16/01/2016

TÔN GIẢ A NAN ĐÀ - ĐỨC THÁNH HIỀN

 Toàn Không
 
 Tôn-giả A-nan-Đà, là dòng dõi hoàng tộc, con người chú ruột của Thái-tử Sĩ-Đạt-Ta, tức là em họ của đức Phật. Tôn-giả A-nan-Đà là bậc kỳ tài hiếm có trên thế-gian này, vì Ngài có một bộ óc siêu phàm tuyệt vời. Ngài nhớ được tất cả những lời đức Phật giảng dạy hàng ngày mà Ngài đã được nghe trong suốt thời gian hai mươi lăm năm làm Thị-giả cho đức Phật.
 Đức Phật xếp Tôn-giả A-Nan-Đà vào hàng các đại đệ-tử vì các điểm đặc biệt, đó là: “Sức học uyên thâm, trí nhớ vô cùng đúng, kiên trì chuyên chú cần mẫn, và khéo biết ý Phật”. Những bộ Kinh ngày nay chúng ta được đọc là do sự đóng góp của Ngài và năm trăm vị Thánh Tăng thời ấy đọc lại thành Kinh sau khi đức Phật nhập Niết-bàn chừng ba bốn tháng.
1)- A-Nan-Đà làm Thị-giả của Phật.
 Khi đức Phật trú tại thành Vương-Xá, lúc đó có rất nhiều đệ-tử Tỳ-kheo từ Trưởng-Lão trở xuống cũng trú tại thành Vương-Xá, tất cả đều ở vây quanh Phật trong Kỳ-viên Tịnh-xá, bấy giờ Ngài bảo các Tỳ-kheo:
- Các thầy nên biết, hiện nay Ta đã già rồi (Lúc này Phật đã 55 tuổi), thân thể càng ngày càng suy yếu, nên Ta cần có người chăm sóc. Các thầy hãy cử cho Ta một thầy Thị-giả, làm sao để chăm sóc Ta xứng ý, chứ không phải không xứng ý, ghi nhớ lời Ta nói mà không quên mất ý nghĩa.
 Lúc ấy Tôn-giả Câu-lân-Nhã liền đứng dậy, chắp tay hướng về đức Phật thưa rằng :
- Thưa đức Thế-Tôn, con xin được làm Thị-giả, con xin nguyện hầu hạ Thế-Tôn xứng ý, chứ không phải không xứng ý, con ghi nhớ những lời Ngài nói mà không quên mất ý nghĩa.
 Đức Thế-Tôn bảo:
- Này Câu-lân-Nhã, chính thầy tuổi đã già, thân thể càng ngày càng suy yếu; chính thầy cũng cần có Thị-giả, Thầy nên ngồi xuống đi.
 Cũng như vậy, hai mươi mốt vị Tôn-giả, hoặc Tôn-giả Trưởng-Lão lần lượt đứng dậy, chắp tay hướng về đức Phật xin được làm Thị-giả; các vị Tôn-giả đều nguyện hầu hạ xứng ý Phật, và ghi nhớ những lời Ngài giảng dạy mà không quên ý nghĩa, nhưng tất cả đều bị Phật từ chối. 
 Khi ấy, Tôn-giả Đại Mục-kiền-Liên suy nghĩ: “Đức Thế-Tôn muốn vị nào làm thị-giả, ý Ngài đặt vào vị Tỳ-kheo nào? Ngài muốn ai chăm sóc cho xứng ý, và ghi nhớ lời Ngài dạy mà không quên mất ý nghĩa? Có lẽ ta nên nhập Như-kỳ tưởng-định để quán sát tâm niệm của toàn thể đại-chúng”. Nghĩ rồi, Tôn-giả liền thực hành ngay và biết Thế-Tôn muốn chọn Tôn-giả A-Nan-Đà, vì ý Ngài đặt vào A-Nan-Đà; biết vậy xong, Tôn-giả xuất định, và thưa với đại-chúng:
- Chư Tôn-Hiền biết không? Đức Thế-Tôn muốn chọn: Tỳ-kheo A-Nan-Đà làm Thị-giả, bây giờ chúng ta nên cùng nhau đến chỗ Tôn-giả A-Nan-Đà khuyến dụ thầy ấy chịu làm Thị-giả.
 Bấy giờ Tôn-giả Đại Mục-kiền-Liên và các thầy Tỳ-kheo cùng nhau đến chỗ Tôn-giả A-Nan-Đà, chào hỏi nhau xong, Tôn-giả Đại Mục-kiền-Liên bảo:
- Này Hiền-giả A-Nan, thầy biết không? Đức Thế-Tôn muốn: đại-chúng Tỳ-kheo cử một thầy làm Thị-giả cho Ngài, đã có hai mươi mốt Tỳ-kheo từ bậc Trưởng-lão trở xuống tình nguyện xin được làm Thị-giả, nhưng đều bị đức Thế-Tôn từ chối, không chấp thuận. Tôi đã nhập định để quán sát, được biết đức Thế-Tôn muốn chọn Thầy làm Thị-giả, vì ý Ngài đặt vào Thầy. Ngài muốn: Thầy chăm sóc, vì Thầy xứng ý Ngài chứ không phải không xứng ý; Thầy ghi nhớ lời dạy của Ngài mà không quên mất ý nghĩa.
 Tôn-giả A-Nan-Đà nói:
- Thưa Tôn-giả Đại Mục-kiền-Liên và các vị Tôn-giả, tôi không thể lãnh trách nhiệm hầu hạ đức Thế-Tôn nổi, vì với đức Thế-Tôn khó xứng ý, khó hầu hạ, nghĩa là khó làm Thị-giả. Cũng như con voi rất hùng mạnh, kiêu dũng, sức mạnh cường thịnh, đủ ngà, đủ vóc, khó gần gũi, khó làm xứng ý, nghĩa là khó mà coi sóc. Thưa Tôn-giả Đại Mục-kiền-Liên, với đức Như-Lai cũng lại như thế, khó gần gũi, khó xứng ý, khó làm Thị-giả, vì vậy, tôi không thể làm Thị-giả được.
 Tôn-giả Đại Mục-kiền-Liên nói:
- Này Hiền-giả A-Nan: Thầy hãy nghe tôi nói, người trí nghe thí dụ liền hiểu ý nghĩa của nó. Cũng như hoa Ưu-đàm-bát-La đúng thời mới xuất hiện ở thế-gian chứ không phải lúc nào cũng xuất hiện, dù trăm nghìn vạn ức năm cũng chưa chắc xuất hiện. Này Hiền-giả: đức Như-Lai, Vô-Sở-Trước, Chính-Đẳng Chính-Giác cũng lại như vậy, đúng thời mới xuất hiện ở thế-gian; Thầy nên mau nhận làm Thị-giả của đức Như-Lai, Thầy sẽ được kết quả rất lớn, và rất tốt đẹp.
- Thưa Tôn-giả Đại Mục-kiền-Liên, nếu đức Thế-Tôn thuận cho tôi tám điều nguyện ước thì tôi mới có thể làm Thị-giả, đó là:
1) Tôi nguyện không mặc áo Cà-Sa của đức Thế-Tôn dù cũ hay mới.
2) Tôi nguyện không ăn thực phẩm do Thiện-tín dâng đến đức Phật.
3) Tôi nguyện không gặp đức Thế-Tôn không đúng lúc.
4) Tôi nguyện không ở chung cùng một phòng-thất với đức Thế-Tôn.
5) Đức Thế-Tôn hoan-hỷ chấp thuận cùng tôi đi đến nơi nào có thí-chủ thỉnh tôi đến.
6) Đức Thế-Tôn hoan-hỷ cho phép tôi được tiến dẫn những vị khách đến xin yết kiến Ngài.
7) Đức Thế-Tôn cho phép tôi đến thưa hỏi mỗi khi có điều hoài nghi phát sinh.
8) Đức Thế-Tôn hoan-hỷ lập lại bài Pháp mà Ngài đã giảng trong lúc không có mặt tôi.
 Thưa Tôn-giả Đại Mục-kiền-Liên, nếu đức Thế-Tôn chấp thuận cho tôi tám điều, gồm bốn điều nguyện và bốn điều ước vừa kể, thì tôi mới có thể làm Thị-giả được.
 Tôn-giả Đại Mục-kiền-Liên sau khi khuyên Tôn-giả A-Nan-Đà nhận làm Thị-giả, Tôn-giả cùng các vị Tôn-giả Tỳ-kheo từ giã Tôn-giả A-Nan-Đà và trở về chỗ Phật. Tôn-giả Đại Mục-kiền-Liên trình lên đức Phật về sự ưng chịu của Tôn-giả A-Nan-Đà nhận làm Thị-giả với tám điều thỉnh nguyện kể trên và xin đức Thế-Tôn chấp thuận.
 Sau khi nghe Tôn-giả Đại Mục-kiền-Liên đọc tám điều thỉnh nguyện của Tôn-giả A-Nan-Đà, đức Phật bảo:
- Này Đại Mục-kiền-Liên, Tỳ-kheo A-Nan-Đà thông minh, mẫn tiệp, dự đoán sẽ có những lời tị hiềm, như có người nói: “Tỳ-kheo A-Nan-Đà vì áo mặc nên hầu hạ đức Thế-Tôn”. Hoặc nói: “Tỳ-kheo A-Nan-Đà vì miếng ăn nên hầu hạ đức Thế-Tôn”. Những dự đoán đó là pháp-vị qúy hóa của Tỳ-kheo A-Nan-Đà, Tỳ-kheo A-Nan-Đà khéo biết thời, biết lúc nào nên đến gặp Như-Lai, lúc nào không nên đến gặp Như-Lai; Tỳ-kheo A-Nan-Đà biết lúc nào chúng Tỳ-kheo, chúng Tỳ-kheo Ni nên đến gặp Như-Lai, đối với chúng Ưu-bà Tắc và Ưu-bà Di cũng như thế; Tỳ-kheo A-Nan-Đà biết lúc nào các Sa-môn, Bà-la-Môn, Phạm-chí, Dị-học nên đến gặp hoặc bàn luận hay không nên đến gặp hoặc bàn luận với Như-Lai. Tỳ-kheo A-Nan-Đà biết thức ăn loại nào Như-Lai dùng rồi sẽ được biện tài thuyết pháp, thức ăn loại nào sau khi dùng rồi sẽ không được biện tài thuyết pháp, đó là những pháp vị đáng khen ngợi của Tỳ-kheo A-Nan-Đà.
 Do những lời chấp thuận và khen ngợi của đức Phật, nên ngay ngày hôm sau Tôn-giả A-Nan-Đà bắt đầu làm Thị-giả Phật. Tôn-giả A-Nan-Đà làm Thị-giả Phật cho đến khi đức Phật nhập Niết-Bàn. Trải qua hai mươi lăm năm làm Thị-giả, Tôn-giả A-Nan-Đà theo đức Phật đi du-hóa khắp mọi nơi trên đất Ấn-Độ. Tôn-giả rất chuyên cần chăm sóc đến mọi nhu yếu của đức Phật với một lòng kính ngưỡng và tôn quý.
2)- A-Nan-Đà bị nạn Ma-Đăng-Già.
 Một hôm Vua Ba-Tư-Nặc nước Xá-Vệ, nhân ngày giỗ của phụ-Vương làm lễ trai Tăng. Vua cho sắm sửa các món ăn qúy báu và đích thân Vua đến thỉnh Phật cùng các vị Bồ-Tát vào cung thụ trai; ngoài ra, Văn-Thù Bồ-Tát được chỉ định phân chia đại chúng Tỳ-kheo đi dự cúng dàng tại một số nhà Trưởng-giả trong thành. Riêng Tôn-giả A-Nan-Đà đã được một vị ở xa mời riêng trước nên chưa về kịp để đi thụ trai cùng Tăng chúng, lúc ấy đang trên đường trở về một mình, Tôn-giả không biết việc các Bồ-Tát và chúng Tăng đều được Vua và các trai chủ mời vào thành thọ trai. Tôn-giả ôm bình bát đi khất thực theo thứ lớp từng nhà đúng theo phép khất thực. Khi lần lượt đi đến một nhà kia, Tôn-giả (vì trẻ, lại đẹp trai) bị một người đàn bà dùng bùa yêu tà chú mê hoặc cám dỗ; đang khi người đàn bà ấy còn đang cám dỗ, ve vuốt, và sắp tới giai đoạn hoại giới thể A-Nan-Đà.
 Lúc ấy Phật đã biết trước việc này, thụ trai xong, Ngài liền cùng các Bồ-Tát về ngay, có Vua, các quan Đại-Thần, Trưởng-giả, Cư-Sĩ đi theo để xin nghe pháp. Vừa về an tọa xong tại đại giảng đường, trên đầu Phật phóng ra hào quang Bách-Bảo Vô-úy, trong hào quang nở ra Bảo-Liên-Hoa nghìn cánh, trên Bảo-Liên-Hoa có Hóa-Phật ngồi kiết già thuyết thần-chú. Ngài liền sai Văn-Thù Bồ-Tát đem chú đi cứu hộ A-Nan-Đà, khi Bồ-Tát Văn-Thù đem chú đến, tà chú của dâm nữ liền bị tiêu diệt ngay, nên Tôn-giả A-Nan-Đà liền hết mê hồi tỉnh; Bồ-Tát Văn-Thù liền dẫn cả hai người về nơi Phật ngự.
 Tôn-giả A-Nan-Đà vừa về tới nơi liền đảnh lễ Phật, nức nở rơi lệ, nói lời hối hận việc xẩy ra vì do thiếu đạo lực, nên không chống trả nổi tà chú. Để có thể tu hành đủ đạo lực, Tôn-giả A-Nan-Đà khẩn khoản thỉnh cầu Phật giảng ba thứ thiền quán mà mười phương Chư Phật đã tu được thành chính giác; vì nhân duyên này, Phật thuyết cho A-Nan-Đà, Vua Ba-Tư-Nặc, Đại-chúng, Bồ-Tát nghe Kinh Lăng-nghiêm. (Trích Kinh Lăng-Nghiêm, Hòa-Thượng Thích-Duy-Lực dịch năm 1993, trang 8 và 9).
3)- Tôn-giả A-Nan-Đà đại ngộ.
 Mặc dù là một đệ-tử thông suốt giáo lý, Tôn-giả A-Nan-Đà chỉ là bậc hữu học cho đến ngày đức Phật nhập diệt, Tôn-giả vẫn chưa đắc qủa Thánh; sau khi đức Thế-Tôn nhập đại Niết-Bàn, Tôn-giả Đại Ca-Diếp là vị Tổ thứ nhất kế truyền Chính Pháp Nhãn-Tạng do đức Phật phó chúc.
 Ngày bắt đầu kết tập, chỉ có năm trăm vị A-La-Hán (Thánh Tăng) mới đủ tư cách kết tập; do đó Tôn-giả Đại Ca-Diếp cùng các vị Thánh Tăng vào động, còn các vị Tỳ-kheo chưa chứng quả Thánh, các Vua, Quan, Cư-sĩ, Nhân dân, đều phải ở ngoài.
 Tôn-giả A-Nan-Đà đã là Thị-giả của Phật, biết nhiều, nhớ giỏi, nhưng vẫn chưa chứng qủa Thánh nên cũng phải ở ngoài; một trở ngại lớn lao trong việc kết tập là mỗi vị Thánh Tăng chỉ được nghe một phần khi Phật giảng, chứ không vị nào được nghe nhiều như Tôn-giả A-Nan-Đà, nên việc kết tập có thể thiếu sót.
 Do đó, khi bắt đầu kết tập Kinh điển, Tôn-giả Đại Ca-Diếp nói với các vị Thánh-Tăng rằng:
- Tôn-giả A-nan-Đà đã là Thị-giả của Phật, ông có nhiều cơ hội gần Phật, thường hằng ngày được nghe giảng dạy. Ông lại là người có trí tuệ rất sáng suốt, mặc dù ông chưa chứng quả Thánh, nhưng hễ ông nghe Chính pháp như mước rót vào đồ đựng, không chút nào dư lại, mà cũng không vương vãi ra ngoài, nếu việc kết tập có ông tham dự sẽ tránh được nhiều điều thiếu sót.
 Đại hội Thánh-Tăng nghe Tôn-giả Đại Ca-Diếp nói thế, đều im lặng làm thinh, tỏ dấu rằng cũng hợp ý cả, nhưng không biết làm sao để ra ngoài nguyên tắc “Chỉ có Thánh Tăng mới đủ tư cách tham dự kết tập Kinh điển của Phật”.
 Cũng vì sau khi năm trăm vi Thánh Tăng vào động rồi, thì cửa động được khóa lại. Khi ấy Tôn-giả A-Nan-Đà ở bên ngoài cảm thấy tủi hổ cho thân phận vì đã nương nhờ nơi đức Phật mà được đại-chúng nể nang, cho dù có trí nhớ siêu phàm, mà chưa chứng qủa Thánh, cũng không được tham dự kết tập, thật là tủi nhục vô cùng. Bởi vì trong lúc Phật còn tại thế không chịu tinh tấn tu hành, nên mới có ngày nay tủi nhục! Nghĩ vậy, Tôn-giả không dằn lòng được sự hối thúc tu hành bèn đến gõ cửa động kêu cầu Tôn-giả Đại Ca-Diếp mà nói lớn lên rằng: 
- Trong khi đức Thế-Tôn phó chúc và truyền cái áo Cà-Sa Kim-Lư cho Tôn-Huynh (Tôn-giả Sư huynh) đó, vậy đức Thế-Tôn còn truyền pháp gì riêng cho Tôn-Huynh nữa hay không?
 Tôn-giả Đại Ca-Diếp nghe hỏi, liền cất tiếng nói lớn vọng ra:
- A-Nan!
 Tôn-giả A-Nan-Đà đứng ngoài ứng khẩu thưa:
- Dạ.
 Tôn-giả Đại Ca-Diếp liền nói rằng:
- Cây trụ cờ phướn trước cửa đổ rồi!
 Tôn-giả A-Nan-Đà không hiểu tại sao Tôn-giả Ca-Diếp nói thế với ý nghĩa gì, tại sao lại nói cây trụ cờ phướn đổ rồi? (trong khi cây trụ cờ phướn không đổ) Tôn-giả A-Nan vô cùng thắc mắc, bèn hỏi lại:
- Cây trụ cờ phướn đâu có đổ, Tôn Huynh nói như vậy có ý nghĩa gì?
 Bên trong im lặng, không thấy Tôn-giả Đại Ca-Diếp trả lời, Tôn-giả A-Nan-Đà thắc mắc không hiểu: tại sao Tôn Huynh nói cây trụ cờ phướn đổ? Rồi Tôn-giả A-Nan-Đà thắc mắc ngày thắc mắc đêm, ăn không được, ngủ không được, và thắc mắc mãi về lời nói ấy (đây là đại nghi tình, đại thắc mắc của Thiền tông mà Tôn-giả A-Nan không biết là mình đang tham thiền, tìm đọc cuốn “Pháp Môn Đốn Ngộ” của cùng tác giả). Sau bẩy ngày vẫn còn thắc mắc mê man như thế, trong khi Tôn-giả đang nghiêng mình nằm xuống về phiá bên tay phải, thì đột nhiên tỏ ngộ (Kiến tánh), và tâm tánh sáng suốt vô cùng. Liền khi ấy, như trút được gánh nặng nghìn cân, vui mừng, Tôn-giả vội vàng đến gõ cửa động xin mở cửa để vào báo tin mừng. Tôn-giả Đại Ca-Diếp biết được nói vọng ra:
- Nếu đã ngộ rồi thì tự vào, sao còn nhờ mở cửa?
 Tôn-giả A-Nan-Đà liền biến mình nhỏ lại chui qua khe cửa mà vào, rồi đảnh lễ Thánh chúng; đại hội Thánh chúng vui mừng đón tiếp Tôn-giả A-Nan-Đà đã đại ngộ, và liền cử Tôn-giả lên tòa cao ngồi trùng tuyên Kinh Giáo của Phật!
4)- Tôn-giả A-Nan-Đà làm Tổ thứ hai.
 Sau khi kết tập xong bộ Tăng Nhất và toàn bộ Đại-Tạng Kinh xong, toàn thể Thánh chúng vui mừng nhẹ nhõm vô cùng, Tôn-giả Đại-Ca-Diếp liền truyền giao chính pháp cho Tôn-giả A-Nan làm Tổ thứ hai.
 Bấy giờ vô số Bồ-Tát đến dự, có các Thiên Vương và Thiên chúng các cõi Phạm Thiên, Hóa Tự Tại, Tha Hóa Tự Tại, Đâu Suất, Diệm Ma, Đạo-Lợi, Tứ Thiên Vương đến dự.
 Cũng có các Vương và chúng của tám bộ là:
1- Đề-Bà (Deva: Thiện, hưởng phúc vi diệu).
2- Càn-Thát-Bà (Grandhava: Thần hầu Đế-Thích để ca và tấu nhạc).
3- Dạ-Xoa (Yaksa: Yểm-Quỷ giữ các cửa thành cõi Đạo-Lợi).
4- Na-Dà (Naga: Rồng giữ địa luân và các cung điện cõi Trời, làm mưa v.v..).
5- A-Tu-La (A Sura: Phi Thiên, Thần).
6- Ca-Lâu-La (Garuda: Chim Súy-Điểu, Chim Cánh-Vàng, hai cánh soè ra đến 360,000 dặm (theo quyển Nhị-Khóa Hiệp-Giải trang 278). Có 4 loại chim bằng noãn, thai, hóa, thấp sinh, bắt 4 loại Rồng noãn, thai, hóa, thấp sinh để ăn).
7- Khẩn Na-La (Kini Nara: Nghi Nhân, Nhân Phi Nhân, giống người mà có sừng, cũng là Thần đánh nhạc cho Đế-Thích).
8- Ma-Hầu La-Già (Mahoraga: Đại Phúc-Hành, đầu Rắn mình người, Thần Rắn, Địa Long Thần, Đại Mãng Thần) đến dự. (Ghi chú: Bát bộ kể trên, nhục nhãn loài người không thể trông thấy được.
 Hai bộ Thiên và Long, thần nghiệm khá nhất, nên gọi là Thiên Long Bát Bộ. Thiên Long Bát Bộ thường hầu Phật mỗi khi Phật thuyết pháp).
 Lúc ấy Bồ-Tát Di-Lạc bảo chúng hội:
- Các Đại-Sĩ, hãy khuyên các thiện nam tín nữ đọc tụng, thọ trì Tăng Nhất Tôn Pháp, giảng nói rộng rãi khiến Trời Người vâng làm.
 Khi Ngài nói những lời trên xong, tất cả hội chúng đều nói: “Chúng tôi ủng hộ triệt để, quyết không dừng nghỉ nửa chừng”.
 Tôn-giả A-Nan cũng nói:
- Nay tôi đem Tăng Nhất A-Hàm này giao cho Hiền giả Ưu Đa-La, hãy khéo tụng đọc, chớ để thiếu sót, vì bộ Kinh này nêu lên lời dạy 37 đạo Phẩm.
 Tôn-giả Đại Ca-Diếp nghe nói thế liền hỏi:
- Hiền giả A-Nan, Tăng Nhất A-Hàm lại có thể xuất sinh 37 đạo phẩm và các pháp đều do đây sinh sao?
 Tôn giả A-Nan đáp:
- Đúng thế, thưa Tôn Huynh Đại Ca-Diếp, không những thế mà chỉ một bài kệ trong đây cũng xuất sinh 37 đạo phẩm; ngoài ra nghĩa của bốn bộ A-Hàm cũng chỉ trong một bài kệ cũng đầy đủ hết lời chư Phật. Bài kệ là: 
Các điều ác chớ làm,
Các điều lành vâng làm,
Tự trong sạch ý mình,
Là lời chư Phật dạy.
 Vì sao thế? Các điều ác cấm làm là đầy đủ cấm giới, các điều lành vâng làm là đầy đủ hạnh thanh bạch; tâm ý trong sạch là tự sạch ý mình, trừ tà chấp điên đảo, lời chư Phật dạy là bỏ các ngu dốt. Thưa Tôn-huynh, người giữ giới thanh tịnh thì tâm ý của họ lại bất tịnh sao? Người mà ý thanh tịnh thì không điên đảo, vì không điên đảo nên ngu dốt diệt, ba mươi bảy đạo phẩm liền được thành tựu; đã thành đạo qủa há chẳng phải là các pháp ư?
 Tôn-giả Đại Ca-Diếp lại hỏi:
- A-Nan, tại sao lại đem Tăng Nhất A-Hàm giao phó Ưu-Đà-La mà chẳng giao cho Tỳ-kheo khác?
- Thưa Tôn-Huynh, 91 kiếp xưa, có đức Tỳ-Bà-Thi Như-Lai, Ngài đã giao phó Tăng Nhất cho Tỳ-kheo Ưu-Đa-La, lúc đó có tên là Câu Ưu-Đa đọc tụng. Rồi 31 kiếp xưa có Thi-Khí Như-Lai, cũng trao Tăng Nhất cho Ưu-Đa-La lúc ấy có tên là Mục-Gia Ưu-Đa-La tụng đọc. Cũng ở kiếp 31 ấy, lúc có Tỳ-Xá-Phù Như-Lai, cũng lại trao Tăng Nhất cho Ưu-Đa-La lúc này có tên là Long Ưu-Đa-La đọc tụng. Tôn-giả nên biết, trong Hiền kiếp này, 3 vị Như-Lai ra đời trước kia cũng đều đem Tăng Nhất trao cho Ưu-Đa-La đọc tụng như thế cả. Ngày nay có Thích-Ca Như-Lai, tuy đã nhập Niết-Bàn, nhưng Ngài đã đem hết giáo pháp trao cho Tôn-giả, rồi Tôn-giả lại trao hết cho tôi, nay tôi lại trao hết lại cho Ưu-Đa-La.
 Còn nữa, Tôn-giả nên biết, một hôm Thế-Tôn đi kinh hành trong vườn Cam-lê, lúc đó tôi thấy Thế-Tôn mỉm cười, tôi liền vái mà hỏi: “Như-Lai không cười vô cớ, xin Ngài giải thích cho sự mỉm cười vừa rồi”. Phật bảo tôi rằng:
 “Ở đời qúa khứ trong Hiền kiếp này, có một vị vua tên Ma-Ha Đề-Bà, dùng chính pháp cai trị, vua có đủ bảy báu là Xe báu, Voi báu, Ngựa báu, Châu báu, Ngọc-nữ báu, Cư-sĩ báu, và Chủ-binh báu, Vua lấy đức trị dân trong thời gian lâu dài. Khi ấy, vua bảo người thợ hớt tóc rằng: “Nếu trên đầu ta có tóc bạc hãy cho ta hay”. Người hớt tóc nghe lệnh vua, qua một số năm, thấy đầu vua có tóc bạc, liền tâu vua: “Thưa Đại Vương, đầu Ngài đã có tóc bạc mọc rồi”. Vua bảo người ấy nhổ sợi tóc bạc ấy để lên tay vua. Khi vua trông thấy tóc bạc liền tự nói: “Trên đầu ta có tóc bạc là báo hiệu già sắp chết, nên ta phải xuất gia tu đạo”. Bấy giờ vua bảo Thái-tử lớn nhất là Trường-Thọ:“Con biết chăng, tóc ta đã bạc, ý ta muốn xuất gia học đạo để lià các khổ, con hãy nối ngôi ta, lấy chánh pháp giáo hóa cai trị, chớ sai lời ta dạy, vì nếu sai lời ta dạy thì sẽ ở trong khổ sở sau này”.
 Sau khi truyền ngôi, vua đến nơi thanh tịnh, cạo bỏ râu tóc, khéo tu phạm hạnh, hành 4 đẳng tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả, đến khi mạng chung sinh lên cõi Trời Phạm Thiên.
 Vua Trường-Thọ nhớ lời cha dạy, dùng chính pháp cai trị, cũng làm Chuyển-luân Thánh-Vương. Rồi cũng dùng đường lối của vua cha, khi có tóc bạc liền dặn bảo và truyền ngôi cho con trưởng là Thiện-Quán, và cũng tu hành y như vua cha, kết cục khi mạng hết cũng sinh lên cõi Phạm-Thiên.
 Vua Thiện-Quán cũng làm theo lời dạy của cha ông, dùng chính pháp cai trị, làm Chuyển Luân Thánh-Vương, cũng có bảy báu v.v...
 Tôn-huynh nên biết, Vua Ma-ha Đề-Bà khi đó đâu phải người nào xa lạ, vua bấy giờ nay là Phật Thích-Ca. Vua Trường-Thọ nay là thân A-Nan đây, còn vua Thiện-Quán lúc đó nay là Tỳ-kheo Ưu-Đa-La, đã từng nhận Vương pháp chưa từng bỏ mất, cũng chẳng dứt. Vua Thiện-Quán đã làm hưng phục lệnh vua cha, dùng chánh pháp cai trị, chẳng dứt lời vua cha dạy, vì lời dạy của phụ vương khó làm trái được; tôi quán nghĩa này nên đem Tăng-Nhất trao cho Tỳ-kheo Ưu-Đa-La. 
 Sau khi Tôn-giả Đại Ca-Diếp đến núi Kê-Túc nhập diệt định để chờ đức Phật Di-Lặc ra đời thấy thân áo bát, Tôn-giả A-Nan-Đà đi truyền Chính-Pháp khắp nơi, và hóa độ chúng-sanh rất nhiều.
 Một lần, Tôn-giả A-Nan-Đà đến tịnh-xá Trúc-Lâm thì nghe một vị Tăng tụng bài kệ rằng: 
Nếu người sống trăm tuổi,
Không thấy thủy lão hạc.
Chẳng bằng sống một ngày,
Được trông thấy tận mắt.
 Tôn-giả bèn kêu vị Tăng ấy mà bảo rằng :
- Bài kệ của thầy đọc đó không nhằm nghĩa của Phật nói. Thầy nên đọc lại như thế này mới đúng: 
Nếu ngưòi sống trăm tuổi,
Không biết pháp sinh diệt.
Chẳng bằng sống một ngày,
Mà biết pháp sinh diệt.
 Khi Tôn-giả đi rồi, Chủ trì nghe vị Tăng thưa lại, bèn nói rằng:
- Ông A-Nan-Đà già cả lẫn lộn, nên bày không trúng, đừng tụng theo mà sai lầm.
 Ngày khác Tôn-giả trở lại, cũng nghe vị Tăng ấy tụng sai lầm y như bữa trước, Ngài hỏi lại mới biết rằng thầy Chủ trì cản trở, Tôn-giả tự nghĩ: “Cái bệnh ngu si của người ta thật khó hóa độ”. Ngài liền nhập định mà cầu bậc Tôn Thánh làm chứng, bỗng đâu đất liền chấn động, ánh sáng chói lòa phát chiếu, rồi có một vị Đại-sĩ xuất hiện ngay bên vị Tăng và nói:
- Bài kệ ngươi tụng không phải ý của Chư Phật, nay gặp Tôn-giả A-Nan-Đà chỉ bảo thì ngươi phải tuân theo mới được.
 Vị Đại-sĩ nói xong liền biến mất, vị Tăng thấy vậy thất kinh, liền phát tâm cung kính mà tụng bài kệ theo lời dạy của Tôn-giả; về sau vị Tăng ấy chứng qủa thứ hai.
5)- Tôn-giả A-Nan-Đà nhập diệt.
 Về sau, một hôm, Tôn-giả A-Nan-Đà nhớ lại lời thỉnh cầu của Vua A-xà-Thế rằng: “Khi nào Tôn-giả nhập Niết-Bàn thì cho Vua hay trước”, nên Tôn-giả đi đến gặp người Thủ môn canh giữ cổng thành Hoàng-cung mà nói rằng:
- Ta là A-Nan-Đà sắp nhập Niết-Bàn, nên tới đây báo cho Vua A-xà-Thế biết.
 Quan Thủ-môn thưa rằng:
- Bây giờ Thánh-Thượng còn đang an giấc, nên chưa dám thưa trình.
 Tôn-giả bảo vị quan ấy:
- Thôi được, khi nào đức Vua thức dậy ông thưa trình cũng được.
 Nói xong, Tôn-giả từ biệt nước Ma-kiệt-Đà, rồi ngồi thuyền ra sông Hằng mà qua xứ Phệ-xá-Ly; trong khi ấy, Vua A-xà-Thế ngủ trên Long-Sàng, và Ngài đang trong giấc mộng chiêm bao. Vua mơ thấy một Bảo-Cái có treo bảy món báu vật, xem rất trang nghiêm rực rỡ, Vua còn mơ thấy có vô số người đang ngưỡng mộ lễ bái Bảo-Cái; thình lình một trận mưa gió bão đùng đùng nổi lên rất là dữ tợn, làm cho các món trân-bảo, anh-lạc đều rơi rớt tứ tung cả; Vua thấy vậy thì trong lòng kinh sợ, vì kinh sợ nên giật mình thức dậy, và lúc ấy mới biết là chiêm bao.
 Trong lúc Vua còn đang ngồi suy nghĩ điềm mộng ấy hung kiết thế nào, thì bỗng có quan Thủ-môn đến tâu trình sự việc Tôn-giả A-Nan-Đà đến cáo biệt, và đã đi đến xứ Phệ-xá-Ly để nhập Niết-Bàn rồi. Vua nghe xong liền khóc rống lên một cách thảm thiết, và Vua lập tức truyền lệnh cho ngựa xe cấp tốc thân hành đi mà yêu cầu Tôn-giả trở lại.
 Khi tới bờ sông Hằng, Vua trông thấy Tôn-giả A-Nan-Đà đang ngồi Kiết-già trong một chiếc thuyền ở giữa dòng sông, Ngài đứng nơi mé bờ sông mà đảnh lễ Tôn-giả, và kêu lớn lên rằng:
- Xin: Tôn-giả thương tình xứ Ma-kiệt-Đà mà trở lại, và xin đừng vội nhập diệt.
 Còn về Vua xứ Phệ-xá-Ly, vì một nhân duyên được nghe tin Tôn-giả A-Nan-Đà đến nước mình, nên đem binh tới bờ sông Hằng mà chực rước, nhà Vua ở nơi bờ sông bên kia, ngó qua mà lễ lạy Tôn-giả, và kêu lớn lên rằng:
- Thỉnh cầu Tôn-giả ghé qua bờ sông nước Phệ-xá-Ly chúng tôi, để tạm thọ lễ cúng dường xong Ngài hãy nhập Niết-Bàn.
 Khi thấy hai Vua đều có lòng buồn rầu quyến luyến, Tôn-giả A-Nan-Đà an ủi:
- Niết-Bàn là một cảnh an-tịnh, cứu-cánh, xin hai vi Đại-Vương đừng lấy sự sống chết thường tình mà sầu thảm. Chốc lát nữa đây, tôi sẽ độ cho năm trăm vị Tiên, và truyền trao Chính-Pháp, sau đó tôi sẽ nhập diệt tại giữa dòng sông này, để lấy lòng bình đẳng mà hóa độ.
 Tôn-giả vừa nói dứt, thì năm trăm vị Tiên ở núi Tuyết-sơn (Hy-Mã-Lạp-Sơn) dùng thần-thông mà đi trên không đến đảnh lễ Tôn-giả và thưa:
- Chúng tôi tu Tiên ở núi Tuyết-sơn đến đây, nguyện nhờ Tôn-giả A-Nan-Đà mà chứng Phật qủa, xin Ngài từ-bi độ thoát cho chúng tôi.
 Tôn-giả A-Nan-Đà nói:
- Ta đang đợi các ông đây.
 Nói xong, Tôn-giả thị hiện thần-thông làm mặt nước sông Hằng biến hóa ra một giải đất liền, mặt toàn là vàng ròng rực rỡ; Ngài bảo các vị Tiên hạ xuống mà ngồi, rồi Ngài thuyết pháp Đại-thừa cho Tiên chúng nghe, thuyết pháp xong, Tôn-giả nói:
- Các đệ-tử trước kia của ta chắc cũng sắp đến đây.
 Tôn-giả vừa nói xong, thì năm trăm vị A-La-Hán dùng thần-thông đi trên không đến đảnh lễ; Ngài liền yêu cầu các vị A-La-Hán độ cho các vị Tiên xuất gia, và thọ Cụ-túc giới; xong việc truyền Giới, Tôn-giả chọn một vị Tiên là Thương-Na Hòa-Tư đã đắc A-LA-Hán mà bảo rằng :
- Xưa đức Thế-Tôn đem Chính-Pháp Nhãn-Tạng mà phú chúc cho Tôn-giả Đại Ca-Diếp Sư huynh ta, rồi sau truyền lại cho ta. Nay ta phó chúc cho ông, vậy ông phải hết lòng trân trọng lãnh ( lĩnh ) thọ mà hộ trì, hầu ngày sau siển dương Phật-Pháp mà hóa độ cho chúng sanh; hãy nghe ta nói kệ mà ấn tâm: 
Lâu nay phú có pháp,
Phú rồi nói không pháp,
Thảy đều tự mình ngộ,
Ngộ rồi không không pháp.
 Sau đó Tôn-giả kêu vị Tiên tên Mạt-Điền Để-Ca cũng đã đắc A-La-Hán mà dặn rằng:
- Lời thụ ký trước của đức Thế-Tôn có nói: “Sau khi Như-Lai nhập-diệt năm trăm năm, thì ông phải đến nước Kỳ-Tân mà truyền Đại-Pháp, để độ thoát cho loài hữu tình”.
 Xong việc truyền Pháp và dặn dò, Tôn-giả bảo một nghìn đệ-tử trở về, rồi Ngài thu hồi thần-thông để mặt sông trở lại mặt nước như cũ.
 Vì cả hai nước đều hết lòng kính phụng và mong muốn được giữ Xá-Lợi của Tôn-giả, nên Ngài bảo các đệ tử sau khi Ngài nhập diệt rồi thì trà-tỳ, lấy Xá-lợi chia cho hai nước, cõi Trời Đạo-Lợi và Long cung; rồi Ngài ngồi kiết già trong thuyền ngay giữa dòng sông mà tịch. Khi ấy chư Thiên và Long-Vương tới lễ bái trên không, và rải hoa cúng dường; Vua hai nước và Thần-Dân hai bên bờ thấy thế thì tất cả đều qùy lễ và chảy nước mắt; các đệ tử sắp đặt việc trà tỳ và phân xá lợi để xây dựng Bảo-Tháp cúng dường đời đời. Khi ấy tôn-giả A-nan-Đà đã 120 tuổi thọ..,

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét