18/11/2014

Chuyến đi Hà Nội - Bắc Sơn - Đình Cả - Thái Nguyên

   Chuyến đi này đã thực hiện lâu rồi. Hôm nay nhìn thấy chum phim chụp máy cơ đầy gần nắp, nản quá - bao nhiêu công sức, tiền bạc cùng những ký ức đẹp chả thể đem ra khoe cùng thiên hạ. Đành lục trong thư mục máy tính mấy ảnh để kể về một chuyến đi tuỳ hứng.
   Cũng tiếc vì thời tiết xấu nên không dám bỏ bộ máy xịn ra dùng nên dùng con G12 chụp tuỳ tiện. 
   Âu cũng là kỷ niệm.
---
   Đút chân gầm bàn mãi phát chán, thấy thiên hạ đi đông đi tây rầm rầm  - toàn máy bay tàu bò cả, mà mãi mình không "đủ tuổi" để hưởng phúc quan - Các cụ vưỡn bẩu: Đường sữa thì rót từ trên xuống (đến gần mình đã cạn khỉ nó rùi), cuốc xẻng thì phát từ dưới lên (gần đến trên đã xong việc). Thôi thì quanh quẩn gần Bờ hồ cũng ổn vậy.
   Nghe giang hồ râm ran đã lâu điểm phượt Bắc Sơn - Lạng Sơn nhưng mãi không thực hiện được, trong lòng cũng ấm ức. 
    May quá, được hôm gấu hàng xóm xin nghỉ phép được 1 ngày thế là vội vàng lên đường. 
    Lần này đổi xế, đi con mui trần - 2 bánh Lead xem em nó có đảm đương được không ? 
   Lý do chọn xế này là do bánh rộng, thùng đựng đồ lớn, lại kim xăng điện tử; thứ nữa loại xe này tương đối phổ biến nên thợ biết sửa, lốp không săm nên mình đem đồ đi tự vá được - Nhược điểm là gầm thấp, giảm xóc sau có 1 nên người ngồi sau dễ bị xóc khi đi vào đường xấu. 
   Ấy ít tiền thường hay tính quẩn vậy đó - khỉ quá.
   Ra đi khi trời còn tối của ngày đầu Đông (6h sáng):



   Đi theo đường 1A mới, mất gần 2 giờ mới tới được Mẹt (tốc độ trung bình là 50km/h) - Nghỉ ở Mẹt ăn sáng rồi lại lên đường. Ở đây có 2 lựa chọn: Từ cây xăng đầu tiên ở Mẹt đi lên:
   1. Tầm 5km, gặp ngã 3 có biển đề Cty khai thác đá Võ Nói thì rẽ trái đi vào. Đoạn này có khoảng km đầu đường tốt - bê tông, về sau đường đất, lại bị xe tải lớn chở đá băm cày nên nếu đi trời mưa thì chớ có rẽ vào. Thứ nữa, nếu gặp giờ Cty nổ mìn phá đá sẽ phải chờ  và nguy hiểm...
   2. Đi lên tầm 7km, có ngã 3 bên trái, biển chỉ đường đề Yên Thịnh 13km (hoặc hỏi dân địa phương đường đi Yên Vượng) thì rẽ trái đi vào.
   Mình chọn 2, đi Yên Thịnh. Đường này với dân phượt rất hay. Đoạn đầu thì có đoạn đường đất, có đoạn bê tông, nói chung quãng đường này tương đối xấu, tốc độ duy trì với tay lái cứng là khoảng 30km/h; đoạn sau phần lớn là đường bê tông; Đường đi quanh co, dốc khoảng 10% nhưng khi đã qua Yên Thịnh thì phần lớn có thể duy trì tốc độ 40 thậm chí 50km/h (vì đường vắng, ít ô tô, không thấy 3x hoạt động).










   Trên đường này mình gặp rất nhiều xe khách đi ngược chiều từ Bắc Sơn về các hướng như TP. Lạng Sơn, Bắc Ninh, bến xe Gia Lâm hoặc Giáp Bát... (đây có thể là thêm lựa chọn cho các bạn).
   Đi đường này, Phượt thủ thoải mái nghỉ dừng - chụp choẹt vì có rất nhiều cảnh đẹp đáng chụp. Trong đó, đoạn qua xã Hữu Liên (thì phải) là vùng bảo tồn rừng cây đặc dụng...







   Ví dụ như đình Nông Lục:









   Hoặc thung lũng dưới chân đèo Mỏ Nhài:







   Hoặc trong thung sâu:




   Từ đoạn Yên Thịnh đi vào đã thấy xuất hiện nhà sàn. Nhà sàn của dân hay của đại gia có khác nhau, nhưng đều thưng gỗ - thường thấy nhất là tầng 1 xây gạch, cột gỗ, tầng 2 là gỗ lợp ngói âm dương hoặc ngói Giếng Đáy - trên đường thấy vẫn còn nhiều lò đốt ngói âm dương bằng củi nhưng vì sốt ruột đến đích nên ko dừng chụp được.



   Đi đến Yên Thịnh, gặp ngã 3, rẽ trái đi đường Mỏ Nhài - 31km, đến ngã 3 (không biết là đâu) rẽ phải đi ra QL 1B tầm 16km. Cuối đường này, rẽ trái là thị trấn Bắc Sơn rồi. 
   Như vậy, thực chất quãng đường từ Mẹt sang Bắc sơn là con đường nối QL 1A với QL 1B (về Thái Nguyên)  dài khoảng 60km.
    Từ đây, có thể nhìn thấy đỉnh núi Là Nay có tháp viba của VNPT - đấy là đích đến của bọn mình. Đến cổng ủy ban, thấy xưởng làm gạch ngay dưới chân núi; thì rẽ vào gửi xe. Nếu có nhu cầu ăn uống thì nhờ luôn họ - họ sẽ hoặc làm cơm đem lên đỉnh núi cho bạn hoặc sẽ làm cơm trong làng Cộng đồng (tùy nhu cầu).
   Từ bãi gửi xe, đi theo con đường mòn bên trái chân núi, đến trạm hạ áp bên phải, thì bên trái là đường lên núi. Từ đó leo núi mất khoảng 30' sẽ đến đỉnh - cứ theo cột dây điện mà đi. 
   Nên xác định là vất vả đó nên các bạn phải chọn giày tốt, có gai, vừa chân để leo. Ngày có mưa hoặc sương mù thì theo mình không lên vì rất nguy hiểm - có thể có sét nữa.






   Rất tiếc là hôm bọn mình lên trời mưa và mây mù nên không dám bỏ máy xịn ra chụp (có nhóm bạn từ HN lên, đem toàn máy khủng mà cũng đành khóc trên nóc nhà Viễn thông). Hai nữa, đúng ngày dân gặt lúa nhưng luá xấu, bị sâu rày đốt nên xỉn màu, không đẹp - dân nói chỉ đem lúa này chăn nuôi là được. Vì thế ảnh phải dùng con G12 để chụp.














   Làng Cộng đồng (ảnh xấu, mờ quá thôi cứ post lên để tham khảo vậy): 






   Nghỉ ngơi, ăn cơm ở quán đối diện bến xe Bắc Sơn - Món ăn cũng tạm được, chả có đặc sản gì đâu, cơm bình dân thôi - Có vào mấy nhà hàng trong thị trấn nhưng họ có vẻ không thiện cảm với dân du lịch bụi nên chảnh lắm. Nếu đi 2 ngày thì có thể vào ăn - nghỉ ở làng Cộng đồng sẽ thuận hơn.
   Lúc về, bọn mình chọn đi đường 1B qua Đình Cả về Thái Nguyên dài khoảng 75km. Do trời mưa, bụi nên quãng đường về không dừng chụp ảnh - hơi tiếc.
   Lời cuối của bài này:   Qua trò chuyện cùng dân địa phương trên bàn rượu, mình thấy:
   Dân phượt giang hồ, ở đâu cũng vậy, nên khiêm nhường và thân thiện vì các cụ nhà ta vẫn có câu: "Đường ở miệng", hỏi han tử tế họ sẽ giúp đỡ tận tình, chu đáo và miễn phí luôn. Không nên chảnh chọe, ta đây hoặc khoe giàu, khoe dân Hà Nội... mà bị dân ghét - lúc đó thì chịu đủ đó. Có chuyện, mấy "ông khệnh" đi từ bến xe Bắc sơn đến chân núi Là Nay hết 500k (quãng đường vài trăm m), gọi cơm lên núi hết vài triệu... Thật tiếc.
   Tổng kết:
   - Tổng quãng đường đã đi:   310km (tùy điểm dừng).
   - Thời gian:   12 tiếng.
   - Tiền xăng:   160k.
   - Gửi xe ở xưởng gạch:   20k (ô tô 50k)
   - Tiền ăn sáng + ăn trưa:   100k/người (muốn sang hay hèn hơn thì tùy).
   Về đến nhà an toàn, bụi bám đầy mặt nhưng khỏe và sướng.
   Đấy, bụi và phủi rẻ vậy đó, có sức khỏe và ham mê thì vô tư đi.

   

17/11/2014

Hướng dẫn cách nấu nước lá và cách xông hơi giải cảm tại nhà

Khi nào xông? Khi bạn bị “nhiễm nước”, cơ thể cảm giác nhức mỏi, sợ gió, sợ lạnh, kèm theo sổ mũi, hắt hơi hoặc bị sốt mà không ra mồ hôi, lúc ấy nên xông.

Xông bằng gì? Sử dụng một số loại lá cây - thảo dược còn tươi, rửa sạch, nấu sôi, dùng hơi nóng tỏa ra để xông. Lá xông gồm các nhóm chính như sau:

- Lá có tác dụng hạ nhiệt như: tre, duối, chùm ruột…

- Lá có tác dụng kháng khuẩn: hành, lá hoặc củ tỏi, đu đủ, soài, ngải cứu…

- Lá có chứa tinh dầu: ngũ trảo, é tía, sả, chanh, bưởi, khuynh diệp (bạch đàn), bạc hà, húng, trầu, lá hoặc củ gừng… Tuỳ theo điều kiện từng nơi, không nhất thiết phải có đủ các loại lá theo bài thuốc; chỉ với vài loại như: lá tre, lá bưởi (hoặc chanh), lá đu đủ, sả, trầu, ngải cứu cùng củ gừng tươi là có thể có được một nồi xông.

Nấu lá xông như thế nào? Đổ nước 2/3 nồi, cho lá có tác dụng hạ nhiệt vào trước. Lúc nước gần sôi thì cho lá có tác dụng kháng khuẩn vào và cuối cùng là bỏ lá tinh dầu vào. Đừng cho tất cả lá vào nấu cùng một lượt, tinh dầu rất dễ bay hơi và như vậy sẽ làm giảm tác dụng điều trị. Cần canh lửa vừa phải, nắp nồi đậy kín, khi nước sôi trở lại 2 - 3 phút thì bắc xuống và xông ngay.

Cách xông: phòng xông cần đủ kín. Khi thấy nồi nước xông chuẩn bị sôi thì cho người bệnh cởi bỏ quần áo ngoài. Người bệnh ngồi trên một mặt phẳng, tư thế xếp bằng hoặc xếp chân sang một bên, ngẩng cao đầu, nghiêng sang một bên để tránh hơi nước nóng phả mạnh vào mặt, đặt nồi nước xông trước mặt, trùm chăn kín, rồi từ từ mở hé vung nồi cho hơi nước thoát ra, sao cho độ nóng vừa ở mức chịu đựng được.

Hít thở mạnh và sâu để hương tinh dầu vào sâu trong phế nang. Thời gian xông hơi khoảng 10 - 15 phút. Xong, mở chăn ra, lau sạch mồ hôi bằng khăn khô sạch. Có thể gạn lấy 1 chén nước trong của nồi nước xông (khoảng 50ml) cho người bệnh uống và pha thêm nước ấm vào nồi nước xông sao cho đạt 37 - 380C rồi tắm trong phòng kín gió, lau khô cơ thể, mặc quần áo sạch. Đối với bệnh nhân già yếu, có bệnh mãn tính, suy nhược cơ thể… cần phải có người phục vụ ngồi phía sau giữ vai tránh cho người bệnh khỏi ngã.

Xông xong, cần có một chén cháo giải cảm; bằng cách nấu cháo trắng múc ra chén, cho é tía, hành, tỏi sắc lát mỏng nhỏ, tiêu, gia vị vừa ăn, thêm lòng đỏ trứng gà đánh đều, ăn nóng sẽ giúp người bệnh mau hồi phục sức khỏe.

Một số lưu ý khi xông hơi: phương pháp nấu lá xông hơi có tác dụng làm người bệnh nhanh khỏi, nhưng không phải lúc nào cũng xông được. Chỉ nên điều trị xông lá trong khoảng từ 1- 2 ngày đầu bị bệnh. Lúc này, khí độc, gió độc đang nằm dưới biểu nên phương pháp xông sẽ có tác dụng mở lối cho khí độc thoát ra ngoài. Nếu cảm đã bị nhiễm sâu vào trong lúc đó không nên xông mà phải dùng các phương pháp điều trị thích hợp khác.

Không được áp dụng liệu pháp này cho người ra nhiều mồ hôi, mất nước, mất máu nhiều, chóng mặt, già yếu lú lẫn, mắc bệnh ngoài da, người bệnh nặng mới ốm dậy, bị bệnh huyết áp cao, tim mạch, phụ nữ có thai, trẻ em dưới 12 tuổi cũng không được xông.

Trong quá trình xông nếu thấy khó thở, tức ngực, choáng váng, bủn rủn... cần ngừng ngay, trường hợp bị sốc nặng phải đưa tới bệnh viện để cấp cứu. Nếu bệnh nhân bị sốt cao, co giật do nhiễm khuẩn (như viêm họng, ho, chấn thương, nhiễm trùng...) thì không nên tùy tiện xông hơi mà phải đi khám bệnh ở cơ sở y tế.


13/11/2014

27 lời khuyên dưỡng sinh của Cha Ông chúng ta đã kiểm nghiệm, truyền lại cho hậu thế

1, Ăn no không gội đầu, đói không tắm. Rửa mặt nước lạnh, vừa đẹp vừa khỏe. Mồ hôi chưa khô, đừng tắm nước lạnh. Đánh răng nước ấm, chống ê chắc răng.
2, Ăn gạo có trấu, thức ăn có chất xơ. Nam không thể thiếu rau hẹ, nữ không thể thiếu ngó sen. Củ cải trắng, sống không tốt nhưng chín thì bổ. Ăn không quá no, no không nên nằm.
3, Dưỡng sinh là động, dưỡng tâm là tĩnh. Tâm không thanh tịnh, ưu tư vọng tưởng dễ nảy sinh. Tâm thần an bình, bệnh sao đến được. Nhắm mắt dưỡng thần, tĩnh tâm ích trí.
4, Dược bổ thực bổ, đừng quên tâm bổ. Coi tiền như cỏ, coi thân như bảo. khói hun cháy lửa, tốt nhất không ăn. Chiên dầu ngâm ướp, ít ăn thì tốt.
5, Cá thối tôm rữa, lấy mạng oan gia. Ăn mặc giữ ấm, nhất thân là xuân. Lạnh chớ chạm răng, nóng chớ chạm môi. Đồ chín mới ăn, nước chín mới uống.
6, Ăn nhiều rau quả, ít ăn đồ thịt. Ăn uống chừng mực, ngủ dậy đúng giờ. Đầu nên để lạnh, chân nên giữ ấm. Vui chơi biết đủ, không cầu an dật.
7, Dưỡng sinh là cần cù, dưỡng tâm là tĩnh tại.
8, Người đến tuổi già, thì phải rèn luyện, đi bộ chạy chậm, luyện công múa kiếm; đừng sợ giá lạnh, quét sạch sân nhà, hội họa thêm vui, tấm lòng rộng mở;
9, Nghe tiếng gà gáy, đừng cố nằm thêm, trồng hoa nuôi chim, đọc sách ngâm thơ; chơi cờ hát kịch, không ham phòng the, việc tư không nhớ, không chiếm lợi riêng.
10, Ẩm thực không tham, bữa tối ăn ít, khi ăn không nói, không nên hút thuốc; ít muối ít đường, không ăn quá mặn, ít ăn chất béo, cơm không quá nhiều.
11, Mỗi ngày ba bữa, thức ăn phù hợp, rau xanh hoa quả, ăn nhiều không sợ; đúng giờ đi ngủ, đến giờ thì dậy, nằm dậy nhẹ nhàng, không gấp không vội.
12, Uống rượu có độ, danh lợi chớ tham, chuyện thường không giận, tấm lòng phải rộng.
13, Tâm không bệnh, nên phòng trước, tâm lý tốt thân thể khỏe mạnh; tâm cân bằng, phải hiểu biết, cảm xúc ổn định bệnh tật ít.
14, Luyện thân thể, động cùng tĩnh, cuộc sống hài hòa tâm khỏe mạnh; phải thực dưỡng, no tám phần, tạng phủ nhẹ nhõm tự khai thông.
15, Người nóng giận, dễ già yếu, thổ lộ thích hợp người người vui; thưởng thức thư họa, bên suối thả câu, lựa chọn sở thích tự do chơi.
16, Dùng đầu óc, không mệt nhọc, bớt lo dưỡng tâm ít náo nhiệt; có quy luật, sức khỏe tốt, cuộc sống thường ngày phải hài hòa.
17, Tay vận động, tốt cho não, phòng ngừa bị lạnh và cảm cúm.
18, Mùa hè không ngủ trên đá, mùa thu không ngủ trên phản. Mùa xuân không hở rốn, mùa đông không che đầu. Ban ngày hoạt động, tối ngủ ít mơ.
19, Tối ngủ rửa chân, hơn uống thuốc bổ. Buổi tối mở cửa, hễ ngủ là say. Tham mát không chăn, không bệnh mới lạ.
20, Ngủ sớm dậy sớm, tinh thần sảng khoái, tham ngủ tham lạc, thêm bệnh giảm thọ. Tranh cãi buổi tối, ruột như sát muối.
21, Một ngày ăn một đầu heo, không bằng nằm ngủ ngáy trên giường.
22, Ba ngày ăn một con dê, không bằng rửa chân rồi mới lên giường.
23, Gối đầu chọn không đúng, càng ngủ người càng mệt. Tâm ngủ trước, người ngủ sau, ngủ vậy sẽ thành mỹ nhân.
24, Đầu hướng gió thổi, ấm áp dễ chịu, chân hướng gió thổi, hãy mời thầy lang.
25, Không ngủ nơi ngõ hẻm, độc nhất khi gió lùa.
26, Đi ngủ không thắp đèn, sáng dậy không chóng mặt.
27, Muốn ngủ để tấm thân nhẹ nhõm, chân không hướng tây đầu không hướng đông.