều trở nên vô dụng. Đôi khi người có lòng góp ý, xây dựng còn bị họ xem thường, ghét bỏ, oán thù. Và khi nhân duyên hội đủ báo ứng hình thành, trong sự khổ đau cùng tột đó có người nhận ra tội lỗi của mình và biết ăn năn, nhưng cũng có người u mê cố chấp, dửng dưng trước tai họa ập đến cho mình hay bất cứ ai. Để rồi sau khi chết, họ đọa lạc vào những nơi thấp kém và phải chịu cảnh ngập chìm trong đau đớn, tối tăm triền miên không dứt.
   Dẫn dụ như các bạn trẻ, con gái thì thích se sua chưng diện, thích mốt tóc này, kiểu giày kia và tham muốn đó cuốn bước chân những bạn ấy chạy theo ma lực của đồng tiền. Sự dễ dãi, buông thả sẵn có trước những cám dỗ, nhẹ dạ đi vào từng cạm bẫy, vấn đề hư hoại của đời người nằm trong gang tấc. Con trai cũng có những đam mê không khác, nào là điện thoại đời mới đa chức năng, loại xe thịnh hành rồi phóng nhanh trên đường kéo còi, lạng lách và cảm giác hưng phấn, thích thú khi ai đó một phen hú hồn.
   Các em đua nhau để chinh phục ước muốn, thỏa mãn tâm tư tuổi trẻ bằng chính danh dự và sinh mạng của mình lẫn những người xung quanh. Một khi đã rơi vào những thú vui tai hại đó mà các bậc cha anh đá động vào sự phấn khích của các em không khéo đôi khi còn phản tác dụng. Thường thì những đối tượng như vậy không nhìn thấy, mà có nghe nói cũng không cảm nhận được mình đang đi trên con đường tội lỗi và những hậu quả đáng tiếc luôn có khả năng xảy ra, bởi vì nghiệp lực u tối đã che khuất phần sáng của tâm hồn họ…
   Người ta ưa thích tổ chức những buổi tiệc tùng và quan niệm rằng thiếu hơi men thì không thành lễ. Vậy là thỏa chí vui chơi đến quên đường về, sau đó thì ý buông lung, lời không giữ, chân tay quờ quạng, liêu xiêu, tiếp đến là ẩu đả, chém giết để lại thương tích cho nhau, đau khổ cho nhau và đưa chân vào cánh cửa tù tội. Lúc này thì uy tín không còn, thể diện bị tô đen, mọi người trở lòng xa lánh. Ta đổ thừa tại bữa tiệc hay vì rượu? Thực ra chất tố này không có hại cũng không có lợi, mà tính năng của nó tùy thuộc vào mục đích và con người sử dụng. Nó có thể dùng làm thuốc chữa được bệnh cho người này, nhưng lại là độc tố đối với người kia. Nếu lạm dụng vào nó với liều lượng quá nhiều sẽ làm cho tâm trí con người ta mê mờ, ám độn, các tập khí xấu dễ trỗi dậy và ta thường không làm chủ được tam nghiệp của mình.
   Ta hiểu vậy, nên biết hạn chế khi không cần thiết. Biết điều phục thân, tâm để làm giảm thiểu và dập tắt những dục vọng uống ăn tầm thường dễ sinh nguy hại đó. Vì ta không thấy được mình trong quá khứ, không tin mình nơi hiện tại và không biết mình ở tương lai, nhưng ta biết một điều bản lĩnh ta không có, chấp ngã và vọng tưởng thì mênh mông nên tập khí xấu và nghiệp lực xấu chắc chắn sẽ dẫn dắt ta đi vào nẻo tối. Vậy chẳng phải chính ta tham muốn, rồi không chế ngự được bản thân làm dấy động ác tâm và đưa tới những duyên bất thiện đó sao?
   Một gia đình bất hòa, vợ chồng thường xuyên cãi vã. Vì ai cũng thấy mình đúng và muốn triệt buộc người kia phải thuận theo ý mình. Sự cố chấp, không biết thông cảm, không đồng chí hướng và không biết lắng nghe nhau là nguyên nhân của mọi mâu thuẫn. Khi xảy ra sự cố nào đó bất ổn hay con cái hư đốn, ông bảo tại bà thế kia, bà nói tại ông thế nọ, cuối cùng không ai có lỗi mà nguy cơ đổ vỡ gia đình lại gia tăng. Không sai mà sự thể trở nên như vậy là một nghịch lý, nhưng kỳ thực chúng ta thường đòi hỏi công lý chính ngay trong nghịch lý mà mình tạo ra. Chúng ta ít khi thấy mình có lỗi và khó khăn lắm mới chấp nhận mình sai. Nguồn gốc từ bản ngã mà sinh, ta không ngờ khi tôn tạo bản ngã thì chính nó hại lấy ta.
   Có anh chàng kia say mê cô hàng xóm đến quên ăn quên ngủ. Hỏi nửa thế giới này là phụ nữ tội gì phải lụy người con gái ấy? Anh ta sẽ trả lời vì cô ấy xinh đẹp, hiền ngoan. Nhưng chẳng phải đâu dáng vẻ bên ngoài tươi tắn hay bên trong tâm hồn như một khối pha lê trong suốt sáng ngời, là động cơ sinh ra hấp lực hút chàng trai tìm đến cô gái ấy. Nếu loại trừ yếu tố điện sinh học tạo nên lực hấp dẫn giữa người nam và người nữ, thì còn lại hai nguyên do. Thứ nhất, yếu tố làm nền để chúng sinh quen biết nhau là duyên nghiệp, yếu tố thứ hai là tác ý của đối tượng, vì tai, mắt, xúc chạm của anh ta không phòng hộ nên khi đối tiếp với vẻ đẹp của cô ấy khởi sinh cảm thọ để rồi thấy yêu thấy nhớ mà thôi, chứ lỗi đâu phải tại người con gái đó đẹp. Vì thế mà các thiền sư dạy ta đối cảnh vô tâm là vậy.
   Người học trò tiêu biểu của trường không đậu vào đại học. Điều này khó chấp nhận, nhưng khi xảy ra chuyện ta cho rằng do học tài thi phận, ông trời đã định như vậy, còn cậu học trò là vô can. Có trời đất nào làm tổn hại chúng sinh đâu. Nếu có tác động của thánh thần đi chăng nữa cũng là thuận theo nhân đã tạo của chúng sinh đó mà thôi. Chẳng hạn như em học sinh này có mày mò, siêng năng học hỏi, có bỏ tài vật giúp người khác phương tiện học hành, nhưng cũng có giai đoạn làm điều ngăn trở sự nghiệp của ai kia, khởi tâm ganh ghét sự đỗ đạt của ai đó thì thuận theo nhân đã gieo, quả thông minh sáng suốt được hưởng ở đời này, đồng thời đường công danh cũng ở đời này gãy gánh. Chúng ta không thể làm bài tốt mà bị giám khảo đánh rớt được. Nhưng một học trò ưu tú vẫn có khi sơ suất trong kỳ thi cử.
   Có thể vì áp lực tâm lý, vì căng thẳng, vì chủ quan… rất nhiều nguyên do để đánh gục lòng kiêu hãnh của một con người không biết giúp đỡ, chia sẻ vốn có của mình cho ai, hay khởi tâm ganh tị, chống đối, phá hoại những ai có thành tích xuất sắc hơn mình. Sở dĩ ta không được thỏa nguyện trong cuộc sống vì lòng ta nhỏ hẹp, ta đã làm điều gì đó đưa đến kết quả gói ghém vận may của mình trong “chiếc lồng ích kỷ lớn lao”. Nếu ta biết nhường nhịn, biết chấp nhận thua thiệt, biết thấy mình bé nhỏ, ta sẽ được nhiều hơn những gì mình đã cho đi.
   Tại sao có người dễ tìm được việc làm, nhưng một số khác lại trầy trật mãi cũng không đâu vào đâu. Thế là bảo tại số đen đủi, bấp bênh, tại năm xui tháng hạn, tại khi sinh ra bị phải ngôi sao xấu chiếu vào tướng mệnh. Người ta vì chưa hiểu nhân quả, chưa tin có luân hồi, không nhớ và không thấy được quá khứ lâu xa, càng không kiểm soát để nhận định những việc làm và ý nghĩ của mình nơi hiện tại, mù mờ đến mê tín đặt niềm tin vững chắc vào tướng số. Thử hỏi trong một khắc giây đó có bao nhiêu đứa bé được sinh ra và thực tế mỗi em bé đều có một cuộc sống, một quan điểm, một phần số khác nhau. Thế mà, ta cứ đua nhau đi cúng sao giải hạn. Thay vì đi làm những công đức lành và khuyến khích những người khác cùng làm, ta lại ì ạch ra đó thở ngắn than dài trách cho phận mỏng phúc bé.
   Có tiếng tăm, danh vị là đỉnh cao mơ ước của nhiều người. Nhưng trong xã hội này, thành tựu được điều đó là một con số vô cùng ít ỏi. Chúng ta sẽ nhìn họ và nói gì? Người tốt thì tin họ có năng lực và giàu phước đức, kẻ xấu thì buông lời ganh tỵ chê bai rằng chẳng qua những con người đó nhờ may mắn chứ tài cán chẳng là bao. Khi ủng hộ, mừng vui trước sự thành công của người, khi biết hi sinh để vun đắp và nể trọng người có uy đức, địa vị là ta đang tạo nhân lành cho việc thọ hưởng danh tiếng, chức sắc ở mai sau.
   Được nhiều người yêu mến là căn bản của cảm giác hạnh phúc. Vì không ai muốn mình đau khổ nên ai cũng khao khát được yêu thương. Nhưng có ước vọng nào tự dưng sẽ thành hiện thực nếu ta chẳng ra công gắng sức dựng xây. Nếu ta sống mà chỉ biết mình, chỉ nghĩ làm sao để giành về cho mình ưu thế, ta không biết trao tặng, dâng hiến, hi sinh, sớt chia và nhân nhượng thì mọi lối thoát đều đóng lại. Tại sao ta cần những lối thoát? Vì thế gian là một cõi sống đều do tứ nhân tương tụ.
   Vạn sinh linh không ngoài vòng dây buộc ràng này. Từ gia quyến lục thân đến kẻ quen người lạ ta gặp nhau chỉ để trả nợ, đòi nợ, trả ơn và báo oán. Đó là nguyên cớ để sản sinh ra muôn vàn tình cảnh éo le nan giải, mà ta cần những con đường mở để chuyển đổi tốt đẹp hơn lên. Ở nơi đây, trong lúc này chúng ta cần những trái tim đồng nhịp, từng đôi vai kề sát và bao bàn tay nắm lấy nhau để biểu hiện lòng cảm mến và yêu thương nhau chân thật. Nếu tình yêu càng chan hòa, rộng mở, càng sâu sắc và bền chặt bằng cả cuộc đời mình, ta đã cho đi thì chắc hẳn rất nhiều đời ta đến đâu cũng được người người yêu mến. Ta được riêng tặng điều gì bởi vì ta đã biết hiến dâng cho thế gian điều ấy.<
   Khi nguyện vọng đã thành, những đóa hoa hạnh phúc đã kết, ta muốn nó có mặt thường hằng trong suốt hành trình cuộc sống của ta. Nhưng nếu đi trái quy luật buông ra sẽ được, nắm chặt sẽ mất thì mọi phúc báo ta có được ắt hẳn sớm muộn cũng tiêu tan. Vì thế mà tiên tổ ta từ xưa không những răn dạy con cháu cách tạo phước điền mà còn nhắc nhở chúng ta phải luôn tăng trưởng lòng từ để rộng rãi gánh khổ chia vui. Đồng thời, phải biết tri ơn rất nhiều ân đức trong trời đất, phải biết khiêm nhường và cung kính để tích dành phúc đức đến mai sau. Những tốt những xấu đều do chính ta dựng lên hay đạp đổ, ta đừng hoài công cầu cạnh, mong chờ vào một thế lực nào khác và cũng đừng trói buộc trách nhiệm cho bất cứ ai.
   Vô số hiểm nguy trên vạn nẻo đường đời, những rủi ro, bất trắc, các tệ nạn, chiến tranh, tật bệnh, ly tan… hay kẻ ghét, người oán làm cho ta muộn phiền, đau đớn. Từng lo sợ khi phải đối mặt với những nguy khó đó triền miên trong cuộc sống quá đỗi mong manh của con người. Ta luôn thấy mình là nạn nhân để phải hứng chịu mọi tai họa từ đâu đâu ập đến, chỉ bởi vì ta không biết mấu chốt của khổ sinh ra từ tham. Lòng tham không toại nguyện, ta khởi tâm sân hận với những nguyên cớ có dấu hiệu cản trở. Cũng bắt đầu từ cái trí như mặt trời bị mây che tạo thành một vùng u tối ám độn, ta mê muội lầm lạc chạy theo vọng tưởng để đắp cho đầy những điều chóng sinh chóng diệt ở thế gian.
   Trong cuộc đấu tranh sinh tồn của vô vàn lần sống ta đã tạo ra không biết bao nhiêu là oan trái, hận thù. Nhưng chẳng có kẻ thù nào đáng sợ bằng chính ta. Với ý nghĩ kiếp này qua kiếp khác ta sinh ra chỉ để làm nô lệ cho mình, ta đã tin mình, vun đắp cho mình, bảo vệ mình và không thấy mình sai. Ta mặc nhiên để cho mọi tham vọng chi phối, đến khi thất bại ta oán hờn, trách móc người này kẻ kia. Phải chi ta hiểu bản chất của các pháp, ta biết sống vừa chừng, sống vị tha, cầu tiến và buông xả thì đau khổ nào chiến thắng được ta?
   Ta đến nơi đây mang theo dấu vết của luân hồi, cho nên những điều bất như ý có thể cấu thành không rõ nguyên nhân là do đời nào đó ta đã từng sống làm đau lòng người khác. Tuy là vậy, nhưng nếu trong đời này ta biết điều phục thân tâm, phòng ngự các căn khi tiếp xúc với các trần thì ta sống an ổn, không còn một kẻ thù nguy hiểm nào rình rập sự sơ hở của ta nữa.
   Hãy lấy mình làm chỗ nương tựa cho mình, hãy quán xét mình để biết mình đã sống ra sao. Đừng nhọc nhằn nhìn ra bên ngoài để theo dõi từng hành động và đọc ý nghĩ nơi người khác. Không ai làm thương tổn ta bằng chính ta đâu. Ta buộc mình vào những múi gút khó gỡ và tìm cách kết tội người khác là một cái sai nghiêm trọng, nếu không kịp thời phản tỉnh, thì ta mãi sống chung với thế lực thù địch lớn mạnh trong tâm và tạo ra không ít khổ sở cho đời ta qua ức kiếp luân hồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét