Mọi người thấy, hiện nay nhà sư hay chùa chiền
làm đủ thứ chuyện, như nuôi trẻ con, nuôi người già, làm từ thiện, bốc thuốc,
v.v… Những chuyện này đều tốt cả, nhưng hỏi đó có phải là mục đích rốt ráo của
tu hành hay không?
Không. Vì, nuôi dưỡng người cô quả thì giống các
cô nhi viện hay trại tế bần, làm từ thiện thì từ cá nhân đến các tập đoàn lớn đều
có, chữa bệnh thì bệnh viện hay nơi này nơi khác cũng làm. Ăn chay thì chả cứ
phải tu, nhiều người ở Âu, Mỹ bây giờ cũng ăn chay vì lý do sức khỏe; phóng sinh thì các tổ chức
bảo vệ động vật trên khắp thế giới còn làm tốt hơn nhiều.
Vậy đi tu là để sống cho tốt và thanh
thản tâm hồn? Cái
này ở nhà cũng làm được. Vả lại ở đâu mà chả phải lo sống cho tử tế; còn thanh
thản thì do cái suy nghĩ của mình thôi. Đấy là nói vậy, chứ người không làm việc
xấu ác thì tâm hồn tự thanh thản, đâu cần phải cạo tóc đi tu. Còn suốt ngày “hiến
kế” để lùa tiền cúng dường của bách tính thì có cạo đầu ở chùa tâm vẫn bất an.
Phật nói “Nước trong bốn biển chỉ có một vị, là vị mặn;
pháp của ta cũng chỉ có một vị, là vị giải thoát”. Mục đích tối cao của
Phật giáo là giải thoát. Giải thoát khỏi cái gì? Cái khổ.
Phật giáo nhìn thấy bản chất của đời sống chỉ có một màu: khổ
đau. Nghèo hay giàu, khỏe hay bệnh, nam hay nữ, sang hay hèn, trẻ hay già….tất
cả đều khổ. Và cái khổ cuối cùng là chết. Chết không phải là hết, chết là để bắt
đầu một hành trình khổ mới. Đi tu là để thoát khỏi tất cả những nỗi khổ này, mà
mấu chốt là ở chỗ đoạn dứt sinh tử luân hồi.
Tất cả những việc đã kể trên chỉ là trợ duyên, là phụ họa, muốn
đạt được mục đích thì phải Giới – Định
– Tuệ. Không Giới thì chẳng thể Định, không Định
thì Tuệ mờ tối, Tuệ đã mờ tối thì không cách chi chứng
được thật tướng của tồn tại. Vì thế, dù có từ thiện, phóng sinh, ăn chay… vạn kiếp cũng chỉ là kẻ
sống trong ảo ảnh do cái thức điên đảo của mình dựng lên, và cứ thế trôi lăn mà
không cách gì tự nhận biết được.
Đọc lịch sử từ thời Đức Phật còn tại thế, chúng ta thấy ông
cùng học trò không hề làm tất cả những việc kể trên, cùng lắm là “tùy duyên”,
tiện tay thì làm, xong là thôi và liền trở lại con đường của giới định tuệ. Các
nước theo truyền thống nguyên thủy bây giờ cũng vậy, chùa chiền không phải là
nơi để đến ngắm cảnh, du lịch hay trại tế bần. Người tu sĩ có một công việc lớn
lao phải làm, đó là dồn toàn bộ cuộc đời và sinh mạng mình vào con đường khai mở
trí tuệ để đạt đến giải thoát. Và vì thế, nhiều người đã trở thành mô phạm cho
thế gian về đức hạnh và sức mạnh tinh thần.
Đi tu là để thoát khổ, vì thế, tất nhiên nếu anh không thấy
khổ thì chẳng việc gì phải đi tu, cứ ở đời mà sống cho sướng. Oái oăm ở chỗ
không phải ai cũng biết thế nào là sướng là khổ thật sự. Để thấy Khổ (và Không, Vô thường, Vô ngã) lại cần phải
có trí tuệ.
Bài này không phải phản đối việc làm từ thiện, làm được thì tốt
thôi, tôi chỉ nói cái cốt lõi của tu hành để không lẫn lộn nó với các tổ chức từ
thiện. Đấy là chưa kể những thứ méo mó như mượn hình tướng Phật giáo và việc từ
thiện để gom tiền thiên hạ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét